Ban
Mai
Ban Mai
Nắng hực
lửa, hơi nóng ngùn ngụt bốc lên từ đường phố phả vào mặt tôi rát bỏng.
Đặc sản
Campuchia với những chảo dế, khay nhện, những xâu chim nướng phơi những cái đầu
trọc lóc chen chúc trong thau, mùi ớt đỏ cay nồng. Tôi lợm giọng liên tưởng đến
những cái đầu lâu với hốc mắt sâu thẳm tôi vẫn nhìn thấy trên những trang sách
diệt chủng. Angkor Wat huyền bí với những tòa tháp hùng vĩ, tường thành đỗ nát,
những rễ cây khổng lồ như vòi bạch tuộc quấn quanh đền đài bí ẩn. Đêm buông,
dập diu các cô thiếu nữ lả lơi trong vòng tay du khách trên phố Tây Siem Reap.
Phố đêm Sài Gòn cũng vậy, cũng thác loạn bia ôm, đèn mờ những cô bé từ miền Tây
nai tơ, bung nở, căng tròn trong tay khách.
Đền
AngKor bổng chốc nổi tiếng khi Hollywood marketing rầm rộ bộ phim Tomb Raider với diễn viên lừng danh
Angelina Jolie thủ vai nữ chính. Du khách khắp thế giới nườm nượp đỗ về.
Tôi chen
chúc trong dòng du khách đủ sắc màu tha thẩn khắp phố phường trong cái nắng hực
lửa của đất này. Tôi thích ngồi lê trên vỉa hè làm cốc nước Thốt nốt, ăn thử
mấy que thịt nướng thơm lừng bên góc chợ, chạy dưới cơn mưa bất chợt, vẫy rối
rít bác tài xe Túk Túk, dạo thành phố về đêm qua lời giới thiệu của người tài
xế hiếu khách. Bác tài giống mấy anh nông dân ở miệt vườn Nam Bộ nước tôi.
Giọng miền Nam quá chuẩn
Xe băng
qua những cánh đồng cỏ cháy về thủ đô Phnom Penh, hai bên đường cây thốt nốt
vươn mình trên trời xanh, sông đỏ ngầu phù sa, xà lang đưa khách đông ngẹt trên
bến cảng . Bạn tôi đã bỏ mình nơi nào trên khúc sông này, nghe Dũng kể bất ngờ
trong đợt nghỉ quân đã gặp Chiến, hai thằng bạn học mừng rỡ vồ lấy nhau mà
khóc.
Không
biết Chiến đã đuối sức trên dòng sông nào, có phải khúc sông mà tôi đang đứng
không Chiến? Bạn đã bị lũ cuốn khi cùng đồng đội băng qua sông, xác bạn giờ đây
có lẽ đã là phù sa tưới tốt cho những cánh đồng nước bạn.
Tuổi học
trò 15, 16 với tôi là một vết cắt.
Lớp 10, Giáng
Sinh năm 1978.
Hòa bình
đã 3 năm, đói khổ ở đâu chúng tôi không biết, đó là việc của ba mẹ, chúng tôi
vẫn hồn nhiên. Cả lớp nhộn nhịp tổ chức tiệc Giáng Sinh trên sân thượng nhà
tôi, thức ăn tụi con gái chuẩn bị sẵn, tụi con trai chỉ việc lo khiêng bàn ghế,
trang trí. Ánh sáng đã có ngọn đèn đường, tụi con trai cẩn thận câu thêm một
bóng đèn nhỏ. Chỉ là nồi cà ri gà mẹ nấu, bánh mì và bánh ngọt tụi tôi chung
nhau đem tới, thêm mấy cây đàn guitar, kèn acmonica... đêm giáng sinh lớp tôi
rộn rã tiếng cười.
Giờ công
dân giáo dục thay bằng giờ chính trị, cô giáo dạy người Bắc giọng Quảng Bình
như chim hót, tụi tôi không đứa nào nghe được chữ nào. Cô mặc quần lĩnh đen
nhàu nát, có hôm sứt chỉ ở sau như sợi lông khỉ, cả lớp không dám cười. “Trí
thức là thành phần tiểu tư sản, nông dân và công nhân là nòng cốt của đất
nước”. Có hôm tụi tôi cúp cua môn chính trị đi xem phim “Ba hạt dẻ dành cho lọ
lem”, cả bọn chui rào, báo hại hôm sau thầy Thành bắt cả lớp làm kiểm điểm.
Tháng 2
năm 1979.
Giờ chào
cờ, thầy hiệu trưởng đọc bức huyết thư của một bạn thiếu sinh quân học lớp 10,
xung phong đi bộ đội để bảo vệ biên cương, quân Trung Quốc đang tấn công phía
Bắc. Đặng Tiểu Bình đang giương oai với thế giới “quyết dạy cho Việt Nam một
bài học”?. Tuần này, học sinh trường tôi được biệt phái đào công sự bên bờ biển
Quy Hòa. Thầy nói “Phải có chiến tuyến phòng thủ đề phòng giặc pháo kích”.
