Phan
Núi Sọ
Tranh Manuel Neri
1.
Người bạn trẻ Việt Nam nói với tôi: “Em vừa nói chuyện với ông xếp (supervisor) của mình: Tuần sau, em phải trở lại trường. Ông ấy sẽ giúp anh trong công việc. Anh cứ yên tâm, anh đã quen việc. Hơn nữa, ông xếp mình rất thích người Việt Nam , và hài lòng về anh lắm…” Bữa tiệc chia tay trong văn phòng nhỏ của ông xếp Mỹ diễn ra và kết thúc là bữa tiệc đầu tiên tôi tham dự ở Mỹ.
Thứ hai đầu tuần sau, không còn người bạn trẻ đã dẫn tôi đi làm để được nói tiếng Việt với người duy nhất trong chỗ làm. Tôi ngồi xuống chỗ đã quen ngoài cầu thang xuống parking, một mình. Nhớ Sài gòn muốn khóc, bao nhiêu là người nói chung thứ tiếng mà sao mình chẳng biết quý ai; để giờ đây… ngồi gặm thơ Tưởng Năng Tiến, “chiều về trên xứ lạ/ excuses me/ I'm sorry nói mãi/ thương một câu chửi thề…” Giá có ai đó chửi một câu tiếng Việt nghe chắc đã lỗ tai…”
Ông xếp bỗng xuất hiện với bao thuốc lá và cái quẹt ngộ nghĩnh trong tay, ông hỏi tôi đã làm gì trong những ngày cuối tuần qua? (Hiểu được câu hỏi, tôi đã mừng, Việc trả lời giao cho áng mây qua…) Vậy mà ông ấy hiểu được diễn tả của tôi hơn là những câu tiếng Anh chắp vá. Đại khái là chiều thứ sáu, sau khi tan sở với tấm check. Tôi đến chợ Kroger, thành phố Buckingham, vì duy nhất chợ ấy có bán bia và có cả nhà băng trong đó. Tôi bỏ check vào băng để trả biêu apartment, biêu điện, bảo hiểm xe… lấy ra vài chục tiền mặt để đổ xăng, mua hai gói thuốc lá và thùng bia cho tuần mới. Tuần nào có làm vài tiếng overtime thì tôi sẽ mướn những cuốn phim (video tape) trong chợ Kroger, chỉ có 1 đồng/ cuốn, rẻ hơn Blockbuster. Xong chuyện, tôi về apartment và ở yên trong nhà tới sáng thứ hai, đi làm lại…”
Ông ấy hỏi tôi: “Bạn thường coi phim gì?”
Tôi trả lời: “Phim cowboy. Tôi thích phim cowboy… Vì hồi bé, truyền hình Việt Nam có chiếu phim cowboy Mỹ, nhưng khuya lắm. Giờ đó thì tôi đã bị bắt đi ngủ để mai còn đi học. Tôi ước ao được coi trọn vẹn một phim - nhưng không thể.”
Ông ấy khen tôi mới qua mà nói tiếng Anh được như thế là giỏi lắm! Khen đến người bạn tôi là một thanh niên tốt, ông quý mến nó. Đặc biệt là sự quan tâm, lo lắng của nó cho tôi còn hơn việc nó phải trở lại trường sau mùa hè, đã làm ông xúc động…
Tiếng chuông reo - hết giờ nghỉ buổi chiều. Chúng tôi trở vô chỗ làm. Một bà Mỹ đẹp đẽ và lịch sự, bà đẩy xuống xưởng chiếc máy in bự sự. Tôi thấy bà dường như đẩy không nổi cái máy quá lớn và nặng nề nên tôi đến giúp bà. Tôi không hiểu những câu tiếng Anh bà nói, nhưng tôi hiểu cái ôm hàm chứa lòng biết ơn chân thành. Tôi khoái cái hành động không phân biệt giai cấp, màu da… Rất tiếc là tôi không hiểu bà muốn gì để tôi sẵn sàng giúp việc kế tiếp.
