Thursday, April 7, 2011

Vấn
Hồ Đình Nghiêm thực hiện


Bắt chước nhà văn Song Thao, tôi dùng vỏn vẹn chỉ một chữ, làm tựa đề cho cuộc trao đồi này. Nhà văn Song Thao cư ngụ cùng thành phố với tôi, mặc dầu chẳng “cách hai đoạn đường dài”, mặc dù không “cách nhau một dậu mồng tơi”… nhưng gạt bỏ vấn đề địa hình nhiêu khê nọ, chúng tôi luôn gần kề trong gang tấc, bởi giản dị, chúng tôi cùng táy máy “vọc chữ” dưới ngôi nhà chung: Văn chương. Lần chuyện trò này, hình thành do hai điều: Thứ nhất, những người bạn phương xa của tôi vẫn thường dọ hỏi: Song Thao là ai? Thứ hai, cách đây mấy hôm, nhà văn chung “phường khóm” với tôi đã vừa in xong cuốn Phiếm số 9. Để câu chuyện đi gần với tinh thần “vui thôi mà” của cố thi sĩ Bùi Giáng, tôi tránh hỏi tới những vấn đề nặng nề, nghiêm trọng của tình hình đất nước. Hy vọng những người từng tủm tỉm cười khi đọc Phiếm, sẽ hay biết đôi điều về tác giả, vốn kín tiếng nhưng rất sung (hiểu ở nghĩa viết mạnh).

Hồ Đình Nghiêm (HĐN): Thưa anh Song Thao, do đâu, nguyên cớ nào anh vẫn thủy chung khi đặt tựa đề. Cô độc chỉ một chữ, không hai, chẳng ba… Nó trần trụi, nó đứng lẻ loi, nó lẻ bạn, nó mình ên. Tuồng như nó… lạnh?

Song Thao (ST): Nhà văn có khác, cảm được cái lạnh của chữ. Chữ có lạnh thật không, cũng dám lắm. Nhưng những cái tựa đứng vững chãi một mình của Phiếm là thứ nhà nòi. Hiên ngang chứ không cô đơn, lẻ bạn hay mình ên. Khi đặt cái tựa một chữ cho Phiếm, tôi thấy như mình cho chữ nghĩa một sức mạnh, như một cơn gió quất, một ngọn sóng thần. Nói nghe ghê gớm vậy chứ việc đặt những cái tựa...vạm vỡ như vậy là một sự tình cờ. Khởi đầu, tựa của Phiếm cũng khi ba chữ, khi hai chữ, khi một chữ. Sau thấy những cái tựa một chữ nghe có vẻ dứt khoát, hiên ngang hơn nên quen tay cứ một chữ mà chơi. Riết rồi bạn bè, độc giả khi gặp hỏi một cách thích thú: vẫn một chữ chứ? Thấy việc đặt những cái tít một chữ vô hình trung thành một dấu ấn của những bài Phiếm. Vậy là chơi luôn! Ngờ đâu lại có người thấy nó lạnh! Chắc người lạnh mới cảm thấy chữ lạnh chăng?

HĐN: Hầu như mỗi tuần, anh đều “đẻ” ra một câu chuyện phiếm. Anh có bí quyết nào về “sự cố” mắn đẻ kiểu ấy? Và chắc là anh sẽ quyết không nghỉ hưu. Ý tôi muốn hỏi theo “tinh thần phiếm”: Anh chẳng kế hoạch hóa, chẳng đi cột?

ST: Anh đừng xúi dại tôi chứ. Cột làm chi! Con cái ngày nay nhiều đứa rất có hiếu, cũng biết an ủi, mang niềm vui lại cho bố mẹ. Mấy đứa con Phiếm của tôi lại được nhiều người thương, chắc chúng cũng có chút duyên nào đó. Đẻ con ra mà được khen, nở lỗ mũi là cái chắc. Nở lâu nên mũi quen hơi, xẹp xuống không được nữa. Thực ra cái tội mắn của tôi là lỗi của mấy ông Chủ bút hay Tổng thư ký của các báo. Họ là những người mẫn cán nên làm công việc thúc vào bàn tọa các người viết một cách chăm chỉ. Thế là cứ sòn sòn tuần một. Một năm có 52 tuần, hai năm có 104 tuần, ba năm có 156 tuần... Thế mà tôi đùa với Phiếm đã được bảy năm có lẻ rồi. Biết bao nhiêu là sinh linh đã ra đời. Để chúng lê la la liệt cũng tội nên xây nhà cho chúng ở. Năm một căn, năm hai căn, giờ đã tới căn thứ 9 rồi. Biết đến bao giờ thì hưu? Người ta thường bảo vạch đầu gối ra cắt vẫn còn thấy máu thì vẫn còn có đường ngon lành!