Đào công
sự đâu không biết nhưng học sinh lớp nào cũng phấn khởi vì được đi dã ngoại bên
bờ biển cát vàng rợp nắng.
Không
tuổi nào ngây thơ như tuổi học trò, đi đào công sự mà các bạn nam đem theo đàn
guitar và cả trống rung. Tụi con gái thì chuẩn bị thức ăn, xôi vò, bánh mì kẹp
thịt, nước uống và cả trái cây nữa. Dân thành phố chưa bao giờ cầm cuốc, xẻng
nên mấy thiếu niên đâm mấy nhát trên đất đồi là phồng dộp tay, mặt mày đỏ gấc
phải chui vào các hang đá bên ghềnh nằm nghỉ. Tụi con gái thì khỏi nói, đi cho
có chuyện, góp vui hát ca cho tụi con trai làm việc khỏi mệt.
Chiến sự
bùng nổ. Rồi một ngày, bạn bè tôi hoảng hốt khi nghe tuyên bố Người Việt gốc
Hoa ra khỏi nước, họ nộp vàng đóng thuyền vượt đại dương trên những chiếc thuyền
mong manh. Lớp tôi gốc người Hoa rất nhiều, dòng họ bạn tôi đã bao nhiêu đời
sống ở đất này, nên tụi nó là người Việt 100%, sinh ra trên đất Việt, nói tiếng
Việt, ăn món Việt, phong tục tập quán là Việt. Chợt một ngày ngỡ ngàng, bị xem
là người gốc Hoa. Một làn sóng ra đi rầm rộ, nhất là những thành phố ven biển
Miền Trung. Bắt đầu từ đó kéo theo từng đợt sóng ngầm người dân Miền Nam vì
nhiều lý do cũng tìm cách vượt thoát.
Chỉ trong
vòng một năm, nhìn quanh bàn ghế trống vắng, tụi nó biến trong hư vô. Lũ chúng
tôi ở lại, ngơ ngác. Chiến, Dũng, Thành… vào lính sang Campuchia, Hùng, Đức,
Tuấn, Đào, Vĩnh, Khanh…tứ tán khắp các châu lục.
Chiều
nào, con nhỏ bạn cũng rủ tôi đạp xe vòng vòng quanh biển, hai đứa đều câm lặng.
Thành phố tôi buồn đắm. Tất cả như vỡ tan.
Rồi thời
gian trôi qua, tôi tưởng mình đã quên mọi ký ức.
Những năm
80. Đó là thời kỳ thế hệ con trai lớp chúng tôi đi chiến trường Campuchia trở về với đôi nạng gỗ. Những thằng con trai
mới lớn tuổi còn măng sữa bất ngờ trở thành phế nhân. Lớp thương phế binh này,
đêm đêm ngất ngưởng trên đường phố quậy phá cho tan nỗi thống khổ của kiếp
người. Giờ đây Dũng trở về với đôi nạng gỗ, bạn không biết làm gì ngoài việc
sửa đồng hồ bên cạnh góc chợ đêm. 10 năm sau đất nước bình thường hóa, những
anh hùng ngày ấy bổng chốc bị bỏ rơi như giọt nước biến tan trong sa mạc.
Và Tiến,
Tiến đã băng qua những cánh đồng nào trên đất Campuchia này, đã bị dìm ở nơi
đâu khi bạn cố vượt biên sang Thái Lan. Quân Khmer đã bắn bạn hay chính người
Việt mình giết. Có lẽ niềm hy vọng của gia đình, mong bạn trở về giờ đây đã
lắng. Nhưng lòng tôi vẫn đau khi nhớ đến cái Tết năm nào tôi và Hoa ghé thăm
mong thắp cho bạn một cây nhang nhưng bàn thờ bạn không có. Ngày ấy gia đình
Tiến vẫn tin bạn còn. Tôi biết, hai từ mất tích với người còn sống là một bản
án suốt đời chờ mong.
Tôi đi
trên đất Campuchia, cố tìm hiểu lý do gì mà tuổi trẻ thế hệ tôi đã bỏ mình nơi
nước bạn.
Hoàng
Cung Campuchia, tôi chết lặng trước tấm bản đồ xứ Miên. Bao gồm đất nước tôi,
trải dài từ Miền Trung xuống Miền Nam ngày xưa là đất của Cham Pa và Chân Lạp.
Người Việt tôi khởi đầu từ nhà Trần, nhà Nguyễn đã mở rộng bờ cõi như thế này
đây… Và biết bao Vương triều đã sụp đổ, bao dân
tộc bị xóa tan, cuộc đời như lớp sóng phế hưng, hợp tan, tan hợp… Tự nhiên,
chạnh lòng nghĩ đến ngày sau. Cho tôi xin đừng như bước chân Tây Tạng.
Campuchia,
mùa hè 2012
Quy Nhơn,
3/2014
No comments:
Post a Comment