Nguyên
Giác
Matsuo Basho. (Wikipedia)
Thơ
là chữ viết, nhưng thơ cũng là giữa những dòng chữ. Thơ là lời nói ra, nhưng
thơ cũng là giữa những lời nói ra, hiển lộ cả trước và sau lời nói ra. Thơ là
ngôn ngữ và thơ cũng là vô ngôn, là tịch lặng. Và là bên kia của chữ viết, bên
kia của lời nói. Khi đọc xong một bài thơ hay, khi không còn chữ nào trên trang
giấy để đọc nữa, chúng ta sẽ thấy thơ là một cái gì như sương khói, mơ hồ, lung
linh, bay lơ lửng quanh trang giấy. Cũng như thế, Kinh Phật là thơ, là lời nói,
là tịch lặng, là bên kia ngôn ngữ. Khi bài Tâm Kinh đọc xong, khắp thân tâm và
toàn bộ ba cõi sáu đường đều mát rượi, ngấm được cái đẹp của tịch lặng ẩn hiện
bên kia những chữ vừa đọc xong. Cội nguồn thơ, cũng là cội nguồn Kinh Phật, đó
là nơi của vô cùng tịch lặng, một vẻ đẹp như sương khói phả lên những gì chúng
ta nhìn, nghe, cảm xúc và hay biết.
Chúng
ta có thể kinh nghiệm được cái tịch lặng. Nó không phải là âm thanh, cũng không
phải là cái vô thanh. Khi chúng ta gõ lên một tiếng chuông, tịch lặng là cái
bao trùm cả ba thời của tiếng chuông, hiển lộ trước, trong khi và sau khi tiếng
chuông tắt. Cho nên, cái tịch lặng tận cùng, vẫn nằm sẵn trong âm thanh và
xuyên suốt qua ba thời quá-hiện-vị-lai của âm thanh. Đó là cái tịch lặng không
dựa vào đâu hết, và là tận cùng hạnh phúc. Do vậy, trong bài Kệ 134 của Kinh
Pháp Cú, Đức Phật nói rằng nếu bạn giữ tịch lặng như một cái chiêng (cồng) bể,
bạn sẽ chứng Niết Bàn.
Rất
ít nhà thơ viết về cái tịch lặng, cái tận cùng của ngôn ngữ. Thơ là lời nói, là
chữ viết, do vậy không dễ viết lên được cái tận cùng và là cái bao trùm của
ngôn ngữ. Một số nhà thơ đã viết lên cái kinh nghiệm về tịch lặng, trong đó có
lẽ nổi tiếng nhất là Ba Tiêu (Basho), một nhà thơ Nhật Bản của thế kỷ 17. Một
trong những bài thơ nổi tiếng của Ba Tiêu (1644–1694) là viết về sự tịch lặng
sâu thẳm hiển lộ khi tiếng ve sầu kêu ngấm vào trong đá. Bài thơ Ba Tiêu viết
theo thể thơ haiku, ba dòng, khi lên núi thăm Chùa Yama-dera vào năm 1689.
Xin
dịch bài thơ “Chùa Núi” như sau:
Tịch lặng sâu thẳm
tiếng kêu của ve sầu
ngấm vào trong đá.
—Matsuo
Basho (1644–1694)
Một
bài thơ khác của Ba Tiêu, nhan đề là Gió Mùa Thu, cũng nói về cái đẹp của tịch
lặng khi nhà thơ đứng giữa trận gió mùa thu. Bài thơ xin dịch như sau.
Tôi có nên nói một lời
môi tôi lạnh rồi
giữa trận gió thu.
Đọc
lại cuộc đời của Ba Tiêu, chúng ta sẽ thấy rằng phải trải qua trăm cay nghìn đắng
trong đời rồi mới tới lúc nhìn thấy cái tịch lặng sâu thẳm trong tiếng ve sầu
ngấm vào đá núi. Không chỉ được xem như là nhà thơ nổi tiếng nhất thời kỳ Edo,
ông còn là một thiền sư đã kiến tánh. Tự điển Bách khoa Mở ghi rằng ông có tên
đầy đủ là Matsuo Bashō (Tùng Vĩ Ba Tiêu), sinh trong một gia đình samurai, và nổi
tiếng làm thơ hay từ thời niên thiếu. Năm 1666, ông đến Kyoto và sống ở đây 5
năm, tiếp tục đọc văn học Nhật Bản cổ đại, nghiên cứu văn học Trung Quốc và cả
thư pháp. Mùa xuân năm 1672, sau một thời gian về quê chừng vài tháng, ông dời
lên sống ở Edo (nơi bây giờ có tên là Tokyo).
