Đỗ
Hồng Ngọc
Cứ
tưởng tượng một phụ nữ Huế nhẹ như cây sậy mặc áo dài phất phơ như cánh bướm đứng
ở giảng đường một trường Đại học nào đó ở Đức dạy triết học cho... người Đức,
thì chắc là hết sức thú vị. Thái Kim Lan đó!
Hãy
nghe Thái Kim Lan nói về Hegel và Thiền: ‘’Thiền dừng lại nơi cánh cửa “mở ngõ” ấy, không khép kín và dặn đừng khép
kín, nên dừng lại nơi TÍNH KHÔNG như khả thể hội nhập thể tính đồng nhất
(unite) giữa vô thường và tuyệt đối, như một khả năng TỰ DO sáng tạo tính nhất
thể “núi nhìn ta, ta nhìn núi” nơi một chân trời đã gột rửa hết những đám mây
vô minh chấp trước vào một cái ngã ảo tưởng… nơi chân trời tuôn trào sáng tạo của
“vô danh thiên địa chi thủy”.
Hegel thì không! Hegel khép cánh cửa hiện tượng luận,
khép tròn biện chứng thành một hệ thống khoa học khởi từ một chủ thể tuyệt đối
rỗng không đã được đổ đầy nội dung khách thể, một chủ thể tuyệt đối với tính
khách quan phổ quát làm nền tảng cho khoa học. Hegel chìm đắm trong tuyệt đối của
duy tâm. Có phải Hegel là một Huệ Khả chưa giác ngộ?
Nhưng Hegel có thể trở về để gặp Thiền nơi một chung trà
nhỏ”.
Nghe
lùng bùng chưa. Nhưng triết học thì phải vậy. Điều gì đơn giản phải làm ra phức
tạp... . Vì thế mà Hegel chỉ cần một chung trà nhỏ. Nếu không thì Hegel vẫn cứ
là một Huệ Khả chưa giác ngộ.
Cái
may lớn nhất tôi nghĩ của Thái Kim Lan là đã lớn lên ở Huế, đã thấm đẫm Phật
giáo từ ngày còn thơ nên giữa một rừng triết học mênh mông, giữa một thứ ‘tánh
Đức’ kỳ đặc... thì cũng không ra khỏi bàn tay Như Lai với Nhất thiết chủng
trí...
Nhưng
bất ngờ với tôi khi đọc Thái Kim Lan là điều quan trọng lại không phải chuyện
triết học, không phải chuyện ‘’cây sậy biết suy nghĩ’’, chuyện ‘’tôi tư duy vậy
có tôi’’, chuyện phi lý, duy tâm duy vật chi đâu, bởi những chuyện đó chẳng qua
cũng chỉ để cãi nhau chí chóe, không ai chịu ai, không ai biết im lặng như Duy
Ma Cật khi nói về Bất Nhị. Điều quan trọng ở đây lại là chiếc áo dài phất phơ
như cánh bướm kia và ‘’văn phong thi vị và trong sáng’’ nọ mà Trần Văn Khê đã tấm
tắc ngợi khen:
“...người
phụ nữ Huế ấy vừa tài giỏi trong nghiên cứu giảng dạy triết học, vừa có cách viết về Phật giáo giản dị và đầy thiền vị, lại có
một văn phong thi vị và trong sáng’’ (Trần Văn Khê).
Hãy
nghe Thái Kim Lan kể về áo dài:
‘’Năm 1965, khi tôi sang Ðức du học, “gia tài” tôi mang theo là sáu bộ áo dài
bằng lụa nội hóa. Ngày khai giảng đầu tiên, tôi cùng năm nữ giáo viên khác cùng
du học đến trình diện ở trường trong những chiếc áo dài. Những đồng nghiệp ngoại
quốc dự khai giảng ngỡ ngàng khi thấy trang phục của chúng tôi. Họ trầm trồ trước
vẻ uyển chuyển thướt tha và ngợi khen đây là một trang phục rất lạ, đẹp, lịch sự
và thích hợp với dáng dấp mảnh khảnh của phụ nữ Á Ðông.
Thì
ra ‘’áo dài Việt Nam’’ đã chinh phục được xứ sở ‘’triết học’’ mà không cần phải
‘’thiệt chiến quần nho’’ chi cả, để rồi từ đó “...ÁO DÀI giúp tôi đắc lực nhất, thể hiện sức mạnh chinh phục của nó đối với
những người khách chung quanh bằng sự vững chãi và tự tin, tự chủ là người Việt
giữa muôn người.”
Khi
TKL gởi tôi tập sách Đường Về Nhà này
kêu tôi ‘’noái’’ đôi lời, tôi bất ngờ thấy có Đường sương, Đường mưa, và cả
‘’Đường phượng bay mù không lối vào’’ (TCS) mà Đường Về Nhà thì không thấy đâu
cả! Sao vậy? Vì sao mà TKL cứ loay hoay tìm kiếm đường về nhà mà vẫn không thấy đâu? Có phải từ cái lúc bứng
mình ra khỏi Huế ? hay từ cái lúc cấy mình vào một thứ thổ ngơi xa lạ kia?
