Tuesday, January 21, 2014

MẠN ĐÀM CÙNG NHÀ VĂN TRỊNH Y THƯ



lê quỳnh mai thực hiện



                                                        Nhà văn Lê Quỳnh Mai




                                                         Đời Nhẹ Khôn Kham
                                     
Đôi dòng tiểu sử:
Trịnh Y Thư sinh năm 1952, tại Hà Nội. Viết văn, làm thơ, dịch. Tác phẩm đã xuất bản: Đời nhẹ khôn kham (The Unbearable Lightness of Being), tiểu thuyết của nhà văn Pháp gốc Tiệp Milan Kundera, tạp chí Văn Học xuất bản, 2002; Căn phòng riêng (A Room of One’s Own), lí luận văn học của nhà văn nữ Virginia Woolf, Tri Thức xuất bản, 2009. Người đàn bà khác, tập truyện, Thế Giới xuất bản, 2010. Hiện định cư tại bang California, Hoa Kì.

*

Lê Quỳnh Mai (LQM): Đây là lần đầu tiên, lê quỳnh mai thực hiện mạn đàm với một tác giả sáng tác thơ, viết văn, mà đặc biệt là một dịch giả của những tác phẩm ngoại quốc nổi tiếng, nên rất vui vì có dịp gặp gỡ không ít tài hoa của văn học Việt Nam. Anh có nghĩ như vậy không?           
Vậy chúng ta bắt đầu nói chuyện nhé.

Anh làm thơ, viết văn, viết tiểu luận, dịch các tác phẩm ngoại quốc sang tiếng Việt. Vậy phải dùng danh xưng nào để cho thích hợp với Trịnh Y Thư?

Trịnh Y Thư (TYT): Thú thật với chị, tôi có tính “đa mang”, cái gì cũng thích mân mó nhúng tay vào, rốt cuộc chẳng làm cái gì đến nơi đến chốn. Nhưng chị hỏi thì phải trả lời, có lẽ tôi thích được gọi là nhà thơ nhất. Nhà thơ “oách” lắm, nghe nói các cô hay đem lòng yêu nhà thơ…

LQM: Và cả nhà văn nữa anh Thư ạ! . . . Xin anh cho biết ý kiến về câu “Traduire c'est trahir” mà chúng ta vẫn thường nghe.

TYT: Traduttore, traditore—tôi thích câu tiếng Ý hơn. Dịch là thực hiện công tác bắc cầu giữa hai nền văn hoá, và lẽ đương nhiên, giữa hai nền văn hoá bao giờ cũng tồn tại những giá trị tương phản gần như nghịch lí. Nhà văn Rudyard Kipling bảo Đông Tây không bao giờ gặp nhau. Nhưng ở thời đại của chúng ta, do sự toàn cầu hoá cộng thêm sự bùng nổ của Internet, càng ngày tính tương phản ấy càng thu nhỏ, gần như triệt tiêu hẳn. Câu hỏi quan trọng hơn có lẽ là: “Khác với công việc dịch thuật ở các chuyên ngành khoa học tự nhiên hay y học, liệu một tác phẩm văn học, sau khi được chuyển ngữ, có khả năng có một đời sống khác hay không?” Với tôi, câu trả lời là có, bởi dịch thuật văn học là tái tạo, là sáng tác lại một tác phẩm để cho nó một đời sống mới, để xê dịch nó sang một căn nhà, một nơi chốn mới. Bốn thành tố quyết định đời sống của tác phẩm là thời đại, nhà văn, tác phẩm và người đọc. Một dịch phẩm hiển nhiên phải có riêng nó một đời sống mới bởi nếu dịch phẩm thành công thì chí ít năm mươi phần trăm những thành tố trên là mới. Đời sống mới này đôi khi còn rực rỡ, trường tồn hơn đời sống “cũ” của nguyên tác như trường hợp bản dịch Chinh Phụ Ngâm của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm; và, nhìn ở góc độ nào đó, Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du cũng là tác phẩm dịch.

LQM: Đối với anh, thế nào là một bản dịch hay, có giá trị?

TYT: Trên các diễn đàn văn học đã có khá nhiều nhận định sâu sắc và giá trị về dịch thuật văn học. Nhìn chung, có hai xu hướng: hoặc tuyệt đối trung thành với văn bản của nguyên tác; hoặc đặt trọng tâm vào yêu cầu tiếp nhận của ngôn ngữ dịch. Theo tôi, ở thời đại của chúng ta, quan niệm đúng đắn phải là sự kết hợp chặt chẽ giữa hai xu hướng. Người dịch không còn là thợ chữ hay kẻ “tra từ điển chuyên nghiệp” nữa. Có khoảng đất trống tuy không rộng rãi thênh thang lắm nhưng đủ cho hắn vận dụng tài năng riêng để phô diễn nét tài hoa trong sáng tạo của mình. Quan trọng hơn hết, theo tôi, là làm sao duy trì được phong cách nghệ thuật của nguyên tác, bởi chính cái phong cách này định hình cho giá trị và sự trường tồn của tác phẩm. Một bản dịch không duy trì—chí ít ở tầng chữ nghĩa—cái phong cách ấy là một bản dịch thất bại. Chẳng những thất bại mà còn không công bằng với tác giả. Tác phẩm tiểu thuyết Lolita của nhà văn Vladimir Nabokov là một kiệt tác của văn học thế giới thế kỉ XX. Nabokov thuật một câu chuyện vô luân bằng thứ Anh ngữ tuyệt vời, phải nói là linh diệu. Nếu dịch giả không nắm bắt được cái linh diệu trong văn tài của Nabokov và không có một vốn liếng Việt ngữ tuyệt vời, linh diệu tương đương thì bản dịch của hắn sẽ biến thành một cuốn sách tầm thường, thậm chí khiêu dâm tồi bại. Và nếu như thế thì oan uổng cho Nabokov xiết bao. Thí dụ thứ hai tôi muốn nói đến là dịch thơ Hồ Xuân Hương sang ngoại ngữ, một điều gần như bất khả.

LQM: Có phải anh muốn nói đến dịch giả không thể chuyển ngữ những từ nói lái trong thơ Hồ Xuân Hương?

TYT: Vâng, những từ nói lái như “đá đeo”, “lộn lèo”, những từ đặc quánh Việt Nam như “hõm hòm hom”, “vắt ve”, “hoẻn”, v.v... làm sao chuyển ngữ mà vẫn duy trì được cái hay của thơ cho dù dịch giả là người tài hoa và tài tình xuất chúng? Rồi còn phải kể đến cái phong cách vừa thanh vừa tục vẫy vùng trong biển cả của tín ngưỡng phồn thực dân gian Việt Nam, làm sao chuyên chở hết được? Thơ của nữ sĩ Cổ Nguyệt Đường Xuân Hương, ngoài cái tài tình của chữ nghĩa, luôn luôn bật mở nhiều chiều kích lạ lùng mà mỗi thế hệ lại có một cách cảm thụ khác nhau . . . Nhưng có lẽ chúng ta lạc đề quá xa rồi chăng?

LQM: Kinh nghiệm của anh về dịch thuật là gì? Khó khăn? Tại sao anh chọn lãnh vực này? Lời khuyên cho những dịch giả trẻ?

