Sunday, December 28, 2014

TẢN MẠN BTCP. HOA DÃ QUỲ KHÔNG NGỦ





Nguyễn Xuân Thiệp
 



Một đêm thunderstorm ở thành phố Garland, ngồi đọc lại những trang báo cũ, bắt gặp lại những hình bóng ngày nào. Bờ biển Galveston và các bạn Quạ. Cơn giông trên đồng cỏ. Cái chuông gió của Ý Nhi. Những bài thơ tình của Pablo Neruda… Và còn nhiều nữa. Đang đọc, lòng chợt bồi hồi. Một mảng hồi ức chợt hiện về qua ánh chớp của cơn thunderstorm ở chân trời. Xin ghi lại đây như một kỷ niệm của thời mới làm báo Phố Văn trong văn phòng báo Người Việt của Thái Hóa Lộc trên góc đường Miller.

Anh vốn yêu hoa dã quỳ, từng làm thơ viết văn về nó. Từ khi nơi làm việc dời về địa điểm mới, anh còn gần hoa dã quỳ hơn. Nguyên cả vùng này nằm giữa những thửa ruộng dã quỳ ven đường Miller và dọc theo xa lộ LBJ. “Hoa dã quỳ đã nở lại”. Anh nhớ đã có lần reo lên như thế với người, khi trời chớm vào xuân lái xe qua vùng này. Bây giờ thì ở chung quanh anh, trong những khu vườn những thửa ruộng đều có dã quỳ vàng. Và từ phòng làm việc, chỉ cần bước ra một vài bước là anh đã gặp.
Dã quỳ. Đã có lúc anh chuyện trò với nó. Một bận, anh nhớ hình như đã lâu lắm, hồi mới đến Mỹ, lòng nhớ đất cũ xót xa, khi đi ngang qua những cánh đồng dã quỳ ở Oklahoma, tưởng như đang đứng trước những ngọn đồi vùng cao rực vàng ngày nọ, anh đã xuống xe lội vào giữa ruộng, nói với hoa quỳ: “Dã quỳ ơi, đất nước tôi bây giờ xa quá là xa!” Việc làm hơi lãng mạn và điên rồ này gợi cảm hứng cho Nguyễn viết truyện ngắn Dã Quỳ đã đăng trên báo ngày nào. Anh chàng trong truyện hồi còn ở lính đã yêu một cô nữ học sinh có đôi mắt nâu to. Một lần nọ, người thiếu nữ đã theo một toán văn nghệ lên thăm chàng ở tiền đồn miền núi. Hai người có dịp đi dạo cùng nhau trong ruộng quỳ vàng. Thế rồi chia tay nhau và biến động năm 1975 làm những cánh chim tan tác.
Chàng về lại thành phố thì nàng đã ra đi trên một chiếc tàu vượt biên. Sang Mỹ dò la tin tức, chàng được biết nàng hiện ở Wichita, Arkansas, đã có gia đình. Chàng vượt qua thị trấn Oklahoma tới thăm, hai người chỉ gặp nhau trong giây lát và lệ rơi. Lúc lái xe về ngang qua ruộng dã quỳ gần Oklahoma, chàng bỏ xe lội vào giữa biển hoa quỳ và bặt tin từ đó.  Một chuyện tình buồn, phải không bạn. Và có lần, anh đã đọc cho hoa dã quỳ nghe câu thơ sau đây của  Pablo Neruda: “Love is so short, forgetting is so long. Tình yêu thì quá ngắn mà lãng quên thì dài lâu.”

Hoa dã quỳ không ngủ. Có thật vậy không? Đối với anh, điều này là có thật. Quả là, không hiểu từ bao giờ, anh vẫn nghĩ rằng hoa dã quỳ không ngủ, lúc nào chúng cũng mở ra những cánh cửa vàng. Nhất là gần đây, anh càng hiểu sâu xa hơn về điều vừa nói. Nguyên do tại thế này, nơi làm việc của anh, như đã nói, dời về địa điểm mới hoàn toàn cách xa phố xá và chỗ ở của người. Nó nằm giữa một khu toàn ruộng hoang đất trống với những hangar, warehouse. Đêm không một chiếc xe về trễ. Chung quanh trong vòng bán kính nửa dặm, cam đoan vào cái giờ khuya khoắt này, không có một linh hồn sống nào. Nói thế e dễ hiểu lầm rằng mọi vật đã ngủ yên ráo trọi. Không đâu, không như ở cái đêm trong một bài thơ của Joseph Brodsky, giữa kinh thành Mátxcơva (nói theo ngôn ngữ của mấy ông Hà Nội), mọi vật đều ngủ hết - trần thế thiên đường địa ngục, người thiên thần ác quỷ… đều ngủ im lìm, chỉ riêng những câu thơ chảy ra từ đầu ngọn bút là còn thức. Nhưng, ngồi trước bàn viết, anh biết giờ này bạn bè anh, và người, dù ở bên này núi hay bên kia biển, vẫn còn thức đợi. Và ngoài kia gió vẫn đi về trên mái hangar, warehouse. Con chim xếp cánh trên cành xanh vẫn nhìn vào đêm. Ngôi sao cô đơn ở phía chân trời vẫn mở mắt. Những bông dã quỳ cũng mở mắt. Tất cả đều chờ đợi. Chờ đợi gì, có lẽ chỉ dã quỳ mới có thể trả lời câu hỏi tầm thường mà nghiêm trọng này.
NXT
Tháng 2. 2011

No comments:

Post a Comment