Ngô Thế Vinh
Tưởng nhớ GS Nguyễn Duy Xuân, và GS Phạm Hoàng Hộ,
hai tượng đài trí tuệ kiệt xuất, bất khuất của Miền
Nam.
Lời
Dẫn Nhập: Giáo sư Phạm Hoàng Hộ, sau khi hoàn tất bộ sách đồ sộ “Cây Cỏ Việt Nam” mà Giáo sư
gọi là “công trình của đời tôi" và vào mấy
năm cuối đời, như một Di Chúc, đã đề tặng toàn sự nghiệp ấy cho:
“Những ai còn sống hay đã chết trong tù vì tháng Tư năm 1975 đã quyết định
ở lại để tiếp tục dâng góp cho đất nước.
Tặng giáo sư Nguyễn Duy Xuân nguyên viện
trưởng Đại Học Cần Thơ, mất ngày 10/XI/1986 tại trại Cải Tạo Hà-Nam-Ninh.
Tặng hương hồn những ai trên biển Đông đã
chết nghẹn ngào.”
Thế
hệ sinh sau 30 tháng 4, 1975 nay cũng đã 45 tuổi, cũng là 45 năm của một
chính sách ngu dân
lãng phí / huỷ diệt nguồn chất xám, và
lăng nhục cả một thế hệ trí thức Miền Nam. Và nghĩ xa hơn, một Đồng Bằng
Sông Cửu Long sẽ
không chết như ngày nay nếu có một nhà nước biết trân trọng sử dụng nguồn
chất xám ấy, mà biểu tượng là hai trí tuệ kiệt xuất của Miền Nam như
Giáo sư Phạm Hoàng
Hộ và Giáo sư Nguyễn Duy Xuân, là
hai thành viên sáng lập Viện Đại học Cần Thơ năm 1966, và sau 1975 cả hai có
cùng một ý nguyện chọn ở lại để xây dựng đất nước sau chiến tranh và thống
nhất. Để rồi, GS Nguyễn Duy Xuân thì chết thảm sau 11 năm bị đầy đọa trong trại
tù cải tạo Hà-Nam-Ninh ở Miền Bắc, và GS Phạm Hoàng Hộ thì trải qua một chặng
đường vô cùng đau khổ qua “một thời kỳ
sống trong ảo vọng là sẽ thấy đất nước đi lên, giai đoạn đi xe đạp, ăn gạo hẩm,
tưởng hoa sẽ nở trên đường quê hương” để rồi kết thúc là một cái chết buồn
bã xa nửa vòng trái đất bên ngoài quê hương, một quê hương mà ông suốt đời gắn
bó và chẳng bao giờ muốn xa rời. Hình ảnh một Giáo sư
Phạm Hoàng Hộ, một Giáo sư Nguyễn Duy Xuân những năm sau 1975,
là tấm gương và cũng là một trải nghiệm đau đớn cho cả một thế hệ trí thức Miền
Nam. Trang sử ảm đạm ấy là một bài học đắng cay cho cả một
dân tộc sẽ không thể và không bao giờ quên. Với các thế hệ trẻ sau 1975 ở khắp
năm châu, cùng với bản tiếng Việt, nay có thêm bản tiếng Anh để
các bạn dễ dàng tiếp cận hơn với bài học lịch sử ấy.
*
NHỮNG NĂM ẢO VỌNG. GIÁO SƯ PHẠM HOÀNG HỘ VÀ BỘ SÁCH CÂY CỎ VIỆT
NAM
[nguồn: tư liệu gia đình Gs PHH]
Peter Shaw Ashton, Giáo
Sư Charles Bullard
Ngành Lâm Học, Đại Học
Harvard
"Với những ghi chú bằng tiếng Anh, cùng với những
nét minh hoạ tinh vi của hơn 10,500 chủng loại, bộ sách Hoạ Hình Cây Cỏ Việt
Nam / Illustrated Flora of Vietnam của Giáo sư Phạm Hoàng Hộ đã cung cấp cho giới
độc giả tiếng Anh lần đầu tiên và cập nhật một tài liệu tham khảo thấu đáo mà
chúng tôi ít biết đến. Công trình này sẽ đứng như một tượng đài của sự quyết
tâm, cống hiến, và uyên bác với lòng can đảm của tác giả. Giáo sư Phạm Hoàng Hộ
hầu như đơn độc hình thành một công trình sinh học thực vật có tầm vóc hàn lâm/
academic tại Đại Học Sài Gòn giữa những năm tháng khó khăn. Trong hoàn cảnh cực
kỳ thử thách ấy, giáo sư Hộ đã sưu tập được những chất liệu cho bộ sách đặc sắc
này và cả những chuyến du khảo nhằm thu thập những mẫu vật để minh hoạ. Và nay
công trình được xuất bản, đó sẽ là nguồn khích lệ cho các nhà sinh học trẻ ở Việt
Nam và cả ở hải ngoại.
"Cây cỏ Việt Nam có thể lên tới
12,000 chủng loại. Bởi vì xứ sở này nằm sát bờ Thái Bình Dương Á Châu nhiệt đới,
đó là hành lang cho những chuyển dịch theo chu kỳ bắc-nam / periodic
north-south migration của thảm thực vật vô cùng phong phú từ phía nam Trung Hoa
và phong phú hơn nữa là thảm thực vật xích đạo Mã Lai / equatorial flora of
Malaysia. Trên các rặng núi vẫn còn lưu lại những chủng loại tùng bách / conifer
và thực vật có hoa / angiosperm taxa có tầm quan trọng vô song, trong khi các
vùng bình nguyên mang dấu ấn của quá khứ có liên hệ tới các vùng hải đảo Phi Luật
Tân và Borneo Nam Dương. Đến nay sự phong phú này hầu như tiêu vong. Những nỗ lực
của chính phủ Việt Nam trong chiến lược trồng cây tái sinh và bảo tồn sẽ được hỗ
trợ bởi công trình của Giáo sư Phạm Hoàng Hộ như một hồ sơ theo dõi các thảm thực
vật đến nay còn tồn tại."
*
TIỂU SỬ:
GS Phạm Hoàng Hộ, trên giấy tờ ngày sinh là
3 tháng 8 năm 1931 tại An Bình, Cần Thơ. Nhưng theo cáo phó mới đây của gia
đình, GS
Hộ sinh năm Kỷ Tỵ 1929, mất ngày 29 tháng Giêng năm 2017 tại Montréal, Canada
hưởng thọ 89 tuổi. Anh Phạm Hoàng Dũng, con trai GS Phạm Hoàng Hộ xác nhận là
"Ba tôi sinh năm Kỷ Tỵ 1929, nhưng theo lệ
ngày xưa thì lâu sau đó mới khai sinh, là năm 1931".
Văn Bằng:
--
1953: Cử nhân Khoa học, thủ khoa Thực Vật học, Paris
--
1955: Cao học Vạn Vật học, Paris
--
1956: Thạc sĩ / Agrégé Vạn vật học
--
1962: Tiến sĩ Khoa học / Vạn vật học, Paris
Chức Vụ:
--
1957-1984: Trưởng phòng Thực vật Đại học Khoa học Sài Gòn
--
1965-1984: Giáo sư Thực vật học Đại học Khoa học Sài Gòn
--
1962-1966: Giám đốc Hải học viện Nha Trang
--
1963-1963: Khoa trưởng Đại học Sư phạm Sài Gòn
--
1963: Tổng trưởng Quốc gia Giáo dục
--
1966-1970: Viện trưởng sáng lập Viện Đại học Cần Thơ
--
1978-1984: Chủ bút tuần báo Khoa học Phổ thông Sài Gòn
--
1984-1989: Giáo sư Khảo cứu tại Viện bảo tàng Thiên nhiên Quốc gia Paris
Hội viên Khoa học:
--
1956: Hội viên Hội Thực vật học Pháp
--
1963: Hội viên Hội Tảo học Quốc tế (International Phycological Society)
--
1964: Hội viên Sáng lập Hội Sinh học Việt Nam
--
1965: Phó Chủ tịch Uỷ ban Danh từ Việt Nam
--
1967: Hội viên Hội Viện trưởng Đại học Quốc tế (APU)
--
1969: Sáng lập viên Niên san Đại học Cần Thơ
--
1971: Hội viên Uỷ ban Thẩm định hậu quả chất Da cam tại Nam Việt Nam, Viện Hàn
lâm Khoa học Quốc gia, Hoa Kỳ.
