Wednesday, December 3, 2014

TẢN MẠN BTCP. NHỮNG HẢI CẢNG MƯA BUỒN



Nguyễn Xuân Thiệp


 Boston harbor

Ơ, tại sao lại những hải cảng mưa buồn? Ở đâu vậy nhỉ, ở quê nhà hay bên bờ Đông nước Mỹ? Nó là Amsterdam của Hòa Lan hay Marseille của Pháp hay Boston ở nơi này? Xin nói ngay với những người đọc tôi hôm nay: Không, Nguyễn chỉ muốn nói đến Trần Dần và những điều ông nói trong thơ ông.

  Thơ Trần Dần có  những câu như sau:

Đi
dù biết
            khổ đau còn là luật
của trái đất này
                     khi
                         nó chuyển mình đi!
Hãy thù ghét
                 mọi ao tù
                              nơi thân ta rữa mục
mọi thói quen
                    nếp nghĩ - mù lòa!
Hãy sống như
                   những con tàu
                                      phải lòng
                                                    mùa hải lý
mỗi ngày
             bỏ
                  sau lưng
                              nghìn hải - cảng - mưa - buồn!

Những ngày
               chân trời thấp
                                   làm
                                         cánh chim hèn hạ
  
   Vâng. Đó là thơ Trần Dần mà kẻ này đã đọc được trên trang web Viet Nam Net. Và cũng xin thú thật ở đây rằng Nguyễn rất thích thú với một số những câu thơ của Trần Dần. Xin hãy đọc hai câu: Tôi khóc cho những chân trời không có đường bay / Tôi khóc cho những người bay không có chân trời. Qua những câu thơ trên và nhiều câu khác nữa, ta thấy Trần Dần đúng là một thi sĩ -một thi sĩ có những tư tưởng lớn và đầy cảm hứng sáng tạo. Nhìn ở một góc nào đó, Trần Dần đã đi trước thời đại của ông, đi trước rất nhiều tài năng tầm tầm.
   Cũng trên website Viet Nam Net, Nguyễn còn đọc thấy những câu của Trần Dần nói về thơ (do nhà phê bình Đỗ Lai Thúy trích dẫn):
   “Tôi thích Thơ thời sự, theo sát cái hồi hộp, lo lắng của Đảng tôi, dân tôi, triệu triệu quả tim dân chúng và quân đội, chiến sĩ và cán bộ, lãnh tụ và quần chúng. Tôi lại cũng thích Thơ không thời sự, Thơ bao trùm đất nước và thời gian, Thơ ăn lấn sang mọi thế kỷ, và Thơ nhập cả vào cái biện chứng bao la của sự vật.”         
   Ngoài ra, Nguyễn còn đọc thấy:
  Thơ vì thơ, tuyệt đối. Hễ vì bất cứ thứ gì khác, dù cao quý mấy, thơ sẽ chẳng còn là thơ. Những thơ tình, thơ chính trị, bất kỳ tính từ nào, đều vô nghĩa, với tôi.
   Ta thấy gì qua hai trích dẫn trên: Có thể, ở giai đoạn đầu khi còn trẻ và còn say máu cách mạng, Trần Dần chịu thỏa hiệp chút đỉnh với Đảng của ông, nhưng lúc đã bị nhiều bầm dập và những cú đòn thù của Đảng thì Trần Dần mới dứt khoát đi theo con đường nghệ thuật thuần túy.
   Để cắt nghĩa tài năng và cảm xúc thi ca trong thơ Trần Dần, Đỗ Lai Thúy viết đại ý: “Trần Dần đến với các nhà tượng trưng Pháp, những người bị gọi là kẻ suy đồi (décadents), như Baudelaire, Rimbaud, Mallarmé. (Chứ không như các ông Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Huy Thông, Xuân Diệu chỉ đọc tới Hugo, Lamartine, Musset là hết đất, nên mải chìm đắm trong mơ mộng, buồn sầu và than khóc.)”
   Đỗ Lai Thúy nói về sự nổi loạn của Trần Dần và nhấn mạnh: “Thơ như một cơn mộng ác, trong đó người ta giận dữ, người ta điên cuồng, người ta lồng lộn, người ta sống hỗn độn (...). Những hình ảnh thơ nóng bỏng, cháy như lửa, một hình ảnh ánh lên nhiều hình ảnh, hình ảnh nọ chống đối hình ảnh kia, hòa hợp nhau, lôi kéo nhau trong một điệu nhảy ma quỷ...”
  Nói như Đỗ Lai Thúy, đó đúng là một cuộc sống hỗn mang (chaotique), nhưng vượt cái hỗn mang ấy thi sĩ sẽ tìm ra một hòa điệu (harmonie) cho thơ. Và cái harmonie, cái hòa điệu đó, chính là nghệ thuật thi ca -nó hoàn toàn chủ quan. Đây là một quan niệm thơ, ít nhiều, mang tính chất avant garde (tiên phong).
   Với Tuyên Ngôn Tượng Trưng trên tạp chí Dạ Đài số 1 ra ngày 16-11-1946, Trần Dần khẳng định thơ Việt Nam đã đến một thời kỳ khác, đã xuất hiện một lớp thi sĩ khác. Các thi sĩ tượng trưng. Họ đến để thay thế các nhà lãng mạn nhằm sáng tạo ra một thứ thơ khác. Tiếc rằng Dạ Đài chỉ ra được số 1, số 2 chưa kịp in thì chiến tranh bùng nổ. Trần Dần và các bạn thơ của ông tạm rời giấc mộng thi ca để đi vào khói lửa.
   Hoàng Cầm, những năm cuối đời cũng nhận định: “Trần Dần là số 1, ông ấy lù lù như núi Thái Sơn về cách tân thơ và có rất nhiều đóng góp cho thơ hiện đại. Trần Dần chủ định đổi mới thơ và tìm tòi, cân nhắc trong từng câu chữ. Trần Dần lặng lẽ kiên trì đổi mới thơ sao cho bài sau phải khác bài trước theo một cách làm khác người. Trần Dần đổi mới ngay từ trong kháng chiến khi viết bài thơ dài Việt Bắc. Ông Trần Dần quyết định chôn “Thơ mới Tiền chiến”. Thật ra, “Thơ mới Tiền chiến” cũng có đóng góp lớn cho nền thơ Việt Nam nhưng nếu chúng ta cứ nhai đi nhai lại mãi thì cũng nhàm chán. Do vậy Trần Dần phải cách tân.”
   Đúng vậy. Trần Dần là người đã vượt gió băng lên phía trước. Thơ ông, cũng như cuộc đời ông, lắm nỗi dằn xóc, bầm dập... Cho đến sau khi ông nằm xuống mà vẫn chưa yên. Tập Thơ Trần Dần kia có phải là định mệnh ba đào của ông. Ông đã đi trên một con tàu lướt sóng trùng khơi, bỏ qua nhiều bờ bến, trong đó có những hải cảng mưa buồn.
NXT


No comments:

Post a Comment