Tuesday, June 30, 2020

THƯ GỬI NGUYỄN THỊ THỤY VŨ. LẠNH TANH VỚI CHÍNH MÌNH


Lê Chiều Giang

Giang và Thuỵ Vũ

     Trong một lần giận chồng tê tái, tôi vùng chạy khỏi căn chung cư nhỏ, lẫm đẫm đi dọc theo hàng cây bọc dài quanh con sông trước nhà.
     Cái dễ thương nhất của những cuộc “bỏ nhà ra đi”, là chúng ta luôn ngoái cổ tìm xem “đối thủ” có cuống quýt chạy theo, có hoảng hốt gọi mình trở lại hay không?
     Nghiêu Đề đã chẳng làm điều đó, tôi chợt hiểu ra và thấy mình sai sai trong những giận hờn vô lối sáng nay.
     Sẵn chiếc ghe của Bà Mười đang chờ đón khách, tôi vùng vằng “sang song”. Không hiểu có phải sự làm nư như muốn ăn vạ của tôi đã khiến chiếc thuyền chòng chành, chao đảo đến nỗi nó suýt nghiêng xuống nước ? 
     Cũng chẳng biết qua tới bờ bên kia rồi tôi sẽ đi đâu? Nhảy xuống sông thì chắc không nỡ bởi tôi còn mê “sống” lắm...
     Con đường cát trắng ngoằn ngoèo dài như vô tận, dẫn tôi qua nhà chị Thuỵ Vũ bên Làng Báo Chí. Chị Vũ và anh NĐToàn dùng chiếc ghe nhỏ của bà Mười như chiếc cầu nối để thường xuyên sang thăm chúng tôi ở Cư Xá Thanh Đa. Hôm nay, lần đầu tiên tôi vất vả tìm sang nhà chị, một mình.
     Hồ Trường An hỏi thăm đủ điều khi tôi ngồi chờ chị thay áo, chải tóc. Dù bất ngờ có thêm tôi, chị Thuỵ Vũ cũng rủ để cùng đi gặp ai đó mà chị nói là sống ở... xa lắm. Cái nơi “xa lắm” đó giờ nhớ lại tôi nghĩ chắc chỉ là Phú Lâm hay Chợ Lớn. Sau vài chuyến xe lam, chúng tôi đi bộ, lội tắt vô những ruộng những đồng xa khuất hẳn với đường phố ngoài kia.
      Ngạt ngào trong gió, tôi ngửi ra mùi của trầm hương. Nhưng nơi chúng tôi dừng lại trông chẳng có vẻ gì là một ngôi Chùa. Rất đông người xàng qua lượn lại trong một cái sân nhỏ, tay mang những dĩa hoa quả, nhang đèn và tiền âm phủ. Anh Hồ Trường An giờ mới tiết lộ cho biết, chúng tôi đi coi ... “Hầu Đồng”. Hết hồn vì sợ hãi đến nỗi tôi chỉ muốn tìm đường tẩu thoát, nhưng làm sao tôi dám rời khỏi nơi đây một mình? Và thật lạ, chỉ với cái nắm tay của chị Thuy Vũ sau đó đã làm tôi yên tâm. Tôi ngồi khoanh tròn chân chờ đợi, cứ như một “đồng” rất lâu năm và chuyên nghiệp.
     Bạn anh Hồ Trường An, Sìn, người mà tôi muốn chào bằng “chị” thì chị Vũ nhắc tôi gọi là “Anh”. Lúng túng với nhiều nhân vật chẳng biết Ông hay Bà chung quanh tôi hôm đó, khiến tôi chỉ còn biết ngồi im với hương khói cay xè mắt như sắp khóc và chuông mõ rộn ràng.

