Phong vị và phương ngữ miền Nam
trong “Giỡn bóng chiêm bao” của Trần Phù Thế
Trải qua một thời kỳ nở
rộ của các cây viết học đường sang đến giai đoạn in ấn và ra mắt các đặc san,
chúng ta phải kể đến Trần Phù Thế, Lưu Vân, Lan Sơn Đài, Trần Như Liên Phượng,
Ngô Nguyên Nghiễm, Hoài Ziang Duy, Nguyễn Bạch Dương… ở miền Tây sông Cửu. Miền
Trung có Hoàng Lộc, Hoàng thị Bích Ni, Thái Tú Hạp, Luân Hoán, Hoàng Khai Nhan,
Nguyễn Lệ Uyên, Hoàng Xuân Sơn, Tần Hoài Dạ Vũ…Riêng Trần Như Liên Phượng đã bỏ
cuộc chơi sớm vào lúc mà thơ anh đang độ chín mùi.
“Em chưa đầy
mười bốn
Lòng trẻ thơ đâu rồi
Những bước dài bão tố
Vũng nước mặn trên môi”..
(Đó em của TNLP trên tờ Tiểu
thuyết tuần san)
Những câu thơ gần như
tiên tri, báo trước một giai đoạn trổi dậy của tuổi trẻ, của những phong trào
hiện sinh vào những năm kế tiếp, nhất là sau năm 1963, có những đổi thay về thể
chế chánh trị.
Những năm đầu thập niên 1960, những tâm hồn mới lớn say mê chữ
nghĩa thèm những bước đi xa. Và tờ Tiểu thuyết tuần san của ông Nguyễn thiện
Dzai là một trong vài tờ tạp chí đã đáp ứng được khát vọng của các cây viết trẻ
như Ngàn Khơi, Văn, Bách Khoa..
Cho đến hôm nay, tại hải
ngoại,những cây viết vẫn còn nặng nợ với “ văn chương”, vẫn miệt mài với chữ
nghĩa, trả cho hết nợ tằm như Thái Tú Hạp, Luân Hoán, Hoàng Lộc, Hoàng Xuân
Sơn, Trần Hoài Thư…
Những năm tháng chiến
tranh khốc liệt, nhiều anh em nhập ngũ được tung ra chiến trường từ miền
Trung hỏa tuyến đến rừng đước , rừng mắm sình lầy ở Cà Mau, Rạch Gía…Họ là chứng
nhân thật của sự va chạm giữa cái sống và cái chết, giữa những trái tim rất người
và giữa những khối óc được nhồi nắn căm thù.
Từ gĩa mái trường nhập
ngũ, tham gia nhiều cuộc hành quân. Tháng tư tan hàng. Nhà thơ Trần Phù Thế,
cũng như nhiều anh em quân nhân khác không thoát khỏi cảnh tù đày, gia đình ly
tán. Anh đến xứ người trong tâm trạng “Là ta cách biệt quê nhà - Nghe mưa xót
ruột đau và miếng cơm” (Giởn bóng chiêm bao trang 5) hoặc “Phân vân không nẻo
quay về - Muốn lên phía Bắc lại lìa phương Nam - Mõi lòng một dấu chấm than -
Bâng khuâng một góc trời tàn quê ta - Quê nhà trang 6”.
Nơi tác gỉa ở mùa đông
cũng chừng như có tuyết lạnh - nhưng cái lạnh của một nơi có gia đình đoàn tụ,
quây quần, có nhiều người cùng nói một ngôn ngữ mẹ đẻ, cái lạnh xem chừng cũng
dịu bớt đôi chút. Ngược lại những năm đầu 1980, nỗi cô đơn gậm nhấm tâm hồn, nhẹ
nhàng nhưng tàn bạo như nỗi lòng của kẻ xa nhà với “Căn gác lưu đày” của nhạc
sĩ Anh Bằng. Sau những giờ làm việc mệt nhọc, những mong có cơ hội giúp gia
đình còn ở lại bên kia bờ đại dương. Tâm trạng rã rời hơn khi nhìn căn phòng nhỏ
trống trải, buồn một mình không người sẻ chia.
Trong lúc đó ở quê
nhà, hoạt cảnh sinh động được Trần Phù Thế ghi lại lúc còn ở trại tù Vườn Đào
- Cai Lậy vào năm nước lụt,những tù nhân phải sống vất vưởng trên
nóc nhà:
“Trên trái
đất này
nhất định
không trại tù nào
“dị hụ “đến
thế
(đỉnh cao trí tuệ – trang
14)
Tương tự như cách gọi
của Ông Trần Văn Nam, những phương ngữ Nam bộ mà khi viết lên người đọc, người
nghe cũng nhận thức được. Chữ “dị hụ” hay “ dị hợm” diễn tả những đặc điểm
khác biệt, không giống ai.