--
1973: Cố vấn Môi sinh Uỷ ban Quốc Tế Sông
Mekong (MRC)
Ấn phẩm:
--
1960: Cây Cỏ Miền Nam Việt Nam (Flore Illustrée du Sud Vietnam)
Bộ Giáo dục Việt Nam: 1 vol., 803
pp., 275 pls.
--
1964: Sinh học Thực vật
Bộ Giáo dục Việt Nam: 1 vol., 861
pp., nhiều hình
--
1968: Hiển hoa Bí tử
Trung tâm Học liệu, Bộ Giáo dục
Việt Nam: 506 pp., 264 pls.
--
1969: Rong Biển Việt Nam
Trung tâm Học liệu, Bộ Giáo dục
Việt Nam: 558 pp., 493 figs.
--
1970: Cây Cỏ Miền Nam Việt Nam, in kỳ 2, quyển I
Trung tâm Học liệu, Bộ Giáo dục
Việt Nam: 1115 pp., figs. 2787
--
1972: Cây Cỏ Miền Nam Việt Nam, in kỳ 2,
quyển II
Trung tâm Học liệu, Bộ Giáo dục
Việt Nam: 1139 pp., figs. 5272
Cây cỏ Việt Nam: An illustrated Flora of VietNam
-- 1991, Tập 1 Quyển I:
Khuyết Thực Vật. Loã Tử. Hoa-cánh-rời đến Tiliaceae
-- 1992, Tập 1 Quyển II Hoa-cánh-rời
từ Elaeagnaceae đến Apiaceae
-- 1993, Tập 1 Quyển III
Từ Smilacaceae...Cyperaceae... Poaceae... đến
Orchidaceae
-- 1991, Tập 2 Quyển I Hoa-cánh-rời
từ Sterculiaceae đến Fabaceae
-- 1993, Tập 2 Quyển II Từ
Daphniphyllum ... Fagaceae…
Apocynaceae đến Scrophulariaceae
-- 1993, Tập 2 Quyển III
Từ Smilacaceae... Cyperaceae... Poaceae ... đến
Orchidaceae
-- 1998: Cây cỏ có vị thuốc ở Việt Nam
Nxb Trẻ, TP
Hồ Chí Minh: 860 pp.,
Mô tả 2149
loài có vị thuốc gặp ở Việt Nam
Vẫn trong bản Tóm lược sự nghiệp Khoa học,
GS Phạm Hoàng Hộ tâm sự: "Có lẽ vì
lúc còn rất nhỏ tôi đã sống ở nơi vườn tược, ruộng đồng xanh um vùng châu thổ
sông Cửu Long, nên từ nhỏ tôi đã thích cây cỏ. Tôi không bao giờ quên được hình
ảnh của bông Súng ở ruộng hay ao, lộng lẫy dưới ánh mặt trời ban mai, hay hình ảnh
của bông Nhãn lồng phơi mình dựa bờ ruộng. Nên Thực vật học và Sinh học Nhiệt đới
đã hấp dẫn tôi lúc đi du học. Và lúc học ở Đại học Khoa học Paris, tôi đã bắt đầu
tìm hiểu Cây cỏ Đông Dương. Tiếp xúc đầu tiên một cách khoa học với Cây cỏ ấy,
tôi thực hiện ở Viện Bảo tàng Thiên nhiên Quốc gia Paris. Lúc mới học Vạn vật,
tôi đã vào nhà kiếng của Viện này để tìm coi có loại nào ở nước nhà hay không. Và
một số loài đã được vẽ từ lúc ấy! Tôi nhớ một số Lan đã được vẽ từ năm 1950,
trong nhà kiếng ấy. Đó là những hình "xưa" nhất của bộ Cây cỏ của
tôi. Sau này khi làm luận án Cao học, cũng ở Viện ấy, tôi mới có dịp vào Thảo Tập,
và nhiều hình, nhất là của giống Ficus, khó, vì chưa nhiều loài đã được vẽ vì
ngại sự khó khăn ấy về sau khi về bên nhà mà tài liệu thật là khó kiếm. Thật ra
lúc ấy tham vọng của tôi vô cùng khiêm tốn, là sau này được biết các loại Ficus
Việt Nam mà thôi! Cũng đã quá sung sướng rồi.
Sau khi thi đậu Thạc sĩ / Agrégation hạng
sáu, trên 300 thí sinh, và chỉ có 30 đậu, năm 1956 tôi về nước.
[*
Ghi chú của người viết: cần phân biệt với bằng Thạc sĩ hiện nay ở Việt Nam tương
đương với cao học/ master, trong khi Thạc sĩ / Agrégé ở Pháp là học vị về sư phạm,
trải qua kỳ thi tuyển khó khăn, nếu thi đậu sẽ trở thành giáo sư thực thụ /
professeur titulaire từ bậc trung học / lycée tới các trường cao đẳng /
enseignement supérieur thuộc các ngành Khoa học, Y dược, Luật khoa]
Giáo sư Hộ viết tiếp: "Lúc ấy tham vọng
của tôi chỉ là về dạy học ở một trường Trung học, và lúc rảnh rang sẽ tìm hiểu
cây cỏ của vùng Lục tỉnh mà thôi, nhưng Viện Đại học Sài Gòn và Hải học viện
Nha Trang "kéo" tôi về giảng dạy và trông nom Hải học viện. Khi làm
việc ở Nha Trang tôi khảo cứu Rong biển, như là một phận sự. Và sau vài năm khảo
cứu dưới sự hướng dẫn của Giáo sư J. Felmann, tôi hoàn thành luận án Tiến sĩ mà
tôi trình ở Đại học Paris, năm 1961. Công trình này được đăng trong Niên san
Khoa học Đại học đường Sài Gòn, và trong quyển Rong biển Việt Nam, cũng như một số ấn phẩm trong vài tạp chí khoa
học.
Ở Sài Gòn, phận sự chính của tôi là giảng
dạy Thực vật và Sinh học Thực vật (thay thế Giáo sư Pháp Roger, một nhà chuyên
môn về nấm gây bệnh cây) cho sinh viên dự bị và chuyên khoa. Chính vì muốn giảng
dạy tốt, thích nghi vào điều kiện nhiệt đới Việt Nam, các môn ấy mà tôi lục lạo
và sau đó cho ra đời công trình mà sau này sẽ là công trình của đời tôi là Cây cỏ Việt Nam. [trích dẫn tư liệu gia
đình GS. Phạm Hoàng Hộ: Văn Bằng, Sự
Nghiệp Khoa Học của Phạm Hoàng Hộ, Giáo sư Thực vật học].
1959-1960, tôi / người
viết bài này mới chỉ là sinh viên lớp dự bị Y khoa PCB / Physique Chimie Biologie tại Đại học Khoa học Sài Gòn và được học Thầy
Hộ mới tốt nghiệp Thạc sĩ ở Pháp về, dạy môn Sinh Học Thực vật. Tuy chỉ được học
Thầy một năm, nhưng Thầy đã để lại cho đám sinh viên và riêng tôi một niềm cảm
hứng với những dấu ấn rất khó phai mờ. Vào trường Y khoa rồi, không còn được học
Thầy Hộ nhưng tôi vẫn mang lòng ngưỡng mộ và cả theo dõi những bước đi và sưu tập
những bộ sách công trình nghiên cứu khoa học của Thầy.
