Sunday, March 31, 2019

CHUYẾN VỀ THĂM DALLAS NGÀY 09-03-2019


Lương Thư Trung

Nhà văn Lương Thư Trung

Từ hồi lên Dallas dự ra mắt sách của nhà văn Nguyễn Đình Toàn do tuần báo Trẻ tô chức, kể ra tính đến nay có khoảng sáu, hoặc bảy năm, tôi chưa về lại Dallas lần nào! Thế rồi, mới đây các anh Phan Xuân Sinh, Tô Thẩm Huy và Ngu Yên lại hẹn nhau hôm nào về thăm Dallas một chuyến. Riêng tôi thì rất bận, cứ mỗi cuối tuần được rảnh thì tuần kế tiếp lại bận đưa đón các cháu đi học nhạc cuối tuần, nên khi các anh muốn đi thì tôi lại bận hoặc khi tôi rảnh thì các anh lại kẹt công việc của mình; thành ra mãi đến hôm 09 tháng 03-2019 thì bốn anh em cùng nhau về Dallas. Vì đi Dallas là đi chơi nên chẳng có chương trình gì quan trọng. Mọi việc đều do ba anh Phan Xuân Sinh, Tô Thẩm Huy và Ngu Yên sắp xếp; riêng tôi thì chỉ đi theo chơi thôi, sẵn dịp thăm anh em luôn thể.

Bảy giờ sáng, anh chị Phan Xuân Sinh chạy ngang qua nhà đón tôi; hôm thứ sáu có anh Cái Trọng Ti có hẹn ghé nhà tôi cùng đi nữa; nhưng vào giờ chót anh Ti có việc riêng gia đình bất ngờ nên ảnh không thể cùng đi được, nên anh Sinh chỉ đón có tôi thôi. Tôi theo anh chị Sinh qua nhà anh Tô Thẩm Huy cũng mất hơn bốn phút, và tới nhà anh Huy khoảng 8:00 giờ sáng. Từ đây anh Huy lấy xe nhà của ảnh và lái xe chở anh chị Sinh và tôi từ nhà anh Huy lên Dallas. Còn anh chị Ngu Yên đi xe riêng và vì anh chị Ngu Yên cũng rất bận rộn nên khởi hành trễ hơn vài giờ.

Tôi xuống Houston cũng khá lâu, nếu tính từ ngày xuống đây tháng ba năm 2006, thì đến nay đã tròn mười ba năm rồi! Vậy mà rồi khi ngồi trên xe anh Huy lái ra xa lộ xe chạy bon-bon tôi chẳng biết đường nào là đường nào; đúng là dân nhà quê thứ thiệt! Mãi cho tới khi nhìn bảng chỉ đường phía trước mặt tôi thấy xa lộ 45 về hướng Bắc, tôi mới nhớ lại là mấy lần trước mình đã đi con đường này mấy lần rồi và khí tới tượng ông Houston,  nằm bên tay mặt, thì đúng là mình đang đi về hướng Dallas.