Người xếp của tôi từ văn phòng tiến ra, ông ấy kéo ống hơi đến chiếc máy in để thổi bụi. Thì ra bà ta nhờ làm sạch cái máy. Tới đây, tôi hiểu bà ta nói với xếp tôi, “Bạn muốn uống gì?”, bà tiếp tục hỏi tôi câu ấy, rồi đi đến chiếu máy bán nước ngọt để mua nước uống cho chúng tôi. Trong khi xếp tôi đã thanh toán hết bụi bặm bám bên ngoài chiếc máy. Ông gỡ những móc-khóa phần đầu máy, nhấc lên khỏi phần thùng máy-chứa những học giấy nhiều kích cỡ phía dưới. Ông không ngờ là phần đầu máy quá nặng - và cũng khó lòng để xuống lại vị trí cũ khi đã nhấc lên… Ông nói tôi trong hơi thở gấp của một người lỡ làm một việc quá sức - và không thể ngưng - vì bỏ xuống là sẽ hư hỏng những cái board điện tử phía dưới. Tôi hiểu bằng trực giác chứ không hiểu những câu ông nói, tôi nhanh tay tháo gỡ dây điện lằng nhằng giữa hai phần của cái máy đời xưa bự sự và nặng nề. Rồi hiểu câu ông nói tiếp theo, “Cho tôi xin cái xe.” Tôi hiểu cái xe ông nói là cái bàn bằng khung sắt, có bốn bánh xe và trên mặt lót ván ép. Tôi nhanh chóng tìm kiếm và đưa đến cho ông. Nhưng trên tấm ván ép dơ bẩn, dầu mỡ… Ông tiếp tục nói tôi: “Lót cho tôi một miếng cardboard.”
Không biết do ông đã chịu đựng quá sức nên lạc giọng hay tôi… Tôi nhất định trả lời ông, “Tôi thích coi phim cao bồi chứ tôi không phải cao bồi”; ông lập lại chữ “cardboard” càng nhiều lần thì tôi nghe càng rõ là ông nói tôi: cao bồi. Tôi giận quá!... Trong khi bà Mỹ quăng hai lon nước ngọt trên tay, nhanh tay tháo giày cao gót và chạy như bay đến hiện trường để lót lên cái xe cho ông xếp tôi một miếng giấy bìa cứng -cardboard.
Ba chúng tôi trở thành những người bạn, có thể nói chuyện gia mình cho nhau nghe - sau này. Nhưng điều ấy không tự nhiên có như mơ. Bà Mỹ tên là Susan, đưa tôi về nhà bà vào một cuối tuần, giới thiệu tôi với ông chồng… nhìn rất trí thức và lịch sự của bà. Chúng tôi làm việc với nhau, còn bà đi nấu ăn để đãi tôi.
Tôi với ông Jame - chồng bà Susan đi Home Depot mua ván về đóng kệ sách. Ông kể tôi nghe về những địa danh: Củ Chi, Hóc Môn… vào những năm 1965 tới 1975. Tôi xúc động thật sự khi nghe một người Mỹ nói về những địa danh quen thuộc, dù tôi mới xa Sài gòn có mấy tháng. Nhớ lẩu lươn ở ngã ba đường quẹo vô chợ Hóc môn; nhớ bò lụi ở Củ chi còn thơm phức trong ký ức… những miếng bánh tráng Củ chi ở nhà bạn tôi, biết bao giờ được ăn lại. Tôi mời ông James đi ăn phở để đáp lòng yêu mến quê tôi của một người Mỹ, sau khi nghe ông nói lúc nào ông cũng muốn được ăn phở. Cái ông này biết tới phở Tàu bay ở Lý Thái Tổ thì quá lắm… Nhưng tôi hối hận vô cùng khi trở về nhà ông và nghe bà Susan nói: “Mỗi lần ông ấy ăn phở là ngã bệnh vì dị ứng chất gì đó trong phở…” Không biết lời xin lỗi của tôi làm vơi đi thiệt hại cho bà Susan được bao nhiêu phần trăm; nhưng tôi cứ áy náy…
Còn ông xếp của tôi thì nể tình người bạn tôi, ông cho phép tôi sử dụng tủ lạnh, microwave trong văn phòng của ông. Tôi không phải xếp hàng chờ đợi hâm thức ăn trưa ở phòng ăn đông người. Một hôm, tôi hâm thố cơm trưa với cá catfish fillet xào cà ri với bún tàu. Ông ấy nói, “Tôi biết ăn cà ri, tôi thích cà ri lắm. Nghe mùi thức ăn của bạn làm tôi rất thích…” Tôi thì đang thèm miếng sườn heo nướng trong thố khoai tây nghiền của ông ta. Lác đác vài miếng broccoli và carrot rất hấp dẫn… Tôi đề nghị đổi cơm trưa, và ông ta đồng ý ngay. Tôi ăn ngon miệng; ông ta ăn ngon lành hơn tôi nữa. Hai người vừa ăn vừa nói chuyện, ông ấy nói là đã ăn cà ri nhiều lần, nhưng chỉ được ăn cà ri nấu với thịt bò, thịt gà, chưa bao giờ được ăn cà ri nấu với cá - ngon như vầy!Ông hỏi những thứ trong món tổng hợp mà ông đang khoái khẩu… “Cơm trắng thì tôi biết rồi, tôi biết củ hành trắng, cá catfish fillet, cà-ri… Nhưng loại mì trong món này rất ngon và cũng rất lạ, gọi là gì, mua ở đâu?..”
Tôi nói ông ta đến chợ Việt Nam là mua được. Nhưng tên tiếng Anh của bún tàu thì tôi suy diễn… tôi chỉ biết tiếng Anh gọi chung các loại sợi làm bằng bột là noodle, không phân biệt bánh phở hay mì vàng… Vậy, sợi bún tàu trong veo thì tôi cho nó cái tên clear-noodle. Tôi hy vọng là ông ấy nói clear noodle thì người bán chợ sẽ hiểu ông ta muốn mua gì?
Nhưng bị hỏi đến mấy miếng nấm mèo xắt sợi trong món cá xào cà ri bún tàu này thì tôi chịu chết! Ông ta lại rất thích tính chất giòn giòn, ngon vị, ăn hoài không ngán của nấm mèo nên hỏi tới. Tôi càng bí càng suy luận tối tăm… con cá có bộ râu giống con mèo thì tiếng Anh gọi là catfish - suy ra nấm mèo phải có chữ “cat” trước đi. Nhưng nấm là gì mới được? “Cat-nấm” thì không được chắc rồi! Tôi suy luận đến hình dáng và tính chất để chế từ. Nấm mèo giống và giòn như tai mèo, tôi trả lời ông ta: “Cái này là ear-cat…!”
Chưa hết, ngu còn làm giọng chúa ngục khi nghĩ ra lỗ tai thì một cặp - trừ người bị cắt mất một tai. Vậy “ear” phải có “s”. Tôi đứng dậy, lấy giấy viết viết ra hẳn hoi cho ông ấy xem: “Cat's ears”. Tiếng Anh nói ngược với tiếng Việt mà…
Khi ông ấy nhìn thấy chữ viết thì tin tôi phát âm chính xác và ông không nghe lầm! Cả hai chúng tôi đều không ngờ điều kinh khủng nhất đã xảy ra! Ông ấy ói hết ra bàn cả phần ăn trưa, mặt đỏ lên như gấc; như uống hết chai rượu mạnh không bằng! Bộ râu quai nón rậm rạp của ông ta như dựng ngược cả lên… đôi mắt xanh lè long lên trong nước mắt vây quanh… ông ấy hét lên, “mày đã giết bao nhiêu con mèo để làm món này?”
Từ đó, tiếp theo… tôi chỉ nghe tiếng chửi thề, la hét, mất tự chủ của một người nóng giận. Lẽ ra tôi nên chạy đi chỗ khác thì tốt hơn là cố gắng giải thích bằng mớ tiếng Anh mù mờ và nghèo nàn của mình, càng làm cho ông ta nóng giận hơn. Dẫn đến hành động ngoài sức tưởng tượng của chính ông ta là ông ta thộp cổ áo tôi, tay còn lại thộp sợi dây nịt lưng bằng da bò rất chắc của tôi. Ông giở tôi qua khỏi đầu ông, chân đạp bể khóa cửa văn phòng của ông, cửa ra parking thì không khép bao giờ, ông cứ thế đi xuống 6 bậc thang để đến thùng rác lớn, và ném tôi vô thùng rác. Tôi đủ thông minh để nằm im trong cái thùng rác to lớn nhưng chỉ toàn ny-lon quấn (plastic wrap) máy móc với thùng carton đã xài… cho qua cơn nóng giận của ông - mà tôi đã lù mù hiểu nguyên nhân qua câu: “ mày đã giết bao nhiêu con mèo để làm món này?”
Tiếng chửi thề vang vọng và tiếng đạp bể cửa văn phòng của ông đã thu hút được sự lắng nghe tiếng động lạ của bàng dân thiên hạ đang quây quần trong phòng ăn ồn ào, xa xa… Nhưng họ chẳng việc gì phải bỏ dở bữa ăn. Ngoài packing vắng tanh, nắng chói chang… chỉ mỗi ông già Mỹ nghiện rượu, trưa không ăn trưa, trời nóng cách mấy thì giờ nghỉ trưa ông cũng lẻn ra cái xe truck cũ kỹ của ông để uống rượu lén. Người duy nhất biết điều đó là tôi, và ông không bị đuổi việc vì tôi không nói với ai. Nhờ vậy, hôm nay ông có cơ hội trả ơn tôi: Ông chạy vòng ngõ vô văn phòng lớn để xuống phòng ăn thông báo cho mọi người - đi cứu tôi.