Hình 2: Bộ sách Cây Cỏ Miền Nam Việt Nam
gồm 2 quyển, do Trung tâm Học Liệu, Bộ Giáo
Dục VNCH xuất bản 1970
[nguồn: Sách Xưa]
Vào đầu thập niên 1990, giới khoa học trong
nước và hải ngoại rất đỗi vui mừng khi bộ sách Cây Cỏ Việt Nam của GS. Phạm Hoàng Hộ được lần lượt xuất bản. Theo
GS Thái Công Tụng, hiện định cư tại Montréal thì các sách của GS. Phạm Hoàng Hộ hiện có đầy đủ ở Bibliothèque du Jardin botanique de Montréal, Canada, và dĩ nhiên là có
trong nhiều thư viện lớn trên thế giới.
Trọn bộ Cây cỏ Việt Nam gồm hai Tập, mỗi Tập 3 Quyển, tổng
cộng khoảng 3600 trang, chưa kể Phần Từ Vựng tên Việt Nam và Từ Vựng tên Khoa học
các Giống (Chi) bao gồm thêm cả công trình của những năm tháng giáo sư rời quê
hương Việt Nam sang Pháp, vẫn tiếp tục cặm cụi làm việc.
Riêng tôi / người viết
đã sớm có được trọn bộ 6 Quyển Cây Cỏ Việt
Nam xuất bản ở hải ngoại do bác sĩ Phạm
Văn Hoàng nguyên Giám đốc Trung Tâm Phục Hồi Cần Thơ, một đàn anh trong Y khoa gửi tặng. (Anh Phạm
Văn Hoàng chính là bào đệ của GS Phạm
Hoàng Hộ.)
Tưởng cũng nên ghi lại ở đây,
là trước 1975, Giáo sư Phạm Hoàng Hộ đã từng là Cố vấn
Môi sinh Uỷ ban Sông Mekong/ Mekong River Committee và khoảng
năm 1974 hai Giáo sư Phạm Hoàng Hộ và Thái Công Tụng đã có một nghiên cứu chung
về Môi sinh Đồng Bằng Sông Cửu Long: The
Mekong Delta, Its environment, Its Problems; [do Bộ Canh Nông VNCH xuất bản,
Sài Gòn 1974]; khi tìm kiếm tới tài liệu có tính cách lịch sử ấy, tôi được anh GS
Thái Công Tụng bùi ngùi cho biết là đã mất hết sau cơn binh lửa...
Để
tìm hiểu thêm tại sao, các tác phẩm khoa học của Giáo Sư Phạm Hoàng Hộ lại được
ưu tiên xuất bản bằng tiếng Việt cho dù ngôn ngữ chính thông thạo của GS. Hộ
trong suốt quá trình đào tạo và giảng dạy là tiếng Pháp.
Trong lời
mở đầu quyển Rong Biển Việt Nam xuất bản năm 1969, GS. Phạm Hoàng Hộ viết:
"Lúc đầu, quyển sách này được thảo bằng ngoại ngữ, khi làm việc ở Hải học
viện Nha Trang và ở Museum, và tôi có hoài bão được xuất bản trong ngoại ngữ ấy
để công bố công trình khảo cứu của mình ra bốn phương, như lời hứa ngầm lúc
trình luận án.
Song nay
tôi đã đổi ý và cho xuất bản bằng tiếng Việt Nam. Đó là để chứng minh rằng ngôn
ngữ nào, miễn được chăm sóc, đều có thể diễn tả kiến thức ở mọi trình độ. Tôi
biết rằng có nhiều người cho rằng không ấn hành trong một ngôn ngữ quốc tế là
phí công, giới khảo cứu làm sao biết đến. Nhưng tôi thấy chẳng cần đến việc ấy.
Được mấy mươi triệu người Việt Nam biết và dùng, có giá trị hơn là được vài
ngàn học giả chuyên môn thưởng thức. Tôi đã bỏ cái tự hào sai là tranh đua cùng
người ngoài để tự tạo lấy thanh danh, "làm thơm lây dân Việt". Tôi
tin rằng cái tự hào ấy không thực tế, vì một người Việt Nam hay, không bằng nhiều
người Việt Nam khá: cầm đuốc soi thành phố người có vẻ không thức thời trong
khi nước nhà còn u ám. Cái tự hào trên thật ra chỉ để che đậy sự trốn trách nhiệm,
sự bỏ phận sự trước con cháu chúng ta một cách không tha thứ được.
Tạo ra
cho chúng ta một nền văn chương khoa học là một công trình rất bao la. Vì thấy
nó quá to tát nên nhiều học giả chấp nhận giải pháp dễ nhất: học ngay trong văn
chương khoa học ngoại ngữ vô cùng phong phú, dồi dào. Cái học như vậy sẽ cho ta
những người giỏi, nhưng ta không quên rằng nền văn minh bây giờ là văn minh của
đại chúng chứ không phải của vài người được nữa. Ta đừng để cho sự phong phú của
văn hoá nước ngoài đè bẹp ta. Người Nhật, cách đây một thế kỷ, há đã không hoảng
sợ trước sự hùng mạnh của khoa học nước ngoài sao? Mà nay họ đã tự tạo được một
nền văn chương khoa học riêng biệt đã đến lúc gần hay hơn cả những nước ấy!
Hơn lúc nào hết, câu của Nguyễn Văn Vĩnh vẫn còn vẳng
bên tai: "Nước Việt Nam ta sau này hay hay dở là ở chữ quốc ngữ". Trong
thế giới tương lai, sự lệ thuộc về văn hoá, nhất là về văn hoá khoa học sẽ là sự
lệ thuộc chánh". [Lời Mở Đầu của
quyển Rong Biển Việt Nam; Trung Tâm Học Liệu, Bộ Giáo Dục xuất bản 1969].
Hình 3: Mấy dòng tiểu sử của GS. Phạm Hoàng Hộ
cùng với Lời Tựa
của Peter
Shaw Ashton, nhà sinh học gốc Anh, Tiến sĩ Đại Học Cambridge,
Giáo Sư Charles Bullard ngành Lâm Học, Đại Học Harvard nơi bìa sau của
bộ sách Cây Cỏ Việt Nam [Quyển II, Tập 2] xuất bản tại Montréal 1993
gồm 6 Quyển 2 Tập của Giáo Sư Phạm Hoàng Hộ
xuất bản
tại hải ngoại [nguồn: Ngô Thế Vinh]
CHẶNG ĐƯỜNG ĐAU KHỔ
Hình ảnh một Giáo sư Phạm Hoàng Hộ những
năm sau 1975, là một tấm gương và cũng là một trải nghiệm đau đớn cho cả một thế
hệ trí thức Miền Nam mà Giáo sư Phạm Hoàng Hộ là một biểu tượng.
Theo Giáo sư Phạm Hoàng Hộ thì bộ sách Cây cỏ
Việt Nam đã được thực hiện qua 4 giai đoạn:
-- Nghiên
cứu giai đoạn một: hợp tác với GS Nguyễn Văn Dương về phần dược tính, Cây cỏ
Miền Nam Việt Nam, do bộ Quốc gia Giáo dục ấn hành năm 1960 mô tả 1650
loài thông thường của Miền Nam, "Đó là giai đoạn còn mò mẫm, học hỏi một
thực-vật-chúng chưa quen thuộc đối với một sinh viên vừa tốt nghiệp từ vùng xa
lạ mới về.
-- Nghiên cứu giai đoạn hai: kỳ tái bản lần hai 1970
bộ Cây
cỏ Miền Nam Việt Nam, số loài
lên được 5328 [Hình 2]. "Đó là giai đoạn mà tôi xem như vàng son của một
nhà thực vật học Việt Nam chúng ta. So với bây giờ, lúc ấy tôi yên ổn làm việc,
có nhiều phương tiện cá nhân cũng như của non nước và nhất là được sự khuyến
khích của mọi giới, bạn bè cũng như chính quyền.
