Saturday, April 18, 2020

ĐỌC THƠ PHAN NHƯ


Đỗ Hồng Ngọc


Phan Như & Tác phẩm


Làm sao mà người ta lớn lên bên một dòng sông ngát xanh màu áo tím đó với những tiếng chuông chùa lung linh trên mặt nước lờ lững đó mà có thể không làm thơ? Cho nên như những chàng trai xứ Huế khác, Phan Như đã làm thơ. Mà có lẽ anh cũng đã làm thơ từ rất lâu lắm rồi, nhưng mãi đến bây giờ mới chia sẻ cùng chúng ta.
Xin một lần giữa dòng Hương ngát
Tắm trần truồng giỡn với nước mây
(Cùng với nước mây)

Hiển nhiên là anh đã tắm trần truồng nhiều lần trong dòng sông đó, những ngày còn thơ. Nhưng đến bây giờ ở tuổi “gió heo may đã về”, anh vẫn còn thèm tắm một lần hay nhiều lần nữa cũng trần truồng như thế giữa một đêm sáng trăng hoặc một chiều nhạt nắng. Người của Huế yêu Huế không cần phải nói nhiều hơn.
Rồi cũng như những chàng trai xứ Huế khác, Phan Như đa tình. Không đa tình sao được khi mà anh chỉ nhớ ở trong lòng con đường trước cổng trường của ai kia với tiếng guốc vong dịu dàng gõ vào lòng ngực trẻ, để rồi:
Ước chi đời anh là đôi guốc vông
Nằm dưới chân em
.
Ước chi lòng anh là quai guốc xinh
Buộc ngón chân em…
(Guốc vông)

Bỗng nhớ “Tôi xin làm đá cuội mà lăn theo gót hài” của người nhạc sĩ họ Trịnh. Phan Như không chỉ lăn theo, anh còn muốn dính vào, muốn buộc chặt vì chỉ có thế thì mới không sợ lìa xa.
Và không đa tình sao được khi mà một cọng sen trong hồ tịnh cũng làm cho người ta nhớ quay nhớ quắt:
Tôi cầm một cọng liên xanh
Nhớ em bàn tay công chúa
Đã dịu dàng gõ vào trái tim
Cho đến khi máu ứa…
(Sen tịnh)

Tịnh, mà không tịnh, bởi vì người ta quá đa tình, đa tình cả với vạt áo ni.
Áo ni mấy bận theo vào hạ
Nắng vàng còn gợn thoáng lưng ong
Kinh như có ấm bàn tay ngọc
Dốc núi xin đừng đau gót chân…
(Năm năm mắt vẫn xanh màu biếc)

Cho nên cũng dễ hiễu thôi, một chiều nào đó, nhìn tiếng chuông chùa lăn tăn trên mặt nước, người ta không khỏi chạnh lòng mà ao ước:
Mai kia xuống tóc tìm sơn khê
Liếp cỏ một gian gió đi về
Nhớ em niệm A Di Đà Phật
Vách núi nhìn trăng lạnh dưới khe
(Bỏ vợ đi tu)

A Di Đà Phật! Nói vậy mà không phải vậy. Rồi anh lại lẳng lặng quay về bên người yêu dấu, một sọi tóc mai, một mùi hương cũ không thể nào quên:
Thôi tôi sẽ trở về
Không hiểu vì sao tôi phải trở về
Một sợi tóc mai
Một mùi hương cũ…
(Nịnh vợ ca)

Như vậy, Phan Như không chỉ là một chàng trai đa tình, anh còn đôn hậu, thủy chung. Anh có một triết lý sống rất đáng yêu, chấp nhận thua thiệt trong cuộc xoay vần hôm nay:
Ta nằm ngó con thuyền lui tới
Sợi tình chùng rồi sợi tình căng
Thuyền bằng giấy đâu cần bánh lái
Quả đất tròn ta cũng đi quanh
(Sóng vồ mạn đời)

Tôi yêu cái hồn nhiên mà cũng rất lạc quan trong thơ Phan Như:
Nào có can chi đời hữu hạn
Sống mà gặp nhau đã đẹp vô cùng
Nào có can chi đời lận đận
Giữa trái tim ta có nụ cười hồng…
(Sống mà gặp nhau đã đẹp vô cùng)

Có lẽ chính vì thế mà Phan Như làm thơ. Làm thơ cho tình, làm thơ cho mình và làm thơ cho bạn bè anh em. Thơ như một giải thoát.
Thơ Phan Như chân thật, không làm dáng, kiểu cách. Thơ anh như rót tự đáy lòng mình. Không có kỹ thuật cầu kỳ, hình ảnh chải chuốt mà đôi khi âm điệu như có cái gì quen thuộc nhưng vẫn làm ta mãi bâng khuâng:
Thôi xin chào đôi mắt màu rêu
Đã ngậm ngùi xa dấu nhìn theo
Tôi đâu dám phụ phàng chi mấy
Nhưng ra đi là chuyện đã liều
(Giã biệt tinh châu)

Tôi là người thầy thuốc bạn anh, không phải là người làm thơ thứ thiệt, vậy mà anh đã tin cậy gửi Sóng vỗ mạn đời, tập thơ bản thảo đầu tay nhờ tôi viết đôi dòng cảm nghĩ, cho nên “Tôi đâu dám phụ phàng chi mấy…” bèn có đôi lời.

Đ HNG NGỌC
(Saigon, 1999)

No comments:

Post a Comment