Friday, April 15, 2011

Màu Sắc Chol Chnam Thmay

Từ Khanh



Buổi sáng duyên của con người nằm ở đâu?
Buổi trưa duyên của con người nằm ở đâu?
Buổi tối duyên của con người nằm ở đâu?
   Ba câu hỏi của thần Kobel Mohaprum trong sự tích Ngày Vào Năm Mới của người Khmer.
   ‘Người Khmer không đón giao thừa ạ.’
   Một sinh viên người Khmer đang học ngành Văn Hóa của Đại học Trà Vinh nói như vậy khi tôi hỏi khi nào đón giao thừa.
‘Vậy giữa hai thời điểm giao nhau giữa năm cũ và năm mới thì sao?’  
   Lần này thì tôi hỏi cha của cậu sinh viên. Gia đình người Khmer này ở một con đường hẻo lánh thuộc huyện Cầu Ngang, cách thị xã Trà Vinh gần 30 cây số về hướng nam. Cha cậu từ Nam Vang chạy qua đây khi Pol Pot lên cầm quyền ở Cam Bốt. Ngày đó chỗ này hầu như không có người. Đứng bên này thấy tuốt bên kia, thấy kênh thấy rạch đồng mông quạnh. Vắng nhưng không buồn. Bây giờ cái kênh trước nhà ngập mặn, chỉ còn con kênh ở sau nhà là còn uống được. Giếng đào sâu đến 102 mét mới có nước.
Vùng này thời chiến là vùng oanh kích tự do.
   ‘Chắc ma nhiều lắm.’
   ‘Nhiều lắm,’ ông chú của cậu sinh viên gần sáu mươi, ngồi góp chuyện. Ông nói cách nhà chừng ba căn có một ngôi chùa cổ, trong sân có một cây gia to đến mười người ôm không hết. Ông dẫn tôi đi bộ ra chùa, vừa đi vừa kể chuyện. Hồi ông mới qua, buổi trưa nắng chang chang thế này nghe có tiếng ru con à ơi trên ngọn cây. Rồi có khi từng nắm đất từ ngọn cây ném rào rào lên mái chùa. Nghe nổi da gà.
   ‘Nhưng rồi người ta đông dần, khi nhà chùa xây một tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn thì hết phá phách, bây giờ anh thấy đó, con nít còn trèo lên cây chơi.’
   ‘Vậy năm nay chú đón giao thừa lúc nào?’
    ‘Tụi tôi gọi là Lễ Vào Năm Mới, như người Kinh là tết Nguyên Đán đó mà. Tùy năm, không năm nào giống nhau, giờ vào năm mới khác nhau. Như năm nay là 7 giờ 35 sáng. Có năm thì 8 giờ hôm trước.’
      Năm nay là 2010, giờ ‘giao thừa’ là 7 giờ 35 sáng ngày 14 tháng 4.
      Hèn gì khi tôi hỏi khi nào đón giao thừa thì các cậu trẻ đều lúng túng, nói ‘để em về hỏi cha’.

