phan ni tấn
Ngô Vương Toại. Phan Ni Tấn. Nam Lộc
Ở đời ít nhiều gì ai cũng có những kỷ niệm để nhớ, vì kỷ niệm là những chuyện hệ trọng, những mớ hình ảnh luôn luôn bám chặt vào đời mình. Riêng tôi không hiểu sao lần nào có dịp nhắc đến Ngô Vương Toại, tôi lại nhớ đến... một bữa ăn.
Số là hồi đó tôi mới lập gia đình, vợ chồng cô em vợ rủ vợ chồng tôi cùng đèo nhau trên một chiếc xe hơi cà tàng từ Toronto lái qua Washington, D.C chơi. Hồi độc thân tôi và cây đàn đã tới thủ đô này ca hát vài lần nên quen biết nhiều bạn bè văn nghệ cũ mới. Những lần rong ca vội vàng như vậy ít có thời gian đi long nhong nên lần này rảnh rỗi bốn anh em chúng tôi tha hồ chụp hình chụp bọng, lang thang qua các bảo tàng viện, các di tích lịch sử... Chiều xuống, như đã hẹn trước, chúng tôi ghé thăm gia đình anh chị Ngô Vương Toại.
Từ ngày tôi xem bộ ba Giang Sơn Toại (Hoàng Xuân Giang, Hoàng Xuân Sơn, Ngô Vương Toại) ôm đàn hát say sưa ở hội trường trụ sở CPS Sài Gòn (1969) đến lúc gặp lại bạn Toại ở quê người (1985) cũng đã trên 20 năm ròng. Bạn tôi lúc đó trông mập ra, bộ râu mép vẫn... dính trên môi khiến gương mặt tròn trịa càng thêm phúc hậu. Ngược với đức ông chồng luôn luôn vui vẻ, yêu người, yêu đời, hoạt bát, năng động, chị Nghiêm Thị Lan lại là một mẫu mực hiền hậu, trang nghiêm.Vợ chồng Ngô Vương Toại đón khách đường xa bằng một bữa cơm gia đình thân mật và vui vẻ.
Trong bàn tiệc hôm có đủ mặt bạn bè văn nghệ thân sơ: Nguyệt Ánh, Giang Hữu Tuyên, Nguyễn Đình Hùng, Nguyễn Văn Khanh, Hồ Bửu, Đặng Đình Khiết... Vừa ăn uống vừa chuyện trò đủ thứ chuyện trên trời dưới đất rất tâm đắc. Một bữa ăn vui vẻ và hoàn hảo để tôi phải nhớ hoài. Hoàn hảo vì tấm lòng hiếu khách của vợ chồng bạn đối với bạn bè gần xa.
Ngoài bản tính thân thiện, lạc quan, năng động, Ngô Vương Toại rất mê làm báo từ cái hồi còn ở Sài Gòn đến quên cả trời đất xung quanh. Qua Mỹ một thời gian máu làm báo lại nổi lên. Thế là cùng với Giang Hữu Tuyên và Nguyễn Đình Hùng, bộ ba cùng làm tờ tuần báo Hoa Thịnh Đốn Việt Báo, rồi bán nguyệt san Diễn Đàn Tự Do, cuối cùng là nguyệt san Việt Chiến qui tụ nhiều cây bút nổi tiếng khắp nơi.
Nhìn bạn hăng say lăn lộn ngược xuôi trên diễn đàn văn học nghệ thuật tôi lại hình dung những năm tháng mù xa ở bên nhà của Ngô Vương Toại. Cuối thập niên 1960, tên anh đã từng gắn liền với những thăng trầm của cuộc chiến Quốc Cộng ở Sài Gòn. Thập niên 60 - 70, những buổi sinh hoạt văn nghệ hào hứng ở các giảng đường Đại học, ở Quán Văn, ở trụ sở CPS... để thấy những người bạn trẻ cùng trang lứa với tôi tràn đầy nhiệt huyết, khiến lòng tôi cảm mến và nể trọng. Cảm mến cái tình thần và khí tiết của các bạn, như Ngô Vương Toại, vì lý tưởng tự do, vì tổ quốc, vì miền Nam Việt Nam thân yêu đã tham gia các hoạt động chống Cộng sản mạnh mẽ hơn bao giờ.
Đây là thời của chiến tranh ý thức hệ, không phải bằng súng đạn ngoài mặt trận mà là cuộc đấu tranh bằng mặt trận báo chí, truyền thông ở hậu phương. Một trong những mặt trận đó đã xẩy ra một biến cố từng gây sôi nổi dư luận khi báo chí Sài Gòn đăng tin sinh viên Ngô Vương Toại bị đặc công Cộng sản bắn trọng thương trong buổi văn nghệ Trịnh Công Sơn - Khánh Ly ngày 16-12-1967 tại giảng đường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn.
Qua báo chí thời đó cho đến vài năm gần đây, giữa hình ảnh sinh viên Văn khoa Ngô Vương Toại nằm trên giường bệnh của bệnh viện Bình Dân với mái tóc đen rậm và hình ảnh Ngô Vương Toại với bệnh tật gần đây tại Hoa Thịnh Đốn, ngồi hàn huyên cùng nhạc sĩ Nam Lộc và tôi là một khoảng cách trên 46 năm nhọc nhằn dâu bể. Một quãng thời gian với biết bao vật đổi sao dời, với biết bao tên tuổi đã Hoàng Xuân Giang, Giang Hữu Tuyên, Đỗ Ngọc Yến, Lê Uyên Phương, Mai Thảo, Nghiêu Đề, Tạ Tỵ, Thái Tuấn, Trần Đại Lộc, Nguyễn Mộng Giác, Phạm Duy v.v... và hôm nay đến phiên bạn tôi, Ngô Vương Toại.
Ngô Vương Toại sanh ngày 12-04 năm 1947 tại làng Thanh Hóa, Bắc Việt. Mất ngày 03-04 năm 2014 tại Virginia, Hoa Kỳ.
PNT
No comments:
Post a Comment