Wednesday, April 13, 2011

Những hạt hướng dương
Nguyễn Xuân Thiệp


từ triệu triệu hạt hoa hướng dương sành màu xám
của nhà nghệ sĩ tài hoa
sẽ nở ra
những đóa mặt trời vàng chói chang
rực rỡ
(thơ Nguyễn Đăng Thường)

   Những ngày này Nguyễn đang nghĩ tới hai nhân vặt lớn của thời đại: Bob Dylan và Ngải Vi Vi (Ai Weiwei). Bob Dylan thì đã nói trong bài trước. Giờ xin cho phép Nguyễn được viết về nghệ sĩ lừng danh Ngải Vi Vi.
   Trước hết, xin sơ lược cuộc đời ông. Theo ghi nhận của nhà thơ Nguyễn Đăng Thường, Ai Wei Wei - Ngải Vi Vi là con trai của Ai Qing - Ngải Thanh. Ngải Thanh (1910-1996) là một trong những nhà thơ lớn nhất của Trung Quốc. Năm 1957, vì đòi hỏi tự do và phẩm cách cho những người cầm bút, nhà thơ Ngải Thanh cùng vợ đã bị Đảng Cộng Sản Trung Quốc kết án “hữu khuynh” và bắt giam, sau đó bị đày đi lao động khổ sai ở Mãn Châu năm 1958, rồi chuyển đến Tân Cương từ năm 1958. Lúc ấy Ngải Vi Vi chỉ mới được 1 tuổi. Đến năm 1976, Ngải Thanh mới được thả về.
   Ngải Vi Vi là nghệ sĩ nổi tiếng Trung Quốc. Theo gương cha, ông đồng thời là một nhà hoạt động, Mới đây, Ngải Vị Vị đã bị các nhà chức trách chận bắt khi định ra khỏi thủ đô Bắc Kinh, tin tức cho hay. Dược biết, ông Ngải hiện đang cho trưng bày tác phẩm "Những Hạt Hướng Dương” tại nhà triển lãm danh tiếng Tate Modern ở London.

  
   Là con nhà báo, nhà thơ nổi tiếng Ngải Thanh, một vị lão thành cách mạng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Ngải Vi Vi được đi du học ở Mỹ và có một thời gian sống tại New York.
   Về nước, ông trở thành một nhân vật danh tiếng trong phong trào nghệ thuật mới của nước Trung Hoa thời Khai phóng. Năm 2008, ông đứng ra thiết kế sân vận động hình Tổ Yến cho Olympics tại Bắc Kinh, ngoài ra ông còn là nhà bình luận nhiều vấn đề xã hội Trung Quốc. Là người thiết kế vận động trường Olympics Bắc Kinh, nhưng ông đã lớn tiếng kêu gọi đồng bào Trung Quốc của mình đừng có dự Thế vận hội 2008, sau khi ông bảo ông đã nhận ra chính quyền dùng Thế vận hội như một công cụ tuyên truyền. Ai Weiwei mô tả Thế vận hội này là “một nụ cười giả vờ của Trung Quốc”, khiến cho Steven Spielberg hoang mang quá vì cũng định làm gì đó liên quan đến lễ khai mạc, và cuối cùng ông đạo diễn này đã phải rút lui.
   Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Ai là màn trình diễn “Đánh rơi chiếc bình đời Hán”, thực hiện năm 1995, được chụp lại thành một bộ ba ảnh. Trong đó, Weiwei thả rơi một chiếc bình sứ cổ từ đời Hán. Chiếc bình vỡ tan trên sàn. Tác phẩm này không chỉ mở đầu cho việc sử dụng các món đồ cổ “ready-made”, mà còn cho thấy thái độ chất vấn của nghệ sĩ trước những giá trị văn hóa và lịch sử xã hội.