Mấy chục người bỏ dở bữa ăn trưa để đi xem chuyện lạ, những người lái xe đi mua bữa trưa ở McDonald đã lác đác về… họ không còn nhớ là thời gian không đủ cho họ ăn trưa. Nhưng trước sự việc lạ đã làm mọi người quên hết thời gian. Những người đàn ông Mỹ vây quanh ông xếp tôi để thăm hỏi và sẵn sàng ngăn chận hành vi quá khích của ông - có thể tái diễn; những người đàn bà bu quanh tôi để thăm hỏi… Bà Susan là người Mỹ thứ hai, sau ông xếp của tôi - người có thể hiểu loại tiếng Anh đặc biệt của tôi. Nhưng trong sự việc này thì bà cũng bó tay. Nhưng bà ấy vốn thông minh, bà nhớ ra bên kia packing chung là hãng khác nhưng có người Việt Nam . Bà đi cầu cứu và trở về với một cô gái trẻ, chỉ nói được tiếng Việt chút đỉnh vì cha Mỹ mẹ Việt; nhưng cô ấy nghe tiếng Việt thì hiểu nhiều hơn cô ấy nói. Tôi kể lại đầu đuôi cho cô gái ấy nghe câu chuyện. Cô ấy thật sự căng thẳng khi tiếp xúc với một người Việt Nam - là tôi - bằng ngôn ngữ của tổ tiên cô ấy. Thiệt là bó tay khi tôi phải kể lại lần hai và đệm thêm những từ tiếng Anh mà tôi biết, thì cô ấy hiểu được câu chuyện và phá ra cười… làm mọi người nhẹ nhõm hơn lời kết tội của ông xếp tôi về “thằng giết mèo hàng loạt”. Cô ấy thông dịch ra Anh ngữ cho mọi người hiểu. Người đàn ông ăn mặc lịch sự nhất hãng là ông chủ hãng, đứng yên lắng nghe từ bao giờ. Ông tiến vô trung tâm cuộc họp bất thường của cả hãng, ngoài packing nắng chang chang… tuyên bố: “Bây giờ, quý vị trở lại phòng ăn để tiếp tục bữa trưa của mọi người. Hôm nay, giờ nghỉ trưa của toàn thể chúng ta sẽ thêm 30 phút… và mọi người đều có trách nhiệm dạy tiếng Anh cho “thằng tai-mèo” này.
2.
Cái bắt bay và lời xin lỗi của ông xếp tôi. Hai chúng tôi quàng vai nhau trở vô thay cái ổ khoá mới và sửa lại cánh cửa văn phòng do ông đạp bể. Chúng tôi rời đám đông trong tiếng vỗ tay của mọi người… Tôi không bao giờ quên cái tên Mỹ đầu tiên của tôi là tai-mèo, không bao giờ quên ơn nước Mỹ và người Mỹ từ đó đến hôm nay… trên đường chở con đi học về, đến khúc cua nguy hiểm nhất của đoạn đường vì hai bên cây lá xanh um, do có dòng suối nhỏ nên cây lá tốt tươi hơn những chỗ khác. Gặp dịp ảnh hưởng bão miền trên nên miền này mưa liên miên, trong khi các bác thợ điện của thành phố chắc cũng bị giảm người nhiều trong hoàn cảnh suy thoái nên không đủ người thường xuyên cắt tỉa cành lá ở khúc quanh nguy hiểm cho quang đãng tầm nhìn của người lái xe. Tôi vừa lái vừa suy luận vì không bỏ được cái tật ưa suy luận chứ không chịu hỏi. Hình như cái bằng quốc tịch Mỹ của tôi chỉ có giá trị pháp lý khi cần thiết; quyền lợi khi về già… tôi vẫn là một người Việt Nam tự hào với hết sự ngu ngốc của mình.