HĐN: Một tuần có bảy (hay tám) ngày? Một tuần với linh tinh đủ công chuyện phải thanh thỏa, mất bao lâu thời gian (giờ thứ 25) để anh “trả nợ” cái gọi là Phiếm?

ST: Hình như sống với Phiếm đã thành quán tính của tôi. Từ hồi nào không biết. Ăn ở với người tình có ai đếm thời gian. Nó miên man bất tận đến không cảm thấy thời gian nữa. Anh bắt tôi đếm, làm khó nhau vừa thôi chứ!

HĐN: Tôi dùng chữ trả nợ, anh có cho là quá đáng? Viết văn, xem như thú tiêu khiển của anh, hay do một thôi thúc nào khác?

ST: Viết, dù viết gì chăng nữa, bao giờ cũng là thú tiêu khiển. Chắc anh cũng viết văn nên cũng cảm thấy như tôi, mỗi lần đặt cái chấm hết dưới một bài viết, thú vô cùng. Như gửi được chút tâm tình của mình ra cho người đồng điệu. Tâm hồn gặp tâm hồn, khoái cách chi đâu! Mà tâm hồn là thứ động đậy hàng giờ hàng phút, nó quậy vô cùng, cách chi mà giữ được nó trong lòng mình. Chữ “trả nợ” xem chừng có vẻ đời thường quá. Tôi dùng hình ảnh một người có tính thích chia sẻ, gọi là khoe...của cũng được, khi khoe được thì khoái xiết bao. Đó có phải là sự thôi thúc không?


HĐN: Dạo này tôi ít được đọc truyện ngắn của anh. Giữa hai món, truyện ngắn và phiếm, cái nào dễ ăn hơn? Mặc dầu cả hai đều phải “cõng” trên lưng chữ một thông điệp nào đó.

ST: Viết là một cách thế biểu tỏ. Viết cái chi cũng vậy. Nếu không đặt tất cả tấm lòng mình vào thì mình chỉ là một thứ...thợ. Chán chết! Vậy thì viết truyện hay viết phiếm đều cần có tấm lòng với chữ nghĩa. Viết truyện là trải lòng mình ra, viết phiếm là bày tỏ cõi lòng với người đọc. Viết phiếm như vậy có vẻ...cộng đồng hơn. Hai bên, người viết và người đọc, dễ thông cảm với nhau hơn. Từ khi mặn nồng với phiếm, tôi nhận được nhiều phản hồi của người đọc hơn, bằng gặp gỡ, thư từ, e-mail hay điện thoại. Có lẽ nhận được tiếng vỗ tay mau chóng và ồn ào hơn nên tôi cặm cụi với phiếm. Kể cũng bậy thật. Nhưng biết làm sao hơn khi cái tay viết truyện bỗng rời rã, gần như buông xuôi, không còn chi để chia sẻ thì biết tỏ bầy cái chi! Không biết sự tình đó có thể gọi là ngay thẳng với mình không!

HĐN: Có lần, nhà văn Võ Kỳ Điền nói, gần như than: “Bây giờ tôi ráp hai múi dây lại cũng chẳng xẹt ra được chút lửa, sao trong người anh Song Thao chứa đựng được một bình điện bất tận đến dường ấy!” Sẵn đây, anh có thể chia sẻ, bộc lộ ít nhiều nhằm “xoa dịu nỗi đau” của anh Võ Kỳ Điền?

ST: Có hai điều tôi nghĩ tới khi được anh hỏi câu này. Thứ nhất: hầu như là một...chân lý, cái chi xài hoài thì tốt hoài, như một thói quen vậy. Tôi không hiểu anh nhà văn họ Võ có dấu kín bình điện ở xó xỉnh nào nên nó bị sét không xẹt nữa chăng? Thứ hai: có thể anh Võ Kỳ Điền không nói ra nhưng, có nơi có lúc, anh xài bình quá lố đến bây giờ bình teng beng ra hết xài! Về tôi, xin đảo ngược lại.

HĐN: Nhà thơ Luân Hoán cũng thuộc loại thường dân may mắn được nằm kề nhà máy điện, điều đó chúng ta đều biết. Nhà văn Song Thao có làm thơ? Đại loại kiểu như ông Bảo Sinh ở Hà Nội: “Mặt buồn vợ hỏi giận ai? Vui tươi vợ bảo có bồ rồi sao!”/ “Muốn cho trộm chẳng đến nhà, đề vào trước cửa: đây là nhà thơ”/ “Vợ là cơm nguội nhà ta, lại là phở tái thằng cha láng giềng”… Rất phiếm.

