Monday, June 1, 2020

NGAY BỆNH


Đặng Mai Lan

Nhà văn Đặng Mai Lan

     Vị bác sĩ nói với tôi, bà quyết định đi nhé, nếu đầu óc bà thật sự thư thái, không điều gì lo nghĩ thì bà có thể nhập viện trong hai tuần lễ nữa. Nhưng bà vừa đi nghỉ hè về, trông bà khỏe mạnh với làn da rám nắng thế kia thì tôi tin chắc bà sẽ không có vấn đề gì đâu.
Điều gì nguy hiểm sẽ xảy ra sau khi giải phẫu, nếu tâm trạng tôi không được vui ?

     Algodystrophie ! Gần ba thập niên sống ở đất nước này, vào ra bệnh viện nhiều lần nhưng tôi chưa hề nghe qua từ ngữ ấy.
    Về nhà, tôi mở máy lên google ráo riết tìm tất cả mọi định nghĩa về căn bệnh. Nhưng kết quả vẫn không hơn những gì ông Bác sĩ đã nói với tôi. Đó là một sự đau đớn khác thường, ngoài cái đau của vết thương. Và cái đau ấy, nếu có, sẽ xuất hiện sau khi mổ. Nguyên nhân thì không rõ ràng. Các nghiên cứu chỉ cho biết triệu chứng này thường xảy ra cho những bệnh nhân mang một tâm trạng bất ổn.
    Đau thì tôi đã đau rồi, từ hai năm nay bởi những chất vôi đóng trong bả vai, nơi những đường gân co giãn. Chúng làm trì trệ tất cả mọi cử động. Những ngày mùa đông, khi nhiệt độ xuống thấp, thời tiết băng giá bên ngoài cho tôi hiểu thế nào gọi là « đau thấu xương ». Buổi sáng thức dậy, cánh tay không thể nào dơ lên cao. Cao lắm là chỉ với được tới màng tang. Nên dù thế nào thì tôi cũng phải lấy nó ra trước khi mùa đông đến.
     Người y tá vào phòng cho tôi một viên thuốc gọi là để thư giãn tinh thần. Nhưng sau khi uống viên thuốc vào thì tôi lại bắt đầu lo sợ. Tôi đợi nhân viên của bệnh viện đem băng ca đẩy tôi xuống phòng mổ nằm sâu dưới những tầng lầu. Tôi đợi người nào đó chích trên mu bàn tay của mình, cắm vào một cái kim dài để chuyền từng giọt nước biển vào cơ thể. Rồi họ sẽ tiêm một mũi thuốc vào cái ống nhựa mềm trong vắt ấy, và tôi sẽ ngủ,  như bao lần trước.

      Để  bù cho những ngày phải nằm nhà dưỡng sức đã được tiên liệu trước, tôi mua vé máy bay, bay về Việt-Nam. Tôi đã theo đòan du lịch đi suốt miền Trung, để tìm biết nơi tôi được sinh ra. Tôi đi xuyên qua những tỉnh lỵ dọc Trường Sơn. Những bãi biển, những bến sông, những cây cầu, ruộng đồng và làng mạc. Qua Phá Tam Giang, bâng khuâng nghĩ về thi sĩ Tô Thùy Yên, vậy mà  lại không sao trả lời câu đố của cô bé hướng dẫn viên về một bài hát rất hay nói về địa danh này. Dù cô đã cho biết thêm rằng người nhạc sĩ sáng tác là ca sĩ Nhật Trường - Trần Thiện Thanh. Chiều trên phá Tam Giang anh chợt nhớ em. Trời ơi, tôi trách tôi có vậy mà không nhớ, cứ loay hoay mãi trong đầu về một vùng Biển Mặn « Cao ngất Trường Sơn, ôm ấp tình thương nước ra sông buồn ».
Nhạc của ngày xưa bây giờ được hát lại, sau một thời gian bị cấm đoán. Băng đĩa bán đầy ở các cửa tiệm. Cô hướng dẫn du lịch tên Loan, còn rất trẻ, có lẽ sinh sau năm 1975. Cô thích âm nhạc, ca hát. Cô biết đến tên nhạc sĩ đã là khá. Nếu cô không biết ông Tô Thùy Yên là ai, thì cũng chẳng có gì đáng trách.
       Và tôi đã được đi qua Đại Lộ Kinh Hòang, nhìn thấy dòng sông Thạch Hãn. Rồi cầu Hiền Lương, sông Bến Hải. Những địa danh nhắc nhớ tôi về một mùa hè đỏ lửa của Phan Nhật Nam.
       Tôi còn nhớ , Loan đã ra hiệu cho xe chạy chậm lại, cốt ý chỉ cho chúng tôi nhìn thấy một tượng đài kỷ niệm phía xa. Xa, nên mọi người  chỉ nhìn thấy nó như một bức tường sắt,  được thành hình bởi những cái khung mang hình quả trám. Những quả trám kim khí này được xếp chồng chéo lên nhau một cách đều đặn, khít khao. Loan giải thích,  hình ảnh ấy tượng trưng cho hai mươi giọt máu. Máu của hai mươi chiến sĩ bộ đội đã tử thủ trong cuộc giao tranh khi « giải phóng » vùng đất này.
      Tôi im lặng, ngậm ngùi nghe giải thích nhưng không khỏi bật cười khi nghe một anh bạn đồng hành người Nam vui tính nói nhỏ bên tai tôi rằng, nếu em Loan đố thêm một bài hát khác, nói về vùng đất này, thì tui sẽ hát bài … Cờ bay, cờ bay tung trời  trên thành phố thân yêu, « giải phóng » lại đêm qua bằng máu…
      Ôi,  những nụ cười tưởng vui mà buồn trên môi người dân, ở hai miền đất nước.

       Từ giã miền Trung, tôi đi Hà Nội. Đi không những chỉ tìm biết mà là tìm lại.
       Tôi đi tìm Hà Nội của nửa thế kỷ trước. Tìm lại bằng quá khứ vay mượn của người khác, thêm vào trí tưởng tượng của chính mình. Tôi tìm Hà Nội  qua những tác giả, những tác phẩm tôi đã đọc, đã học thuở xưa.
      Du khách khi đến Hà Nội, thường được đưa đi thăm hồ Hòan Kiếm, Hồ Tây, chùa Trấn Quốc, Văn Miếu v…v… Tôi lại muốn biết thêm về con đê Yên Phụ, một ngày mưa lũ của Khái Hưng trong tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn nằm ở nơi nào, khi chiếc xe car chở chúng tôi đi trên con đường mang tên Yên Phụ. Ở Hà Nội, người hướng dẫn là một cậu thanh niên, cũng còn quá trẻ. Đê Yên Phụ lại không phải là một cứ điểm du lịch. Nên chẳng có câu trả lời nào chính xác cho tôi. Đường Yên Phụ, phố xá sầm uất, nhộn nhịp. Nghe đâu đã có cuộc dành đất cất nhà, lấn đê. Có lẽ vì thế mà chẳng thấy đâu là đê điều, bờ bãi.

     Rồi tôi về Sài-Gòn. Nắng miền trung làm da tôi đen xạm. Tôi không có vẻ gì là một Việt kiều vì tôi đi bộ, đi xe bus nhiều hơn đi Taxi. Tôi rành những tuyến đường xe bus hơn các em tôi. Nơi này trước là một trường trung học tư thục, chỗ kia là một quán cà phê. Trong bước lang thang, tôi thích thú khi bất ngờ tìm thấy lại những cái gì của ngày trước, dù nay đã không còn, đã thay hình đổi dạng.
     Tính ra, những ngày ở Việt Nam tôi ngủ khách sạn, ăn cơm ở các hàng quán nhiều hơn là ở nhà. Toàn những chuyến đi ngòai dự tính.
      Hà Nội là một khám phá, Hà Nội êm ả thơ mộng. Sài Gòn đầy bụi, khói xe và tiếng động. Tuy nhiên tôi vẫn thích ở Sài Gòn hơn vì Sài Gòn là kỷ niệm. Và thật lạ lùng, khi về miền Trung, nhất là Quảng Trị. Đi trên những con đường xuyên qua rừng cây, đồi cỏ, có những đụn cát trắng như tuyết lóng lánh dưới mặt trời. Một nơi chốn đã trải qua bao nhiêu tang tóc, khổ hạnh. Sao tôi lại thấy yêu miền đất này quá, luyến lưu quá khi giã biệt.

     ... Tôi đang nhớ về những ngày rong chơi miền xa, hạnh phúc khi trở lại nhà với gia đình nhỏ của mình.
     Algodystrophie không thể nào đánh ngã được tôi. Song nỗi lo sợ mà tôi không muốn nghĩ tới lại quay về. Chẳng riêng gì tôi, tôi tin rằng không nhiều thì ít, có lẽ những bệnh nhân nào trước khi vào phòng mổ cũng đều lo lắng về một bất trắc xảy ra khi bị gây mê, sợ rằng sẽ ngủ luôn không bao giờ thức dậy.
     Và giây phút chờ đợi cũng đến. Tôi cố gắng mở to mắt, nhìn rõ một người đang cúi xuống cười với tôi trong lúc chích mũi thuốc vào ống chuyền nước biển.

      Sau nhà tôi là một công viên nhỏ. Chỉ có cỏ và những tàn cây phong, cây dẻ. Những ngày trời gió lớn, nếu quên đóng cửa sổ nhà bếp, nằm trong phòng ngủ có thể nghe vọng vào một thứ âm thanh tựa như mưa đang rơi đều phía ngòai. Thực ra chỉ là tiếng rì rào của lá và gió.
      Nằm bệnh viện bốn ngày, khi tôi trở về nhà, những tàng cây dầy lá ấy đã bị hòan tòan đốn sạch. Đám cỏ bên dưới cũng không còn. Khỏang không gian xanh mướt ngày trước bây giờ là một vùng đất bị đào xới ngổn ngang, khô cứng. Con gái tôi nói, nó rất đau lòng khi nghe những tiếng cưa cắt và nhìn thấy các thân cây bị ngã xuống. Tôi im lặng, nhìn đống đất khô với những đường rãnh đào xới một cách vô cảm.
      Nỗi im lặng vô cảm ấy lại đến khi tôi đứng ở cửa sổ nhìn xuống khỏang sân nhỏ trước cửa chung cư. Nơi, có ghế đá, bồn hoa, và các ngọn đèn dựng đứng với các bóng đèn to tròn, màu trắng đục. Nơi, có một lối đi tắt để ra ngòai đường lớn, được rào chắn bằng những hàng cây thấp mà cô con gái lớn đi làm xa nhà, về thăm tôi hai ngày cuối tuần, đã vừa biến mất ở một khúc quanh trên lối đi đó. Con bé phải đón xe ra nhà ga thật nhanh cho kịp chuyến xe lửa mười giờ về lại Paris.
      Bỗng dưng tôi sợ hãi. Tối Chủ Nhật, chỉ mới hơn chín giờ mà sao khu cư xá vắng vẻ một cách không bình thường. Tôi cố gắng nhìn về phía bồn hoa, những băng ghế, mong nhìn thấy một bóng người. Một người già hay một thanh niên nào đó dẫn chó đi dạo. Nhưng hòan tòan không có ai. Và những bóng đèn màu trắng kia, nhìn chúng lạnh lẽo một cách kỳ lạ. Màu trắng mang một vẻ tang ma. Thứ đèn trắng được đặt trên những cỗ quan tài hay trước cổng của những ngôi nhà có tang.
      Tôi quay vào, đi loanh quanh trong nhà. Đứa con gái nhỏ của tôi đi chơi chưa về. Tất cả im lặng từ trong ra ngòai. Tôi thèm nghe một tiếng động. Như tiếng mưa lá rì rào sau cửa bếp những ngày gió, nhưng tối nay trời không có gió. Tôi nhìn xuống cánh tay của mình, cánh tay mặt bắt buộc phải vắt ngang ngực được bó chặt bằng một cái đai. Sao tôi không hề đau đớn, không cảm giác? Hay là tôi đã chết, hiện tại chỉ là tôi, một linh hồn đang trở về thăm lại nơi đã sống. Tôi cố nghĩ tới người đã tiêm mũi thuốc mê vào ống nước biển khi tôi nằm trong phòng mổ. Nhưng lại không nhớ nổi người ấy là một ông hay một bà. Trí nhớ chỉ khoanh lại cho tôi một nụ cười. Có thể tôi đã chết thật rồi chăng !
Tôi thức dậy lúc sáu giờ ba mươi sáng. Bằng một bàn tay, tôi phụ giúp con gái dọn bữa ăn sáng. Tôi bỏ cà phê vào máy, bỏ đường vào tách trong khi con bé đi tắm. Mùi thơm của cà phê  tỏa lan khắp gian bếp. Tôi sung sướng được nghe tiếng nước róc rách chảy từ vòi sen. Sung sướng được nghe tiếng gót giày của con tôi gõ trên những nấc thang dẫn xuống đường. Con bé  vừa khuất sau cái khúc quành như chị nó hôm qua. Những ngọn đèn trắng đục vẫn còn đang cháy sáng. Rồi tôi sẽ đi làm lại, mỗi sáng tôi sẽ rất bận rộn, sửa soạn khăn áo đến sở làm như con gái tôi. Sao tôi nhớ sở làm và thèm đi làm đến thế.
      Tôi vào bếp, cũng bằng một bàn tay, cố gắng bóp nát mớ ruột bánh mì thừa và để ngòai hàng hiên cho lũ chim đến ăn. Lâu rồi, tôi không cho chúng ăn vì không muốn nhìn thấy phân chim loang lỗ trên thềm. Tôi sợ sự dơ bẩn. Sợ phân chim lâu ngày sẽ bám cứng, ăn mòn những song sắt của hàng rào. Tôi không có thì giờ để làm cái công việc lau chùi một cách vô lý ấy. Nhưng bây giờ tôi lại muốn cho chúng ăn, tôi mong nhìn thấy những đôi mắt nâu hiền hậu. Tiếng chí chóe giành ăn của lũ chim sâu…
     Tôi muốn nghe được mọi tiếng động của đời sống, của sự sống quanh tôi. Đừng lặng thinh như nỗi chết. Dù nhộn nhịp tươi vui hay buồn tẻ, dù tiếng động ấy chỉ là tiếng ríu rít của những con chim nhỏ ngòai sân.
ĐẶNG MAI LAN


No comments:

Post a Comment