TYT: Tôi vẫn còn là một dịch giả “trẻ” đấy chứ! Trẻ ở ý nghĩa luôn luôn phải tìm tòi, học hỏi. Đối với tôi, dịch có nghĩa là “dịch vật”. Cái khó khăn cho người dịch là hắn lúc nào cũng phải cẩn trọng tối đa bởi muôn vàn cạm bẫy cùng hầm hố túc trực chờ đón để chôn vùi hắn nếu hắn cẩu thả, không chịu khó tìm hiểu thấu đáo văn bản nguyên tác trước khi hạ bút. Tín-đạt-nhã. Ba tôn chỉ người Trung quốc đặt ra cho công việc dịch thuật, tưởng đơn giản nhưng quả thật không dễ dàng và con đường người dịch chọn lựa cho mình đi không rộng rãi, bằng phẳng chút nào. Tôi chỉ tình cờ lạc vào con đường ấy thôi, chẳng qua tôi chỉ muốn tìm hiểu kĩ thuật làm văn cũng như tư tưởng của các bậc thầy văn chương thế giới, và cách học hỏi thấu đáo, tường tận nhất là dịch.

LQM: Xin anh giải thích rõ nghĩa hơn về hai chữ “dịch vật”.

TYT: Từ điển Hán-Việt của cụ Đào Duy Anh định nghĩa “dịch vật” là “Sai khiến mọi vật, như dùng trâu cày dùng ngựa cỡi.” Với tôi, dịch là đánh vật với chữ nghĩa. Đôi khi người dịch chẳng qua chỉ là con trâu kéo cày, đổ mồ hôi, sôi nước mắt mà còn bị người đời rẻ rúng, xem thường. Chưa kể lâu lâu đổ đốn một tí, bị vợ mắng là đồ “dzịch dzậc.”

LQM: Có không ít những tác phẩm ngoại quốc nổi tiếng và giá trị. Nhưng tại sao anh chú trọng nhiều đến tác phẩm của Milan Kundera?

TYT: Kundera mở ra cho tôi thấy thế nào là tiểu thuyết. Hai câu nói ông lặp đi lặp lại trong các bài luận văn của ông, “Tiểu thuyết gia không phải là kẻ hầu hạ sử gia” và “Có những điều chỉ tiểu thuyết mới nói được”, có thể tóm gọn quan điểm của ông về nghệ thuật tiểu thuyết. Đọc Kundera chúng ta thấy Lịch sử trải dài trên trang viết. Tiểu thuyết của ông không thiếu những mạch đoạn viết về chính trị—đúng hơn lịch sử chính trị—và ông không bao giờ che giấu thái độ hằn học, gần như thù hận, với nước Nga bởi quốc gia này đã gây nên không biết bao nhiêu tai hoạ và thống khổ cho quê hương ông, cho chính cá nhân ông. Nhưng thật sai lầm nếu chúng ta bới móc giữa những dòng chữ ông viết để tìm kiếm một thông điệp hay luận đề chính trị nào. Với ông, Lịch sử chỉ là tấm phông trừu tượng mà ông ví tiểu thuyết gia như nhà thiết trí sân khấu kịch dùng nó để kiến dựng một tiết kịch. Nhưng nếu lịch sử chính trị chỉ là bối cảnh, chỉ là cái phông của tiết kịch, thì cái gì chiếm cứ phần trọng đại nhất trong tiểu thuyết Kundera? Câu trả lời giản dị lắm: Đó chính là sự truy tìm bản ngã con người để từ đó rất có thể loé lên luồng sáng mới mẻ cho chúng ta thấy rõ hơn cái ẩn mật của hiện hữu. Và qua tác phẩm, chúng ta thấy ông truy xét cái bản ngã đó đến tận cùng. Bản ngã bị ông lật trái lật phải, lật ngang lật dọc đến chóng mặt. Nhưng không phải vì thế ông chụp bắt được điều ông muốn kiếm tìm, bản ngã vẫn vuột khỏi tầm tay, và ông thú nhận cuộc truy tìm bao giờ cũng chấm dứt trong nghịch lí. Đọc Kundera, chúng ta cũng dễ dàng mắc phải ngộ nhận cho là tiểu thuyết ông chịu ảnh hưởng triết học hiện sinh. Quan điểm phê phán xem nghệ thuật chẳng qua chỉ là sản phẩm phái sinh từ các trào lưu triết học và lí thuyết bị ông đem ra phản bác gay gắt. Dùng tác phẩm văn học của các nhà văn cận/hiện-đại, ông bảo tiểu thuyết đụng đến vô thức trước khi có Freud, giai cấp đấu tranh trước khi có Marx; trước khi các nhà hiện tượng học ra đời tiểu thuyết đã nói đến hiện tượng học . . . Để hiểu Kundera chúng ta phải hiểu cái “hệ toán hiện sinh” mà ông trình bày trong cầu vực các tình huống trong tiểu thuyết của ông mà ông gọi là “tiểu thuyết tư duy”. Dĩ nhiên, văn học thế giới có rất nhiều tác phẩm giá trị rất xứng đáng giới thiệu với độc giả Việt, nhưng tôi chọn Kundera bởi văn chương, tâm thức, hoàn cảnh cá nhân (ông cũng lìa bỏ quê hương sống lưu vong từ năm 1975) của ông có cái gì tâm đắc, gần gũi tôi. Tuy nhiên nói như thế không có nghĩa là tôi hiểu ông một cách toàn nguyên và càng không phải tôi tuyệt đối đồng ý, tin theo tất cả những gì trên trang viết của ông.

LQM: Xin anh giới thiệu đến độc giả về tác phẩm chuyển ngữ Căn phòng riêng (A Room of One's Own) của Virginia Woolf (TYT chuyển ngữ, bản dịch 2009, NXB Tri Thức).

TYT: Cuốn Căn phòng riêng nằm dưới hình thức một tập tiểu luận, được tác giả san định từ những bài thuyết trình tại hai đại học cao đẳng dành cho phụ nữ, trường Newham và trường Girton thuộc đại học Cambridge, Anh quốc, với chủ đề “Phụ nữ và sáng tác văn học.” Cuốn sách thuộc loại kinh điển của tinh hoa thế giới, và Woolf được xem như người mở đường cho trào lưu tư tưởng nữ quyền. Khởi đi từ những phong trào xã hội tiền phong tranh đấu cho quyền lợi người phụ nữ vào cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, trào lưu này tiếp diễn mãi suốt thế kỉ XX, thành những làn sóng, hết lớp này đến lớp kia, và ngày nay nó được các học giả đưa lên thành lí thuyết văn học—Nữ quyền luận—nhằm vẽ lại biểu đồ truyền thống của phụ nữ trong văn học và xác định lại mô thức văn học ảnh hưởng bởi giới tính (công trình của nữ học giả Mary Ellmann). Bút pháp giới tính nữ do một số nữ học giả Pháp đề xuất vào những năm 70 cho thấy sự khác biệt giữa hai lối viết nam nữ, ngay cả cách cảm thụ tác phẩm cũng không giống nhau. Nhiều nghiên cứu gần đây còn liên kết Woolf với sự đồng tính nữ. Hiển nhiên, Woolf là một tài năng văn chương đáng chú ý, có ảnh hưởng lâu dài, mặc dù bà sống và viết văn cách đây cả ba phần tư thế kỉ. Cuốn Căn phòng riêng là tác phẩm đầu tiên của bà được dịch sang Việt ngữ, trong đó bà đưa ra luận điểm người phụ nữ muốn viết văn thì phải có tiền và một căn phòng riêng. Nhìn từ góc độ xã hội, cuốn sách kêu gọi một khí quyển mới cho người phụ nữ trong đó nam nữ phải được bình quyền và, quan trọng hơn, nó cố tẩy xoá những định kiến vốn hằn sâu trong nhận thức xã hội về vai trò, giá trị và khả năng người phụ nữ. Từ luận điểm ấy, bà đi xa hơn trong quan điểm về sáng tác văn học. Theo bà thì một khối óc kì vĩ thực hiện được những công trình văn học to tát (như Shakespeare chẳng hạn) phải là một khối óc lưỡng tính, nghĩa là nam-nữ tính hoặc nữ-nam tính. “Phải có sự hợp tác nào đó trong trí tưởng giữa đàn ông và đàn bà trước khi sự sáng tạo nghệ thuật có thể hoàn thành. Phải hoàn tất cuộc hôn phối giữa hai tác thể đối nghịch.” Bà bảo thế, dựa trên luận thuyết lưỡng tính của Samuel Taylor Coleridge, thi sĩ kiêm triết gia Anh cuối thế kỉ XVIII, đầu XIX. Phải chăng bởi thế mà ngày nay nhiều nhà nghiên cứu văn học mặc nhiên xem Woolf là biểu hiệu của xu hướng đồng tính nữ?

