Monday, June 29, 2020

VỀ ĐÂY MÂY NƯỚC ĐÊM THÂU LẠNH LÙNG (*)

Huyền Chiêu



*Tưởng nhớ nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông

     Nguyễn Văn Đông, người nhạc sĩ có nhiều ca khúc viết về mùa Xuân, đã qua đời tại Sài Gòn, vào mùa xuân năm 2018. Gần đến ngày 26 tháng 2, tôi mong kỷ niệm hai năm ngày mất, nhạc sĩ sẽ được nhắc nhở và những ca khúc của ông sẽ được hát lại ở đâu đó. Nhưng thời thế thay đổi, dịch Cô Vy bùng phát, không khí lo âu bao trùm, mọi người bị cách ly, các chương trình biểu diễn bị cấm, không còn ai quan tâm đến ca hát vì luôn phải mang khẩu trang.
     Nguyễn Văn Đông đã lặng lẽ đi vào muôn năm cũ. Riêng tôi, tôi vẫn không quên người nhạc sĩ đã đi vào ký ức tuổi thơ của tôi.

     Năm đó tôi chưa đọc thông viết thạo nhưng tôi biết nước tôi lần đầu có Tổng Thống. Miền Nam khi ấy hào hứng xây dựng cuộc sống mới. Trong làng, những ngôi nhà tranh bị Tây đốt được xây lại, lợp ngói dù vách vẫn là vách đất. Mỗi nhà được phát treo trên vách một tấm ảnh Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Tôi vẫn ấn tượng với hình ảnh một vị  tổng thống vừa uy nghi vừa hiền hậu, mặc áo vest, trên mặt có một nốt ruồi. Không khí thanh bình làm mọi người yên tâm trông chờ vào một ngày mai tốt đẹp.
     Trung thu năm ấy, Quận có mở một cuộc thi hát cho học sinh tiểu học. Tôi được trường chọn làm thí sinh tham gia cuộc thi. Cậu tôi mà cũng là ông bầu của tôi tập cho tôi hát bài Chiều Mưa Biên Giới của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông. Có lẽ tôi không hiểu lắm về lời ca. Những chữ như “khu chiến, hậu phương, sa trường, khanh tướng…” lần đầu trong đời tôi được biết. Nhưng với sự kiên trì của cậu và “tài năng” của cháu, tôi đã thuộc lòng bài hát và đoạt giải ba. Thực ra hồi đó trẻ em rất nhút nhát đâu biết hát hò gì và đâu phải nhà nào cũng có ông cậu biết đàn mandolin như cậu tôi, nên tôi đã ăn may.
     Nhưng cũng từ đó tôi rất thích những ca khúc của Nguyễn Văn Đông. Ở miền Nam thuở ấy, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông rất nổi tiếng. Tuy nhiên người ta ngưỡng mộ ông vì ông là tác giả ca khúc Chiều Mưa Biên Giới chứ ít ai biết ông là một Đại Tá trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Có lẽ vì người ta chưa bao giờ nhìn thấy hình ảnh ông mang lon đại tá, ngồi xe jeep, mà chỉ thấy hình ông ngồi bên ba lô nón sắt như một anh lính bình thường. Chắc ông chẳng cao sang gì vì nhạc ông hay nhắc tới “nhà tranh”:
“Ngồi ngắm mấy nóc chòi canh
Mơ rằng đây mái nhà tranh”
(Phiên Gác Đêm Xuân)
“Nơi xưa quê nghèo
Nhà tranh nát tiêu điều
Tình xưa khôn hàn gắn”
(Về Mái Nhà Xưa).
     Một hôm, bọn học trò chúng tôi kinh hoàng nghe tin vị Tổng Thống mà chúng tôi thường suy tôn là “Ngô tổng Thống, Ngô Tổng Thống muôn năm” đã bị bắn chết. Mẹ tôi khóc. Mẹ tôi rất kính trọng Tổng Thống.

     Sau một thời gian ngắn ngủi yên bình, miền Nam Việt Nam lại bước vào một giai đoạn bất ổn và đối mặt với một cuộc chiến tàn khốc. Một lớp nhà văn nhà thơ trẻ sôi nổi, thao thức với thời cuộc thay thế cho các văn thi sĩ của thế hệ trước như Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Võ Phiến… viết lên những bi kịch nóng hổi của chiến tranh.
      Những ca khúc êm ái như Chiều Tím, Ngàn Năm Mây Bay, Hoa Xoan Bên Thềm Cũ, Phố Chiều… bị lực lượng các nhạc sĩ trẻ lấn át bằng những ca khúc rất gần với súng đạn. Nỗi đau đớn về chết chóc, chia lìa, tuyệt vọng trong ca khúc của Trúc Phương, Nhật Ngân, Trầm Tử Thiêng, Trịnh Công Sơn… hiện diện khắp nơi.
“Tôi có người yêu chết trận Pleime 
Tôi có người yêu ở chiến khu Đ 
chết trận Đồng Xoài 
chết ngoài Hà Nội 
chết vội vàng dọc theo biên giới 

