Nguyên
Giác
Nàng Ma Đăng Già
trong vở ca vũ nhạc kịch Chandalika.
Đôi khi một nụ cười lả lơi, một liếc mắt
say đắm, một lần nắm tay bất chợt cũng có thể dẫn tới một tai họa vô cùng lớn
lao. Cũng y hệt một tia lửa nhỏ có thể làm phựt cháy cả một khu rừng khổng lồ.
Một thí dụ rất cụ thể: nếu ngài Anan sa ngã, số lượng kinh Phật có thể sẽ chỉ
còn có phân nửa. Trí nhớ của ngài Anan rất mực siêu đẳng, nhớ hơn 10,000 Kinh
Phật trong Tạng Pali. Thống kê là riêng phần kinh (Sutta Pitaka), chưa kể phần
Luật và Luận, là hơn 10,000 kinh. Nếu ngài Anan bị cô nàng xinh đẹp Ma Đăng Già
chiêu dụ ra đời, các nhà sư khác thay thế không thể nào có trí nhớ như thế --
cũng tương đương như hình ảnh Thư viện Đại tạng kinh bị lửa cháy mất nửa phần
hoặc hơn.
Nghĩa là, tai họa đối với các Phật tử có
thể gọi là kinh hoàng, nếu ngài Anan xả giới, hoàn tục để “kẻ lông mày cho mỹ
nhân”… Tuy nhiên, nếu giả sử bạn là một cậu nhóc hay cô nhóc trong làng, trong
thời điểm 2,500 năm về trước, nhìn thấy cô nàng Ma Đăng Già níu kéo ngài Anan về
đời, có thể rằng trong tâm thức vô minh, cậu bé hay cô bé này sẽ chạy ra níu
kéo giúp, và hoan hô bà chị, “Chị Hai ơi, tới luôn. Dẫn Thầy về làm anh Hai
đi.” May mắn, các cô cậu trong làng mất bữa tiệc cưới vì ngài Anan được thần lực
của Đức Phật làm cho tỉnh lại, và từ sự tích này Kinh Lăng Nghiêm được hình
thành. Tích này không có trong Tạng Pali, chỉ có trong Tạng Sanskrit. Nhiều nghệ
sĩ thiên tài thế giới – trong đó có nhạc sĩ Wilhelm Richard Wagner (1813 –
1883) và thi sĩ Rabindranath Tagore (1861 – 1941) – đã dựa vào một chút say đắm
của ngài Anan để soạn ra các tác phẩm nghệ thuật lớn.
Trong khi đó, nhiều sách đời sau (do các
nhà sư và cư sĩ viết) đều nhìn cô tuyệt sắc giai nhân Ma Đăng Già qua các ngôn
ngữ nặng lời: ma nữ, dâm nữ, yêu nữ, kỹ nữ … Thực tế, bản văn gốc Sanskrit
không có những chữ nặng như thế. Bản tiếng Anh ghi lại trong sách “Introduction
To The History Of Indian Buddhism” (Giới Thiệu Lịch Sử Phật Giáo Ấn Độ) của
Giáo sư Eugene Burnouf viết trong tiếng Anh là “young girl” – hiểu trong tiếng
Việt là thiếu nữ, hay cô gái trẻ. Thêm nữa, nàng Ma Đăng Già sau đó xuất gia và
rồi chứng quả A La Hán. Nhưng các chữ nặng nề vẫn ghi trong các sách Bắc Tông
hơn hai ngàn năm qua.