LQM: Anh có đồng ý với đoạn văn của Virginia Woolf trong tác phẩm này của bà: “Một phụ nữ muốn viết văn cần phải có tiền và một căn phòng của riêng mình?” Và ý kiến của anh ra sao về câu này: “Người đàn bà tiết hạnh không bao giờ viết lách” (trang 104).

TYT: Woolf xuất bản  cuốn sách này vào năm 1929. Hoàn cảnh xã hội lúc đó khác nay nhiều. Điều đáng nói là ở thời đại chúng ta, không còn ai phân biệt hoặc quan tâm đến giới tính của nhà văn nữa. Càng ngày càng có nhiều phụ nữ cầm bút và không ai nghi ngờ tài năng, phẩm giá con người nhà văn cũng như giá trị văn học trong tác phẩm của họ. Năm 2009 cùng lúc cả hai giải thưởng văn học cao quý là giải Nobel và giải Man Booker đều lọt về tay hai nhà văn nữ, bà Herta Muller và bà Hilary Mantel. Đấy là chuyện văn học thế giới, còn ở Việt Nam ta thì sao? Xét riêng trên bình diện văn học, không biết Nữ quyền luận đã xuất hiện ở Nam Việt Nam vào các năm 50, 60 hay chưa, nhưng sự hiện diện đông đảo của những cây bút nữ là hiện tượng đáng lưu ý. Nó hiện hữu không như một thử thách hay thách đố nào mà như một sự kiện mặc nhiên. Nó chẳng cần ai lớn tiếng bênh vực cho nó. Thế hệ nào cũng có những người viết nữ xuất sắc bước ra hàng đầu. Phong cách sáng tạo của họ không những khiến độc giả giật mình mà các nhà văn, nhà thơ phái nam cũng phải nhìn nhau ngẩn ngơ. Nó có tính công phá, nhất là ở những phạm vi “ta-bu” như tình dục. Và nếu văn học hải ngoại có tương lai sống còn hay không thì tương lai ấy nằm trong tay các nhà văn, nhà thơ phái nữ chứ không phải các nhà thuộc giới “mày râu.”

LQM: Xin đại diện phái nữ viết văn cảm ơn nhà thơ Trịnh Y Thư về ý kiến đẹp trên. Tuy nhiên xin anh cho biết ý kiến thêm về “tính công phá, nhất là ở những phạm vi ta-bu như tình dục” trong các tác phẩm của những nhà văn nữ, như anh vừa nêu trên.

TYT: Rải rác đây đó trên trang viết của những nhà văn, nhà thơ phái nữ, trong nước lẫn hải ngoại, tôi thấy họ can đảm dám nhìn thẳng vào mặt phải và mặt trái của dục tính nơi con người. Dưới mắt họ, dục tính là một phần đời sống, và bởi thế khi muốn miêu tả đời sống cho đến nơi đến chốn thì không thể né tránh hoặc bỏ quên nó được. Họ không sử dụng dục tính như lợi khí văn chương nhằm thu hút sự chú ý của người đọc. Nó thuộc dạng bản năng của con người nhưng đa phần, dù ở những tình huống bình thường, nó đau đớn, ê chề lắm chứ chẳng sung sướng gì đâu. Nhờ thế họ thành công và văn chương của họ không biến thành “dơ dáng.” Đây chẳng phải là lần đầu tiên thơ văn phái nam bị phái kia “qua mặt”. Từ cuối thế kỉ XVIII, trong khi Nguyễn Du chỉ dám “Dày dày đúc sẵn một toà thiên nhiên” thì Hồ Xuân Hương đã “Đôi gò Bồng Đảo sương còn ngậm, Một lạch Đào Nguyên nước chửa thông” rồi.

LQM: Đối với anh, thời cuộc ảnh hưởng gì lên sáng tác văn học?

