Wednesday, April 30, 2014

TẢN MẠN BÊN TÁCH CÀ PHÊ. MỘNG THẤY ĐƯỜNG ĐI ĐƯỜNG VỀ



Nguyễn Xuân Thiệp


 
                                            Tháng Tư. Hoa poppies đỏ

Tháng Tư về, gợi lên bao điều để suy nghĩ và để nhớ.
Nhớ Sài Gòn, chẳng hạn. Ờ, tại sao lại nhớ Sài Gòn mà không nhớ Huế, nhớ Đà Nẵng, nhớ Nha Trang? Hay nhớ Đà Lạt? Có thể nhiều người nhớ những thành phố này, còn với Nguyễn tôi thì Sài Gòn là đóa quỳ vàng của một thời. Có lẽ tại vì Nguyễn đã sống ở đó những năm thanh xuân của đời mình, và ra đi từ đó. Lại nữa, Sài Gòn chính là Việt Nam trong tim của Nguyễn và nhiều người. Ôi Việt Nam / từng là nỗi đau xé trong tôi / sao tôi khóc lúc ra đi / phượng đỏ một lời yêu dấu cũ / là lúc chia xa…Vâng, qua bên này nghe ca khúc Đêm Nhớ Về Sài Gòn của Trầm Tử Thiêng (như đêm nào, tại nhà Nhật Hoàng một bạn đã hát lại bài này) ôi càng nhớ da diết. Đêm nhớ về Sài Gòn / Tiếng nhạc vàng gọi từng âm xưa / Ánh đèn vàng nhạt nhòa đêm mưa / Ai sầu trong quán úa … Bóng mẹ hiền mờ mờ bên song / Mắt người tình một trời mênh mông / Gợi bao nhiêu cho cùng... Yêu me một khối tình quê / Yêu em từng bước tình si / Đêm đêm mộng thấy đường đi đường về

