Tuesday, April 21, 2020

HỒN THƠ NGUYỄN XUÂN THIỆP


Tô Thẩm Huy

NXT mù sương Đà Lạt.1965
Đinh Cường ghi lại theo trí nhớ một thời. 2011

Hò hẹn với đất trời từ vạt nắng Đông Tây đến áng mây kim cổ, nhưng lòng Nguyễn Quân
gắn bó với quê hương Việt Nam của ông, chi chút từng bát canh rau đến cánh trà hoang dại.

Hồn thơ ấy không có tuổi.

Có lúc nó già như hòn đá cổ nằm phơi nắng chiều trước hiên nhà ông Tô Đông Pha, ngậm ngùi nhìn chuyện hỷ nộ ai lạc trôi qua trước mắt mà thương xót con người: Môn tiền cổ kiệt ngoạ tà dương, Duyệt thế như lưu sự khả thương.

Lại có lúc nó trẻ như vầng trăng non.
Xin mời đọc bài thơ ông viết khi đi qua Nghệ Tĩnh năm 1980, sau 5 năm tù tội:
Thảo Nguyên
mùa hạ. ta qua vùng thảo nguyên
gió thổi. chiều xanh trôi với nắng
khoảnh khắc. vầng trăng bạc nhú lên
cánh chim theo trăng vào trời rộng
nhà ai. đèn lồng soi trước hiên
nhủ thầm. nhà ta sau hàng phượng
ta đi năm năm qua thảo nguyên
cảm ơn phút giây đời giao hưởng

Giá như mà Đỗ Phủ đi tù cùng ông Nguyễn, thể nào ông Đỗ cũng viết những vần thơ như thế.  Nhưng khoan đã, xin thư thả đọc tiếp, bài thơ còn dài:
mùa hạ, ta qua vùng thảo nguyên
bước nhẹ tênh. quên thời khổ hạnh
mê con chuồn chuồn đỏ bay ngang
thương bầy dê con trên đồi vắng
gặp trẻ chăn bò đi hát rong
gặp ấu thơ ta. mùa hạ sáng
đời trôi đi. tưởng đời lặng câm
bỗng tiếng đàn ai trong gió thoảng

Ông đi tù cực khổ, đoạ đày đến là vậy, sao lại còn tâm trí để ngắm nhìn bầy dê đang gặm cỏ trên đồi, để thấy con chuồn chuồn đang bay ngang màu đỏ, để nghe tiếng đàn thoảng bay trong gió?  Ông Đỗ Phủ ơi, ông Đỗ Phủ ơi, ông có nghe?
hỡi bé lang thang vùng thảo nguyên
như ta ngày xưa. thời thơ dại
áo vắt vai. đi qua rừng sim
lội trong cỏ may ngập đầu gối
biển cỏ mênh mông. sóng dập dờn
hò ơi. dong thuyền về bến đợi
cho ta theo nhé. về đêm nay
đêm trong nhà xưa. đêm mát rợi
xin bát canh rau. ăn rất hiền
chong ngọn đèn dầu. mẹ dệt vải
đọc chuyện thạch sanh. lòng hân hoan
có khi mơ được làm thằng cuội
trong giấc ngủ mơ không thấy tiên
chỉ thấy vườn xưa. cây chĩu trái
tan mơ. mở cửa ra nhìn sao
muôn ánh sao mờ. dòng lệ chảy
đêm khuya. rì rào trong cây xanh
nghe bên láng giềng gà tre gáy
sáng mai. ta bước ra ngoài sân
nhìn quanh hiên. rụng đầy hoa bưởi

Thạch Sanh chém chằng?  Tôi đọc thơ ông mà giật mình nghe dạt dào tình tự non sông dâng lên tràn khoé mắt, nghe lung linh ánh đèn trong kho tàng cổ tích của dân gian giòng giống, nghe vang vọng lời ca thuở thiếu thời thơm ngát hương hoa bưởi: Ánh trăng trắng ngà, có cây đa to…  Và nghe thấy tự tấc lòng mình tuổi thơ Việt Nam đẹp như đất trời, cỏ cây, hoa lá.  Tung tăng hân hoan như cuộc đời nhẽ ra như thế:
năm năm. ta qua miền thảo nguyên
đến nay. vang vang mùa hạ gọi
mùa hạ cùng ta phơi áo biếc
bên hàng dâu rũ lá mong manh
mùa hạ cùng ta đi hài đỏ
qua cầu tơ liễu. nắng vàng trong
mùa hạ cùng ta che nón rộng
xuống đầm nước lục bơi thuyền sen
mùa hạ cùng ta thổi sáo trúc
diều ai lơ lửng mấy tuần trăng
mùa hạ theo ta vào nương bãi
chặt cụm mây vàng. hái mật ong
mùa hạ theo ta ra đầu núi
nhìn quanh. từng vạt khói bềnh bồng