-- Nghiên
cứu giai đoạn ba: tiếp tục công việc nghiên cứu sau 1975, đưa thêm được vào
bộ sách Cây cỏ Miền Nam Việt Nam 2500 loài và bộ được nới rộng cho toàn
cõi Việt Nam.
Sau
biến cố 1975, Giáo sư Phạm Hoàng Hộ cũng như người bạn đồng hành trí tuệ của
ông là Giáo sư Nguyễn Duy Xuân đã cùng chọn ở lại để xây dựng đất nước sau chiến
tranh và thống nhất, nhưng với cái giá rất đắt mà sau này được GS Hộ ghi lại
là: “thời kỳ sống trong ảo vọng là sẽ thấy
đất nước đi lên. Giai đoạn đi xe đạp, ăn gạo hẩm, tưởng hoa sẽ nở trên đường
Quê hương.”
Tuy Giáo sư Phạm Hoàng Hộ vẫn còn chức
danh là Hiệu phó [phó Khoa trưởng] Đại học Khoa học, nhưng chính quyền mới chỉ
sử dụng trí thức cũ như ông chủ yếu là “làm kiểng", không có vai trò tương
xứng trong giáo dục. Vì không là đảng viên, nên khi có vấn đề gì thì Đảng bộ họp
riêng và quyết định, có việc ông không bao giờ được biết. Năm 1977 sau trải
nghiệm những ngày học chính trị, một lớp học kéo dài mười tám tháng về “Chủ nghĩa xã hội khoa học” dành riêng
cho các trí thức Miền Nam tổ chức tại TP Hồ Chí Minh; từ rất sớm, Giáo sư Phạm Hoàng Hộ đã phản đối cách đào tạo
đưa thời gian học chính trị quá nhiều vào chương trình. Ông cảnh báo: “Nếu
chính trị can dự quá mạnh, các nhà khoa học sẽ mất căn bản”. [Huy Đức, Bên Thắng Cuộc]
Rồi phải chứng kiến một
thiểu số trí thức cũ xu thời, mau chóng hợp tác toàn diện với chế độ mới, bất
chấp sự liêm khiết, sẵn sàng cống hiến những công trình mệnh danh khoa học theo
phong trào để mừng các ngày lễ hội 3-2 hay 19-5 như các bài báo chứng minh
"ăn mấy ký khoai mì bổ bằng một ký thịt bò" hoặc là "ăn bo bo
nhiều dinh dưỡng hơn cả gạo"... những công trình "giả khoa học /
pseudo-science " ấy đã mau chóng trở thành giai thoại đầy mỉa mai được lan
truyền trong các trại tù Cải tạo, nơi mà đám tù nhân Miền Nam đang bị thiếu ăn
suy dinh dưỡng với thực phẩm cung cấp chủ yếu là gạo hẩm "đại mễ" của
Trung Cộng cùng với bo bo và khoai mì / ngoài bắc gọi là sắn.
Giáo sư Phạm Hoàng Hộ, cũng như số trí thức cũ khảng khái của Miền Nam
còn ở lại, thấy không thể tiếp tục sống trong một xã hội giả dối và suy đồi đến
như thế, việc ông đi tới quyết định phải chấm dứt những năm "ảo vọng"
và lãng phí ấy, là điều không thể tránh. Và rồi dịp ấy đã tới, năm
1984 khi được chính phủ Pháp mời sang làm giáo sư thỉnh giảng, Giáo sư Phạm
Hoàng Hộ đã quyết định chọn cuộc sống lưu vong và ở lại Pháp.
-- Nghiên cứu giai đoạn bốn: một giai đoạn
mà giáo sư Phạm Hoàng Hộ gọi là "vừa
hiếm có vừa đau khổ nhất". Giáo sư Hộ viết tiếp: "Đau khổ vì rời quê hương mà không hy vọng trở lại. Đau khổ vì xa
gia đình thân yêu, vĩnh biệt mẹ hiền đã trọn đời hy sinh cho các con. Đau khổ
vì thấy đất nước thân yêu đang ở trong một nỗi khổ khôn lường, một sự nghèo
khôn tả, một sự tuyệt vọng thương tâm."
Nhưng rồi với hùng tâm, ông cũng vượt lên
trên sự khổ đau khôn lường ấy. Giáo sư Hộ đã kiên nhẫn đằm mình trong Viện Bảo
Tàng Thiên nhiên Quốc gia Paris, cật lực làm việc ròng rã suốt sáu năm. Viện Bảo
Tàng Thiên nhiên Quốc gia ở Paris / Muséum National d'Histoire Naturelle
(MNHN) thuộc hệ thống Đại học
Sorbonne, bên tả ngạn Sông Seine, được thành lập từ thế kỷ XVIII thời kỳ Cách Mạng
Pháp.
Giáo sư Phạm Hoàng Hộ
cho rằng:
"Hiếm có một nhà Thực vật học, nhất
là người Việt Nam, đã lục lạo cây cỏ ở nước nhà, lại được ở lại nghiên cứu tại
Viện Bảo Tàng Thiên nhiên Quốc gia Pháp, chứa một thảo tập phong phú vào bậc nhất
thế giới, với 8 tới 10 triệu mẫu vật cây cỏ. Ít nhất cho Việt Nam, nó là kho
tàng duy nhất, vì chứa hơn 10 ngàn loài thu được ở nước ta. Trong sáu năm làm
việc ở Viện ấy, không một ngày nào mà khi chiều ra về, dù trời đông âm u lạnh lẽo,
hay chiều hè vắng vẻ nóng khô, mà tôi không thốt ra câu "Thật là một ngày
tuyệt" vì đã biết thêm cho Việt Nam ít nhất là một loài hiếm, lạ hay mới!"
Trong giai đoạn chót này, ông bổ túc thêm cho bộ Cây Cỏ được trên 3000 loài. Số
loài mô tả khoảng 10,500.
Tại Pháp khi gặp lại
người học trò cũ, nay đã là thành viên trong ban giảng huấn Đại học Khoa học
Sài Gòn, cũng đang làm việc tại Viện Bảo Tàng Thiên nhiên Quốc gia Pháp nghiên
cứu về Cá / Laboratoire d'Ichthyology, Giáo sư Phạm
Hoàng Hộ đã tâm sự:
“Tôi ráng làm càng nhiều càng tốt. Bộ
sưu tập của Pháp rất dồi dào, đúng phương pháp khoa học. Do được sưu tập từ mấy
mươi năm trước, các mẫu vật đã cũ, mình không làm gấp e sẽ hư hỏng thì uổng
quá... Nhiều người Trung Quốc từ đại lục và cả từ Đài Loan, Singapore đã
đến tìm học các bộ sưu tập thực vật Đông Dương của Pháp. Tôi không biết họ có
chủ trương gì đó không. Tài nguyên nước mình, mình phải biết. Mình không biết
mà người ta biết thì người ta xài hết của dân mình. Lãnh vực nào cũng vậy riết
rồi người ta áp chế mình, ăn trên ngồi trước còn mình cắm đầu dưới đất, tiếng
là có độc lập mà còn thua hồi thuộc Pháp!” [4]
Hình 5: Viện Bảo
Tàng Thiên nhiên Quốc gia Pháp, Paris
nơi Giáo sư Phạm Hoàng Hộ đơn
độc làm việc ròng rã suốt sáu năm
để hoàn tất bộ sách Cây Cỏ Việt Nam. [nguồn: internet]
Sau khi hoàn tất bộ sách Cây Cỏ Việt Nam, Giáo sư Phạm Hoàng
Hộ đã bày tỏ lòng tri ân sâu xa đối với Viện Bảo Tàng Thiên nhiên Quốc gia
Paris và các bạn đồng sự Pháp, ông đã rất chân thành tâm sự: "thực hiện những điều mà lúc nhỏ dù
điên rồ tới đâu tôi cũng không dám mơ ước: nô lệ của một thuộc địa, học ở một
trường thường, ở một tỉnh nhỏ, bao giờ dám nghĩ đến tạo một quyển sách dù nhỏ
bé, mê cây cỏ xung quanh nhưng bao giờ nghĩ đến biết cây cỏ cả nước!"