Và trong bài “Biết rót về đâu” có câu:
“Ta và bạn
lạ hoắc lạ huơ
Một thằng Huế một thằng Nam bộ
Khi khổng khi không hai thằng gặp gỡ
Uống cạn ly đầy ly rượu tàn canh”
(Biết rót về đâu trang 21)
Trần Phù Thế ngẫu hứng đã
đưa phương ngữ lạ hoắc lạ huơ vào câu mở đề thật tự nhiên lý thú. Đó là
những nét đặc thù của các người làm thơ miền Nam, nơi mà đời sống hiền hòa như
hai mùa mưa nắng.
“Nơi tụ điểm
thương hồ
Nơi hẹn hò bến đậu
“Khẳm lừ”
ghe dưa hấu
“No đầy “
xuồng khoai lang
Con nước rong tràn bờ
Thuyền anh dừng bến đợi”
(Ngã tư cột lồng đèn)
Chữ “no đầy” được tác gỉa
sử dụng thật khéo léo đối với chữ “ khẳm lừ”. Khẳm là đầy ắp đến độ hết chỗ chứa.
Trong bài “Chuyện đời
ta” trang 25, nhà thơ viết:
“Cây mít
cây xoài
Ông nội trồng vừa ra trái chiến…”
Trái chiến là trái ra
đầu tiên từ khi trồng cho đến ra hoa kết trái. Nó là kết quả của một qúa trình
gian khổ, dày công vun xới.
Tình vợ chồng gắn bó mặn
nồng, đôi lúc vì kinh tế gia đình, hoặc thiển cận nhìn lệch lạc vấn đề, sự hờn
giận là lẽ tất nhiên:
“Cũng như
vợ chồng ta cưới nhau từ tuổi đôi mươi
Nhiều năm qua ngọt bùi đều chia xớt
Giận cũng nhiều, yêu cũng lắm: “dễ ợt”
Chuyện thường tình của đôi lứa trăm năm”
(Thư không tem gởi vợ trang
52)
Ôi làm thơ như Trần
Phù Thế cũng rất là “dễ ợt”.
Ngôn ngữ bình
dân, đời thường được nhà thơ múa bút quẳng vào thi phú bỗng trở nên dung
dị và trác tuyệt đến vô ngần. Có người đặt câu hỏi- còn ngôn ngữ văn chương
đâu?. Chúng ta sẽ cảm nhận trong những bài khác. Quan trọng là khi đọc thơ liệu
thơ có thẩm thấu qua tâm hồn người đọc được hay không?.
Tác gỉa cố gắng tự kềm
hảm trong thành lũy cô đơn vì sự thật thà bất hạnh của mình. Đau đớn thể xác chỉ
là một sự thể hiện của đau khổ tinh thần
“Như là
như thể đánh rơi -Trái tim rướm máu nằm phơi chợ đời -Và anh thức mãi một thời
– Cơn mê bất chợt thành người chiêm bao- Nói năng” Bắc đẩu Nam tào”- Và anh
quên “tuốt “ngõ vào ngõ ra- Dẫu đi đường lạnh trăng tà- Chia đôi bất hạnh thật
thà niềm tin- Dẫu anh giỡn bóng một mình- Cũng không đốt nổi cái hình nộm kia…”
(Giỡn bóng chiêm bao trang 71)
Chúng ta bắt gặp chữ:
“Bắc đẩu Nam tào”, “ quên tuốt” hay là “ quên tuốt luốt”, chừng như là quên hết
, quên tất cả…Người thơ của miền sông nước Hậu Giang, chân chất sống bằng trái
tim giản dị hiền hòa, nên những câu, những chữ giao tiếp hằng ngày đã thâm nhập
vào tim óc tác gỉa lúc nào không hay?. Cơn mộng đã dẫn dắt tác gỉa đến cơn mê sảng,
say thiếp, trách cứ mình rất đỗi thật thà và khi tỉnh dậy:
“Níu chi
cái bóng tàn khuya - Để tan theo tiếng động về rạng đông”.
Qua bài “Giỡn bóng
chiêm bao”, những ngôn từ phổ cập đã được Trần Phù Thế dàn trải thật điêu luyện,
người đọc không cảm thấy khó chịu khi giọng thơ từ câu này chuyển sang câu
khác, không bị gò bó, nó xuôi chảy như dòng sông Đại Ngải- Hậu giang tuôn về biển
cả.