Và nghe thấy tiếng giông gió, bão tố mà lịch sử ác nghiệt đang gùn ghè trên đầu dân tộc đầy bất hạnh này:
năm năm. ta qua vùng thảo nguyên
nghe mơ hồ ngôi sao biếc gọi
cha đã đi qua vùng thảo nguyên
gió mùa xưa chuyển cơn giông lớn
vang thiên thu chớp bể mưa nguồn
…đám lưu dân qua vùng châu thổ
chẳng tìm đâu thấy một xóm làng
thảo nguyên. tàn khuya không ánh lửa
trời mịt mùng. muông thú kêu hoang
…những năm ấy trời làm đói khổ
kẻ sống. người chết. đều trơ xương
lại thêm khắp bốn bề giặc giã
muôn oan hồn không chốn nương thân
phất phơ nơi đầu sông cuối bến
ngày gầy xơ. lất phất mưa phùn
đường bạch dương. chiều. không quán trọ
hành nhân. hành nhân. đêm thu phân

Hành nhân.  Hành nhân.  Đêm thu phân.  Đêm thu phân?  Đêm mà cái trục quay của trái tinh cầu này thẳng góc với đường quỹ đạo, đêm của công bằng giữa ngày và đêm, của công lý, của lương tri con người, mà hà cớ sao muông thú lại phải kêu hoang? Sao kẻ sống người chết lại trơ xương?  Sao ngày thì gầy xơ mà đường chiều không quán trọ?  Hành nhân, hành nhân, ngươi đi đâu giữa sa mạc trần gian trong đêm tối?
từ đó chung quanh đời bặt tin
chuông chùa tây phương không vọng lại

Chuông chùa không vọng lại.  Trong cùng đường không thấy ngày về, kẻ hành nhân là tù nhân ấy vẫn ân cần ngọt ngào gửi lời nhắn nhủ, rằng em ơi, một ngày kia em có qua vùng thảo nguyên này tìm ta như thể đi tìm những tinh tế của hồn thiêng sông núi, của qua đình ngả nón, của gừng cay, muối mặn, quế nồng, của qua cầu áo bay, thì em nhé đừng quên cất bước vào trong rừng hỏi thăm bác tiều phu, chú chăn ngan, anh chăn vịt, hỏi thăm con nai con hoẵng, thăm giọt nắng trên cành bạch dương, thăm giọt sương trên từng cánh lá, vì em ơi, trong mỗi giọt sương, trên mỗi cánh lá, đều có lòng ta gửi gấm, có lời ta nhắn nhủ em, nhắn gửi con, để giòng suối khi tiếp nối với giòng sông tuôn chảy về biển cả, sẽ phải tươi đẹp như bình minh đang đến.
mai mốt em qua vùng thảo nguyên
tìm nhau. trăng đã về động cổ
tìm nhau. tìm nhặt chiếc khăn rơi
tìm nhau. khi qua đình ngả nón
tìm nhau. khi qua cầu áo bay
tìm nhau. đến phai hương tàn lửa
vị quế nồng. nghĩa nặng tình sâu
thì em nhé vào ngàn thăm hỏi
lão tiều phu. đốt bãi cháy bờ
gã chăn ngan. kêu ngoài lau sậy
hỏi thăm từ con hươu con nai
hỏi thăm giọt mưa và ngọn lá
bởi có ta. trong mỗi hạt sương
có ta. trong từng tia nắng rọi
lời ta trong câu hát dân gian
kể lể chuyện buồn vui sớm tối
em gom về trao lại cho con
mai sau sông nối xa đời suối
chuyện của người là chuyện dòng sông
bình minh đến mở tung cửa biển
ta đi năm năm qua thảo nguyên
(Nghệ Tĩnh, 1980)