Người "trí thức đau khổ" Phạm
Hoàng Hộ đã vươn lên và hoàn tất được "giấc mơ điên rồ" tưởng như không
thể được ấy và trở thành cây "đại thụ" trong Khoa học Thực vật của Việt
Nam và cả thế giới.
CHÚT GIAI THOẠI VĂN HỌC
Trong cuốn
Bông Hồng Tạ Ơn, khi viết về bộ sách
của Giáo sư Phạm Hoàng Hộ, nhà văn Nguyễn Đình Toàn nhớ lại:
"Các năm trước 1975, bộ sách của giáo sư Phạm Hoàng Hộ còn mang tên là Cây Cỏ
Miền Nam. Cuộc chia cắt đất nước đã giới hạn tầm mức của cuốn sách. Thế nhưng công trình của giáo sư Phạm Hoàng Hộ không phải chỉ được
coi là quý đối với các nhà chuyên môn về thực vật học, mà theo nhà văn Võ Phiến
có kể lại trong bộ sách Văn Học Miền Nam soạn thảo tại hải ngoại sau 75, thì đã
có nhiều nhà văn, [trong số đó có Nguyễn Đình Toàn] đã tìm
đọc cuốn Cây Cỏ Miền Nam để biết thêm về một vài loại cây cỏ quanh mình,
để khi cần, có thể đưa vào tác phẩm". Giai thoại văn học này có lẽ, chính Giáo sư Phạm Hoàng Hộ không hề biết tới.
SÁNG LẬP VIỆN ĐẠI HỌC CẦN THƠ
Khoảng thập niên 1960, do sự vận động của
các nhân sĩ trí thức Cần Thơ, với hai tên tuổi hàng đầu là Giáo sư Phạm Hoàng Hộ
và bác sĩ Lê Văn Thuấn, Viện Đại học Cần Thơ được phép thành lập vào ngày
31.03.1966 và cũng là Đại học đầu tiên của vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL).
Giáo sư Phạm Hoàng Hộ là Viện trưởng đầu tiên của Đại học Cần Thơ từ 1966 tới
1970.
Với uy tín lớn về thành tích khoa học và
cả về nhân cách, Giáo sư Phạm Hoàng Hộ đã quy tụ được rất nhiều "chất
xám" tinh hoa của Miền Nam thời bấy giờ; chỉ riêng trong lãnh vực Nông
Nghiệp có thể kể tới sự hợp tác của những tên tuổi như GS Tôn Thất Trình, GS
Thái Công Tụng, TS Nguyễn Viết Trương, TS Trần Đăng Hồng với công lao bước đầu
đưa giống Lúa Thần Nông/ HYV / High Yield Variety vào ĐBSCL.
Rồi phải kể tới một đội ngũ giảng huấn đầy
khả năng khiến Đại Học Cần Thơ mau chóng trở thành một trung tâm giáo dục và
khoa học có tầm cỡ, đáp ứng nhu cầu trí tuệ của một vùng châu thổ rộng lớn rất
giàu nguồn tài nguyên thiên nhiên nhưng chưa được khai thác. Để có thể thấy được
thành quả bước đầu của Viện Đại học Cần Thơ, đó là các lớp sinh viên đầu tiên trưởng
thành và tốt nghiệp 4 năm sau đó.
Giáo sư Đỗ Bá Khê [là thầy dậy tôi môn Vật lý năm PCB], trong "think tank" của Giáo sư Phạm Hoàng Hộ, cũng đến từ Đại học
Khoa học Sài Gòn, cách đây 50 năm, trong bài diễn văn “xuất trường” của Viện Đại
Học Cần Thơ, đã có một tầm nhìn rất xa về vai trò của Viện Đại Học này đối với
tương lai vùng Đồng Bằng Châu Thổ:
“Ngày
nay (19/12/1970) trong Thời Đại Khoa Học Kỹ Thuật, các tỉnh ĐBSCL
đang trông chờ nơi ánh sáng soi đường của Viện Đại Học Cần Thơ và ước mơ một
chân trời mới, tô điểm bằng những cành lúa vàng nặng trĩu, những mảnh vườn hoa
quả oằn cây, dân cư thơ thới, một cộng đồng trù phú trong một xã hội công
bằng.”
Giáo sư Đỗ Bá Khê cũng là người khai sinh ra hệ thống Đại học Cộng đồng [ĐHCĐ] tại Miền Nam
trước 1975, theo mô hình Community College Concept của Mỹ, với điển hình là Đại
học Cộng đồng Tiền Giang thành lập năm 1971 tại Mỹ Tho, tiếp theo là ĐHCĐ Duyên
Hải tại Nha Trang… nhưng rồi sau 1975, cùng chung số phận của cả một hệ thống
giáo dục tốt đẹp Miền Nam bị sụp đổ, mô hình Đại học Cộng đồng cũng đã hoàn
toàn bị chế độ mới làm cho biến thể, và mất hết ý nghĩa tâm nguyện ban đầu của
người khai sinh sáng lập.
Hình 6: Những năm về sau này, cho dù đã phải sống xa quê nhà,
nhưng
tấm lòng GS
Đỗ Bá Khê vẫn cứ luôn đau đáu hướng về “tương lai ĐBSCL
và vai trò của Đại Học Cần
Thơ trong việc bảo vệ và phát triển vùng này.”
[tư
liệu Ngô Thế Vinh: thư tay của GS Đỗ Bá Khê viết từ thành phố Concord,
California
ngày 29.05.2002]
GIÁO SƯ NGUYỄN DUY XUÂN
NGỌN HẢI ĐĂNG TRÍ TUỆ MIỀN
TÂY
NGƯỜI BẠN ĐỒNG HÀNH
Đến năm 1970, bước đầu xây dựng được một Đại
học Cần Thơ vững vàng, để có thể trở về Sài Gòn tiếp tục các công trình nghiên
cứu khoa học và giảng dạy, Giáo sư Phạm Hoàng Hộ chính thức mời Giáo sư Nguyễn
Duy Xuân về thay ông làm Viện trưởng thứ hai của Viện Đại Học Cần Thơ.
Giáo
sư Nguyễn Duy Xuân cũng là người Cần Thơ, sinh năm 1925 hơn Giáo sư Phạm Hoàng
Hộ 4 tuổi, tốt nghiệp Tiến sĩ Kinh tế tại Đại học Vanderbilt Hoa Kỳ, trở về Việt
Nam 1963, giáo sư Luật. Nhận chức Viện trưởng từ Giáo sư Phạm Hoàng Hộ, Giáo sư
Nguyễn Duy Xuân đã nỗ lực phát triển Viện Đại học Cần Thơ trên mọi lãnh vực từ
chương trình giảng dạy, đào tạo ban giảng huấn, xây cất thêm giảng đường, phòng
thí nghiệm, thiết lập ký túc xá như hệ thống campus cho sinh viên đến từ các tỉnh
xa Miền Tây. Ông là người tiên phong thực hiện giáo dục đại học theo tín chỉ /
credits (thay vì chứng chỉ, certificate như trước đây); giống như mô hình hệ thống
Đại học Hoa Kỳ. Ông còn gửi cả một đội ngũ giảng viên trẻ đi du học, điển hình như
anh Trần Phước Đường đi Mỹ tốt nghiệp tiến sĩ tại Đại học Michigan, sau đó họ
trở về trường phục vụ ngành Sinh học. (Giáo
sư Trần Phước Đường sau này trở thành Viện trưởng Đại học Cần Thơ từ 1989 tới
1997.)
