Bùi
Vĩnh Phúc
Tiểu thuyết Đường Về Thuỷ Phủ của Trịnh Y Thư là một bức vẽ, mang nhiều đường nét ấn tượng, về sự thất lạc của con người trong chiến tranh. Nói như thế người đọc vẫn có thể không rõ lắm, và hiểu rằng, dựa trên lịch sử, bám vào lịch sử, đây là một trình bày với những nét cọ, cho dù có những chỗ mạnh bạo, chỗ lơi tay, với những bôi xoá, những bệt màu đậm nhạt của người vẽ, nhưng về tổng thể vẫn là một sự trình bày ít nhiều mang tính “hiện thực”, về chiến tranh, về lịch sử. Về những khổ đau, oan khiên của con người. Về sự tan tác của những mảnh đời trong vòng lửa đỏ của cuộc chiến, trong cái mù loà của lịch sử vốn đưa dẫn bước chân của chính nó. Và tất cả được bao phủ bởi cái hơi thở đầy thán khí độc hại của lửa, khói, của máu và nước mắt.
Thật sự, ở một mức độ nào đó, người đi vào quyển sách đều có thể nhận ra ít nhiều, ở chỗ này hay chỗ khác, qua những góc quay khác nhau, với những mức độ đậm nhạt khác nhau, tất cả các dự cảm vừa được trình bày ở trên. Nhưng nếu nghĩ đây là một cuốn tiểu thuyết lịch sử, hay một tiểu thuyết chiến tranh, chúng ta sẽ ngộ nhận tác giả. Tiểu thuyết này, với tính chất và cái nhìn đặc thù của tác giả, không hề có mục đích ấy. Lịch sử có ở đó, cùng với khuôn mặt kinh hoàng, gian trá, điên đảo, và tàn bạo của chiến tranh. Nhưng đây là một cuốn tiểu thuyết chỉ lấy lịch sử làm một cái nền với những gam mầu rất mờ nhạt, và, dĩ nhiên, nổi bật lên vẫn là một màu đỏ nhờ nhờ, điên quái, bất tín và bất-khả-tín, khi thì chỉ ươn ướt, chỗ lại đặc quánh những vết thương làm mủ của lịch sử.
Trong trí tưởng tượng (và hẳn cũng là trong nỗi đớn đau) của mình, tác giả Trịnh Y Thư đã nhìn lịch sử chiến tranh Việt Nam trong suốt ba mươi năm giữa thế kỷ XX, cùng với những hậu chấn buồn đau và xót xa của nó, với một cái nhìn của một kẻ sáng tạo. Với những “ấn tượng” riêng của mình. Tác giả nhìn vào cái bối cảnh của cuộc chiến ấy, và thấy ra bao điều đau xót. Tính chất hư cấu cho phép của thể loại, dù sao, không đẩy tác giả vào sự phá tác tuỳ tiện. Ông vẽ ra những chi tiết một phần từ ký ức riêng của tuổi thơ, một phần qua sự học hỏi, tìm hiểu, và một phần khác, qua ký ức tập thể. Và nhất là, trong cái nhìn của tôi, qua vô thức tập thể. Cái vô thức ấy, có thể được gọi như thế này chăng, là một “vô thức quỷ ám”. Có thể cái vô thức ấy đã được chủ thể hoá, được tạo nên, được phóng ra từ những ấn tượng riêng của người viết. Nó “đúng” ở mức độ nào, và nó có lý ở những khía cạnh nào, chúng ta không dám quyết đoán. Nhưng nó, cái “vô thức tập thể” ấy, có ở đấy. Trong dạng “nguyên sinh” của nó, cái vô thức ấy làm cho chúng ta quằn quại, không yên. Nó bám vào những hình ảnh, những giấc mơ người, và nó phóng chiếu, ánh xạ, nhẩy múa điên cuồng trong ý thức ta khi con người mở mắt. Ngoài những ám ảnh luôn nắm lấy hơi thở và mọi giác quan của sự sống ấy, làm nên cái chất, cái nền của bức vẽ, mọi sự còn lại tác giả dựa vào hư cấu, vào ấn tượng, và vào sự tưởng tượng riêng của minh.
