Thursday, January 30, 2014

THƠ TRẦN PHÙ THẾ



chiều cuối năm
ngồi bến ninhkiều nghe sóng vỗ





sóng vỗ bờ hãy cứ vỗ hoài
như con nước lớn ròng lênh đênh mãi
như đời ta bập bềnh trôi xa ngái

chiều cuối năm nghe lòng chùng cạn đáy
đón người về sông nước buồn hiu
tiếng đời ta rớt xuống bến sông chiều

bao nhiêu ngày bao nhiêu tháng bao nhiêu
trở về đây nhìn nước chảy liu riu
ninhkiều sáng trong đêm màu máu đỏ

ta lắng nghe triều lên con nước thở
thịt da ơi còn nồng ấm thuở nào
trở về đây ngồi nghe nước chảy xôn xao

ở trời tây ta nhớ cầnthơ nôn nao
nhớ đến nỗi ai cầm dao cắt thịt
nhớ đến nỗi máu tuần hoàn chảy nghịch

mà giờ đây ta ngồi ngắm bến đò xưa
bao nhiêu năm còm cõi đong đưa
xóm chài mờ mờ trong đêm tối

cô lái đò mòi mòn theo sông nước đợi
áo bà ba phơ phất chuyến đò ngang
ta nhìn quanh cuộc sống đến ngỡ ngàng

chiều cuối năm nhìn bờ kè xám nghệch
cá lòng tong rỉa hoài con chuột chết
trôi bập bềnh theo lượn sóng lêu bêu

ơi cầnthơ ơi bến ninhkiều
bao thế hệ chập chờn theo lịch sử
hoài công thôi tâyđô giờ máu ứ.

                            tpt



TÙY BÚT THÁI KIM LAN



Lá thư mùa xuân








1.