TYT: Thời cuộc, hoặc cao rộng hơn, thời đại, là một trong bốn thành tố của đời sống văn học: Thời đại + Nhà văn => Tác phẩm + Người đọc, như trong sách vở chúng ta thường đọc. Nhà văn Việt Nam, do truyền thống, bị thời đại thường xuyên đè nặng tâm thức mình. Họ viết bởi những trăn trở của kẻ sĩ đang rạch nát tâm tư họ. Họ viết bởi nhìn thấy xã hội suy đồi nhếch nhác, đất nước nghèo đói đau thương. Truyền thống “văn dĩ tải đạo” cho đến ngày nay vẫn bám chặt lương tri người cầm bút. Vâng, những trang viết đó cao đẹp lắm và tôi chẳng bao giờ dám có ý tưởng ngông cuồng phủ nhận cái gì đã được xem là tối thiêng liêng. Nhưng trong quan điểm của tôi, văn học là hình thái ý thức nghệ thuật phán ánh hiện hữu—hiện hữu chứ không phải đời sống—một hiện hữu bao gồm những khả thể đời sống khách quan lẫn ý thức đời sống chủ quan. Văn học, như một nghệ thuật, có khả năng cùng lúc phô diễn, pha trộn rất nhiều bình diện khác nhau, gần như nghịch lí, của đời sống con người, từ cái chân lí cho đến cái phi lí. Tuy thế phần đông các nhà văn thường nhường phần đất chân lí cho các triết gia và các nhà thần học khai thác. Ở cực điểm bên kia, khó khăn và trắc trở không kém, một số ít như Samuel Beckett và Eugène Ionescu mon men tìm đến tiếp cận cái phi lí, nhưng chỉ sau nửa thế kỉ, các trào lưu phi lí hình như mất tăm. Còn lại là cái khả lí nằm đâu đó giữa chân lí và phi lí. Chính cái khả lí này đã giúp văn học mở ra nhiều ô cửa sổ, qua đó, chúng ta nhìn vào để thấy cái hiện hữu linh động muôn hình trạng trong một thế giới bao gồm cả thực tại lẫn giấc mơ. Hay nói như Kundera, viết tiểu thuyết là dùng con dao sắc rọc thủng “bức màn” hiện sinh để thấu thị cái khả hữu chưa hề thấy bao giờ. Bởi thế, khi đọc một tác phẩm văn học, tôi không chú trọng đến bối cảnh lịch sử, địa dư; thậm chí, những chi tiết trong đó có hợp tình, hợp lí, có đúng với sự thật ngoài đời hay không, với tôi, cũng chẳng đáng quan tâm. Xin hỏi chị, có chi tiết nào phi lí hơn câu mở đầu tác phẩm Hoá thân của Franz Kafka? Tôi cũng chẳng nghĩ văn học có thể giải quyết những bức xúc xã hội. Nhiều lắm là cảnh báo mà thôi. Quan niệm văn học phản ánh hiện thực dễ đưa đến nguy cơ o ép bắt văn học phải minh hoạ, tô hồng xã hội, điển hình hoá hình tượng anh hùng theo khuôn mẫu sử thi để phục vụ và cổ võ cho hướng đi chính trị. Đấy là thời kì văn học Việt Nam nằm trên đe dưới búa của cái gọi là hiện thực xã hội chủ nghĩa. Sau bao nhiêu tác phẩm viết rặt theo khuôn mẫu này, trong đó có không ít những ngòi bút kiệt xuất, Việt Nam vẫn nghèo đói và chỉ tương đối lớn mạnh từ khi đổi mới, bỏ chính sách bao cấp, nông thôn bỏ hợp tác xã, áp dụng kinh tế thị trường, hội nhập thế giới. Ngày nay Việt Nam có “vươn ra biển lớn” hay không, theo tôi, điều đó chẳng dính dáng gì đến văn học cả. Và bởi quan niệm sai lầm như thế nên có ông Hoàng Trinh nào đó đọc William Faulkner [ông ta gọi là Foóc-ne] rồi nhảy đến kết luận là xã hội Mĩ cực kì bi thảm, dân Mĩ chẳng biết hạnh phúc là gì! Thật là buồn cười. Hơn nữa, tính thời đại, cũng như tính ý thức hệ, càng ngày càng lu mờ trong tiềm thức của nhân loại thời nay. Nhiều tiểu thuyết gia Mĩ, trong đó có cả Douglas Coupeland, người viết cuốn Generation X, còn chủ trương gạt bỏ toàn diện tính thời đại ra khỏi tiểu thuyết.

LQM: Dịch giả Trịnh Y Thư có đồng ý chuyển ngữ tên nhân vật, tác giả ngoại quốc sang tiếng Việt, như Faulkner thành ra Foóc-ne không?

TYT: Dĩ nhiên là không. Nếu có người ngoại quốc viết tên Lê Quỳnh Mai thành “Le Quinne Mai” và đọc là “Lơ Kuyn Me” thì chị nghĩ sao? Tương tự như thế khi dịch Washington ra Oa Sinh Tơn. Nghe buồn cười lắm.

LQM: Trong tập truyện “Người đàn bà khác” của anh xuất bản năm ngoái trong nước, hình như quá khứ là nỗi ám ảnh lớn cho những nhân vật trong truyện. Anh có thể nói gì thêm về nỗi ám ảnh này?

TYT: Chúng ta ai cũng có quá khứ. Đối với những kẻ lìa bỏ quê hương ra đi khi đã có chút ý thức về đời sống, cái quá khứ ấy trở nên nhọc nhằn, nặng nề gấp bội. Một quá khứ nặng khôn kham. Chúng ta khổ sở suốt đời vác nó trên lưng như con ốc sên vác cái vỏ cứng của nó. Tuy vậy sau một thời gian dài sinh sống nơi nước ngoài, cái đau hoài hương trong lòng chúng ta dần dà phai nhạt để nhường chỗ cho cái đau của sự lạ hoá. Sự việc biến thiên theo chiều nghịch đảo: cái thân quen biến thành cái xa lạ và ngược lại. Trở về thăm viếng nơi mình sinh trưởng sau một thời gian dài xa cách, gần như ai cũng cảm thấy nỗi đau này. Nó lạ lùng một cách tàn bạo. Dù cố gắng cách mấy người ta vẫn không thể tự đánh lừa được cảm giác xa lạ, lạc lõng, tách rời. Mảnh đất nơi mình sinh ra biến thành nơi chốn khác, không còn là của mình nữa. Lịch sử của mảnh đất đó không có chỗ đứng cho mình, nó tàn nhẫn gạt mình ra ngoài lề. Lằn ranh biên giới giữa nhớ và quên như bị xoá sạch, không còn cái gì đáng nhớ, sự lãng quên như bị sai khiến bởi vô thức. Kí ức vẫn còn đấy trong bộ nhớ nhưng nó như bị ảo hoá, trở nên không thực. Sự lạ hoá này cũng thật là tàn bạo bởi cùng lúc nó để hiển lộ khía cạnh hiện sinh của thế giới con người: con người là sinh vật không có bản nguyên, căn tính của hắn không là cái gì bất di dịch. Hắn bị ném ra ngoài thế gian này mà không hề biết tại sao. Hắn như nhà phi hành đi bộ ngoài không gian bị đứt dây buộc với phi thuyền mẹ và cứ thế dật dờ trôi giạt mãi về khoảng không gian huyền tẫn mịt mù. Cuốn sách dầy hơn 300 trang, tôi chỉ muốn nói có bấy nhiêu.

LQM: Anh có nghĩ rằng nền văn học Việt Nam hải ngoại quá thiếu tiểu thuyết hay không?

TYT: Thiếu trầm trọng. Một nền văn học không có tiểu thuyết mà chỉ có thơ và truyện ngắn giống như bữa ăn tối chỉ có khai vị và tráng miệng mà không có món chính. Nhưng nếu hiểu truyện ngắn là tiểu thuyết thu nhỏ thì bữa ăn của chúng ta lại có quá nhiều những món lẳn tẳn ăn bốc, finger food, ăn mãi vẫn chưa thấy no mà chỉ thấy bụng óc a óc ách. Đây cũng là cảm giác của tôi khi đọc văn chương trên mạng. Thiếu tiểu thuyết mà cũng thiếu cả phê bình, đúng hơn, thiếu những nhà chuyên viết điểm sách. Các nhà phê bình của chúng ta hình như thích làm học giả hơn, họ bỏ hoang căn nhà điểm sách đến nỗi căn nhà này ngày nay trở thành bãi phế thải.

LQM: Anh có đề nghị giải pháp nào để dung hòa sự thiếu hụt trầm trọng này không?

TYT: Thật tình tôi chẳng quan tâm lắm đâu. Có nhiêu, xài nhiêu. Cái chúng ta có hiện nay là một nền văn học nghiệp dư. Làm gì được, thưa chị? Giải pháp thì tôi nghe nhiều, nhưng tất cả đều như nước chảy qua cầu, đánh trống bỏ dùi, nghe qua rồi bỏ.

LQM: Sau này anh có vài tác phẩm được xuất bản trong nước. Lý do nào anh quyết định việc này? Vì số lượng độc giả đông hơn? Và anh có lo tác phẩm của mình bị kiểm duyệt đục bỏ không thông báo, như vài trường hợp của các tác giả hải ngoại có tác phẩm in trong nước?