Nhưng tuyệt vời là ngôn ngữ của Thầy
Thích Thiện Hoa, khi nhẹ nhàng gọi nàng Ma Đăng Già là “tín nữ ngoại đạo” --- một
chữ thích hợp với hoàn cảnh dân tộc Việt Nam trong các thế kỷ gần đây. Dĩ
nhiên, Thầy không muốn nói rõ “ngoại đạo” là tôn giáo nào. Trong bộ Phật Học Phổ
Thông của cố Hòa Thượng Thích Thiện Hoa, trong Khóa Thứ 6, nơi phần “Nguyên
Nhân Phật Nói Kinh Lăng Nghiêm” ghi nhận về sự tích này, trích:
“Theo lệ thường, mỗi năm đến ngày rằm
tháng bảy, là ngày mãn hạ, chư Tăng cùng trong tự tứ, để rửa sạch những hành vi
lỗi-lầm và những tưởng không tốt, cho giới thể được thanh tịnh, vì trong ba
tháng kết hạ an cư, chư Tăng đều thúc liễm thân tâm, trau giồi giới hạnh, tích
công lũy đức, nên đến ngày mãn hạ, các hành Phật tử cư sĩ đều đua nhau sắm đủ
các món trai diên, thỉnh chư tăng đến cúng dường, để gieo trồng cội phúc.
Hôm ấy, nhằm ngày húy nhựt của
Tiên-Hoàng, nên vua Ba-Tư-Nặc sắm đủ các món trân tu mỹ vị rất linh đình, rồi
chính vua thân hành đến rước Phật và chư Tăng về cúng dường. Cũng hôm ấy, các
hàng trưởng giả, cư sĩ đều sắm đủ thức cơm chay, cung thỉnh chư Tăng đến cúng
dường. Phật bảo Ngài Văn-thù chia ban, để đi đến từng nhà thọ cúng.
Trong lúc ấy, ông A-nan vì đã chịu người
thỉnh riêng trước, nên trở về chẳng kịp để dự vào hàng chúng Tăng thọ cúng. Ông
mang bình bát đi vào thành, oai nghi, tề chỉnh, bộ điệu chậm rãi, qua từng nhà
một để khất thực. Với tâm bình đẳng, ông muốn làm phước điền cho tất cả mọi người,
không phân biệt bậc quý phái hay hạng bình dân. Ông chỉ mong gặp những người
chưa biết làm phước, hôm nay phát tâm cúng dường, để họ được ương trồng hạt giống
lành, dặng ngày sau hưởng quả.
Vì lòng từ bi bình đẳng không lựa chọn,
nên ông tuần tự trải qua các xóm làng. Không may ông gặp nhà tín-nữ ngoại đạo,
tên Ma-Đăng-Già, dùng phép huyễn thuật là thần chú của Ta-Tỳ-Ca-La Tiên Phạm-thiên,
bắt vào phòng, dùng đủ lời dịu ngọt, vuốt ve mơn trớn, ép uổng về tình
duyên....
A-nan bị nạn, hết sức buồn rầu! Ông chắp
tay niệm Phật, hướng về Đức Chí-tôn cầu cứu! Phật biết A-nan bị nạn, nên khi thọ
trai xong không kịp thuyết pháp, liền trở về tịnh xá ngồi kiết-già, trên đảnh
phóng hòa quang ấy có ngàn cánh, trên hoa sen có đức Hóa Phật ngồi kiết-già,
nói thần chú Lăng-Nghiêm (mỗi buổi khuya các chùa đều tụng). Phật bảo Ngài
Văn-thù đem thần chú ấy đi đến chỗ nàng Ma-Đăng-già, để phá trừ tà chú, cứu nạn
cho A-nan.”
Thực tế, như thế là còn nhẹ lời, khi Thầy
Thiện Hoa gọi cô là “tín nữ ngoại đạo”… Chúng ta có thể hiểu rằng, nếu ngài
Anan ra đời, kể như Kinh Phật được ghi nhớ không nhiều như hiện nay vì không ai
có trí nhớ siêu phàm như ngài Anan. Về phía Phật giáo Bắc Tông cũng sẽ thiệt
thòi vô cùng tận, nếu Kinh Lăng Nghiêm không xuất hiện trên đời này. Chuyện
tích này cũng nêu bật yếu tố nữ quyền trong suy nghĩ của các nhà sư Bắc Tông: một
truyền thuyết ghi lời Đức Phật rằng ngài Anan và nàng Ma Đăng Già từng là vợ chồng
trong 500 kiếp, và trong kiếp cuối cùng gặp lại, nàng Ma Đăng Già chứng quả A
La Hán trước ngài Anan (khi Đức Phật viên tịch, ngài học giả siêu đẳng Anan chỉ
mới chứng quả Dự Lưu). Ghi nhận, ngài Anan ra đời trong giai cấp Sát Đế Lợi
(vua, quan), cao cấp thượng lưu so với nàng Ma Đăng Già ở giai cấp nô lệ
Praksti.
