Wednesday, July 24, 2013

TẢN MẠN BÊN TÁCH CÀ PHÊ


John Steinbeck &
ngôi nhà mùi gỗ sồi ở Salinas
Nguyễn Xuân Thiệp 
  


Với người viết bài này là Nguyễn, John Steibeck được nghĩ tới như hình ảnh quen thuộc từ thời trẻ khi tâm hồn còn đầy mộng tưởng và khát vọng sự nghiệp văn chương. Nguyễn cũng đã xem hai cuốn phim dựng từ tiểu thuyết của Steinbeck: Những Chùm Nho Phẫn NộPhía Tây Vườn Địa Đàng. Gần đây, được đọc bài viết của Đỗ Trung Quân về chuyến viếng thăm của John Steibeck tới Sài Gòn thời chiến tranh và ngôi nhà của tác giả Phía Đông Vườn Địa Đàng ở Salinas, CA, thì lòng yêu mến văn hào càng sâu sắc thêm. Vậy nên có những dòng viết này để gởi đến anh em ở dưới trời này và những người yêu quý văn học. 

   Trước hết hãy nói về thị trấn Salinas, nơi từng được dùng làm bối cảnh và tạo nên bầu khí cho  những tác phẩm của Steinbeck.
   Salinas là thị trấn thuộc hạt Monterey County, California. Nó có khoảng trên 150,000 dân (theo thống kê năm 2010). Salinas có khí hậu ôn hòa với những ngôi nhà lưu niệm, những con đường cây cao bóng mát. Đây là quê nhà của văn hào John Steibeck, Nobel Văn Chương năm 1962. Hiện ở Salinas còn ngôi nhà của văn hào và nhiều dấu tích kỷ niệm ông. 
   Steinbeck là tác giả của những tác phẩm nổi tiếng như “The Grapes of Wrath” (Những chùm nho phẫn nộ - giải Pulitzer), “East of Eden” (Phía đông vườn địa đàng), “Of Mice and Men” (Của chuột và người)… Sự nghiệp văn học của ông gồm 27 cuốn tiểu thuyết, truyện ngắn và tham luận.
   Nhà thơ Đỗ Trung Quân từng đến thăm ngôi nhà của John Steibeck cho biết: Sinh thời, John Steinbeck có những liên hệ với đám trí thức cánh tả và ông gia nhập Liên Đoàn Các Nhà Văn Mỹ, một tổ chức Cộng Sản. Do đó, khi được phái tới Việt Nam để viết tường trình về chiến tranh vào năm 1967, ông đã bị tờ New York Post tố cáo là phản bội lại quá khứ ở trong hàng ngũ tiến bộ của mình. John Steinbeck đến Việt Nam để tường trình chiến tranh cho tạp chí Newsday. Là nhà văn Nobel danh giá tất nhiên ông sẽ trở thành tâm điểm thu hút giới thông tin và văn nghệ sĩ Sài Gòn. Nhà văn tiến bộ Thế Nguyên chủ bút tạp chí, và là người chủ trương Nhà xuất bản Trình Bầy đã chuẩn bị một bài phỏng vấn người sở hữu một giải văn chương quan trọng nhất của thế giới, nhưng vào giờ chót, Trình Bầy đã quyết định hủy cuộc phỏng vấn sau khi J.Steinbeck tuyên bố ủng hộ và khích lệ tinh thần của quân đội Mỹ tại VN. J.Steinbeck là nhà văn Mỹ. Việc ông ủng hộ quân đội Mỹ trong cuộc chiến tranh này là điều không làm ai ngạc nhiên, nhưng tạp chí Trình Bầy lúc bấy giờ đã bày tỏ thái độ. Họ nói rằng ngoài văn chương không có gì phải trao đổi thêm với Steinbeck. Cũng trong dịp ấy, không lâu, người ta thấy bức hình ông chụp bên cạnh nhạc sĩ Phạm Duy. Phạm Duy đang hát cho J.Steinbeck nghe "Thương ca chiến trường" của mình tại nhà riêng.
   Nhà viết tiểu sử John Steinbeck là Jay Parini thì cho rằng chính tình bạn lâu dài của nhà văn với Tổng Thống Lyndon B. Johnson đã ảnh hưởng quan điểm của ông về chiến tranh Việt Nam. Có thật như vậy không, ta sẽ xét sau.