Tại khúc quanh nguy hiểm hôm nay có một cái xe màu xanh blue cũ kỹ đang chớp đèn khẩn cấp. Vị trí cái xe quá nguy hiểm! Tôi lại suy luận ra một người phụ nữ vừa lái xe vừa nói điện thoại, hay vừa lái vừa trang điểm… sau khi ôm cua này thì khả năng tông vào chiếc xe màu blue kia rất cao! Tôi định dừng lại để giúp người bị nạn như tôi thỉnh thoảng vẫn làm vậy khi lòng từ bi bất ngờ ứa ra khỏi cõi ăn năn tràn trề sau những tội lỗi nhân sinh… Nhưng tiếng kèn xe sau thúc giục tôi vì khúc cua hẹp nên không xe nào vượt qua mặt xe nào được. Tôi lái luôn đi cho khỏi kẹt xe. Lái qua rồi mới nghĩ đến người Mễ kia, một người không được coi trọng mấy trong xã hội. Giá một cô gái Mỹ thì không cần bận tâm vì sẽ có người giúp nhưng một người Mễ thì coi bộ hơi khó! Tôi đánh vòng vào đường nhỏ để trở lại khúc quanh. Không ngỡ ngàng vì chiếc xe xanh vẫn nằm nguyên chỗ cũ trong tiếng kèn thỉnh thoảng của những xe qua phàn nàn nguy hiểm…
Tôi cũng sợ thấy mồ khi đậu sau xe xanh vì sợ xe nào đó tông vô xe mình. Nội việc mở cửa xe để bước xuống cũng đã khó vì giờ chở trẻ con đến trường nên đường đông đúc, đông đúc những người không thể trễ giờ làm trong hoàn cảnh hãng xưởng đang cho nghỉ việc tùm lum, sự suy luận thường lệch lạc của tôi nhiều khi cũng có ích là bình thản với những tiếng kèn đang tâm…Cuối cùng tôi cũng xuống được xe, đến hỏi thăm ông Mễ chừng năm mươi tuổi, “Tôi có thể giúp bạn được gì không?”
Tôi nói đến lần thứ ba, ông ta vẫn trố mắt nhìn tôi… Đánh chết cha này cũng không biết tiếng Anh, vì ông ta không tỏ vẻ sợ hãi tôi uy hiếp; không khi dễ tôi ra mặt; ánh mắt cầu khẩn của ông ta nói lên biết bao điều… Tôi ra dấu cho ông rời khỏi xe, giúp tôi đẩy cái xe của ông xuống vệ cỏ. Ông hiểu, chúng tôi làm việc đó xong, tôi nhanh chóng lái xe mình xuống vệ cỏ, chỉ còn gang tấc là lọt xuống bờ mương, bờ suối. Công việc tiếp theo là lấy sợi dây câu bình sau xe tôi ra, trao cho ông. Tôi ra dấu với ông là tôi không thể trở đầu xe tại đây, tôi sẽ lái một vòng vào xóm nhà để lấy chiều ngược chiều với xe ông đang đậu, thì mới câu bình cho ông được.
Ông ấy lắc đầu, trong khi óc suy luận siêu việt của tôi lại bỏ đi chơi bất tử, tôi hết hiểu ông này cần giúp gì? Nhưng bỏ đi lại tổn thương lòng tự trọng của một người tự cho là mình khôn hơn mình tưởng… Giá người ta dám tin sự kém cỏi của mình cỡ nào thì con bò không chừng cũng có địa vị trong xã hội. May là trước lúc muối mặt bỏ đi thì óc suy luận về kịp… xăng 4 đồng một gallon, xe hết xăng, nằm đường là chuyện dài thời suy thoái. Aha, tôi phục tôi sát đất, một người Việt Nam thông minh chậm.
Đúng phóc là xe ông ta hết xăng. Tôi vận dụng hết óc suy diễn, suy luận, tứ chi… cùng mọi biểu hiện có thể để diễn ra cuộc trao đổi với ông. Đầu tiên, tôi đề nghị ông đưa tiền cho tôi, tôi sẽ đi mua cho ông một bình xăng. Diễn lại vở kịch câm lần hai thì ông hiểu và lắc đầu. Tôi giận chứ sao không, tôi đã từng làm như vậy cho vài người Mỹ hết xăng dọc đường. Người ta cảm ơn tôi không hết, có đâu không tin vào lòng tốt của người khác một cách bất lịch sự như thế này!Mà nghĩ cho cùng, trong hoàn cảnh ông, tôi có tin một người không quen không đây? Không lẽ tôi với ông có chung ông tổ ngàn đời trước…
Tôi ra chiêu thứ hai là chở ông ra cây xăng cho ông tự mua bình xăng, rồi chở ông trở lại đây. Diễn tả đến ông hiểu mới thôi! Nhưng ông lại lắc đầu. Tôi móc bóp, định trình ông tờ giấy bạc để xem ông có tiền hay không? Tới đây tôi mới nhớ ra là mình cũng đang trong hoàn cảnh thất nghiệp, bóp chẳng có đồng xu dính túi. Nhưng vụ này ông ấy thông minh bạo, cũng móc bóp ra cho tôi coi - không có đồng xu. Tôi đưa ra thẻ nhựa; ông lắc đầu: không có thẻ nhựa. Tôi đưa điện thoại, ra hiệu cho ông gọi về nhà. Ông lắc đầu… Giá người Thái, người Lào, Campuchia… thì tôi đã gọi cảnh sát để giúp ông ta, nhưng ông ta người Mễ thì phải cân nhắc, nhỡ cảnh sát tới, lại mò ra một ông Mễ lậu thì tội ông ấy quá!Nhưng ai tội cho mình đang lực bất tòng tâm.
Đành nói ông ấy đợi, tôi sẽ trở lại. Ông ta gật đầu, ánh mắt nhìn theo vô vọng của ông ta làm tôi bấn loạn tâm thần. Tôi nghĩ đến hũ bạc cắc trong góc phòng tôi, bụi bặm đã lâu năm, không ngờ có lúc hữu dụng này. Tôi lái về nhà và nhanh chóng đổ hũ bạc cắc ra để phân loại, đếm sơ sơ lấy 10 đồng để mua 2 gallon xăng chừng 8 đồng… tôi vừa đếm vừa nghĩ đến ông xếp cũ đã dạy mình chửi từng câu tiếng Anh; nghĩ đến bà Sussan thỉnh thoảng lại xuống xưởng để cho tôi quà, thăm hỏi. Nhiều khi chỉ là một miếng bánh sinh nhật cháu ngoại của bà vào tối hôm qua. Tôi không ăn bánh ngọt nhưng nghe ngọt ngào biết chừng nào. Bà lại hay thu xếp cho tôi việc cuối tuần hồi mới qua là đến nhà phụ với ông chồng bà sơn cửa sửa nhà… để tôi có thêm thu nhập. Dù sao tôi cũng nhớ nhất là sự tức tối của một người không biết tiếng Anh trên nước Mỹ. Nhưng dù sao tôi cũng có thẻ xanh, thẻ xã hội như một công dân hợp pháp ở Hoa Kỳ. Có người như tôi và thua tôi tư cách pháp lý, đang bơ vơ ngoài đường… tôi vội vàng ra garage lấy cái thùng xăng dùng cho máy cắt cỏ để khỏi phải mua cái thùng nhựa màu đỏ ngoài cây xăng - cũng hết bảy, tám đồng bạc trong lúc đếm tiền xu...
Thánh thần không biết nói nhưng biết làm việc gì cần. Các vị ấy đã đổ đầy bình xăng của máy cắt cỏ từ bao giờ, tôi không phải đi cây xăng đếm bạc cắc nữa, tôi xách 2 gallon xăng chạy bay ra khúc cua nguy hiểm. Ông Mễ với cái xe xanh cũ mèm vẫn ngồi đếm từng lòng trắc ẩn băng qua thời suy thoái. Sự trở lại của tôi là sự trở lại của chúa Jesus với ít nhất-một người. Không biết bao giờ chúa trở lại với mọi người nên tôi tiếp tục làm người đứng ngoài cửa nhà thờ; tôi chờ ngài đã lâu, Chúa ơi! Tôi cũng quen ông đã thành chánh quả hơn hai ngàn năm trăm năm, nên mỗi khi ngang qua chùa, tôi thường nói: Uống đi chứ! Ông ấy cười thôi chẳng nói gì… chỉ có nước mắt lưng tròng của một người Mễ không biết tiếng Anh đã nói với tôi, cứ tìm cách trả lại đời những gì mình đã nhận, chúng ta đến đây từ hư không và mai kia mốt nọ cũng hư không trở về; thay vì bận lòng tới người ơn hãy lưu tâm kẻ khó… những điều tôi nghĩ ra nhẩn nha theo từng nhát đục vào phiến gỗ, cái núi sọ lộ diện trong mùa phục sinh năm nay, một tác phẩm suy thoái được làm ra trong thời kỳ khủng hoảng. Nhưng nó sẽ nhắc nhở tôi món nợ trả không bao giờ hết cho những người tử tế - qua những người khốn khó hơn mình…
Phan
No comments:
Post a Comment