     1975, cái mốc của nhiều điều và nhiều thứ... Tôi chẳng muốn than đi thở lại làm gì cả hằng trăm chuyện, mà thiên hạ đã nói gần hết. Nhưng làm sao để tôi có thể quên hình ảnh rã rời của chi Thuỵ Vũ, những lần chị ghé chơi nhà sau một ngày đi làm mệt mỏi . 
     Một ngày mà 12 tiếng bán vé trên những chuyến xe buýt tràn ngập những người là người. Chị mong manh và nhỏ bé, chị kiệt quệ rão rệu trong inh ỏi, điên đầu của một Sài Gòn náo loạn những âm binh...
     Nhờ sự tử tế của một cô bạn thân đang làm ở “Bộ Giao Thông”, chị Vũ được đi bán vé xe buýt, và dù chỉ với đồng lương thời bao cấp ít ỏi như thế, chị phải vặt vẹo nuôi nấng Khôi Hạo, Bé Thuỵ và Tí Teo. Ông Sìn, người tôi gặp trong Chùa vài năm truóc đó, sau  75, đã về ở để giúp chị cơm nước, chăm sóc mấy nhỏ khi chị không có nhà.

     Bé Khôi Thuỵ, một vết sẹo ngang xương của đời, một gắn bó kỳ lạ từ mối tình mà chị thường đắng cay, trì triết : “Khi lấy Chả”, coi như là mình đã xí hết những trầm luân từ một tỷ những “Thằng Cha”; có mặt trên cái thế giới này rồi !”
    Chị có sắc mặt lạnh tanh khi nói chuyện đời mình, nhìn chị mà tôi mơ hồ tưởng chị kể chuyện nhân gian, chuyện của ai khác. Phải chăng, với những khổ đau trùng trùng, có khi đã tạo ra lớp vỏ ngạo mạn lạnh lẽo, như một khí giới tự vệ hữu hiệu nhất của chị ? 
     Những tối chị ở lại nhà chúng tôi, phải là những rì rào to nhỏ, suốt đêm ...
     Mối tình đầu tiên mà chị tưởng đã đặt hết yêu thương, là một “Anh Hùng Mã Thượng”, mối tình lớn này đã khiến chị sau đó phải giam mình suốt chín tháng dài, trong căn nhà im ỉm của song thân, vì sợ những thị phi, tai tiếng... Hoá ra lại chỉ  là người “chẳng ra làm sao, rất đặc biệt là đã không hiểu chút gì về Thượng với Mã !” Bởi thế, Bé Hương chưa bao giờ được gặp cha mình, cho tới ngày Ông mất ở Sài-Gòn khoảng năm 1995.
     Sáng thức dậy, khi Nghiêu Đề ngồi quấn thuốc rê, cái thuốc mà cả nước nghi là xắt ra từ những lá đu đủ, tôi rót trà nhâm nhi ngồi nhìn chị Vũ trang điểm. Có lẽ chút yêu đời duy nhất còn sót lại từ chị, là lúc ngồi vẽ đôi chân mày, mỏng dính và mờ nhạt. Đời có còn gì không để chúng ta phải tô thêm cho đậm đà? Có lần tôi đã tính hỏi chị như thế.
     Chị tô son lên môi, xức chút má hồng và...ca vọng cổ !. Tôi hay cười cười với những phối hợp tréo ngoe, trật trìa chẳng đâu vào đâu của chị. Vậy mà cái chất giọng ngai ngái, khan khàn khi chị ngân nga có lần đã làm tôi suýt khóc:
“Tưởng giếng sâu em nối sợi giây dài
Ai dè giếng cạn , em tiếc hoài sợi dây...”
     Có lần chị rủ tôi tới ngôi chùa Già Lam ở Phú Nhuận, Sư trụ trì là người thân với chị và nghe nói ông thuyết pháp rất hay. Chị đến không phải vì gì khác, ngoài việc có hẹn xem bói bài cho rất nhiều bà đang ngồi chờ chị ở bên ngoài, dưới bóng mát của một cây cổ thụ phía sau sân chùa. 
      Trên những khuôn mặt lam lũ, đầy lo âu và tội nghiệp đó đã có thoáng chút vui mừng, khi thấy chị Vũ đến. Câu hỏi của tất cả quí bà chỉ là: “Tuần sau, tháng tới chồng tui vượt biên có ổn không ?”, hoặc “Bao giờ thì có tin của con trai, người đã ra ghe từ tháng trước?” ...
      Dưới cái nắng gay gắt của trưa hè, tôi ngồi bần thần, tò mò nghe chị Vũ bàn chuyện tương lai, quá khứ của thiên hạ qua một xấp lá bài xanh xanh đỏ đỏ. Trúng sai gì thì chắc chỉ có Trời và chị cùng với những “khách hang” này mới biết, nhưng có một thời gian chị đã sống lất lây với cái “sự nghiệp” vui vui này. Chị đã bỏ đi được sự vất vả của bao tháng ngày bị rượt đuổi, bởi những chuyến xe buýt triền miên trong thành phố.

