Ngô
Thế Vinh
Bài
viết chỉ là hồi tưởng với những kỷ niệm rất riêng tư về một người bạn tấm cám Nghiêu Đề, với mối giao tình hơn nửa thế
kỷ; người viết không ở trong giới hội hoạ nên cũng không
dễ dàng để viết một hoạ sĩ tài hoa, sáng tác tuy ít nhưng đã để lại dấu ấn lâu
dài trong lãnh vực nghệ thuật tạo hình của Việt Nam, qua một giai đoạn đầy sáng
tạo trong những năm 1960-1970 với Hội Hoạ Sĩ Trẻ Việt Nam mà Nghiêu Đề là một
trong những thành viên sáng lập với cá tính nổi bật. Ngô Thế Vinh
Tiểu
sử Nghiêu Đề
Nghiêu Đề tên thật Nguyễn Tiếp
nhưng Trai là tên gọi ở nhà, sinh năm 1939 tại
Quảng Ngãi. Là con trai trưởng trong một gia
đình 6 anh chị em. Học Cao đẳng Mỹ thuật Gia Ðịnh nhưng đã tự rời trường
ốc trước khi tốt nghiệp; là một trong những sáng lập viên Hội Họa sĩ Trẻ Việt
Nam; Huy chương bạc Hội họa mùa Xuân 1961, từng tham dự triển lãm tại nhiều quốc
gia. Ngoài hội họa, Nghiêu Ðề còn viết văn, làm thơ mà sau này Nghiêu Đề coi
như hai “bước lỡ” không nên dấn thân vào. Tác phẩm đã xuất bản: Ngọn Tóc Trăm Năm (Sài Gòn 1965 ). Nghiêu Ðề cùng gia đình đến
Hoa Kỳ năm 1985 và mất vào ngày 09 tháng 11 năm 1998 tại San Diego, California
khi chưa tới tuổi 60.
Vào tháng 8 năm nay,
2014 khi Trịnh Cung còn ở Mỹ, tôi gợi ý
anh nên có một bài viết về “cố tri” Nghiêu Đề. Trịnh Cung đồng ý là sẽ có bài
viết vào tháng 11, nhân ngày giỗ thứ 16 của Nghiêu Đề. Nhưng rồi đến tháng 11, chỉ
có đôi dòng giới thiệu ngắn trên Da Màu và hai bức tranh trích từ cuốn Nghiêu Đề
của Viet Art Society, Trịnh Cung cho biết không đủ tư liệu nên đành botay.com.
Tôi đã không ngạc nhiên về “khoảng trống” Nghiêu
Đề, một người bạn mà hình như suốt đời không ham muốn sở hữu một điều gì. Sự
nghiệp của anh chỉ là những dấu chân chim trên cát mau chóng bị xoá nhòa bởi lớp
sóng thời gian. Anh không có đức tính của một người rất sớm bền bỉ vun đắp và
tích luỹ cho sự nghiệp của mình. Điển hình cho đức tính ấy là bạn anh, hoạ sĩ
Đinh Cường, anh ấy có cả một kho tư liệu như một viện bảo tàng cá nhân mà ít ai
có thể sánh kịp.
Với bài viết này, nói theo hoạ sĩ Khánh Trường
thì tôi chỉ như một người chuộng “cố sự” đang làm công việc góp nhặt cát
đá, tìm lại thời gian đã mất với người bạn tấm cám Nghiêu Đề.
