Sunday, July 7, 2013

NHỮNG ĐOẠN GHI CỦA LƯU NA


Ghi chép muộn



                                                                              Photo Lưu Na

Hôm nay chúng ta mừng lễ độc lập Hoa Kỳ, cờ sao tung bay khắp chốn.  Nơi tôi ở lễ hội bắt đầu với diễu hành hằng năm, người người tụ họp nơi công viên, bờ biển, rộn ràng với những miếng thịt nướng thơm ngon, trò chơi, và tiếng cười.  Đêm về mọi người sẽ tở mở chờ xem pháo bông nở rực trời đêm.  Nhưng ở một nơi khác lửa khói chưa tan, có một cộng đồng phải đón thân xác con em mình về trong tiếng khóc.  Có những đứa trẻ mất đi cái níu tay nơi cha, có những mái tóc xanh tươi mất chỗ tựa đầu, và có những bóng già héo hắt khóc khúc ruột đứt lìa.  Ngày này thành ngày lễ buồn cho gia đình thân quyến và cộng đồng của những người lính cứu hỏa.  Mười chín người lính cứu hỏa đặc nhiệm ấy đã ngã xuống vì nhiệm vụ, để lại tiếc thương không chỉ riêng cho những người anh em của cộng đồng mà còn cho mọi người dân nước Mỹ.  Mất mát _ có mất mát nào không đớn đau, những hy sinh cho quốc gia dù dưới lằn tên mũi đạn hay vì công vụ đều đáng được tôn vinh.  Dưới lá cờ phất phới hôm nay có hồn của những người quả cảm, màu cờ thắm tươi hơn vì những giọt nước mắt đau thương.

Xin được dâng một lời kinh cầu nguyện và góp 19 ngọn nến buồn cho những người cứu hỏa đã nhẹ xem tính mệnh hơn màu cỏ cây. And I won't forget the men who died*, người dân Hoa Kỳ sẽ không quên các anh.

Lưu Na

07/04/2013


Ghi chép tháng bảy

Tháng Bảy mở ra với ngày lễ lớn, một cuối tuần rộn ràng vui vẻ, nhưng nước mắt quấn quanh _   từ cái chết còn tươi rói của những người cứu hỏa cuối tháng trước đến cái chết của Lữ Mộc Sinh mà mình mới biết khá muộn màng.  Lữ Mộc Sinh và Cao Xuân Huy là hai trong ba người dựng cột cờ đầu tiên của phố Bôn Sa* cũng đã về với đất, họ rồi cũng gặp lại nhau.  Hôm qua lại thêm một người của thế hệ binh lửa ra đi.  Những dấu binh lửa  gẫm lại, những người ấy không phải là thân bằng quyến thuộc mà dường như chiếm một khoản lớn của đời mình, từ khi thành người tỵ nạn.   

Khi bị bật gốc văng khỏi quê hương mới nhìn thấy những bóng người đã đổ xuống cho mình, những bóng người xa lạ chia với mình một số phận, những bóng người mang chung với mình một nỗi đau.  Dù vượt biên hay từ giã đất nhà chúng ta đều trở thành bèo giạt mà chính lớp trai binh lửa và những người của quá khứ là những cọng rêu buồn giữ chúng ta lại với nhau để khỏi giạt muôn phương.  Họ trở nên quá khứ của mình, trở thành nguồn cội gốc rễ của mình, một miếng lịch sử sống lay lắt thóp thoi trên năm châu lục địa, sống như kéo dài cái chết của chính họ, và cả của mình.  Lần lượt họ sẽ lui vào dĩ vãng, như mình rồi cũng lui vào dĩ vãng, tất cả chúng ta sẽ thành những hạt bụi vô hình lắng lại bên dòng sông lịch sử của Việt Nam và của toàn nhân loại.  Nhưng nước mắt nào sẽ giải oan cho cuộc bể dâu này?  Sinh tử là chuyện lớn lao vĩnh quyết và đứng trước tử sinh dường như mọi lời đã nói mọi kinh nghiệm nỗi lòng đều chỉ như sương.  Một lần hiện diện, một kiếp phù du, những gì chúng ta để lại có lẽ chỉ là một nỗi ngậm ngùi.  Lê Thiệp _ bạn bè đã nói về anh, một hình ảnh một tính cách cương cường _ đã về với đất như người lính Tháng Ba.  Dẫu xa lạ nhưng chúng ta có chung một trái tim buồn còn hằn lên vết thương lòng**, chúc anh thảnh thơi trên đường gặp lại những người muôn năm cũ. 

Tháng Giêng tháng Bảy buồn như nhau***, buồn, như nhau. 

Lưu Na
07/06/2013
**Phạm Duy, Những Dòng Sông Chia Rẽ
***Thơ Nguyễn Đình Toàn

No comments:

Post a Comment