... Năm ni ăn tết nơi mô.
   Lạ, mỗi lần Tết đến, câu hỏi ấy cứ nhằm tôi mà vang lên, từ Huế cho đến Muenchen, người bên nớ hỏi, người bên ni cũng hỏi. Có lúc người hỏi bâng quơ vì không có chi để hỏi khi gặp mình. Nhưng cứ mỗi lần như thế tôi lại thấy mình khắc khoải giữa từng không. Câu chuyện đi- về đã tưởng như thường, mà lại chẳng thường, cũng chỉ vì cái thời khắc gọi là „Tết ấy.
Năm tháng tôi đi tôi về, mặc tôi, nhiều khi như cái bóng thoắt đi chợt đến, có nghiêng ngữa chòng chành thế giới chi mô.
   Ấy vậy mà khi ngày tháng nghiêng dần, bồng binh thời gian đầy ắp tròn một năm, nghe đếm tháng mười, mười một, tháng chạp… bỗng nghe câu hỏi gấp như dồn chân. Mà đã tưởng câu hỏi quen thuộc là thế, lặp lại mỗi năm, thì câu trả lời phải thông thạo, trơn tru.
   Nghe dễ mà không dễ, thường khi tôi ấm ớ bối rối không tìm ra câu, mà có, thì ngúc ngắc không ra kéo, rằng “chắc là ăn tết bên nớ“  rồi ngần ngừ: “Chưa biết nơi! Có lẽ sẽ về ăn Tết bên ni“. Nhiều ánh mắt đã nhìn tôi ái ngại, cái tôi đứng đó cũng chao đảo bấp bênh. Cái tâm trạng không đóng đinh chiếc áo trên tường, vì người mang áo sẽ đi, sẽ về, nhấp nhô cơn sóng trùng khơi.
    Vừa nghe chính mình nói “bên nớ“ ngọn gió vô danh đã gợn trong lòng, vẽ ra căn nhà ấm cúng, đã trở nên mái nhà thân thương ấy, đẹp lắm những giờ phút bên nhau nơi trời Tây xa xôi, nhưng hình như Tết là cái chi khác hơn. Hình như nó dính líu đến không gian, đến thiên nhiên cây cỏ, đến bầu trời, đến nắng, đến gió, mà con người không thể làm nên, cái khung hiện sinh ấy khi được chào đời, đã có sẵn, đã truyền đời… Cho nên đã mấy mươi năm ăn Tết ở Muenchen, thật ra không phải „ “ăn“ mà hóa ra “nhớ“  Nhưng về Huế, ăn Tết thì quả có ăn Tết thiệt, ấy thế mà lại thiếu chút chi cái “nhớ Tết Huế ở nơi Muenchen“, tuồng như cái nhớ đã mắc vào người, khó gỡ…Rứa là Huế-München cứ như tơ vò
   Nhìn như thế thì có phải tôi là người khổ nhất trên đời? Tôi không muốn than van. Con tôi sinh ở Muenchen, lúc bảy tuổi khi ngồi với tôi trên chiếc xích lô đạp từ Bạch Đằng lên Linh Mụ rồi đạp về, hai chiều đều dọc theo bờ sông Hương, bỗng nói với giọng con nít mà làm người lớn sững sờ: “làm răng mà sông Hương chảy qua thành phố Muenchen bên mình mạ hè“!!?
   Hình như nó nghe rõ tiếng đập của tim tôi, nó nói rõ ý nghĩ của tôi. Lắm lúc tôi biết mình trở về Huế với rất nhiều lý do rõ rệt, như đi kiện mà nhiều người bảo “kiện củ khoai“ nhưng vẫn không mệt mỏi, chuyện ma chay cho người thân, chuyện chùa chiền, chuyện dạy học, lý do cụ thể lắm. Nhưng thiệt tình, khi lắng lòng mà hỏi, thì nguyên nhân của lần khân, không phải do những chuyện ấy, mà hình như …siêu hình…khó thấy. Chỉ biết đôi khi tưởng Muenchen thắng thế rồi, mà hoá ra thua,… thua cái bóng đang hối hả chạy ra phi trường… Không phải cái thời “nửa chuyến về Tết“ ngày xưa ấy, mà ngay cả hôm nay…