Nghiêu
Đề và những người bạn
Bước vào năm đầu y
khoa, thay vì như các bạn đồng khoá tập trung vào học tập, tôi đã không được
gương mẫu như vậy, sớm say mê chuyện viết lách làm báo và cả rong chơi với giới nghệ sĩ nhóm bạn Nghiêu Đề. Rất khác nhau
nhưng không hiểu sao tôi và Nghiêu Đề lại có thể thân nhau đến như vậy. Nghiêu
Đề có nếp sống lang bạt, có nhiều bạn tấm cám từ thời còn rất trẻ, xóm Bùi Viện gần
ngã tư quốc tế là khu giang hồ nơi chúng tôi thường lui tới lúc đó, họ tiềm ẩn tài năng nhưng còn như những “viên ngọc ẩn thạch”,
giới hội hoạ như Nguyễn Trung, Cù Nguyễn, Lâm Triết, Nguyên Khai; nhóm thơ văn
Trần Dạ Từ, Nguyễn Đức Sơn/ Sao Trên Rừng, Trần Tuấn Kiệt, Trần Đức Uyển/ Tú Kếu,
Nguyễn Nghiệp Nhượng, Nguyễn Thuỵ Long, mỗi người một vẻ với khao khát nghệ thuật
là mẫu số chung mà họ hướng tới. Sức sáng tác của họ mạnh mẽ, sớm có tác phẩm
và họ đều trở thành những tên tuổi. Nghiêu Đề còn có cả những người bạn vong
niên mà tôi được biết từ toà soạn Bách Khoa như Lê Ngộ Châu, Nguyễn Ngu í, Võ
Phiến, Vũ Hạnh…
Tiếng
Hót của Chim Nguyệt
Trả lời nhà báo Nguiễn
Ngu í trên Tạp chí Bách Khoa số 137 ngày 15-9-1962, Nghiêu Đề kể chuyện như người
đi trên mây:
“... Ở quê tôi, có một giống chim lạ, sắc trắng, và
dáng mong manh lắm, thường bay một mình trong đêm trăng. Người ta bảo rằng nó
bay mãi lên cao, và tan vào mặt trăng, không bao giờ trở lại. Tên nó là ‘Nguyệt’
Tiếng hót hay vô cùng. Không biết vì sao tôi iêu nó. Chỉ biết mỗi lần nó bay
ngang cùng tiếng hót đã làm tôi xúc động. Bây giờ tôi nghĩ Nghệ Thuật tôi muốn
là một cái gì hết sức tự nhiên như tiếng hót của chim Nguyệt vậy.”
Nghiêu
Đề 16 tuổi trước Thương xá Tax, người xưa cảnh cũ đều không còn
Từ giữa sang phải: Nguiễn Ngu í và Nghiêu Đề
Khi hỏi nhà thơ Luân
Hoán và những người bạn cùng quê xứ Quảng với Nghiêu Đề, thì cũng chưa ai thấy
hay được nghe tiếng hót của chim Nguyệt. Nhưng đâu có hề gì, vẫn có đó con chim
Nguyệt sắc trắng dáng mong manh bay một mình trong đêm trăng, cũng như mãi mãi
có đó một Chú Cuội ngồi gốc cây đa trên Cung Hằng. Chim Nguyệt thì vẫn cứ bay
mãi lên cao, và tan vào mặt trăng, không bao giờ trở lại… phải chăng đó chính
là thế-giới-thanh-thoát và cũng là giấc mộng trăm năm của Nghiêu Đề.
Một
nhà in Trường Sơn
Trước những năm 1960, kỹ
thuật in ấn ở Miền Nam chủ yếu là Typo. Những trang sách báo thời ấy được sắp từ
các bát chữ với từng con chữ đúc chì. Thợ Typo thường là gốc Hoa Chợ Lớn không
rành tiếng Việt nhưng tốc độ sắp chữ thì nhanh đến dễ nể. Thời kỳ đó, kỹ thuật
offset còn hiếm, cơ sở tư nhân có Cliché Dầu, nơi tôi và Nghiêu Đề thường tới đặt
các bản kẽm cho bìa sách báo hoặc các tranh phụ bản. Phạm Ngũ Lão vẫn được coi
như con đường báo chí của Sài Gòn nhưng nhà in Trường Sơn của nhà văn Nguyễn Thị
Vinh lại nằm trên đường Nguyễn An Ninh, gồm hai giàn máy Typo khổ lớn một trang
báo, không kể mấy chiếc máy in nhỏ cả máy pedal / đạp chân. Báo sinh viên Tình
Thương của Y Khoa, báo Đất Sống của Dược Khoa cùng với báo Văn Học của Dương Kiền
đều được in ở nhà in này. Nghiêu Đề và tôi thường có dịp gặp nhau nơi nhà in
này, nhất là khi có mẫu bìa báo Xuân được Nghiêu Đề trình bày.