Hư cấu của một nhà văn có thể giúp kẻ ấy sáng tạo nên những điều không hề có trong hiện thực. Nhưng những điều ấy sống trong trí óc hắn, trong các tế bào mang DNA của hắn, sống trong chữ viết, trong mắt nhìn hắn vào tấm sơ đồ của hiện thực. Và từ đó, nhà văn tạo xương thịt và thổi sức sống vào cái sáng tạo của mình. Trong tiểu thuyết này, Trịnh Y Thư vẽ nên một bức tranh khá rộng và tàn bạo, kinh khiếp về cuộc chiến ba mươi năm giữa thế kỷ XX trên đất Việt. Có máu, có lửa, có những cơn co giật, đau xé của lịch sử. Có điên đảo, gian trá, say cuồng, mê lầm, ảo tưởng, lý tưởng, thất vọng, vùi dập, oan khiên của những con người. Tuy nhiên, giữa những nét vẽ hung bạo, bóp thắt và chảy máu ấy, nhà văn lại đưa được vào đó những cảnh đẹp thiết tha, thơ mềm và say lòng của thiên nhiên, của những dáng nét quê hương:
Tôi bỏ Hà Nội lại sau lưng. Ôi, biết bao kỷ niệm. Tôi vừa đạp xe vừa cố nhìn lần chót những hình ảnh của Hà Nội mà chẳng biết bao giờ mới có dịp về nhìn lại. Hồ Hoàn Kiếm vẫn xanh biếc với tháp Rùa, cầu Thê Húc, đình Trấn Ba. Đường Hoàng Gai, nơi bán đèn Trung Thu mà hằng năm mẹ tôi dắt chị em tôi ra mua đèn về chơi. Trường nữ học Đồng Khánh với những tà áo bay. Rồi vườn trại Ngọc Hà với chợ hoa những ngày cận Tết. […] Tôi còn nhớ cả tiếng chày chí chát của đám thợ đập vàng trên phố Hàng Bông Đệm, hay tiếng chuông leng keng, tiếng bánh xe nghiến trên đường sắt của chiếc tàu điện chật cứng người mỗi ngày tôi lấy đi học hay đi chơi. Những bức tường rêu phong loang lổ, những vỉa hè, những con ngõ nhỏ như ngõ Phất Lộc với những căn nhà bé xíu thụt ra thụt vô, dây leo chằng chịt, trông rất ma quái. […] Và ngõ Cấm Chỉ phố Hàng Bông gần nhà, nơi tôi hay ngồi ăn quà buổi sáng. Cũng không thể phai mờ trong tâm trí tôi là rặng bàng khô lá, lối đi quen thuộc từ những ngày còn cắp sách đánh vần với những kỷ niệm tuổi học trò thơ dại. Rồi năm Cửa Ô, cửa nào cũng có vết chân tôi. Cửa Ô Quan Chưởng với gạch ngói cổ xưa, loang lổ dấu vết thời gian. Cửa Ô Cầu Giấy với hàng phượng vỹ mùa hè đỏ ối rợp bóng hai bên đường. Cửa Ô Cầu Dền nơi thuở nhỏ tôi hay theo mẹ đi chợ Tết. Với Cửa Ô Đống Mác, đường đi Bát Tràng, thì tôi không thể quên những quả ổi ương ương chấm muối ớt ăn ngon nhớ đời. Và Cửa Ô Chợ Dừa, muốn ra đó phải đi ngang phường Dạ Lạc, phố Khâm Thiên, có thằng con trai mới lớn đỏ mặt, trống ngực đánh thình thịch mỗi lần thấy các cô gái má đỏ môi son đứng trong nhà nhìn ra cửa. Tất cả quay về tuần tự như khúc phim dĩ vãng vàng ố chiếu giọi chờn vờn trước mắt tôi.
Những góc quay rất đẹp về Hà Nội ngày nào làm bập bùng trong ta những ánh lửa ký ức. Ký ức thực của con người, hay ký ức về những trang văn đầy thiết tha, say đắm của những ngòi bút tài hoa từng viết về Hà Nội.
Hay của sự nhớ về một kỷ niệm đẹp, riêng tư, làm mê lòng, trên bước đường lưu lạc của nhân vật chính trong truyện đầu, giữa khung cảnh lửa khói phủ lấp cuộc toàn quốc kháng chiến đang bùng dậy:
Thân thể các cô thôn nữ này toát ra một mùi vị lạ lùng, khó diễn tả bằng lời. Nó ngai ngái như mùi hoa dại, mà nồng ấm ngọt ngào chứ không chua. Cái mùi ấy quyện lấy tôi trong lúc giã gạo và lưu lại mãi trong khứu giác tôi.
Đẹp. Như thấp thoáng cảnh và tình trong “The Dancing Girl of Izu” của Yasunari Kawabata.
Hay một cảnh đi thuyền trên sông:
Lần đầu tiên tôi được đi thuyền xuôi dòng sông mà lại đi vào ban đêm. Quả chẳng có cái thú nào bằng. Đêm trong vắt, bầu trời đầy sao lấp lánh, không một tiếng động nào ngoài tiếng sóng vỗ vào mạn thuyền oàm oạp nghe như một điệu hát ru em.
