Những Chuyện Tình ở Ga Xe Lửa
Nguyễn Thị Hải Hà
Hằng ngày tôi đáp xe lửa từ ngoại ô vào thành phố để làm việc. Ga tôi đón xe lửa là một ga nhỏ, khách không mấy đông người nên ai cũng biết mặt nhau. Không thân thiết gì ngoại trừ dăm ba câu chào hỏi vớ vẩn về thời tiết. Một hôm ở ga bỗng xuất hiện một cặp trung niên, cả hai đều tóc đã muối tiêu, người da trắng. Cả hai đều tầm thước, khá bệu mỡ, trong cách ăn mặc họ có vẻ là những người làm việc phòng giấy nhưng không giữ chức vụ cao. Người đàn ông mắt lộ, môi dầy, quần khaki, áo sơ mi, thỉnh thoảng ông ta mặc áo thun có cổ bẻ, hôm nào trời lạnh ông ta mặc áo khoác gió loại ngắn. Người đàn bà tóc ngắn, tóc dợn sóng lọn to, làm tôi nghĩ đêm nào đi ngủ chắc đầu của bà cũng đầy ống quấn tóc. Bà ta khá béo. Hai cái đùi to đầy mỡ của bà như khép chặt lại vào nhau. Quần bà hơi ngắn trên mắt cá chân, giày thấp. Những người đàn bà quá mập hay bị cái nạn ống quần dính vào đùi làm khoảng ống quần bên trong khoảng giữa hai chân rút ngắn lại, do đó nhìn có vẻ xộc xệch. Họ lại thường hay bị yếu đầu gối vì phải mang trọng lượng thặng dư vì thế không thể mang giày cao gót. Và như thế lại càng làm cho dáng vẻ của họ thô kệch hơn. Nói chung, đây không phải là một đôi vợ chồng già đẹp tướng.
Họ cũng không có vẻ là vợ chồng. Trông họ có vẻ như là một cặp tình nhân mới. Sáng nào cũng thế, giữa chốn đông người, hai người ôm hôn nhau thắm thiết như một cặp trai gái mới lớn còn háo hức chuyện thăm dò thân xác của người yêu. Khi xe lửa đến Penn ga lớn nhất của tiểu bang New Jersey, dưới chân cầu thang cả hai lại ôm nhau hôn ngấu nghiến. Những nụ hôn thật say đắm làm tôi có cảm tưởng như đây là những cái hôn cuối cùng. Ngày mai họ sẽ chia tay nhau vĩnh viễn.
Tự bao giờ hình ảnh sân ga vẫn là đề tài của những cuộc chia tay. Của “Lên xe tiễn em đi, chưa bao giờ buồn thế, trời mùa đông. . . Jersey , suốt đời làm chia ly. . .” Của “tuyết rơi phủ con tàu, trong ga em lạnh đầy, làm sao em nói hết, cho ấm mộng đêm này. . . ”[1] Tôi tự hỏi không biết vì lý do gì mà họ phải chia tay nhau.
Nhưng, họ không chia tay nhau. Ngày hôm đó và những ngày sau nữa, họ vẫn còn đó, hôn nhau như nhai nuốt lẫn nhau. Họ hôn nhau ngay trên sân ga trước khi lên tàu. Họ hôn nhau dưới chân cầu thang trong Penn Station khi xuống ga. Rồi bỗng nhiên, tôi thấy những chiếc hôn này có vẻ gì bỉ ổi. Tôi cứ phải quay mặt đi tránh nhìn họ và có cảm giác như mình bị xâm phạm, bị cướp mất chút tự do thanh thản đầu ngày. Tôi đổi chuyến xe lửa đi chuyến trễ hơn, vài tuần sau đi trở lại chuyến xe giờ cũ, vẫn nhìn thấy người đàn ông nhưng người đàn bà trong vòng tay ông ta lại là một người đàn bà khác. Người đàn bà mới này không trẻ hơn, không đẹp hơn, cũng na ná giống người đàn bà của mấy tuần trước. Tôi tự hỏi không biết chuyện gì đã xảy ra. Không biết người đàn bà thua cuộc có đứng đâu đó trong góc nhà ga mà vấn vương. “Sao nhà ga ấy sân ga ấy, chỉ để cho lòng dấu biệt ly... ”[2]
Người ta thường hay gắn liền sân ga với những lần chia tay, những nỗi buồn giã biệt. Như Tế Hanh trong bài Những Ngày Nghỉ Học “Tôi đứng bơ vơ xem tiễn biệt. Lòng buồn đau xót nỗi chia xa.” Tuy nhiên không ít người xem sân ga là nơi hẹn hò, là chỗ của trùng phùng, tao ngộ.