Nghiêu
Đề và mẫu bìa sách
Nhà văn Võ Phiến đặc biệt rất quý Nghiêu Đề. Một giai thoại về cuốn Giã Từ: Võ Phiến nhờ Nghiêu Đề vẽ bìa sách; thời kỳ đó các mẫu chữ đẹp để làm bìa rất hiếm, đôi khi phải tìm trong mấy tờ báo Mỹ mua được nơi các Kiosk sách báo trên vỉa hè đường Lê Lợi và sau đó là cắt dán từng mẫu tự và thêm dấu. Do chỉ quan tâm tới một mẫu bìa đẹp, nên Nghiêu Đề quyết định “không thêm râu ria” không bỏ dấu trên nhan sách và cũng để mở ra cho độc giả “tuỳ nghi” với bao nhiêu cách đọc: Gia Tư, Giả Tu, Giả Tù, Giã Tự… Sách do Thời Mới xuất bản, sau đó Nghiêu đề được Võ Phiến tặng cho một ấn bản đặc biệt với lời đề tặng thật trân trọng: “là cuốn sách ưng ý nhất về hình thức của tác giả.”
Nhà văn Võ Phiến đặc biệt rất quý Nghiêu Đề. Một giai thoại về cuốn Giã Từ: Võ Phiến nhờ Nghiêu Đề vẽ bìa sách; thời kỳ đó các mẫu chữ đẹp để làm bìa rất hiếm, đôi khi phải tìm trong mấy tờ báo Mỹ mua được nơi các Kiosk sách báo trên vỉa hè đường Lê Lợi và sau đó là cắt dán từng mẫu tự và thêm dấu. Do chỉ quan tâm tới một mẫu bìa đẹp, nên Nghiêu Đề quyết định “không thêm râu ria” không bỏ dấu trên nhan sách và cũng để mở ra cho độc giả “tuỳ nghi” với bao nhiêu cách đọc: Gia Tư, Giả Tu, Giả Tù, Giã Tự… Sách do Thời Mới xuất bản, sau đó Nghiêu đề được Võ Phiến tặng cho một ấn bản đặc biệt với lời đề tặng thật trân trọng: “là cuốn sách ưng ý nhất về hình thức của tác giả.”
Ai có sách hoặc tập san sắp xuất bản cũng muốn được Nghiêu Đề vẽ
bìa. Anh chưa hề nói không với ai, nhưng bao giờ thì có được mẫu bìa đem in là
vấn đề hoàn toàn khác. Nhà
thơ Luân Hoán viết:“Anh hết lòng với bạn bè, thường không từ chối
những việc làm có liên quan đến nghệ thuật. Nhưng để anh hoàn tất nhanh chóng một
mẫu bìa không phải là chuyện dễ dàng. Với phong thái làm việc thong dong, tùy hứng,
Nghiêu Đề không muốn bị ràng buộc, thúc giục.” Bìa báo Xuân cho Tạp chí Bách
Khoa của anh chủ nhiệm Lê Ngộ Châu, hay cho Nguyệt san Tình Thương của Sinh
viên Y khoa cũng đều kinh qua những chờ đợi và cả đôi lúc lỡ hẹn.
Mấy
mẫu bìa của Nghiêu Đề: Mây Bão (1963,1993), Bóng Đêm (1964),
Cửu
Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng: tranh Nghiêu Đề,
mẫu
bìa Khánh Trường (2000)
Riêng 4 cuốn sách của tôi: Mây Bão (1963), Bóng Đêm (1964), Gió
Mùa (1975), và Vòng Đai Xanh (1971) đều được người bạn tấm cám Nghiêu Đề trình
bày theo lối thủ công.