      Tôi đã nhiều lần trở về quê cũ, líu lo với chị ở Lộc Ninh hay trên Sài Gòn, hoặc đi cùng chị tới nhà anh Văn Quang, người mà tôi nói đùa là chỉ có mình anh là trông gầy ốm hơn so với chị Thuỵ Vũ. Mỗi lần muốn rủ tôi tới chung cư Nguyễn Thiện Thuật, chị giỡn: “Sáng nay tụi mình đi café với Ân Nhân”, tôi hiểu ngay là Văn Quang, người đã viết nhiều bài “tố cáo” về “Chả”dùm chị...
      Đêm qua nhận email từ chị Thuỵ Vũ, một email dài hơn bình thường chợt làm tôi lo lắng. Chúng tôi email qua lại nhiều lần chị đã chẳng bao giờ nói tới anh Tô Thuỳ Yên. Duy nhất email này chị nhớ đến anh, dù chỉ thoang thoảng với một chút u hoài, nhắc tên một người “Chồng” đã ra đi từ vài năm trước... Chị cũng nhắn tôi về chơi, trước khi... quá trễ. 

      Chúng tôi đã sống cùng nhau một thời dưới những oan khiên của  quê nhà. Nơi mà đời sống có những khi lẳng lặng, trầm tĩnh, đôi lúc lại hốt hoảng, vội vàng, cứ như sắp không còn kịp để làm một điều gì... Cảm giác đó sau bao năm đã chìm lắng, đã biến mất  kể từ ngày tôi từ biệt chị, ra đi.
      Và với email chị gửi đêm nay, tôi ngồi viết suốt bốn tiếng, tưởng đã như là một hồi âm. 
      Viết, để gủi về một nơi chốn rất xa xăm, một nơi mà không biết sẽ còn có bao giờ tôi trở lại...

LÊ CHIỀU GIANG
( June 2020)

‘ĐỂ LÀM GÌ’ CỦA ĐỖ HỒNG NGỌC


Nguyễn Quang Chơn




     Tập sách của anh Đỗ Hồng Ngọc gởi bằng bưu điện, đến với mình vào đúng trưa mồng năm tháng năm âm lịch, ngày giỗ ông Khuất Nguyên. Sách được anh bọc cẩn thận trong một bao gương sạch, đẹp, với “người gởi”, “người nhận” rõ ràng, trang trọng.
     Tập sách này đã được thấy, đã được nghe, trên trang nhà dohongngoc.com của anh rồi. Mình đã từng tìm trong hiệu sách mà không thấy. Giờ nhận quà từ tác giả qua bưu điện, thấy cuốn sách đẹp hơn, giá trị hơn và...nặng ký hơn!...

      Đó là cuốn “Để làm gì” của anh mới in tháng 5/2020. “Để làm gì” không hỏi, chấm, làm người ta dễ đặt câu hỏi: ông đặt tựa như vậy để làm gì?
      “Để làm gì” thì thường ở thể nghi vấn, còn được dùng ở thể khẳng định nữa. Nên phải đi kèm với dấu hỏi hoặc dấu than. Còn ở đây không có dấu gì, dạng “trung tính”, thì phải xem trong đó ông ấy viết gì!...