Trong những năm này, ông đã thử làm nhiều nghề khác nhau nhưng dần dần cảm
thấy mình chỉ hợp với văn học, ông bắt đầu mở lớp dạy thơ haikai, một thể loại
thơ trào lộng, nhẹ nhàng và phóng túng, vốn rất thịnh hành trong thời Tokugawa.
Sau
khi theo học Thiền Tông với nhà sư Phật Đỉnh (Butchō), một Thiền sư dòng Lâm Tế,
Ba Tiêu trải qua một số kinh nghiệm kiến tánh. Những kinh nghiệm giác ngộ được
ông ghi lại trong những bài thơ, đặc biệt là những tác phẩm được hình thành
trong thập niên cuối đời của ông. Năm 1682 ông dời về Koshu và từ đó lấy bút hiệu
là Bashō (Ba Tiêu). Năm sau ông trở lại Edo và dựng lại "Ba tiêu am".
Ba Tiêu sáng tạo ra một phong cách mới là Shōfu (Tiêu Phong), ẩn ý về đời người
nghệ sĩ như những tàu lá ba tiêu bị xé tan trong gió những đêm giông bão), và dần
dần hoàn thiện một loại thơ ngắn 17 âm tiết trong 3 câu 5+7+5 từ những câu đầu
(hokku) của thể thơ renga và thể thơ cực ngắn ấy về sau được mọi người biết đến
với cái tên đã trở thành bất hủ haiku. Hai bài thơ vừa dịch trên là làm theo thể
haiku.
Đọc
thơ Ba Tiêu, chúng ta có thể cảm nhận được cái tịch lặng vô cùng tận đã nằm sẵn
trong chữ và bên kia chữ. Bất kỳ ai sống được cái tịch lặng trong từng chữ và
bên kia chữ, đó chính là giải thoát, vì từng khoảnh khắc đó đã là bờ kia, là xa
lìa tham sân si. Bạn có thể thử nghiệm thế này: bạn ngồi làm thơ, với một tờ giấy
và cây bút đặt trên bàn, nghĩ tới một ý thơ hiện ra ngoài cửa sổ, thí dụ gió
ngoài vườn thổi bay nghiêng làn mưa bụi, hay ánh trăng ló ra ngoài cửa sổ. Nếu
không thấy ý thơ nào, bạn có thể nghĩ tới viết xuống giấy vài câu trong Bát Nhã
Tâm Kinh. Bạn viết từng chữ nghĩ tới, và cảm nhận rằng bạn đang chết đi theo
dòng mực hiện ra lên trang giấy, bạn nghĩ rằng tim bạn sẽ ngừng đập ngay khi
ngòi bút nhấc lên để ghi chữ khác. Như thế, bảo đảm rằng bạn sẽ kinh nghiệm được
cái tịch lặng đang ngấm vào mắt tai mũi lưỡi thân ý và cũng ngấm trọn khắp ba
cõi sáu đường. Đó cũng là Thiền.
Một
nhà thơ Nhật Bản cũng ưa thích tịch lặng là Thiền sư Ryokan (1758 – 1831).
Ryokan ra đời trong năm 1758, tại ngôi làng hẻo lánh ven biển Izumozaki, thuộc
tỉnh Echigo, bây giờ gọi là Quận Niigata. Vùng này, Honshu phương bắc, còn đuợc
gọi là “xứ tuyết,” nơi các trận tuyết mùa đông dày ngập tới nổi buộc cư dân phải
rời nhà và vào lại nhà họ bằng tầng [lầu] thứ nhì. Quận cũng khét tiếng về một
số trận động đất tệ hại nhất trong lịch sử Nhật Bản, và nổi tiếng với hòn đảo
Sado dễ thương, nơi lưu đày loạn quân và là nơi có những mỏ vàng được các tướng
quân khai thác. Cha của Ryokan, Inan (1738—95), là người được kế thừa cha truyền
con nối làm trưởng làng, và là một tu sĩ Thần Đạo. Inan cũng là một nhà thơ mà
vài người ghi nhận là có liên hệ xa với trường phái thơ hài cú Basho.
