Nguyễn
Xuân Thiệp
Autumn leaves
Trần Dần & Cổng
Tỉnh
Những ngày bệnh, tự nhiên ngồi thấy lại những chiếc lá vàng
ướt mưa trải ố sàn gỗ ngôi nhà bên bờ hồ Travis mà ông Ngu Yên gọi là Giang Hồ
Trang. Rồi nghe tiếng đản thùng bập bùng bập bùng trôi về theo gió. Ai hay mình
hát chiều rơi trên đường vắng / có ta rơi giữa chiều*. Và ai, ai nữa hát chiều
xóa thành đô thế nhân bàng hoàng / giọng hát lời ca nghe sao nhịp nhàng / dừng
chân hè phố / lòng ta thầm nhớ / những chiều lá rơi bên thềm nhà thềm nhà**.
Rồi trí óc mù sương chợt nghĩ đến Mùa Thu
Bệnh L’Automne Malade của Apollinaire
Le vent et la forêt
qui pleurent
Toutes leurs larmes en
automne feuille à feuille
Les feuilles
Qu’on foule
Un train
Qui roule
La vie
S’écoule
tôi nghe. gió khóc
trong rừng cây. khóc
lệ như lá rơi
và người dẫm lên
chuyến xe lửa. vừa vút
qua
và cuộc đời. trôi
Rồi hốt nhiên, Nguyễn tôi nhớ tới Trần Dần với những câu thơ
buồn như nỗi chết của ông:
Gió ơi đừng vội tủi
Khuya rồi! Hãy tới
khóc ở hom sông
Có lẽ thu rồi em nhỉ
Em chớ khóc nhiều vàng
ố ngã tư xưa
A Trần Dần! Nghĩ
tới Trần Dần, có lẽ bởi vì mình vừa đọc một tạp bút rất hay của Phí Ngọc Hùng
trong đó nhắc tới nhiều ngõ phố, ngã tư với những ngọn đèn và lá rơi vàng ố.
Nhà Ta ở phố Sinh Từ. Có lẽ xa kia là phố
tôi sinh / Có sương sớm đọng trên đèn muộn
Là phố Sinh Từ đấy.
Ở đâu? Ở đâu có ngọn
đèn xanh
Rèm che nhòe cửa
sổ...?
Nín đi thôi. Nín đi
thôi các đại lộ nhiều cây
Đừng sa sút lá
Để ta khuyên gió...
gió đừng rung cây...
Cũng nơi căn nhà
ấy, con phố ấy ông đã từ giã cõi đời đầy oan khốc với ông, và có lẽ cùng những
linh cảm đó ông viết:
Gió thổi kèn ma mưa
thui lòng ngõ hẹp
Ồ...ồ ...Đêm đi như
một cỗ quan tài
Ôi, thơ ông sao mà
buồn vậy. Phí Ngọc Hùng viết tiếp “lọ mọ theo ông những bước chân trên hè phố
sau ba tháng tù, ngày về căn nhà cũ ông lặng lờ…Vào độ cuối đông, Hà Nội thu
mình khép gió. Những tàn cây trơ trụi lá co ro trơ xương chống đỡ cơn may hiu
hắt lạnh, mênh mang nhớ, rưng rức đau nỗi niềm không tên gọi, có đây rồi lại
vụt mất, chập chờn kéo hiện tại nhập vào một tiền kiếp không thể ngày một tiêu
ma dấu vết. Tôi chống gậy, lao chao bước, đi không quay đầu lại. Tấm áo cánh
trắng xóa con ngõ cũ, chiêc mũ len sùm sụp, một mình lê về đến phố xưa, chẳng
gần, chẳng xa, để vào lòng tôi một nỗi man mác...".
... Trong căn nhà
ấy, góc phố ấy, ông đã có những ngày đớn đau, đói khổ, bệnh tật. Ông có nhắc
đến cái cửa sổ có chấn song, trước kia ông vẫn thường gác cái xe đạp ở cạnh
bên. Ông dựa lưng vào tường, nâng cái điếu cày rít sòng sọc, miệng chiêu ngụm
nước chè, mắt nhắm, đầu khẽ ngật ra đằng sau. Và những vật bất ly thân trong
căn phòng cũng không ngòai bộ ấm tích, cái điếu cày và một ngọn đèn Hoa Kỳ le
lói chập chờn ngày cũng như đêm cùng những trống vắng.
Trong tù ông dùng
dao cạo tự tử để họa sĩ Nguyễn Sáng có bức Chân dung của ông có vết sẹo trên cổ
in trên Nhân văn số 1. Nào có khác gì Van Gogh cãi nhau với Paul Gauguin. Trong
cơn điên Van Gogh dùng con dao sắc... không cứa cổ mà cắt đứt một vành tai của
mình.
Có thể nói
trong vụ án Nhân Văn Giai Phẩm năm 1956 có ba tội đồ phải gánh chịu khổ nạn ghê
gớm nhất cho tới khi giã từ trần thế. Đó là Nguyễn Hữu Đang, Phùng Cung và Trần
Dần. Trong mùa thu bệnh nghĩ tới những chiếc lá vàng rồi nghĩ tới các ông sao lòng
này không yên nghỉ được. Cũng như nghĩ tới quê nhà trong đêm mùa thu vàng ố khi
một câu hát bay về: Đêm nhớ về Sài Gòn /
tiếng nhạc vàng gợi từng âm xưa / Ánh đèn vàng nhạt nhòa đêm mưa / Ai sầu trong
quán úa…***
Ôi, một ngày
bệnh mùa thu, lá vàng rụng bay đầy đường, chân tôi không dám dẫm lên. Những chiếc
lá, những mảnh đời tơi tả. Của tôi, của bạn và của ai nữa, dưới trời này.
NXT
* Đường Chiều Lá
Rụng. Phạm Day
** Đường Chiều.
Hồng Duyệt.
*** Đêm Nhớ Về Sài
Gòn. Trầm Tử Thiêng
No comments:
Post a Comment