Thursday, April 12, 2018

NGHĨ TỪ NGÔI NHÀ HEMINGWAY...


nguyễnxuânthiệp


Nhà Hemingway ở Ketchum

Nhắc lại một chuyện đã cũ…Cũ mà vẫn còn mới.
Một đêm như đêm nay, dạo chơi trên lưới, tình cờ gặp một đoạn văn nói về ngôi nhà Hemingway trong một khu phố nhỏ khuất tịch. Vậy xin trích đăng dưới đây, kèm thêm đôi ý nghĩ lan man, gởi đến bạn bè.

     Thị trấn Ketchum, ở Idaho. Ngôi nhà được giữ gần hệt như Ernest Hemingway vừa mới bước chân ra ngoài. Cả những cái đầu sơn dương mắt thủy tinh trong phòng khách dường như cũng đang chờ ông. Chúng được treo ngay ngắn, nhìn chăm chăm vào căn phòng đóng băng với thời gian và có hơi bừa bộn một chút. Mấy tờ tạp chí Life như mới đọc. Giấy tờ rải rác trên bàn. Cạnh lò sưởi là cái máy truyền hình RCA đen trắng. Ông thường ngồi đó, trên cái sofa mầu xanh đối diện, để xem những trận quyền Anh. Chỗ ông ngồi, vải ghế đã bạc, sờn.
    Hemingway, tượng đài văn học, một trong những nhà văn có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20, đã viết nhiều chương sách trong ngôi nhà này. Ông ở đây hầu hết thời gian hai năm cuối đời, và đã trút hơi thở cuối cùng tại đây. Trước khi tự tử ngày mùng 2 tháng 7 năm 1961, có thể vật cuối cùng mà ông nhìn thấy là tấm thảm vàng nhạt trong phòng khách hoặc cái trần nhà mầu hồng trong phòng đợi, nơi bà Mary, vợ ông, tìm thấy xác ông.
   Ngôi nhà này trong nhiều năm không được mở cửa cho công chúng xem. Đã có cuộc tranh chấp giữa những người giàu có trong khu và chính quyền địa phương về việc có nên mở của cho công chúng đến thăm nơi ở cuối cùng của tác giả Chuông Chiêu Hồn Ai không. Riêng kẻ viết những dòng này nghĩ là nên. Hemingway xứng đáng để mọi người tưởng nhớ, và ngôi nhà ở Ketchum sẽ cho ta thấy ông đã sống trong khung cảnh như thế nào trước khi quyết định nổ phát súng vào đầu từ biệt thế giới này.
    Một tin cũng vừa đọc được trên lưới: Tháng năm 2017 vừa qua, ngôi nhà của Hemingway ở Idaho đã được dùng làm thư viện công cộng của thành phố. Như vậy những người vào đọc sách có thể cảm nhận không khí văn học và cuộc đời của Hemingway. Khung cửa sổ. Cái đầu sơn dương. Bức ảnh bán thân của nhà văn. Bàn viết. Cái ghế ngồi. Những tờ tạp chí Life. Và Hemingway…