Tôi có người yêu chết trận Chu-Prông 
Tôi có người yêu bỏ xác trôi sông 
chết ngoài ruộng đồng 
chết rừng mịt mùng 
chết lạnh lùng mình cháy như than”
(Trịnh Công Sơn)

     Có một nhạc sĩ lớn tuổi nhưng không chịu thua bọn trẻ.
     Đang làm mọi người mơ mộng với những ca khúc êm ái như Cỏ Hồng, Nghìn Trùng Xa Cách, Ngày Đó Chúng Mình… Phạm Duy đã bắt kịp rất nhanh với thời cuộc khi phổ thơ Linh Phương cho ra đời Kỷ Vật Cho Em:
“Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại 
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về. 
Anh trở lại có thể bằng chiến thắng Pleime, 
Hay Đức Cơ, Đồng Xoài, Bình Giã, 
Anh trở về anh trở về hàng cây nghiêng ngả 
Anh trở về, có khi là hòm gỗ cài hoa, 
Anh trở về trên chiếc băng ca 
Trên trực thăng sơn màu tang trắng.”
      Lạ thay, nhạc sĩ đại tá Nguyễn Văn Đông trước sao, sau vậy. Ca khúc của ông luôn chan chứa tình yêu nước nhưng không bi lụy mà rất bình tĩnh, hy vọng vào một ngày mai tươi sáng.
“Còn đây đêm cuối cùng 
Nhìn em muốn nói chuyện người Kinh Kha 
Ngại khơi nước mắt, nhạt nhòa môi em 
Người đi giúp núi sông... 
Hàng hàng lớp lớp chưa về 
Người người nối tiếp câu thề

Giành lấy quê hương.”
(Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp)
      Có lẽ chính vì nét hiền lành, giản dị trong ý nhạc mà người hát hay nhất nhạc của Nguyễn Văn Đông là giọng ca trong sáng Hà Thanh. Tuy nhiên không phải dễ để hát ca khúc Nguyễn Văn Đông, bởi nhạc của ông rất đặc biệt khi luôn đẩy lên các nốt cao. Khánh Ly, Lệ Thu, Lê Uyên giọng trầm không hợp chút nào. Thái Thanh giọng cao nhưng lảnh lót, điêu luyện quá, không xong. Thanh Tuyền, Hoàng Oanh, theo ý riêng của tôi quá mộc mạc. Mà nhạc Nguyễn Văn Đông tuy giản dị nhưng… sang. (Thời đó không ai gọi nhạc Nguyễn Văn Đông là nhạc Sến)
     Chỉ có giọng Hà Thanh vừa dịu dàng, hiền hậu lại cao và… sang rất hợp với tâm tình của tác giả, một người vừa lãng mạn vừa… nghiêm chỉnh:
Bao ước mơ giữa khung trời phiêu lãng, 
Chờ mùa Xuân tươi sáng, nhưng mùa thắm chưa sang 
Anh đến đây, rồi anh như bóng mây, 
Chốn phương trời ấm lạnh hòa chung mái nhà tranh 
(Mấy Dặm Sơn Khê)
Là một đại tá nhưng Nguyễn Văn Đông chưa một lời hô hào “nhắm thẳng quân thù mà bắn”.
Thật cảm động khi nghe ông trăn trở:
“Mong sao nước Việt đời đời
Anh dũng oai hùng chen chân thế giới”
(Hải Ngoại Thương Ca)
       Vậy mà ông đã bị “quân thù” cầm tù mười năm. Ông chỉ được ra tù khi xác thân tàn tạ, chờ chết.
      Ông từng kể lại, trên bước đường lê lết trở về mái nhà xưa,, không ai nhìn ra ông già rách rưới tiều tụy kia chính là nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông.
      Có lẽ vì nghĩ mình không còn sống được lâu, ông muốn được chết ở quê nhà và không làm thủ tục ra đi theo diện HO.
      Hôm đưa tang ông, có một người nào đó mang kèn đến thổi “Chiều mưa biên giới anh đi về đâu….”và trong dòng người tiễn đưa, các đồng đội, các cựu binh xuất thân từ trường Thiếu Sinh Quân nghiêm chỉnh đưa tay lên trán chào vĩnh biệt cố đại tá.
      Nguyễn Văn Đông, người hiền của miền Nam Việt Nam đã ra đi, vĩnh biệt mọi người, vĩnh biệt người vợ hiền và ngôi nhà cũ kỹ có treo tấm bảng “Tiệm Bánh Mì Nhiên Hương”.
“Chiều nay thấy hoa cười chợt nhớ một người
Chạnh lòng tôi khơi bao niềm nhớ”
Mong ông yên nghỉ nơi “xa xăm phương trời ấy”
HUYN CHIÊU
Tháng Sáu 2020

(*) lời trong Trở Về Mái Nhà Xưa (NVĐ)



No comments:

Post a Comment