Có
một giai đoạn ngắn, rất hiếm Nghiêu Đề làm việc nhiều, ngoài vẽ tranh anh giữ
phần trình bày và minh họa cho các cuốn sách quý của nhà xuất bản Cảo Thơm,
trong đó có cuốn “Vang Bóng Một Thời”, và sau 1975, khi Nguyễn Tuân vào Sài Gòn
đã rất tâm đắc và trân trọng khi được cầm tác phẩm rất mỹ thuật của chính mình
nhưng lại được xuất bản từ Miền Nam.
Đại Học Xá Minh
Mạng và tranh Nghiêu Đề
Trước
1975, tranh Nghiêu Đề là sơn dầu, khổ tranh khá lớn, khi mới vẽ xong sơn còn ướt,
nếu không bị xếp úp mặt vào đống tranh cũ đã bám bụi bặm, thì thường được bạn
bè khuân đi. Đôi khi có nhu cầu vẽ mà không có tiền mua khung vải, Nghiêu Đề đã lấy một bức tranh cũ
và vẽ trồng lên đó. Căn phòng 3/7 trong
Đại Học Xá của tôi cũng là nơi treo tranh của Nghiêu Đề (Trăng, sơn dầu phụ bản 1), ít lâu sau đó bức tranh này được
Nghiêu Đề đem bán, không biết nay ai hiện là sở hữu bức tranh mang nhiều nhiều
kỷ niệm như vậy. Và đây cũng là một trong 3 phụ bản mà sau này bạn tôi, anh kỹ
sư Nguyễn Công Thuần đã sao chụp lại được từ cuốn tiểu thuyết Gió Mùa còn lưu
trữ trong Thư viện Đại học Cornell.
Trăng,
tranh sơn dầu, phụ bản 1 trong tiểu thuyết Gió Mùa,
Sông Mã xuất bản 1965 [Label:
Wason PL 4389, N473, G4]
Khách
ngoại quốc hay người Việt tha hương lâu năm khi về thăm quê nhà, thường rất chuộng
và tìm mua cho được tranh Nghiêu Đề. Hoàn toàn không có khả năng sáng tạo theo
đơn đặt hàng, gallery của Nghiêu Đề là những bức tranh thất tán nơi đám bạn hữu. Nghiêu
Đề vẽ rất ít không đủ tranh bán và giá tranh thường rất cao. Và mỗi lần bán được
một bức tranh, trong ít ngày sau đó là một Nghiêu Đề hoàn toàn khác, không chỉ
chiếc Mobilete cũ kỹ hiếm khi được đổ đầy một bình xăng, bạn
bè thì được Nghiêu Đề tìm tới và chiêu đãi liên miên cho tới đồng bạc cuối.
Cũng vẫn Nghiêu Đề trả
lời nhà báo Nguiễn Ngu í trên tạp chí Bách Khoa ngày 15-9-1962:“Tôi không thích
tranh tôi được quá một giờ khi vẽ xong. Chúng thường bị úp một xó cho buị...Tôi
mang ơn những thằng bạn thường đến và lấy đi biệt tăm, như thế tôi yên tâm hơn.
Mỗi lần bán được một bức tranh, tôi thấy như số tiền đó từ trời rơi xuống. Cho
nên tôi vội vung tay quá trán mà không tiếc. Nhiều khi thấy tiền nó quá nhiều,
mình không đáng được! Như một vụ lường gạt. Tôi cảm ơn hết những người iêu
tranh tôi về sự rộng lượng của họ, rộng lượng quá sức!”