       Đọc lời mở. Đã thấy sơ sơ ý của tác giả. Lật trang kế tiếp, đã thấy bài quen quen. Tiếp tục cũng quen quen. Vậy ra anh chọn lọc những bài ký, bài tản mạn...đã in rải rác đâu đó trên nhiều ấn bản để làm thành một selection kỷ niệm tuổi 80, cái tuổi mà anh hay nói với tôi là “già tới nóc”. Bộ già tới nóc là hết già rồi sao? Già thêm một tí nữa thì sẽ lọt qua cái nóc, rớt cái bịch không chừng. Có lẽ bởi thấy mình tới nóc. Nên anh dừng...già lại, giở mấy cuốn sách cũ ra xem. Hứng, nên chọn. Vui, nên gom lại một tập. Rồi anh lại nghĩ. Mình viết nhiều, in nhiều, nhiều thể loại. Từ thơ, văn, đến nghiên cứu, khảo luận, và nhất là Phật pháp. Rồi anh hỏi. Mình viết nhiều vậy “để làm gì?” Biết đâu có ai đó đọc xong rồi tặc lưỡi, viết mấy cái này chi, chẳng “để làm gì!” Hoặc, một người lững thững, “để làm gì....”...
      Nên chi, thôi thì tập hợp lại mấy bài viết hồi hườm hườm, hồi già già, hồi già tới nóc, mà chỉ là những tản mạn, những ký. Dạng văn này thì nó không làm nhọc lòng ai, người đọc không nghĩ ngợi chi nhiều, không đi sâu vô một cái gì, nó vui vui, nó chẳng làm gì...., và, vì vậy, anh lấy một cái tựa “Để làm gì” để dành cho độc giả ghi tiếp thêm, sau khi đã đọc. Người thắc mắc thì thêm dấu hỏi (?). Người không ưa thì thêm dấu than (!). Và người trầm tư hơn thì thêm ba chấm (...)...

      Nhưng tuyệt vời nhất là ông hoạ sĩ Mai Quế Vũ, ông trình bày cái bìa với một nét cọ mực xạ hình tròn phóng túng ôm cái tựa “Để làm gì” của tác giả. Cái vòng tròn mang “tánh không” đó là đủ bao trùm cả dấu hỏi, dấu than, dấu chấm, dấu gì gì đó nữa hết rồi. Bởi dấu nào cũng rứa, cũng là không! Cái ánh sáng màu trắng tinh khôi không sắc màu kia chẳng phải đã mang đủ trong nó cả đỏ xanh vàng lục lam chàm tím...đó ư?

      Nên chăng, “để làm gì” của ĐHN đã có đủ các dấu trong đó rồi. Đọc đi, rồi nghĩ gì thì nghĩ, để làm gì cũng được!...

NGUYỄN QUANG CHƠN
Tối thứ bảy, 27/6/20

THƠ NGUYÊN YÊN

Minh họa. Ann Phong

KHONG TRNG

người ta không thể nhìn thấy nó
không biết gì về hình dáng, thể chất của nó
cũng không có khái niệm về độ sâu hay chiều cỡ của nó
liệu nó phi hạn hay giới hạn

người ta chỉ biết mình có nhu cầu,
chắc nịch như niềm tin tôn giáo
như người đàn bà trong cơn lên đồng
khăng khăng đòi lắp đầy thiếu vắng
bằng tình yêu căng phồng.


ĐỘC

tôi không một mình
thật ra có nhiều người quanh tôi
thậm chí có người luôn bên cạnh săn sóc tôi
nhưng tôi nghĩ đến anh, trong giấc mơ

và khi thức tỉnh
mở mắt thấy mình như đứa trẻ thất lạc bị bỏ rơi
mím môi dặn lòng
từ nay nó sẽ chẳng bao giờ cho mình
quyền nghĩ tới ai nữa.


