Friday, January 17, 2014

TẠP VĂN LƯU NA



Đọc một cuốn sách




Những năm 80, sách vở in ra là một khó nhọc.  Tiền in ấn thì mắc, phổ biến cũng rất ngặt nghèo, nhưng sách vẫn được in ào ào và tôi vẫn moi hết tiền ra rước về, cả những cuốn sách bói toán đọc chơi rồi bỏ, những tác phẩm của các tác giả một lần.  Đó là vì người viết lẫn người đọc đang bị lên đồng, cơn đồng thiếp chữ nghĩa khi đã mất tất cả chỉ còn ngôn ngữ là lưu vật cuối cùng của quê hương.  Cho đến nay, chúng ta đã đi qua một chặng đường rất dài, đã bước được trên những con lộ khá thênh thang của chuyện viết và in sách, nhưng sách để đọc và để dành lại thì đã đi qua cái thời vàng son của chữ nghĩa.  Thứ nhất là không thể cạnh tranh với sách ảo trên mạng, và thứ hai _ ngại ngùng hơn nhiều, là chữ nghĩa thời đại đã sang trang.  Người ta viết truyện thì phải hung bạo, phải “cực kỳ” mọi thứ, người ta phê bình văn chương học thuật thì phải đầy đủ những tên tuổi khó đọc và phân biện những kỹ thuật những cách hành văn những thể thức cũng “cực kỳ” khó hiểu, nói kiểu thời đại là hiểu “chết liền!!!”

Giữa cái tràn lan của sách ảo và tiêu điều của sách in, tôi đọc quyển Mấy Chân Dung Văn Nghệ Hiện Đại của Huỳnh Hữu Ủy do nhà Văn Mới xuất bản, 2013, bìa và hình phụ bản màu, giấy trắng, giá $14.

Nếu không có tên nhà văn Đỗ Long Vân trong danh sách thì có thể nói rằng đó là Mấy Chân Dung Thơ Hiện Đại, vì các tác giả được viết đến đều là các nhà thơ.  Điểm nối các nhân vật ấy với nhau chính là dấu vết thời đại mà Huỳnh Hữu Ủy chỉ ra trong phong cách, trong chữ viết, trong con người của các tác giả ấy.  Đó là khủng hoảng ý thức hệ trong nội tình dân tộc nơi cuộc chiến Bắc Nam, bị cuốn trong rối ren triết lý phương Tây đang lấn lên bờ đất nước nghèo nàn đau khổ, lưu lạc trên chính quê nhà.  Những tên tuổi ấy hoặc đã lớn lên trong giông bão đi tìm mình như Viên Linh, hoặc gây thêm giông bão cho tuổi trẻ, thứ giông bão hiếm quý trong đời người như Tuệ Sỹ như Bùi Giáng, hoặc thành một nét ly kỳ của quá khứ như Nguyễn Đức Sơn.  Tất cả những cái tên ấy, những con người riêng biệt với một dấu ấn chung ấy đều đã được miền Nam dung chứa và Huỳnh Hữu Ủy giới thiệu với chúng ta với tấm lòng trân trọng.

Nơi Lời đầu sách Huỳnh Hữu Ủy tỏ bày: “Tan rã vào đời sống xa lạ chung quanh, nhưng vẫn còn muốn gìn giữ chút tâm ý của mình, hy vọng Mấy Chân Dung Văn Nghệ Hiện Đại sẽ góp được một cách nhìn hay chính là nỗi lòng của người viết trong một tình cảnh đặc biệt của chúng ta ngày nay, trên những bước chân phiêu bạt thất tán nơi đất khách quê người.”

Lời tỏ bày đó có bao nhiêu chân thật?  Tôi cho là vô cùng chân thật, và chính xác.  Hãy nói cụ thể, phần nói về Tuệ Sỹ.  Tuệ Sỹ là một cái tên lớn, nhưng tôi chỉ biết cái tên ấy khi quá 40, và chỉ thực đọc được những dòng thơ Tuệ Sỹ qua sách của Huỳnh Hữu Ủy.  Tôi đã phải tốn vài ngày tra tìm cái tên ấy trên mạng, đọc nổ đom đóm mắt để tìm một bóng dáng mới thấy cái tâm ý mà Huỳnh Hữu Ủy muốn giữ gìn.