                                               John Steinbeck ở Việt Nam 

   Bây giờ, xin trở lại với bài viết của Đỗ Trung Quân để nhìn lại một thời chiến tranh trên quê hương mình, cũng như cùng nhà thơ đi thăm ngôi nhà rất đẹp của John Steinbeck ở Salinas, California. Để thấy rằng cuối cùng thì chiến tranh cũng đã qua, để chỉ còn mùi oải hương, mùi gỗ sồi, và mùi hoa hồng rất "Tây Ban Nha" phảng phất trong không khí của một thành phố êm đềm…
   Vâng. Hơn 40 năm sau ngày John Steinbeck tới thăm Sài Gòn, nhà thơ Đỗ Trung Quân đến viếng ngôi nhà nay đã thành Nhà bảo tàng J.Steinbeck ở thành phố Salinas, cách San Jose 2 giờ xe hơi. Ông ghi lại: Salinas là thành phố có kiến trúc phần lớn mang dáng vẻ Tây Ban Nha nhưng êm ả với những con đường nhỏ nhắn. Bên cạnh ngôi nhà ông từng sống lúc sinh thời nay là một bảo tàng với chữ ký J.Steinbeck trang trọng ngay sảnh ra vào, đồ lưu niệm, tiểu sử, tác phẩm của ông được bày bán ở đây. Cách đấy không xa, chỉ vài bước chân, là một restaurant ngoài cửa đề tấm bảng "J.Steinbeck thường ăn sáng ở đây". Nobel quả là một giải thưởng danh giá mà mọi nhà văn (lẫn nhà ăn) đều mơ ước và quý trọng.
   ...Trên bức tường lớn trước nhà Bảo Tàng, những bức bích họa mang phong cách hiện thực vẽ chân dung và những tác phẩm của J.Steinbeck sặc sỡ và đậm chất “đồng quê". Thì đúng thế, ông là một nhà văn của những vấn đề con người quanh quẩn ông, nơi đồng quê. "Những chùm nho phẫn nộ", "Của Chuột và Người", vân vân, đều là những tác phẩm quen thuộc với người đọc VN khi được dịch sang Việt ngữ.
    Nhà thơ Đỗ Trung Quân viết tiếp:
    “Tôi ăn trưa cùng vợ chồng một người bạn vong niên, hiện sống khép kín, ít giao thiệp bên ngoài: nhà thơ, họa sĩ Hoàng Ngọc Biên. Anh chị ấy sống ở San Jose, tối ngày đọc sách, nghe nhạc, trồng cây, tưới hoa -kéo thùng rác ra, kéo thùng rác vô, và... "bôi bậy lên máy", như cách nói của ông... Ông nói đùa: "Nhân vô thập toàn: ông ta (J.steinbeck) có mỗi "khuyết điểm" là khi không, chẳng hề bị ma men ma túy gì, vẫn cứ leo lên máy bay hô hào... Thật ra cái con diều hâu nằm trong đầu ổng chỉ là một con diều hâu... ngây thơ lãng mạn. Nó bị đem ra tuyên truyền.". Chúng tôi ăn trưa trong ngôi nhà sinh thời J.Steinbeck sống và viết. Những người phục vụ cực kỳ nhã nhặn. Họ đều là “tình nguyện viên" của thành phố, phục vụ không lương. Số tiền thu được từ du khách sẽ được sử dụng cho việc bảo tồn ngôi nhà mà khi bước vào ta có thể ngửi thấy mùi gỗ sồi đặc trưng. Lâu năm cái mùi ấy phảng phất sẽ làm ta quên đi một chút cái việc mà ta không quên, thời gian cũng chẳng cho phép nhớ: những kỷ niệm chuyến đi VN của nhà văn lớn Steinbeck, Thế Nguyên, Phạm Duy... và những dàn đồng ca lạc nhịp sau đó đã cố tình quên mất một đoạn lời khá quan trọng: Steinbeck đến VN lần ấy để giữ một lời hứa quan trọng, không phải với Tổng thống Johnson như "có vẻ", mà với chính gia đình ông: ông đến đế thăm một người con trai tại ngũ, đang ở chiến trường. 

   Một buổi trưa yên tĩnh trong ngôi nhà của J. Steinbeck, trời se lạnh, những bông hồng đỏ thắm nở lộng lẫy và... rất to trong hoa viên nhỏ trước ngôi nhà.
   Khi J. Steinbeck đến VN tôi -người viết mười bốn tuổi.
   Khi bước chân vào ngôi nhà danh tiếng ấy, tôi -người viết đã 53 tuổi. Chiến tranh kết thúc từ lâu. Chỉ còn mùi oải hương, mùi gỗ sồi, mùi hoa hồng rất "Tây Ban Nha" phảng phất trong không khí êm đềm, se lạnh của Salinas, thành phố có một Văn hào.
(theo Đỗ Trung Quân - Kwan's Blog)

   Riêng người viết bài này, bởi quá yêu John Steibeck và ngôi nhà của ông ở Salinas, ngôi nhà có mùi gỗ sồi như trong mơ của mình, đã có một bài thơ nhỏ viết cho cô bạn Camille: 

ngôi nhà mùi gỗ sồi 

camille ơi
chiều. vẫn chiều lệ đá xanh
trong ngôi nhà steinbeck ở salinas
thoảng mùi gỗ sồi. và mùi oải hương
cùng với những bông hồng tây ban nha
ngồi nhớ camille

ôi camille
em ở đâu giờ này
biển nha trang
dàn hoa giấy
hay trên sân trường đại học
mơ giấc mơ của sóng
ngày nào

Camille
hãy nhìn
chiều đã tan trên biển
màu hoa lilac. tím
đợi chờ

NXT

No comments:

Post a Comment