Matière
tranh Nghiêu Đề
Hai chữ “tạo hình” có lẽ không hoàn toàn đúng với ý niệm hội hoạ
của Nghiêu Đề. Tạo hình không là giai đoạn quan trọng trên mỗi bức tranh sơn dầu
của Nghiêu Đề. Theo anh, tài năng hoạ sĩ là nơi vẻ đẹp chất liệu trên khoảng trống
hay là nền của bức tranh ấy. Có ngồi hàng giờ, im lặng theo dõi những nét cọ của
Nghiêu Đề, để thấy là từ những tảng sơn dầu dầy cộm màu thô sượng, khi được cây
cọ Nghiêu Đề miết lên mặt bố thoáng chốc trở thành một nền xanh ngọc ửng sáng mềm
mại, cho dù chuyển sang vùng xanh đậm mảng tranh vẫn không hề thiếu nét long
lanh của ánh sáng, chất liệu thì mượt mà, bố cục vững chắc mà vẫn thanh thoát, rất
Nghiêu Đề.
Nghiêu Đề thường nhắc tới chữ matière trên mỗi bức tranh, tôi
chưa tìm được một thuật ngữ hội hoạ nào để dịch sang tiếng Việt. Nguyên Khai
thì gọi đó là gamme màu, Huỳnh Hữu Uỷ, thì đơn giản gọi đó là “chất” như chất
tranh của Nguyễn Trung, Cù Nguyễn, Lâm Triết… Trở lại với đường nét tạo hình, theo
Nghiêu Đề thì đó không phải là một sao chép từ cuộc sống, “hoạ sĩ là người tìm
được một nét đúng giữa hai nét sai của thực tại.”
Gần đây khi bàn về vẻ đẹp của một tác phẩm hội hoạ, Trịnh Cung đã
phân tích ra 5 yếu tố: ý tưởng, bố cục,
đường nét, màu sắc ánh sáng, vẻ đẹp chất liệu / matière. Có thể nói yếu tố thứ
năm:“vẻ đẹp chất liệu / matière” đã tạo nên sự thanh thoát và cũng là phong
cách tranh của Nghiêu Đề.
Sau 1975, có giai đoạn Nghiêu Đề chuyển qua tranh sơn mài, cùng
với Nguyễn Lâm, Hồ Hữu Thủ mà sau này chính anh cũng công nhận là nặng phần kỹ
thuật, và anh nói sau khi phủ các lớp sơn lên để mài thì vẻ đẹp chất liệu của bức
tranh nhiều khi rất tình cờ ngoài tầm kiểm soát của hoạ sĩ. Nghiêu Đề khi sang
định cư ở Mỹ năm 1984, có đem theo được một số tranh sơn mài rất đẹp, tuy thành
công về tài chánh nhưng chính anh tự biết giai đoạn hội hoạ thực sự nghệ thuật
của Nghiêu Đề là tranh sơn dầu được vẽ vào những năm 1960-1970, như những bức: Đêm, Tỏ Tình, Vùng Thanh
Thoát, và điển hình là cả bức Chân Dung đoạt huy chương bạc Hội hoạ Mùa
Xuân 1961.
Thiếu nữ, tranh sơn dầu: phụ bản 2 và 3 trong tiểu thuyết Gió
Mùa
Sông Mã xuất bản 1965
Nghiêu Đề và Ngọn
Tóc Trăm Năm
Truyện
của Nghiêu Đề như những bài thơ xuôi. Cũng như tranh, Nghiêu Đề chưa bao giờ tỏ
ra ưng ý một sáng tác nào. Nhưng rồi cuối cùng vẫn có được một tuyển tập Ngọn
Tóc Trăm Năm được Sông Mã xuất bản (1965). Cuốn sách đẹp, cho dù in theo lối thủ
công từ nhà in Nguyễn Trọng rất nhỏ, khuất lấp trong một ngõ hẻm phía sau Lăng
Ông bên Gia Định. Sách được in từng 2 trang trên đĩa xoay của một máy pedal với
bộ chữ thì đã mòn cũ. Chủ và cũng là thợ nhà in thì rất quý Nghiêu Đề, nên chỉ
tính tiền giấy và công in rất tượng trưng, nhưng thời gian in xong cuốn sách
122 trang kể cả phụ bản thì khá lâu do sách chỉ được in xen kẽ khi máy rảnh
công việc. Thường mỗi cuối tuần, hai anh em chở nhau xuống nhà in, cầm trên tay
những trang sách còn thơm mùi giấy mực. Sách in rất ít nên có lẽ không được nhiều
người biết hay còn lưu giữ được. Có một chi tiết tưởng cũng nên ghi lại ở đây: năm
1985, khi gặp lại Nghiêu Đề trên đất Mỹ tôi mới được biết ông chủ nhà in Nguyễn
Trọng năm xưa là một cán bộ VC cấp cao nằm vùng và nhà in thủ công ấy có lẽ chủ
yếu là nơi in ấn những truyền đơn và tài liệu nội thành của Mặt Trận.