   
   Tôi đi theo vài sinh viên người Khmer chạy xe máy về nhà họ ăn tết. Ăn tết là nói theo người Việt, người Khmer gọi là Vào Năm Mới hay Lễ Chịu Tuổi. Gia đình cậu sinh viên không giàu không nghèo, nhà gạch lót gạch bông, buôn bán tạp hóa lặt vặt. Trên bàn và trên vách chưng nhiều ảnh gia đình, nhiều bằng khen, kể cả tấm bằng của quân đội khen thưởng cậu sinh viên nguyên là bộ đội, đóng đến lon thượng sĩ thì xuất ngũ. Trong nhà không thấy trang hoàng gì đặc biệt, trừ bàn thờ Phật và ông bà tươm tất, có cắm bông, trái cây, vài đòn bánh tét. Chúng tôi đến sáng mùng một, nhưng người Khmer không có tục xông đất nên không kiêng cử gì cả.
     Ngồi một chập thì dưới nhà bê lên phòng khách cái lẩu mắm ăn với bún, nước lẩu trong và thơm. Người Khmer uống rượu quách. Họ lấy trái quách, vỏ tròn, ruột vàng ươm và thơm như dưa thơm, ngâm rượu chừng dăm tháng thì uống được, từa tựa như màu rượu chuối nhưng thơm và ít ngọn hơn. Họ uống rượu cầm chừng chứ không ‘dzô’ như văn hóa ‘một hai ba dzô’ của người mình.
   Ông chú và người cha nói tiếng Việt rất rành. Họ có vẻ bùi ngùi khi nói bâng quơ ‘giờ này ở bên Căm Bu Chia vui lắm’, tâm trạng giống như người Việt xa quê nhớ về ngày Tết.
    Xong buổi trưa, chúng tôi chạy tiếp đi Trà Cú, một huyện rất đông người Khmer cách đó chừng mười cây số. Cậu sinh viên chạy trước dẫn đường, đến một cái ấp tên là Mồ Côi thuộc xã Đôn Châu thì gọi điện cho cô bạn sinh viên ra đón. Ấp Mồ Côi hầu hết là người Khmer, chỉ có vài nóc nhà người Việt. Chúng tôi chờ khá lâu mới thấy cô sinh viên chạy xe máy ra đón. Trên con đường về nhà, hai bên ruộng đồng khô cháy, đường bê tông nhỏ (đường đan) chỉ vừa hai chiếc xe tránh nhau, chừng bề ngang một chiếc xe lôi, nhưng cả tuyến đường dài vài cây số thưa thớt dăm bóng người, không có vẻ gì là ngày vào năm mới.
      Một miền quê rất sâu của Trà Vinh, buồn nhưng không phiền, và thanh tịnh.
      Căn nhà chúng tôi đến có tất cả vẻ đẹp của miền quê Nam bộ. Ngay giữa sân đất khô quắc, căn nhà lá lợp tranh lặng phắt dưới nắng trưa. Xế sân sau, bên ụ rơm lớn, hai mẹ con bò lim rim dưới bóng mát của rặng tre già. Từ trong nhà nhìn ra là đồng khô bát ngát, tầm mắt cháy cùng thửa ruộng khô xa tít. Tất cả bầu trời, không khí tạo cho căn nhà cái sắc đẹp thuần tĩnh, mặn mà và đằm thắm như màu da bánh mật của những người trong nhà.
      Có sự yên bình trong căn nhà tranh thôn dã này. Những người ở đây thâm trầm, ăn nói nhỏ nhẹ, mắt đen và sâu thẳm thẳm chứa hết không gian miền quê khổ. Giữa nhà có một bàn thờ Phật rất lớn, bên phải là tủ thờ ông bà chưng ít hoa trái ngày tết. Nhìn từ trong nhà ra, giữa sân nắng, thấy bàn thờ ông Thiên trên cái bệ thờ một cột dựng bên một cây sứ trụi lá, tất cả các cụm hoa trắng ươm vàng đều hướng lên bầu trời xanh ngắt. Người Khmer yêu quý hoa sứ, họ thường kết thành tràng hoa đeo vào cổ khách quý hay rải dưới đất để cúng dường chư Tăng.
      Người mẹ của cô sinh viên ra chào, bà chỉ nói được vài câu tiếng Việt thông thường. Bà có nụ cười thật đẹp, khuôn mặt cương nghị nhưng hiền từ. Lạ nhất là có vẻ bẽn lẽn dù con cái đã lớn, nói vài câu với cô con gái chắc là sai rót nước rồi rút vào bên trong.

