Wednesday, July 31, 2013

THƠ NGUYỄN XUÂN THIỆP


trà hoa. camellia



                                                 Camellias

xin đốm tuyết dưới trời thu hạ
hứng giọt máu từ cườm tay
bình minh
chợt tím một bông trăng tình sử
hương tóc ai. anh thở với cây rừng

một lần chân đã rời xa
anh mơ qua cầu gỗ lim
tìm câu ca dao cổ
bỗng quẹo. về gặp camellia
ngỡ hoa trà ngày xưa anh hái
trong máu, và bùn. chiêm bao

tháng 7.1996
NXT

 

KÝ CỦA Ý NHI



một khoảng không tinh khiết




                                    

                                                       Họa sĩ Thái Tuấn

1. Mùa thu 1995, Orleans, trong căn nhà nhỏ, đơn sơ, họa sĩ Thái Tuấn (1918-2007) tiếp những người bạn từ Việt Nam sang, từ Paris đến. Ông ra tận cổng ngoài đón khách. Dáng ông cao, gầy, trang nhã trong chiếc áo len màu xám nhạt. Trong số khách, có người ông đã quen, có người ông mới gặp lần đầu mà tất cả đều được hưởng sự ân cần, tin cậy nơi ông.
   Ông dẫn khách đi vòng vòng quanh căn phòng nhỏ như đi xem một cuộc triển lãm với những bức sơn dầu của chính ông. Có lúc, người ta như quên rằng mình đang ở trên đất Pháp, bởi cuộc hội ngộ kỳ lạ cùng những người phụ nữ thuần Việt, áo tứ thân, thắt lưng bao, yếm sồi, khăn vành dây, với đôi bồ, chiếc lu đựng nước, chiếc gáo dừa, chiếc chõng tre… Việt Nam, vâng, Việt Nam từ tận đáy tâm hồn. Có người đã nhận xét rằng cái đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong tranh Thái Tuấn không phải là cái đẹp của từng phần thân thể như khuôn mặt, đôi môi, bộ ngực… mà là một cái đẹp toàn thể, đẹp trong cái vẻ thùy mỵ, trong ngần riêng tư của mình.

   Mọi người trở lại phòng khách, lặng im như chưa ra khỏi cảm giác bàng hoàng trước một vẻ đẹp, một nỗi nhớ, một nỗi thiết tha nhường ấy. Chính vợ họa sĩ, người phụ nữ có khuôn mặt thuần hậu, mái tóc bạc búi lại sau gáy, giản dị trong chiếc áo cánh trắng, là người đã “đánh thức” mọi người. Bà đã bày lên bàn ăn bữa cơm có rau cải nấu thịt nạc, nem rán, thịt rim mặn. Một bữa cơm thuần Việt.

   2. Sinh năm 1918 tại Hà Nội, khoảng lên năm, lên sáu, có lúc Thái Tuấn đã cùng bố mẹ ở trong một căn nhà nhỏ giữa vườn Bách Thảo. Bố ông là một kỹ sư canh nông, nhận chăm lo vườn cây ăn quả và rau tươi cho người Pháp tại đây. Thế rồi một tai họa xảy đến. Bố ông có cuộc tranh cãi với một người Pháp, bị phạt và bị điều lên Tuyên Quang. Có thể đây là bước đầu tiên cho cuộc di chuyển rày đây mai đó của Thái Tuấn. Thái Tuấn được gửi về Thanh Hóa, theo học tại trường nội trú. Ông yêu những bức tranh trong sách giáo khoa, yêu những căn phòng xinh xắn, yêu những tủ giường, bàn ghế được bày biện đẹp đẽ của ngôi trường. Ông vẽ những bức tranh đầu tiên vào lúc này. Lên mười, ông theo bố về Tuyên Quang. Núi rừng, sông suối, những cậu bé Mường mộc mạc là những gì đẹp đẽ nhất của tuổi thơ còn lưu lại trong tâm hồn ông.

   Rồi Thanh Hóa, Nam Định, Sài Gòn. Rồi lại Nam Định, Sài Gòn, Paris… Trên chặng đường dài hơn tám mươi năm, mọi cuộc gặp gỡ với ông đều tốt đẹp. Ông có thể đón nhận những con người rất khác nhau và rất khác ông, miễn là họ có một tấm lòng, một tài năng. Hồ Dzếnh, Đặng Thế Phong, Bùi Xuân Phái, Thanh Châu, Đái Đức Tuấn, Quang Dũng, Lê Tài Điển, Cù Nguyễn… Ông nhắc đến họ, nhớ thói quen của từng người, cả những câu chuyện tình duyên, những buồn lo của họ, từ những tháng năm nào. Sau gần ba mươi năm ở Pháp, lúc về Việt Nam, ông mang cho người này chiếc mũ bêrê, người kia chiếc tẩu thuốc, người nọ chiếc khăn màu xám… những thứ mà ông nhớ rằng họ đã từng yêu thích. Nghe ông, ta dễ nhớ đến câu nói của một nhà văn Pháp nổi tiếng: kỷ niệm không có mưa. Dường như, ông đã lọc hết bụi bặm, gai góc để chỉ giữ lại những gì sáng trong, tinh khiết.

   3. Đã có nhiều họa sĩ, nhiều nhà phê bình mỹ thuật nói đến màu xanh của Thái Tuấn. Đó là màu xanh rêu, xanh biển, xanh xám tạo nên một không khí nhẹ nhàng, đạm bạc nhưng trang nhã, tinh tế. Đó là cái không khí “Qua làn ánh sáng mờ của những buổi sáng sớm hoặc chiều hôm” (Huỳnh Hữu Ủy).

   Các bức tranh của Thái Tuấn ít màu, ít nét và thường chỉ có một người, một vật. Đó là một thiếu phụ đang vấn tóc, một cô gái đội quả dưa hấu, một thiếu nữ tựa tay lên cây đàn, một thiếu nữ đứng trước gió với chiếc khăn quàng hoặc một người đàn ông khoác chiếc guitar ngang ngực, một người đàn ông khác cầm trong tay chùm bóng màu… Và, một con chim đậu trên nhánh xương rồng, một chiếc khăn mắc lại trên nhành cây… Thái Tuấn dành phần còn lại của bức tranh cho một không gian rộng rãi, thanh tĩnh. Tưởng như không có gì có thể ảnh hưởng, có thể xáo trộn không khí riêng biệt đó của Thái Tuấn. Ông đã tạo nên một vẻ đẹp nằm ngoài mọi giải pháp kỹ thuật. Ông thích nhắc đến câu nói của Charles Trenet: “Tôi không theo mốt nào cả nên không sợ lỗi mốt”. Tất nhiên, đó chỉ là một cách nói, một cách giải thích. Điều chính yếu là ông đã tạo nên một thế giới - một thế giới không bị ràng buộc bởi bất luận điều gì, một vẻ đẹp không phôi pha theo năm tháng, qua những miền đất, qua những thăng trầm của chính cuộc đời ông.


 


   4. Và, Thái Tuấn còn là một họa sĩ hiếm hoi viết lý luận, phê bình mỹ thuật. Vựng tập của ông xuất bản năm 1996 có tên Tuyển tập tranh và tiểu luận. Lý luận, suy nghĩ về nghề của Thái Tuấn được rút ra từ chính lao động sáng tạo của ông. Vì lẽ đó, nó có một sức hấp dẫn riêng, một hơi thở riêng, mạnh mẽ và uyển chuyển.

   Thật thú vị khi đọc những dòng viết về trách nhiệm của nghệ sĩ: “… Nghệ sĩ không làm gì khác hơn, mới lạ hơn là nhờ tác phẩm để hàn gắn lại cuộc đời đã quá tả tơi, rách nát bởi những phân chia. Hắn phải vượt khỏi những khoảng cách mới có thể xóa bỏ được những khoảng cách. Khoảng cách giữa nghệ thuật và kỹ thuật, giữa con người và thiên nhiên, giữa con người và con người…” và: “Nghệ sĩ như một tên hề trong trò chơi ảo thuật, làm thế nào hắn có thể từ cái không lấy ra một bông hoa thật”.

   Thật thú vị khi đọc những dòng ông viết về tính dân chủ của màu sắc: “… Không thể kỳ thị màu sắc, không thể chỉ lựa chọn lấy những màu sắc sáng chói nhất, rực rỡ nhất mà phải đặt mọi màu sắc, hình nét trên cùng thang giá trị… khi nằm trên bức tranh, mọi màu mọi vẻ đều bình đẳng, bình quyền”.

   Thật thú vị khi đọc những dòng ông viết về lao động sáng tạo nghệ thuật: “Hình ảnh và màu sắc, ý tưởng và tình cảm, mọi sự chợt đến chợt đi nhanh chóng, đột ngột đến nỗi dù trí óc có thông tuệ, minh mẫn tới đâu cũng khó mà điều khiển nổi cây cọ”.

   Và, thật cảm động khi đọc những dòng này: “Người làm nghệ thuật đã ước mong đem hết ánh sáng của cuộc sống vào trong họa phẩm, có lẽ tác phẩm nghệ thuật cũng đã le lói được chút ánh sáng, song tất cả ánh sáng của họa phẩm có gom lại cũng không bao giờ có thể châm nổi một điếu thuốc, như ánh sáng của những vị hành tinh trong cõi xa xăm vô tận.”

   Với ông: “Tất cả những chủ thuyết, trường phái nghệ thuật, tất cả những khám phá kỹ thuật, những phong cách khác nhau để tạo tác hình thể, màu sắc, chẳng qua cũng chỉ là những thử thách dò dẫm luôn luôn thay đổi và đều lồng trong sở thích của từng cá nhân và thời đại”. Với ông: “Tác phẩm nghệ thuật không là một phương tiện, nó chính là cái đích đã đạt tới”.