Thật
xúc động khi tìm lại được một ấn bản đặc biệt Ngọn Tóc Trăm Năm có lẽ là duy nhất
in trên giấy croquis còn trong tủ sách của Bé Búp con gái Nghiêu Đề ở San
Diego. Sách đóng bìa cứng bọc da, in chữ Nguyễn Toản mạ vàng nơi gáy sách, là
tên của thân phụ mà Nghiêu Đề hết lòng yêu mến. Ông mất khá sớm khi gia đình
Nghiêu Đề còn sống trong một chung cư nhiều tầng trên con đường Duy Tân. Sau đó
gia đình mới dọn về địa chỉ 19B Lý Trần Quán, Sài Gòn. Đây cũng là địa chỉ mà
hai anh em chọn cho Nhà Xuất bản Sông Mã. Ngọn Tóc Trăm Năm, gồm 4 truyện ngắn
và 4 phụ bản tranh, đã như cơ hội họp mặt của bằng hữu.
Nguyễn
Xuân Hoàng biết Nghiêu Đề là tác giả của Ngọn Tóc Trăm Năm, nên đã đôi lần hỏi
xin một truyện ngắn cho báo Văn, nhưng anh chỉ cười và Nguyễn Xuân Hoàng kể lại:
“Thỉnh thoảng Nghiêu Đề gửi cho Văn một bài thơ và tuyệt nhiên không thấy một
truyện ngắn mới nào. Nhiều lần tôi hỏi
anh và anh nói: màu sắc đủ rồi, thơ cũng là quá một bước, truyện ngắn là lỡ bước
thứ hai…” (Một Chút Kỷ niệm với Nghiêu Đề, NXH San Jose, 16/11/1998)
Bìa nguyễn trung
Phụ Bản: lâm triết, cù nguyễn, nguyễn trung, nghiêu đề; Trình Bày trần dạ từ
songmaxuatbanmotchinsaulam
Mục Lục
7 nai, lâm triết sơn dầu
9 VÙNG CỎ XANH
37 thảo và hoa, cù nguyễn sơn dầu
39 NGƯỜI ANH EM CỦA ĐẤT
67 vùng thanh thoát, nghiêu đề sơn dầu
69 NGỌN TÓC TRĂM NĂM
93 chân dung, nguyễn trung sơn dầu
95 KHOẢNG RỢP CỦA BIỂN
Khi
Nghiêu Đề lâm trọng bệnh, Giang và các con kết hợp với
Viet Art Society, chuẩn bị ra một cuốn sách về Nghiêu Đề, tôi không ngạc nhiên
khi biết ngoài phần hội hoạ bạn mình đã không muốn đưa Ngọn Tóc Trăm Năm vào cuốn
sách như một tổng kết cuối đời. Cho dù Nghiêu Đề phủ
nhận tác phẩm của mình thì những trang sách ấy tự nó vẫn là một giá trị của văn
học của Miền Nam trước 1975.
Một
thoáng Nghiêu Đề và Vòng Đai Xanh
Triết nhân vật chính trong tiểu thuyết Vòng Đai Xanh, một hình
tượng văn học, nguyên gốc hoạ sĩ sau trở thành phóng viên chiến trường có bóng
dáng Nghiêu Đề trộn lẫn với cái tôi của tác giả.
