Friday, June 3, 2011

Ngu-Yên, người tôi vừa gặp

Lương Thư Trung


                                 Ngu Yên & Ngọc Phụng

Tôi không quen và cũng không biết Ngu Yên. Tôi có đọc thơ ông trên Văn, Văn Học vài bài. Tôi cũng có đọc trên trang nhà gió-O qua vài bài thơ ông cùng hai bài viết về ông của Trường Kỳ và Lê Văn Phúc. Cũng trên trang Gió-O tôi lại được nhìn hình ông trong tấm ảnh chụp chung với nhạc sĩ Từ Công Phụng, Khánh Hà, Diễm Liên. Thú thật là trong bụng tôi chưa bao giờ tôi nghĩ là tôi sẽ gặp Ngu-Yên, một người được mọi người biết tới là một thi sĩ và nhạc sĩ.

Tình cờ vào một  tối Houston nắng nóng hơn Boston nhiều. Trong tiệm Lee Sanwich, có một người vừa từ ngoài bãi đậu xe bước vô. Hai anh Nguyễn Trọng Khôi và Phan Xuân Sinh giới thiệu người mới tới là thi sĩ Ngu-Yên. Ông bắt tay tôi không hăng lắm. Có lẽ vì tôi là người lạ, mà chính tôi cũng không quen ông lần nào, nên cái bắt tay cũng chỉ là để xã giao . Nhưng có điều nghe giọng nói miền Nam, tôi nghĩ ông sanh ở Sài Gòn hay miền Tây. Khi hỏi lại thì biết ông gốc gác Qui Nhơn. Hổng biết sao, chợt dưng tôi liên tưởng đến hai nhà văn Nguyễn Mộng Giác và Võ Phiến. Phải chăng đất Qui Nhơn hôm nay cho tôi gặp thêm một thi sĩ, mà tôi thì rất sợ gặp nhà văn và thi sĩ.
Tôi vốn dân miệt vườn, nên nghĩ sao nói vậy và tôi có nói với Ngu-Yên sau cái bắt tay không hăng ấy: Ở ngoài đời sao tôi thấy anh không giống trong thơ và nhất là tấm hình của anh trên gió-O. Ngu-Yên cười rất tự nhiên và rộng rãi. Mấy đứa bạn lựa hình nào ghê nhứt của mình cho lên Web, nên ai thấy hình cũng ớn.

Thế rồi nhờ cuộc triển lãm tranh của Nguyễn Trọng Khôi tại Houston vào những ngày cuối tháng năm, tôi lại gặp Ngu-Yên vài bận nữa trong cuộc triển lãm này. Thật tình nếu tôi không gặp Ngu-Yên có lẽ tôi khó mà đọc thơ hay nghe nhạc của ông được. Điều đó không có gì bí ẩn bởi nghệ thuật mà Ngu-Yên theo đuổi gần như con đường riêng ông mở ra chỉ để cho riêng mình, không cho ai khác theo cùng. Ở đó có lẽ với ông là một đại lộ lúc nào cũng thênh thang, nó tách rời khỏi những nề nếp cũ, những khái niệm cũ cùng những hình thức cũ. Nó không giống bất cứ một trường phái hay trào lưu văn học nào mà chỉ là cái gì rất riêng và của riêng của Ngu-Yên mà thôi.
Niềm đam mê tìm ra cho mình một lối thoát khỏi khuôn sáo cũ cũng không lấy gì làm lạ. Người nghệ sĩ nếu anh chỉ lập lại điều người khác đã viết rồi, suy nghĩ rồi qua chữ dùng của mình, chẳng khác nào anh lội nước theo sau vậy thôi, không hơn không kém! Ngu-Yên không có ý lội nước mà ông muốn đi ăn bữa giỗ, một bữa giỗ văn học nghệ thuật do chính ông nấu nướng và bày biện lên bàn để rồi ngồi một mình ngâm nga những câu thơ vừa mới viết, nghe lại tiếng vọng từ một nốt nhạc buồn từ những ngón đàn của chính mình vừa mới gảy lên!
Nỗi cô đơn của người nghệ sĩ mà tôi vừa bắt gặp ở Ngu-Yên không phải là nỗi cô đơn dễ dầu gì ông để lộ ra ngoài. Nó chôn kín ở một gốc nào đó, thật là sâu thẳm. Nó không phơi bày ra trong giọng nói và tiếng cười. Ngu-Yên bao giờ cũng nói nhiều, nói lớn và cười rất giòn. Với chừng ấy cái nét thật ngoài đời như vậy làm sao, những người phàm tục như tôi có thể ngờ được ở Ngu-Yên có cả một trời rộng cô đơn đang thênh thang bất tận. Và nếu có ai hỏi tại sao Ngu-Yên phải sống trong cô đơn như vậy? Câu trả lời thật đơn giản vì ông là một nghệ sĩ và là một nghệ sĩ đang đi trên con đường riêng của ông. Chỉ có vậy và đơn giản chỉ có vậy!