Thảo Nguyên là một bài thơ lớn. Lòng của Nguyễn Quân là lòng của dòng sông ngọt ngào tuôn chảy, ôm ấp núi đồi, vỗ về thảo nguyên, chan hoà cửa biển.  Tấm lòng ấy hiền lành mà bao la, tươi đẹp dường nào! Có ta trong từng tia nắng rọi, lời ta trong câu hát dân gian.  Lời ông trong câu hát dân gian? Ông đi tù là đi mọt gông, sau năm năm này là mấy cái năm năm nữa nào ai biết.  Thế ông có nhắn gửi điều gì với cuộc đời ngoài kia?  Thưa: Ông gửi hồn mình vào hồn thiêng sông núi.  Lời nhắn gửi không gì khác hơn là lời tình tự dân tộc.  Lời thơ ông gửi lại cho mọi người là những câu hát dân gian, kể lể chuyện buồn vui sớm tối.  Khiêm nhượng đến là thế.  Mà cao đẹp đến là thế.  Chữ nghĩa trong thơ ông long lanh mầu sắc, dạt dào âm điệu.  Thử đọc lại mấy câu:  Mùa hạ cùng ta phơi áo biếc, qua cầu tơ liễu nắng vàng trong, Mùa hạ cùng ta che nón rộng, xuống đầm nước lục bơi thuyền sen.  Thơ như thế đã đến mức thượng thừa.  Nó đứng thẳng một cách tự nhiên, chẳng cần dựa vào niêm luật có sẵn, mà vẫn trầm bổng trong cung bậc riêng biệt.  Nó gạt bỏ mọi phấn son, diêm dúa.  Chân thật, đẹp đẽ, tươi thắm, ấm lòng, thơ đến tự đáy lòng thường như thế, ngay cả trong những lúc muộn phiền.  Những ai, trong những lúc buồn chán chuyện đời, nhân tình thế cuộc, hay điêu linh vận nước, nên đem bài thơ Thảo Nguyên ra đọc.  Nhẩn nha đọc, từ đầu đến cuối, từng dấu chấm, không vội.  Tỷ như đang ngồi thiền.  Ung dung từ tốn.  Ắt sẽ thấy an tâm, hưng phấn trong lòng.  Giá mà người Việt Nam đang sống ngày hôm nay cứ cha truyền con nối đời này sang đời khác đọc thơ Nguyễn Xuân Thiệp thì các thế hệ mai sau mãi mãi sẽ không bao giờ quên là chúng may mắn được sinh ra làm một phần của cái dân tộc đầy cay đắng nhưng vinh quang, đẹp đẽ, và hiển hách đến dường này. 

