Bài viết và ảnh Lưu Na
… Tôi nghĩ không ai hát Người Tình Không Chân Dung hay hơn Lệ Thu. Tiếng ngân tưởng còn vang âm thầm trong cái nón sắt ấy, như hồn những tiếng chuông xưa vẫn vang vọng từ lòng chuông.
Hôm nay, tôi thấy cái nón sắt ấy trên giá súng, trong buổi lễ tưởng niệm nhân ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa 19 tháng 6. Tôi không hiểu nghi thức nên cũng không nhớ tên gọi nghi thức ấy, nhưng tin chắc bất cứ ai nhìn chiếc nón sắt trên giá súng và lá cờ rũ đều hiểu, những người đứng quanh đây đang hướng về những người chiến sĩ ấy.
Dưới khán đài tôi thoáng gặp một khuôn mặt già nua tình cờ được biết. Ông mặc thường phục ngồi trên bậc thềm xi măng của khán đài trò chuyện cùng những người bạn khác trong quân phục. Nếu ông đúng là người niên trưởng ấy, thì ông cũng có bộ quân phục mà ông nhất quyết không mặc nếu như trộn lẫn trong những buổi lễ quân cách là những khuôn mặt quân nhân kiếm danh hay những bộ quân phục giả. Có lẽ với ông bộ quân phục thấm hồn thiêng sông núi, thấm hồn tử sĩ của những anh em chiến hữu nên nó linh thiêng và ông không muốn nó vấy bẩn. Không biết có phải là ông, tôi không có dịp lại gần vì ông đã ra về không biết tự bao giờ, nhưng hình ảnh của ông lấn quấn hoài trong óc tôi.
Suốt buổi, tôi leo trèo chậy lung tung chụp biết bao nhiêu góc cạnh, nhưng trong đầu tôi lẫn với hình ảnh của ông là những hàng bia mộ trùng điệp ở nghĩa trang Quân đội Los Angeles . Mộ, mới hay cũ, gần trung tâm hay sát tận vòng rào, bia đứng hay bia nằm, tất cả đều được cắm một lá cờ US nhỏ bằng 2 bàn tay ngày Chiến sĩ trận vong (Merorial Day). Nghĩa trang quân đội, Bắc cũng như Nam , có nghi thức nào tỏ lòng với người đã vì non sông như vậy không?
Tôi nhìn những bộ quân phục quanh tôi. Từ ngày đến ở nơi đây tôi ra tượng đài không biết bao lần, chụp không biết bao nhiêu hình những ngày lễ quân đội. Lần giở kho hình có những bộ quân phục năm nào, dịp nào cũng hiện diện. Họ kiên nhẫn ngày này qua tháng nọ, tìm mãi hồn xưa, hồn những người lính khẳng quyết với lý tưởng và biết đất đứng của mình. Trong loạn lạc chiến tranh, những người chiến sĩ ấy là chim đầu đàn, mà khi sẩy đàn tan nghé những người dân như tôi không biết phải xoay hướng nào và phản ứng ra sao.
Hôm nay, trong cái hỗn mang, chúng ta kẻ dựa vào nhau tìm chút hồn thiêng sông núi xưa kẻ lặng lẽ tưởng nhớ cách riêng của mình. Và tôi thấy thương người niên trưởng ấy muôn vàn. Tôi thương cô gái nhỏ cầm máy chụp hình buổi lễ mà bố cô là một anh cũng chưa “niên trưởng” lắm trong bộ đồ sinh viên sĩ quan Thủ Đức màu kaki (anh nói cho đủ bộ !!!) Tôi thương 2 cháu trai thật dễ thương với bà mẹ trẻ con luôn quản thúc để chúng đừng chạy lung tung. Cuối lễ cháu lại gần đu lấy ông, bảng tên đỏ hình như Đ. Thọ. Nếu không có những buổi lễ này chắc bọn trẻ sẽ lớn bật kia không có dịp nhìn thấy nụ cười hớn hở của cha ông, một chân dung khác trên những bộ mặt hằng ngày chúng vẫn gặp. Tôi thương những người vợ hay thân nhân của lính, nghiêm chỉnh lúc chào cờ và kêu gọi người bên cạnh ngồi đến phút cuối cho xong buổi lễ, thương những người dân cùng nhau tiến lên bàn thờ thắp nén nhang tưởng niệm những người chiến sĩ vô danh.
Nhưng dẫu đập vỡ kính ra vẫn không tìm thấy bóng, hỡi người …
Lưu Na
No comments:
Post a Comment