Nói thế không phải Ngu-Yên không yêu cuộc đời này, con người này, nhiều khi còn trái lại nữa là khác. Ông biết được thời gian qua nhanh, tóc vụt đổi màu và hồn nghệ sĩ  ở ông vội vã cất lên lời thơ để trở thành tiếng hát như nắm lấy cuộc đời:
“Người vẫn hờ hững qua đời
Chân đi về chốn không trời
Một thoáng qua khuất xa bụi mơ`
Nhiều khi nghe trẻ cười
Chợt nhói lòng buồn đau vết thương nhân sinh
Giờ đây tôi hát không dám buồn
Trong con tim máu thành bóng mây.”
(Hát không dám buồn của Ngu Yên) (1)

Trên con đường thênh thang một mình cả đời đeo đuổi ấy, Ngu-Yên đã thấy được gì? Phải chăng người nghệ sĩ luôn muốn tách ra khỏi những trường phái gò ép ấy là để được tự do bơi lội trên dòng sông mát lạnh mà ông đã tìm gặp. Nói thế không phải Ngu-Yên thờ ơ lạnh nhạt với đời sống có thật mà ông còn ngụp lặn vào đời thật đó bằng trái tim nghệ sĩ để thấy rằng cõi nhân sinh này trăm năm đâu có là bao:
“Mưa xuôi dòng nước tan vào dòng sông
Mưa xuôi đời sống tan vào trống không
.....
Rưng rưng giọt máu chôn vào thờ ơ
Lao đao hạnh phúc treo buồn lững lơ
Lạnh lùng mưa rơi
Xóa tan đi đời sống
Hỏi thiên thu có còn nhớ gì ai ...”
(Bên đường mưa của Ngu-Yên)

Nhưng có lẽ một trong những bài thơ nói lên cái tâm cảm của người thi sĩ ấy rõ nét nhất và cũng thiết tha nhất qua cách mà ông chọn riêng cho mình một con đường sáng tác cả trong hai khía cạnh thơ và nhạc, đó là bài thơ “Đường Một Chiều”. Con đường đó ông đã chọn và lỡ lên đường gần ba, bốn muơi năm và Ngu-Yên tới hôm nay khi tôi gặp ông và có lẽ cả về sau này ông sẽ tiếp tục đi bởi ông không muốn dối gạt người khác và phản bội chính mình :
“Đường một chiều tôi đi không trở về
Qua bốn mùa qua năm tháng lê thê
Đường một chiều tôi đi qua phù vân
Dấu con tim trong ánh trăng buồn..
....
Bình minh lên trong hân hoan tôi buồn một mình
Hoàng hôn xuống trong hoang mang tôi buồn một mình
Rồi đêm tối trong lo âu tôi buồn một mình
Ngày một chiều, giờ một chiều, tôi buồn một mình.

Đường một chiều tôi đi không chờ ai
Đường một chiều tôi đi về tàn phai
Lúc mỏi mòn dừng chân hát nơi đây....”
(Đường một chiều của Ngu-Yên)

Nhớ có lần Ngu-Yên nói: thơ nhạc là những thú vui chơi, sao mình không chơi theo cách chơi của mình mà phải bắt chước cách chơi của người khác. Nhiều người không chịu cái nhận xét đó nhưng biết làm sao hơn khi “nghệ thuật”, theo Lâm Ngữ Đường, “là một du hý phát biểu cá tính.. Đặc tính của du hý là du hý, để du hý chứ không cần có lý do, không nên có lý do khác.” (2)

Lương thư Trung
Houston ngày 28-6-2006

1/ Trích trong CD “Hát Không Dám Buồn” , thơ và nhạc Ngu-Yên,  Julie Quang hát.
2/ “Một quan niệm sống đẹp” của Lâm Ngữ Đường, do Nguyễn Hiến Lê dịch. Sài Gòn 1964

No comments:

Post a Comment