TYT: Xuất bản sách ở hải ngoại là điều bất khả trong hoàn cảnh hiện tại. Không người đọc. Đúng hơn, không ai chịu đi mua sách về đọc. Khi tôi xuất bản cuốn “Đời nhẹ khôn kham” năm 2002, giáo sư Nguyễn Văn Trung bảo tôi trong nước các sinh viên chuyền tay nhau đọc bản photocopy. Trong lúc đó ở ngoài này cuốn sách in ra vỏn vẹn 300 cuốn, bán đến giờ, năm 2011, vẫn chưa hết. Xuất bản sách trong nước—phục vụ những độc giả yêu sách vở muốn tìm hiểu văn hoá nước ngoài, hoặc tò mò muốn biết về văn chương, tâm tình người Việt sống xa quê hương hoặc chỉ đơn thuần thưởng thức một tác phẩm hay—là bình thường. Nhưng nhức nhối nhất vẫn là vấn đề kiểm duyệt. Cũng như tất cả những người cầm bút khác, tôi tin tưởng vào sự tự do tuyệt đối của ngòi bút. Cho đến nay tôi có hai cuốn xuất bản và phát hành trong nước, một dịch, một sáng tác, và tôi chưa phải đối phó với vấn đề này. Cuốn truyện ngắn sáng tác, tôi vừa là tác giả vừa là người chịu trách nhiệm bản thảo vừa là người chữa bản in, nên không có tình trạng đục bỏ không loan báo. Nhưng có thể đấy là trường hợp riêng lẻ. Tôi không rõ trường hợp các nhà văn, nhà thơ khác thì sao.

LQM: Ví dụ tác phẩm sáng tác của nhà văn Trịnh Y Thư bị cắt đoạn kiểm duyệt khi mang vào trong nước in, thì anh sẽ có phản ứng gì cụ thể hơn?

TYT: Dĩ nhiên tôi phải nghĩ lại. Nếu sự cắt đoạn làm thay đổi nội dung và chủ ý của tác phẩm, chắc chắn tôi sẽ từ chối. Nhưng mặt khác, tôi không phải là người xem chữ nghĩa của mình là cái gì tuyệt đối thiêng liêng, một dấu phết dấu chấm cũng không ai được phép chọc bút vào.

LQM: Theo anh thì yếu tính “lưu vong” còn tồn tại trong nền văn học Việt Nam hải ngoại không?

TYT: Nếu hiểu “lưu vong” là “tan mất” thì chí ít giai đoạn văn học 1975-1990 có thể được gọi là “văn học lưu vong”. Đó là thời kì khi người ta vẫn chưa tan cơn sốc của biến cố lịch sử 30/4 sau một thời gian dài nội chiến. Thuật ngữ “lưu vong” hàm chứa một ý thức chính trị, và nó hiển lộ trong những tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ lúc bấy giờ. Họ viết những điều người đọc háo hức chờ đợi. Sự tan rã của cả một tập thể con người, quê hương đang hấp hối trong nghèo đói và tù đày, thảm trạng thuyền nhân, đời sống mới nơi xứ người thảm thương, nhếch nhác . . . Toàn những đề tài nóng bỏng mà người viết và người đọc đều có thể chia sẻ dễ dàng. Văn chương ở đây không cần hư cấu, và họ viết thật hiện thực, ngòi bút họ chỉ cần sao sát với thực tại là đã được người đọc nhiệt tình đón nhận. Họ không tìm kiếm “bản ngã”, cũng không có những công trình đào xới tư duy siêu hình, họ không chạy theo các trào lưu tư tưởng thế giới. Thi ca Hậu Hiện đại, Giải Cơ cấu luận, với họ, là những gì còn xa lạ. Họ viết những điều người đọc muốn đọc, và sự khởi sắc của thời kì này dựa trên căn bản đó. Nhược điểm đương nhiên của họ là khi viết hết trải nghiệm đời sống rồi thì họ ngưng bút luôn. Cả người viết lẫn người đọc trong giai đoạn đầy hứng khởi này là một thực thể “đóng”, người viết trong nước, nếu có tham dự, chỉ là một số rất ít chuyển lén được tác phẩm của mình ra ngoài. Bước sang thiên niên kỉ III, tình trạng này biến đổi sâu sắc. Ý thức “lưu vong” càng lúc càng mờ nhạt dần. Văn học tất yếu biến thiên theo thời thế và có lẽ nó đã can đảm vứt bỏ cái vỏ ốc chính trị cồng kềnh mang trên người để mong tiến đến những miền đất hoa thơm cỏ lạ xa hơn. Đã có những người viết (nhất là bên lĩnh vực thi ca) có thực tài và thực tâm muốn làm mới, muốn khai phá những miền đất lạ, nhưng sự tiếp nhận nơi người đọc có vẻ eo xèo, hờ hững lắm. Thế rồi, đùng một cái, cuộc cách mạng tin học với sự bùng nổ của mạng lưới thông tin toàn cầu khiến nền văn học Việt Nam hải ngoại cũng biến đổi mau chóng và ngày nay nó mang một diện mạo khá lạ lùng. Ngành xuất bản sách, báo văn học gần như chết hẳn. Các nhà sách, vốn trước đây cũng ít ỏi, lèo tèo, thi nhau đóng cửa, dẹp tiệm. Sách báo phải đem đi đổ thùng bán kí lô. Toàn bộ sáng tác được đưa lên mạng. Người viết lẫn người đọc, nhờ thế, gia tăng nhiều vì có sự đóng góp tích cực từ khắp bốn phương trời, kể cả những cây viết “lưu vong” trong nước, những người vì lí do nào đó, đứng bên ngoài luồng chính. Trên nhiều diễn đàn văn học ngày nay ở hải ngoại, số người viết này là đa số, bởi thế nếu gọi nó là nền “văn học hải ngoại” hay “văn học di dân” thì tôi e có người không đồng ý, ngoại trừ nếu chúng ta gộp chung số người đọc, người viết trong nước thành những kẻ “lưu vong” hoặc những “di dân” trong không gian ảo, cyberspace. Nếu chính danh là cái gì quan thiết thì nền văn học của chúng ta ngày nay đang gặp phải một trường hợp “khủng hoảng lai lịch” khá gay go. Riêng tôi, tôi không xem chính danh là cái gì tuyệt đối hệ trọng. Hiện tượng biện biệt không gian trong văn học (hay nghệ thuật nói chung) hoàn toàn tan biến dưới đôi mắt yêu thương và bao dung của Mẹ Việt Nam.

LQM: “Hãy cho tôi biết thế nào là một nhà văn chân chính.” Ý kiến của anh về câu trên?