  
   Chúng tôi vừa uống nước vừa xem truyền hình. Ở nhiều tỉnh miền Tây, có một số đài phát tiếng Khmer. Đúng lúc đó đài đang chiếu sự tích ngày tết Chol Chnam Thmay. Cậu sinh viên vừa xem vừa dịch cho tôi nghe. Đó là câu chuyện về cậu bé Dhammabal Koma, người Việt phiên âm thành Thom Ma Bal, một cậu bé thông minh tuyệt đỉnh đến nổi thần Kobel Mohaprum, vị Thần Bốn Mặt thường thấy trên các đền đài của người Khmer, ghen tức. Thần ra ba câu đố về duyên nằm ở đâu trong con người, nếu cậu trả lời được thì thần sẽ tự cắt đầu. Chàng Thom Ma Bal biết câu trả lời nhờ nghe lỏm hai con chim đối đáp nhau.
     ‘Buổi sáng, duyên của con người ở trên mặt, nên ngủ dậy người ta phải rửa mặt cho tươi tỉnh. Buổi trưa, duyên ở trên ngực, nên người ta phải tắm cho mát. Buổi tối, duyên của con người ở bàn chân, nên người ta thường rửa chân cho sạch trước khi đi ngủ.’
       Thần Bốn Mặt thua, tự cắt đầu, giao cho bảy cô con gái tiên nữ đem đầu lên thờ trên đỉnh núi Someru (tương tự như núi Tu Di là trung tâm của vũ trụ trong siêu hình học Phật giáo).
      Câu chuyện tràn màu sắc hình ảnh và kết thúc có hậu. Thần thua nhưng vẫn được kính cẩn thờ phụng ngay trung tâm vũ trụ. Cậu bé tuy thông minh nhưng phải nhờ hai con chim nói chuyện với nhau mới biết được lời giải. Bảy cô gái tiên nữ, tượng trưng cho bảy ngày trong tuần, hiếu phụng thờ cha, mỗi năm mỗi cô thay phiên nhau xuống trần. Mỗi cô có một hình ảnh, một tính chất, và tùy theo tính chất của mỗi cô giáng hạ, người ta tiên đoán trong năm đó sẽ xảy ra điều gì. Năm nay, cô tiên Mondar Tevy giáng hạ. Mondar đeo bông tai kết bằng hoa thơm, cổ đeo ngọc mắt mèo. Cô uống sữa, tay phải cầm nến, tay trái cầm một cây trượng dài, ngôi trên lưng lừa thong dong thư thái.
      Ngày đầu năm nay nhằm thứ Tư, nhằm ngày của tiên nữ Mandar.
      Lịch truyền thống của người Khmer gọi là lịch Chhankitek, tức âm lịch, cũng có tháng nhuận mỗi hai hay ba năm một lần như lịch Việt, và cũng dùng 12 con giáp để tính năm.
     Trước khi chấm dứt thời kỳ Angkor (thế kỷ thứ 9 đến 15), người Khmer tính năm mới vào tháng Giêng, tức tháng Mekasay của họ (nhằm tháng Giêng hoặc tháng Mười Hai Tây lịch). Theo Chu Đạt Quan, sứ giả Trung Quốc đến Cam Bốt hồi thế kỷ 13, thì ngày Vào Năm Mới của người Khmer trùng vào tháng Mười lịch Trung Quốc, tức cũng khoảng tháng Mười Hai hay tháng Giêng Tây lịch. Có lẽ sau này do đến tháng Tư mùa màng mới xong, được thật sự nghỉ ngơi chờ mùa mưa, nên bây giờ lễ Chol Chnam Thmay trùng vào khoảng giữa tháng Tư dương lịch. Đại khái, cách tính toán vào ngày nào là ngày đầu năm tùy vào vị trí của ngôi sao Songkran hay còn gọi là Chaitra. Vào ngày đầu năm, cũng gọi là ngày Songkran, sao Chaitra, trái đất và mặt trời nằm thẳng hàng. Chaitra là tiếng Sanskrit, tiếng Khmer là Chaet, người mình đọc là tháng Chét, tức tháng Năm theo lịch Khmer.
    Sáng sớm nay vào chùa Âng, ngôi chùa dựng từ năm 990 gần bên Ao Bà Om, tôi thấy hình ảnh tiên nữ Mondar được vẽ rất lộng lẫy trên nền sân khấu. Mondar mặc áo chẻn màu xanh ngọc, đầu đội vương miện vàng, hai chân khoanh lại để hai bàn chân mang hài vàng chạm nhau, cổ tay và chân đeo xuyến rực rỡ. Cô ngồi trên tấm thảm hồng viền vàng phủ trên lưng lừa, trán lừa dát một miếng vàng hình tam giác, cổ lừa choàng một miếng vải đỏ. Đằng sau Mondar là các tiên nữ khác che lọng trên nền trời bồng bềnh mây trắng. Phía cuối tấm phông vẽ hình ảnh Phật Thích Ca đang ngồi chứng minh.