Năm 1972, ông cũng đích thân mời nhà nông
học trẻ Võ Tòng Xuân khi ấy đang công tác ở Viện
Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế Los Banos Philippines về trường giảng dạy. Sau này anh Võ Tòng Xuân kể lại, khi nhận được thư của
GS Nguyễn Duy Xuân: “Anh Nguyễn Duy Xuân
nói ĐBSCL là cái vựa của lúa gạo nên rất cần những nhà khoa học về nông nghiệp.
Chiến tranh rồi có ngày hòa bình, đất nước sẽ cần những người như tôi. Đó là một
trong những lý do tôi về công tác ở Đại học Cần Thơ.” TS Võ Tòng
Xuân sau này trở thành một Giáo sư Nông học danh tiếng, "Doctor Rice" tên tuổi anh VTX gắn liền với sự tiếp nối
phát triển cây Lúa Thần Nông và sau đó anh là Viện trưởng Đại học An Giang là Đại
học lớn thứ hai của ĐBSCL sau Viện Đại học Cần Thơ.
Chỉ trong vòng 9 năm [1966 - 1975] với công
lao xây dựng của hai Viện trưởng tiền nhiệm: GS Phạm Hoàng Hộ và
GS Nguyễn Duy Xuân, Viện Đại Học Cần Thơ
như một Ngọn Hải đăng Miền Tây, trở thành một trung tâm đào tạo và nghiên cứu
khoa học, đặc biệt bước đầu ưu tiên phát triển hai lãnh vực Sư phạm và Nông
nghiệp, vững vàng sánh bước với các Viện Đại học lâu đời khác của Miền Nam,
đóng góp cho sự thăng tiến của vùng ĐBSCL.
TỪ ẢO VỌNG TỚI THẢM KỊCH
Chỉ mấy ngày trước biến cố 30 tháng 4,
1975, cũng như GS Phạm Hoàng Hộ, GS Nguyễn Duy Xuân như một trí thức dấn thân, quyết
định ở lại và giữa cảnh dầu sôi lửa bỏng, ông vẫn can đảm nhận chức Tổng trưởng Bộ Văn hóa Giáo dục cuối cùng của Việt Nam Cộng
Hòa. Giữ chức vụ đó chưa đầy một tuần lễ thì chính quyền Miền Nam sụp đổ, TT
Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng.
GS Nguyễn Duy Xuân bị
đưa vào trại tù cải tạo, sau đó bị đưa ra Bắc, giam trong trại tù Hà-Nam-Ninh,
hầu như không có ngày về. Vẫn theo anh Võ Tòng Xuân (VTX), năm 1983, trong một lần ra Hà Nội dự họp, anh VTX đã vô trại
Ba Sao để thăm lại vị Viện trưởng của mình khi còn ở Viện Đại học Cần Thơ. Gặp
lại đồng nghiệp, GS Nguyễn Duy Xuân rất mừng, và dù đang trong nghịch cảnh tù đầy,
ông vẫn đau đáu quan tâm hỏi han tới hiện trạng của Đại học Cần Thơ, nơi mà ông
và GS Phạm Hoàng Hộ đã dầy công xây dựng.
Tôi, người viết bài này không thể không tự hỏi nếu không có 11 năm giam
hãm đầy đoạ độc ác và vô ích của những người Cộng sản thắng cuộc, nếu GS Nguyễn
Duy Xuân, một Tiến sĩ Kinh tế tài ba và giàu lòng yêu nước như ông vẫn tiếp tục
ở lại xây dựng Viện Đại học Cần Thơ với nhịp độ 1966-1975, không biết Viện Đại
học Cần Thơ và ĐBSCL sẽ phát triển
và tiến xa tới đâu.
Năm 1983 là lần gặp
gỡ đầu tiên của hai Giáo sư cùng tên Xuân sau 1975 ở trại Ba Sao và cũng là lần cuối cùng GS VTX được gặp
lại GS Nguyễn Duy Xuân. Tiếp tục bị đầy ải thêm 3 năm nữa tổng cộng 11 năm, GS
Nguyễn Duy Xuân đã chết trong tù cải tạo Hà- Nam-Ninh
ngày 10 tháng 11 năm 1986 trong đói khát và bệnh tật không thuốc men. Xác của
ông được vùi nông trong nghĩa địa tù cải tạo trên triền núi phía sau trại tù Ba
Sao.
Phải mãi đến tháng 4 năm 2015, gần 30 năm
sau, di cốt của GS Nguyễn Duy Xuân, mới được người
con gái là bà Nguyễn Thị Nguyệt Nga từ Pháp về bốc mộ đưa từ nghĩa địa trại tù
Ba Sao Hà-Nam-Ninh về Chùa
Thiên Hưng, Quận Bình Thạnh Sài Gòn để lưu giữ tại đây. Trong buổi lễ cầu siêu,
ngoài các thành viên của gia đình cố Viện trưởng Nguyễn Duy Xuân, còn có một số
cựu giảng huấn và các cựu sinh viên tốt nghiệp Đại học Cần Thơ trước 1975 như GS Võ Tòng Xuân, TS Nguyễn Tăng Tôn (cựu SV), TS
Nguyễn Văn Mận (Cựu SV), KS Minh (Cựu SV), Ông Hòa (nhân viên hành chánh), đến tham dự buổi lễ.
Hình 7: Trại tù Ba Sao Hà-Nam-Ninh, Miền Bắc Việt Nam, nơi triền núi
phía sau trại tù là nghĩa địa chôn vùi xác rất nhiều tù nhân cải tạo có gốc từ Miền Nam
sau 1975, trong đó có thân xác Giáo sư Nguyễn Duy Xuân được vùi nông.
Mãi 30 năm
sau, con gái ông là bà Nguyễn Thị Nguyệt Nga từ Pháp về bốc
mộ cha đưa
từ nghĩa địa trại tù Ba Sao về Chùa Thiên Hưng, Quận Bình Thạnh Sài Gòn.
Hình 8: từ trái, GS Võ Tòng Xuân, bà Nguyễn Thị Nguyệt Nga
con gái GS Nguyễn Duy Xuân, ôm bình tro cốt của cha, bạn
trai Alan
và một thân hữu
[nguồn: Võ Tòng Xuân]
VIỆN ĐẠI HỌC CẦN THƠ SAU 1975
Thay thế Giáo sư Viện trưởng Nguyễn Duy
Xuân là ông Phạm Sơn Khai, gốc Miền Nam Tập kết là đảng viên Cộng sản, với học
vị "Chuyên Ngành Lịch Sử Đảng",
ông Khai được đề cử giữ chức Viện trưởng và lãnh đạo Đại học Cần Thơ trong suốt
13 năm từ 1976 tới 1989.
Kể từ sau 1975, chính quyền mới với chủ
trương một nền giáo dục "hồng hơn
chuyên" nên học trình của Đại học Cần Thơ, cũng như toàn hệ thống các
Đại học Miền Nam đã có thêm môn học chính trị cưỡng bách "Chủ nghĩa Mác Lê và Tư Tưởng Hồ Chí Minh". Một môn học
mà "thầy không muốn dạy, trò không muốn học" nhưng vẫn cứ được duy
trì cho đến ngày hôm nay. Ngót nửa thế kỷ, 45
năm sau ngày thống nhất đất nước, trên toàn cõi Việt Nam vẫn chưa có được một nền
"tự trị đại học". Quá sớm để nói tới dân chủ hoá đất nước, khi mà
các Đại Học như những "Think Tank" vẫn còn bị chi phối lãnh đạo bởi
những Chi bộ Đảng Cộng Sản.