Buổi chiều tan sở, tôi băng qua đường, vào một hành lang đầy ánh sáng. Từ đây tôi leo lên thang cuộn và nó sẽ đưa tôi lên trên sàn cao chỗ xe lửa cập bến. Bước vào trong hành lang là khách đi xe lửa đã được nghe những tấu khúc dương cầm êm dịu. Tôi đi bộ trên sàn cao dọc theo đường rầy số Năm chừng hơn trăm mét sẽ đi ngang phòng đợi nằm bên phải và đường rầy xe lửa số năm của ga Penn nằm bên tay trái của tôi. Phòng đợi này rất nhỏ và hẹp so với phòng đợi chính của ga Penn. , được dùng cho khách đợi tạm thời trước khi xe lửa đến. Dọc theo tường là băng ghế gỗ bóng loáng, ánh sáng chan hòa. Chia cách giữa sàn cao và phòng đợi là một vách tường có cửa sổ bằng kính được lau chùi trong suốt.
Gần đây, chiều nào tôi cũng gặp một cặp tình nhân trẻ người da trắng khoảng chừng ba mươi trở lại đang hôn nhau đắm đuối trong phòng đợi. Từ khi cặp tình nhân trẻ dùng phòng đợi nhỏ này làm tổ uyên ương, không có ai ngồi trong phòng đợi nữa cả. Xuyên qua cửa kính, tôi thấy bàn tay tham lam của người đàn ông trẻ chạy khắp nơi. Anh kéo tuột cả váy cô nàng trễ xuống để lộ cái tam giác của cái “thong” màu đỏ phía sau mông. Họ hôn nhau thật đắm đuối, thật mê loạn, hối hả. Hôn như ngày mai sẽ tận thế. Hôn như tài tử Harrison Ford hôn cô nàng Melanie Griffith trong phim Working Girl. Chỉ cần nhìn họ thôi người ta cũng đoán được dưới lớp quần áo đó tất cả những đầu dây thần kinh đều nở rộng và đứng dậy. Họ sẽ bốc cháy.
Đây là một cặp tình nhân rất đẹp đôi. Người đàn ông cao ráo, vai to, có vẻ trẻ hơn người đàn bà vài tuổi. Người đàn bà trẻ này đẹp như tài tử Julianne Moore. Da trắng, người mảnh mai, tóc hung đỏ. Hai cánh tay thon dài của cô quàng ngang cổ anh bạn trai như để dọn chỗ cho bàn tay của anh ta tùy nghi chọn chỗ đáp. Tôi tiếp tục đi và leo lên xe lửa thường đã cập bến chờ sẵn. Ngày nào cũng nhìn họ hôn nhau ngấu nghiến như thế tôi không khỏi tự hỏi tại sao. Ở xứ này, trai gái làm tình từ khi mới vừa quá tuổi trăng tròn. Đôi tình nhân này có vẻ gì vụng trộm và có lẽ chỉ có ăn vụng mới tạo ra cái cảm giác ly kỳ đắm đuối đến thế. Trông họ càng đắm đuối say sưa họ càng có vẻ gì tội lỗi.
Chiều thứ sáu vừa qua, khi tôi vừa lên tới bậc cuối cùng của cái thang cuốn thì đôi tình nhân mở cửa bước vào để đi xuống hành lang dẫn ra đường. Cô nàng mặc bộ suit bằng lụa màu đồng ôm sát người, đôi chân thon trần trắng muốt. Dường như dưới làn da không phải là máu thịt mà là kem và sữa, ngọt lịm, béo ngậy. Khi đi ngang qua phòng đợi nơi mà họ hay đứng hôn và vuốt ve nhau mặc kệ người qua lại bên cửa sổ, tôi thấy hàng ghế dọc theo tường đầy chật những người. Thì ra họ bị đuổi ra khỏi tổ uyên ương.
Theo thói quen, mỗi chiều về tôi hay ngủ gật trên xe lửa. Khi tỉnh giấc, xe lửa đang vào trạm
Những mối tình này sẽ đi về đâu. Cái say đắm của họ có phải chỉ là những cảm xúc nhất thời hay đó là một tình yêu thật sự?
Người bản xứ thường hay phân biệt tình yêu (love) và dục tính (lust). Thật tình tôi không thể phân biệt cái ranh giới mong manh của hai loại tình cảm này. Đôi khi tôi có cảm tưởng người ta gom tất cả những mối tình không danh chính ngôn thuận, hay những mối tình không thành (vì không hợp nhau chẳng hạn) vào hàng dục tính. Rằng “nó” chỉ là cảm giác nhất thời, chỉ hình như là tình yêu chớ không phải tình yêu. Làm sao người ta có thể cả quyết trong những cuộc tình không danh chính ngôn thuận kia không có một tình yêu thật sự, và có ai dám cả quyết trong những cuộc hôn nhân danh chính ngôn thuận kia không có cái gọi là tình yêu, và nếu có thì đã không còn, và làm sao biết được người ta không sống với nhau chỉ vì đó là một dục tính được xã hội và pháp luật công nhận?
Nguyễn Thị Hải Hà
[1] Thơ Cung Trầm Tưởng, Phạm Duy phổ nhạc
[2] Bóng Người Trên Sân Ga, Nguyễn Bính.
No comments:
Post a Comment