Tiểu thuyết Vòng Đai Xanh, Ngô Thế
Vinh, Nghiêu Đề trình bày,
Thái Độ xuất bản (1971) [Label: Wason
PL 4389, N473, V9]
…
Rồi cũng như mọi buổi sáng khi tờ báo lên khuôn là lúc tôi có thể rời toà soạn
xuống tán dăm ba câu chuyện gẫu với cô thư ký hay ra đầu ngõ kêu một ly cà phê
bít tất đắng, ngồi nói chuyện tầm phào với bất kỳ người nào có mặt ở đó, thường
là đám công nhân nhà in hay thợ sắp chữ. Cái còn lại của một ngày là tất cả sự
vắng lặng êm ái. Từ một cầu thang xoắn ốc và mờ tối, không khí căn phòng như
ngưng đọng lạnh lẽo. Những chiếc bàn máy đen sẫm
im ngủ. Bàn ghế cũng có những tương quan chỗ đứng của chúng.
Đôi
khi sự quen thuộc cũng nhuốm vẻ xa lạ như ngày mới tới. Nếu còn vẽ chắc tôi có
thể làm việc với những cảm giác đầu tiên như vậy. Bỏ xa khung vải tôi không
tránh được những cảm giác nhớ nhung. Sau vụ cháy thiêu huỷ tất cả, tôi đã dứt
khoát từ bỏ giá vẽ chưa biết đến bao giờ. Dù vậy mà ở lần triển lãm mới nhất
tôi vẫn góp mặt với bốn bức tranh lớn, những bức tranh còn lại rải rác trong
đám bạn hữu. Sự kiện có thêm tên tôi cũng không có gì để phản đối và thêm ý kiến.
Nhưng điều ngạc nhiên là ngay trong buổi đầu, tôi là người đầu tiên có tranh
bán được, ba trong số bốn bức. Riêng bức Mèo Đen Trên Thảm Hồng do một người
đàn bà tên Như Nguyện hỏi mua, còn hai bức kia do một người khách Mỹ mà sau này
tôi được biết là nhà báo Davis. Tranh tôi thuộc loại khó được ưa thích và vì
khó bán nên giá thường rất cao. Cũng bởi vậy lần này tôi đủ tiền để trả những
món nợ lớn, sắm thêm một bàn máy đánh chữ nhỏ và một ống ảnh thật tốt. Như một
nhà nông hưởng vụ gặt trái mùa, tôi dứt khoát từ bỏ hội hoạ với những ưu đãi thật
trễ muộn của nó. [VĐX, Chương 1, Nxb Thái Độ 1970]
Một Nghiêu Đề
Khác
Không
tự ràng buộc vào những quy ước thông tục của đời sống, dễ nhìn Nghiêu Đề như một người phóng giật hay buông thả bất
cần đời, anh hoà nhập với mọi người nhưng lại hàm chứa vẻ cao ngạo với chính
anh chứ không với ai khác. Là người bạn đôn hậu, không hề cay độc nhưng lại rất
cynical, Nghiêu Đề vẫn hồn nhiên gọi chó là đồng loại. Nói như Oscar Wilde: “Anh
là mẫu người biết giá của mọi thứ, nhưng không có gì giá trị đối với anh / A
man who knows the price of everything and the value of nothing”.
Giữa
cuộc chiến tranh khốc liệt, nhiều bạn thân của anh là nhà văn nhà thơ nơi tuyến
đầu, anh không phê phán và chọn đứng ngoài cuộc tranh chấp ấy. Anh sống với màu
sắc, trong an nhiên tự tại, Nghiêu Đề chính
là hình ảnh con chim Nguyệt trong thế giới mộng ảo nơi quê anh rất mong manh,
bay thật cao hót thật hay và tan vào trong đêm trăng. Nghiêu Đề khiến tôi liên
tưởng tới nhân vật Sơn Ca của Vũ Khắc Khoan trong vở kịch Thành Cát Tư Hãn.