  
   Thảm hạt hướng dương của Ngải Vi Vi là một phần trong chương trình sắp đặt lớn tại Tate London. Ý tưởng của ông có thể tóm tắt: thời Cách mạng Văn hóa, mỗi người dân Trung Quốc chỉ là một hạt hướng dương, hướng tới Mặt trời Đỏ là Mao Chủ tịch. Ai Weiwei nói “những hạt hướng dương này đại diện cho sự đói nghèo của Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông. Chúng là thức ăn duy nhất mà hàng triệu dân Trung Quốc có mà ăn trong thời Mao nắm quyền. Hơn 30 triệu người đã chết đói từ năm 1958 tới 1961. Những hạt này là kỷ niệm một thời, chúng tôi san sẻ chúng với bạn bè,”  Tác phẩm “Những hạt hướng dương” được sắp đặt để khách thưởng lãm bước đi trên đó như đi trên biển cát. Ngải Vi Vi nói: “Những hạt hướng dương cũng bị chà đạp như những thân phận người dân Trung Quốc.” Chắc chắn Bắc Kinh không vui với thông điệp này..

  
   Một tác phẩm nghệ thuật khác đầy màu sắc của Ngải Vi Vi, được trưng bày tại Bảo tàng Munich ở Đức, có dụng ý lên án nhà cầm quyền hám lợi đã cẩu thả trong việc xây trường học ở Tứ Xuyên khiến trường sập khi xảy ra động đất 2008 làm chết hàng ngàn  trẻ em. Tác phẩm có tên Tưởng Niệm gồm 9,000 chiếc ba-lô học sinh giống như những chiếc ba-lô mà các nạn nhân trẻ em đã để lại trong đám gạch đá đổ nát Chúng xếp thành hình một dòng chữ, đó là những lời mà một người mẹ đau khổ đã kể cho Ngải nghe về con gái của bà: “Em chỉ tồn tại trên trái đất có 7 năm”.
   Nói ngắn gọn thì ông Ngải chọn con đường làm một nghệ sỹ dấn thân và dù không nắm chức vụ gì trong ngành văn hóa, ông thường xuyên được đài báo nước ngoài phỏng vấn về Trung Quốc. Ông từng tuyên bố với báo chí ngay trên đường phố Bắc Kinh: “Trung Quốc chưa hề có dân chủ”.
   Trở về với tác phẩm “Những hạt hướng dương”.  Nó là một hiện tượng lớn trước mắt nhìn thế giới. Những hạt hướng dương bằng sứ nhỏ xinh này do nhân công Trung Quốc làm bằng tay, được chở đến Anh, và được các nhân viên của Tate trải thành thảm cho mọi người tới vui chơi và chiêm ngưỡng.

  
   Với tác phẩm thảm những hạt hướng dương, Ai Weiwei là nghệ sĩ châu Á đầu tiên được Tate “nhờ” làm một tác phẩm lớn để đặt trong sảnh trưng bày vô cùng danh tiếng của mình tại London. Phê bình gia khét tiếng của tờ New York Magazine Jerry Saltz đã phát biểu với William Landau như sau khi bước đi trên tấm thảm “Những hạt hướng dương”.