Chắc
không ít lần nàng kêu lên Đi về sao chẳng
về đi/ Ruộng hoang vườn rậm còn chi không về? (Đào Tiềm), nhưng rồi cũng
không ít lần giật mình: ‘’chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà’’ (TCS). Cho nên
Ôn Từ Đàm đã nói chính xác:
“Ừ răng nghe lạ! Xác bên nớ mà hồn thì ở bên ni, nói nghe như người nằm ngủ
nói mê!”.
Ðôi khi... giữa hai điểm hẹn căng thẳng trong cái lưới nhện
của đèn xanh đèn đỏ xứ người, trong sự hối hả quay cuồng của thời gian ngộp thở
trong hệ thống máy móc công việc của Âu châu, trong sức căng thẳng trí óc với
chiếc xe hơi nhấn hết ga trong thành phố viễn xứ, bỗng dưng - vâng bỗng dưng! -
vì không có một định luật liên tưởng hoài niệm nào đang vận hành trong giây
phút ấy - bỗng dưng vọng lại bên tai mấy câu Kiều …”
Nàng
cứ loay hoay giữa đi và ở. Cứ dùng dằng như con Sông Hương không chảy trong thơ
Thu Bồn.
Thì mới đó, mấy ngày trước tôi nhất quyết năm ni sẽ ăn Tết
ở Muenchen, bộ tịch của tôi chắc mẩm, tỉnh bơ, lạnh lùng, khi rời Huế. Ấy thế
mà...
Thì đi, không nên dây dưa như những lần trước, dứt khoát
mà đi, đừng có nhớ nhung lôi thôi kiểu Huế, nhớ này nhớ nọ mất công, lòng dặn
lòng như thế, nằm nghiêng cánh gối, như chuẩn bị một thế hờ hững với mọi ngổn
ngang có thể có vài giờ sau…
Cái
gì đã giữ cô lại. Thì ra mưa. Mưa Huế. Rồi nắng. Nắng Huế. Rồi thu vàng rồi lá
đỏ rồi rêu xanh...’’ cái gì cũng làm cho tôi quyến luyến khác thường’’ (Quốc
văn giáo khoa thư).
Rồi Mạ, rồi Bà, rồi em, rồi chị... rồi Phật Đản, rồi
Vu Lan, và Tết... Ăn Tết nơi mô?
Ăn Tết ở nhà, Nơi tôi ăn Tết, Tết xưa...bao
nhiêu là tết trong Đường Về Nhà này đó vậy.
Cho nên đã mấy mươi năm ăn Tết ở Muenchen, thật ra không
phải “ăn” mà hoá ra “nhớ”. Nhưng về Huế, ăn Tết thì quả có ăn Tết thiệt, ấy thế
mà lại thiếu chút chi cái “nhớ Tết Huế” ở nơi Muenchen, tuồng như cái nhớ đã mắc
vào người, khó gỡ… Rứa là Huế - Muenchen cứ như tơ vò.
Còn cái ‘’văn phong thi vị và trong sáng’’ thì sao?
Thì này là phượng huế: ‘’Sáng, trưa, chiều, màu hoa đỏ như môi son thiếu nữ nhoẻn nụ cười tươi nhất
trên khắp các nẻo đường xứ Huế, khiến cho người Huế ở kiếp nào cũng sẵn lòng đổ
mồ hôi hột, nhễ nhại trần thân chịu cơn nắng suốt cả đời người, để được một
sáng ra đường gặp hoa, buổi trưa tình cờ thấy hoa và buổi chiều đi về với hoa
trong những ngày hè thét lửa’’.
Thì
này là thu huế:
Huế đang vào thu! Những bước đi vào mùa của Huế thật là lạ
lùng, bất chợt, làm cho mỗi giác quan của con người cứ bối rối ngẩn ngơ, không
biết đón nhận buổi giao mùa bằng một thứ tình chi cho vừa lòng kẻ đến...”
Và
cứ thế, nên những mai sau dù có bao giờ...
‘’Và cứ thế những ngày qua đi, không vội mà như có tiếng giục giã của thời
gian đang nhuộm lần sắc nhớ... Có những khi... trong cuộc
sống dồn dập ở xứ người, khoảng ngăn cách vời vợi giữa Huế và Muenchen, khoảng
thời gian mấy mươi năm hun hút chia xa tuổi học trò với tuổi mai sau...
Để rồi,một mai hễ vương gió bên này
thì lại nhớ mưa bên nớ, thấy nắng bên kia mà nhớ tuyết bên này.
Hạnh phúc ấy từ đó đọng sâu trong tiềm thức, qua năm
tháng đã trở nên những xao xuyến vô hình thôi thúc trở về trong nỗi nhớ, lắm
khi chẳng biết vì sao.
Đọc
Đường Về Nhà mà thương cho một Thái
Kim Lan bơ vơ, trăn trở, mà nghe như có tiếng thời gian chạm vào ‘’đáy đĩa mùa
đi nhịp hải hà’’ (Nguyễn Xuân Sanh)...
ĐHN
Saigon, 8.4.2018
(*) Thái Kim Lan (Đường về Nhà)
No comments:
Post a Comment