Friday, January 15, 2021

NHẠC SĨ LAM PHƯƠNG VÀ THÀNH PHỐ BUỒN

Đinh Trường Chinh
 
Lam Phương. Đinh Trường Chinh vẽ

Thành phố Buồn (thenewviet.com) 
 
* Cho đến sáng nay tự nhiên lòng… trổ sến, tôi vẽ lại... cái kỷ niệm khó quên, vui vui ấy, khi người nhạc sĩ tài hoa vừa mới nằm xuống trong bao tiếc thương. Và cũng xác định sức sống của dòng nhạc ông qua thời gian. Như càng ngày vẫn có thể lan toả đến đại chúng. Một cách tự nhiên, tình cảm và nằm sâu trong lòng người. (ĐTC)
Tôi có một kỷ niệm với bài hát Thành phố buồn của nhạc sĩ Lam Phương vào lúc... 7 tuổi. Đó là thời gian cực kỳ khó khăn sau 1975. Chị L., chị người làm từ trước 75, xem như người thân thiết trong gia đình, quyết định đi theo ba mẹ để chăm sóc chúng tôi một thời gian ngắn trong những năm đầu sau ... "giải phóng". Chị cũng mất hết liên lạc với gia đình từ thôn quê, người anh thì đi bộ đội. Chị L. không biết đọc biết viết, hoàn toàn mù chữ, nhưng chị rất mê ca hát. Mẹ tôi kể suốt ngày chị cứ hát những bài nhạc bolero. Chị cũng có người yêu ngấp nghé đầu ngõ. Sau 1975, mẹ tôi cứ phải dặn chị hát nhỏ lại những bài hát "ngụy" đó trong nhà.
 
Một hôm mẹ tôi đi dạy về, thấy tôi hí hoáy viết nhiều trang giấy bên cạnh chị L. Mẹ tôi có lẽ thấy mừng trong bụng vì thấy chị L cho tôi học hành, tập viết cả ngày như thế. Khi đến xem viết cái gì thì toàn là những trang giấy đầy lời bài hát Thành phố buồn. Tôi viết chữ to, qua mấy trang tập vở.
 
"Thành phố nào nhớ không em? / Nơi chúng mình tìm phút êm đềm / Thành phố nào vừa đi đã mỏi / Đường quanh co quyện gốc thông già / Một sáng nào nhớ không em? / Ngày Chúa nhật ngày của riêng mình..."
 
Có lẽ lúc ấy tôi cũng chỉ mới biết viết rành chút đỉnh, nên khi không có ai trong nhà, chị L. nhờ tôi viết ngay, vì chị hát bài hát ấy từ sáng đến tối, muốn viết xuống để tặng người yêu. Có lẽ chị hát rất hay bài hát "ruột" này. Còn tôi thì mới 7 tuổi không biết đã thấm thấu thế nào là "âm thầm anh tiếc thương đời / đau buồn em khóc chia phôi..." chưa nữa. Chị L. đọc đến chữ nào thì tôi viết đến đó.
 
Bài hát Thành phố buồn có lẽ là bài hát đại chúng nhất, làm giàu cho nhạc sĩ nhất, bán kỷ lục nhất... và vẫn còn "sống" cho đến tận hôm nay. Hình ảnh "thành phố buồn nằm nghe khói tỏa / người lưa thưa chìm dưới sương mù..." thì thật là Đà Lạt, thành phố mà cả 10 năm sau tôi mới được đặt chân đến. Đến Đà Lạt, đi trên những con dốc thông già, mới nhớ "thành phố buồn" của Lam Phương, nhớ chị L . không đọc không viết, và hát rất hay. Nhớ cái kỷ niệm bị mẹ mắng cả hai, tại sao lại tập cho đứa bé viết bài hát... diễm tình. Nhờ vậy mà thành phố buồn mới ngấm trong tôi cả một khoảng thời gian.
 
Cho đến sáng nay tự nhiên lòng… trổ sến, tôi vẽ lại... cái kỷ niệm khó quên, vui vui ấy, khi người nhạc sĩ tài hoa vừa mới nằm xuống trong bao tiếc thương. Và cũng xác định sức sống của dòng nhạc ông qua thời gian. Như càng ngày vẫn có thể lan toả đến đại chúng. Một cách tự nhiên, tình cảm và nằm sâu trong lòng người.
 
ĐTC
30.12.20

1 comment: