Tuesday, January 5, 2021

NGƯỜI YÊU CỦA KẺ NGHÈO

Tố Nghi
 
Nguyên tác "Hinja no koibito" của Kawabata Yasunari
Người dịch: DTTM Quỳnh Chi
 
 
https://www.rongmotamhon.net/static/chi ... engheo.htm
 
Hồi còn nhỏ xíu như cục kẹo, tui được má dạy đọc, viết và chút đỉnh toán vỡ lòng.Vì hoàn cảnh, má hổng được đi học nhiều như dì hai, nhưng cách nào đó bà đã tìm ra phương pháp sư phạm riêng, thích hạp với đứa con sanh vào giờ thứ 25 ấy : Không học bảng mẫu tự rồi đánh vần con chữ, nhưng đọc thẳng. Má chỉ vào chữ đọc trước để con gái đọc theo. Đọc chữ xong thi đọc tới câu, những câu ngắn dễ hiểu. Rồi thì chữ biến mất, chỉ còn câu thôi, và câu ngày càng dài thêm theo khả năng hấp thụ. Chi chớ khả năng của qúi nữ vốn tiềm tàng, chỉ 6 tháng phù du, nó đã có thể mở sách đọc ron rót, tuy thường khi hổng hiểu sách muốn nói gì. Tới đây thì đọc sách không còn thuần sư phạm nữa, nhưng là giải trí : Đọc truyện cho má nghe.
 
Thời gian này tui đọc các tác phẩm của Tự Lực văn Đoàn. Sau bữa ăn tối, cả nhà quây quần tại bàn ăn có ngọn đèn măng-sông chiếu sáng. Góc bên này tía làm sổ sách cho hãng, các anh chị học bài, góc bên kia má khâu vá và nghe tui đọc truyện. Chỗ nào con ấm ớ đoán không ra âm, thì má ngừng tay kim, ngó vào trang sách mà dạy tiếp. Hai nhà văn hàng đầu của má là Nhất Linh với Đoạn Tuyệt và Khái Hưng với Gánh Hàng Hoa, hai truyện dài xã hội kinh điển, theo đúng ý hướng chủ trương đả phá hủ tục và khai phóng con người trong nghĩa nhơn bản dân tộc. Nhưng những điều này to tát quá, má hổng hiểu tới, chỉ thấy đây là hai truyện rất thực, rất hay, tình tiết cảm động và kết thúc có hậu. Truyện đọc tới đọc lui dám đã rành rẽ tới thuộc lòng, nhưng cách chi không hiểu nổi, má vẫn tiếp tục nhỏ lệ thổn thức vì ngang trái thương tâm. Từ đầu bàn bên kia, đám con bà không để ý, nhưng tía lắc đầu tủm tỉm cười. Có hỏi tới thì ông nhún vai trả lời "Ờ, đờn bà". Má khóc vậy miết rồi hổng ai thắc mắc nữa !
Sau Tự Lực Văn Đoàn, quý nữ cắp sách vô trường, học ít chơi nhiều vì chương trình tiểu học hổng có chi để học ráo. Lúc này nhà đã dọn về căn phố mặt tiền đường Bến Vân Đồn day mặt ra mé sông Cầu Ông Lãnh, tía má mở tiệm đồ gỗ. Đồ gỗ thô chưa đánh verni, được khuân vác từ tiệm xuống ghe thuyền đậu bên bãi, chở thẳng về lục tỉnh. Buôn bán bận rộn nên việc văn hóa giáo dục qúi nữ được tía má giao lợi cho anh Hai. Anh Hai có uy nên nó sợ khiếp vía, dù không bị quở phạt bao giờ. Khi này anh còn phải kèm hai đứa anh họ theo lời yêu cầu của dì hai - vì học bạ của chúng từ từ tuột dốc - Con qúi nữ nghe anh giảng bài mà chán nản quá trời, rồi nó bắt đầu ngọ ngoạy tới chia trí nhị vị huynh đài đang căn me chờ giờ "ra chơi". Anh hai canh chừng miết hổng xong bèn lôi sách ra cho em bận rộn đọc mà đừng phá bỉnh nữa.
Sách là những tạp chí nguyệt san bán nguyệt san mua thẳng từ tiệm hay qua đường bưu điện. Chuyện anh hai, một chuyên gia khoa học, thinh không bỏ đám phương trình định luật, giữa giờ nhảy sang đọc văn chương, là vì... anh đang yêu một em gái văn khoa - giả như cô học luật, chắc giờ tui dám cũng có bằng cấp luật, hổng dỡn - Đây là thời gian tui day sang đọc Bách Khoa, Sáng Tạo, Văn, Phổ Thông và cả Tin Văn. Khổ giấy của Bách Khoa và Sáng Tạo nhỉnh hơn các tạp chí khác  Sáng Tạo, Văn nghiêng hẳn về văn chương nghệ thuật. Tin Văn đậm mùi văn học xã hội (y hình thiên tả nữa không chừng). Bách Khoa, Phổ Thông là tạp chí thường thức y chang Reader's Digest. Sau này thỉnh thoảng còn thấy cả Giao Điểm. Rồi đọc cái chi trong trỏng ha ? Thưa coi hình bên ngoài và đọc đối thoại bên trong
Bìa của Văn mới có hình vẽ hay hình chụp tùy chủ đề, các tạp chí còn lợi tuyền những tựa đề truyện và tên tác giả thành hổng bắt mắt lắm. Nội dung bên trong thì... có đọc cũng hổng hiểu chi, ngay cả đối thoại là phần dễ nhứt.
Vậy chớ... có hai truyện tuy hổng hiểu nhưng nhớ miết tựa: Thác Đổ Sau NhàNgàn Cánh Hạc. Cả hai đâng trong báo Văn, và cả hai đều đoạt giải thưởng văn học.
Thác Đổ Sau Nhà của Võ Phiến, nghe nói được giải văn học tổng thống, kể chuyện săn bắn đâu đó ở cao nguyên, săn cái chi và bắn được cái chi thì độc giả ngó hổng ra, đọc đối thoại cũng hổng biết thêm chi tiết, một chập sau nàn chí anh hùng, nó bèn đóng sách lợi đi bắn bi với lối xóm.
Ngàn Cánh Hạc của nhà văn Nhựt bổn có cái tên đọc hổng ra nên nhớ hổng ra. Truyện này đoạt giải Nobel, và Nobel là văn học thế giới, danh giá lắm lận, tới nỗi Việt nam mình, ngay cả Nhất Linh Khái Hưng của má, chưa ai đủ khả năng để vào danh sách đề cử, nói chi tới nhận lãnh.
Dĩ nhiên Ngàn Cánh Hạc là truyện dài thòng, y hình chiếm gần hết cuốn tạp chí, lê thê những chữ là chữ, đối thoại cũng dài y chang thành hổng hiểu người ta đang nói với nhau về chuyện gì. Nhưng nhớ là nhớ cái bìa báo, có hình vẽ 2-3 con ngỗng bay, thành yên trí con hạc chính là con ngỗng. Chừ vẫn không rõ, chưa rõ, chữ Cánh Hạc tự nó đã có nhạc tánh, hay nhạc tánh này được liên tưởng từ câu hát "cánh hạc bay lên vút tận trời" nghe hoài trong nhạc Phạm Duy phổ thơ khi ấy. Mà rồi hổng một cánh à nha, nhưng tới ngàn cánh lận, nghĩa là ngỗng bay ngợp trời, hào hứng tới phấn kích luôn !.
Mấy chục năm sau, nơi đất khách, tui mới đọc Thác Đổ Sau Nhà, biết thêm được bác thợ săn là ông Huyện Toàn, nhưng vẫn chưa thực sự hiểu rõ câu chuyện. Tác giả Võ Phiền dẫn độc giả lòng vòng tới chóng mặt luôn, mà rồi... hổng biết có bắn được con mồi nào không nữa lận. Còn truyện Ngàn Cánh Hạc thì nằm đóng bụi trong tủ sách, ngó nó một chập xong đóng tủ lợi.  Nó y chang một kỷ niệm ấu thời, ngây thơ hồn nhiên chưa tì vết, thành qúi giá lắm lận, nên cứ để ngắm thôi mà đừng chạm vào, lỡ “bể” rồi lại tiếc !
 
