T ẢN MẠN
BÊN TÁCH CÀ PH Ê
Nguyễn Xuân Thiệp
Thanh xuân
hát trên đồi cỏ tía
Tháng Tư về. Bầu trời ở đây, trên thành phố này của Texas, đôi khi bời bời mây trắng. Phải chăng “mây năm xưa đã phiêu du trở về” khiến lòng Nguyễn dậy lên bao nỗi nhớ? Vâng. Với Nguyễn, tháng Tư là tháng của kỷ niệm. Kỷ niệm đất nước. Kỷ niệm với bạn bè. Trong góc trời không bị lãng quên đó, có bóng nhiều người. Những người của thanh xuân ngày ấy, nhiều kẻ đã bỏ cuộc chơi. Trịnh Công Sơn ra đi vào một ngày đầu Tháng Tư. Đỗ Long Vân, Hoàng Anh Tuấn cũng đã ra đi. Còn lại bây giờ, một số sống với những ám ảnh bệnh tật: Thanh Sâm, Ngô Vương Toại, Đinh Cường và Nguyễn tôi. Cho nên, xin một lần được gọi tên anh em và thanh xuân ngày ấy, kẻo mai kia mốt nọ e không còn cơ hội nữa.
Sơn dầu Ngọc Dũng
Thanh xuân hát trên đồi cỏ tía
Đầu tiên, xin mượn hình ảnh của câu thơ để nói lên niềm vui của những ngày còn trẻ. Bởi Lệ Mai, tức ca sĩ Khánh Ly, nói với kẻ này nhân gặp lại bạn bè ở phòng triển lãm Đinh Cường và Nguyễn Đình Thuần trong Viet Art Gallery ở Houston ngày 19 tháng 1. 2008:
"Hồi Mai gặp anh ở đài phát thanh Đà Lạt, chúng mình còn rất trẻ, phải không anh?"
Phải rồi, hồi ấy chúng mình còn trẻ, trẻ lắm. Năm 1965, 1966... Khánh Ly, Trịnh Công Sơn, Đinh Cường, Hoàng Xuân Sơn, Nhuệ Giang, Ngô Vương Toại (và kẻ này cũng xin phép ké một chỗ)... Tất cả mới ngoài đôi mươi. Trẻ và đẹp. Có phải không bạn hiền, trong tấm hình chụp tại phòng tranh ở Alliance Francaise Đà Lạt ngày ấy, có phải Cường diện bộ complet rất kẻng và Khánh Ly trong bộ robe màu xanh ngọc thạch cũng hết sức là diễm lệ.
Vâng. Trẻ và đẹp. Điều này gần như là định lý, mặc dù đời người không hề là toán học. Vậy, lúc trẻ ai cũng đẹp. Thanh xuân phơi phới. Chỉ khi tuổi hạc đã cao, người ta mới trở thành những con khỉ già. Cái này không phải do Nguyễn chế ra đâu, mà nhiều vị trong làng văn làng họa vào một lúc nào đó gặp cơn bi phẫn đã thốt lên như thế. Xin ai đó đừng trách Nguyễn này, tội nghiệp.
Thời trẻ ai cũng đẹp và ai cũng vui. Mệnh đề thứ hai này (ai cũng vui) quan trọng lắm lắm đấy nhé. Và có lẽ nên thêm vào chút xíu nữa. Ai cũng vui và... trong sạch. Này nhé, chính Hoàng Xuân Sơn và Khánh Ly đồng xác nhận: Hồi ấy, thời Quán Văn, khi Khánh Ly đi chân đất hát, anh em trai và gái ai cũng thân nhau, đối xử với nhau trong tình anh em rất hồn nhiên. Ăn chung, uống chung, thậm chí ngủ chung. Hoàng Xuân Sơn kể lại (và được Khánh Ly xác nhận): Đêm, lúc đã vào khuya, vãn hát, quán vắng, anh em lấy rhum ra pha chanh đường nước đá, chia nhau uống. Uống xong, say, nằm lăn ra ngủ (không có ôm nhau đâu nhé). Khánh Ly nói chắc như bắp: "Rất trong sạch, hồn nhiên. Sáng ra, bình an, không ai bị thương tích (?), mất mát gì cả."
Một thời trẻ tuổi, và đẹp và vui, rất là trong sạch. Nguyễn có thể khẳng định như thế: Năm 1965, 1966, Đinh Cường lên Đà Lạt vẽ và triển lãm tranh, thuê căn phòng ở đường Rose, trong khu nhà Hoàng Anh Tuấn, có cả Đỗ Long Vân, lúc bấy giờ làm tại thư viện Đại Học Đà Lạt, cùng tá túc. Đó là thời anh em tụ họp nhau, cùng ăn cùng uống cùng ngủ chung mỗi ngày. Tất nhiên, có Trịnh Công Sơn và Khánh Ly, Sau này thêm Trịnh Xuân Tịnh, Thanh Sâm, Phạm Nhuận... Dạo ấy, Nguyễn đã đưa Trịnh Công Sơn lên trên Đài phát thanh Đà Lạt, để Sơn đàn cho Khánh Ly hát Diễm Xưa thu vào đĩa. Xong, Sơn đem ra bưu điện gởi về Huế cho Thúy. Đây là đĩa hát đầu tiên Khánh Ly hát nhạc Sơn.
A, những ngày vui qua rất mau. Như mây trên đỉnh ngọn thông vàng. Làm sao bắt giữ lại những đám mây kia, hả các bạn?
NXT
No comments:
Post a Comment