Nhạc trưởng Richard Wagner
Trong khi đó, nhạc sĩ Wilhelm Richard
Wagner đã biến câu chuyện này thành một vở nhạc kịch (opera), vì nhìn thấy
trong sự tích này có đầy đủ yếu tố gay cấn cho nghệ thuật. Wagner là nhà soạn
nhạc Đức quốc, nổi tiếng vì các vở nhạc kịch, một số vở của ông được xem như có
tính điện ảnh gay cấn. Wagner cũng được xem như một nhà cách mạng trong nghệ
thuật âm nhạc sân khấu, tổng hợp yếu tố thơ, hình ảnh, vũ điệu, nhạc, cá tính
nhân vật, và các nút thắt mở của kịch, qua khái niệm ông gọi là Gesamtkunstwerk
("total work of art" – toàn diện tác phẩm nghệ thuật).
Vở nhạc kịch về ngài Anan và cô Ma Đăng
Già do Wagner soạn có tên là Die Sieger (nghĩa là: The Victors; Những Người Chiến
Thắng). Hiển nhiên, chuyện này dưới mắt nhạc trưởng Richard Wagner có đầy đủ yếu
tố để mua nước mắt. Nếu câu chuyện này do một đạo diễn Hoa Kỳ làm thành phim có
thể suy đoán sẽ có những cảnh “lãng mạn hơn” mà chúng ta chắc chắn sẽ không
thích, vì các diễn viên Mỹ trên phim không hề có chuyện tình yêu đứng xa 6 feet
bao giờ.
Nhạc kịch Die Sieger được soạn ra trong
khoảng từ năm 1856 tới năm 1858, khi nhạc sĩ Wagner ưa thích đọc về Phật giáo.
Bản sơ thảo nhạc kịch còn sót lại cho thấy đây là câu chuyện Wagner dựa vào
sách “Introduction to the History of Buddhism” ấn hành năm 1844 của Eugène
Burnouf. Đó là chuyện cô thiếu nữ người Prakriti, thuộc giai cấp cùng đinh
chandala, tỏ tình với ngài Anan. Tuy nhiên, nhạc trưởng Wagner đã biến đổi cốt
truyện một chút. (1)
Vở nhạc kịch lãng mạn này của Wagner
chưa bao giờ được lên sân khấu. Về sau, một nhạc trưởng Anh quốc tên là
Jonathan Harvey (1939 – 2012) khi viết vở nhạc kịch Wagner Dream (Giấc Mơ của
Wagner) và trình diễn lần đầu tại Grand Théâtre de Luxembourg vào tháng 4/2007,
nội dung vở nhạc kịch là các sự kiện trong ngày cuối cùng trong đời của nhạc
trưởng Richard Wagner trong đó đan xen vào là vở nhạc kịch dở dang Die Sieger của
Wagner. Sau đó trình diễn ở Westergasfabriek, Amsterdam. Và rồi đưa về Anh quốc
trình diễn ngày 29 tháng 1/2012, và ở xứ Wales ngày 6 tháng 6/2013.
Nhà thơ Tagore.
Trong khi đó, nhà thơ Rabindranath
Tagore, người được Giải Nobel Văn Chương năm 1913, chuyển câu chuyện trong nhà
Phật sang một vở nhạc vũ kịch. Tác phẩm này của Tagore có tên là Chandalika, viết
trong năm 1938 và lần đầu lên sân khấu là ở thành phố Calcutta của Ấn Độ trong
cùng năm. Trong nhạc kịch có múa, hát, trong bối cảnh miền quê Ấn Độ.