    Đọc đoạn văn về ngôi nhà của Hemingway ở Ketchum, kẻ này bỗng nghĩ ngợi lan man. À há, dường như mình đã nhiều lần ngồi ở Cafe Song Long, thành phố Westminster (với ai, nếu còn nhớ...), ngước mắt nhìn lên căn gác ngày nào Mai Thảo ở. Gần đây -nói vậy nhưng cũng đã cách hơn mười năm rồi- cùng ngồi với Khánh Trường và Ngô Thế Vinh cũng ở chỗ đó. Và rồi bỗng nhớ lại dăm điều ba chuyện: Hoàng Khởi Phong nói rằng lúc đầu Mai Thảo ở căn apartment tầng trên, về sau đau yếu phải dời xuống tầng dưới. Và HKP từ xa về dọn vào ở ngay căn Mai Thảo đã ở (tầng trên). Sau này, HKP đi rồi đến lượt Khánh Trường dọn vào. Cả hai bạn mỗi sáng đi làm đều hé cửa nhìn vào xem Mai Thảo còn sống không. Mới đây, trong Văn số Tháng Ba & Tháng Tư  2007, Nguyễn Xuân Hoàng cũng viết về căn gác của Mai Thảo: “Tôi nhớ căn phòng Mai Thảo ở trên lầu 1 trong một chung cư nằm sau nhà hàng Song Long trên đường Bolsa. Mỗi buổi sáng chỉ cần bước chân xuống cầu thang đi mấy bước là anh có thể vào quán này. Một đĩa bánh mì thịt nguội, một ly cà phê đen và một điếu thuốc buổi sáng đầu ngày. Thịt nguội để đó, không ăn, cà phê thì uóng, thuớc lá không thể không cháy trên môi.” Thế nhưng, NXH cho biết, có lúc Mai Thảo không bước xuống quán Song Long, vì anh đã có cái Trà Thất trước cửa, trên hàng lang. Đó là một cái sofa không biết của ai khiêng ra bỏ. Mai Thảo ngồi đó uống trà, hút thuốc, sưởi nắng, trầm tư. Ông thả tầm mắt qua suốt khu parking, sang phía bên kia chỗ khu nhà giàu có những vòi nước phun lên. Cạn tuần trà, lúc nắng đã lên cao, Mai Thảo rời căn nhà  bước xuống đường phố.
   Nói chung, nhiều văn nghệ sĩ bạn bè đã từng đến thăm Mai Thảo trên căn gác đằng sau Cafe Song Long. Chính đây trở thành nơi gặp gỡ của những nhà văn, nghệ sĩ lưu vong. Thế mà, sau khi Mai Thảo nằm xuống, chúng ta đã không giữ được căn gác này để làm nhà lưu niệm Mai Thảo. Thử tưởng tượng, nếu căn gác đó còn, với những bàn ghế đồ vật bày biện như hồi Mai Thảo còn sống... Được vậy, có phải chúng ta lâu lâu ghé thăm có thể hình dung thấy Mai Thảo đang hiện diện ở đó. Ông đang pha trà vào cái tách nhỏ để uống. Ông đang ngồi viết cái gì đó ở bàn viết, hay ngồi nhìn sững ra cửa, bất động như pho tượng. Ông đang nằm xem tivi hoặc đọc sách. Cũng có khi giữa khuya ông cùng ánh trăng từ phố về, tiếp tục mở rượu ra uống. Hoặc giả hứng văn hứng rượu bốc lên, ông thao thao nói chuyện thơ với những người bạn bất chợt từ xa về thăm. Hoặc giả... Tưởng tượng... Chúng ta có thể tưởng tượng ra nhiều điều về Mai Thảo. Tất cả như cuộn phim lần lượt được chiếu lên trước mắt người đến “tham quan” -thử dùng từ trong nướ hiện giờ. Căn gác ở đằng sau Cafe Song Long ấy có khác gì ngôi nhà của Hemingway ở thị trấn Ketchum. Vậy mà chúng ta đã không giữ được…

Cũng như Nguyễn này đã không giữ được căn nhà trong khu Creekwood ngày nào. Bèn ngồi một mình đọc thơ may ra những bạn bè thân như Hoàng Chu, Ánh Nguyệt, Anh Thư, Hoàng Định Nam, Nhật Hoàng, Đinh Yên Thảo nghe được:

khi xa ngôi nhà woodcreek

gió đã ngủ. trong vòm lá
vầng trăng. xưa. không về
ngày tắt
buổi chiều.
không bóng trẻ con
hồ nước vắng lũ vịt trời
không còn thấy con chim bói cá bên bờ lau. tím
trong căn phòng. đóng cửa
không ai hát bản dạ khúc. schubert
cây đàn mùa thu
tiếng dương cầm. đã chết

tạm biệt. tạm biệt
ngôi nhà của gió
nơi trò chuyện với basho. nghe dế gáy. trăng tàn
với ức trai. khi ráng trời phủ xuống chòm cây
và pablo neruda. trong ngày đầy tin bão
ôi. tiếng còi tàu. của thơ đinh cường
ánh đèn trên trang sách
mưa tuyết rơi
mùa đông. con chim chết. treo ngoài cửa sổ

tạm biệt
đi về phía ngọn đồi. bàn tay chỉ
mặt trăng

NXT


No comments:

Post a Comment