Trong bài “Tuổi thơ Đại
Ngải”, tác gỉa diễn tả rất mộc mạc, ngây ngô thời đi học ở làng quê- thoắt cái
mấy mươi năm. Thời gian và kỷ niệm nhạt nhòa, nhưng cũng không ai ngờ bỗng dưng
nơi xứ người lại bừng sống dậy:
“Em cười nở
cả đôi môi - Bởi tôi “húi” trọc mồ hôi chảy ròng” (TTĐN
trang 74)
“Húi” trọc
hay cắt trọc được người thơ đưa nhẹ vào câu viết tạo nên một hình tượng đầy sống
động của một cậu nhỏ, tuổi còn thơ.
Hay:
”Ngày qua
Trường khánh mấy lần
Nghe thơm cốm giẹp từng sân nếp nhà”
Cốm giẹp là đặc sản của
miền Tây, như vùng Sóc Trăng, Bạc Liêu. Thật thú vị khi ngậm một ít hạt cốm giẹp
đầu mùa, chúng ta sẽ thưởng thức được mùi nếp mới. Hương vị càng gia tăng nếu
chúng ta trộn thêm cơm dừa bào nhỏ và nước dừa. Người Cao Miên vùng Hậu Giang
đã góp phần trong thực đơn của chúng ta, lâu dần thành thói quen lúc nào không
hay. Ngoài ra, còn có bún nước lèo, bánh ống…
Cho đến bây giờ, người
dân Đại Ngải- Sóc Trăng không thể tìm ra và không hiểu vì sao con cá cháy biệt
tăm. Cá cháy, một loại cá nước lợ ,to, daì , có vảy trắng, mình hơi dẹp, giống
như cá vảnh, nhưng dài hơn nhiều. Cá kho mẳn, ăn với bún, nhất là nếu gặp con
có trứng, những chùm trứng chan hòa trong nồi cá kho, sẽ khiến ta thèm thưởng
thức. Thêm vào đó, đầu cá mềm, nhai từ từ sẽ thấy chất béo thấm tràn trong dịch
vị của người ăn:
“Còn tôi
biết tới thuở nào - Đợi con cá cháy lội vào sông xưa” ( TTĐN
trang 76)
Tâm trạng, xa quê
hương nhớ mẹ hiền vẫn còn vương vít trong lòng tác gỉa. Người đã
tám mươi, tóc bạc, đã hy sinh chịu đựng vì lũ con, giờ lại một lần rơi nước mắt
khi tiễn con đi nghìn dặm thắm.Nhớ mẹ, nhớ bát canh rau giản dị. Nhớ me,ỉ nhớ
nồi canh chua cơm mẻ khôn nguôi. Chân tình ấy đã nuôi dưỡng Trần Phù Thế thành
hình hài hửu dụng cho nhân quần, xã hội
“Hơn nửa đời
người tóc bạc lưa thưa
Ngược xuôi tất bật
Dù ở nơi đâu
Cùng trời cuối đất
Mỗi buổi chiều
Con còn nhớ mãi
Cái vị thơm nồng cơm mẻ nấu canh chua”
(Canh chua cơm mẻ - 84)
Ngoài những cây trái
thân quen, những đặc sản của mỗi địa phương hằng có dù còn tồn tại hay đã thành
qúa vãng. Nơi con người Trần Phù Thế, tâm hồn anh chàng chân quê không thể nào
gột rửa được. Chúng ta hãy nghe tác gỉa nâng ly:
“Nầy Bằng
uống chút mà say - Chúa hay gỉa bộ kéo dài cuộc chơi - Mầy đi lính vác dùi cui
- Lính như lính cậu rong chơi Sài Gòn“. (Uống rượu ở vườn trầu Bà Điểm- 86).
Hoặc:
“Nầy Dự,
rượu hết hay còn - Đừng chơi tao nhé! tiếng đồn đế ngon”
(UROVTBĐ-86).
Những câu nói bình dị,
nửa như giận dỗi, nửa như pha trò. Mọi người ai cũng hiểu chữ “ chơi” theo
nghĩa đen hay nghĩa bóng, đã ăn sâu vào trong tâm trí dân Việt, không phân biệt
trình độ, giai cấp: “ mầy chơi tao hả” hay “Đừng chơi tao nhé”. Ở đây chữ “nhé”
mang hơi hướm của miền Bắc, làm dịu lại chữ “ chơi”. Có gì không hài lòng, vừa
ý, cũng đành xuống thấp ở cuối chữ “ nhé”.Nghe lịch sự và thanh thoát hơn.
Bên cạnh những câu đầy
chất giản dị, địa phương tính, chúng ta không thể không thưởng thức những chữ,
những câu rất “ đượm”của tác gỉa.
“Một lần ở
lại Kiên Lương - Khói xi măng” thở “bụi đường Hà Tiên”. (Lỳnh
Quỳnh -19)
Như đã có dịp bàn về chữ
“ thở” trong một bài viết khác của Trần Phù Thế. Tôi vẫn không thể không khoái
cảm khi mường tượng ra nhà máy xi măng chạy đều, bụi khói phủ đầy những con đường
làng quê, thôn xóm. Nó cũng tạo ra công việc nuôi sống nhiều người. Nó cũng
đánh dấu một thời chánh trị, kinh tế an bình của miền Nam.
Trong bài “Chuyện đời
ta”, TPT với nỗi sầu ray rứt khôn nguôi:
“Ngày ra
tù
Ta về đứng trước sân
Nghe mẹ nói
Con vợ mày đi biệt
Hai đứa con ba bốn tuổi làm sao biết
Lỗi ba đi tù
Hay lỗi mẹ còn son“
(CĐT-29).
Người thơ cuối cùng chỉ
tự trách bản thân. Ai cũng phải vất vã vì cuộc sống và lo toan nhìn về tương
lai cho cá nhân mình.
Chuyện gia đình ly tán,
bè bạn chia xa, kẻ ở người đi, kẻ còn người mất. Nhà văn Nguyễn văn Ba cựu sinh
viên Trường đại học Cần Thơ, định cư ở Saskatoon - Canada, viết nhiều bài về miền
Nam, nhưng chẳng may anh mất ở vào tuổi trung niên, nhiều hứa hẹn cho sự nghiệp
văn chương. Trong nỗi xúc động nghe tin Nguyễn văn Ba mất, TPT thảng thốt kêu
lên:
“Nha Mân
em có về không?
Phương Nam xa lắc nhưng lòng là đây
Một đời mê tỉnh cuồng quay
Mối hờn vong quốc biết ngày nào nguôi”
(Lời ru Nguyễn văn Ba-33)
Một câu nói nghe ra làm
chết được lòng người
Hoặc:
“Chút lòng
đau, nát lòng đau
Nén hương cố xứ bay vào cõi xa
Trái tim em để quê nhà
Nợ văn em để làm quà mai sau
(LRNVB-034)
Vâng, đúng như ước nguyện
của Nguyễn văn Ba và cũng là ước nguyện của tất cả mọi người dân Nam nước Việt.
Bước chân đi còn nhớ quê nhà. Văn chương là món quà tặng vô gía cho đời sau
trong cũng như ngoài nước.
Trong “Giỡn bóng chiêm
bao”, không thiếu những câu thơ đẹp, thoang thoảng như nụ tình trai gái tuổi
thanh xuân. Bài “ Mùa xuân” chan chứa biết bao niềm hy vọng:
“Thưa em
ngày mới tinh khôi- Nắng biêng biếc chảy vàng phơi nụ tình - Trên cây mùa đã cựa
mình- Con chim lạ hót trên nghìn nắng xuân.” (Mùa xuân trang 41).
Sự quan sát vô cùng
tinh tế theo từng chút biến đổi của cảnh vật, thời tiết và ngay cả chính
tâm hồn:
“Thưa em
ngày đã lặng im- Gío xuân rất nhẹ thổi mềm nắng tơ- Lòng em cỏ rối đôi bờ- Anh
hôn lên đó như ngờ hôn em” (Như ngờ hôn em-42).
Còn nỗi vui nào hơn khi
nhìn con ngủ. Đứa trẻ là đất trời bao la; là tiếng thôi thúc gọi ta về
mỗi khi lang bạt.;là ta làm hàng dương , phi lao ngăn sóng bảo.
Tất cả dâng hiến cho:
“Trong nôi
con nhoẻn miệng cười - Giang tay con nở mặt trời tháng tư - Xoãi chân con đợi
gío mùa - Tiếng ru của mẹ chưa vừa giấc con - Đỏ hồng tí xíu chân son - Nâng
niu cha ẳm đời con vào lòng” (Khi con đầy tháng- 48).
Quan sát, quan sát và
quan sát như Pavlov đã nói. Trần phù Thế có là nhà quan sát không, chúng ta
hãy:
”Bờ vai em
những lông tơ mềm mại- Cũng sượng sùng khi nghĩ đến lừa nhau” ( Thư gởi
người yêu ở xa – 67). Tác gỉa có liều lĩnh để phỏng đóan không?.
Thu là đề tài muôn thuở
của thi nhân. Phác thảo qua văn chương, chúng ta có Nguyễn Khuyến với Thu điếu,
Thu Vịnh:
“Thu ăn măng trúc đông ăn gía - Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao”. Lưu
trọng Lư với ”Tiếng thu”. Huy Cận với “Thu Rừng”: Nai cao gót lẫn trong mù - Xuống
rừng nẻo thuộc nhìn thu mới về. Họ là những người đi tiên phong, làm cách mạng
cho ngôn ngữ…
Thu của Trần Phù Thế đầm thấm như cốc trà đậm nồng hương đời,
như kẻ lữ hành dày dặn kinh nghiệm và ở một lúc nào đó, có thể trở thành người ẩn
dật sau hàng phong:
“Ở đây trời
chẳng trong xanh - Ngày thu cuối đã quẩn quanh tuổi gìa - Rừng phong đầy lá
hiên nhà - Vàng phai sắc nhớ chiều pha sắc vàng - Biết ta cõi sống muộn màng -
Vơi đi lá úa bên ngàn đầy thu - Đã nghe tiếng thở sương mù - Tan trong cô quạnh
với từ biệt tăm” (Thu muộn- 92).
Tâm tình chân phương rất
mực, tác gỉa phó thường dân miền Tây Nam Bộ đang diễn trò “ sơn đông mãi võ”
đang cổ động mời gọi, rao giảng cùng Hắc Bạch giang hồ:
“Tôi biết
tôi không có quyền lựa chọn
Người tốt- kẻ xấu đến với mình
Nên tôi vui lòng đón nhận như một niềm hạnh phúc”
(Tâm sự một con đường- 96).
Con người là sinh vật đáng yêu hay đáng ghét. Phạm Duy cứ khản cổ
hát:” Giết người đi thì ta ở với ai?...”.Trần Phù Thế phóng khoáng, cao ngạo:
“Hởi những
con người đáng yêu
Đang thở bầu trời xanh ngát
Hoặc những người ở xa
Hãy đến với tôi
Dù chỉ một lần
Tôi xin tự nguyện
Làm một con tàu chung thủy
Chuyên chở suốt đời “
(TSMCĐ trang 96).
Dường như tác gỉa đang
lang thang trên núi Sam- Châu đốc vào mỗi tháng ba nhân dịp Lễ Vía Bà. Có đi mới
thấy núi non, cây đá chập chùng. Không hùng vĩ so với những nơi khác, nhưng
cũng đã tạo nên một sắc thái trang nghiêm, huyền bí cho dân chúng miền Tây và
dân chúng từ Sài Gòn đổ xuống . Thất Sơn, bảy ngọn núi- linh địa của miền nam-
Có Tây An Tự ( Bửu Sơn Kỳ Hương), có lăng Thoại Ngọc Hầu. Nơi an vị Phật bà
khói hương nghi ngút. Khách thập phương nam nữ vui vẻ bầy đàn, rộn rịp cả một
góc núi.
“Ước gì ta
được hóa thân - Thành mưa tưới mát núi Sam ngàn đời - Hỏi lòng lòng có đổi dời
- Như cơn gío thoảng trên đồi Bạch vân”. ( Hỏi lòng- 98).
Buổi chiều cô độc, ngồi
nhớ mông lung, khách giang hồ nơi xứ người vẫn còn mang mang tình hận khôn
nguôi;
“Nghìn năm
một chữ vô thường
Bóng anh nhòa nhạt bên đường thu phong
Lá bên đời lá chạy rong
Trăm năm kiệt sức mình không thấy mình”. (Mùa
thu và lá trang 102).
Qua hơn năm mươi bài
thơ trong “ Giỡn bóng chiêm bao” của Trần Phù Thế, dàn trải qua các đề tài về
thân phận, tình yêu và quê hương. Đặc biệt là tình yêu trai gái vẫn không làm mờ
nhạt đi tình yêu của cha mẹ và con cái. Sợi dây ràng buộc mà mối thắt mở không
thể tìm được đáp số.
Ngoài ra, tâm sự kẻ xa
quê hương, tự nhận mình là kẻ lưu đày hay dưới bất kỳ danh xưng nào, cũng nói
lên rằng mình không còn trên xứ Việt.
“Ta cười
ta nợ núi sông
Xẩy tay mất nước lưu vong xứ người
Ta cười ta một trận cười
Trăm năm hồ dễ mấy người như ta” (Ta cười
ta trang 104)
Lâm Hảo Dũng
(VGH - 8-2012)
No comments:
Post a Comment