Cung
Trầm Tưởng
Những tác phẩm từ Pháp
Em T. thân quý
1
Các
văn thi nhân muôn thuở xưa đối xử có tình nghĩa với nhau theo cung cách bạn tặng
tôi mận, tôi biếu lại bạn đào.
Noi
gương tiền nhân, hôm nay anh gửi biếu em hai sản phẩm của trí tuệ (văn chương
và hội họa) anh ưa thích để đáp lại hậu ý của em đã gửi tặng anh một gói quà Tết
hậu hĩ và đầy ý nghĩa gồm một số sách quý được viết bằng một thứ tiếng Pháp
trong sáng, tinh tế, văn hoa, giàu tính hình tượng, tính thơ và tính nhạc.
Dù
đọc chưa được kĩ lắm vì thời giờ eo hẹp ba cuốn Maux à mots của Jacques Grieu,
Desir d'infini của Trịnh Xuân Thuận và Ru của Kim Thúy, nhưng nhờ gặt được
không ít câu văn lời thơ súc tích, đẹp, rất đẹp, phải gọi là tuyệt cú, nên anh
cũng có một khái niệm tổng quát khá đầy đủ và khá rõ ràng về tầm vóc và phẩm chất
của ba tác phẩm thơ văn trên: Đó là những món ăn tinh thần quý giá làm cho tâm
hồn ta phong phú hơn, cảm xúc ta tinh tế hơn và kiến thức ta cao viễn hơn.
Cuộc
sơ ngộ như vậy là một hạnh ngộ, love at first sight. Anh cần trở lại để nối tiếp
cuộc tình và cuộc vui dù mới chớm nhưng đã ngát hương này. Anh tin sẽ hái gặt
được một mùa phong nhiêu cho ham mê đọc sách của mình. Người Hi lạp thuở xưa gọi
đọc một tác phẩm văn chương là thu hoạch một mùa chữ nghĩa người viết dày công
vun trồng lên cho người đọc.
Với
niềm phấn khởi dấy lên từ cuộc gặp gỡ ban đầu đầy hứa hẹn trên, anh sẽ dành nhiều
thời gian để nhâm nhi từng chữ, từng câu, từng dòng, từng trang của ba cuốn
sách quý đó nhằm tận hưởng cái hạnh phúc thanh tao tuyệt vời- anh tin chắc như
vậy- chúng sẽ mang đến cho anh bằng vẻ đẹp ngôn từ, sự súc tích tư tưởng và
tính uyên bác của những viễn kiến giàu tình thơ của chúng.
Sự
anh vừa trình bày trên đây một số cảm nghĩ của mình về ba cuốn sách em gửi tặng
nên được hiểu ở đây như sự hồi đáp tác phẩm của một người đọc. Điều nầy chứng tỏ
tác phẩm ắt đã lôi cuốn được người đọc khiến họ phải biểu lộ cảm tình nồng hậu
của mình với nó. Nhưng, nếu nhìn theo góc độ của xã hội học văn học, tức khoa
chuyên cứu về sự tương tác qua lại lẫn nhau giữa người đọc và tác phẩm, người đọc
không chỉ đơn thuần bị tác phẩm tác động đến như trên mà còn có khả năng, và có
quyền, tác động lại đến tác phẩm như sau đây.
Kể
từ lúc nó xuất hiện ra ngoài ánh sáng, tác phẩm là một đợi chờ ngóng nghe hồi
âm từ phía người đọc, đặc biệt là những người đọc chuyên nghiệp, tức những nhà
phê bình văn học. Nói rõ hơn, kể từ lúc đó số phận của tác phẩm không còn do tác
giả của nó mà do người đọc định đoạt. Sự im hơi bặt tiếng của họ có nghĩa nó rốt
cuộc chỉ còn đơn thuần là một hiện hữu ở đó, có cũng như không- một hiện hữu thừa,
vô ích. Với tư cách là kẻ quyết định sự sống còn của tác phẩm, người đọc giữ
vai trò chủ thể trong mối quan hệ của họ với tác phẩm; còn tác phẩm với tính
cách là đối tượng của quyết định đó thì giữ vài trò khách thể.
Tuy
nhiên, thái độ đối xử nồng nhiệt hay lạnh nhạt của người đọc với tác phẩm vì tuỳ
thuộc vào phẩm chất của nó, mà cái này thì lại tùy thuộc vào tài năng của tác
giả của nó, nên người đọc từ là một chủ thể nay trở thành một khách thể; còn
tác giả- tác phẩm với tư cách là người tác động đến thái độ đối xử của người đọc
thì giữ vai trò chủ thể trong mối quan hệ của họ với tác phẩm.
Đọc
với tính cách là một hành vi thưởng ngoạn là mang tác phẩm nhập vào hồn mình, tức
chiếm hữu nó, tức tách nó khỏi sự sở hữu của tác giả. Đọc như vậy là một hành
vi truất hữu. Thoạt nghe điều này người ta có thể nghĩ ngay đến một cưỡng đoạt
thô bạo. Nhưng sự thực thì lại khác hẳn: sự truất hữu diễn ra như một chuyển
giao êm ái, hòa nhã quyền sở hữu tác phẩm, với sự kính trọng người bị truất hữu
của người truất hữu và với sự đồng tình mặc thị của người bị truất hữu.
Tuy
nhiên, dù cho người đọc có muốn bóp méo, hiểu lệch ý nghĩa của tác phẩm đến đâu
đi nữa để thỏa mãn nhãn thức của mình, họ cũng không thể tước đoạt cái văn phong
của tác phẩm. Bởi cái này là thứ DNA, đường vân tay, sở hữu sinh học bất khả xâm
phạm của tác phẩm và là linh hồn ngôn ngữ độc đáo của tác phẩm. Vì vậy, người đọc
chỉ có thể chiêm ngưỡng nó từ bên ngoài hoặc bắt chước nó, nhưng cách viết bắt
chước của họ dù hoàn chỉnh đến đâu cũng thiếu cái thần của tác phẩm.
Trên
đây, anh vừa đề cập đến sự chuyển giao quyền sở hữu tác phẩm từ tay tác giả
sang tay người đọc diễn ra êm ái, hòa nhã và trong tinh thần tương kính lẫn
nhau giữa hai bên.Thiết nghĩ mối quan hệ thanh cao phát sinh từ tình yêu nghệ
thuật giữa tác giả và người đọc này nên được coi như một mẫu mực cho mối quan hệ
qua lại lẫn nhau giữa người với người đang trải qua một cuộc khủng hoảng nghiêm
trọng gây ra bởi sự lệ thuộc thái quá vào những phương tiện kĩ thuật cao và thế
giới ảo của con người hiện đại khiến cho họ ít nhiều trở thành một phần tử phi
xã hội và cảm thấy hoặc lạc lõng, hoặc khó chịu, hoặc dị ứng khi phải giao tiếp
mặt đối mặt với tha nhân.
Trong
trường hợp tâm bệnh của đương sự phát triển thành một bệnh hoang tưởng trầm trọng
hay chứng sợ gặp người mãn tính- chronic social phobia,- hắn thoái hóa thành một
thứ zombie ưa sống trong cái khí hậu lạnh như nhà xác của một thế giới ma ảo tạo
nên bởi những tên phù thủy siêu khôn, ma mãnh, lãnh cảm, xi ních, ái kỉ, quy
ngã, ham tiền sính lợi, chuyên làm bạc giả, loại ảo tệ tẩm mông dược hóa đám
công dân mạng đen, tức những tín đồ của một tà giáo lấy chuột làm vật tổ, thành
những kẻ miên hành trong một thế giới bị cào bằng san phẳng bởi cái ngông ma
quái của lũ phù thủy đó.
Nghĩ
cho cùng, mọi tiến bộ của loài người chung quy đều đồng quy vào lợi ích và hạnh
phúc của con người. Nói cách khác, chúng đều cùng chung một hướng đích nhân bản,
với từ nhân bản được hiểu ở đây theo nghĩa con người là trung tâm của vũ trụ.
Riêng về mặt hạnh phúc của con người, cái này bị chi phối bởi một quy luật có
tính tiên đề là một cá nhân không thể yên vui khi thiên hạ quanh hắn không yên
vui. Vì vậy, mối quan hệ giữa người với người được đặt lên hàng đầu như một phạm
trù nhân bản quan yếu. Nhưng cái văn hóa văn minh hiện đại, chủ yếu được tạo
nên bởi sự phát triển vượt bực của khoa vật lý lượng tử và nền công nghệ số, lại
làm hỏng quan hệ đó thay vì cải thiện nó. Bởi sản phẩm của cái văn hóa văn minh
này làm ra là con người hiện đại tật nguyền trên; và với một bên đối tác như vậy,
làm sao mối quan hệ giữa người với người có thể lành mạnh và tốt đẹp được.
Nói
chung, chúng ta đang sống trong một kỉ nguyên của sự vong thân con người trên
quy mô toàn hành tinh. Nguyên nhân của sự vong thân này là sự lệ thuộc thái quá
như đã nói sơ qua ở trên vào những phương tiện thông tin số- digital
information- và thế giới ảo của con người hiện đại hóa họ thành một động vật điện
tử. Với tư cách này, họ cảm thấy hẫng và lạc loài khi phải rời dù chỉ trong
mươi phút cái thế giới ảo, và ma ảo, của những Facebook, Apple, Amazon, Google,
và còn gì nữa.
Sự
phân tích xã hội học văn học trên cho thấy mối quan hệ qua lại lẫn nhau giữa
tác giả- tác phẩm và người đọc là một vấn đề không đơn giản, đặc biệt là khi đối
tượng của sự đọc là một tác phẩm lớn.
Một
tác phẩm lớn được hiểu ở đây như một cống hiến lớn của tác giả cho đời. Với tư
cách này, nó chờ đợi ở người đọc một đối xử tương ứng. Cách đối xử chu đáo nhất
là đọc nó kĩ càng, đọc đầu đuôi ngọn ngành, đọc đến nơi đến chốn, đọc tận tình
bằng dồn cả tâm lẫn trí vào việc đọc nhằm nắm thấu đáo ý nghĩa cái thông điệp của
tác giả gửi cho người đọc thông qua tuyệt tác của mình. Đọc như vậy là một đáp
lễ phải phép, cách đối xử mận đào, sự trả ơn chu đáo cho tác giả, người đã tặng
cho ta-một người đọc vô danh- một công trình trí tuệ tầm vóc khiến nhân sinh
quan ta sâu sắc hơn, thế giới quan ta cao viễn hơn, đồng thời còn dấy lên trong
ta một niềm vui lâng lâng kì diệu.
Tuy
nhiên, nếu chỉ nhằm một mục đích duy nhất là giải trí, đọc như vậy là một thiếu
sót lớn đối với công lao và thiện chí của tác giả. Thiết nghĩ cách trả ơn trọn
vẹn nhất, tích cực nhất là biến chữ nghĩa của tác phẩm thành hành động ý nghĩa
của mình nhằm thực hiện cái thông điệp nhân bản rực rỡ của tác giả gửi cho mình
thông qua tuyệt tác của tác giả. Đọc như vậy thì xứng đáng được gọi là một nghệ
thuật đọc có văn hóa. Đọc bằng một trái tim có trí tuệ và với một trí tuệ có
trái tim. Đọc với một tình cảm tri ân và bằng tâm hồn điệu nghệ của một du tử
rong chơi trong cõi chữ.
Cám
ơn em đã có mĩ ý gửi tặng anh những trái mận Tết đầy hương vị.
Đời
đẹp và dễ thương biết bao khi người ta có với nhau một giao tình đẹp như giao
tình mận đào của các văn thi nhân thuở xưa!
2
Cái
lạnh bắc cực- có lúc xuống tới -40 độ C vì hàn phong-windchill- của mùa đông
Minnesota năm nay làm cho người ta dại đi, lãng đãng như một kẻ mộng du. Cơn
say lạnh, gây nên bởi sự giảm thân nhiệt dưới mức bình thường mà không có các
hoạt động phản xạ bảo vệ như run, đến một lúc nào đó sẽ làm cho người ta không
còn cảm thấy lạnh nữa. Sự vong thân thể lí này mở đầu cho một tiến trình thoái
năng, tắt lịm dần trong mê mụ vào cõi chết nếu nạn nhân không được cấp cứu đúng
lúc.
Về
mặt tâm lí, một bộ phận cấu thành của hội chứng mùa đông là nỗi cô đơn gây nên
bởi cái lạnh cắt ruột, buốt chết người khiến người dân, đặc biệt là những người
hồi hưu lớn tuổi, phải tự "cấm cung" mình sau bốn bức tường dầy của
ngôi nhà mình ở được sưởi ấm ở nhiệt độ cao và đóng kín cửa kính được phủ lên một
lớp giấy nhựa hóa học có khả năng ngự hàn cao.Tuy nhiên, sự tự giam hãm mình
lâu ngày trong cái "lô cốt" phòng thủ kín mít này có thể gây ra một sự
suy sụp tinh thần mà cực điểm là một dạng tâm bệnh nặng, thứ trầm cảm mãn tính,
cái hội chứng "hầm cố thủ". Từ sự hành hạ tinh thần không chịu nổi
này bỗng nảy sinh một đối trọng là sự ham muốn đào thoát mãnh liệt khỏi cái tù
túng khốn khổ đang bó chặt đời mình.
Một
cách chạy trốn hữu hiệu là trốn chạy vào thế giới an toàn của những cuốn sách
quý và những bản nhạc hay, tức những món ăn tinh thần lành mạnh, bổ ích rất cần
cho mình đang vướng mắc vào một hoàn cảnh bĩ cực, bởi chúng giúp cho hồn mình
xây lưng lại cái thực tại bên ngoài tuyết băng lì, trơ, trống, vắng, trắng, rợn-
sự ẩn-hiện bàng bạc muôn nơi của hư vô tang tóc.
Anh kể cho em sau đây ba liều thuốc "an thần" anh tự kê đơn cho mình để trị liệu cái hội chứng lô cốt trên.
Tuy
đã nghe đi nghe lại nhiều lần bản Hoan ca- Ode to joy- của Beethoven, anh vẫn cảm
thấy bị lôi cuốn như lần đầu bởi cái giai điệu du dương nhiều màu sắc của nó, lúc
khoan thai, lúc dồn dập; lúc lâng lâng êm ái, lúc lai láng dạt dào, với điểm đỉnh
xán lạn như chùm pháo hoa đêm lễ hội, khiến anh hân hoan đi vào giấc ngủ lúc
nào mà không hay.
Anh
cũng đang phải lòng vẻ đẹp franco-quebeckoise của Ru. Một vẻ đẹp nữ tính mềm mại,
tinh tế, sắc sảo, thơ mộng như "hương thơm của một đoá mẫu đơn xoè mở"-"le
parfum d'une pivoine eclose" (Kim Thúy),- và là sự xen đan điệu nghệ của
hai cái tương phản với nhau, lúc dịu dàng một lời ru êm, lúc xao xuyến khiến bối
rối tâm tư người mến mộ.
Tạp
chí Elle viết về Ru của Kim Thúy:
"Kim Thuy nous berce autant qu'elle nous bouleverse".
Bên
cạnh những bản nhạc và những cuốn sách quý gối đầu để tiêu sầu, anh còn cần- rất
cần- những người bạn thân đồng điệu để giải bày tâm tư. Từ những giao tiếp tình
cảm và tinh thần này tỏa ra một thứ nhân nhiệt kì diệu làm tan băng nỗi buồn lẻ
loi mùa đông khiến lòng anh se lại tê tái. Vì vậy, lá thư này, gửi cho một người
bạn quý Pháp gốc Việt, nên được coi như một bức tâm thư của một người Mĩ gốc Việt
tuy rời nước Pháp cách đây đã hơn nửa thế kỉ nhưng vẫn yêu nước Pháp như thuở
ban đầu, yêu với một "trái tim parisien" mượn của người bạn đó.
Đó
là động lực của sự anh gửi tặng em bài viết dưới đây của một người Pháp gốc Việt
cũng yêu nước Pháp như hai chúng ta. Em sẽ tìm thấy ở bài viết đó một số sở cứ
vững vàng và lí do chính đáng cho niềm hãnh diện của mình về sự đóng góp không
nhỏ của đồng hương và của chính vợ chồng em như anh được biết cho sự hưng vượng
và vẻ vang của nước chủ nhà đã nồng hậu tiếp đón họ và đã tích cực giúp đỡ họ
làm lại cuộc đời trên miền đất mới.
3
Bài
khảo luận khá quy mô và có tính khoa học cao của Giáo sư Tiến sĩ Viện sĩ Hàn
lâm khoa học Hải ngoại (VHLKHHN) Lê Mộng Nguyên- ông cũng là một nhạc sĩ nổi tiếng
ngay với nhạc phẩm đầu tay Trăng Mờ Bên Suối của mình (1949)- cho thấy sự hội
nhập xã hội của khoảng 250.000 người Việt định cư tại Pháp là một thành công
đáng kể, đặc biệt là trong những lãnh vực quan trọng như khoa học, kĩ thuật,
kinh tế, giáo dục và một số ngành chuyên môn khác.
TS
Lê Mộng Nguyên dẫn lời phát biểu của nhà văn kiêm nhà báo Michel Tauriac trong
buổi hội thảo tại VHLKHHN với chủ đề Les naufrages de la Liberte- Những kẻ trầm
luân của tự do- như sau: "Tôi có thể
nói tổng số người Việt sống tại Pháp vào khoảng 1 triệu người. Tại sao? Hãy mở
Minitel- xem như một thứ Dupont của Việt Nam- và tìm kiếm họ Nguyễn thì quý vị
sẽ thấy họ này khắp nơi ở nước Pháp, trong tất cả những thành thị và quận huyện.
Quý vị sẽ biết tại Pháp có chừng 4000 bác sĩ y khoa và hơn 2000 y sĩ và dược sĩ
Việt Nam..." Theo Michel Tauriac, sự hội nhập xã hội của cộng đồng người
Việt di cư- định cư trên đất Pháp là một thành công lớn.
Về
phẩm chất của sự hội nhập trên, TS Lê Mộng Nguyên bổ sung bản liệt kê tổng quát
của Michel Tauriac với một số chi tiết cung cấp bởi nhà sử học nổi tiếng
Philippe Devillers cũng có mặt trong buổi hội thảo đó như sau: " (Ta phải) thêm vào danh sách này những
chuyên viên điện tử và tin học (có nhiều người Việt rất tài giỏi) và các nhà khảo
cứu khoa học lừng danh... Tôi tin chắc là nhờ giáo lí của Khổng tử, hơn là Phật
giáo và Đạo giáo, những cựu tị nạn Việt Nam này định cư tại Pháp đã theo đuổi học
hỏi và rèn luyện trí thức đến tận cùng... Phần đông đã thành công (nhất là trên
mặt kinh tế) và đó là cách trả ơn xứng đáng của người Việt cho nước Pháp đã đón
tiếp nồng hậu những kẻ 'trầm luân của tự do'
".
Với
một phương pháp tiếp cận vấn đề hợp lí, sự sưu tập nhập liệu có hệ thống và
phong cách lí luận sáng sủa, mạch lạc, tinh tế, bài khảo luận của TS Lê Mộng
Nguyên giúp cho người đọc có được một cái nhìn nhất lãm phong phú và thích thú
về cảnh quan hội nhập xã hội của người Việt di cư- định cư mình tại Pháp.
Xin
đan cử một thí dụ điển hình của cách viết hàn lâm sống động của tác giả: Ông đặt
vào đúng chỗ và giới thiệu đúng lúc quan điểm về sự hội nhập trên của GSTS Lê Hữu
Khóa của hai trường đại học Nice và Lille ở Pháp, khiến cho mạch suy nghĩ của
người đọc không bị đứt quãng và cảm giác của họ không bị hẫng hụt. Viết khảo luận
như vậy là một nghệ thuật kết nối dắt dây cái trước đến cái sau khiến mạch lí
luận của bài viết trở thành một trình tự tư duy logich chặt chẽ, không kẽ hở.
Nay
xin trở lại quan điểm của TS Lê Hữu Khóa được tác giả bài khảo luận trích dẫn
và chú giải: "Nhà xã hội học Lê Hữu
Khóa trích dẫn nhà văn Dương Thu Hương đã viết trong một tự bạch: 'Dân tộc ta đã chết hàng triệu lần trong cái
chết', đã cho vài lời chú giải sau:
'Theo Dương Thu Hương, dân tộc Việt Nam biết rằng thà chết còn hơn sống.
Và ngày nay, để học lại cách sống, họ phải học cách trọng lẽ phải và sự công bằng'...
và tiếp tục: 'Với hai chữ Sự Thật, Công
Bằng, phải thêm hai chữ khác nữa để dành đặc biệt cho cộng đồng người Việt:
Trung Tín và Khoan Dung'. Lê Hữu Khóa nhấn mạnh vào chữ Trung Tín (Loyaute) 'bởi
vì chúng ta, người Việt Nam, chúng ta phải trung tín với nước Pháp đã chiêu
đãi, đã cho chúng ta một cơ hội may mắn để làm lại cuộc đời, trong khung cảnh một
quốc gia kính trọng pháp quyền và tự do cá nhân. .. Chúng ta phải hãnh diện được
nhập quốc tịch Pháp cũng như chúng ta hãnh diện là những công dân Việt
Nam' ".
Dù
cùng xuất phát từ ý thức bổn phận, nhưng quan điểm của nhà văn Dương Thu Hương nghiêng
về mặt lí trí, còn của TS Lê Hữu Khóa thì là một lựa chọn cả bằng lí trí lẫn
tình cảm. Quan điểm của TS Lê Hữu Khóa vì vậy biểu thị một sự dấn thân trọn vẹn
hơn của nhà văn Dương Thu Hương. Ngoài ra, e rằng cụm từ "công dân Việt
Nam" của TS Lê Hữu Khóa sử dụng có thể làm cho người đọc hiểu lầm, TS Lê Mộng
Nguyên chua nghĩa như sau: "Tôi xin
sửa lại, vì thật ra ông muốn nói...cũng như chúng ta hãnh diện là những công
dân Pháp gốc Việt".
Ngoài
ra, TS Lê Mộng Nguyên còn đưa ra câu hỏi:
"Đồng bào có cần phải dứt khoát với gốc rễ quê hương để hội nhập xã
hội nước người?".
Câu
hỏi trên nên được hiểu ngầm là không nhằm vào những di dân Việt thuộc thế hệ thứ
hai, tức những người Việt sinh trưởng, được giáo dục và đào tạo ở nước ngoài.
Điều này có nghĩa đối với họ, cái văn hóa chính dòng là văn hóa của nước mà họ
là một công dân từ lúc mới sinh ra chứ không phải văn hóa Việt Nam của cha mẹ họ;
và cái ngôn ngữ của nền văn hóa đó trong đó họ cảm thấy như ở nhà và thuần thục
sử dụng nó hằng ngày, kể cả lúc làm thinh hay nằm mơ, mới là tiếng mẹ đẻ của
mình chứ không phải tiếng nói của người mẹ sinh học đẻ ra mình. Sự họ mất ngữ tịch
Việt là tất yếu bởi vì như một nhà văn Mĩ đã nói, luật chơi sòng phẳng của sự hội
nhập- integration- là để được hưởng một tự do cuộc sống mới mang đến cho mình,
người di dân và con cháu phải hi sinh một truyền thống của cha ông để lại cho họ.
Sự bất hiếu với tổ tiên này, mà cũng là sự tự mình đánh mất một phần mình, là
cái giá phải trả cho tự do.
Dù
không được viết ra mình văn, chúng ta cũng hiểu câu hỏi trên của TS Lê Mộng
Nguyên nhằm vào những người Việt tha hương thuộc thế hệ đầu tiên. Hiển nhiên ai
cũng biết đó là một câu hỏi không thể trả lời đúng được. Người đặt câu hỏi cũng
biết thế nhưng cứ đưa nó ra vì một chủ đích khác. Ông dùng nó như một cái cớ để
dẫn ta sang một câu hỏi khác mà ông cho là một câu trả lời "khôn
khéo" cho câu hỏi trên: " Sự hội nhập của những kẻ tha hương nói
chung và người Việt nói riêng vào xã hội Pháp có cần đến sự công dân hóa bằng
cách xin nhập quốc tịch Pháp? ". Câu hỏi này là một câu hỏi có thể trả lời
được. Nó không trừu tượng, siêu hình như câu hỏi trước. Trái lại, nó thiết thực
đối với những người thực dụng là phải cân nhắc thiệt hơn trước khi quyết định từ
bỏ quy chế thường trú để trở thành một công dân Pháp. Còn đối với những người
xem nhẹ khía cạnh thực dụng và coi trọng khía cạnh đức lí của vấn đề, trước khi
quyết định họ phải đắn đo suy nghĩ xem sự mình nhập quốc tịch Pháp có mâu thuẫn
gì không với cái lí tưởng yêu nước Việt Nam mình hằng theo đuổi. Sở dĩ có sự đắn
đo đó là vì nước Pháp đã một thời xâm chiếm nước ta và áp đặt lên dân tộc ta một
chế độ thực dân rất hà khắc.
Anh
có một người bạn vong niên đã qua đời là một giáo sư kinh tế học lâu năm của
trường đại học Sorbonne ở Paris cứ khăng khăng không chịu nhập quốc tịch Pháp
chỉ vì anh ta không thể tha thứ cho tội quân đội viễn chinh Pháp đã giết hại
thân phụ mình trong một cuộc hành quân bố ráp cách đây 72 năm. Chỉ cho đến gần
cuối đời anh ta mới thay đổi ý kiến và chịu nhập quốc tịch Pháp. Chính phủ Pháp
nhân dịp này đã bày tỏ sự cảm ơn sâu xa của họ và coi sự anh ta trở thành một
công dân Pháp như một vinh dự lớn cho đất nước họ.
Ở
cuối bài khảo luận của mình, TS Lê Mộng Nguyên đã nhìn nhận: "Đồng bào chúng ta có cần phải cắt đứt với
nguồn gốc quê hương để hoàn toàn hội nhập xã hội nước người? Tôi không trả lời
được câu hỏi này...Nhưng để tưởng nhớ nghìn vạn người vượt biển đã bỏ mình cho
Tự Do, tôi xin trích mấy dòng sau đây của André Siedfried với mục đích dâng tặng
đồng bào định cư khắp năm châu: 'Le
premier émigré demeure, sa vie durant, un homme de son pays d' origine' (Người
kiều dân đầu tiên vẫn suốt đời là một người của quê hương xứ sở mình) ".
Anh
còn nhớ câu kết của bức điện thư của em gửi cho anh sau khi em đến Los
Angeles: "Sáng nay thức dậy em là người
californienne mà trái tim parisien bỗng bay về Pháp vì bài luyến niệm tuyệt vời
(về Paris mới nhận được). Máy bay đến LAX chiều hôm qua". Động lực của cử
chỉ đẹp này, theo như anh hiểu, là tình yêu sâu xa của em đối với nền văn hóa
nhân bản nhân đạo rực rỡ của nước Pháp đã mở rộng vòng tay đón nhận, cưu mang
những người Việt tha hương mình- những kẻ trầm luân của tự do.
Thiết
nghĩ chỉ khi nào có một tình yêu sâu xa như vậy thì sự hội nhập xã hội nước người
của người Việt tha hương mình mới trọn vẹn, và sự ta gọi nước chủ nhà là quê
hương thứ hai của mình mới thôi là một phát biểu hời hợt trên đầu môi chót lưỡi
mà là một bày tỏ chân tình của một trái tim có trí tuệ và của một trí tuệ có
trái tim.
Và
chỉ khi nào có một tình yêu sâu xa như vậy thì nỗi nhớ nước thương nòi bẩm sinh
của người Việt tha hương mình mới một phần nguôi ngoai đi.
Anh
sẽ đọc những cuốn sách còn lại của em gửi tặng vào mùa xuân này.
Thân
chúc em và gia đình an khang và mọi sự tốt đẹp.
Anh,
CUNG TRẦM TƯỞNG
Minnesota
một ngày mùa đông bão tuyết lớn năm 2018
No comments:
Post a Comment