Tuesday, December 9, 2014

TIẾNG ĐỒNG VỌNG



Lưu Na
 
Nguyễn Đình Toàn và phu nhân

Năm 1999, Nguyễn Đình Toàn đến Mỹ đoàn tụ cùng gia đình.  Ngay sau đó, ông cộng tác với đài Voice Of America VOA trong chương trình “Đọc Sách, do Nguyễn Đình Toàn và Hồng Ngọc phụ trách.”

Thời buổi 2000, việc nghe đọc sách là xưa rồi, là cũ rồi.  Cái thời buổi vừa làm cái này vừa làm cái kia thì phải đưa sách truyện vào băng đĩa, phải thực hiện trên làn sóng âm thanh để mọi người có thể vừa làm việc vừa thưởng thức, vừa chú tâm theo dõi việc này vừa lóng nghe điều khác.  Đọc Sách của NĐT  cũng vậy thôi, bởi tự thân nó cũng là một thứ vừa thế này vừa thế nọ: vừa là giải trí vừa là tìm hiểu dẫn giải giới thiệu, và trong tai người nghe nó vừa là thưởng thức vừa là tiếp thu.

Đọc Sách của NĐT  có khác, là khác ở nội dung, đó không phải là đọc một đoạn sách, một truyện ngắn, một vở kịch, mà đa phần là những bài điểm sách, giới thiệu một tác giả, đề cập một vấn đề cũng phần nhiều thuộc Văn Hóa Nghệ Thuật… nghĩa là, một loại chương trình văn học truyền thanh. Thỉnh thoảng cũng có những bài liên quan đến thời sự Xã Hội, nhưng không nhiều.  Những bài đọc đó về sau đã gom vào Bông Hồng Tạ Ơn gửi đến độc giả năm 2006 và tái bản 2012.  Khi đến với tác phẩm của NĐT , tôi đã được nghe những clips Đọc Sách ấy và có ghi lại cảm nghĩ về một giọng nói (*), cũng như những cảm xúc khi nghe giới thiệu một tác giả (**).  Nhưng trong một quá trình dài, có những thắc mắc và ghi nhận riêng chưa dám nói cùng ai. 

Trước hết, tôi ngờ rằng chính Nguyễn Đình Toàn đã tự che lấp khung trời của mình.  Ở văn chương, những điều NĐT  viết mang nặng tính cách suy tư.  Những tác phẩm ấy như cái bóng đổ sau lưng con người trong chặng đường đi tới.  Người ta phải đi tới, nên có bao nhiêu người quay lại để nhìn sâu vào cái bóng đêm mà NĐT  đã gieo?  Độc giả chỉ mang theo lòng họ một bóng tối NĐT. Hầu hết nhớ đến một NĐT  Nhạc Chủ Đề, bởi nó mang một giọng nói, những lời tình diễm ảo, và những nhạc điệu mến yêu.  Những năm 60, văn hóa nghệ thuật Việt Nam dường vẫn mang nặng một cái khuôn khô cứng của văn hóa khép kín, của kiến thức nhà trường, vừa cổ kính vừa phôi thai, cho nên một lời tình diễm ảo như sương đọc lên bởi một cái giọng ủ rũ lạnh buồn có tác dụng như một làn mây nhẹ nâng hồn người ta thoát khỏi mặt đất tai ương, có tác dụng như một viên kẹo ngọt, một giọt mật thơm giữa đồng khô muối cạn.  Những người của thời đó mang theo hoài trong lòng một viên kẹo một làn sương, và, cũng như chiếc bóng văn chương mà NĐT  đã gieo, chính cái lòng yêu mến của họ với NĐT  Nhạc Chủ Đề che lấp đi một NĐT  bồ đào mỹ tửu, một NĐT  rất mực đàn ông.