Nhìn ngắm hai bên đường 45, với những đàn bò đang nghêu ngao trên những đồng cỏ bao la nơi này, tôi trầm trồ những chú bò hiền quá là hiền! Anh Huy đồng ý bò ăn cỏ nên hiền; mà những loài vật nào ăn cỏ đều có chung đặc tính là hiền, và anh Huy nói thêm, đông vật nào ăn thịt sống thì thường rất dữ! Vì đi đường hơi dài, phải lái xe với vận tốc tương đối nhanh, vậy mà cũng phải mất gần bốn tiếng mới tới nơi; vả lại ngồi trên xe chạy rào rào tôi dễ bị buồn ngủ, nên trên suốt đoạn đường dài ấy, tôi thường  hay gợi chuyện với anh Huy và anh chị Sinh qua nhiều câu hỏi về mọi vấn đề mà tôi biết hoặc chưa biết. Chẳng hạn như tôi nhớ lại anh Huy có dịch bài thơ ngắm trăng của Lý Bạch, nên tôi có hỏi anh Huy loài người đầu tiên có mặt trên trái đất này là ở đâu và khi nào? Hoặc một câu hỏi khác: Được biết hồi còn trẻ anh Huy xuất thân từ trường đại Học Sư Phạm Sài Gòn, và anh dạy môn Toán, nên tôi hỏi anh Huy hồi đó lần đầu anh bước vào lớp học với tư cách là một giáo sư Toán, chắc là sướng lắm nhưng anh có thấy khớp không? Hoặc, với tư cách là một kỹ sư sáng chế trong suốt ba bốn chục năm trong ngành của mình và lại là có một thời anh dạy Toán, thì những lý thuyết về toán học có bao nhiêu phần trăm được ứng dụng trong công việc sáng chế của anh nói riêng và trong các ngành kỹ nghệ nói chung? Nhiều câu hỏi lắm và dường như với bất cứ câu hỏi nào về bất cứ đề tài nào của tôi cũng được anh Huy giải đáp một cách tường tận, tới nơi tới chốn. Đặc biệt, trong toán học, anh Huy lưu ý với tôi là các định nghĩa toán học là nền tảng của môn toán học mà cũng là yếu tố quan trọng nhất để giải một bài toán khó; mà tôi mạo muội gọi đó là thuyêt chính danh; bởi lẽ định nghĩa trật là bài toán sẽ trật, không làm sao có đáp số đúng; cũng giống như tôi nhớ thiền sư Thích Nhất Hạnh hồi xưa có bài thơ:“Xin gọi giùm tôi bằng tên thật” vậy!

Đôi lúc, để cho công bằng, thỉnh thoảng tôi kể cho anh Huy và anh chị Phan Xuân Sinh nghe qua  một chút về những ngày tôi còn đi học, những ngày tôi đi thi rớt lên rớt xuống hoặc những lúc đi làm ở nơi này nơi khác với những buồn vui trong nghề công chức; đôi khi tôi lại kể cho hai anh và chị Thiên Nga nghe về những ngày giăng lưới giặng câu, tát đìa bắt lươn bắt cá khi đi ngang qua những ao nước hai bên đường Houston-Dallas mà tôi nghĩ ở những hồ ao ấy chắc cá ơi là cá! Tôi kể, ôi thôi, bất tận…

Có lẽ nhờ vây mà xe tới nhà anh chị Phạm Cây Trâm không trễ lắm. Tới nơi mấy anh em tôi gặp lại anh chị Phạm Cây Trâm đang đợi sẵn, có anh Nguyễn Xuân Thiệp tới trước, có giáo sư Trần Gia Phụng bên Toronto nữa và anh Nguyễn Văn Ba, một người bạn trẻ mà lúc nào tôi cũng quý mến! Rồi anh Trần Doãn Nho cũng vừa lái xe tới nữa. Vui quá! Anh em lâu ngày quá mới có dịp gặp lại nhau rất là mừng và mừng nhất là được biết các anh chị dù khá trọng tuổi nhưng sức khỏe còn rất tốt, là quý nhất!

Hôm nay anh chị Phạm Cây Trâm chẳng những đãi anh em món mì Quảng là món chánh mà còn thêm nhiều món khác nữa, quả là tấm lòng của anh chị dành cho anh em chúng tôi quá nhiều, chúng tôi rất cảm động!

Lai rai chơi ở nhà anh chị Phạm Cây Trâm tời ba bốn giờ chiều, mấy anh em chúng tôi cùng với anh Phạm Cây Trâm, anh Nguyễn Xuân Thiệp, anh Trần Gia Phụng, anh Nguyễn Văn Ba lái xe qua thăm nhà anh chị Trần Doãn Nho, cách chỗ anh chị Phạm Cây Trâm khoảng vài chục phút lái xe. Anh chị Trần Doãn Nho từ Boston di chuyển về đây chắc cũng được vài năm, nên mục đích chuyến đi Dallas lần này cũng là dịp để anh em Houston ghé thăm anh chị Trần Doãn Nho luôn thể. Dù đường sá xa xôi, nhưng từ hồi về đây hai năm nay, anh chị Trần Doãn Nho, nếu có dịp là anh chị lái xe xuống Houston thăm anh em chúng tôi hoài, còn chúng tôi thì chưa lên thăm anh chị lần nào!