AN TOÀN

miễn biết tránh xa tiếng chim hót, bông hoa lạ
miễn cứ đi đường thẳng không quay phải quay trái
miễn đừng nghe cũng đừng có nhu cầu kể với ai chuyện gì
đừng cười, đừng khóc, quan trọng nhất 
đừng mong chờ

không mở sẽ không đóng
không nở sẽ không tàn
cuộc đời như cơn đại dịch
một khi có chủng ngừa,
không cần sợ.

NY

CÁI LÀM NÊN. TRÙNG TU

Hoàng Xuân Sơn


CÁI LÀM NÊN



Hoa là gì ai cũng biết
môi là gì khó đoán tinh tường
khi ong rúc đầu vào hoa ta biết rằng ong hút mật
khi môi tìm môi
ai chẩn đoán được liệu pháp
dưỡng chất trần gian nào *
sẽ làm nên lũ lụt

23 juin 20

*  Bùi Giáng : Dưỡng Chất Trần Gian, dịch từ Les Nourritures Terrestres (Andre’ Gide)


TRÙNG TU

Chữa thơ từ một dấu buồn
mở ra trang lặng
ý tuôn về đời
buổi chiều vàng ánh trăng rơi
mấy khi huyền hạ
ru hời tiếng đêm
chữa thơ từ hạt rất mềm
từ câu kinh rụng xuống thềm tân toan
chữa u trầm một vết hoan
bay chim về lại buổi đoàn viên xưa
chữa ngày nắng
tạnh 
ngày mưa
chữa
tôi
em
với vụ mùa thất thu

H O À N G X U Â N S Ơ N
29. 6. 20


Monday, June 29, 2020

VỀ ĐÂY MÂY NƯỚC ĐÊM THÂU LẠNH LÙNG (*)

Huyền Chiêu



*Tưởng nhớ nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông

     Nguyễn Văn Đông, người nhạc sĩ có nhiều ca khúc viết về mùa Xuân, đã qua đời tại Sài Gòn, vào mùa xuân năm 2018. Gần đến ngày 26 tháng 2, tôi mong kỷ niệm hai năm ngày mất, nhạc sĩ sẽ được nhắc nhở và những ca khúc của ông sẽ được hát lại ở đâu đó. Nhưng thời thế thay đổi, dịch Cô Vy bùng phát, không khí lo âu bao trùm, mọi người bị cách ly, các chương trình biểu diễn bị cấm, không còn ai quan tâm đến ca hát vì luôn phải mang khẩu trang.
     Nguyễn Văn Đông đã lặng lẽ đi vào muôn năm cũ. Riêng tôi, tôi vẫn không quên người nhạc sĩ đã đi vào ký ức tuổi thơ của tôi.