Hình 9: Những Hiệu trưởng Viện Đại học Cần Thơ từ ngày thành lập
tới nay;
từ trái, 1. GS Phạm Hoàng Hộ,
1966-1970; 2. GS Nguyễn Duy Xuân, 1970-1975;
3. Ông Phạm Sơn Khai, 1976-1989; 4. GS Trần
Phước Đường, 1989-1997;
5. TS Trần Thượng Tuấn, 1997-2002; 6. TS Lê
Quang Minh, 2002-2006;
7. GS Nguyễn Anh Tuấn, 2007-2012; 8. TS Hà
Thanh Toàn, 2013 đến nay.
[nguồn: tư liệu Lê Anh Tuấn]
Hình 10: GS Võ Tòng Xuân mời GS Phạm
Hoàng Hộ tham gia
chuyến khảo sát Đồng Tháp Mười của Đại học
Cần Thơ, tháng 3, 1981.
Từ trái, TS Trần Thượng Tuấn, TS Nguyễn Thị
Thu Cúc (bị che), ThS Đỗ Thanh Ren,
GS Võ-Tòng Xuân, GS Trần Phước Đường, một
cán bộ Phân Viện Quy Hoạch,
GS Phạm
Hoàng Hộ, một
cán bộ tỉnh Đồng Tháp. [nguồn: tư liệu Võ Tòng Xuân]
Qua một eMail, anh Võ
Tòng Xuân kể lại: "Tôi nhớ mãi GS Hộ trong chuyến đi đó, ông rất kỹ về vấn
đề ăn uống, đem theo đồ ăn và bình ton đựng nước uống riêng".
GS PHẠM HOÀNG HỘ SINH NHẬT 80
Tháng 7 năm 2009, một số môn sinh đã tổ chức tại
Montréal một lễ mừng sinh nhật 80 tuổi của GS Phạm Hoàng Hộ, cùng với một bức
tượng được đem tới tặng Thầy với phát biểu đầy xúc động của một môn sinh: "Bức tượng không phải chỉ là hình
ảnh của một giáo sư Thực Vật đáng kính mà còn là biểu tượng
của người trí thức Miền Nam, đã hiến trọn đời mình cho khoa học, hết
sức khiêm tốn so với tài năng của mình và nhất là hết lòng yêu quê hương đất nước."
Cũng rất
ý nghĩa, trong buổi họp sinh nhật ấy, bác sĩ Tăng Quang Kiệt đã đọc lời chúc của
Giáo sư Phùng Trung Ngân, định cư tại California, người sáng lập ra Bộ
Môn Sinh Môi Học /
Ecology Department cũng là Khoa trưởng Đại Học
Khoa Học Saigon từ 1973-1975, là bạn đồng môn và cùng tuổi với GS Phạm
Hoàng Hộ:
"Anh Hộ thân mến, Tôi thành
thật cám ơn Anh Chị và gia đình đã cho phép tôi gởi bài phát biểu trong buổi lễ
long trọng này. Với 80 tuổi đời, Anh đã đóng góp một công trình đồ sộ về Cây Cỏ
Việt Nam đồng thời với việc hướng dẫn sinh viên yêu Thực vật và Thiên nhiên Việt
Nam. Là người cộng tác gần gũi với Anh trong công tác giáo dục sinh vật cho lớp
trẻ VN tôi đã thấy sự tận tụy với nghề nghiệp của Anh và lòng hăng say nghiên cứu
của Anh. Kết quả là công trình nghiên cứu vĩ đại về Cây Cỏ Nam Việt Nam và nhứt
là công trình bổ sung đầy đủ Cây cỏ toàn bộ VN với các mẫu cây quý báu đang bị
bỏ quên trong Viện Thảo Tập ở Paris. Trước năm 1975 Anh và tôi thường dẫn sinh
viên đi thực tập ở Lâm Đồng-Đà Lạt, cho các em leo lên đỉnh Lâm Viên, một trong
những ngọn núi cao khoảng 2000m ở miền Nam, chúng ta thường ước mong khi hòa
bình trở lại sẽ cùng nhau ra miền Bắc khảo sát Cây cỏ Đỉnh Fan Xi Pan cao hơn
3000m ở Hoàng Liên Sơn. Rất tiếc đến ngày hôm nay ước mong của chúng ta chắc
không bao giờ thực hiện được. Tuy nhiên Anh đã tự mình tiếp xúc với đỉnh Fan Xi
Pan qua các mẫu cây còn lưu trữ tại Viện thảo Tập Paris và cũng từ đó hình
thành bộ công trình Cây Cỏ Việt Nam cho Khoa học. Tôi rất may mắn là cộng
tác viên thân cận của Anh trong nhiều năm nên đã học được tính chu đáo trong
nghiên cứu, sự tận tụy trong giảng dạy và lòng say mê nghiên cứu Thiên nhiên Việt
Nam." [3]
Hình 11: GS Phạm Hoàng Hộ bên bức tượng bán thân
do một điêu khắc gia người Canada là bác sĩ Megerditch
Tarakdjian
thực hiện nhân dịp sinh nhật thứ 80 do một số môn sinh tổ
chức tại Montréal,
Canada. (3)
DI CHÚC GIỮ XANH ĐẤT MẸ
Trong Quyển cuối cùng
của bộ sách Cây Cỏ Việt Nam [Quyển
III, Tập 2] xuất bản tại Montréal 1993, chỉ với hai trang Thay Lời Tựa, GS Phạm Hoàng Hộ đã để lại một Thông điệp; cũng có thể
coi như một Di Chúc cho Việt Nam.
"Thực-vật-chúng
Việt Nam có lẽ gồm vào 12,000 loài. Đó là chỉ kể các cây có mạch, nghĩa là
không kể các Rong, Rêu, Nấm.
Đó là một trong những thực-vật-chúng
phong phú nhất thế giới. Sự phong phú ấy
là một diễm phúc cho dân tộc Việt Nam. Vì như tôi đã viết từ 1968, Hiển hoa là
ân nhân vô giá của loài người. Hiển hoa cho ta nguồn thức ăn căn bản hàng ngày;
Hiển hoa cung cấp cho ta, nhất là người Việt Nam, nơi sinh sống an khang. Biết
bao cuộc tình duyên êm đẹp khởi đầu bằng một miếng Trầu, một miếng Cau. Bao
nhiêu chúng ta đã không chào đời bằng một mảnh Tre để cắt rún, rời nhao? Lúc đầy
nguồn sống lúc nhàn rỗi, chính Hiển hoa cung cấp cho loài Người thức uống ngon
lành để say sưa cùng vũ trụ. Lúc ốm đau, cũng chính Cây cỏ giúp cho ta dược thảo
hiệu linh.
Các điều ấy rất đúng hơn với chúng ta,
người Việt Nam mà ở rất nhiều nơi còn sống với một nền văn minh dựa trên thực vật.
Nhưng ân nhân của chúng ta ấy đang bị hiểm
hoạ biến mất, vì rừng nước ta đã lùi dưới mức độ an toàn, đất màu mỡ bị xoi mòn
mất ở một diện tích lớn, và cảnh sa mạc đang bành trướng mau lẹ. Đã đến lúc
theo nhạc của một bài ca, ta có thể hát: "Thần dân nghe chăng? Sơn hà nguy
biến. Rừng dày nào còn, Xoi mòn đang tiến... Đâu còn muôn cây làm êm ấm núi
sông." [Ghi
chú của người viết: bài ca Hội nghị Diên Hồng, nhạc của Lưu Hữu Phước, lời: Huỳnh Văn Tiểng - Mai Văn Bộ - Lưu Hữu Phước].
Kho tàng thực vật ấy chúng ta có phận sự bảo tồn. Sự bảo tồn và phục hồi
thiên nhiên ở nước ta rất là cấp bách. Nó có thể thực hiện, vì mỗi người của
chúng ta, dù lớn dù nhỏ đều có thể góp phần vào sự bảo tồn ấy. Bằng những cử chỉ
nhỏ nhặt hàng ngày, sự đóng góp của chúng ta quan trọng không kém.