TYT: Một nhà văn chân chính, theo tôi, chỉ giản dị là một nhà văn trước sau tin tưởng và chung thuỷ với nghệ thuật của mình. Chẳng thể nào lượng định được phẩm giá của nhà văn bằng ý nghĩa, giá trị những gì hắn dàn trải trên trang viết. Chân-Thiện-Mĩ là những giá trị tương đối, nhìn từ mỗi góc độ đều chênh lệch, hơn kém khác nhau. Triết lí diệt dục, xa lánh cõi trần ai trong Phật giáo, được nhiều người xem là chân lí, trong nhãn quan của Nguyễn Tuân, xuyên qua cuốn tiểu thuyết Chùa Đàn, là phản khoa học, thậm chí . . . “phản cách mạng”. Chắc gì những tác phẩm tưởng là siêu việt đều làm đẹp cho đời? Chắc gì kiếp nhân sinh sẽ đẹp đẽ, hạnh phúc hơn nhờ ngòi bút của nhà văn? Tin tưởng như thế dễ đi đến chỗ hoang tưởng. Nghệ thuật nào cũng thế. Cái tôi cho là hay, chị xem là dở. Và ngược lại. Văn học, như một nghệ thuật, là chỉ dấu của tri thức, văn minh con người, nhưng tôi không xem nó như một lí tưởng sáng đẹp tuyệt đối. Tôi có thể chấp nhận cái “không giống tôi” nhưng tôi nhất quyết không chịu ép mình để cái “đạo đức giả” xâm chiếm tác phẩm tôi. Đấy là định nghĩa “thế nào là một nhà văn chân chính” của riêng tôi.

LQM: Trên website Trịnh Y Thư http://trinhythu.wordpress.com có hai bài thơ anh sáng tác năm 16 tuổi. Anh có thể giới thiệu về hai tác phẩm này và tuổi thơ của tác giả không?

TYT: Tuổi thơ tôi không có nhiều ngày vui, lẽ đương nhiên, bởi tôi lớn lên trong lửa đạn quê hương. Nhưng tôi may mắn nhờ sự hi sinh vô bờ bến của cha mẹ nên tôi không đến nỗi bất hạnh. Tôi biết làm thơ rất sớm, có lẽ từ khi lên Trung học. (Tôi có những bài thơ thiếu nhi làm từ năm 11, 12 tuổi, đăng báo, rồi được cắt dán trong tập lưu bút ngày xanh). Tôi sớm mơ mộng, sớm ý thức được thực tại một đất nước đắm chìm trong lửa đạn tai ương, sớm mơ bước chân giang hồ. Hai bài thơ trên tôi làm năm 16 tuổi. Lúc đó tôi có người cậu làm Trưởng ti Truyền tin tỉnh Kiến Hoà. Mỗi lần về phép ông hay lấy xe díp chở tôi từ Sài Gòn xuống miền Tây chơi. Nhìn những cô gái xứ dừa trắng trẻo đẹp xinh, ăn nói dịu dàng, ngọt ngào như mía đường, tôi mê tít.

LQM: Theo anh, mỗi tác giả sáng tác có nên lập một website cho họ để phổ biến tác phẩm đến độc giả nhiều hơn không?

TYT: Nên chứ! Chúng ta đang sống trong thời đại thông tin toàn cầu, YouTube, Facebook, Twitter, LinkedIn . . . Những quan hệ xã hội ngày nay đa phần xảy ra trong không gian cyber, con người càng lúc càng co rút vào cái tổ kén của mình và chỉ chường khuôn mặt ảo, hoàn toàn không thật, ra ngoài thế gian ảo để múa may quay cuồng những trò thuật ảo. Xu hướng của con người ở thời đại này là thế. Mọi thông tin đều được chuyển đạt bằng tốc độ chóng mặt. Sự kiện văn chương đưa lên mạng ở thời điểm vừa qua là tất yếu, ít ai có chọn lựa nào khác trong hoàn cảnh một cộng đồng ở ngoài nước, rời rạc, thiếu thốn như cộng đồng Việt mình. Mặc dù chưa phải là cái gì tuyệt hảo, vẫn có những nhược điểm không tránh nổi, nhưng nó giải quyết được nhiều vấn nạn và quả tình bật mở ra khá nhiều khía cạnh thú vị, hữu ích khác. Nó đáp ứng được yêu cầu năng động của một thế giới đang bay với tốc độ ánh sáng. Nó kết hợp một tập thể người viết, người đọc mới trên một mặt bằng rộng rãi không tuỳ thuộc vào yếu tố không gian. Nó sẽ ở lại với chúng ta trong thời gian lâu dài sắp tới, nếu không muốn nói là vĩnh viễn, cho dù chúng ta có chấp nhận nó trong ngôi nhà riêng của chúng ta hay không.

LQM: Ý kiến anh về sự phát triển của một số websites văn chương tại hải ngoại hiện nay?

TYT: Lợi ích của Internet là vô hạn trên nhiều bình diện, nhưng mặt khác, nếu nhìn từ góc độ người viết, tôi vẫn thấy không cảm thông trọn vẹn với một nền văn học hoàn toàn dựa vào Internet. Viết trên mạng giống như hành động ném viên sỏi xuống mặt hồ, trong tích tắc viên sỏi biến mất tăm mà mặt hồ chỉ gợn lên dăm ba làn sóng nhỏ rồi lặng im như cũ. Có lẽ đó là bản chất của Internet. Còn đối với người đọc thì trước một liều lượng thông tin quá tải, cái gì cũng trở nên nhanh, ngắn, gọn. Những tác giả thiên về dài dòng phân tích tâm lí, “tiểu thuyết tư duy” chẳng hạn, thường không được mặn mà lắm với người đọc trên mạng. Như một món ăn nhanh. Đọc xong tác phẩm là quên ngay, thậm chí khi đọc cũng chỉ đọc lướt lướt. Và bởi có quá nhiều thông tin, chúng ta trở nên ngại ngùng trong việc đọc. Chúng ta trở nên ngán đọc. Ngán. Phải nói là ngán đến mang tai. Có lẽ bởi thế nước Mĩ, nơi khai sinh ra Internet, vẫn cố gắng duy trì một nền văn học in giấy, các quý san văn học vẫn được in ra đều đặn. Ngành xuất bản tiểu thuyết thuộc văn hóa đại chúng vẫn phát triển mạnh. Các ông lớn bà lớn muốn để tiếng thơm cho đời sau, muốn gây ảnh hưởng chính trị, kinh tế, muốn bào chữa lỗi lầm chiến lược của mình, tất cả đều viết sách. Tối nào trên kênh truyền hình PBS, Charlie Rose và Tavis Smiley cũng giới thiệu dăm ba cuốn sách mới. Sự thật là cầm cuốn sách trên tay vẫn là cái thú của hầu hết chúng ta khi đọc một tác phẩm tầm vóc. Nói như thế nhưng tôi không chủ trương quay về thời kì sách báo in giấy cách đây vài ba thập kỉ. Muốn cũng không được. Tôi chỉ mong ngành xuất bản của Việt Nam mình được tái phục ở mức độ nào đó để hỗ trợ cho sinh hoạt mạng vẫn tiếp diễn mạnh mẽ. Hi vọng hiện nay nằm ở công nghệ eBook. Có lẽ eBook sẽ làm gạch nối kéo sách báo in lại gần Internet hơn, một sự dung hòa, một giải pháp, một lối thoát cho cái bế tắc tưởng không có cơ cứu gỡ kia.

LQM: Anh có mâu thuẫn không giữa lời phát biểu về ý kiến mỗi tác giả nên lập riêng một website, và websites của tạp chí mạng (Internet)?