     Trước phông nền rực rỡ này, hai hàng sư mặc áo vàng tụng kinh theo chủ lễ là sư trụ trì. Cuối buổi lễ, một đoàn thiếu nữ gồm bảy cô tóc vấn cao, đeo hoa sứ trên búi tóc, chân mang kiềng vàng, tay nâng bình hoa sứ ra múa. Họ tung những cánh hoa trắng lên không, rỗi rãi hoa lên đất để cúng dường sư sãi. Vũ điệu của người Khmer đặc sắc, nhìn biết ngay là ‘múa Khmer’ chứ không chung chung như người Việt. Bàn tay, bước chân, nét mặt, từng cánh hoa rơi ăn nhịp với điệu nhạc do đội nhạc gồm năm người đàn ông đang chơi các nhạc cụ cổ truyền.
      Không khí tưng bừng rộn rã nhưng vẫn yên tĩnh, không náo nhiệt hay có cái ồn ào hỗn loạn của đám đông.
       Cả không gian tràn ngập màu sắc. Hân hoan trong tĩnh lặng.
      Dường như dân tộc nào có trang phục rực rỡ sắc màu đều sung mãn nội tâm và kín đáo ngôn ngữ.
      Màu sắc là ngôn ngữ.
      Ngôn ngữ của nội tâm.
      Nội tâm vô hình và vô ngôn nên màu sắc không lời mà nhiều ý.
    Tôi có cảm tưởng như một ngày tết riêng đậm sắc màu của chính mình.
      Chúng tôi lại kéo nhau đi thăm chùa Bà Môn gần đó. Tuy là một ngôi chùa nghèo, nhưng cũng có một chút không khí lễ hội. Điều đặc biệt trong ngày tết của người Khmer là mọi lễ chính đều diễn ra trong chùa. Chùa là cái nôi văn hóa, là trung tâm của sinh hoạt tâm linh và cuộc sống. Họ đến dâng cơm cúng Phật, cúng Tăng, lại có tục đắp cát trong sân chùa để sám hội tội lỗi, rồi cuối ba ngày tết sau khi tắm cho ông bà (còn sống), họ đến chùa tắm Phật và các sư trưởng. Một lối sống thuần hậu, vừa thâm trầm vừa hoan hỉ.
      Lúc từ chùa Bà Môn về lại nhà, chúng tôi gặp cha cô sinh viên cũng mới ở chùa về. Người cha đen sạm, ông ở trần để lộ một thân hình thật tráng kiện và đẹp như vận động viên thẩm mỹ. Chúng tôi xin phép ra vườn sau bơm nước rửa mặt, ông mặc áo đi theo mời vào nhà uống nước trong khi chờ ăn một món lẩu đặc biệt thơm lừng.
     Người cha nói tiếng Việt khá sõi tuy giọng lơ lớ. Ông hồn nhiên kể những chặng đường gian khó, và vẫn tiếp tục gian khó, từ khi sinh ra ở Trà Cú và nuôi ba đứa con ăn học. Người con đầu vào chùa tu được mười năm, hai đứa sau đang học. Ông kể lúc ‘khởi nghiệp’ chỉ có một công ruộng, phải mướn ruộng để làm, tích góp đến nay được hơn mười công, tiền của dồn sức cho ba đứa con ăn học nên không xây nổi căn nhà gạch. Một công đất dùng để trồng rau rá, đủ tiền chi dụng lặt vặt hàng ngày, mấy công kia mỗi năm làm được hai vụ. Đến đây ông cười lớn, nói dõng dạc:
      ‘Mà bây giờ có ai nói tui lấy một ngàn lượng vàng để đổi cái bằng đại học của mấy đứa con tui cũng không đổi.’
       Một người nghèo trong cái ấp nghèo nhất tỉnh Trà Vinh lại có cách sống đáng kính trọng như thế. Hai bàn tay ông gân guốc chai sạm, nhìn ông, thấy cả cuộc đời lam lũ nắng mưa. Ông là nhà đầu tư vào giáo dục, nhưng giả như món hàng mà ông đầu tư, nền giáo dục, không đáp ứng mong đợi của ông thì người làm nghề giáo nhiều tội như cát trong sân chùa.
      Buổi tối, tôi trở lại chùa Âng. Trong một khoảng sân rộng trước chùa, một ban nhạc đang chơi nhạc trẻ, người nghe xúm xít múa tập thể trước sân khấu sáng đèn điện trắng. Phía bên kia hàng rào, cách sân khấu nhạc trẻ hai lớp hàng rào là một khu vực im lặng dưới bốn bề cổ thụ. Trong khu vực im vắng này, các sư chong đèn vàng hiu hiu rọi lên các phông nền vẽ hình Phật và thiên thần. Không khí bên này trầm trầm, sư khoác áo vàng, trải chiếu dưới đất, tụng kinh cầu nguyện cho những người đến lễ. Phía bên kia, âm thanh từ các thùng loa dồn dập vọng qua.
      Chợt tôi nghe một điệu nhạc quen thuộc, đúng là bản “60 năm cuộc đời” của nhạc sĩ Y Vân hát bằng tiếng Khmer. Đêm đã gần khuya. Bên này là kinh cầu bằng những nguyên âm tròn trịa đều đều, bên kia là “60 năm cuộc đời” chát chúa trầm bổng. Chỉ mới là ngày đầu năm Chol Chnam Thmay.

TK


No comments:

Post a Comment