Không quăng bậy một tia lửa, một tàn thuốc,
là ta góp phần tránh nạn cháy rừng. Không đốn bậy một cây, là ta bảo vệ Thiên
nhiên của ta. Trồng cây là phận sự của chính quyền hay của các Công ty gầy rừng.
Nhưng quanh nhà chúng ta, chúng ta có thể tìm trồng một cây lạ, đặc biệt, hiếm
của vùng hay chỉ có ở Việt Nam. Dân ta yêu cây hoa-kiểng, nhưng các nhà nhàn rỗi
có thể trồng cây lạ, đặc biệt, cũng là một thú không kém hay đẹp. Các thị xã
nên có một công viên hay vườn bách thảo, không lớn thì nhỏ để khoe các cây hay
của vùng, không bắt buộc là cây hữu ích hay đẹp. Cây Dó đâu có gì lạ? Nhưng nó
là niềm tự hào cho dân tộc vì từ Hồng Bàng, dân ta đã biết lấy trầm từ nó. Cả
ngàn loài cây khác chỉ có ở Việt Nam mà thôi! Các cây này có thể trồng như cây
che bóng mát dựa lộ. Các làng, các quận, các tỉnh nên tạo phong trào trồng nhiều
loài lý thú như vậy. Ta không cần đợi các lâm viện, khu dự trữ để bảo vệ tài
nguyên quý báu cho thế hệ sau, mà ta cũng có thể chính mình góp phần vào sự bảo
vệ ấy. Trồng các cây lạ, đặc biệt ấy còn là một yếu tố quến [chữ GS Phạm Hoàng
Hộ theo cái nghĩa quyến rũ] du khách quan trọng: Lan Thuỷ tiên hường Dendrobium
amabile của ta, chỉ có ở một Vườn Bách thảo ngoại quốc trồng được và họ tự hào
đến đỗi đã ghi trong "Sách ghi quán quân thế giới 1988."
Hàng năm ta có thể tuyên dương nhà nào đã
trồng cây hay, lạ. Tất nhiên là công với nước nhà mới trông không bằng những ai
đã đem Rhizobium vào để tăng năng suất đậu nành, đã trồng được cây Dó tạo trầm,
đã du nhập lúa Thần nông hay Nho. Nhưng nếu cả ngàn người, cả triệu người đóng
góp cho non nước những "nhỏ-nhen" [chữ GS Phạm Hoàng Hộ theo cái
nghĩa nhỏ nhặt], cả triệu cái nhỏ-nhen chắc chắn trở nên một khối đồ sộ.
Đóng góp lớn, tôi vẫn cho là việc khó.
Tôi quý các đóng góp nhỏ, hằng ngày mà ai cũng làm được. Nó hay hơn. Kẻ sĩ,
theo tôi không phải chỉ là những kẻ đã làm được những chuyện lớn. Đóng góp những
chuyện nhỏ hàng ngày cũng là hành động của một kẻ sĩ, kẻ sĩ vô danh. Kẻ sĩ vô
danh cao quý không kém. Với những đóng góp nhỏ ấy, chắc chắn bạn không làm buồn
lòng cho Tổ Quốc và không thẹn với Non Sông. [lược dẫn Thay Lời Tựa, bộ sách Cây
Cỏ Việt Nam; Quyển III, Tập 2].
Qua "Di
Chúc" ấy của GS Phạm Hoàng Hộ, từ nay môn Sinh học Thực Vật không còn là
lý thuyết mà đã đi vào đời sống; Giữ
Xanh Đất Mẹ phải là kim chỉ nam cho mọi trình độ giáo dục từ Tiểu học tới Đại
học, cả trong công dân giáo dục, là giá trị phổ quát và xuyên suốt cho mọi thể
chế chính trị và cả trên tầm vóc toàn cầu là Giữ Xanh Trái Đất này / Keep this Planet Green.
THAY CHO MỘT KẾT TỪ
Giáo sư Phạm Hoàng Hộ
đã xem bộ sách "Cây Cỏ Việt Nam là
công trình của đời tôi" và Giáo sư đã đề tặng toàn sự nghiệp ấy cho:
“Những ai còn sống hay đã chết
trong tù vì tháng Tư năm 1975 đã quyết định ở lại để tiếp tục dâng góp cho đất
nước.
Tặng giáo sư Nguyễn Duy Xuân
nguyên viện trưởng Đại Học Cần Thơ, mất ngày 10/XI/1986 tại trại Cải Tạo
Hà-Nam-Ninh.
Tặng hương hồn những ai trên biển
Đông đã chết nghẹn ngào.”
Bài viết này như lời cầu nguyện gửi tới hương linh các Giáo sư
Nguyễn Duy Xuân, Giáo sư Phạm Hoàng Hộ, Giáo sư Đỗ Bá Khê – những nhà khoa học với nhân cách lớn, những kẻ
sĩ khí phách biểu tượng của giới trí thức Miền Nam, đã đi hết chặng đường đau khổ với
trọn đời cống hiến trong một giai đoạn vô cùng đen tối của đất nước. Viết trong
nỗi xúc động, cùng với
nén nhang tưởng nhớ, nghĩ tới câu
thơ của thi hào Nguyễn Du: Thác là thể
phách còn là tinh anh. Tấm gương của
các Thầy vẫn cứ mãi là Ngọn Hải Đăng soi sáng và dẫn đường cho Đồng Bằng Sông Cửu
Long đang như một con tàu lạc hướng sắp đắm, sẽ
vượt qua mọi sóng gió, vào được bến đỗ an toàn. Và cũng ước mong một ngày nào đó "hoa sẽ nở trên đường quê hương", và rồi ra trên một đất nước có tự do dân chủ, sẽ có một
tượng đài của GS Phạm Hoàng Hộ trên đỉnh
Fan Xi Pan cao hơn 3000 mét ở Hoàng Liên Sơn để các thế hệ môn sinh tiếp tục
được Thầy Hộ hướng dẫn tới đó khảo sát Cây Cỏ và hoàn tất Giấc
Mơ Việt Nam của Thầy.
NGÔ THẾ VINH
Sài Gòn 30 tháng 4, 1975
– ĐBSCL 30 tháng 4, 2020
Tham Khảo:
1/ GS. Phạm Hoàng Hộ & GS.
Nguyễn Duy Xuân đối với việc hình thành và phát triển Viện Đại học Cần Thơ
(1966 - 1975); Phạm Đức Thuận; Tập San Xưa và Nay Số 439 Tháng 11 Năm 2013; http://www.cantholib.org.vn/Database/Content/1188.pdf
2/ Vị Tổng Trưởng quyết không rời Quê hương. Trung Hiếu;
Báo Thanh Niên 28.04.2015; http://thanhnien.vn/thoi-su/giu-huyet-mach-cho-hon-ngoc-vien-dong-ky-6-vi-tong-truong-quyet-khong-roi-que-huong-556577.html
3/ Anh Chị Thuỷ - Thu Vân thăm Thầy Phạm Hoàng Hộ, http://truongxuabancu.fpb.yuku.com/topic/118/Anh-Ch-ThuThu-Vn-thm-Thy-Phm-Hong-H#.WJNVUxTcdwg
4/ Giáo sư Phạm Hoàng Hộ, một người thầy của tôi. Lê Học
Lãnh Vân; Một Thế Giới.VN 02.02.2017; http://motthegioi.vn/giao-duc-c-69/cau-chuyen-giao-duc-c-108/giao-su-pham-hoang-ho-mot-nguoi-thay-cua-toi-55462.html
5/ Đại
học cộng đồng được thành lập trước 1975. GS Đỗ Bá Khê; Đặc san Tiền Giang, July
1998.
No comments:
Post a Comment