Nguyễn
Quang Chơn
Tập
sách của anh Đỗ Hồng Ngọc gởi bằng bưu điện, đến với mình vào đúng trưa mồng
năm tháng năm âm lịch, ngày giỗ ông Khuất Nguyên. Sách được anh bọc cẩn thận
trong một bao gương sạch, đẹp, với “người gởi”, “người nhận” rõ ràng, trang trọng.
Tập sách này đã được thấy, đã được nghe,
trên trang nhà dohongngoc.com của anh rồi. Mình đã từng tìm trong hiệu sách mà
không thấy. Giờ nhận quà từ tác giả qua bưu điện, thấy cuốn sách đẹp hơn, giá
trị hơn và...nặng ký hơn!...
Đó là cuốn “Để làm gì” của anh mới in
tháng 5/2020. “Để làm gì” không hỏi, chấm, làm người ta dễ đặt câu hỏi: ông đặt
tựa như vậy để làm gì?
“Để làm gì” thì thường ở thể nghi vấn,
còn được dùng ở thể khẳng định nữa. Nên phải đi kèm với dấu hỏi hoặc dấu than.
Còn ở đây không có dấu gì, dạng “trung tính”, thì phải xem trong đó ông ấy viết
gì!...
Đọc lời mở. Đã thấy sơ sơ ý của tác giả.
Lật trang kế tiếp, đã thấy bài quen quen. Tiếp tục cũng quen quen. Vậy ra anh
chọn lọc những bài ký, bài tản mạn...đã in rải rác đâu đó trên nhiều ấn bản để
làm thành một selection kỷ niệm tuổi 80, cái tuổi mà anh hay nói với tôi là
“già tới nóc”. Bộ già tới nóc là hết già rồi sao? Già thêm một tí nữa thì sẽ lọt
qua cái nóc, rớt cái bịch không chừng. Có lẽ bởi thấy mình tới nóc. Nên anh dừng...già
lại, giở mấy cuốn sách cũ ra xem. Hứng, nên chọn. Vui, nên gom lại một tập. Rồi
anh lại nghĩ. Mình viết nhiều, in nhiều, nhiều thể loại. Từ thơ, văn, đến
nghiên cứu, khảo luận, và nhất là Phật pháp. Rồi anh hỏi. Mình viết nhiều vậy
“để làm gì?” Biết đâu có ai đó đọc xong rồi tặc lưỡi, viết mấy cái này chi, chẳng
“để làm gì!” Hoặc, một người lững thững, “để làm gì....”...
Nên chi, thôi thì tập hợp lại mấy bài viết
hồi hườm hườm, hồi già già, hồi già tới nóc, mà chỉ là những tản mạn, những ký.
Dạng văn này thì nó không làm nhọc lòng ai, người đọc không nghĩ ngợi chi nhiều,
không đi sâu vô một cái gì, nó vui vui, nó chẳng làm gì...., và, vì vậy, anh lấy
một cái tựa “Để làm gì” để dành cho độc giả ghi tiếp thêm, sau khi đã đọc. Người
thắc mắc thì thêm dấu hỏi (?). Người không ưa thì thêm dấu than (!). Và người
trầm tư hơn thì thêm ba chấm (...)...
Nhưng tuyệt vời nhất là ông hoạ sĩ Mai Quế
Vũ, ông trình bày cái bìa với một nét cọ mực xạ hình tròn phóng túng ôm cái tựa
“Để làm gì” của tác giả. Cái vòng tròn mang “tánh không” đó là đủ bao trùm cả dấu
hỏi, dấu than, dấu chấm, dấu gì gì đó nữa hết rồi. Bởi dấu nào cũng rứa, cũng
là không! Cái ánh sáng màu trắng tinh khôi không sắc màu kia chẳng phải đã mang
đủ trong nó cả đỏ xanh vàng lục lam chàm tím...đó ư?
Nên chăng, “để làm gì” của ĐHN đã có đủ
các dấu trong đó rồi. Đọc đi, rồi nghĩ gì thì nghĩ, để làm gì cũng được!...
NGUYỄN
QUANG CHƠN
Tối thứ bảy, 27/6/20
No comments:
Post a Comment