     Năm đó tôi chưa đọc thông viết thạo nhưng tôi biết nước tôi lần đầu có Tổng Thống. Miền Nam khi ấy hào hứng xây dựng cuộc sống mới. Trong làng, những ngôi nhà tranh bị Tây đốt được xây lại, lợp ngói dù vách vẫn là vách đất. Mỗi nhà được phát treo trên vách một tấm ảnh Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Tôi vẫn ấn tượng với hình ảnh một vị  tổng thống vừa uy nghi vừa hiền hậu, mặc áo vest, trên mặt có một nốt ruồi. Không khí thanh bình làm mọi người yên tâm trông chờ vào một ngày mai tốt đẹp.
     Trung thu năm ấy, Quận có mở một cuộc thi hát cho học sinh tiểu học. Tôi được trường chọn làm thí sinh tham gia cuộc thi. Cậu tôi mà cũng là ông bầu của tôi tập cho tôi hát bài Chiều Mưa Biên Giới của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông. Có lẽ tôi không hiểu lắm về lời ca. Những chữ như “khu chiến, hậu phương, sa trường, khanh tướng…” lần đầu trong đời tôi được biết. Nhưng với sự kiên trì của cậu và “tài năng” của cháu, tôi đã thuộc lòng bài hát và đoạt giải ba. Thực ra hồi đó trẻ em rất nhút nhát đâu biết hát hò gì và đâu phải nhà nào cũng có ông cậu biết đàn mandolin như cậu tôi, nên tôi đã ăn may.
     Nhưng cũng từ đó tôi rất thích những ca khúc của Nguyễn Văn Đông. Ở miền Nam thuở ấy, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông rất nổi tiếng. Tuy nhiên người ta ngưỡng mộ ông vì ông là tác giả ca khúc Chiều Mưa Biên Giới chứ ít ai biết ông là một Đại Tá trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Có lẽ vì người ta chưa bao giờ nhìn thấy hình ảnh ông mang lon đại tá, ngồi xe jeep, mà chỉ thấy hình ông ngồi bên ba lô nón sắt như một anh lính bình thường. Chắc ông chẳng cao sang gì vì nhạc ông hay nhắc tới “nhà tranh”:
“Ngồi ngắm mấy nóc chòi canh
Mơ rằng đây mái nhà tranh”
(Phiên Gác Đêm Xuân)
“Nơi xưa quê nghèo
Nhà tranh nát tiêu điều
Tình xưa khôn hàn gắn”
(Về Mái Nhà Xưa).
     Một hôm, bọn học trò chúng tôi kinh hoàng nghe tin vị Tổng Thống mà chúng tôi thường suy tôn là “Ngô tổng Thống, Ngô Tổng Thống muôn năm” đã bị bắn chết. Mẹ tôi khóc. Mẹ tôi rất kính trọng Tổng Thống.

     Sau một thời gian ngắn ngủi yên bình, miền Nam Việt Nam lại bước vào một giai đoạn bất ổn và đối mặt với một cuộc chiến tàn khốc. Một lớp nhà văn nhà thơ trẻ sôi nổi, thao thức với thời cuộc thay thế cho các văn thi sĩ của thế hệ trước như Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Võ Phiến… viết lên những bi kịch nóng hổi của chiến tranh.
      Những ca khúc êm ái như Chiều Tím, Ngàn Năm Mây Bay, Hoa Xoan Bên Thềm Cũ, Phố Chiều… bị lực lượng các nhạc sĩ trẻ lấn át bằng những ca khúc rất gần với súng đạn. Nỗi đau đớn về chết chóc, chia lìa, tuyệt vọng trong ca khúc của Trúc Phương, Nhật Ngân, Trầm Tử Thiêng, Trịnh Công Sơn… hiện diện khắp nơi.
“Tôi có người yêu chết trận Pleime 
Tôi có người yêu ở chiến khu Đ 
chết trận Đồng Xoài 
chết ngoài Hà Nội 
chết vội vàng dọc theo biên giới 

Tôi có người yêu chết trận Chu-Prông 
Tôi có người yêu bỏ xác trôi sông 
chết ngoài ruộng đồng 
chết rừng mịt mùng 
chết lạnh lùng mình cháy như than”
(Trịnh Công Sơn)