Thảo Nguyên là một trong các bài thơ in trong tập Tôi Cùng Gió Mùa. Tôi đã gặp và yêu mến hồn thơ Nguyễn Xuân Thiệp qua tập thơ ấy, cách nay dễ đã hơn hai mươi năm.  Tôi không nhớ đã nói những gì trong dịp ra mắt tập thơ ấy ở Houston năm 1999.  Nhưng ý tưởng xích tử chi tâm, tấm lòng son đỏ tinh khôi, cùng với hình ảnh con chim cardinal màu đỏ oai vệ đã tô đậm trong đầu tôi bóng dáng ông như một kẻ sĩ trong những kẻ sĩ cuối cùng đang sống ở thời đại chúng ta, bóng dáng một hồn thơ thiên cổ giữa trời thơ hôm nay.  Qua các bài như Trà Oán, Đốt Lửa Nghe Sư Đàn, cái hồn thiên cổ ấy bàng bạc trên trang giấy.  Nguyễn Du trong Long Thành Cầm Giả Ca tả người cầm giả ở Thăng Long sau mấy mươi năm gặp lại: Thuấn tức bách niên năng kỷ thì, Thương tâm vãng sự lệ triêm y (Trăm năm đọng giữa cung đàn, Bóng tà cỏ áy, lệ lan bao ngần)…Song nhãn trừng trừng không tưởng tượng, Khả liên đối diện bất tương tri (Mắt trừng đối mặt còn ngờ, Biết bao chua xót cho vừa chiêm bao), nghe tê tái cả cõi lòng.  Bạch Cư Dị tả tiếng đàn của người kỹ nữ trên sông:  Đại huyền tào tào như cấp vũ, Tiểu huyền thiết thiết như tư ngữ (Dây trầm mưa gió dầm dề, Dây thanh âu yếm tỉ tê nỗi niềm), nghe sướt mướt giọt lệ bến Tầm Dương.  Thế nhưng phải nghe Nguyễn Xuân Thiệp tả tiếng đàn của người sư trong lán tù bên suối thì mới thấy ma lực của tiếng đàn giữa núi rừng chập chùng u tối: 
bỗng trong đêm rộ tiếng ai đàn / lửa củi soi nhà sư mặt ốm / cuộn cuộn trường giang sóng lục đầu / đầm cỏ nước in  thân cò vạc / bắt cua. vồ nhái. ngày qua ngày. 
Thân vốn là thân cửa Thiền môn, sao giờ lại làm thân cò vạc đi bắt cua, vồ nhái? 
dạo đàn. mưa thu rơi trong trăng / đàn ánh thép xanh. gươm phạt trúc. 
Thế là thế nào? Phải chăng tiếng đàn ấy đã làm ánh trăng phải ứa ra những giọt mưa thu, làm rừng trúc phải rạp mình sợ hãi? 
hồn u. mả tối. đây là đây / rạng tiếng Ngư Dương thơ quỷ đọc / năm ngón tay gầy như chim ưng / bật dây. rỏ máu. hoàng hôn rừng / bỗng thấy sân nhà cây sứ gãy / gọi những mùa đi không trở lại / gió thu đưa võng ai chờ ai / đêm cẩm khê. đàn trong u độc / năm cửa ô quan ngấn lệ mờ / những mái nhà mưa xoi nắng rọi / lọ rơi. sành vỡ. lục cục âm.   
Cuộn cuộn trường giang sóng lục đầu … / gọi những mùa đi không trở lại.  Ông Phạm Trọng, ông Trịnh Công Sơn ơi, bao giờ những mùa xuân, những mùa thu đã ra đi sẽ theo với tiếng đàn mà trở lại trên quê hương?
Tiếng đàn đến là kỳ lạ. Trong một dịp khác, tôi muốn so chiếu tiếng đàn trong Đốt Lửa Nghe Sư Đàn với tiếng đàn trong Long Thành Cầm GiảTỳ Bà Hành, chắc là sẽ thú vị.  Tạm thời xin mời đọc các câu trong Tỳ Bà Hành tả lúc tơ đàn ngưng tiếng: Thủy tuyền lãnh sáp huyền ngưng tuyệt, Ngưng tuyệt bất thông thanh tiệm yết, Biệt hữu u sầu ám hận sinh, Thử thời vô thanh thắng hữu thanh (Suối đông lạnh, dây đàn ngưng tiếng, Trong im lặng nghe có nỗi sầu hận u uất. Lúc im tiếng lại hay hơn lúc đang ngân vang)Khúc chung thu bát đương tâm hoạch, Tứ huyền nhất thanh như liệt bạch (Dứt bài lướt phím mặt đàn, Bốn giây lụa xé vút lan đêm trường). 
Còn đây là các câu kết của Đốt Lửa Nghe Sư Đàn:  sư bỗng ngừng đàn. nhìn đống lửa / gốc cây. cháy như đầu thiên cổ / mặt đất chừng qua cơn mộng dữ / hơi đàn trôi trong hương lá xanh / đàn ngân. cánh chim soi trên đầm / mùa hoa mơ nở. trắng non ngàn / từ trong động ấy. giờ trăng mọc / ánh trăng. chảy vàng trăm cửa sông / bếp rụi. lửa riu. âm đàn dứt / trăng lên rồi. hổ xuống cẩm khê.  
Âm đàn đã dứt.  Trăng đã lên cao.  Hổ đang xuống cẩm khê.  Để làm gì?  Sao bây giờ mới xuống, lúc đàn đã ngưng âm tiếng?  Bài thơ dâng lên cái khí lạnh của núi rừng, cái ma quái của ánh lửa, cái vô ưu của rừng hoa mơ nở trắng dưới ánh trăng chảy vàng trăm cửa sông.  Một khúc kết thật tuyệt vời.