Cô gái thuộc giai cấp thấp kém bị xã hội
xem thường tới nổi (trong vở nhạc vũ kịch) những người bán hàng rong ngoài phố
cũng không bán cho cô. Đau khổ vì sinh trong giai cấp thấp hèn, cô cằn nhằn mẹ
tại sao lại sinh ra cô, để đưa cô vào thế giới này. Trong nỗi phiền muộn
đó, cô đang ra giếng lấy nước thì gặp nhà sư Anan, người thị giả kế cận Đức Phật.
Lúc đó (theo vở nhạc vũ kịch) ngài Anan đang khát nước và mệt mỏi, mới xin chút
nước uống. Cô gái trả lời rằng cô thuộc giai cấp thấp và theo luật xã hội, nước
từ giếng do cô dâng cúng sẽ bị xem là ô nhiễm theo giới thượng lưu. Ngài Anan
trả lời rằng rất cả mọi người đều bình đẳng, mới ban phước cho cô và bước
đi.
Sự kiện đó làm cô tỉnh thức và ước
muốn gặp lại ngài Anan. Thế rồi một hôm, ngài Anan đi cùng vài nhà sư khác vừa
đi, vừa tụng kinh trong khi bước gần cô, nhưng không nhận ra cô. Cô nhớ thương
vô cùng, mới xin mẹ (người có học chú thuật) làm bùa mê để cô quyến rũ ngài
Anan. Thế rồi cô chạm vào bàn chân nhà sư Anan và xin ngài tha thứ vì đã lôi
kéo ngài xuống mức như nàng. Vở kịch kết thúc với hình ảnh ngài Anan ban phước
lành cho cô.
Cho tới hiện nay, vở nhạc vũ kịch
Chandalika của Tagore được trình diễn trên sân khấu qua nhiều ngôn ngữ, với nhiều
biến đổi tùy đạo diễn địa phương tại cả trong Ấn Độ và hải ngoại. Thời kỳ
Tagore soạn vở nhạc kịch là khi Ấn Độ còn bị thực dân Anh cai trị, trong khi giới
thượng lưu Ấn Độ bị cấm không được mùa, tiếp cận với dân nghèo giai cấp thấp.
Những điệu nhạc, múa, lời ca được các nhà bình luận nói rằng cũng là lời ám chỉ
tới cách biệt giữa thực dân Anh cai trị và thường dân Ấn bị trị, hiểu ngầm là lời
kêu gọi độc lập và bình đẳng, và trước nhất là kêu gọi nữ quyền.
Khởi đầu vở nhạc kịch là hình ảnh cô Ma
Đăng Già bị những người chung quanh (người bán sữa, người bán vòng trang trí cổ
tay và chân, và các cô gái mang hoa) vây quanh miệt thị. Cô mới gọi Trời/Thượng
Đế, người cô thờ phượng hàng ngày và đòi hỏi lời giải thích vì sao đưa cô vào cảnh
như thế. Cô ngồi tuyệt vọng, cằn nhằn mẹ cô. Lúc đó, ngài Anan xuất hiện trên
sân khấu, xin nước cho đỡ khát. Cô nói về thân phận thấp hèn, và được ngài Anan
nói rằng mọi người đều bình đẳng. Cô mới năn nỉ mẹ dạy câu thần chú quyến rũ,
đó là bài chú ‘Nagpash Mantra.’
Trang phục của cô là váy xanh lá cây, biểu
tượng thiên nhiên, trong khi trang phục mẹ cô là màu đỏ và đen, biểu tượng chú
thuật, và ngài Anan dĩ nhiên trang phục vàng, màu biểu tượng kham nhẫn của nhà
sư. Các vũ công múa hát theo từng diễn biến kịch, hiển lộ qua nét mặt, qua các
cử động tay và chân.