Thiền Sư
Ryokan.(Wikipedia)
Ryokan
làm sa di ở Kosho-ji, ngôi chùa Thiền Tào Động địa phương, trong nhiều năm. Khoảng
năm 1780, thiền sư Kokusen (viên tịch 1791) viếng thăm Kosho-ji, và Ryokan, người
cảm xúc thâm sâu vì cách sống nghiêm túc và chân thật của vị thầy, mới xin và
được phép để chính thức trở thành môn đệ của Kokusen. Sau đó, họ cùng nhau trở
về chùa Entsu-ji, ngôi tự viện của Kokusen tại Tamashima (bây giờ là Quận
Okayama). Chùa Entsu-ji chỉ nhỏ thôi, dễ thương, gồm một hồ sen và rừng tre đẹp,
nằm trên một ngọn đồi nhìn ra hải cảng Tamashima. (Hầu hết các khu nhà từ thời
Ryokan bây giờ vẫn còn.) Tamashima là một trung tâm giao thương thịnh vượng, và
chùa Entsu-ji đã lớn dậy dưới hướng dẫn của Kokusen, không bao giờ dưới 40 sư
đang tu học. Cũng như vị thầy Kaso của Ikkyu, và vị thầy Shoju của Hakuin,
Kokusen là một vị thầy có lối dạy cụ thể, người tuyên bố kiều Thiền của mình gồm
cả việc “khiêng đá và đổ đất.” Nghĩa là, tu Thiền phải thực hiện ngay giữa các
việc làm hàng ngày trong đời thường.
Với
cương vị người nối pháp của Kokusen, một trong những vị Thiền sư Tào Động lớn
nhất lúc đó, Ryokan có thể dễ dàng giữ chức trụ trì một chùa lớn, nhưng những
năm tự nguyện sống khó nghèo và tự do trên các cánh đồng đã làm cho sư không
thích bị ràng buộc với gánh nặng ngôi chùa. Không kế hoạch cụ thể nào trong đầu,
Ryokan năm 40 tuổi về lại nơi mình ra đời, dọc đường vui với những nơi có cảnh
đẹp và các nơi linh thiêng của Nhật Bản. Một lần, một tên trộm nhầm lẫn vào am
Gogo-an, nhưng dĩ nhiên không thấy gì giá trị. Thất vọng, tên trộm mới lấy chiếc
mền cũ và tả tơi và chiếc bồ đoàn thiền tọa của sư. Khi Ryokan về lại căn lều,
thấy chuyện xảy ra mới viết bài thơ hài cú sau:
Tên trộm để lại phía
sau—
mặt trăng
nơi cửa sổ.
Là
một ẩn tu, Ryokan ngồi trên thiền sàng và sống nhiều phần hệt như các vị tổ sư
Thiền xa xưa, tìm giác ngộ sâu trong các rặng núi. Sau đây là một bài thơ
Ryokan tự ghi lại về nếp sống của ngài, ngồi tịch lặng, xài tiền của mục đồng
(chăn trâu), làm bạn với ánh trăng.
Trong vắng lặng, bên
cửa sổ trống
Ta ngồi thiền tọa, mặc
phẩm phục trang nghiêm,
rún và mũi thẳng đường,
tai song song với vai
Ánh trăng ngập cả
phòng;
mưa đã ngưng, nhưng
mái hiên còn nhỏ giọt.
Toàn hảo giây phút
này—
trong tánh không vô tận,
hiểu biết ta thẳm sâu.
.
Vào đêm, sâu trong
núi, ta ngồi thiền
chuyện nhân gian
không bao giờ tới đây;
tất cả đều vắng lặng
và rỗng rang,
nhang đã tàn trong
đêm vô tận
áo ta đã đẫm sương.
Không ngủ được, ta bước
vào rừng—
đột nhiên, trên đỉnh
cao, trăng tròn hiện.
.
Đời ta nghèo, nhưng
tâm ta sáng tỏ
khi ta qua, ngày lại
ngày
trong lều cỏ này.