Nhưng đó là chuyện hai mươi năm về trước.  Dạo sau này tôi đã ngạc nhiên khi khám phá ra hồn thơ ông thường khi bay bổng, xa khỏi cái thế giới của Đường thi Tống từ, dù thỉnh thoảng có nhớ quay về, mà chan hoà cùng Đông Tây thời đại thế kỷ 20, 21.  Tôi Cùng Gió Mùa là một trong những vẻ khác nhau của cái hồn thơ hay bay bổng ấy.  Nhẽ ra cũng không nên ngạc nhiên khi biết ông đọc Pablo Neruda. Thời của ông mà. Thời của những năm 60. Thời của Neruda đoạt giải Nobel văn chương đầu 70, 71.  Nhưng một hồn thơ cổ kính, thân tình với Vương Duy, Đỗ Phủ lại chơi đùa với Brodsky, thích Janis Joplin hát giọng the thé, nghe Jimi Hendrix đốt cháy phím đàn, thì tôi không được biết nhiều người như thế, ngay cả ở những người làm thơ trẻ hơn ông, nên đã ngạc nhiên, một cách thú vị.  Xin mời đọc một bài:
Đêm nay. anh ngồi đọc lại
thơ pablo neruda
20 bài thơ tình. và một khúc ca tuyệt vọng
twenty love poems. and a song of despair
đã gần hai giờ sáng
trăng hạ tuần. soi. trên thềm đá ẩm
bản tin thời tiết chiều nay báo
sẽ có late fleuries
anh nhìn ra ngoài trời
chỉ thấy ánh trăng. xanh màu hortensia
huyền hoặc
và anh đọc thơ pablo neruda
mà ngỡ như thơ mình
“ở nơi này. tôi nghĩ đến em
này yêu dấu em. giữa những hàng thông đen thẫm.
gió cũng vùng vẫy thoát bay lên
mặt trăng tỏa ánh ngần trên dòng nước phiêu bạc
những ngày. như mọi ngày. nối tiếp nhau đi…”
ôi. em
đã hơn hai giờ sáng
anh mở cửa sổ. nhìn ra
mái ngói. giờ này đã đóng băng. một lớp băng mỏng
và mặt trăng
treo trên cành khô
một tiếng chim. rơi rụng. từ trí nhớ
“đêm nay. tôi có thể viết. những câu thơ buồn
tôi yêu em. và đôi khi em cũng yêu tôi
ôi cơn đau cuối cùng này
và những câu thơ. tôi đã viết cho em”
vẫn là thơ của pablo neruda
đọc lên trong đêm. không ánh lửa
và trời sẽ có tuyết bay. bông fleuries
dẫu sao thì pablo neruda đã chết
và anh cũng sẽ ra đi
ôi thơ anh. và thơ pablo neruda
sẽ bay lên. bay lên. cùng hồi chuông cô quạnh
mỗi chiều, khi em mở cửa nhìn
và những đám mây. cũng bay đi. như những vuông khăn tiễn biệt
em ơi

Hai trích đoạn thơ trên được Neruda viết lúc chưa hai mươi tuổi, không biết đã được ông chuyển ngữ từ nguyên tác tiếng Spanish hay từ ngôn ngữ nào, mà hay tuyệt vời. Ai đã thích Hai Mươi Bài Thơ Tình Và Khúc Ca Tuyệt Vọng của Neruda sẽ lại càng yêu mến chúng hơn nữa khi đọc bài thơ trên của Nguyễn Xuân Thiệp. Bài thơ đã làm nỗi cô đơn trong thơ Neruda lung linh sáng.  Và mặt trăng / treo trên cành khô / một tiếng chim. rơi rụng. từ trí nhớ. Ông Neruda ơi, ông Neruda ơi, ông có nghe? Trời đêm nay sẽ có tuyết bay!
Gần đây tôi lại bắt gặp ở hồn thơ Nguyễn Xuân Thiệp những bài thơ ngắn, những đoản thi, mà có lúc ông in trên những phiến giấy màu rất đẹp rồi gửi cho. Lại có lúc ông gửi bằng email cho bạn bè, mà tôi may mắn có tên trong danh sách.  Xin mời đọc vài đoạn, trích từ nhiều bài khác nhau:
sao tôi đi mãi
một mình
đã bao năm
không bàn tay ấm trong tay
chỉ nghe trong hồn
chiều
một đóa quỳnh. rã cánh