William à,
   Tôi đã xem triển lãm này của Ai Weiwei, choáng quá, gần như bị “mất phương hướng” hoàn toàn.
   Xin sơ lược sự kiện: Mấy năm qua, Ai Weiwei đã thuê hàng trăm thợ thủ công lành nghề ở Cảnh Đức Trấn, Trung Quốc (thành phố có nghề sứ xưa nổi tiếng, giờ sa sút) để làm 100 triệu hạt hướng dương bằng sứ. Sau đó, ông hướng dẫn mọi người dùng dung dịch đất sét vẽ lên mỗi hạt ba hoặc bốn sọc màu xám. Tại bảo tàng Tate (Anh quốc), những hạt sứ được trải ra trên một sàn nhà thênh thang của gian trưng bày Turbine Hall.
Vài tiếng trước khi triển lãm mở cửa, tôi đang lang thang trong bảo tàng xem một triển lãm về Gauguin. Vì thế, tôi có thể ngắm tác phẩm sắp đặt của Ai Weiwei từ một ban công trên cao. Lúc này, ông đã hoàn tất công trình sắp đặt. Vì có cuộc hẹn, tôi phải đi ngay, rồi thảo nhanh một bài tường thuật ngắn kể về triển lãm như một biểu hiện của thứ nghệ thuật sắp đặt “không đâu vào đâu”. Tôi không hề thích nó.
   Tôi cũng không thể tượng tượng được rằng Tate lại cho phép người xem đi lại dẫm lên trên tác phẩm. May mắn thay, sáng hôm sau, thức dậy với một cảm giác tội lỗi về việc đánh giá vội vã một tác phẩm lớn như thế (đó cũng là một sự “tự” phê bình), tôi trở lại triển lãm, và đã choáng váng ngay lập tức.
   Đứng trên cả một sàn nhà bát ngát ngập tràn những viên sứ giòn, đột nhiên tôi cảm nhận được sự tương đồng của khối hạt hướng dương với nước Trung Hoa. Hàng trăm triệu hạt trên một vùng mênh mang đầy sinh lực, tôi thật bé nhỏ khi đứng trên biển hạt này, nó khiến tôi thực sự cảm nhận được hàng tỷ hạt này chính là Trung Quốc. Nói theo thói thực dân chính hiệu, tôi là kẻ trong số hàng triệu người phương Tây giờ đây đang dày xéo lên hàng tỷ người phương Đông. Đó là một minh họa thật phi thường, không giống ai, rất đời, gần gũi, lại đậm dấu ấn riêng tư và chính trị. Đám đông vui vẻ dẫm đạp lên những hạt sứ; quang cảnh khác nào một bãi biển đầy sỏi cát thật siêu hình, bồng bềnh, mơ hồ, quên lãng. Trẻ em chạy vòng vòng hoặc chơi trò đuổi bắt. Như nhiều người khác, và vi phạm các quy tắc, tôi đã trở ra khi đã “thủ” được một số hạt sứ. Vợ tôi chỉ cho tôi những đám mây xám cuộn lên dưới những bước chân của du khách. Nàng cũng lưu ý bụi sứ đã bám đầy tay và áo quần chúng tôi. Song tôi đã bỏ qua chuyện này. Đáng ra tôi phải để ý tới điều đó mới phải.
   Những đám mây xám bốc lên khỏi mặt đất khi những hạt sứ cọ xát vào nhau dưới gót chân người.
   Hai ngày sau, nhà chức trách tuyên bố “khóa cửa” tác phẩm. Một thông báo được đăng trên trang web của Tate: “Chúng tôi đã được thông báo rằng sự tương tác giữa du khách với công trình điêu khắc này khả dĩ tạo nên thứ bụi có thể ảnh hưởng nguy hại cho sức khỏe mọi người khi hít phải trong một thời gian dài. Sau khi tham khảo ý kiến nghệ sĩ, Tate đã quyết định không cho phép công chúng xéo lên tác phẩm nữa.”
   Bây giờ người ta chỉ có thể ngắm nó đúng như cách tôi đã ngó nhìn trong ngày đầu tiên, từ phía trên hoặc bên ngoài. Tôi rất buồn là bác giờ đây không thể có được trải nghiệm như tôi khi đạp vỡ các hạt hướng dương bằng sứ nữa rồi – dù rằng tính ẩn dụ của tác phẩm vẫn còn nguyên vẹn, vẫn thật mạnh mẽ.
   Khi các nền văn minh xích lại gần nhau cùng với đám đông – những đám mây độc ra đời.” (theo Lê Quảng Hàm)

   Hiện tại, Ngải Vi Vi không biết đang bị giam giữ ở nơi nào. Trước đây, studio của ông ở Thượng Hải đã bị người ta đem xe ủi đến kéo đổ, vì lý do “không có giấy phép xây dựng”. Trong ngày 5/4 vừa qua, sau khi ông bị bắt đi từ cuối tuần, chừng 50 công an vào nhà riêng của ông ở Bắc Kinh lục soát, tìm bằng chứng “phản động” và lôi vợ ông ra đồn tra vấn. Kể từ khi bị ngăn cản tới nay, đã không ai liên hệ được với ông và cảnh sát cũng không đưa thông tin gì. Một trong những phụ tá của ông nói với BBC rằng ông đã bị lính biên phòng giữ lại khi định lên máy bay đi Hong Kong. Cô nói rằng cảnh sát đã lục soát nhà ông tại Bắc Kinh, cũng là nơi ông đặt xưởng vẽ.

  
   Trang blog của nhà báo David Rothkopf viết: “Họ đang sợ hãi ông Ngải vì họ biết rằng họ nhỏ bé hơn các tư tưởng của ông này, nhỏ bé hơn những hạt hướng dương kia, hạt nào nom cũng bé nhỏ, thế nhưng tất cả lại đầy tiềm năng lớn lao, đang nằm im bên trong lớp vỏ và đợi cho thiên nhiên tác động một cách tự nhiên.”
NXT

No comments:

Post a Comment