     Tưởng Năng Tiến, trong một bài tạp bút đã viết rất hay về những giấc mơ của mình. Kẻ này dám chắc nhiều vị ở tuổi  phù vân cũng sẽ cảm nhận điều này khi đọc bài Những Mảnh Đời Rách Nát của Tiến. Này nhé, Tiến kể rằng mình chỉ là một cư dân “part time” của xứ Huê Kỳ vì đêm đêm hồn thường thoát bay về nơi cố quận. Tiến thấy mình trở về với Đà Lạt thời thơ ấu. Bắn chim, chơi tạt lon, trèo cây, tắm hồ, bắt dế, lang thang trên những con đường vắng... Có khi Tiến trở về nhìn lại mảnh trăng rừng, thăm ngôi nhà biệt giam ở trại cải tạo Tân Rai, thuộc ngoại ô tỉnh Lâm Đồng, nơi Tiến bị tụi nó còng chân dưới mái nóng như điên, trong khi mình lên cơn sốt.      
    Đọc đoạn văn Tưởng Năng Tiến viết, lòng kẻ này bỗng dưng đâm ra trăn trở. Tự nhủ mình cũng có nhiều kỷ niệm ở bên kia bờ đại dương- như thời mới lớn ở Vương Phủ, tuổi thanh xuân ở Sài Gòn, Đà Lạt, buổi trung niên lưu đày đất Bắc..., và thường vẫn nghĩ về những nơi chốn ấy. Thế nhưng không được như Tiến đêm đêm mộng thấy mình về sống lại những quãng đời xưa. Nói nào ngay, cũng có nhiều đêm nằm mơ. Thường là những giấc mơ dữ và buồn. Như hồi mới qua Mỹ, đôi lúc mơ thấy bị Cộng Sản bắt lại, tỉnh dậy mồ hôi đẫm ướt áo, mình hâm hấp nóng, miệng khát đắng. Cũng có lúc thấy mình đang ở một bến đò nào đó -Thừa Phủ hay Ô Lâu- lúc bóng chiều rơi đỏ mặt sông, và con đò mãi không ghé bến. Có một lần trở về Đà Lạt, bàng hoàng nhặt trái thông khô, và chợt thấy -như trong tranh Chagall- “em và bầy chim én / vẫn bay trên phố xưa / những mái nâu cao thấp / quán sách. hương cà phê...” Đêm mộng về cố hương, chỉ có bấy nhiêu. Ngoài ra, rất thường khi, mơ lúc đang tỉnh. Như khi ngồi trước còm-pu-tờ, cùng người đi trên bờ biển hay lái xe trên freeway... Thân xác ở nơi này mà hồn như một đám mây, hay một mặt trăng, bay trên những vùng đất cũ. Tôi lại thấy tôi cùng Thỏ nhặt những chiếc lá bàng ở Vương Phủ hay chạy chơi trên sân lát gạch hồng. Tôi lại thấy tôi cùng Dao Ca và Tạ Ký ngồi đọc thơ Vũ Hoàng Chương trên Đập Đá vào một đêm những chiếc thuyền trăng trôi trên dòng Hương biếc. Tôi lại thấy tôi khi thì đang cùng người thân yêu, tay trong tay, dạo chơi trên phố Catinat; hay đang đứng trên bục giảng ở ngôi trường Lê Ngọc Hân nhìn xuống thấy đôi mắt màu nâu mở lớn nhìn mình... Và chim én nữa chứ, chim én ơi, bay bay hoài dưới mái Đài phát thanh Đà Lạt và nhà thờ Con Gà. Rồi những lán trại chập chùng trong sương. Cẩm Nhân, Bắc Thái, Thanh Chương... Tôi thấy, thấy lại nhiều lắm trong những phút giây của đời sống nơi này, lúc đang tỉnh thức chứ không phải đêm khuya khi đã chìm vào giấc ngủ. Mộng giữa ban ngày. Đúng như thế đó. Những cảnh đời đã qua cứ như đèn kéo quân làm cuộc diễu hành thầm lặng trước mắt. Chính vì vậy mà thành người đãng trí, ngơ ngơ ngẩn ngẩn, từng bị vợ và người ta la thôi kể siết. Nghĩ cho cùng, đúng như Tưởng Năng Tiến nói, mình chỉ sống “part time” ở trên xứ Mỹ. Còn thì hồn cứ mãi ở đâu đâu. Nghĩa là một cuộc phân thân -một nửa ở nơi này, một nửa ở nơi kia.
   Vậy nơi đâu là chốn quê nhà? Đây không phải là câu hỏi hàm ý siêu hình như trong ca từ của Trịnh Công Sơn. Nó rất là hiện thực. Tôi biết rất rõ quê nhà của tôi ở đó, bên kia biển rộng. Nó là căn phần của tôi, không thể nào chặt đứt được. Nhưng đặt chân về thì… Mới đây thôi, tôi có nói với bạn nhỏ rằng hiện tại tôi không thể trở về nơi đình làng xưa như lời chiêu dụ của ông Đạo diễn Trần Văn Thủy trong “Nếu Đi Hết Biển”:
này anh em. bạn bè
chúng ta đã đi hết biển
qua các đại dương. và châu lục
không về lại mái đình xưa
bá ngọ
thời của quỷ
ngói lở. cột xiêu. sen tàn. mùa hạ chết

vâng. tôi từ xứ bò. miền đồng cỏ
hái bông vô ưu. ngày nắng phai
chào boston. thế giới dường như rất nhỏ
xướng ca. ồn. quên lệ rơi
   Mặt khác, hơn mười năm sống ở xứ người, tôi cũng đã bắt đầu quen thuộc với đời sống bên đây. Cái nắng, cái mưa, kể cả thunderstorm qua miền đồng cỏ, và cơn bão tuyết trên ngũ đại hồ... Những con phố đông vui như ở quảng trường Times Square, ở khu French Quarter của Louisiana, ở Las Vegas, trên bờ biển Destin hay Huntington Beach... Những bông trúc đào, hải đào, bluebonnet, poppies, redbud, tulip, lilac, azalea, golden daffodil, daylilies, magnolia... Những chiếc lưng trần, bờ vai trần, quần hở rốn và mùi xạ hương mê nồng... Rồi thì những miếng bánh pizza, những tảng steak ở Trail Dust hay crawfish ở một quán seafood nào đó. Và cafe Starbucks hay Cafe du Monde... Cả nhạc Jazz New Orleans và thơ hippies thơ Beats... Tất cả đã trở thành một phần của đời sống tôi những năm tháng này. Như vậy, trong tôi có hai đời sống -một để nghĩ về và một để sống với. Cuộc phân thân không phải là không đau đớn, nhưng mặt khác dường như nó làm cho mình trở nên giàu có hơn -tất nhiên dưới mắt nhìn của người nghệ sĩ sáng tạo. Có phải vậy không cà, các bạn ta?

NXT


No comments:

Post a Comment