     Có một nhạc sĩ lớn tuổi nhưng không chịu thua bọn trẻ.
     Đang làm mọi người mơ mộng với những ca khúc êm ái như Cỏ Hồng, Nghìn Trùng Xa Cách, Ngày Đó Chúng Mình… Phạm Duy đã bắt kịp rất nhanh với thời cuộc khi phổ thơ Linh Phương cho ra đời Kỷ Vật Cho Em:
“Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại 
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về. 
Anh trở lại có thể bằng chiến thắng Pleime, 
Hay Đức Cơ, Đồng Xoài, Bình Giã, 
Anh trở về anh trở về hàng cây nghiêng ngả 
Anh trở về, có khi là hòm gỗ cài hoa, 
Anh trở về trên chiếc băng ca 
Trên trực thăng sơn màu tang trắng.”
      Lạ thay, nhạc sĩ đại tá Nguyễn Văn Đông trước sao, sau vậy. Ca khúc của ông luôn chan chứa tình yêu nước nhưng không bi lụy mà rất bình tĩnh, hy vọng vào một ngày mai tươi sáng.
“Còn đây đêm cuối cùng 
Nhìn em muốn nói chuyện người Kinh Kha 
Ngại khơi nước mắt, nhạt nhòa môi em 
Người đi giúp núi sông... 
Hàng hàng lớp lớp chưa về 
Người người nối tiếp câu thề

Giành lấy quê hương.”
(Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp)
      Có lẽ chính vì nét hiền lành, giản dị trong ý nhạc mà người hát hay nhất nhạc của Nguyễn Văn Đông là giọng ca trong sáng Hà Thanh. Tuy nhiên không phải dễ để hát ca khúc Nguyễn Văn Đông, bởi nhạc của ông rất đặc biệt khi luôn đẩy lên các nốt cao. Khánh Ly, Lệ Thu, Lê Uyên giọng trầm không hợp chút nào. Thái Thanh giọng cao nhưng lảnh lót, điêu luyện quá, không xong. Thanh Tuyền, Hoàng Oanh, theo ý riêng của tôi quá mộc mạc. Mà nhạc Nguyễn Văn Đông tuy giản dị nhưng… sang. (Thời đó không ai gọi nhạc Nguyễn Văn Đông là nhạc Sến)
     Chỉ có giọng Hà Thanh vừa dịu dàng, hiền hậu lại cao và… sang rất hợp với tâm tình của tác giả, một người vừa lãng mạn vừa… nghiêm chỉnh:
Bao ước mơ giữa khung trời phiêu lãng, 
Chờ mùa Xuân tươi sáng, nhưng mùa thắm chưa sang 
Anh đến đây, rồi anh như bóng mây, 
Chốn phương trời ấm lạnh hòa chung mái nhà tranh 
(Mấy Dặm Sơn Khê)
Là một đại tá nhưng Nguyễn Văn Đông chưa một lời hô hào “nhắm thẳng quân thù mà bắn”.
Thật cảm động khi nghe ông trăn trở:
“Mong sao nước Việt đời đời
Anh dũng oai hùng chen chân thế giới”
(Hải Ngoại Thương Ca)
       Vậy mà ông đã bị “quân thù” cầm tù mười năm. Ông chỉ được ra tù khi xác thân tàn tạ, chờ chết.
      Ông từng kể lại, trên bước đường lê lết trở về mái nhà xưa,, không ai nhìn ra ông già rách rưới tiều tụy kia chính là nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông.
      Có lẽ vì nghĩ mình không còn sống được lâu, ông muốn được chết ở quê nhà và không làm thủ tục ra đi theo diện HO.
      Hôm đưa tang ông, có một người nào đó mang kèn đến thổi “Chiều mưa biên giới anh đi về đâu….”và trong dòng người tiễn đưa, các đồng đội, các cựu binh xuất thân từ trường Thiếu Sinh Quân nghiêm chỉnh đưa tay lên trán chào vĩnh biệt cố đại tá.
      Nguyễn Văn Đông, người hiền của miền Nam Việt Nam đã ra đi, vĩnh biệt mọi người, vĩnh biệt người vợ hiền và ngôi nhà cũ kỹ có treo tấm bảng “Tiệm Bánh Mì Nhiên Hương”.
“Chiều nay thấy hoa cười chợt nhớ một người
Chạnh lòng tôi khơi bao niềm nhớ”
Mong ông yên nghỉ nơi “xa xăm phương trời ấy”
HUYN CHIÊU
Tháng Sáu 2020

(*) lời trong Trở Về Mái Nhà Xưa (NVĐ)