.
Như dòng suối nhỏ len
lỏi qua
các vách núi rêu, ta
cũng lặng lẽ
trở thành sáng tỏ và
trong trẻo.
.
Khi các niệm đã vắng
cả rồi
ta lẩn vào rừng pháp
và gom nhặt
một xấp tiền của mục
đồng.
.
Rách rưới và tả tơi,
rách rưới và tả tơi
rách rưới và tả tơi
là đời này.
Lương thực? Rau cỏ dại
bên đường.
những bụi cây mọc
quanh lều ta.
trăng và ta thường ngồi
chung cả đêm,
Và hơn một lần, ta đi
lạc giữa rừng hoa dại,
quên lối về nhà.
Không ngạc nhiên gì,
ta rời khỏi chúng:
làm sao một ông sư
khùng như thế sống trong chùa?
----
RYOKAN (1758 – 1831)
.
Làm
thế nào bước vào cõi tịch lặng? Đọc kỹ Kinh Phật, chúng ta sẽ thấy rất nhiều
khi, Đức Phật chỉ nói có một lời thôi. Không nói nhiều, tất cả pháp đều đưa về
một chữ thôi. Thí dụ, như Kinh Bahiya, tất cả các pháp tóm gọn về một chữ Như.
Trong một chữ Như đã có sẵn đủ giới, định, huệ. Thí dụ khác, như với một số
kinh trong Kinh Tập, phẩm Qua Bờ Kia, tất cả các pháp tóm gọn về một chữ Không.
Trong cái nhìn của rỗng rang vô tướng, tất cả giới, định, huệ đã sẵn đủ, tròn đầy.
Ngay cả khi chúng ta đứng ở một góc rừng, với mưa gào, gió thét, chúng ta vẫn
thấy cái tịch lặng bao trùm tất cả và thấy tâm mình là Như, là Không.
Lục Tổ Huệ Năng.
Trong
tận cùng của Phật Giáo, tịch lặng là nơi không thấy có một pháp nào để nương tựa.
Đó cũng là khi Huệ Năng (638-713) dạy Huệ Minh rằng khi tâm rời các duyên (tức
là: không dựa vào những cái được thấy, được nghe…), khi tâm không sanh một niệm
(tức là: không một chữ nào dấy lên trong tâm), khi tâm không nghĩ thiện hay ác
(cũng là: không nghĩ có/không, lành/dữ, ta/người…), thì sẽ hiện ra cái bao trùm
và xuyên suốt hết tất cả lời và không-lời, ngôn và vô-ngôn, thanh và vô-thanh,
và đó là cái tịch lặng vô cùng sâu thẳm. Độc giả có thể kinh nghiệm được, hãy cứ
thử đơn giản như thế.
Trong
Kinh Pháp Bảo Đản, bản dịch của Thầy Duy Lực, trích:
“Huệ
Minh đảnh lễ nói rằng: Mong hành giả vì tôi thuyết Pháp. Huệ Năng nói:Ông đã vì
Pháp mà đến đây, thì nên ngưng nghỉ các duyên, chớ sanh một niệm, ta sẽ vì ông
mà thuyết.
Một
hồi sau Huệ Năng nói: Chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác, đang khi ấy cái nào là bổn
lai diện mục của Thượng Tọa Minh? Huệ Minh ngay đó đại ngộ.” (Phẩm Tựa Thứ Nhất)
Đối
với Phật Giáo Tây Tạng, cửa vào tịch lặng là Sáu Lời Dạy của Đại sư Tilopa
(988–1069) dạy cho Naropa. Còn gọi là sáu chữ của Mahamudra, Đại Thủ Ấn. Bản
văn tiếng Sanskrit chỉ có 6 chữ, dịch sang tiếng Anh hay Việt cho rõ nghĩa sẽ
là 6 câu ngắn.
Bản
tiếng Anh của Ken McLeod là: “Don’t recall. Don’t imagine. Don’t think. Don’t
examine. Don’t control. Rest.”
Có
thể dịch ra tiếng Việt là: “Đừng gợi nhớ. Đừng tưởng tượng. Đừng suy nghĩ. Đừng
khảo sát. Đừng kiểm soát. Hãy an nghỉ tự nhiên.”