   Thì mới đó, mấy ngày trước tôi nhất quyết năm ni sẽ ăn Tết ở Muenchen, bộ tịch của tôi chắc mẩm, tỉnh bơ, lạnh lùng, khi rời Huế. Ấy thế mà vừa bước xuống phi trường Nội bài (Hà nội) để bay tiếp, tôi nghe mình nói trong điện thoại: “có lẽ… Tết…sẽ về…“
Trong đáy sâu của tiềm thức chữ “sẽ“ ấy là “phải“ ;“sẽ“ chỉ là lớp băng mỏng phủ trên mặt nước bên dưới còn xao những thôi thúc vô hình hầu như là tiền định
   “Phải” như một tương phản với mọi tự do chọn lựa đi về của tôi, như một thứ cuốn hút của từ trường trong lòng đất khiến mọi thứ rơi trở về với đất. 
   “Tết” là một tiếng vọng từ trong lòng đất sinh thành thoát ra, chập chờn như một nhắc nhở quay về của người xa quê. Có lẽ tính vô thường của thời gian, sự đổi thay cũ mới, sự hóa nhập từ đông sang xuân sẽ dễ dàng được chịu đựng, được cảm nhận vẹn toàn, được cảm khái hoan hỉ khi chúng xảy ra chính trong không gian sống của con người”, như tôi đã viết một lần. Không gian ấy, lòng đất ấy, giọt nắng trên thềm lấp lánh một sớm mai, gió quái một buổi chiều, dòng sông và bóng núi, vẫn còn đây, trong dòng vô thường, trong trăm năm giấc mộng mở mắt của đời người. Tiếng vọng ấy uyên nguyên như tiếng trẻ khóc từ nơi sinh thành, nơi giấc mộng bắt đầu, và cũng chính là thời điểm quay về. Tiếng vọng ấy cũ như trái đất và mới tinh khôi như ngày mồng một Tết. Nếu trăm năm trên cõi đời ngưòi có hai thời điểm quan trọng nhất là sinh và tử, thì ngày ba mươi Tết của năm cũ và mồng một Tết của năm mới là điểm nối tâm linh giữa người sống với người đã khuất, giữa con người với tổ tiên, với xã hội, với vũ trụ nhân sinh. Giây phút thiêng liêng tống cựu nghinh tân nồng ấm khí xuân là khởi đầu của hi vọng, của niềm tin dù biết rằng biến đổi là luật vô thường. Cho nên “phải” như kiện tính của tự do trở nên một thứ tự do  “Tự do chính là sự trở về với một chút bền bỉ hơn tự do, hơn phù du: đó chính là “hồn quê”. Nguyễn Du là tri kỷ của hồn quê ấy 
“Trần thế bách niên khai nhãn mộng
Hồng Sơn thiên lý ỷ lan tâm”
(Trăm năm trên trần thế là giấc mộng mở mắt
Núi Hồng nghìn dặm tựa lan can ngóng về)
   Khi nắng chiếu bên thềm dù ta là cái bóng trên trần thế mộng mị phù du, nỗi thương tâm vẫn là rặng núi Hồng Lĩnh chốn quê nhà.
   Tết là một thứ cũ kỹ của quê nhà, thứ cũ ấy ai ngờ nó ấp ủ cả hồn quê…mất nó ta mất nhiều hơn ta được muôn ngàn thứ khác.
Thái Kim Lan
Tháng chạp năm Quý Tỵ 2014


2.

Exkurs (Viết bên dòng)
    Bạn tôi hỏi tôi ăn Tết như thế nào ở Huế, tôi viết:
   20 Tết tụi em đi mua hoa, nhưng không đi những chợ hoa thành phố mà về vùng quê, vì em muốn mua hoa giấy ở các làng làm hoa giấy.
    Muốn qua làng hoa giấy phải đi đò ngang từ bến Bao Vinh qua sông ở ngã Ba Sình. Đò cập bến đến Tiên Nộn. Ở Tiên Nộn có cái chợ nhỏ sát ngay bến đò. Cái chợ nhỏ xíu bằng bàn tay, tụi em vô chợ đi mua tôm cá, đều là tôm cá họ đánh từ sông lên, trả giá um sùm làm huyên náo cả chợ. Sau đó đi bộ 2 cây số đến làng Thanh Tiên, mua hoa giấy đem về chưng Tết. Hoa giấy Thanh Tiên do các nhà nông dân làm từ xưa để cúng ông Táo và các trang thờ, cũng như cúng đêm ba mươi.
    Những làng ở đây nằm bên ven sông, đất phù sa bồi lên thành những dãy ruông gọi là biền, người dân dùng đất ấy để trồng hoa màu, quanh năm rau cải phơi phới xanh màu thiên nhiên. Đến mùa Tết thì họ trồng hoa để đem bán các chợ trên phố. Thường khi hết mùa gặt là lúc Tết sắp đến, họ không làm ngoài đồng thì ở nhà làm hoa giấy. Màu sắc của hoa giấy họ lấy từ cảm hứng sắc màu của những loài hoa mọc quanh vùng, các loài hoa vừa "dại" (hoa mọc hoang ở ven sông người Huế gọi là dại) vừa "khôn" (hoa được người ta trồng, chăm bón),   Hàng ngày hàng giờ sắc màu ấy thâm nhập vào tâm, in vào trí đến nằm mơ cũng thấy, rồi cảm hứng chuyền đến đôi tay, và cứ thế họ nhuộm màu giấy, cắt, dán, ghép thành các loài hoa cúc, hoa hồng, hoa mai, theo giấc mơ tâm tưởng mà cách điệu, thật là rực rõ như những lời reo vui cất lên trong không gian đồng nội. Khi làm xong các nhánh hoa, họ cắm vào một cái cùi rồi mang cùi trên xe đạp đem lên chợ bán.
   Mấy năm trước em đã mua hoa giấy về chưng Tết đầy nhà, thay vì hoa mai, hoa đào, ai cũng lấy làm lạ, tưởng em khùng đi chưng hoa giấy không giống ai. Nhưng đối với cái nhìn của người ở xa về thì đây thật là một công trình mỹ thuật. Lần ni em mua luôn cả cái cùi hoa gồm hơn trăm cành hoa. Cả gia đình làm hoa giấy đều vui. Nhưng họ cũng khôn lắm, đòi giá mắc thật là mắc vì họ biết em ở từ xa đến. Người mình nhiều khi có tính hay bắt chẹt, buôn bán ở đây khó lắm, trả giá hoài rốt cuộc mình cũng vẫn mua đắc hơn ai hết. Hí hửng đem về khoe, ngờ mô ai cũng kêu là đồ ngu, ở ngoài tê họ bán có 5 ngàn một nhánh mà mi mua 7 ngàn...Nhưng lỗ mà lời vì cuộc du xuân thật là ngoạn mục.
   Phong cảnh miền quê yên bình, các con đường vào thôn xóm cũng xinh xắn, gió sông hiền hoà, nắng xuân chuyền hơi ấm dịu dàng, đi trên những con đường ấy mình cứ nhẹ nhàng như chân không chấm đất. Thấy lòng vui sướng hơn bao giờ.
   Trên đường làng, buổi xế chiều các em nhỏ đạp xe đi học về, cười nói hồn nhiên, em chạy theo chụp chung với chúng. Trong giây lát, tưởng chừng như cuộc đời có chút chi thật là hạnh phúc...
   Sáng ni (mùng hai Tết) mấy chị em đi chùa Bảo Lâm, chùa nằm khuất trong núi nên vẫn còn giữ được nét thiên nhiên, đang xuân nên đào mai đều nở rộ, hoa giấy đủ màu, sứ cũng đã ra hoa, bằng lăng tím ngát và nhiều loài hoa khác trong vườn chùa đua nhau khoe sắc. Trước sân có hoa đào nở rực đón xuân, khách vãn chùa mùa xuân, ai muốn chụp hình kỷ niệm ngày   Tết đều đến đứng bên đào đang cười trong nắng. Nhưng bỗng trong góc vườn chợt thấy một cây bàng còn trẻ, gốc mảnh mai như đào như mận, mà lá thì vàng óng ánh, như tuồng cũng muốn khoe màu trong thân phận của mình. Cây bàng thường đỏ lá mùa đông, sang xuân bàng rụng lá để chớm nụ xanh. Không hiểu sao xuân rồi mà bàng vẫn còn giữ lá đỏ tươi trên cành, dù gió thời gian đã nhiều lần khoét lỗ. Có lẽ nó thấy sắc màu mùa xuân nên cũng muốn rực rỡ như ai. Xem ra nó trẻ người non dạ, bất chấp thời gian, thấy cây đào, cây mai đỏ vàng rực rỡ, nên nó cũng muốn bừng vui, cưỡng đoạt thời gian chơi. Dù biết gió xuân rất vô tình, có thể rụng lá vàng như một thuở vàng bay mấy lá...
   Nó nếm chút vô tình ấy và...bật cười, rơi nhé, nhưng mình rơi như những bông hoa rụng về trời, như đổ...(tấm lòng) vàng ở sông...Tương, có được không? Màu đỏ của lá bàng có chút chi siêu nghệ thuật trong ánh sáng ảo hoá của mùa xuân. Ai đi chụp hình với đào, còn mình đứng dưới bàng mà vui...ngọn gió đông xuân...thổi bay tóc áo. Gửi theo hồng rơi, vàng bay.