Rất
tình cờ khi giở những trang sách Ngọn Tóc Trăm Năm, thấy rơi ra một tấm hình
không rõ năm nhưng rất cũ đã hoen màu thời gian, nhưng tôi vẫn còn nhận ra đôi
lãng tử Nghiêu Đề và Lâm Triết với chiếu manh túi xách trên dọc đường gió bụi, có
khoảng thời gian họ đã cùng thuê căn gác xép để vẽ vời và cả tụ hội với bạn bè,
nơi mà chủ căn nhà còn có nuôi thêm gà và heo, nặng mùi khó thở ngày đêm, nhưng
họ vẫn ở đó lâu năm với giấc mộng dài. Rồi Nghiêu Đề đoạt huy chương
bạc với bức Chân Dung trong triển lãm Hội họa mùa xuân 1961; sau đó Lâm Triết
huy chương vàng với bức Ngựa trong Triển lãm Hội họa mùa xuân 1962. Nghiêu Đề thì
nay đã mất, Lâm Triết đã dừng cơn gió loạn, giã từ Sài Gòn để về “cõi an bình” sống
lặng lẽ với cỏ cây nơi Bình Định quê nhà.
Thay lời kết: 3
bức tranh sơn dầu cuối của Nghiêu Đề trên đất Mỹ
1986: Bố
cục Sen, một thiếu nữ thanh thoát vươn lên từ những búp sen. Được hoàn tất sau
ngày gia đình Nghiêu Đề đặt chân trên đất Mỹ. Tiền bán bức tranh lúc đó đủ mua
một cây đàn piano cho tụi nhỏ. Hành trình của bức tranh này cũng khá kỳ lạ, từ
San Diego theo chủ nó về Việt Nam, sau một thời gian bức tranh ấy lại sang tay
một người khác, sau đó bức tranh lại sang tay một người thứ ba và nay trở lại đất
Mỹ. Hình bức tranh do người viết mới chụp từ trong một ngôi nhà vùng Huntington
Beach.
1988: Vườn chuối 1988,
một cô gái nhỏ nép bên vườn chuối mướt xanh. Khác các chân dung thiếu nữ có nét
già dặn chín mùi của những người yêu Nghiêu Đề trước 1975, nay chỉ còn là những
cô gái nhỏ mang dáng nét thơ ngây của mấy đứa con Nghiêu Đề. So với trước 1975,
tranh sơn dầu của Nghiêu Đề trên đất Mỹ vẫn có màu xanh nhưng nay có thêm những
mảng màu vàng đỏ như phản ánh một giai đoạn có thoáng hạnh phúc.
Bức
tranh này đã có người từ Los Angeles xuống nhà San Diego để mua và không
còn nhớ tên là ai là chủ nhân nữa.
1998: Bé Sài Gòn, Nghiêu
Đề khi biết mình ngã bệnh, xuống sắc rất mau, cả vật vã đến xanh xao với những cơn đau nhưng anh vẫn gượng dậy vẽ bức chân dung
con gái út Bé Sài Gòn lúc ấy 19 tuổi. Có lẽ đây là
tác phẩm sơn dầu cuối cùng, còn dở dang của Nghiêu Đề mấy tháng trước khi anh mất.
Bức tranh hiếm hoi ấy nay còn được treo nơi nhà Nguyễn Nghiêu Ngung, Cu Bi con
trai Nghiêu Đề dưới San Diego.
Bài
viết tháng 11 muộn màng này để tưởng nhớ người bạn tấm cám và cũng gửi tới chị Giang, Cu Bi, Bé Búp và Bé Sài Gòn nhân ngày
giỗ thứ 16 của Nghiêu
Đề.
NGÔ
THẾ VINH
Sài
Gòn 1958 – California 2014
No comments:
Post a Comment