Sáu
lời dạy trên còn được dịch giả trên giải thích rõ hơn, có thể dịch ra tiếng Việt
như sau: “Hãy buông bỏ những gì đã qua. Hãy buông bỏ những gì có thể sẽ tới.
Hãy buông bỏ những gì đang xảy ra bây giờ. Đừng luận giải bất cứ gì. Đừng tìm
cách làm bất cứ gì để xảy ra. Hãy buông thư, bây giờ, và an nghỉ.”
Và
như thế, chúng ta sẽ thấy đúng là Kinh Nhật Tụng Sơ Thời, tức là các bản kinh
chư tăng tụng hàng ngày trong các năm đầu Đức Phật hoằng pháp. Ngay khi nào bạn
thực hiện 6 chữ như thế, cái tịch lặng vô ngôn sẽ hiện ra. Hãy giữ tâm như thế
trọn ngày, sáng trưa chiều tối, không cần ngồi theo thời khóa nào.
Đúng
vậy, cái tịch lặng thực sự không ở đâu xa. Trong Tăng Nhất A Hàm, Kinh EA 31.6,
bản dịch của Thầy Tuệ Sỹ và Đức Thắng, có lời Đức Phật dạy:
“Xóm
vắng là sáu xứ bên trong. Thế nào là sáu? Đó là nhãn xứ, nhĩ xứ, tỷ xứ, thiệt xứ,
thân xứ, ý xứ. Nếu người có trí tuệ, khi quán mắt, thấy thảy đều trống không,
không chỗ gì, hư dối, vắng lặng, không bền chắc. Khi quán tai, mũi, miệng,
thân, ý, thấy đều trống không, đều rỗng lặng, cũng không bền chắc."
.
Một
nhà thơ Nhật Bản khác cũng ưa thích viết về tịch lặng là Jakushitsu Genkō
(1290-1367). Jakushitsu là một nhà sư dòng Lâm Tế (Rinzai), cũng nổi tiếng là một
nghệ sĩ với tài làm thơ, thổi sáo, và là trụ trì ngôi chùa Eigen-ji, nơi được
xây lên để cúng cho sư làm nơi dạy Thiền. Sinh trong một gia đình quý tộc, xuất
gia năm 12 tuổi tại tu viện Tofukuji ở Kyoto, nơi nổi tiếng về giáo dục; những
năm đầu ở đây, nhà sư trẻ học về Nho Giáo và Thiên Thai Tông, một hệ thống lý
luận của Phật Giáo. Trong một chuyến tới thăm Tanakami, một thị trấn trong tỉnh
Go (bây giờ có tên là tỉnh Shiga), Jakushitsu nhìn thấy một nhà sư đang lặng lẽ
ngồi thiền. Hình ảnh lặng lẽ ngồi thiền của nhà sư lạ kia có sức lôi cuốn bí mật.
Ngồi thiền lặng lẽ không phải là một phần trong pháp tu hàng ngày tại ngôi chùa
Jakushitsu đang theo học, nơi chủ yếu đào tạo các giảng sư và luận sư Phật
Giáo.
Thiền Sư Jakushitsu Genko (Wikimedia)
Được
giới thiệu từ một vị sư đồng học ở Tofukuji, Jakushitsu biết về Thiền sư Yakuo
Kenko, người từng theo học với Lan-chi Tao-lung (tiếng Nhật là: Rankei Doryu) một
Thiền sư Trung Hoa từ Szechuan tới Nhật Bản năm 1246 để truyền pháp Thiền Tông.
Jakushitsu cùng với bạn đồng học lên đường tới Zenkoji, ngôi chùa tại Kamakura,
nơi Yakuo lúc đó đang cư ngụ. Truyền thuyêt kể rằng vào đêm trước khi
Jakushitsu tới Zenkoji, Thiền sư Yakuo có một giấc mơ, trong đó “nhiều vị thánh
đáp xuống và một vùng ánh sáng hiện ra chiếu rọi khắp núi và sông.” Do vậy,
Yahuo mới đặt tên cho Jakushitsu là Genko, tức là “Ánh sáng nguyên khởi.”