Thái Kim Lan

Tuesday, January 28, 2014

THƠ NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH



nơi dịu dàng xuân tới



             
                                         Evening breezes by Tim Schumm

Dịu dàng quá dịu dàng không chịu nổi*
Đêm thả đêm mộng mị xuống gần
Lời gió như mây. Và chút bâng khuâng

Của rét mướt của lá khô vừa rụng
Của chiều đi vừa khuất trong sương
Ôi nhẹ quá tiếng chân đêm màu tím

Của nhẹ lắm tiếng trái tim đang đập
Và hạt lệ không rơi ra khỏi mắt
Sợ buồn trĩu rồi ngày đi sẽ nặng

Đừng nói gì thêm đêm ơi tiễn biệt
Em đứng đó con đường dài không hết
Đêm thở bên vai. Ai đó nói thầm

Có phải rất thầm rời hai bàn tay
Xa như tiếng mưa buồn cuối phố
Mắt nuối nhìn trong đêm. Mưa bay

Có phải rất thầm hẹn em mùa xuân
Dịu dàng ơi, tiếng hôn đêm huyền diệu
Giục cánh hoa nở kịp dịu dàng khuya.

Mưa sẽ tạnh. Mùa sang rồi sẽ lá         
Xanh trên cành. Nhựa thức dậy trong cây
Phải nơi ấy, dịu dàng. Xuân tới.   
                           
Dịu dàng quá dịu dàng không chịu nổi.