TYT: Sự mâu thuẫn có lẽ nằm ở chỗ “cái khó bó cái khôn.” Nhưng cái khôn cũng chỉ cho chúng ta con đường khác khả dĩ giúp chúng ta vượt qua cái khó. Bạn là cầm thủ vĩ cầm, nhưng bạn không phải là Midori hay Sarah Chang, thêm nữa, càng ngày càng ít người bỏ tiền ra mua vé đi nghe nhạc, chẳng ai mời bạn đi kéo đàn tại các sân khấu hoành tráng trên thế giới, nhưng có YouTube sẵn đấy, bạn cứ việc “thảy” lên những màn trình diễn của bạn, biết đâu nghệ thuật của bạn sẽ có người biết đến. Đương nhiên, trình diễn trên YouTube thì chẳng thể nào bì được với một buổi tối trên sân khấu của đại thính đường Carnegie đông nghẹt khán giả. Nhưng rất nhiều nghệ sĩ tài danh thời nay sử dụng YouTube một cách vô cùng hữu hiệu như phương tiện giao cảm giữa mình với khán thính giả khắp bốn phương trời. Đấy là lợi ích vô hạn của Internet.

LQM: Ngoài viết văn và chuyển ngữ tác phẩm, Trịnh Y Thư còn làm thơ. Cảm nghĩ của anh về Nàng Thơ, và anh thích nhà thơ cùng tác phẩm nào nhất?

TYT: Thơ lúc nào cũng chiếm phần ưu ái nhất trong tâm hồn tôi. Tôi thấy mình may mắn là kẻ yêu thơ. Tôi không “vịn” vào thơ để sống như nhà thơ nào đó tỏ bày tâm sự. Thơ cũng chẳng phải là cứu cánh trong cuộc đời tôi. Nhưng thơ, qua chữ nghĩa và cảm xúc, quả cho tôi thấy một hiện hữu tâm hồn khác nằm lấp ló đằng sau cái hiện hữu thường ngày. Tôi vẫn tin tưởng vào thơ ngôn ngữ. Tài năng sử dụng ngôn ngữ của nhà thơ là quan hệ, bởi khác với nhà soạn nhạc hoặc hoạ sĩ, nhà thơ có vỏn vẹn hai mươi mấy con chữ trong tay để hắn phổ lên trang viết của mình không biết bao nhiêu cung bậc cảm xúc. Sự thú vị khi đọc thơ vẫn nằm trên bình diện ngữ nghĩa, ngữ âm, ngữ điệu và cả thị giác nữa cùng những biến tấu gần như vô hạn của chúng để từ đó người đọc bắt gặp những thi ảnh tâm đắc khiến hắn cất công trèo lên tầng cảm xúc với tác giả bài thơ. Nhưng bên trên cả tầng cảm xúc là tầng thơ. Chỉ có thơ, biểu hiện trên diện mạo của từng con chữ ăn nằm thân thiết bên nhau, bàng bạc khắp mọi nơi, chan hoà tâm hồn người đọc. Vậy mà từ bài thơ chúng ta vẫn chẳng nắm bắt được điều gì. Có sự nghịch lí ở đây chăng? Tôi nghĩ là không, bởi ý nghĩa ngoại tại của một bài thơ là cái gì không đáng kể, ít quan trọng nhất. Thơ đừng nên nói cái gì cả, hãy để ý thức tự thân nó tung toả, muốn bay lên cao thì bay nếu nó đủ sức, muốn hạ cánh xuống bất kì chỗ nào thì hạ, ngay cả những chỗ không thể hạ. Đừng bắt nó phải chìu theo ý kiến, quan điểm chính trị, luân lí, ý thức hệ, giáo điều, giáo lí, đạo đức của bất cứ ai. Ngoài ra, với tôi, thơ chẳng còn sức mạnh nào khác. Tôi rất sợ khi người ta gán ghép sứ mệnh, chức năng này nọ vào thơ. Làm thơ để thúc đẩy, xúi bẩy kẻ khác đi vào chỗ chết là điều vô luân nhất đối với tôi. Kẻ làm thơ như vậy đừng nên tự nhận là thi sĩ mà nên khoác cái áo chính trị gia. (Khổ nỗi các chính trị gia lại thường thích làm thơ, một nghịch lí không thuốc chữa). Tôi yêu thích thơ của nhiều tác giả, điển hình, hơn tuổi tôi có các anh Hoàng Xuân Sơn, Khế Iêm, Nguyễn Hoà Trước, ngang tuổi tôi có Chân Phương, Lưu Hi Lạc, ít tuổi hơn có nhà thơ nữ Nguyễn Bảo Chân trong nước. Tôi yêu thích ngôn ngữ chín muồi, trữ tình và nhuần nhuỵ trong thơ lục bát của thi sĩ họ Hoàng, cái tinh ròng trong ngôn ngữ thơ xuôi của Nguyễn Hoà Trước. Còn thơ của Nguyễn Bảo Chân thì đi vào tâm hồn tôi bằng thứ ngôn ngữ vi tế, nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau và ngữ điệu buông lơi là lạ. Hiện giờ tôi cũng đặc biệt yêu thơ của hai nhà thơ Mĩ Bill Collins và Dana Gioia. Cả hai đều là những khuôn mặt lớn của thi ca Mĩ đương đại. Sống ở Mĩ từ khi mới trưởng thành, ít nhiều tôi thâm nhiễm văn hoá của họ mặc dù chất Việt Nam trong tôi chẳng bao giờ mất được.

LQM: Sau nhiều năm viết văn, làm thơ, dịch thuật. Anh có cảm nghĩ thế nào về hành trình vô định trong con đường văn chương này?

TYT: Tôi thích cụm từ chị đưa ra, “Văn chương là cuộc hành trình vô định”. Trong một bài viết về nghệ thuật tạo hình của hoạ sĩ Nguyên Khai, tôi cũng có quan điểm tương tự. “. . . bởi nghệ thuật là cái xác chết vô hồn nếu sự sáng tạo ngưng đọng trong vũng lầy tù hãm nên người nghệ sĩ, cho đến hơi thở cuối cùng, vẫn phải quên đi nỗi đau để tiếp tục cất bước trong cuộc hành trình vạch ra từ lúc sơ khai của buổi ban đầu, một cuộc hành trình miên viễn, không bao giờ tới đích.” Cách đây hơn hai mươi năm, lúc mới tập tễnh bước vào làng văn hải ngoại, tôi và một số bằng hữu văn nghệ lúc đó bạo gan xuất bản một cuốn tuyển tập quy tụ hơn hai mươi người viết ở hải ngoại sau thời điểm 1975. Thỉnh thoảng cầm lại cuốn sách tôi nhận ra một sự kiện là, trong số hơn hai mươi người đó, chí ít ba phần tư, từ lâu lắm đã hoàn toàn vắng bóng. Số còn lại, năm sáu người, trong đó có tôi, vẫn viết lai rai cho đến bây giờ. Tôi không rõ những người khác nghĩ sao nhưng riêng tôi thì có lúc nhìn vào gương tôi thấy cái gã alter-ego của tôi nhìn ra quát thẳng vào mặt tôi, “Thôi chứ! Chú mày bẻ bút là vừa! Nhiêu đó đủ rồi, đủ phiền hà thiên hạ lắm rồi, chú mày biết không?” Thế nhưng, có lẽ bởi nỗi đam mê vẫn âm ỉ cháy trong tâm hồn tôi và như câu nói của bà nhà văn Mĩ Flannery O'Connor “. . . nhà văn là kẻ vẫn còn hi vọng trên cõi đời, kẻ không còn hi vọng không viết văn”, tôi vẫn tiếp tục viết. Viết để làm gì và, quan trọng hơn, hi vọng ở cái gì, thì tôi hoàn toàn mù tịt.