Thú thật, tôi cũng mù tịt hổng biết thánh phố này chỗ nào là chỗ nào! Và giờ này, anh chị Ngu Yên đang trên đường đi, nên anh Phan Xuân Sinh liên lạc với anh chị Ngu Yên cứ lái xe thẳng tới nhà anh chị Trần Doãn Nho luôn thể vì giờ này cũng gần 5:00 giờ chiều rồi, nên nếu ghé nhà anh chị Phạm Cây Trâm thì hơi trễ.

Mấy anh em ở nhà anh chị Phạm Cây Trâm tới nhà anh Trần Doãn Nho trước và chờ anh chị Ngu Yên. Khoảng 6:00 chiều anh chị Ngu Yên tới. Chủ nhà, khách gần khách xa tay bắt mặt mừng rất thân ái và vui quá là vui! Đặc biệt, dường như anh chị Ngu Yên đi tới đâu không khí văn nghệ theo anh chị tới chỗ ấy. Thế là lai rai chút rượu chát, rồi Ngu Yên ôm đàn cùng chị Ngọc Phụng, anh Huy hát những bài tình ca một thời! Cảm động nhất là anh Huy hát hai bài tặng anh Nguyễn Xuân Thiệp. Tôi thấy anh Nguyễn Xuân Thiệp vừa vui vừa xúc đông với giọng hát trầm ấm cùng tấm lòng của anh Huy dành cho mình!

Trong chương trình văn nghệ bỏ túi với cặp Ngu Yên & Ngọc Phục và anh Tô Thẩm Huy, đặc biệt, anh Trần Doãn Nho cùng góp tiếng hát của anh qua tác phẩm do chính anh sáng tác làm cho không khí đêm gặp lại của những người bạn từ Boston, từ Dallas, từ Toronto, từ Houston thật vô cùng ấm cúng, vui vẻ, và cảm động!

Khoảng 11:00 giờ đêm hôm ấy, anh Nguyễn Văn Ba lái xe đưa ba anh Phạm Cây Trâm, Nguyễn Xuân Thiệp, Trần Gia Phụng về lại nhà; còn lại mấy anh em chúng tôi tiếp tục chuyện trò tới nửa đêm mới chịu chia tay đi nghỉ, vì suốt ngày ngồi lâu hơi mỏi lưng nhưng khi vào giường để ngủ thì lại rất khó ngủ vì cái vui trong lòng còn theo vào tới khuya chưa dứt!

Sáng hôm sau, khoảng 5:00 giờ sáng, ai ai cũng bắt đầu thức dậy. Rồi chị Trần Doãn Nho cùng trưởng nữ của anh chị lo nào là pha cà phê, chăm trà nóng, bánh mứt dùng điểm tâm và tiếp tục trở lại những câu chuyện hồi khuya chưa nói hết, cho tới khoảng tám giờ, để anh chị Trần Doãn Nho cùng gia đình chuẩn bị lái xe đi Denver chơi, nên chúng tôi cũng xin phép anh chị về sớm để anh chị lo sắp xếp cho chuyến đi chơi của gia đình anh chị.

Thế là, dù ở lại Dallas không lâu, nhưng qua chuyến đi vừa rồi anh em chúng tôi rất vui vì ghé thăm được anh chị Phạm Cây Trâm, thăm được anh Nguyễn Xuân Thiệp, gặp lại anh Trần Gia Phụng, anh Nguyễn Văn Ba; ghé thăm được anh chị Trần Doãn Nho và biết được anh rất vui khi an cư ở vùng đất mới này, nên sáu anh em chúng tôi gồm anh chị Phan Xuân Sinh & Thiên Nga, anh Tô Thẩm Huy, anh chị Ngu Yên & Ngọc Phụng cùng Hai Trầu khi về tới nhà rất là vui.

Chỉ có hơi tiếc một chút là lần này mấy anh em bạn già chúng tôi không gặp được các bạn trẻ trong tuần báo TRẺ, có lẽ vì các bạn rất bận bởi hôm ấy là những ngày cuối tuần, như bạn Nhật Hoàng, anh Bảo Huân, anh Hoàng Định Nam, bạn Ian Bùi & Tú, bạn Phan & Khanh, Đinh Yên Thảo (đi nghỉ Hè bên Nhật) và các bạn một thời Văn Học Nghệ Thuật Liên Mạng cùng nhóm Ô Thước của Phạm Chi Lan như các bạn Thận Nhiên, Phương, Đan …

Dallas, theo tôi, là cái nôi của tạp chí Văn Học Nghệ Thuật Liên Mạng Toán Cầu và nhóm Ô Thước của Cô Chủ Biên Phạm Chi Lan vào những năm đầu thập niên 1990; nên về đây không thể không nhớ Phạm Chi Lan và anh Nguyên Nhi, những người thân quen một thời, mà nay hai anh chị đã ở về một thế giới nào khác xa xôi lắm rồi!