   5. Trong bức thư gửi cho một người bạn ở Việt Nam, Thái Tuấn viết: “Ở Sài Gòn nửa năm, tôi đã quen với khí hậu nóng bức, với những sinh hoạt thân ái của bạn bè. Trở lại Pháp, rất nhớ cái không khí sinh hoạt đầm ấm quen thuộc của miền Nam đất nước. Bên này trời đang còn rất lạnh, cả bên ngoài lẫn bên trong. Từ tháng sáu là lại phải dọn sang nhà mới. Đứa con gái mới mua lại. Đúng ra là một biệt thự lớn, không phải như căn nhà xinh xắn mà chị đã có dịp đến thăm tôi. Nhà có rộng, càng thêm sự trống vắng. Tôi nghĩ có lẽ, tôi nên trở về sống ở Sài Gòn”.

   Và rồi, một buổi sớm se lạnh của tháng 12 năm 2004, Thái Tuấn về lại Sài Gòn. Ông nói với người bạn ra đón ông ở sân bay: “Lần này tôi về hẳn”.

   Ông lại trở về ngôi nhà cũ, nơi ông ở khi vừa đặt chân lên đất Sài Gòn, năm 1954. Ông bảo, hồi đó người ta gọi vùng này là bến Tắm Ngựa. Trong căn nhà ở chung với con trai và cháu nội, ông “thiết kế” cho mình gian phòng khoảng 10m2 trên gác. Căn phòng này là nơi ông đặt bàn thờ vợ, bà Hà Nguyệt Lan, nơi ông ngủ và cũng là nơi ông vẽ. Hàng ngày ông ra công viên Lê Văn Tám đi bộ, đến quán cà phê bên lề đường Lê Chân (bên hông chợ Tân Định) để uống cà phê và ngắm nhìn phố xá, ngắm nhìn người qua lại. Ông bảo, nơi vẽ tranh của ông ở Paris cũng nhỏ. Có họa sĩ đến thăm, đùa vui gọi là bàn thờ ông địa.

   Chính trong căn phòng chật chội ở 150/31/5 đường Lý Chính Thắng, Thái Tuấn đã lại vẽ những bức sơn dầu lớn cho cuộc triển lãm cá nhân tại Gallery Tự Do. Một lần nữa, những người phụ nữ Việt Nam của Thái Tuấn lại làm rung động tâm hồn người yêu nghệ thuật. Những người phụ nữ vẫn trẻ. Thái Tuấn vẫn trẻ.

   Tháng 7/2007, Sài Gòn mưa gió liên miên. Họa sĩ Thái Tuấn bị ốm. Khi có bạn đến thăm, ông gắng ngồi dậy đón khách. Vẻ xanh xao, mệt mỏi, giọng nói khàn đục, ông vẫn còn muốn tiếp tục câu chuyện hội họa. Ông bảo, có những kỹ thuật không cần cho hội họa, ví như luật viễn - cận. Ông bảo, tôi đã chín mươi tuổi, không còn ham muốn bất cứ điều gì, chỉ tiếc chưa có nhiều dịp trò chuyện với các họa sĩ trẻ về hội họa.

   Trên đầu giường của ông treo một bức sơn dầu lớn. Ông bảo, đó là bức tranh dành tặng Kim, cháu đích tôn của ông. Người phụ nữ trong tranh mặc váy đen, áo cánh trắng, thắt lưng xanh, đi guốc gỗ, tay khoác nón, mặt nghiêng nghiêng như đang lắng nghe điều gì. Phía sau cô là dãy núi xanh thẳm. Họ sĩ kể, lúc vẽ không để ý, khi xong rồi mới nhận ra dãy núi ấy là cảnh ở Thanh Hóa, nơi ông sống thời trẻ. Im lặng một lúc, ông nói nhỏ như thì thầm: “Hội họa của tôi là hội họa của hoài niệm”.

 2004-2007
Ý NHI

Tuesday, July 30, 2013

THƠ CAM LI NGUYỄN THỊ MỸ THANH


tôi không viết nổi một câu thơ 

 


Kính tặng Blogger Điếu Cày và các tù nhân lương tâm

 

Tôi không viết nổi một câu thơ
Bởi hai tay run rẩy
Như người tuyệt thực một tháng trường không còn sinh khí
Nhưng cái đầu vẫn thẳng, đôi mắt vẫn rực tia lửa cháy

Tôi không viết nổi câu êm đềm lục bát
Bởi lục bát phải ngọt ngào như ca dao thuở mẹ ru
Mà ca dao xứ mình còn đâu nữa

Ầu ơ...
Con ơi biển mẹ nát nhầu
Đất cha ứa máu... lòng đau chín chiều

Tôi không viết nổi bài thơ thất ngôn
Bởi thơ thất ngôn dành cho tâm yên bình
Mà tâm tôi, tâm anh, là quê mẹ điêu linh
Đau nỗi người dân thiếu ruộng cày
Trẻ thơ không có tuổi thơ ngây
Đau đời thiếu nữ bèo trôi giạt
Đau mảnh quê hương giặc xéo giày

Tôi cũng không gieo nổi vần cho thơ năm chữ
Bởi đó là thơ của tình yêu
Làm sao lãng mạn, làm sao mộng mơ... trong tủi nhục, đói nghèo?
Người già buồn lang thang
Chưa vơi chồng vé số
Người thương binh âm thầm
Ngắm đời mình mờ ố

Tôi chỉ có thể viết nên những câu thơ tự do
Không vần, không điệu
Bởi nỗi uất hờn không có bến bờ
Bởi niềm đau là không biên giới
Vần điệu là nhịp đập của trái tim
Thi tứ thoát ra từ mạch máu
Nhiều người cùng viết những vần thơ tự do
Sức mạnh sẽ vươn lên từ đấy. 

CLNTMT

 

Monday, July 29, 2013

TẠP BÚT NGUYỄN MẠNH TRINH

Những đóa thơ cho Phố Núi Pleiku
 
 
 
Pleiku, nhắc đến nó để nhớ lại một thời lửa đạn. Và, nếu có người sưu tập thành một tuyển tập có chủ đề về nơi chốn ấy, chắc sẽ có một quyển sách cả ngàn trang mới mong đầy đủ hết thơ văn của những người hoài vương vấn với mưa sình nắng bụi cao nguyên.   

Mấy ngày hôm nay, buổi sáng nào cũng mù mịt sương. Mùa Thu ở đây như gợi lại một nỗi niềm nào. Lái xe trên đường, trong cái mù mịt của đất trời thấy mình như sống lại một thuở nào, ở không gian thời gian nào tuy thật xa nhưng trong giây phút hiện tại lại thật gần gũi. Cái tâm trạng bềnh bồng, của tiềm thức chơi vơi trong buổi sáng hôm nay như dẫn từng bước chân trở về, thuở xa xưa, ngày vừa trên hai mươi tuổi.

Lớn lên ở Sài Gòn, cả một thơ ấu nghịch phá, cả một khung trời mơ mộng. Những ngã tư, những con hẻm, những cổng trường, những mầu hoa Mùa Hạ, những xao xác lạnh cuối năm, tất cả đã thành kỷ niệm. Của một thành phố mà tưởng như chứa cả một phần đời sống của mình. Rồi tuổi đôi mươi, rời khỏi ghế giảng đường vào lính. Thì một thành phố, tuy heo hút sơn cùng thủy tận, nhưng lại chan chứa những kỷ niệm của những chàng lính trẻ, ngông nghênh vào đời tưởng như nắm cả vũ trụ trong tay. Sống ở đó, để thấy nhớ sài Gòn. Nhưng khi đổi về Biên Hòa gần Sài Gòn thì lại nhớ lại thời gian đã qua. Không nuối tiếc nhưng đầy bâng khuâng, và cái không gian se lạnh, cái đêm khuya mưa dầm, cái buổi sáng mù mịt, tất cả trộn lẫn để thành một phong vị khó tả.

Năm tôi lên phố vừa qua cái tuổi đôi mươi. Hai mươi tuổi, tâm hồn lúc ấy trắng bong, tràn đầy mơ với mộng. Chưa có kinh nghiệm trường đời nên thường phản ứng trước những chướng tai gai mắt và theo suy nghĩ của nhiều vị chỉ huy, tôi là một đứa ba gai cần phải hành hạ để cho vào khuôn phép. Ở đâu cũng xa nhà nên tôi tình nguyện đi biệt đội Pleiku mút mùa lệ thủy và khi ở đây lập không đoàn thì cũng là một trong những người khai sơn phá thạch của đơn vị.

Pleiku là thành phố của lính, lại mang nhiều nét thơ mộng nhất trong đời những người lính xa nhà 
Thời gian ở thành phố biên trấn này chỉ hơn hai năm mà sao tràn đầy kỷ niệm. Có những lúc, cơm sấy đồ hộp ngày này qua tháng khác mà vẫn vui. Lãnh lương xong, chỉ một vài ngày là sạch nhẵn, thế mà tối nào cũng lang thang ở phố đến nửa đêm mới mò về phi trường. Ở đây, biết bao nhiêu đứa bạn, buổi sáng còn đùa giỡn chọc ghẹo nhau mà vài tiếng đống hồ sau thân xác đã thành sương khói cho những phi vụ không về. Ở đây, có sáng mù sương, thấy đời mệt mỏi như chiếc xe dodge già nua ì ạch leo đầu dốc. Dù rằng tôi lúc ấy chỉ vừa hơn hai mươi tuổi.

Ngày lên Pleiku, có một bài thơ tôi đã làm như tiên đoán được cái không gian của biên tái, của những câu thơ như Lương Châu Từ của Vương Hán thời thịnh Đường xa xưa. Pleiku có khác nào Lương Châu, cũng là quan ải để trấn giữ biên cương. Ngày xưa thì ngăn giặc Hồ, giặc Mông. Ngày nay, thì canh chừng ba biên giới, với những trận đánh ác liệt mùa khô hàng năm tiếp diễn… Bài thơ ấy, làm vào một đêm trước khi sáng mai lên trực thăng vào phố núi.

“Ừ mai tao lên Pleiku
Đêm căm hơi đá ngày mù núi xanh
Uống say quên mộng quẩn quanh
Về nơi gió cát cũng đành cuộc chơi
Ừ mai cánh vỗ ngang trời
Ngóng thiên thu một cõi đời tịnh yên
Máu xương mãi chuyện ưu phiền
Còn đâu tiếng gọi cho em miệt mài
Ừ mai súng khoác lên vai
Ngẩn ngơ phố núi những ngày đao binh
Chắc đâu rượu uống một mình
Trong thân phiêu bạc nhục vinh nửa vời
Ừ mai thương bóng trăng trôi
Chim quên vẫy mỏi cuối trời chiến tranh
Uống đi mai hát quân hành
Nghe trong hơi bốc long lanh mắt người…”

Tuổi trẻ, ngây thơ và bốc đồng. Tưởng rằng, mình như một hiệp sĩ thời xưa đi vào nơi gió cát. Thơ cũng nghênh ngang kiểu “túy ngọa sa trường quân mạc tiếu, cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”. Tuổi trẻ, ơi những giấc mơ của ngày chân không chấm đất cật chẳng đến giời. Có phải là giấc mơ chung của những người lính trẻ chúng tôi.   

Pleiku, một thành phố nhỏ heo hút ở cao nguyên, nhờ thơ và nhạc, đã thành một nơi chốn đầy thơ mộng. Thành phố ấy, có những tương phản kỳ lạ. Chiến tranh đã làm phố núi ấy có một bộ mặt, khi thì lãng mạn thơ mộng với những tà áo dài nữ sinh đi học buổi sớm mai nhưng cũng có lúc đầy nhục dục xác thịt. Con đường từ phố đến camp Holloway đầy những quán rượu và những cô gái phấn son lòe loẹt. Và, thành phố cũng đầy những sắc lính. Những người từ mặt trận trở về, đốt tiền mua vội một đêm vui rồi sáng mai trở lại miền gió cát. Những người lính đồn trú ở đây, ráng làm quen với cuộc sống ở vùng nắng bụi mưa sình, trong một giây phút nào, cũng nao nao vì những tà áo trắng buổi sáng trong sương mù Pleiku, tìm thấy một chút thơ mộng trong đời để làm kỷ niệm Pleiku, những cuộc tình có thực đầy dông bão của những người lính và những cô gái giang hồ. Nhưng Pleiku cũng có những êm ái thánh thiện của tình học trò áo trắng và người lính dạn dầy trong khói lửa. Pleiku có con đường đầy quán rượu cho lính G.I. viễn chinh nhưng cũng có con đường có hai hàng cây cao vút rợp bóng lá và những tà áo học trò tung bay theo nắng.

Người làm thơ, có lúc cũng cảm khái vì cái không gian, thời gian của thành phố ấy. Mưa cũng là cái mưa đặc biệt, mỗi mỗi hạt mưa như chứa đựng cả những nỗi niềm của tất cả những địa phương xa lạ thu góp về. Nắng cũng là cái nắng không phải của một nơi chốn nào khác, nó mang đến cái hanh hao khó chịu nhưng cũng trong màu nắng ấy lấp lánh những tình cảm thầm thì khó tả. Lạnh cũng chẳng phải là cái lạnh lẽo bình thường mà hình như cỏ cây, đường phố, núi non, ở đây cũng se mình và chia sẻ chung vui buồn với con người.

Trong giây phút hiếm có trong đời, cảm xúc đã làm ngôn ngữ tăng thêm lôi cuốn và tạo nhiều ấn tượng. Nguyễn Bắc Sơn, một chứng nhân của cuộc chiến, làm thơ như một cách thế sống, đã coi công việc viết như một phần của đời người. Sống ở Plei ku và viết những bài thơ để gửi Plei ku. Thơ ông, có chút cảm khái ngậm ngùi của thời tao loạn nhưng cũng có những xúc động bềnh bồng của tâm tư lãng mạn hay đùa cợt với cuộc đời. Thơ, phảng phất vóc dáng một chàng cuồng sĩ.

Đọc bài thơ “Hoa Quì Vàng Lạnh Pleiku”, tự nhiên tôi như người trở về thời gian ấy, không gian ấy. Trở về những ngày tuổi trẻ, của những giây phút bốc đồng coi mọi việc như cuộc đùa chơi. Cái lạnh, chưa hẳn là lạnh lẽo Mùa Đông, mà còn chứa đựng một chút nồng ấm nào đó của Mùa Hạ. Lạnh ở bên ngoài nhưng rần rần nóng hồi ở tim óc bên trong. Sương mù ban đêm trên đỉnh cao nhìn về phố buồn, tâm thức cũng ào ạt như sóng theo tầm nhìn vời vợi.

"Đứng trên  núi thấy hàng đèn thị trấn
Là thấy mình buốt lạnh mấy nghìn năm
Vì đêm nay trời đất lạnh căm căm
Nên chợt nhớ chút lửa hồng bếp cũ
Nên phải nhớ mắt một người thiếu nữ
Đã nhìn mình rất ấm một ngày xưa
Dù mai sau ngày nắng tiếp ngày mưa
Nhưng vĩnh cửu chút mơ màng thuở đó”.
 
Tôi cũng đã sống ở Pleiku gần ba năm. Thời gian ấy trong hơn tổng số bẩy năm ở lính của tôi chắc là đáng kể và đầy chật những điều đáng nhớ. Ngày đầu tiên khi từ Nha Trang xuống phi trường Cù Hanh là một ngày mưa u ám. Mưa sủi bọt trên mặt nhựa phi đạo và bầu trời nặng nề u ám mầu mây đen. Gió ào ạt lồng lộng ngoài kia khiến cho tôi thấy mình quá nhỏ nhoi trong cái buồn mênh mang của đất trời. Lúc ấy, tôi thấy những câu thơ vẩn vơ trong óc của Kim Tuấn, Du Tử Lê, Vũ Hữu Định, Nguyễn Bắc Sơn. Thơ tự nhiên thành một phần của một ngày, một tháng, một năm, của riêng tôi. Thơ để quên đi hiện tại. Những giọt mưa quất vào mặt, buốt rát. Những ngọn gió thốc vào ngực. Nặng tê.

Đọc bài thơ dài của Nguyễn Bắc Sơn tôi chỉ thấy có hai câu nói về mầu hoa quì vàng. Thế mà cái mầu sắc hoa man dã ấy chỉ một nét thoáng qua nhưng lại gợi nhiều dư âm. Mầu vàng, có khi là mầu vàng lạnh, nhưng có khi là mầu nóng chói chang của nắng.

“Phố núi kia ơi, một đời phố lạnh.
Lạnh hoa vàng, núi đỏ, thác đèo cao.”

Hoa quì vàng, một loài hoa nhỏ, cây từa tựa giống như hoa cúc, tôi đã nhìn thấy miên man mầu vàng khi trên phi cơ nhìn xuống. Mầu vàng, mênh mang trên những ngọn dồi loang lổ mầu xám của đá và mầu đỏ của đất. Hoa quì, lẻ loi một cánh trên tay thú thực cũng chẳng hấp dẫn lắm nhưng nếu bạt ngàn dưới cánh phi cơ, rào rạt trong nắng trong gió sẽ trở thành một ấn tượng khó quên cho cảm xúc. Ơi hoa quì, mầu vàng không phải kiêu sa như mầu hoàng cúc của áo tôn nữ mà có sự gần gũi với tà áo vàng của dân dã, của thiên nhiên. Hèn chi, cũng có nhiều nhà thơ vấn vương với hoa quì vàng, như Nguyễn Xuân Thiệp, như Kim Tuấn. 

Người thơ kể chuyện của mình, một câu chuyện có lẽ rất quen tai của những người lính thú. Cũng đi xuống, đi lên, cũng loay hoay bồn chồn như những chàng gà trống… 

“Đời lang bạt của một người lính thú
Sáng hôm qua tôi là người thiếp ngủ
Đi một mình lên xuống phố mù sương
Phố núi kia ơi, phố có con đường
Lên xuống dốc tìm không ra bạn hữu
Không có bạn tôi làm sao uống rượu
Tôi làm sao sống nổi một ngày đây
Phố núi kia ơi, kẻ lạ đông đầy
Nhìn gã lính không khác gì gã lính”.

Không có bạn tôi làm sao uống rượu. Tôi làm sao sống nổi một ngày đây. Nghe như một câu nói thường ngày, không có chất thơ mà sao nghe tràn đầy thi tứ. Chắc lúc ấy, sự cảm khái của người thơ đã lên cao độ, và, nỗi lạnh lùng thiên cổ như bám vào da vào thịt. Có nỗi nhớ mong, có niềm tiếc nuối. Người em, bây giờ lưu lạc ở đâu?  

“…  Tôi vận rủi làm một người lãng đãng
Ngó mông hoài khuất bóng của người em
Sáng hôm nay đời sống thật bình yên
Sao phố lại đuổi đi người yểu điệu
Vườn đá tảng bàn chân em huyền diệu
In gót hồng lên lớp bụi đời tôi
Là từ khi tôi hạnh phúc rong chơi
Và quên lãng con thú mù phẫn nộ
Ôi phố núi đêm nay là cổ mộ
Một hàng đèn sáng lạnh cõi bi hoang”.

Bài thơ thứ hai tôi đọc để nhớ Pleiku là của Nguyễn Xuân Thiệp, bài “Pleiku, Tháng Ba 1974”. Ba mươi năm trôi qua, nhưng ngày tháng đó vẫn còn sinh động. Thơ, không ghi chép lại nhật ký ngày tháng mà sao đầy dấu viết của một quãng đời. Ngày ấy, lửa cháy đỏ. Ngày ấy.

Người thi sĩ kể chuyện một mình. Đâu cần ai hiểu, chỉ để nỗi niềm loang vào sương đêm thành nỗi nhớ mịt mùng.

 “Cầm bút viết, tháng ba rực cháy
hàng dầu cao trong bình minh
cơn sốt của trái chín và cánh đồng
trận gió hung trưa ngày ấy

cầm bút viết. đồi hoa quỳ vàng
tháng ba xuống khu rừng. bóng quạ
rung những nhánh cây màu tàn lửa
tiếng thét hư không. chiều rượt qua ngàn”

Những hình ảnh đan vào nhau với những liên tưởng tiếp nối. Ảnh tượng có khi như không liên quan nhau, chỉ là những nét phác sơ lược nhưng lại làm nổi bật được một không gian đầy biến động. Đồi hoa quỳ vàng, khu rừng, bóng quạ, nhánh cây màu tàn lửa, tất cả như chìm đắm trong nỗi bàng hoàng của thế thời. Cơn bão lửa dậy lên từ hoang vu.

“tháng ba, chân trời chớp tía
những chuyến xe lên đường, cơn mưa chợt đến
rào qua mái nhà, bàng hoàng. mưa ngưng bặt
đêm. những căn nhà gỗ sáng đèn.
 
tháng ba. trên đồi vông nở
tôi trở về thị trấn tháng ba
những sợi dây trời cắt đau trí nhớ
cườm tay em nhỏ máu hè xưa”.

Xa rồi những ngày thơ mộng. Gần lắm rồi những nỗi kinh hoàng. Cái linh cảm của một cuộc địa chấn là cái linh cảm chung của những người như những con chuột đang cuống cuồng trong rọ. Thị trấn sẽ thành biển lửa, nay mai. Sẽ đầy những cuộc chia ly đầy nước mát. Thảm họa sụp xuống, như cơn hồng thủy đến.

“…  vò nát chiếc khăn. và đừng khóc
chiều nay. chớp bể mưa nguồn
chia tay nhau. sương phụ
người đi. râu bám bụi đường

tháng ba. em. những căn nhà gỗ
ánh đènkhuya. vệt máu hè xưa
đừng tiếc chiếc khăn tay ngày ấy
sẽ bay trong lửa hoàng hôn
tháng ba. cơn giông rền mặt đất.”  

Đọc xong hai bài thơ, tôi như người hụt hơi. Đời sống, như một hơi khói nhẹ, loãng bay vào hư không. Tự nhiên, thấy lòng mình chùng xuống những kỷ niệm. Những bài thơ. Thuở đã xa. Ngày còn trẻ. Và hoa quì vàng, cái màu vàng loang sắc nắng của buổi nào, bây giờ có còn vương trên núi đồi không? Cái sắc màu hỏa hoàng trong những buổi chiều nhạt nắng ấy sao nhức nhối ký ức. Thị trấn ấy, như câu thơ Vũ Hữu Định:  

“Phố núi cao phố núi trời gần
Phố xá không xa nên phố tình thân
Đi dăm phút đã về chốn cũ
Một buổi chiều nào lòng bỗng bâng khuâng
Em Pleiku má đỏ môi hồng
Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông
Nên mắt em ướt và tóc em ướt
Da em mềm như mây chiều trong”.

    Có khi em Pleiku chỉ là tưởng tượng. Thi sĩ đã làm thành một nhân dáng nữ tuyệt vời để tô điểm cho phố núi ấm áp hơn trong cái lạnh se se Tây Nguyên. Thơ như tháp cánh vút lên, để những hàng cây dầu hai bên con đường học trò vươn lên mầu lá xanh hiền. Thành phố có em, là thành phố mà tình yêu đã làm một thứ trang sức cho đời lính thú biên trấn xa xôi. May mà còn có niềm vui. 

    Thơ về Pleiku thì nhiều, nhiều lắm. Kim Tuấn, Diên Nghị, Du Tử Lê, Võ Ý, Lê Bá Định, Lâm Hảo Dũng… đã trải lòng mình lên thành những rung động thật với nơi chốn mà mình đã qua hoặc gắn bó. Pleiku, nhắc đến nó để nhớ lại một thời lửa đạn. Và, nếu có người sưu tập thành một tuyển tập có chủ đề về nơi chốn ấy, chắc sẽ có một quyển sách cả ngàn trang mới mong đầy đủ hết thơ văn của những người hoài vương vấn với mưa sình nắng bụi cao nguyên.  

NGUYỄN MẠNH TRINH
(Nguồn: Hôi Quán Phi Dũng) 

 

Sunday, July 28, 2013

THƠ NGUYỄN THANH CHÂU


                                                      
                                                         Tranh Bửu Chỉ
 
bài vô đề

người về. ôm ngực nhớ nhau
ấm ức bài thơ thất lạc
hồn quê tưởng bóng nhương sao
rực. những cánh hồng hoang mạc…


chiều. đợi một cơn mưa

ói ăm. chiều buông tàn ảnh
hummingbird đập cánh. im
trơ những đồi trọc. cô quạnh
đợi suốt cơn mưa đụng tim…
 

hồn thu bạc

lá-tình-nhân rụng bao lần
tiếc. đâu những hồn thu bạc
hương nguyền sớm lạnh sắc thân
nhật. nguyệt. ta buồn chẳng khác…

NTC

TẢN MẠN BÊN TÁCH CÀ PHÊ


Tango Argentina: vũ điệu tuyệt vời 

Nguyễn Xuân Thiệp   


 
   

    Điệu vũ Tango Argentina qua bao lớp sóng nổi chìm hiện tại đang là niềm say mê của triệu triệu người trên thế giới. Là hóa thăn của dục vọng hay thiên thần, nó mang vẻ kỳ ảo đầy ma lực quyến rũ. Tuy nhiên xuất xứ của nó có điều hơi tăm tối, hơn nữa điệu vũ cặp này ở nơi xuất phát ra nó đòi hỏi má và ngực hai vũ công phải chạm nhau; hai thân hình quyện chặt vào nhau không rời. Phải chăng hai yếu tố này, xuất xứ tăm tối và vẻ đẹp gợi dục của Tango, khiến Nguyễn yêu nó nồng nhiệt. Nói nào ngay, Nguyễn tôi thời trẻ ở các vũ trường Sài Gòn cũng có nhảy điệu này, nhưng phải nói tuyệt vời nhất là được nhìn hai vũ công biểu diễn trên quảng trường hay trên sàn nhảy lấp lánh đèn màu. 

    Vũ điệu Tango chào đời ở Buenos Aires, thủ đô Argentina vào cuối thế kỷ thứ XIX, bên bờ Rio de la Plata trong khu vực lân cận của thủ đô Argentina. Nơi đây thành phần xã hội trong thời gian này là những người di dân nghèo nàn, đa số là đàn ông, sống trộn lẫn với đĩ điếm , trộm cắp... trong các khu ổ chuột gọi là «Arrabal» hoặc trong các dãy nhà lớn như doanh trại (conventillos). Những di dân này từ các nước châu Âu tới... và họ nghe , nhảy theo các điệu Habaneras (điệu nhẩy của những người Cuba) , Polkas - điệu múa của những người gốc vùng Bohême (hiện nay là nước Cộng hoà Tchèque) , Mazurkas (điệu múa gốc Ba Lan) , Waltz (gốc Đức), Flamenco (Tây Ban Nha), Milonga (đến từ vùng Pampas Argentina) .. . Cùng lúc đó người da đen, với khoảng 25% dân số của thủ đô Buenos Aires , những người này nhảy theo nhịp điệu Candombe. Nói chung lại một cách không quá đáng thì mỗi quốc tịch đã mang tới Buenos Aires lối sống của mình cùng các truyền thống âm nhạc để góp phần tạo ra vũ điệu Tango
   Từ những khu ỏ chuột đầy tiếng xấu, điệu nhảy Tango ra đời. Người ta khởi sự nhảy vũ điệu Tango ở ngoài đường phố (bị cấm bằng một sắc luật vào ngày 03 tháng 2 năm 1916 vì cản trở giao thông), trong các quán trà rượu và nhà thổ ở khu ổ chuột. Từ đó, điệu nhảy nhanh chóng liên kết với bầu không khí của những nhà chứa gái điếm vì những gái điếm và những người đàn bà dọn dẹp phòng ở đây là nữ giới duy nhất có mặt trong các buổi tụ họp ăn chơi giải trí này.
   Thêm nữa, như đã nói ở trên, Tango được nhảy trong một cách dáng rất là "xác thịt", khiêu khích, gợi dục; và là một điệu vũ rất cách biệt với những thuần phong mỹ tục của giới trưởng giả ở Buenos Aires. Mặt khác, ca từ của những điệu nhạc trong vũ điệu này đa số là trắng trợn tục tĩu và tựa đề của những ca khúc này lại ẩn hiện mập mờ một sự mời gọi nhục thể. Một nhạc bản rất nổi tiếng: "El Choclo" , theo nghĩa văn chương là "bông bắp" nhưng phải hiểu theo sự tưởng tượng đấy ẩn ý gợi dục..
   Tango là một điệu nhảy rất đẹp và gợi cảm. Chân đá, xoay hông, tay trượt trên da, nó là một kinh nghiệm thân mật được chia sẻ giữa các bạn nhảy khi họ lướt qua các sàn nhảy. Sàn đôi khi có thể là một đường phố, nơi đám đông tụ tập, họ cũng say sưa theo điệu nhảy.

  

Xuất xứ từ các “clandestinos” (nhà thổ) trong khu lao động tối tăm của thủ đô Buenos Aires cuối thế kỷ thứ XIX, Tango Argentina đã phải trải qua một hành trình dài từ giai đoạn hình thành hậu bán thế kỷ XIX; từ giai đoạn bùng phát đầu thế chiến I năm 1914 với lệnh cấm bán chính thức của Tòa Thánh Vatican qua ĐGH Pius X (GH 1903-1914); từ giai đoạn thịnh hành sau thế chiến II đến hết thế kỷ XX cho đến đầu thiên niên kỷ 3; và đặc biệt mốc lịch sử năm nay 2013 với sự kiện Đức Giáo Hoàng Francis, vị lãnh đạo giáo hội Công Giáo La-mã đã nói với Francesca Ambrogetti và Sergio Rubin- tác giả quyển hồi ký “El Jesuita” năm 2010 - rằng “Tôi yêu Tango và thường khiêu vũ thời còn trai trẻ.”
   Trước khi xuất hiện trong các vũ trường lớn tại thế giới phương Tây, Tango được lưu truyền từ Argentina nơi chào đời bình dân của nó tới Paris, kinh đô ánh sáng , thủ đô của nước Pháp. Tại đây, Tango đã bước lên tước vị một trong những vũ điệu quý tộc. Dần dần, mọi giai tầng ở Paris đều lên cơn sốt “Tango”, ngay cả dân lao động. Thi sĩ Appolinaire cũng đã viết tặng cho Picabia bài thơ có tựa là “Le Tango”! Vua Nga Tsar Nicholas II có lẽ là vị quốc vương đầu tiên xem trình diễn Tango và thích lắm. Tango còn được trình diễn trên chiếc Titanic định mệnh năm 1912.
   Nhưng có nhiều người chỉ trích vũ điệu Tango: Phe “anti-tanguistes” viết Tango là “une danse de filles publiques” (điệu vũ của gái đứng đường) đăng trên tờ “Mercure de France” ấn bản ngày 16/2/1914. Giáo hội Công Giáo Pháp đã chỉ trích vũ điệu này kịch liệt qua các tòa giảng tại các buổi thánh lễ Misa. TGM Amette cũng đã khuyến cáo tín đồ phải “tuân theo luật đạo thuần khiết” chống lại “vũ điệu ngoại lai gọi là Tango” bởi “tính chất phóng đãng và xúc phạm đạo đức của nó”.
   Dẫu vậy, Tango vẫn được ưa thích cuồng nhiệt trên khắp thế giới. Và như đã nói ở trên, Jorge
Bergoglio tức Đức Giáo Hoàng Francis rất yêu vũ điệu Tango. từng sống với Tango thời trai trẻ, người đã dùng động từ ở thì hiện tại khi nói “Tôi yêu Tango …”

   Nhìn những vũ công Á Căn Đình nhảy điệu Tango, không hiểu sao Nguyễn tôi nghĩ đến những bông loa kèn màu đỏ rực rỡ và thơm nồng ngát.  
(theo Hà Bắc & Internet)

NXT

Saturday, July 27, 2013

THƠ HOÀNG XUÂN SƠN


b ấ t   t  h ầ n
 
 
                                              Autumn moon. K. Markley Reade

Mảnh khảnh sang thu
gió mùa gây như non men rượu
cổ áo sương không nhòe tâm trí
ngời lên ngời
hồng đào luồn qua vạt nắng
cửa sổ đóng mở đóng mở liên hồi mắt chớp nháy
chim vụt bay khỏi chùm xác pháo
Vivaldi phóng dật qua những chặng rừng
phố ở mãi đầu non 

Là lạ một cánh diều đen bên trời rít róng
chiếc dây đứt tung thơ ấu ngày nào
bầy sỏi lạnh lối đi dẫn vào trang viên tưởng tượng
mảnh gương đồng thiêm thiếp dung xưa
ngồi gục mặt hương hoắc áo treo vằn chân nhện
phong linh cọ mình tiếng va
khẽ
chồi mơn man sóng mắt chìm

Đỏ rực lên một lần phụt tắt
bước chân son vắt vẻo hành trình
môi như tím than chiều mây sẫm
về đi về thật xa khỏi tầm thức hữu hiệu
tay ở độ xanh chàm
rụng cánh sen vàng điệu tiếng chày khuya
hạnh-ẩn-mật-trầm-mình-thiên-thâu-nhòe-hứng (*)
cảnh tượng đầu mùa thi sĩ mưa từng giọt
điệp trùng mãi
suối xanh

Gắng gượng tình xưa
thơ suốt một đời không cánh áo
khúc hương lần trao gửi
bẻ gập hương nguyền bất lực cõi tòng riêng
đêm không gian hút bụi
còn gì không nơi sáng trăng nghiêng
nhạc tình xuân lai tiền kiếp đường trần lung ảo
ghé lại quỳnh tiêu sông ngân
thẳm mùa
mặt người điểm sao vời vợi
 
Bất thần đổ ập xuống tàn dư
ngực khăng khăng giữ lấy
đuôi gió chiều quét buốt.
 
(*) Trần Kha

HOÀNG XUÂN SƠN
1 oct. 2000

 

 

TIN VĂN: CHIỀU BÊN TÁCH CÀ PHÊ


TỔ CHỨC Ở AUSTIN NGÀY 3 THÁNG 8. 2013 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Thursday, July 25, 2013

TÙY BÚT NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH


Bất chợt thơ Nguyễn Xuân Thiệp và gió, và …
 
                                                           Nguyễn Thị Khánh Minh. Đinh Cường vẽ 
 
 …Gió thổi chiều xanh trôi với nắng

Gió, hiểu theo hiện tượng của thiên nhiên, là sự chuyển động của không khí.

Chim nhờ gió mà bay, lượn. Biển kia nếu không có gió sẽ chẳng có sóng. Sóng xanh ngọn làm nên đường viền đẹp đẽ cho những bờ cát, sóng bạc đầu để con người biết cái bé nhỏ của mình trước bao la. Hoa nhờ có gió mà biết chỗ đa tình gieo phấn. Diều trẻ thơ nương gió mà cao, càng cao chân bé thơ càng nhanh, vẽ bước chân bay bổng. Và kia, những trái bóng bay trong gió. Đã có bao nhiêu ánh mắt theo con bóng mở rộng màu xanh trời, và có như tôi không, mãi hoài vọng con bóng tuổi thơ hiện ra cuối chân trời, trả lại cho tôi những mơ ước thơ dại?

Gió cũng tung ra những cơn bão. Và sự tàn phá của nó thật khủng khiếp. Dường như cho cân xứng với những ích lợi, đẹp đẽ mà nó đã mang lại.

Tôi nói về mặt khoa học của gió một chút chỉ vì tôi muốn chạm đến mặt kia, mặt dội lên tâm linh con người, từ gió.

Những tai ương trong đời người được ẩn dụ bằng hình ảnh của sóng và gió, phong ba, phong trần, phong sương…  tất tất đều có âm thanh của gió. Phết lên hình ảnh của gió, của bụi là thấy ngay những trôi dạt, oán khúc kiếp người, những phai phôi của thời gian.

Trong văn chương, gió là cung đàn ảo diệu. Tùy theo sự cảm thụ và nhắn gửi của tác giả thế nào thì gió lộng lẫy âm thanh tâm cảnh thế ấy. Thật là vi vu huyễn mộng.
 
Cũng từ ảo hóa gió tôi như được thổi vào, cuốn theo, thơ Nguyễn Xuân Thiệp.

Cứ đọc lên những câu thơ, văn của ông, là nghe như có tiếng gió thổi giữa những dòng chữ, con chữ, hắt vào lòng mình nỗi cô liêu. Thổi và thổi, thăm thẳm, cô đơn. Chan hòa nỗi một mình tôi nhìn ra những sắc màu tâm tư phản chiếu từ lăng kính cảm xúc trầm lặng ấy cùng với tiếng kêu thâm u oan khốc của phận người trải qua những mùa gió tang thương của lịch sử.

Những con chữ từ sâu thẳm trái tim bi cảm ấy nối vào nhau thành thơ. Tôi gọi thơ Nguyễn Xuân Thiệp là thơ Tình.

“Nếu chúng ta không có chữ tình thì ở đời không có việc gì để làm cả. Tình là linh hồn của đời sống, là ánh sáng của tinh tú, là nhịp điệu trong âm nhạc, thi ca, là cái tươi đẹp của hoa, là màu sắc của lông chim, là cái duyên dáng của đàn bà, và là sinh khí trong học vấn. Nhờ có tình mà lòng ta mới ấm áp, mới có đủ sinh lực để vui vẻ đối phó với cuộc đời… …tức cái tình của các tâm hồn nồng nàn, đại lượng và nghệ sĩ…” (Lâm Ngữ Đường [1])

Tình, tôi muốn được hiểu theo nghĩa của Lâm Ngữ Đường khi ông luận về 3 đức của đại nhân: theo Mạnh Tử đó là: Nhân, Trí, Dũng, Lâm Ngữ Đường đã đổi thành: Tình, Trí, Dũng.

“Một chữ Tình để duy trì thế giới, một chữ Tài để tô điểm càn khôn” (Trương Trào [2]), và phải chăng Tài, -Thưa,Tài Hoa ấy- đã phổ được Tình vào văn chương chữ nghĩa của ông để bảng màu của Trời Đất Nhân Gian rực rỡ màu nhân ái, đẹp đẽ, lương thiện, điều mà con người trong thế giới ngày nay dần dần đánh mất nó, coi nhẹ nó? 

Thế nên,

Chúng ta quá cần thiết văn chương nghệ thuật trữ tình để phục sinh Chân Thiện Mỹ, để chói lọi cái đẹp của nhân tính xua tan đi bóng tối quỷ ma. Điều ấy tôi đã tìm được mỗi lần tôi đọc thơ Nguyễn Xuân Thiệp. Với cảm ứng riêng của tôi, thơ văn của Nguyễn Xuân Thiệp đã toát ra xán lạn một trong ba mỹ đức trên: Tình. Có Tình và, có Trí mới biện biệt được thiện ác của nhân sinh để sống chan hòa Tình, có Dũng thì mới can đảm bảo vệ, rao giảng Tình, và được sống có Tình. Phải hội đủ Tình Trí Dũng mới có thể làm thơ, được, như thế, trong cõi đời nhiễu nhương vô cảm này. Thưa Nhà Thơ, vậy là tôi có thể kết luận, cho tôi, để gọi ông, thưa đại nhân,(hay đại gia, như nhà nghiên cứu văn học Vương Khải Vận nói “chỉ một thiên tuyệt diệu, đủ xứng gọi là đại gia” [3]), ông phó thác cảm xúc mình ra sao để hòa âm nhịp đập đa cảm trái tim cùng chữ để có Thơ, thơ lai lángTình? 

Theo tôi cảm nhận,
Mạch ngầm dòng lặng mà buồn dội tiếng của vực sâu. Sương móc gieo dưới mái hiên khuya nhẹ nhẹ mà làm đêm dằng dặc. Chậm chậm những hạt cát đong vô lượng thời gian. Tiếng chuông đã miên du sao còn mấp máy mấy tầng ngọn cỏ. Một thở dài ngọn gió tây mà chân mây cuối trời linh cảm. Dưới cái nhìn, nghe, thấy, cảm, chữ bật ra đẫmTình, Nguyễn Xuân Thiệp đã tượng nên phong cách đẹp nhất của nghệ sĩ, của Thơ, phong cách trữ tình, viết hoa.
Thơ văn Trữ Tình, tôi rất thích hiểu theo U Mặc Đại Vương là: biểu hiện những quan niệm hoàn toàn cá nhân. Với trữ tình Nguyễn Xuân Thiệp, hình ảnh và chữ mang hồn phách của Đẹp, không, tôi muốn dùng chữ diễm lệ, không biết sao, chữ đó thấy thích hơn, vừa đẹp vừa buồn và rất thơ.

Gió, tôi nghe được giữa những con chữ ấy là gió mùa thu, tôi cho thế, vì gió mùa thu là gió chở chuyên được tâm khí hiu hắt, nùng diễm, nồng nàn nhất của nghệ sĩ. Nó vây phủ quanh ta cõi tự do cần thiết gọi là cô đơn, nạp thêm năng lượng cho ta bương chải cõi tồn sinh.

Khí thơ Nguyễn Xuân Thiệp là khí của tịch lặng, thâm viễn u u (chữ ai tự nhiên đến với tôi?),

 nhạc thơ bi hùng, ý thơ sâu trầm, uyên bác mà lồng lộng ảo mộng, tất cả, là hấp lực của dòng thơ này, theo tôi.

Và để cảm thụ cho hết nỗi tịch tĩnh trong thơ ấy, cũng phải có lòng và cảnh (tôi không nói đến trí thức) tương ứng. Muốn đọc thơ Nguyễn Xuân Thiệp dường như phải giống như người xưa chơi đàn cầm, nghe nói muốn gảy đàn cổ này, tâm phải thật lặng tiếng đàn mới tỏ. Lại cũng thấy rất hợp với câu nói của Trương Trào “Thơ và văn được như cái khí mùa thu thì là hay…” 

Nghe được hết cái khí mùa thu: …tiếng mùa. hốt gió. rắc ly tan / mặt đất. âm u. bặt tiếng đàn…, trước cơn lốc của thời đại, hốt gió, một thảng thốt, mà con chữ thì lại nối vào nhau bởi âm điệu lắng buồn như tiếng thở dài. Con người trước những biến cố của lịch sử, như bèo bọt, chúng ta dường như chỉ nghe được hết những số phận bé mọn ấy qua thơ văn, tranh ảnh thuần khí trữ tình của những tác giả thời đại đó, chúng mang giá trị rất hiện thực và nhân bản gấp nhiều lần những trang giáo khoa sử. Bạn sẽ thử hỏi, tại sao, nương cày, và mặt đất lại hoang vu?

thời đại xây trên lòng quá khứ
tiếng mùa. hốt gió. rắc ly tan
này em. nhìn lại nương cày cũ
Mặt đất. âm u. bặt tiếng đàn.
( Nhịp Bước Mùa Thu, 1954)

Tâm tôi đang thu, trái tim tôi đang đập theo vọng âm những chấm đèn lay lắt bước chân người tù xa xứ, hút vào tấm màn mưa, trong đêm (thời gian hôn ám?), như thể đang tan vào đường chỉ biên giới của sống chết, 

đêm đưa ta lên miền bắc
với những chấm đèn trong mưa
một đi. bóng nhà xa khuất
còn nghe đôi ngọn gió thu

bạn có bị bối rối trước khí nhạc buồn áo não đẹp thê lương của 4 câu thơ trên? Tôi thì, thúc thủ. Nên tôi, mệt quá đôi chân này, tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi… (nhạcTCS)

Thì tình cờ xem được bài viết của tác giả Phan thị Như Ngọc, Tôi Cùng Gió Mùa Đã Về Cố Thổ, trong đó có một câu làm tôi giật mình, chết cha, sao mình bị giống rồi, trong bài đó có câu “gió trời là sự chuyển động của không khí”, vậy là bài viết mình phải bỏ đoạn vô bài sao, khó cho mình, cái bắt đầu bài văn bài thơ mà nó đúng ý đúng nhịp trơn tru thì viết sẽ như dòng sông chẩy không bị mắc cục đá nào giữa dòng. Tôi đắn đo mãi, chưa tìm được cái nhập đề nào thích ý hơn, mà cũng muốn giữ cái tình cảm tức thì của mình lúc đó nên không muốn sửa lại, dù có thể sửa lại biết đâu hay hơn. Nên đành phải đôi lời phân bua này với tác giả Phan Thị Như Ngọc (nội chuyện này đã làm tôi khựng viết bao ngày!), nếu bạn biết Thơ đối với tôi là đền đài, mỗi con chữ thơ là mỗi hành hương để yết bái nó, thì tôi xin thề trên những con chữ tôi đã viết, rằng thì là, đó là sự gặp nhau của cái chí lơn lớn trên dặm dài chữ nghĩa. Gặp nhau, ngẫm ra cũng vì, tiếng chuông trên núi của ông nhà văn nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp gióng lên kia đã gặp giờ duyên nợ với tiếng gió hòa âm, và tiếng gió hai ta va nhau ở một giai điệu tình cờ. Thế nhé. Ở cõi văn chương có thêm, hơn một, tri âm thì đã chẳng diễm phúc hơn Bá Nha Tử Kỳ, thưa Phan Thị Như Ngọc? 

Trở lại. Với gió của thơ.

 
Gió thổi chiều xanh trôi với nắng… câu thơ theo tôi suốt mấy chiều, câu thơ đẩy tôi lửng lơ mấy chiều. Mới chợt thấy sức mạnh của chữ thơ, hai động-từ-thơ thổi và trôi trong 7 chữ mà dựng nên một cõi phiêu diêu trời đất, thổi trôi đi đâu, vô cùng hay đáy con ngươi buồn thẳm của người thơ? Nghe như va chạm, mong manh và vĩnh cữu. Chao ôi, huyết mạch của thiên thu đấy ư?
Nhớ, nhà thơ Joseph Huỳnh Văn có nói đại ý, có rất nhiều chữ, nhưng rất khó để có chữ thơ, tôi nói, gần như mỗi chữ trong thơ Nguyễn Xuân Thiệp là chữ thơ, chữ tình. Nhạc trong thơ ấy là giao thoa giữa âm thanh của tâm tư và nhịp đi 4 mùa trời đất, gió bụi trần gian. Và là châu báu, vì Chữ Thơ ấy được bung ra từ bệ phóng của Cảm Xúc Thực (viết hoa)
Tôi lấy được tinh túy cảm xúc thơ từ thơ Nguyễn Xuân Thiệp như thế nào tùy theo cảm xúc, kinh nghiệm chủ quan của tôi, mà thưa thốt cùng người đồng điệu, như thế cũng dễ mà cười xòa cho tấm lòng của tôi với nhà thơ tôi ngưỡng mộ, phải không, thưa bạn đang đọc những lời này? 

Cũng với cảm tính ấy, tôi thấy mình là con gió nhỏ mơ màng giữa mùa gió, gió thu, gió thơ, ấy.

Tiếng ai trên thềm nhà cố xứ? …nhà ai. phơi áo. ngoài hiên gió/ nắng tắt trưa qua. lạnh bến chờ… mọi người thì sao chứ tôi biết chắc nhà thơ- và cả tôi- ngọn gió thổi qua tấm áo phơi (của mẹ, của vợ, của chồng, của người yêu) bên hiên nhà hiu nắng là ngọn gió níu hoài bước chân người ly hương. 7 tiếng nhẹ, chậm (rất cần những dấu chấm này, nó là những dấu chấm của cảm xúc), nhà ai. phơi áo. ngoài hiên gió…, đẩy tôi về một buổi trưa nào xưa, hồi tôi ở tuổi 20, nằm võng, dưới gốc cau trong vườn nhà văn Lê Văn Siêu, có một tấm áo nâu bay trên dây phơi và tiếng chim tu hú trong nắng trưa thiu buồn tiếng gió, như tiếng về của người vợ nhà văn nằm dưới nấm mộ trong vườn…
Và đây nữa,… hương tóc bay sang. chiều vời vợi… một chấp chới hương thế thôi mà vô hạn chiều của vô biên thời gian, tấm khiên che chắn người qua những cơn giông rền mặt đất…? 

Theo gió u hoài, lọt vào “song the”, một mùa sương phụ, chăng?

này em. chưa đan xong chiếc khăn quàng cổ
thì gió mùa đêm nay đã đến đầy phòng
thổi rung liếp cửa… 

Chữ rung nghe đến lao chao. Có gì lay động theo con gió, – bóng đợi chờ?, sao tôi cứ nghĩ sau đó là biệt ly… 

giữa khuya. nằm nghe tiếng ếch
trôi về từ một bãi sông
gió thu. thổi bùng liếp cửa
bên tai ngỡ giục trống đồng 

Chữ bùng thì biết được cơn gió thốc của thời cuộc đã chọc thủng những cánh liếp đang khép bình yên che chở những giấc ngủ. Hai chữ này thiệt là đắc địa, tôi đã thốt lên như thế, khi con gió Santa Ana đang giật liên hồi những cành cây ngoài cửa sổ. Trời đang đông. Và tôi đang có một chỗ yên ấm để đọc những lời thơ đem tôi về một thời quá khứ đầy biến động của tác giả. Đó là niềm vui trong ngày (có thể thêm vào 33 lúc vui của Kim Thánh Thán đời xưa). 

Trong hoài vọng, …gọi đêm về/ cơn gió đêm. nồng mùi đậu phụng rang. và phở nóng/…” chỉ thương khó một nỗi là hương thanh bình ấy người tù đói nhớ cồn cào trên chiếc võng mơ, trên cành ảo tưởng,

…chiều nay vác cây củi ướt. đi trong mưa. về qua xóm nhỏ mơ ngọn lửa bếp nghèo…

…câu chuyện thần tiên bên bếp lửa
đâu ngờ. trở lại. chiều nay. tôi người tù xa xứ

…qua mưa. thấy đời như miếng kẹo gương
qua mưa. thấy đời. như mâm xôi chín ửng 

Giữa bao tử và cái đầu cũng có sự đổi trao gieo cấy nhân quả để chữ nghĩa được mùa, tôi rất thích hình ảnh tỉ dụ trong hai câu thơ này, hiện thực cái nhìn của kẻ tù đói thấy đời là miếng kẹo gương dòn rụm, là mâm xôi chín ửng (chắc là xôi gấc), lại gặp gỡ một triết lý xót xa, mưa tan và miếng kẹo gương đời cũng vỡ, – ôi mộng tưởng mà thôi, cuộc đời ta- và chín ửng mâm xôi kia có phải cũng là ảo ảnh mặt trời tự do cuối chân trời? Mộng tưởng, ảo ảnh, có thể đôi khi là chiếc gậy giúp ta đỡ mòn mỏi tuyệt vọng.

Có nơi như vầy trong trần gian. Ai, khúc gỗ mục nằm dưới đất sâu nghe vọng buồn tiếng trời sụp mưa dâng, tiếng đưa tang buồn vó ngựa? Sao tác giả lại có thể hòa âm được chữ, hình ảnh, nhạc và tâm tư thê lương đến vậy. 

có đêm. sụp trời. mưa lớn
nghe trăm cỗ ngựa qua cầu
tưởng như những loài nấm đỏ
mọc trên thớ gỗ mục sầu 

4 câu, vẽ tận cùng cảnh, kẻ đang “lưu thân đi trong trời đất/ áo quần như gã hề điên/ tóc râu dựng bờm cổ thụ/ cõi người. chợt lạ. chợt quen”…
 
Và có phải, nhờ những chiếc cầu này mà người tù đã đi qua cơn lưu đày: …mai về. tắm mát dưới trận mưa quê nhà. ăn bát canh hoa lý….nhắm mắt. thấy sông hằng. trải lụa… ,… mưa ở đây. như mưa. trong rừng trúc/ mưa ở đây. như mưa ở quê nhà…sao cái chết vẫn gần bên sự sống/ bát canh chiều. thoang thoảng vị chiêm bao… 

Quả là những chiếc cầu tình người. Mỗi nhà văn nhà thơ đều có những điểm tựa dịu dàng riêng của mình để vượt qua kiếp nạn, nếu không, hẳn là chúng ta đã không được đọc lời của những con người đã trải tận cùng số phận: A. Solzhenitsyn,  B.Pasternak, … 

Cô đơn, suốt cánh đồng đời người mỏi mắt mỏi lòng một chân trời bình yên, theo nhà thơ, đó là cõi tim nhân ái con người, 

người thi sĩ với những tờ bản thảo
uống nước mưa và thở chút khí trời
hồn có rộng. đi trên đường gió bụi
mắt hôm xưa. còn dõi bóng cuộc đời…

…xin hỏi đất. và hỏi thầm hoa cỏ
hỏi giọt mưa. đã rớt xuống khu vườn
trong gỗ mục. có chồi lên đọt lá
trong tim người. có tiếng nói nào không…

…ta đi bao năm không hề gặp
đời quạnh hiu. tiếng gió qua đồng… 

Thấy miết miết đi. Thấy ngác ngơ một cõi đồng không. Thổi rét bước độc hành. Chạm vào nỗi riêng rất bé của tôi, trên con đường hoàng hôn hò hẹn còn tội quá sợi tóc ngược gió, hoài mong…ôi, ai… 

… đi trong chiều gió ngược
nhìn lại ta
người cùng khổ. kẻ cùng đường. trên mặt đất mênh mông… 

Và ngọn đồi nào giữ được cánh mây đừng trôi đi,

“những ngọn buồn. gió thổi/ anh làm mây. trên đồi”  Và Anh làm cuộc hành hương, qua đời mình, qua những con đường quê hương thăng trầm sử lịch,

…trong cuộc hành hương. về nơi bình minh ẩn náu/ cuộc đi nối tiếp những con đường từ bóng tối…

…hỡi gió mùa/ đã đến trong cây/ đã nói cùng với lá/ rằng ta yêu nỗi cùng khổ của kiếp người/ cả những điều tuyệt vọng/ rằng khắp nơi. trên mặt đất. mùa đông này thiếu lửa…

…hỡi gió mùa/ đã thổi từ cội nguồn xa. tới cửa hiện thời/ thổi qua những rặng núi. những dòng sông/ những xóm làng. thành phố/ quê hương tôi/ đã đến đây chiều nay gặp lại/ trong ký ức âm u của đời tôi… 

…đã có những cơn gió mùa thổi qua thành quách cũ/ thấp thoáng bóng ngọn cờ/ đã có cơn gió mùa thổi qua hàng hàng bia mộ/ những mặt người thiên thu…
…thổi qua những biên thùy. rào cản. những ước định của người. những tâm hồn mê sảng. những mầu da. những dòng nước mắt…

Cái tương ngộ trầm thống của gió đời thổi vào cõi rỗng rang tang thương của số phận con người. Ngậm ngùi là máu đã đổ quá nhiều vì niềm tin bị giành giật, cưỡng đoạt, áp chế.

…hỡi gió mùa/ giữa những bình minh. những hoàng hôn cười khóc/ ngươi đã nghe gì thấy gì/ từ trong thánh kinh và nam hoa kinh/ và triệu triệu những trang kinh vàng óng/ trên cây vô ưu/ và cành nhân sinh/ có con chim nào hót…

Nếu có, xin bạn mở trang 35 đọc cho hết bài Tôi Cùng Gió Mùa của tập thơ cùng tên, để có thể cảm nhận hết bằng cảm xúc của riêng mình. Cho tôi được ngồi bên chia sẻ, với bạn, với nhà thơ, gió mùa/ thổi qua/ thổi từ lịch sử của từng chủng tộc/ tới nỗi riêng của mỗi phận người/ trong cơn oan khốc…
 
Cho tôi được trở về trong chiếc kén của mình và trả lời một cách ngây thơ mơ mộng theo cách của tôi, câu hỏi của nhà thơ…có không một chỗ dừng chân/ cho loài người. suốt cuộc hành trình. về nơi tĩnh lặng…, Có đấy. Đó là nơi trái tim bao dung của con người. Và, hình như cũng là nơi người thốt lên lời hẹn, sau bao nhiêu tao tát trôi giạt của gió nhân thế,  

…và anh/ anh mang trái tim em / trong trái tim đau. của mình. trên cành. gió... 

…và anh sẽ tìm được bình yên trong bão tố/ trong cánh tay em…

dường như kim cổ, nơi xum vầy nhất, là nơi trú ngụ thương cảm ấy, chả phải ư, bước chân về nghỉ ngơi một cõi, cho dù có là đôi chút bình yên trong bão tố của cánh buồm Lermontov cũng đủ để nhà thơ nhìn mọi điều thăng trầm trong cõi gió mình là giấc mộng. Giấc mộng thường được hiểu là hiền và đẹp.(bài thơ Hồ Sơ Một Giấc Mộng trong tập Thơ Nguyễn Xuân Thiệp). 

Điều gì đưa nhà thơ đi qua đi qua, để cuối cùng, về… một dốc sương. đỏ/ của mầu đá ong/ bia mộ khắc đề tên tôi…? và tôi chắc rằng sẽ có tri kỷ đem đến đấy một cây quỳ đẫm nắng gió quê nhà ngồi nghe thơ ru… 

“Không có ai dẫn đường, tôi nhờ vầng trăng chỉ lối. Và cứ như thế, đi qua đi qua những dặm trường…” 

A. Vầng trăng. Trương Trào có bàn “dưới trăng nghe tiếng tụng kinh (hay chuông chùa) thì cái thú càng sâu xa; dưới trăng mà bàn về kiếm thuật thì can đảm càng tăng; dưới trăng mà bàn về thi thơ thì phong thái càng tĩnh; dưới trăng mà đối diện mĩ nhân thì tình ý càng nồng,… trăng tỏ nên ngửng nhìn trăng mờ nên cúi nhìn…”
Thương ôi, cái thời của chúng ta, không còn được dưới ánh trăng thơ mộng của Trương Trào nữa rồi, nàng trăng bây giờ không được cái phần số bình yên đa tình huyễn ảo cho Lý Bạch đối ẩm hay là một “đóa hồng trăng/rào rạt nở khắp đồng khuya” của Joseph Huỳnh Văn nữa, mà đã dọc đường gió bụi cùng, ít ra là với nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp, trên dặm trường ánh trăng ấy, bỗng rền âm u một vũng nước trời đất lộn nhào, 

về đâu. về đâu/ ô. những câu thơ/ đã đưa anh qua chiến tranh/ và tù rạc/ để tới đây/ đêm nay. ngồi nghe tiếng sấm/ vầng trăng. nhúng đầu trong vũng nước 

Ngài Trương Trào, xin hãy nghe trăng của nhà thơ thời đại chúng tôi,

băng cánh đồng. trăng chết
tháng ba. về trên thành phố xưa
như lời ngụ ngôn. buồn. của gió
nắng tháng ba. vàng bạt mui xe
hành nhân. tóc râu. chín rộ
biển xa. sâu. như mây tần
thùy dương dậy. chiều tà. hung hãn

ta đi trên đường biệt xứ
mang trong hồn. chút bóng đêm. và lửa nến xanh. của thành phố quê nhà
qua đây
như vệt trăng. qua miền đồng cỏ
nghe vi vu. biển gọi nguồn về
trùng khơi. Ì ầm con nước động
lưng trời. lượng lượng. mưa sa 

người đi mang vạt bóng đêm, hiu lạnh lửa nến xanh quê nhà, chỉ đủ làm nên một vệt trăng áo não trên đồng cỏ lưu đầy. Làm sao và hiếm hoi đến tội nghiệp ánh trăng cổ tích của người xưa, đáng lý ra phải có, để người thơ đời nay nối dài ánh trăng của nhịp sống thong thả, bình yên. Nhưng, với thiệt thòi ấy, Nguyễn Xuân Thiệp đã làm ánh trăng hiện thực hơn. 

tất cả/ đã theo anh/ trên những chặng đường oan khốc/ qua chiến tranh. máu. pha bùn lầy/ qua tù rạc/ những đói. khổ/ của đồi vác đá/ con đường đẩy xe cây/ nhưng em ơi. những ngày rách rưới ấy. may thay. thỉnh thoảng còn vầng trăng mọc sớm. sau đồi cỏ tía… 

May thay. Đúng may thay, trời đất đã sinh ra nhà thơ, kẻ sĩ, nghệ sĩ và, trẻ thơ. Để chống đỡ với trục bên kia, trục ác. Có phải bằng trái tim nghệ sĩ, nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp nhìn mọi điều qua tấm gương lọc ánh trăng (hay ngược lại?) để có được phong thái điềm tĩnh như người xưa đã nói? Đấy là chút công dụng của ánh trăng bình yên còn sót lại cho thời mạt pháp này, và nhà thơ của chúng ta nhờ có một trái tim mẫn cảm và cái nhìn của dòng sông im, đã hóa thân được nó thành ánh sáng giữa cõi bụi bặm, tiếng của Thơ, vừa hiện thực vừa trữ tình. 

Ôi. Những vầng trăng thời biệt xứ… Trăng không ở trên trời, trăng bước đi phản ánh bước lưu đầy

…ta thấy trăng soi đầm nước rộng
mùa thu. muà thu. im cành trơ
đêm tù. bạn đọc thơ đầu núi
tưởng chim rừng động ánh trăng xưa

 …ta thấy vầng trăng quầng khóe mắt
chiêm khê. mùa thối. cánh đồng thưa

…vầng trăng nào đứng trên đầu dốc
dậy tiếng tù đóng ván giữa khuya

…nhìn qua đất rạn ta còn thấy
mảnh trăng trên đồi Golgotha

Tôi thấy chập chùng những bóng người đang vác thập tự trong đêm, những bóng ma lùi lũi gùi bóng trăng khổ lụy để tìm một bóng mai.
Ánh trăng không phải là một thứ đồ chơi để ngẩng mặt hay cúi đầu ngắm, giờ ánh trăng xé mình ra mà lẫn vào cát bụi nghe những thi thể đang vùi giấc bi ai, nước mắt tôi đọc những câu thơ khi vệt trăng lạnh này rùng xuyên qua cơ thể, 

lều vắng. vệt trăng tìm lửa ấm
chồn hoang lang thang qua mồ gai
bằng hữu đem thân vùi cát bụi
tiếng tù và. động giấc bi ai
này nghe. nếp áo sông thu vỗ
hồn ơi hồn. nhập khúc trăng trôi

đời rộng. ta nằm nghe hiu quạnh
tiếng tắc kè. gõ xuống ngói hư
tù trở giấc. đèn chong ngọn đỏ
thuở trăng qua trên nóc nhà mồ


về đâu. chuyến lữ hành rất vội
sân ga đã tắt tiếng còi chưa
vầng trăng đứng cuối đường ray. gió
những toa tầu. qua. khuất. lau thưa
thức trong cây. trái tim sầu úa
như trăng. người của thuở không nhà



nay dẫu đường đi đôi dặm khuất
trăng treo đầu ngõ. thấy quê nhà 

Ôi những thi thể vùi bụi cát kia, có thấy trong vệt trăng hơi ấm quê nhà? Ánh trăng quê nhà là lá cờ nhà thơ đã phủ trên những nấm mồ gai ấy để vinh danh Người, ơi Người Tù đang ngủ giấc bi ai. 

Và.Tôi hiểu. Ánh trăng dẫn đường Người thơ đi qua con đường khổ nạn. 

từ trong động ấy. giờ trăng mọc
ánh trăng. chảy vàng trăm cửa sông 

Ôi trời, tôi thấy mình chảy dài hoan lạc theo vệt ánh sáng vàng trên dòng sông nhân ái này. Đẹp quá, chữ nhạc ảnh hình rung, lay, trì, níu, tâm tư ta. ánh trăng chảy vàng trăm cửa sông, cho tôi mường tưởng một hẹn hò rực rỡ sum vầy biển, ấm lòng mẹ, yên che vòng tay cha, và dịu dàng cánh tay người yêu… 

Ai là người yêu, hãy nghe
 
…này em. biết không
hiển hiện trong vùng tối
khung cửa sổ nhà em
nơi cư ngụ của một ý thơ trong suốt…
 
Yêu chi mà đẹp mà thơ mà ân cần lãng mạn mà phó thác đến vậy. Bạn yêu kiều, nếu biết khung cửa sổ nhà bạn là nơi cư ngụ một ý thơ trong suốt của ai, thì bạn sẽ yêu như thế nào? Đây là ánh trăng hồn nhiên mạnh mẽ nhất để bầu bạn người thơ trên những dặm trường. 

mai về
tắm mát. dưới trận mưa quê nhà
 
hết rồi. thời quỷ mị
đời hân hoan. gió gọi ta
hài cỏ. nón mơ. tay nải biếc
mai về
dưới trăng. hái một bông trà

trăng cẩm thạch. biển trời chợt hiện
mây lìa đàn. bay đi. mây trôi
hạo ca. biển rạng ngời tan hợp
trăng bỏ neo thôi. hải phận người

Hình ảnh rất lạ rất riêng và khơi gợi cảm xúc vừa đầm ấm vừa lẻ loi. Tôi biết vầng trăng bỏ neo nơi hải phận nồng nàn, nghệ sĩ, đại lượng ấy thì người có thêm sức mạnh đến thế nào để phổ những nỗi khổ đau cùng hạnh phúc con người vào thơ, cho dẫu, 

ôi. giả sử mai đây. ta về lại. bên đời
dẫu chẳng còn ai biết đến ta. chẳng còn ai đợi cửa
thì trọn kiếp ta xin làm người nghệ sĩ rong chơi
đi đọc thơ ta. giữa những vùng bụi đỏ

Thưa Nhà Thơ, tôi không cho ông (xin lỗi), anh làm thơ. cho ngọn gió điên. cuốn bay đi. bay đi. đâu, nó phải thổi tới nơi tối tăm nhất của tâm hồn con người để đánh thức những rung động con người. Tôi biết. Tôi tin. Nhờ đó, bên những khủng khiếp mà nhân loại đang gieo ra cho nhau, còn có thể cứu vãn thế giới này thoát khỏi hơi hôi tanh của ác tâm.
Thưa Nhà Thơ, còn thập tự để vác giữa cuộc rong chơi ấy, vì còn bên đời, vì bụi đỏ, và trên hết, vì là nghệ sĩ. Nghệ sĩ với tất cả yếu tính Tình Trí Dũng, thì còn phải rao giảng nhiều nhiều lần hơn để cho bóng ma quỷ ở thời đại này phải thối lui trước Nhân Tính, trước Chân Thiện Mỹ, để kiến tạo một Cõi Đẹp.

Nghệ Sĩ Nhà Thơ trên trần gian ơi, hãy để lời của Người bay đi với niềm tin đẹp đẽ ấy.

Và phải chăng, cũng còn vì một lời hẹn, đốt ngọn lửa hồng. trong căn nhà gỗ. bên đồi/ đọc lại cổ thi và cựu ước, hát khúc kinh vui/ gởi loài người khắp nơi trong cõi gió…? 

lệ sẽ khô. trong nắng tàn đông
máu sẽ khô. bên bờ tường cũ
người sẽ vui vì người đã đông

ta làm thơ. thơ đầy nắng sang… 

Và, Làm Thơ, vì như Nhà Thơ đã nói …ôi tôi viết. như một thách đố trước định mệnh. và sự lãng quên…  

Thêm một lời.
Những chữ nghiêng trong bài viết này là thơ Nguyễn Xuân Thiệp, hầu hết được trích từ thi phẩm Tôi Cùng Gió Mùa. Mỗi cách đoạn là mỗi ghi chép bất chợt của tôi khi đọc một câu thơ, một đoạn thơ mà tôi thấy thích. Và góp lại nên bài này, nên có thể những đoạn có khác mạch đi. Chắc cũng không sao, vì đây chỉ là ghi lại cảm xúc chủ quan, và những thơ trích chỉ là cảm nhận duyên nợ riêng tôi với những câu thơ ấy, không phải là nhận định gì về văn thơ tác giả cùng tư tưởng của ông. Thật ra tôi đã nghĩ, với bài thơ Ánh Trăng trong tập thơ Tôi Cùng Gió Mùa của Nguyễn Xuân Thiệp, nếu tôi được trở lại mái trường Văn Khoa, trong một khí hậu xã hội khoáng đạt, và nếu làm luận án về văn chương, tôi sẽ lấy đề tài là bài thơ này, lúc đó tôi sẽ nghiên cứu nó một cách có hệ thống, chuyên môn hơn, nhưng đó hình như lậm qua lý trí mất rồi, thì chưa chắc nó lột tả được cảm xúc người đọc như tôi viết một cách bắt chụp như lúc này. 

Bởi viết với cảm xúc rung động tức thì, nên xin bạn nghe nó bằng cảm xúc, không bằng trí biện biệt, tôi sẽ nói nhỏ cùng bạn, cảm ơn. 

NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH
Santa Ana – Mùa xuân 2013
Nguồn: Thư Viện Sáng Tạo

 

[1] Lâm Ngữ Đường (1895 – 1976) là nhà văn nổi tiếng của Trung Hoa. Từng học ở các trường đại học Havard, Leipzig, chuyên về ngôn ngữ học, chủ biên tạp chí nổi tiếng Luận Ngữ, giáo sư Đại Học Bắc Kinh. Ông viết nhiều sách, lời văn sâu sắc mà dí dỏm nên được gọi là U Mặc Đại Vương. Ông mất tại Đài Loan. Ngôi nhà ông ở nay là Thư Viện Tưởng Niệm Lâm Ngữ Đường, tại Ban Tử – Đài Bắc. Những câu trích của Lâm Ngữ Đường và Trương Trào, do Nguyễn Hiến Lê dịch.
[2] Trương Trào (1650 – ?) nhà văn Trung Hoa, tác giả U Mộng Ảnh, phản ánh tính cách cùng nghệ thuật hưởng cuộc sống của ông.
[4] Nhà nghiên cứu văn học đời Thanh Vương Khải Vận khi đọc bài thơ trữ tình Xuân Giang Hoa Nguyệt Dạ của Trương Nhược Hư đã nói “cô thiên hoành tuyệt, cánh vi đại gia”, chỉ một thiên tuyệt diệu, đủ xứng đáng là đại gia, (Nguyễn thị Bích Hải dịch)