LQM: Anh có hài lòng với hoạt động của mình về lãnh vực văn chương, trong quá khứ cũng như hiện tại? Tại sao có? Tại sao không?

TYT: Nhà văn Mai Thảo, khi còn tại thế, gọi tôi là “thằng chân trong chân ngoài.” Công việc kiếm cơm của tôi chẳng dính dáng tí gì đến chữ nghĩa hay nghệ thuật. Suốt đời tôi chỉ là người viết tài tử, nghiệp dư. Tôi chẳng bao giờ hài lòng với hoạt động của mình nhưng cũng không thất vọng bởi tôi không kì vọng gì nhiều vào văn chương. Hơn nữa, tôi có nhiều đam mê. Lúc ở trong văn chương, lúc biến vào âm nhạc. Tôi xem nó như một khuôn mặt của đời sống tôi, một đời sống có nhiều khuôn mặt cho đỡ buồn tẻ. Thế thôi.

LQM: Theo anh, có sự bất lợi nào cho người sáng tác bằng tiếng Việt ở hải ngoại?

TYT: Dĩ nhiên là có. Hằng ngày tôi sử dụng tiếng Anh nhiều hơn tiếng Việt. Nói và viết tiếng Anh mãi, khi phải nghiêm chỉnh sử dụng tiếng Việt, bỗng thấy lúng túng. Sử dụng chữ nghĩa cho nhuần nhuỵ vẫn là điều kiện cơ bản và tối thiểu cho một người cầm bút. Tuy thế, dưới góc độ của một người sáng tác, tôi nhận thấy là sống xa đất mẹ, tuy có những bất lợi, nhưng cũng có nhiều lợi điểm khác mà nếu biết khai thác đúng đắn, ngòi bút của người sáng tác rất có thể trở nên độc đáo, làm giàu cho ngôn ngữ mẹ. Nghệ thuật trong văn chương không nhất thiết phải lệ thuộc vào sự tự nhiên, chuẩn xác hay “thuần chất” như ngoài đời thường. Điều này đã và đang xảy ra trên địa hạt thi ca, nhưng rất tiếc nó chưa được thẩm định đúng mức nên chưa có tiếng vang đi xa. Một trong những cái hay trong thơ Hồ Xuân Hương là sự lệch chuẩn. Ai cũng công nhận như thế. Còn ngôn ngữ trong thơ của các tay phù thuỷ chữ nghĩa như e.e. cummings, William Carlos Williams, Bùi Giáng . . . thì có bao giờ giống đời thường đâu. Họ bỏ xa thứ ngôn ngữ “thuần chất” cả nghìn dặm đường. Học hỏi người xưa là điều cần thiết, tôi luôn luôn chủ trương đường đi của văn học là con đường kế thừa. Nhưng nếu không khai phá trên con đường kế thừa đó thì văn học, như một nghệ thuật, sẽ sa lầy trong vũng lầy tù hãm của sự nhai lại. Hơn nữa, mỗi thời đại đều có tiếng nói riêng của nó. Nhịp đập của nó không cùng tần số với những thế hệ đi trước. Ở hải ngoại, tôi nghĩ lợi điểm của chúng ta là sự khai phá tới hạn của ngôn ngữ mà không phải sợ hãi hay e dè một thế lực nào trì hãm lại. Sự khai phá đôi khi quá tải, nhưng tôi không e ngại chút nào về chuyện đó, bởi nó phải như thế, và sự quá tải sẽ tìm về thế quân bằng với thời gian.

LQM: Và tương lai? Nhà văn Trịnh Y Thư có đề nghị hay ý kiến gì cho văn học hải ngoại không?

TYT: Câu hỏi to tát quá! Ý kiến hay đề nghị thì không có, tôi chỉ có hi vọng. Hi vọng ở một nền văn học tuy không to tát ồn ào nhưng vẫn tồn tại với tất cả những tâm tình ấp ủ của một tập thể người sinh sống ở nước ngoài nhưng vẫn dùng tiếng mẹ làm chuẩn cho ngôn ngữ sáng tác và luôn luôn hướng về quê mẹ.

LQM: Anh nghĩ gì về tình trạng sinh hoạt văn chương ở hải ngoại hiện nay?

TYT: Có lần, trong một buổi ngồi quán cà phê nói chuyện gẫu, một anh bạn văn chép miệng thở dài, “. . . Văn chương ở ngoài này bây giờ, nó như cái chợ chiều.” Tôi bảo đùa anh đừng làm nhục “chợ chiều” như thế chứ, ít ra “chợ chiều” còn có kẻ bán người mua, còn đằng này bọn mình không có nổi một gian hàng cho ra hồn, người mua thì hoàn toàn vắng bóng, một linh hồn lạc lõng lang thang cũng chẳng thấy tạt qua. Nói đùa vậy thôi chứ kì thực tôi không quá bi quan về cảnh “chợ chiều văn chương” đâu. Ở bất kì thời gian, không gian nào, thông thường văn chương chỉ giới hạn vào thành phần thiểu số cực nhỏ của xã hội. Nó sẽ chẳng bao giờ cạnh tranh nổi với văn hoá đại chúng trên bình diện thương mại, về số lượng người đọc, v.v…  Sức thu hút của nó là hạn chế. Nhưng sức mạnh tiềm tàng và sự trường tồn của nó nằm ở chỗ nó không bị chi phối bởi thị hiếu, nó không nói đến cái nhất thời mà cái muôn đời. Giá trị của nó nằm ở chỗ nó tránh xa chốn xôn xao huyên náo của quần chúng, mặc dù vẫn luôn luôn sao sát với nhân sinh. Vâng, nếu quả thật nó giống cái “chợ chiều” kia thì tôi thấy nó thú vị, đáng yêu hơn cái chợ sớm “ngựa xe như nước áo quần như nêm” đinh tai nhức óc những điều chẳng dính dáng tí gì đến văn chương. Bên cạnh tôi nhiều người bẻ bút nhưng cũng có người viết mới xuất hiện với bút lực và suy nghĩ tươi trẻ, mạnh mẽ. Họ chính là nguồn cảm hứng cho tôi tiếp tục sáng tác.

LQM: Với tình trạng bi đát như anh vừa nói, thì các tác giả tại hải ngoại có nên chuyển hướng sáng tác bằng Anh hoặc Pháp, thậm chí Tây Ban Nha ngữ không?

TYT: Dĩ nhiên là nên nếu họ có khả năng sử dụng ngôn ngữ ấy như một nhà văn. Riêng tôi thì tôi trót yêu tiếng Việt rồi và cũng tự biết mình chẳng có khả năng này.

LQM: Xin cám ơn nhà văn Trịnh Y Thư đã gởi đến độc giả những câu trả lời thú vị nhất.

TYT: Xin cám ơn chị, cám ơn quý độc giả đã chịu khó kiên nhẫn nghe tôi huyên thuyên phát biểu linh tinh về việc làm văn. Thế giới ngày nay có bảy tỉ khối óc thì những điều tôi nói trên đây chỉ là một trong bảy tỉ quan điểm khác nhau về văn chương, nghệ thuật mà thôi, chẳng có gì trọng đại.

LQM
(Nguồn: Hợp Lưu)

No comments:

Post a Comment