Đưa thêm môt góc cạnh, Thầy Nhất Hạnh kể
lại câu chuyện theo kịch bản có hơi khác. Trang Làng Mai ghi lời Thầy Nhất Hạnh
trong một lần pháp thoại:
“Thời của Bụt cũng có một cô gái
thuộc giai cấp hạ tiện, tên là Matanga. Cô này xinh lắm và cô yêu Thầy A Nan.
Chuyện bắt đầu xảy ra khi Thầy A Nan đi khất thực, khát nước, và ghé vào một
cái giếng để tìm nước uống. Thầy thấy cô gái kia đang múc nước. Thầy nói:
"Cô cho tôi uống một ngụm". Cô trả lời: "Con là con gái giai cấp
hạ tiện. Con đâu có quyền đưa nước cho Thầy uống". Thầy A Nan thấy tội
nói: "Theo giáo lý của Ðức Thế Tôn dạy, tôi không phân biệt giai cấp. Cô cứ
đưa cho tôi uống". Cô mừng quá, đưa nước cho Thầy uống, và từ đó cô tương
tư Thầy. Cô ngủ không được. Cô bị bệnh. Rồi cuối cùng cô bàn với bà mẹ mời Thầy
tới để cô có dịp tỏ tình. Và hai mẹ con đã dùng bùa chú, dùng một thứ lá cây
nào đó làm nước trà mà khi uống vào Thầy A Nan mất cả sự tỉnh táo. Thấy Thầy A
Nan quá giờ mà chưa về, Bụt sai các thầy khác đi tìm và may mắn kiếm được Thầy
A Nan trước khi Thầy làm một cái gì sai với uy nghi và hại tới giới phẩm. Thầy
A Nan uống xong thứ nước trà kia, biết là bị trúng độc, liền ngồi im vận dụng
phép thở khí công. Thầy thở theo chánh niệm và đợi các thầy khác tới giải cứu.
Các thầy cũng đem luôn cả cô Matanga về.” (2)
Nàng Ma Đăng Già quyến rũ ngài Anan.
Trong vũ nhạc kịch Chandalika
Chúng ta ghi nhận rằng câu thần chú của
Đức Phật để giải độc cho ngài Anan được Thầy Nhất Hạnh bỏ qua, để ghi là “thở
theo chánh niệm.” Cũng nên nhớ rằng trong Kinh Lăng Nghiêm có bài thần chú rất
dài. Đặc biệt, trong Kinh Trường Bộ DN 32, cũng có một bài thần chú hộ thân rất
dài.
Sự
tích ngài Anan gặp nàng Ma Đăng Già không có trong Tạng Pali, và chỉ có một bản
văn duy nhất trong Tạng Sanskrit. Sự tích này có tên là Śārdūlakarṇāvadāna
trong sách Divyāvadāna. (3)
Nơi
đây, chúng ta dịch lại sự tích này qua bản dịch của học giả Eugène Burnouf:
“Một hôm, Ananda, môn đệ của Đức Thích
Ca Mâu Ni, sau khi đi xuyên một miền quê thời gian dài, gặp một thiếu nữ người
mātangī, tức là thuộc bộ tộc cāṇḍāla, đang múc nước giếng, mới hỏi xin nước.
Nhưng thiếu nữ, lo sợ cô làm ô nhiễm ngài Anan khi chạm xúc, nên nói rằng cô
sinh trong giai cấp mātanga và cô không được phép tới gần một nhà sư. Ngài
Ananda đáp, “Chị ơi, tôi không hỏi chị về giai cấp hay gia đình cô. Tôi chỉ hỏi
xin nước, và xem chị có thể cho tôi chút nước.”
Tên cô gái là Prakṛti, theo truyền thuyết
là sẽ chuyển sang Đạo Phật, tức khắc yêu thương ngài Ananda, và cô nói với mẹ
cô rằng cô muốn trở thành vợ của ngài Ananda. Bà mẹ thấy trở ngại giai cấp, vì
ngài Ananda thuộc giai cấp vua-quan của dòng Thích Ca, và bản thân là anh/em họ
của Đức Phật. Bà mẹ mới dùng chú thuật để quyến rũ nhà sư tới nhà bà, nơi
cô Prakṛti trong trang phục đẹp nhất chờ ngài. Bị chú thuật lôi kéo, ngài
Ananda bước vào nhà, nhưng nhận ra nguy hiểm đang đe dọa, mới nhớ tới Đức Phật,
khóc và xin Đức Phật cứu.
Đức Phật tức khắc đọc bài thần chú đối
nghịch, giải trừ chú thuật của bộ tộc cāṇḍālī, và ngài Ananda thoát khỏi, bước
ra khỏi nhà. Nhưng cô Prakṛti theo tới cùng, quyết định tới xin Đức Phật và chờ
ngài dưới một cây, gần một cổng thành mà ngài phải bước ra sau khi khất thực. Khi
Đức Phật tới, được cô gái nói rằng cô yêu thương ngài Ananda và quyết tâm phải
theo. Đức Phật đưa ra một số câu hỏi, trong khi cô gái hiểu theo ý nghĩa yêu
thương nhưng các câu hỏi của Đức Phật là mang nghĩa tôn giáo, cuối cùng làm cho
cô nhận ra ánh sáng đạo lý và cô quyết định sống đời xuất gia. Như thế, Đức Phật
hỏi cô có đồng ý theo ngài Ananda không, tức là, có bắt chước đời sống đạo hạnh
của ngài Ananda không; rằng cô có muốn mặc cùng thứ trang phục ngài Ananda mặc
không, tức là, trang phục tu sĩ; rằng cô có được phép ba mẹ không. Đó là các
câu hỏi luật đòi hỏi đưa ra với người muốn trở thành tu sĩ Phật giáo. Cô gái trẻ trả lời muốn. Đức Phật đòi thêm
sự chính thức đồng ý của ba mẹ, và ba mẹ cô tới xác nhận rằng họ chấp thuận tất
cả những gì cô gái muốn. Và rồi, nhận ra mục tiêu chân chánh của người nàng yêu
thương, cô mới thấy sai lầm ban đầu của cô, và tuyên bố cô quyết định sống đời
tu sĩ. Lúc đó, Đức Phật, nhằm chuẩn bị cho cô thọ giới, mới sử dụng thần chú
(magical formula, tức dhāraṇī) để làm thanh tịnh các tội lỗi và lậu hoặc cho
cô.
Các vị bà la môn và các gia chủ trong
thành Śrāvastī nghe tin một cô gái giai cấp cāṇḍāla được Đức Phật đón vào hàng
tu sĩ, mới tự thắc mắc: Vì sao cô gái giai cấp thấp này có thể hoàn thành nhiệm
vụ của ni sư và cho những tín đồ tín phục? Vì sao con gái của một gia đình cāṇḍāla
có thể bước vào ngà của các vị Bà la môn, Sát Đế Lợi, các gia chủ và những người
giàu có?”
Nhìn lại, vô cùng may mắn cho chúng ta,
vì nếu ngài Anan bước chệch ra đời, và nếu người trùng tuyên kinh không phải
ngài Anan, kinh Phật sẽ không được ghi lại nhiều như bây giờ. Chúng ta có thể
thấy câu chuyện rất cấp tiến, bình đẳng và nữ quyền – đặc biệt đoạn kết rất có
hậu, nghĩa là nếu chúng ta là các cô, các cậu nhóc trong làng đang chứng kiến
nàng Ma Đăng Già say đắm ngài Anan, khi khép màn sân khấu chúng ta sẽ nói, “Chị
Hai ơi, tới luôn. Cho tụi em theo chị gia nhập tăng đoàn với.”
NG
GHI
CHÚ:
(3)
Śārdūlakarṇāvadāna: https://suttacentral.net/divy33/san/vaidya
No comments:
Post a Comment