*
 
Vậy chớ có ôn kia giới thiệu truyện "Người yêu của kẻ nghèo" kèm theo chú thích, rằng tác giả của nó đã lãnh Nobel văn chương với Ngàn Cánh Hạc, thành tui đọc liền, coi ông nhà văn viết lách ra sao thế nào mà qua mặt luôn được Nhất Linh Khái Hưng của má.
Hồi đọc xong mật mũi táo bón nghệt ra, hỏi vậy chớ truyện ni nó là sao hở ôn, thì ôn ấy mới mần màn khai trí sáng cho đứa tuy thông minh nhưng hay tối hù đột xuất như vầy:
… Có hai loại đờn bà, loại là người yêu của kẻ nghèo, và loại là người yêu của kẻ giàu. Cô gái ấy nghèo thanh bạch, chọn người tài để chung thân, nhưng vì nghèo nên chỉ cặp được người nghèo chưa danh vọng. Họ đến với cô, được tẩy hóa, được thăng hoa trong hương chanh tinh khiết - nhưng đòi cam sau đó - Chịu ơn cô thì nhiều, nương tựa tinh thần hưởng lộc thân xác cô thì nhiều, nhưng không ai nắm tay để cùng cô đi lên, hoặc cùng cô ở lại trong hương chanh. Cô cam lòng, không đòi hỏi gì mặc dầu trong thâm tâm vẫn mong người ở lại, chịu nghèo cho dù cái nghèo được mỉa mai là "tươi rói như quả chanh”. Cô chỉ là bậc thang cho họ đạp lên và bỏ lại. Trong xã hội Nhật thời hậu chiến, cho dù thương quí sự thanh bạch, nhưng người ta sẵn sàng dẵm lên nó để mưu cầu danh vọng ... bla bla bla...
Con quý nữ ngu đột xuất mới vỡ lẽ cái bài học vỡ lòng sơ đẩng về hương chanh, rồi ngẫm nghĩ một chập đậng ra kết luận rằng : Thực tế cuộc đời luôn luôn đấng cay chua chát. Không rõ mỗi bận học xong một bài, cô gái yêu người người nghèo ấy có hiểu thêm chút nào không nữa lận, mà cứ lại vấp vào, bổn cũ soạn lợi y chang. Cô gái có hương chanh vì bôi chanh mỗi bữa, nhưng cô nghèo nên còn phải cắt trái chanh làm tư. Người tình nghèo của cô tuy thích hương thơm của chanh, nhưng phàn nàn vị chanh chua quá, không thể ngọt như vị cam. Cam mắc hơn, nhưng cô cũng ép lòng mua cam bôi cho anh hạp... khẩu vị.
Không rõ cô gái bôi loại chanh gì, chắc là chanh vàng citron rồi, vì truyện có nói tới lồng đèn vàng rực ánh chanh. Thực tế thì mình còn có một loại chanh khác, chanh xanh tức lime.
Chanh xanh thơm hơn chanh vàng, vỏ mỏng mọng nước hơn. Và sau này nhờ lai giống nên có loại thiếu hẳn hột. Mà thiếu hột vậy thì khó có màn ươm hột trồng chanh xanh.
Chanh vàng bự, vỏ dày, hột bự, mùi không thơm bằng. Ươm hột chanh vàng, trồng có lên thì lá chanh vàng dày và thiếu hương so với lá chanh xanh. Hồi nớ tía mua từ vườn ươm mang về cây chanh xanh, lâu lâu ăn gà luộc chấm nước mắm chanh gừng thì không quên rắc lá chanh vào cho dậy vị. 
Chẳng phải chỉ xã hội nhựt truyền thống nề nếp đã xáo trộn đâu, mà y hình toàn thế giới lận. Phụ khó là màn nhan nhản trước mắt thấy hoài hà, cũng bởi lòng dạ chúng sanh là đèn cầy trước gió, chừng gió mạnh cái tắt ngúm ngay. Rồi người ta đổ thừa đèn tắt vì yếu, mà thiếu ánh sáng nên mới phải kiếm cây đèn cầy khác, bự hơn, rực rỡ hơn và sáp có tẩm hương bắt mũi cho thêm xôm tụ. Có thể nào giải thích như vầy : Rằng tấm lòng ngay thẳng thiệt thà, cho dù cuộc dâu bể thế nào thì hương vẫn giữ lại và toả rộng xung quanh ? Đọc những chuyện phải suy nghĩ kiểu vầy thiệt là positive quá xá. Nó làm mình hướng thượng, rồi nhìn lại con người chính mình mà cố gắng sửa đổi, được nhiêu hay nhiêu cho xứng với tấm tình của "cố nhơn" chẳng may đã bị mình bội bạc.
Cái positive (hay ảo tưởng positive) tui tìm thấy trong phần kết truyện là... Người được yêu sau khi thành công, lương tâm động vọng nên - có lẽ tất cả hổng chừng - đã mang chanh tới mộ nàng, rồi anh ta thấy ở đó cả một vườn lồng đèn vàng rực ánh chanh, xong thốt lên : Ở đây đã có một rừng chanh rồi ư !
Thiệt là một hình ảnh toàn mỹ !
TN
 

No comments:

Post a Comment