ST: Thơ là một thứ kiệm chữ. Viết ít hiểu nhiều. Viết ít thì báo bổ không ưa. Vậy thì tội chi mà thơ với thẩn cho mất thời giờ. Nói cho vui vậy thôi, thơ là tinh lọc chữ nghĩa, tôi không dám lân la tới. Tôi có một điều dại là chơi với ông Luân Hoán. Ông này thì ngồi đâu cũng ra thơ. Đi đâu ông ấy cũng kè kè ba thứ trong người: cây viết, tờ giấy và cái máy hình. Vậy là ra thơ. Thơ ông post hàng ngày trên website của ông ấy luôn luôn có kèm theo hình. Và có cả...thời tiết nữa! Có lẽ vì thơ ông ấy cũng nắng mưa như đất trời. Có thể nói mưa ra sao thơ ông Luân Hoán cũng ra như vậy. Chơi với một con người đẫm thơ như vậy, thỉnh thoảng tôi cũng được ông ấy rủ làm thơ. Thường thì tôi lơ đi, nhưng có khi, chắc đúng khi nàng thơ đang hái hoa bên nhà tôi, tôi cũng lăng nhăng dăm ba câu. Cũng khoái lắm, nhưng khi bình tĩnh đọc lại, thấy thơ của mình chuyển thành vè. Vậy là chừa cái tính cả nghe bạn xúi.

HĐN: Ở bài “Chữ”, anh viết: “Ngẫm ra thì đúng là một trò chơi. Ngẫm vào thì trò chơi này quả là mệt… Chắc vì vậy nên chẳng có mấy nhà văn nhà thơ có được một bộ vó đầy đặn!” Tôi hồ nghi về điều này. Anh có thể cho độc giả biết về bộ vó của anh?

ST: Bộ vó của tôi thì anh lạ chi. Gồm đầu mình và chân tay. Được cái cũng cân cái. Đi đứng cũng vững vàng. Chưa chống gậy dù vẫn có gậy gộc còn có thể chống được. Tôi mới đọc một bài viết của nhà báo Nguyễn Khắc Mẫn ở trong nước viết về nhà văn Sơn Nam. Khi Sơn Nam phải vào bệnh viện vì một tai nạn lưu thông, thấy bộ vó của ông nhà văn, một người bạn hỏi ông cân nặng được bao nhiêu ký. Sơn Nam nói khoảng ngoài bốn chục chi đó. Một người đi nuôi bệnh nhân nằm bên cạnh nghe thấy vậy, ngứa miệng chọc vô: “Bác làm gì được bốn chục cân. Chỉ 37 cân là cùng!”. Nhà văn của chúng ta cười hóm hỉnh: “Ừ thì tự trấn an mình một chút có sao đâu. Hồi nào tới giờ có cân đâu mà biết!”. Tôi mặn câu chót của Sơn Nam.

HĐN: Vậy là anh đã trình làng tới cuốn Phiếm số 9. Điều ấy chứng tỏ có đông độc giả. Sách anh tiêu thụ có nhanh không? Và hiện tại, anh có  nhận định nào về tình trạng gần như ngắc ngoải của dòng văn học hải ngoại?

ST: Có thể nói những cuốn Phiếm thuộc loại dễ tiêu thụ. Các nhà sách đều ưu ái đón nhận, độc giả mua sách thẳng nơi tôi bằng Bưu Điện cũng khá. Nhưng có một điều phải nhận là so với cuốn Phiếm1 do nhà Văn Mới xuất bản vào năm 2005 bán hết ngay và nhà Nhân Ảnh đã tái bản hai lần đều bán hết thì tới cuốn Phiếm 9 tình trạng rất “nửa đường đi xuống”! Rất ầu ơ ví dầu! Sự đi xuống này như xuống một con dốc thoai thoải, càng ngày càng xuống sâu hơn. Tôi mới viết một bài về sách trong đó tôi nghĩ là sự đi xuống này có hai nguyên nhân: lớp độc giả càng ngày càng già, lớp về với ông bà, lớp mắt kém, thận suy không đọc được sách nữa. Nguyên nhân thứ hai là vì cái có thể gọi là cuộc cách mạng về kỹ thuật. E-book đang dần dần thay thế sách in. Hậu quả là không chỉ có sách báo tiếng Việt tại hải ngoại bị ảnh hưởng mà sách báo tiếng Anh tiếng Pháp chi cũng lãnh đủ. Cứ xem sự thu hẹp hay chết ngắc của các tờ báo và tạp chí cổ thụ có hàng mấy trăm năm tuổi thì biết. Sách tiếng Việt bị chơi cú đúp như vậy, đìu hiu là lẽ dĩ nhiên. Các tạp chí văn học của chúng ta như Văn, Văn Học, Thế Kỷ 21 đều đã mồ yên mả đẹp. Sách xuất bản chẳng còn bao mà tiêu thụ cũng vào loại ngắc ngoải. Bước đi của kỹ thuật nó như vậy, lấy chi mà cản được nó. Chỉ biết ngậm ngùi. Mà ngậm ngùi, theo nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc, “thường rất yếu ớt và hoàn toàn bất lực”.

HĐN: Internet có nhiều lợi điểm, đằng khác, tôi ngờ là chính nó đã góp phần tước đoạt số đông, những người ưa đọc văn bản được in ấn thành sách. Anh có đồng quan điểm ấy không? Những nhà sách lần hồi thưa thớt khách lai vãng là một bằng chứng.

ST: Internet là thủ phạm của sự đìu hiu của sách vở. Điều đó là cái chắc, còn ngờ chi nữa. Cứ ngẫm lại mà coi. Phần lớn chúng ta vẫn cảm thấy thích thú hơn khi đọc những trang sách in cầm trong tay. Cầm một cuốn sách mới, ngắm nghía bằng mắt, sờ bằng tay, ngửi mùi giấy bằng mũi, chỉ thiếu chuyện...ăn sách, thấy thú vị hơn nhiều là đọc trên internet hay trên cái máy e-Reader vô hồn nhiều chứ. Nhưng sự thể đã tới chỗ đó thì chúng ta phải theo thôi. Có than van cũng chỉ là để vơi đi nỗi sầu muộn trong lòng. Tôi mới đọc được bài “Chuyện Sách” của nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc, trên internet. Ông cho biết ông đã mua một cái Kindle, một cái máy chuyên đọc sách điện tử. Lúc đầu đọc cũng hơi khó chịu, riết thành quen, thấy đọc sách điện tử trên màn ảnh cũng không khác chi đọc trên sách in. Ngay cả thơ là thứ cần đọc một cách cẩn trọng hơn, ông Quốc cũng đọc trên màn hình của máy và “cũng thấy được chữ trôi và thở, cũng nghe được hơi ấm từ chúng, y như trên trang giấy”. Nhà phê bình họ Nguyễn làm tôi đau nhói: đến một người thường xuyên chơi với chữ nghĩa mà cũng không thấy cái lạnh tanh của máy, thật hết ý! Ông Nguyễn Hưng Quốc còn trẻ, tôi...nhiều tuổi hơn, chưa cảm được như ông Quốc, còn nhà văn “trẻ” Hồ Đình Nghiêm thì sao?


HĐN: Một anh bạn vừa từ Huế sang đây thăm con có kể câu chuyện khá thú vị, tôi xin được tóm tắt: “Xóm anh ở có người đàn bà mang phải chứng bệnh nan y, sang bệnh viện trung ương, thảy các bác sĩ đều lắc đầu, ước đoán kéo dài tuổi thọ chừng hai tháng là cùng. Gặp khuôn mặt “buồn nhiều hơn vui” của bà ấy, anh đề nghị, đằng nào chị cũng thác, còn nước còn tát, cứ thử nấu nước sả uống xem.- Được, tôi sẽ nghe lời anh, nhưng phương thuốc ấy đáng tin không? Nó xuất phát từ nguồn thông tin nào? Ậy, từ Canada mà chị, tôi đọc sách Phiếm của ông Song Thao đàng hoàng. Kết quả, gần cả năm trời rồi mà người đàn bà ở trong xóm vẫn kiên cường hổng chịu đi gặp Các-mác mí lị Lê-nin!”. Qua câu chuyện trên, tôi nhặt ra được hai điều: Thứ nhất, cuốn Phiếm nào đó của anh đã đi xa, về tới Việt-nam và thuyết phục được người đọc, dẫu ngộ nhận. Thứ hai, đôi lúc chữ nghĩa cũng có thể cứu được, ít nhất một người. Anh có điều gì tâm sự, để nói thêm về trường hợp ngoại lệ vừa kể?  Cho tôi đùa chút nhé: Giả như người đàn bà ấy mất trước hạn kỳ hai tháng, vô tình anh trở thành một ông… lang băm!

ST: Phiếm không phải là “cẩm nang y học”. Nếu nó chữa được bệnh thì đó là...ý trời. Ngoài sự mong chờ của tác giả. Một trong những kết quả của y khoa là lòng tin vào thuốc. Người ta đã thí nghiệm nhiều bằng giả dược. Trường hợp cứu nhân độ thế ngoài ý muốn này của Phiếm mang lại cho tôi được hai niềm vui. Thứ nhất: những đứa con của tôi có đứa đã bay về được tới quê hương. Tôi nhớ là chưa bao giờ cho chúng tiền máy bay về Việt Nam cả! Thứ hai: Phiếm đã được lòng tin của độc giả. Cái thứ có người cho là ba láp vớ vẩn mà được như vậy quả là... trên cả tuyệt vời!

HĐN: Một người bạn tôi (phái nữ) ở bên Mỹ có viết trong email: “Bây giờ khi chọn bạn tình, quý vị nữ lưu phương Tây đều đặt nặng vấn đề tới đầu óc khôi hài. Anh nào đẹp trai con nhà giàu học giỏi mà thiếu yếu tố biết chọc cười đối tượng, mấy nường đều xem như “nơ-pa”. Đọc văn anh Song Thao, đoán anh ấy chắc là người luôn dzui dzẻ? Tiếp cận được một người như vậy, hẳn mình sẽ yêu cái đời sống vốn nhạt nhẽo này…” Tôi tin lời cô bạn ấy nói. Tôi cũng luôn tin là đời sống anh cùng gia đình luôn an vui, hoan lạc tiếng cười. Có khi nào nhà văn Song Thao gặp “sự cố” hơi bị buồn não nề không?

ST: Sống mà không buồn thì đâu có ra người! Tôi không lạc quan tếu nhưng tôi tin đời, yêu người. Cuộc sống có là chi mà phải rầu rĩ vì nó. Cứ coi tai nạn sóng thần và động đất vừa xảy ra ở Nhật Bổn thì biết. Cha mẹ, vợ con, dòng họ, nhà cửa, du thuyền, xe hơi, máy móc tưởng là những thứ ta có thể tin cậy bám víu để tạo nên một cuộc sống tiện nghi và an bình. Ngay cả cuộc sống quý giá của chục ngàn con người mà chắc chắn trong đó có nhiều trẻ em và người trẻ, những người không chờ một kết thúc vội vã và bất thần. Vậy mà chỉ trong chớp mắt, có đó, mất đó. Thế giới bàng hoàng với những mất mát lớn lao nhưng họ bàng hoàng hơn với tư cách của tất cả nạn nhân người Nhật. Họ vẫn giữ nhân cách, quan tâm và chú ý tới người bên cạnh, không chen lấn hỗn độn khi xếp hàng nhận những dịch vụ cứu trợ, vẫn bình tĩnh nhường cho trẻ em, phụ nữ và người già quyền ưu tiên, và không có một vụ cướp giật, phạm pháp nào, điều đã xảy ra ngay tại Mỹ trước đây khi trận bão Katrina tàn phá Florida vào năm 2005. Cái chất NGƯỜI đó (tôi phải viết hoa chữ NGƯỜI) mới đáng trân trọng.

HĐN: Một tuần có sáu ngày, hay bảy? Tôi biết anh rất lu bu, quấy rầy anh như vậy cũng tạm đủ. Xin thay mặt những người đọc Phiếm thầm lặng ở phương xa, cám ơn nhà văn Song Thao đã vui lòng chia sẻ, đã làm ổn những câu hỏi cắc cớ này. Mong được hầu chuyện cùng anh sau khi anh lại in xong một tác phẩm khác. Trong khi chờ đợi, thân chúc anh luôn được sức khoẻ và… sung như đã từng. Anh có cả thảy bao nhiêu đứa con?

ST: Tới nay tôi có tất cả 17 đứa con bằng giấy. Không biết có nên kể thêm 4 đứa bằng xương bằng thịt không? Bốn đứa con này đang làm tính nhân, nhân thêm cho tôi một số cháu. Còn 17 đứa con bằng giấy đã mang đến cho tôi vô số bạn mới và rất nhiều những tâm hồn đồng điệu. Tôi cho đó là những lời lãi đích thực. Tôi trân quý những cái được này của tôi.
Cám ơn nhà văn Hồ Đình Nghiêm đã cho tôi cơ hội xả xú bắp rất quý hóa. Cám ơn bạn đọc đã bỏ thời giờ theo dõi cuộc nói chuyện giữa anh em chúng tôi.


Hồ Đình Nghiêm thực hiện,
Tháng 3/2011.

1 comment:

  1. Đọc Phiếm của Song Thao thấy bao vấn nạn của cuộc đời bằng một nụ cười. Cảm ơn Song Thao. Đợi Phiếm 10 của ông.
    Tran

    ReplyDelete