Jakushitsu
thân cận với Thầy Yakuo cho tới khi Yakuo từ trần năm 1320. Jakushitsu sang
Trung Quốc để tìm học Thiền trong thời gian từ 1320 tới 1326, với vị Thầy có hạnh
ẩn tu nổi tiếng là Ming-pen. Khi về lại Nhật Bản, Jakushitsu vào núi, sống nhiều
năm trong hạnh ẩn tu. Phong thái kỳ dị, và những bài thơ đầy sức mạnh của Thiền
đã làm cho nhà sư Jakushitsu nổi tiếng. Một vị lãnh chúa địa phương mời sư ra dạy
Thiền cho công chúng, xây ngôi chùa có tên là Eigen-ji và Jakushitsu là vị trụ
trì đầu tiên nơi đây.
Mấy
dòng thơ sau đây là Jakushitsu tự viết về bản thân:
Cô tịch
vui hỷ lạc
tóc trắng nhìn núi
xanh.
Một
bài thơ khác, cũng do Jakushitsu tự viết về hạnh sống trong các rặng núi. Dịch
như sau.
Không tìm danh vọng
không màng khó nghèo
sống ẩn sâu trong núi
xa lìa bụi thế gian
năm hết rồi, bầu trời
lạnh
ai sẽ làm bạn với ta?
Hoa đào nở trên cành
mới
tắm trong ánh trăng.
.
Có
những bài thơ rất cổ, có từ 2500 năm về trước, ngợi ca hạnh tịch lặng, một
trong các phẩm chất của người ngộ đạo. Bài thơ của Trưởng lão ni Sona có ký số
Thig 5.8, trích dịch như sau:
Tôi thiền tư về vô tướng
với nhất tâm và tịch
lặng
tức khắc giải thoát
thành tựu
Niết bàn, không gì nắm
giữ
.
Hiểu trọn năm uẩn thấu
suốt
tuy còn đây, rễ đã cắt
Bà già bất hạnh, thân
tôi
chuyện tái sanh đã hết
rồi.
.
Tuy
nhiên. Tịch lặng không chỉ là ngồi thiền. Một bài thơ của Trưởng lão tăng Bhagu
trong bài kệ có ký số Thag 4.2, ghi rằng đại sư Bhagu ngồi thiền, gặp cơn buồn
ngủ, mới bước ra khỏi lều, đi kinh hành, khi bước đi, bị vấp té, rồi đứng dậy
phủi bụi, rồi đi tiếp, niềm tịch lặng khởi lên trong khi đại sư bước tới bước
lui, và rồi tâm đạt giải thoát, chứng tam minh. Bài thơ kể về niềm tịch lặng đạt
được trong khi bước đi, trích như sau.
Buồn ngủ, tôi rời tịnh
xá
bước thiền hành, chân
vấp ngã
Phủi bụi xong, bước
đi tiếp
lối thiền hành, tới rồi
lui
tịch lặng sâu thẳm
trong tôi.
Hốt nhiên chứng ngộ
ngập tràn
thấy rõ ba cõi hiểm
nguy
vững vàng với tâm viễn
ly
Hiển lộ trong tâm giải
thoát
thấy rõ tối thượng
giáo pháp
Tam minh bây giờ hoàn
tất
trọn vẹn như lời Đức
Phật.
Tịch
lặng, đẹp là như thế, hiện ra ngay ở nơi bạn đi đứng nằm ngồi, ngay ở nơi bạn
chọn chữ làm thơ, ngay ở nơi sâu thẳm trong tâm và ngập tràn khắp thế giới này.
Tịch lặng là Niết Bàn. Hãy lắng nghe tịch lặng, hãy tắm gội trong tịch lặng,
hãy thấy tịch lặng đang ngấm vào núi đá, vào cây rừng, vào khắp không gian và
khắp mắt tai mũi lưỡi thân ý của mình.
Nó đó. Vô tướng, không hình dạng, không màu sắc. Tịch lặng không phải là
cái được tạo ra, nhưng là cái có sẵn chưa hề rời chúng ta, ngay ở đây và bây giờ.
NG
Bài phân tích này khá nay
ReplyDeleteỞ đây chúng tôi có bán https://xe50cc-thegioixedien.blogspot.com/2020/10/xe-may-50cc-cub-new-ally-2020-vanh-uc.html