Và Dallas, theo tôi, có lẽ cũng là cái nôi của tuần báo TRẺ, nơi mà những người viết trẻ rất được thành phố này ưu đãi. Thôi thì dù không  gặp lại các bạn, nhưng mấy anh em già chúng tôi không quên cầu chúc các bạn cùng bửu quyến vạn sự an lành, hạnh phúc; và đành xin hẹn lại các bạn lần tới vậy nhe các bạn!

Trước khi chia tay anh Huy, anh chị Sinh, tôi có nói với các anh chị  ấy đại khái rằng: “Đời người rồi ra tiền tài, danh vọng gì gì rồi cũng trôi qua, không còn; có còn lại chăng giữa mấy anh em mình là còn lại một chút tình thân ái vậy!”

Phải thế không anh chị Phan Xuân Sinh và anh Tô Thẩm Huy?

HAI TRẦU LƯƠNG THƯ TRUNG
Houston, ngày 12 tháng 03 năm 2019

 Từ trái: anh Trần Doãn Nho, anh Tô Thẩm Huy, anh Nguyễn Văn Ba, anh Phạm Cây Trâm, anh Phan Xuân Sinh, anh Nguyễn Xuân Thiệp, anh Trần Gia Phụng (tại nhà anh chị Phạm Cây Trâm. Trưa ngày 09-03-2019)

 
Từ trái: anh Phạm Cây Trâm, anh Phan Xuân Sinh, anh Nguyễn Xuân Thiệp, anh Trần Gia Phụng, anh Trần Doãn Nho, hình phía sau là chị Phạm Cây Trâm dù tuổi đời khá cao nhưng chị đích thân làm bánh để nấu mòn mì Quảng đãi anh em. (Chị đang sắp xếp và coi lại thức ăn trên bàn) (Trưa ngày 09-03-2019)

Anh Trần Doãn Nho mời các anh dùng trà nóng. (Từ trái anh Phạm Cây Trâm, anh trần Gia Phụng, anh Trần Doãn Nho (đứng), anh Phan Xuân Sinh, anh Tô Thẩn Huy, anh Nguyễn Xuân Thiệp, Hai Trầu) [tại nhà anh chị Trần Doãn Nho, chiều ngày 09-03-2019]

Ngu Yên, tới trễ, bắt tay chào các anh Phan Xuân Sinh, Tô Thẩm Huy (09-03-2019)

Anh chị Ngu Yên & Ngọc Phụng đang say sưa hát tồi ngày 09-03-2019. 
(Từ trái anh Phạm Cây Trâm, anh trần Gia Phụng)

Từ trái: chị Trần Doãn Nho, chị Ngu Yên (Ngọc Phụng) , chị Phan Xuân Sinh (Thiên Nga) tại nhà anh chị Trần Doãn Nho tối ngày 09-03-2019.


Ngu Yên đệm đàn Anh Tô Thẩm Huy hát tặng anh Nguyễn Xuân Thiệp tối ngày 09-03-2019. (Từ trái: anh Phan Xuân Sinh, Ngu Yên, anh Tô Thẩm Huy và anh Nguyễn Xuân Thiệp)

Wednesday, March 27, 2019

NGHỆ THUẬT


Hoàng Xuân Sơn

Arts. Source: Internet

1. cự li

chiếc tất màu hồng treo rất lâu ngoài cổng chính
ai dám lướt qua đội quân tiền vệ
không.  chỉ có nghệ thuật trên khắp mọi ngã đường
khiến chân không bước
cầu âu
ngoài vạn dặm
mùa này không còn ai sút bóng vào cự li
ngay cả những tay đồ tể
chúng tôi là nghệ thuật*
của những khoảng trống
chân giao chỉ bấm bùn
vớ đất.  tay thục thuần
cho dù thời gian cõng địa lý chạy mất hút
chúng ta sáng màu khắp mọi nơi
viền xanh ở những quãng ngừng
trên bàn thơ ngả ngớn
hãy đặt tên cho viên sỏi trùng phùng
ném vào sự tích đen


tôi bằng lòng em
khoảng cách mong manh
                                          
chùm hoa của sự thật
một người ngắt đoạn từ huy lời thống thiết
chim kêu trần tình bộ vũ
cùng giếng đời khuất duy
điểm hẹn là tiếng huýt sáo trầm trồ
nghệ thuật chúng ta trên rừng cọc nhọn
thống hợp mùa tha la