Câu thơ thật lạ. Xin mời đọc lại:  sao tôi đi mãi / một mình / đã bao năm / không bàn tay ấm trong tay / chỉ nghe trong hồn / chiều / một đoá quỳnh rã cánh.  Hà cớ gì đang nghe trong hồn một đoá quỳnh rã cánh ông lại xuống giòng ở giữa câu, gióng lên một chữ chiều, rồi lại xuống giòng?  Sao lại có thể nhẫn tâm mà tài tình như thế?  Đoá quỳnh đã rã cánh, không đủ chết người sao, mà lại còn chiều?  Chiều ở đây là danh từ, là buổi chiều? Hay chiều là tĩnh từ, là chợ chiều, là đã cuối mùa, sắp tàn lụi?  Hay là hồn của buổi chiều? Nó dính líu gì đến đoá quỳnh đã rã cánh?  Thưa: Hỏi như thế là tào lao, là xằng bậy, là phải tội muôn đời sám hối không hết, là giết chết cái hồn thơ mà ông Hàn Mặc Tử từ buổi em đi lấy chồng đã thôi không làm thơ nữa, đi tìm mỏm đá ngồi lên để thả cho nó bay về với nghìn năm mây trắng.  Đọc thơ nên tắt cái máy lô gích đi.  Ắt sẽ thấy sự tình kỳ bí của chiều.  Nó không có nghĩa gì cả, mà có hết thảy mọi ý nghĩa trên đời.  Nó bao trùm mọi nỗi hiu quạnh, buồn tẻ, xót xa của con người, mọi nỗi chơ vơ, lạnh lẽo, héo hon, úa tàn, của bàn tay đơn lẻ, của đoá quỳnh rã cánh.  Bởi vì không có nó, không có chiều, thì em ơi, đoá quỳnh rã cánh chỉ là đoá hoa đã tàn, như trăm nghìn đoá hoa khác. 
mùa thu
ơi mùa thu
dường như qua khe cửa
có tiếng gió
hay tiếng dế kêu
anh và em
xa nhau
ánh trăng. không soi tới

Không soi tới!  Thì làm sao mà cưỡi trăng đến được bên nhau?   Bất tri thừa nguyệt kỷ nhân quy.  Ông Đỗ Phủ ơi, ông Đỗ Phủ ơi, ánh trăng đêm nay có soi tới Phu Châu?  Đêm nao là đêm hà thì ỷ hư hoảng?  Biết lấy gì để hong khô ngấn lệ nhớ mong?

một chiều. nhạt nắng
gió lạnh về
nghe thu vàng hát
đường chiều lá rụng
và. đá xanh
chợt thấy. chiếc nón của mình
lăn. trên đường phố
sài gòn
xưa
     Ai đã nghe Thái Thanh hát Đường Chiều Lá Rụng nên bật máy nghe lại sau khi đọc bài thơ này.  Ai chưa nghe ắt nên tìm nghe cho bằng được.  Một ca khúc đã làm hồn người và đường phố Sài Gòn rụng hết lá. Tôi chưa có dịp được nghe mùa thu cất tiếng hát Đường Chiều Lá Rụng, cũng chưa có cái may mắn được nghe chị Thu Vàng hát bài ấy, nên chiếc mũ cũ kỹ vẫn còn đội ở trên đầu. Mơ một ngày được thấy chiếc mũ của mình lăn trên đường phố.

     Nói nữa cũng không cùng.  Xin mượn bài đoản thi Thời Gian của ông để kết bài viết này ở đây:
ông basho
một năm lại qua
nón lá đội đầu
chân buộc giày rơm
đi tìm chiếc lá kiri
còn ông thiệp
một năm lại qua
mũ dạ
khăn quàng cổ
đi tìm bông hoa giấy
rụng. tàn
môi ai. nơi góc tường kia
      Ông Basho đội nón lá lên đầu đi tìm chiếc lá kiri
      Ông Thiệp quàng khăn lên cổ đi tìm bông hoa giấy. rụng. tàn.
      Ông Hàn cầm bút chấm vào mực cao hứng viết: Thơ có tuổi và chiêm bao có tích. Hẳn là ông có cái lẽ của riêng ông. Nhưng sao là có tuổi?có tích?  
      Hồn thơ Nguyễn Xuân Thiệp theo tôi đã bay ra ngoài cái trú trường của tuổi tác. Ở cõi ấy thời gian vốn co dãn.  Ở cõi ấy, trăm năm hồng lệ có là bao nhiêu.
Hồng nhạn trường phi quang bất độ, ngư long tiềm dược thuỷ thành văn. 
Dặm ngoài cõi sáng xa vời, bóng chim, tăm cá, mây trời, bọt sông.  
      Ở cõi ấy, hồn thơ Nguyễn Xuân Thiệp không có tuổi.

TÔ THẨM HUY
Houston, Tiết Vũ Thuỷ, Tháng 3, 2020

No comments:

Post a Comment