NTKM
Dec 30 2013

*Thơ Olga Berggoltz, Bằng Việt dịch


KÝ ĐỖ HỒNG NGỌC



Kể thơ trên xe lửa



                                               Train ride. Mixed media collage

Buổi tối, chúng tôi ngồi xe lửa từ Baltimore về Washington D.C. Cô bạn Mỹ Susan Barnes nhỏ nhắn và lanh lẹ hướng dẫn tôi cứ coi tôi như một em bé, sợ tôi lạc giữa đám đông. Tôi bỗng lo sợ vẩn vơ. Đọc báo cứ thấy lâu lâu ở Mỹ có người nổi hứng leo lên xe lửa ria một loạt đạn vào mọi người rồi… lạnh lùng bước đi. Tôi nhìn quanh quất hỏi có chắc xe này về D.C không, cô cũng không biết rõ nữa, phải hỏi lại người soát vé mới sure. Cả buổi chiều đi thăm bệnh viện Johns Hopkins, phòng xét nghiệm, khoa điều trị, tiếp xúc với bác sĩ, bệnh nhân, tôi đã thấy thấm mệt, muốn mau mau về nghỉ. Xe lửa lắc lư chậm chạp đi trong đêm.
Những hành khách trễ tàu. Vội vã. Nhăn nhó. Có người thấy như muốn rút súng thì phải. Bỗng Susan lên tiếng: “Thơ cổ điển Việt Nam, ngoài Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du… Hồ Xuân Hương còn ai nữa không?”. Tôi giật mình, sửng sốt. Dĩ nhiên cô nói tiếng Mỹ và phát âm tên riêng còn khó nghe nhưng tôi nghe rất rõ những tên người đó. Cô hỏi cả Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương! Suốt buổi sáng làm việc trong hội thảo và cả buổi chiều đưa tôi đi thăm Johns Hopkins đâu thấy cô có “triệu chứng” gì để biết cô rành văn chương Việt Nam đến thế. Cô giải thích rằng từ ba năm nay cô theo học khoa Đông Nam Á và chọn văn hóa Việt Nam. Ra thế. Cô lại hỏi về những người làm thơ tình đương đại. Tôi lục trong trí nhớ. Nhiều quá! Những nhà thơ tình Việt Nam đương đại! Tôi nhắc tên nhiều người cả trong và ngoài nước – và bỗng đọng lại ở Đỗ Trung Quân. Dĩ nhiên có nhiều người làm thơ tình hay hơn Đỗ, bay bướm hơn, ướt át hơn, lâm ly hơn… nhưng tôi không biết giải thích cách nào để cho cô bạn Mỹ không rành tiếng Việt kia hiểu, cũng không thể đọc cho cô nghe âm điệu để cô có thể thấm được cái hay. Vả lại, tôi cũng chẳng thuộc được mấy chút thơ. Đỗ thì từ lâu đã khá nổi tiếng với bài Quê hương, anh cũng có những bài thơ tình cho mẹ, cho con và cho vợ… cho cả tình đầu, tình cuối gì đó nữa… Nhưng ngay với bài Quê hương, tôi cũng không sao giải thích cho cô bạn cái hay của “Quê hương là đêm trăng tỏ / Hoa cau rụng trắng ngoài thềm”. Bởi vì ở Mỹ, đèn điện thì cứ sáng choang hoặc sương mù che lấp cả trăng đi, mà có nói đến trăng người ta cũng chỉ nói đến Apollo, đến Amstrong mà thôi. Còn hương cau, biết nói sao đây? Làm sao cho cô nghe được mùi hương cau của những đêm trăng tỏ, làm sao cho cô biết được cái mo cau, để từ đó có cái quạt của thằng bờm và làm sao cho cô hiểu rằng cau không phải là cau mà gắn với trầu để thành cái “Ngày xưa có hai anh em nhà kia…”, rồi làm sao cho cô hiểu cái cau qua cái trầu của “Ba đồng một mớ trầu cay…”. Tôi cũng không thể nói cho cô hiểu về cái anh chàng có “Bài thơ cứ còn hoài trong cặp… Giữa giờ chơi mang đến lại mang về” bởi vì ở Mỹ thường những mối tình đầu như vậy sẽ là chuyện giả tưởng… ở một hành tinh nào khác. Cho nên tôi đành kể cho Susan nghe bài thơ “Thầy còn nhớ em không” của Đỗ. Hình như tựa bài thơ không phải vậy, nhưng chẳng cần! Cái cậu học trò ăn mặc bảnh bao đến mua thuốc lá và nhận ra người bán thuốc lá ở góc đường kia là thầy học cũ của mình. Cậu học trò nhớ những bài học tôn sư trọng đạo được thầy dạy ngày xưa ở trường nên đã reo lên mừng rỡ “Thầy còn nhớ em không?”, nhưng người thầy kia đã lạnh lùng từ chối, không dám nhận mình là thầy nữa rồi. Vì đâu nên nỗi? Không cần sống trong bối cảnh Việt Nam vào thời điểm đó, tôi thấy cô bạn tôi đã hiểu và im lặng hồi lâu. Tôi lại kể cho cô nghe bài thơ khác của Đỗ, tôi cũng chẳng nhớ nỗi cái tựa, đó là bài thơ viết về mấy đứa nhỏ học trò ngây thơ được người lớn dẫn đi coi… máy chém, và nhà thơ hỏi có khi nào bạn mua món quà là máy chém về tặng sinh nhật con mình không? Đại khái ý thơ là vậy còn câu cú lời lẽ thì tôi quên tuốt. Cô bạn Susan không nói năng gì, im lặng hồi lâu để tôi nghe rõ tiếng sắt sình sịch trên đường ray. Tôi không dám nhìn cô. Nhưng tôi biết cô đang nghĩ đến một điều gì khác, như nghĩ đến bức tường ghi tên dài ngoằng ở quê hương cô chẳng hạn. Đột nhiên cô reo lên: “Tới rồi!”. Và cô vội vã thu xếp hành lý. Cô lí nhí cảm ơn tôi đã cho cô biết thêm về thơ Việt Nam và tôi cũng cảm ơn cô vì nhờ cô mà tôi quên tuốt đoạn đường đi và cả những bản tin khủng khiếp về những người leo lên xe lửa ria một loạt đạn… Tôi cũng cám ơn anh bạn Đỗ đã có những bài thơ mà tôi không nhớ nổi cái tựa để tôi được làm một việc là kể thơ trên đoạn đường xe lửa từ Baltimore về Washington D.C của một buổi tối mùa thu 1993.

ĐHN