2.  chan hòa

                                                tôi đẹp như hình tôi
                                                như cuộc đời như mọi người. . .**

chúng ta là ác?  thiệt sao
(không)
ta là art giữa
trào lưu cuộc mời
bây giờ tôi vẽ tôi chơi
đẹp lên tự họa
rạng ngời châu thân
tình tự tình tự mầu nhân văn
cái art lấn ác(t) qua lằn tử sinh
nghệ thuật rao rợp bóng hình

HOÀNG XUÂN SƠN
tròng trành năm cũ 2018

*chủ đề Chúng Ta là Art, Da Màu
**thơ/nhạc Thanh Tâm Tuyền/Phạm Đình Chương


GIỚI THIỆU SÁCH MỚI



Trân trọng giới thiệu:

em cho tôi mãi nhé:
ấu thơ mình
(tuyển tập thơ 2016-2019)
tác phẩm thứ 75 của nhà thơ Du Tử Lê

HT Productions & Văn Học Press
liên kết xuất bản, 4/2019
228 trang, giá bán $18.00

Tìm mua trên Barns & Noble
Search Keywords: em cho toi mai nhe au tho minh
Hoặc bấm vào đường dẫn sau:

https://www.barnesandnoble.com/w/books/1130958616?ean=9781987055016




CÁI CÒN LẠI

Trần Hoài Thư

Nhà văn Võ Phiến

Sáng thức dậy
Pha tách cà phê
Ngồi lại trước máy
tiếp tục layout cuốn Văn viết về Võ Phiến năm 1974
Đã được 77 trang
Vừa làm vừa đọc
Ít ra công việc cũng mang đến những niềm vui trí tuệ
Trí tuệ từ cách làm sao biến những hàng chữ mờ không rõ nhòa nhạt vì quá lâu, nửa thế kỷ rồi còn gì
trở thành lung linh màu mực mới
từ color sang black and white
tử 2 color sang 16 color
Vui mừng đến muốn khóc
Khi trí nảo ta vẫn còn lành lạn
Để biết thêm về ngôn ngữ CSS, HTML5
Để vui vầy như con nít ráp Lego
Ôi trí tuệ
Có phải mình đã trút hết cho tôi cái chất xám của mình
Có phải khi mình la hét nói bậy điên rồ khùng lẩn là lúc tôi được thêm nhựa trí khôn
Để tôi biết cách nấu bánh tét, làm bánh xèo, bánh giò, canh chua đầu cá salmon, cơm tấm bì chả, khi tôi có bằng ăn chực có license vô tích sự
Ôi trí tuệ
Tôi đang mang nó vào cuốn Văn về Võ Phiến này
Tôi sẽ làm những margin đều đặn
Những vết đen được tẩy đi
Những chữ mờ được rõ ra
Tôi sẽ viết CSS custom class để làm flipbook được đẹp hơn
Để cám ơn ông
thay vì lời nói phù phiếm như sample template của mấy ông nhà báo: Nguyện cầu hương linh đước về nước Chúa Cõi Phật khi khách hàng muốn đăng tin phân ưu cáo phó
Như đoạn văn ông viết về cái còn lại của tuổi già này
Ôi bài văn quá đẹp, quá tài hoa. Nhưng thế hệ chúng tôi, thế hệ chó đẻ nhất, khác thế hệ ông. Cái còn lại của chúng tôi là MÁU- NƯỚC MẮT, TÙ TỘI, KHỔ SAI, TRÂU BÒ KHỐN NẠN.
THT


Trang  báo Văn  cũ  (trên) nay là trang văn mới. Cái còn lại  của văn chương là đây : Chữ biến thàng lóng lánh đen tuyền: