Đỗ
Hồng Ngọc
Để Làm Gì không phải là để làm
gì mà là để làm gì.
Chẳng phải là một câu hỏi. Cũng chẳng là
một thở dài, một cảm thán… Không. Nó chỉ Để
Làm Gì vậy thôi.
Sách về đã ba bốn hôm, mình cứ băn khoăn
có nên viết đôi dòng về cuốn “Tạp văn” mới mà không mới này gởi đến bạn bè thân
thiết không? Nhớ ông cậu Nguiễn Ngu Í của mình ngày xưa, có ý định in một cuốn
sách có tựa là Tạb Nhạb (theo kiểu viết của ông) mà đến cuối đời, ý nguyện vẫn
chưa thành: “bao nhiêu chí trẻ rồi tro bụi/ một thoáng tình xa cũng ngậm ngùi”
(thơ Ngu Í).
Mình đang buổi “về thu xếp lại” mà, nên cứ
loay hoay thu thu xếp xếp, khiến người bạn trẻ mới tuổi năm mươi nơi xa kia
trách sao anh nói thu xếp gì đâu mà cứ thấy bày biện ra thêm… Ơ hay. Thì cũng
phải bày biện ra rồi mới gom góp, chọn lọc, chắt mót, lượm nhặt, thu thu xếp xếp
được chứ!
Như trong “lời ngỏ” tập này, mình đã viết:
…Rồi một hôm, trong buổi “về thu xếp lại”,
tôi gom góp một số bài tùy duyên, tùy hứng, tùy nghi, tùy hỷ … bấy lâu mình
thích mà làm thành một “Tập”, mà tôi gọi là Tạp bút như một món quà lưu niệm
dành riêng đọc vui một mình, rồi biết đâu cũng có người “đồng điệu”, cũng “nòi
tình” mà cùng sẻ chia trong chốn thân quen…
Không ngờ mà khi thu xếp, gom góp lai rai
như vậy, tôi đã không cầm được nước mắt khi đọc lại “nỗi cô đơn uy nghi” của Võ
Hồng, “người ta ở bển” của Trần Vấn Lệ, “gọi chiều nước lên” của Trần Hoài Thư,
và “lắm nỗi không đành” của Võ Tấn Khanh…
Rồi cũng không thể không cười một mình với
“làm mới thơ”, với “vơ vẩn cùng Mây” với “hỏi không đáp, bèn…”
Rồi lại cũng không thể không trầm ngâm ngẫm
ngợi với “để làm gì”, với “sáng, trưa, chiều, tối”…
Mít ướt. Nó vậy đó. Biết sao.
Người đầu tiên tận tụy giúp tôi “thu xếp”
là bạn 5 Hiền, tức Nguyễn Hiền-Đức đã viết mấy dòng thiệt dễ thương như vầy:
Đọc kỹ Để
Làm Gì, Hiền thấy nó rất “mới”, rất “lạ”. Lâu nay bạn đọc vẫn quen với mảng
sách y học, rồi Phật học, chứ chưa đọc được thể loại tạp bút Đỗ Hồng Ngọc. Tập
tạp bút này sẽ khiến người đọc tò mò, thú vị hơn “Nhớ Đến Một Người”, lại sâu lắng,
chắt lọc hơn “Ghi Chép Lang Thang” lại vừa bàng bạc những nỗi niềm của “Thư Gửi
Bạn Xa Xôi”. Vì thế Hiền rất muốn, sau khi sửa chữa, bổ sung Thầy nên, rất nên
cho xuất bản tạp bút này nhe.
Rồi anh Hai Trầu Lương Thư Trung cũng khuyến
khích:
Xin đa tạ Bác sĩ đã gởi cho đọc tạp bút
này; mà thực sự đây là những bài “tùy bút” rất hấp dẫn, chẳng những bác sĩ nắm
tay dẫn người đọc đi thăm khắp các miền với cảnh với người xưa cùng thăm luôn đời
sống của cư dân xưa qua mỗi bước chân đời của bác sĩ nữa nên đọc hoài hổng biết
ngán!
Làm sao mà không mê những dòng cảm xúc khi
tác giả nhớ đến những chuyến phà Vàm Cống, An Hòa của cả vùng sông nước quen
thân mà tôi biết bao lần chờ Bắc chờ đò để qua sông qua biết bao mùa mưa nắng ấy!
Làm
sao mà không mê những cảm xúc khi một bác sĩ với kiến thức uyên bác cùng kinh
nghiệm già giặn mấy chục năm vậy mà khi bắt gặp “những mùa màng ngày cũ” như bắt
gặp lại chính mình ở vùng quê Phong Điền ngày nào của tuổi ấu thơ qua bài “Còn
thương rau đắng”?
Làm sao mà không nôn nao trong lòng đôi lúc
muốn rụng rời khi nghe câu hỏi “Năm nay người có về ăn Tết?”
Còn nhiều và nhiều lắm những trang sách rất
chân tình và đầy cảm xúc như thế, nhiều lắm không làm sao kể cho hết qua vài
hàng xúc cảm bồi hồi khi mở ra đọc liền lúc vừa nhận được sách còn nóng hổi này
vậy!
Tôi có một điều ước là “phải chi sắp tới
có sách in trên giấy thiệt” thì chắc đọc còn mê hơn nữa!
Nhà văn Nguyễn Lệ Uyên gởi mấy dòng:
“…Đọc hết rồi, đọc trên máy. Mở chữ lớn
ra mà đọc muốn bay 2 tròng kính!
Đọc xong thấy cái đầu nhẹ, như thể chữ
nghĩa trong tạp bút Đỗ Hồng Ngọc là bàn tay em Cô-Vy 19 mát xa!
Có điều anh hơi “thiên vị” khi “dồn lại”
những gì gọi là tinh túy cho xứ Phan Thiết tài hoa của anh thì phải?
Vui nghen.
NLU
…
Vậy đó, cho nên mình đánh bạo đưa cho Nhà xuất bản Tổng hợp xem sao.
Một người bạn trẻ của Nhà xuất bản đọc bản
thảo, viết môt cảm nhận bất ngờ:
Lững thững, dễ thương, hóm hỉnh. Mỗi bài
viết mỗi góc cạnh mới.
Vừa đọc vừa hồi hộp, vừa vui sướng kiểu
như đợi từng con chữ hiện ra.
Không biết tác giả đang đưa mình đi đâu
đây. Nên cứ thế mà trôi. Trôi rồi cũng có lúc neo mình lại để suy nghĩ, để ngẫm
ngợi.
Và thấy hình như mình có thấy mình trong
đó. Nhận ra mình cần chậm lại, để nghe trái tim lên tiếng, để cảm nhận những
chuyển biến, dù là nhỏ nhất xung quanh mình, trong bản thân mình.
Rồi những bùi ngùi, hụt hẫng khi có những
chuyện xưa. Một thời ta sống cùng nó, nay đã không còn như vậy nữa…
Đọc
“Để làm gì” không phải để tìm thấy câu trả lời mà rốt cuộc chỉ để nhận ra mình
cần sống tỉnh thức trong hiện tại, với những cảm xúc thực của mình: vui, buồn,
thương, nhớ, thảng thốt, mến yêu… Biết
để sống, biết để thương, với tấm lòng nhạy cảm, rưng rưng với mỗi sự thay đổi
quanh mình.
Với những ai đã ở cái tuổi trải nghiệm
nhiều, “bùi nhùi” đã sẵn, thì nên cẩn thận,
bởi từng trang sách như từng hơi thở, sẽ sẵn sàng làm bùng lên những cảm xúc
sâu thẳm nhất của con người: tình bạn, tình quê, tình đời, tình người… tình
nhân gian…
Hôm qua, bèn mời hai người bạn già thân
thiết gần 60 năm qua – mà người trẻ nhất nay đã 75, ra nhâm nhi cà-phê Đường
Sách làm cái gọi là “ra mắt” Để Làm Gì vậy:
Từ trái: Đỗ Hồng Ngọc, Thân Trọng Minh, Lê Ký Thương
(Đường Sách Saigon, 5.6.2020).
Mấy ngày trước đó, Lê Ký Thương cũng vừa
in tập Dịu Ngọt Lời Quê, gom góp một
số bài viết ngắn “dịu ngọt” của mình làm kỷ niệm. Khuất Đẩu còn in hẳn một tập
hoành tráng: Tám Mươi Năm Soi Bóng Mình,
trong khi Thân Trọng Minh tự ‘xuất bản” cuốn Lữ Kiều Thân Trọng Minh và Những
người bạn, do Nguyễn Hiền Đức thực hiện… Lại nghe Nguyên Minh sắp in một tập 800 trang khổ 16 x 24cm! Thiệt
vui.
Từ trái : Thân Trọng Minh, Lê Ký Thương, Khuất Đẩu,
Nguyễn Lệ Uyên, Đỗ Hồng Ngọc…
Thì ra, mình chẳng đơn độc tí nào!
“Vui thôi mà”, Bùi Giáng nói vậy phải
không?
Thân mến,
ĐỖ HỒNG NGỌC.
(Saigon, ngày
06.6.2020)
No comments:
Post a Comment