Tuệ Sỹ là một cái tên có thể nói là lớn, và hầu như tất cả mọi người đều nói đến thầy Tuệ Sỹ, nói đến cái uyên bác thông tuệ của thượng tọa Tuệ Sỹ, và nói đến cái thơ tuyệt tác bất ngờ của Tuệ Sỹ trong con người nhà tu.  Riêng Huỳnh Hữu Uỷ nhìn thấy nhà thơ Tuệ Sỹ trên và trước, cho dù Tuệ Sỹ sinh ra, lớn lên, và có lẽ sẽ chết trong tấm áo cà sa.  Thử Bước Vào Cõi Thơ Tuệ Sỹ buộc người viết phải đi qua con người và cuộc sống đời thường của Tuệ Sỹ, một nhà tu, nhưng phải nói rằng sau vài ngày tra tìm trên mạng, tôi thở phào không tìm thấy lời nào gọi “ôn Tuệ Sỹ” nơi bài của Huỳnh Hữu Ủy, cho dù có lẽ HHU có quyền và có đủ giao tình để gọi lời ấy.  Chúng ta lập lại nhau rất nhiều về cái uyên bác thâm sâu thông tuệ Phật học của Tuệ Sỹ và dùng nó _ không phải để hiểu thơ Tuệ Sỹ như HHU mà là để ca tụng thêm vào cái tuyệt tác của thơ ấy.  Những tấm hình của Tuệ Sỹ nói với chúng ta một con người: đó là một vị Phật sống cuộc đời khổ hạnh, nhưng có ai biết Tuệ Sỹ đắc cái gì và ai chứng không?  Mọi sự chung quanh Tuệ Sỹ như bụi trần vương vạt cà sa, chúng ta khen thâm sâu uyên áo nhưng chúng ta là ai, biết gì để nói đến những cái thâm sâu uyên áo ấy?  Huỳnh Hữu Ủy dường như không muốn khơi đống bụi trần ấy, và dường như cũng không muốn dây luôn chút bụi trần.  Cái khác biệt ấy có lẽ là nhỏ nhặt, nhưng tôi cho đó chính là chút tâm ý mà HHU muốn giữ gìn.

Bình thơ Tuệ Sỹ chắc không ai viết hơn Bùi Giáng, cũng như nói về Viên Linh không ai nói hơn Thanh Tâm Tuyền, HHU giới thiệu với chúng ta điều ấy.  Nhưng HHU cũng góp với chúng ta một cách đọc thơ Tuệ Sỹ khi liên tưởng đến Between What I See And What I Say của Octavio Paz, khi nói đến một cảm nhận giữa tiếng động và tịch lặng, khi nhìn thấy hình ảnh “một người cô độc ngồi bên bếp lửa đợi gió sang canh giữa rừng khua…” (trang 37), hay khi nhìn thơ Viên Linh như nhìn một bức tranh được cấu kết tạo hình theo lối họa của Marc Chagall (trang 69). Huỳnh Hữu Ủy đã nói về thơ bằng những lời thơ, bằng những bức tranh, có gì quí hơn.

Bên cạnh đó, ông cũng góp một cái nhìn về con người của Tuệ Sỹ: “Cái chất của Tuệ Sỹ… là cái chất nối dài từ thời Lý Trần…” (trang 16), “…có đôi chút ngây thơ…” (trang 23), một người “nặng gánh với cuộc đời mà cũng nhẹ tênh với cuộc đời, nhẹ nhàng phiêu lãng, chẳng có gì phải ràng buộc cả, chỉ một cái túi vải nhỏ là lên đường đi mất hút” (trang 15). 

Tôi đã dừng hơi lâu ở những trang viết về Tuệ Sỹ chỉ vì chính bản thân tôi không có một chút kiến thức gì và HHU đã khiến tôi muốn tìm biết Tuệ Sỹ.

Phần viết về những tác giả khác, Huỳnh Hữu Ủy còn tỏ ra nặng lòng với bạn, thí dụ như viết đến cái “lao động với chữ” của Viên Linh khi làm thơ, tỉ mỉ với tâm tình lưu vong thất tán trên chặng đường thơ của Viên Linh.  Lao động…thơ, nhận xét rất ngộ nghĩnh làm tôi bật cười dù sự thật còn quá hơn vậy với tất cả mọi người làm thơ.  Làm được thơ là thi sĩ nhưng thi sĩ không chắc làm được thơ, 98 phần trăm là công sức, 1 phần trăm phước báu tự trời, và một phần trăm thiên tài không lao động vẫn ra thơ.  Huỳnh Hữu Ủy tỏ ra công bằng trong nhận định, phần nói về Bùi Giáng Nguyễn Đức Sơn tuy ngắn nhưng súc tích.  Gọi Bùi Giáng là “thợ trời của chữ,” rằng Bùi Giáng “điên như thánh” đủ vẽ lại một Bùi Giáng, giới thiệu Nguyễn Đức Sơn là một “Đỉnh thơ Kỳ dị và Cô độc” là một ghi nhận có chiều sâu.

Rằng những gì mình viết chỉ là một cách đọc, một cách nhìn, thì đúng, nhưng những gì viết về các tác giả cho dù bằng những lời đơn giản vẫn bộc lộ một mỹ quan tinh tế.  Với tôi Mấy Chân Dung Văn Nghệ Hiện Đại là sách hay để lưu giữ, một món quà cho những người yêu sách muốn cầm được trên tay một cái gì có giá trị.


Lưu Na
01/15/2014

No comments:

Post a Comment