Đó là NĐT  của Đọc Sách.  Trong 10 phút, khoảng 4 trang giấy đánh máy, những điều viết ra phải đủ sâu sắc, cô đọng, để đi ngay vào lòng thính giả, nhưng không thể quá cô đọng quá sâu xa vì âm thanh khi thoát ra là bay mất, người nghe không có thì giờ để nghĩ suy, để nghiền ngẫm.  Ở cái giới hạn của thời lượng phát thanh, giọng của người đọc trở thành một yếu tố quan trọng trong việc chuyển tải nội dung.  Giọng NĐT  không còn là giọng một thanh niên ủ rũ héo sầu ẩm ướt sương buồn tới nỗi sém nhão nhẹt, và những lời ông viết không còn là những lời diễm ảo cho tới nỗi sém cải lương.  Phải nghe mới biết, NĐT  như một ca sĩ biết truyền cảm xúc cho người nghe khi hát, ở cái cách nhấn chữ nhả câu, ở những khoảng cắt ngừng hay lơi giọng, đây _ một người đàn ông trải đời với hồn cảm nhận thâm sâu, nói những lời đau mong với tới muôn ngàn những bóng người vô danh trong cuộc sống.  Nghe, để biết, có bao nhiêu người tái tạo lại được một âm điệu của bài thơ sau khi nó được phổ nhạc.  Lứa chúng tôi lớn lên chỉ biết bài hát Những Bước Chân Âm Thầm, và khi biết nó là một bài thơ thì không còn có thể quên điệu nhạc để đọc nó như đọc một bài thơ, như NĐT  đã đọc.

Một ghi nhận khác, là chính nơi những bài viết ngăn ngắn ấy mà tài hoa chữ nghĩa của NĐT  mới phơi mở.  Điểm một tác phẩm, nói về một tác giả, NĐT  thường chỉ trong vài đoạn ngắn, hay chỉ đôi câu, mở vết thương lòng của chính ông, của người nghe, của người được nhắc tới, và trong không gian cách biệt ấy mà thấy như mình được chung hòa một nỗi niềm, cái mảnh thiếu vắng của một bức tranh đời được lắp vào làm trọn vẹn một tác phẩm, từ tác giả đến người thực hiện đến người nghe, tất cả đều được thăng hoa.  Hãy nghe bài viết về Cao Đông Khánh, về Ba Kim, về Kim Phạm…, dù thời gian đã cách biệt, đã trải dài, tính cách của những người đã đóng góp vào nền Văn Học Miền Nam như NĐT  vẫn còn đó - sáng tác của họ thường có một chút những gì đã học và đọc được trộn với ý thức cống hiến phục vụ nhân sinh, được cân bằng với sắc thái của riêng mỗi người;  trong giá trị kiến thức vẫn phải có giá trị văn chương nghệ thuật, và là thứ nghệ thuật với tới nhân sinh phục vụ nhân sinh, không phải loại nghệ thuật chữ viết cho chữ lời nói cho lời cốt lấy một vết mực một âm thanh.

Với riêng mình, tôi còn thấy đã hời được một khám phá, một phụ bản đặc biệt chưa từng có.  Đó là giọng đọc, sự đóng góp đầu tiên và duy nhất của Hồng Ngọc, phu nhân NĐT. Sống nơi tập trung nhiều người Việt, nghe radio hằng ngày mới biết, không dễ có một giọng xướng ngôn viên chuẩn và trình độ như giọng Hồng Ngọc.  Làm chương trình với nhau hằng ngày và lâu dài thì nhịp nhàng ăn ý như Vũ Kiểm và Quỳnh Anh đài Little Sài Gòn Radio đã đành, Đọc Sách của NĐT  và Hồng Ngọc là việc không dự trù không chuẩn bị không kinh nghiệm với nhau từ trước, cái nhịp nhàng có được có lẽ do tình phu thê, do đồng cảm hơn là một bề dày nghề nghiệp với nhau. Đó là một đóng góp khá thú vị và giá trị.

Đọc Sách do Nguyễn Đình Toàn và Hồng Ngọc phụ trách kéo dài được vài năm rồi chấm dứt do Nguyễn Đình Toàn quyết định nghỉ hưu.  Cho đến nay, tôi chưa bao giờ được nghe ai nhắc tới và cảm như một bức tranh giá trị đã bị bỏ qua. Tôi tiếc, tiếc một đóng góp, một công trình, tiếc một tiếng kêu thương đã không có dịp trở thành tiếng đồng vọng.

Lưu Na
11262014


*   NGHE
** AI ĐỌC DÙM AI MỘT CHỮ TÌNH (trích MƯA KHUYA)


No comments:

Post a Comment