Cảnh này làm tôi nhớ đến bài thơ chứa chan cái đẹp của Cao Bá Quát, khi, từ Thanh Đàm (đầm Thanh Liệt, huyện Thanh Trì), ông buông thuyền xuôi Nam: mầu chiều đang vào tối, mây vàng bảng lảng, vòm trời thấp, mặt trời chìm xuống, chiều trên sông ngả bóng tối sầm, con thuyền lạnh lùng lướt đi trên mặt thuỷ, và lòng người như mở ra, hạnh ngộ với sóng nước, với hùng tráng ba đào. Mọi sự trong tối, như thế, bất chợt nở sáng bùng lên cái chí vạn dặm của con người:
Thanh Đàm thôi biệt duệ
Nhị thủy tiễn hành khâm
Sa khoát hoàng vân mộ
Thiên đê bạch nhật trầm
Khách châu hàn phiếm phiếm
Giang sắc vãn âm âm
Bất kiến ba đào tráng
An tri vạn lý tâm?
Những đoạn tả cảnh của Trịnh Y Thư, và bài thơ “Thanh Trì Phiếm Châu Nam Hạ” của Cao Bá Quát, trong trí nhớ còm cõi của tôi, làm cho bao cảnh ghê người, bạo liệt và “vô tâm” của cuộc chiến trước mắt tôi, khi đối diện với trang sách, được xoa dịu đi nhiều.
Tác phẩm của Trịnh Y Thư kết hợp ba truyện vừa, không phải là một tiểu thuyết theo đúng dạng “truyền thống” của nó. Nhưng ba truyện này được viết để diễn tả cùng một chủ đề. Đó là sự thất lạc của con người trong cuộc sống, trong chiến cuộc, và rồi tiếp tục trong cái sống thoi thóp sau đó. Nói như tác giả, đó là “sự thất lạc của con người trong cuộc sống hiện đại. Thất lạc trong chiến tranh, thất lạc trong đời sống, và thất lạc cả trong cõi chết.” Ba truyện, một cách nào đó, có sự gắn kết vào nhau, qua những ý tưởng hướng về chủ đề, qua cái ánh sáng nhờ nhờ mầu đỏ của cuộc chiến (trong cái nhìn của tôi), cho dù chúng cũng được đan xen đâu đó, thi thoảng, bằng những khoảng xanh trong, đẹp tươi, của lục diệp, của bầu trời, ánh nước, và của những tình cảm con người. Hơn nữa, chúng lại còn được nối kết vào nhau qua hành trạng của các nhân vật, nhất là trong hai truyện “Dưới những gốc nho biển” và “Đường về thuỷ phủ”.
Hành trạng của các nhân vật đan cài vào nhau, nối tiếp nhau, xoắn xuýt vào nhau. Có khi, sự đan cài xoắn xuýt đó chỉ được tác giả cất giấu trong một dòng chữ. Nhưng cũng có khi, đó là sự xuất hiện trở lại một cách rõ rệt của các nhân vật. Họ xa cách nhau trong thời gian, và rồi tìm lại được nhau trên dòng chảy phù du của cuộc đời. Một thứ “le temps retrouvé”, của Proust. Một thứ “thời gian tìm lại được”. Cho dù sự “tìm lại được” này thấm đẫm cái thời tính của phôi pha, thấm đẫm cái chất và cái mầu thời gian xanh lục của rêu rong đắp tụ, cũng như thấm đẫm, đong đầy chất và lượng khổ đau trong nó. Ba câu truyện là ba hành âm của một tổ khúc. Một tổ khúc đớn đau và tan nát. Nhưng vẫn có những ánh sáng lấp loé đâu đó.
Những đoạn tả cảnh chết đói hết sức đau xót của người dân năm Ất Dậu, cảnh tình yêu giữa hai nhân vật ở hai phía trong cuộc chiến, và, thậm chí, cảnh những chàng trai trẻ, mới lớn, tò mò khám phá cái ham muốn trong con người mình qua việc đi xem trộm một người con gái tắm, có thể gợi cho người đọc nhớ đến những câu truyện, hay những phân cảnh, trong những tác phẩm khác của văn chươg thế giới. Như cảnh cùng khốn, đau thương của những cái khổ, cái nhục, cái chết vì đói trong những tiểu thuyết của Dư Hoa, đặt trong bối cảnh đặc thù của Trung Quốc thế kỷ XX, khoảng thập niên ’50-’60. Như cuộc tình giữa cô gái Pháp, Lucille—trong thời thế chiến, thập niên ’40, khi lính Đức tràn về một thị trấn nhỏ ở Bussy (Pháp)—với viên sĩ quan người Đức, Bruno, trong Suite Française của Irène Némirovsky. Hay như cảnh tác giả cùng mấy người bạn nghịch ngợm, đang hồi tuổi lớn của mình, khám phá dục tình bằng cách rủ nhau đi xem trộm con gái tắm, trong khung cảnh xóm đêm nghèo khổ của Limerick, Ireland, qua bức tranh toàn cảnh của một đất nước Ireland còn nhiều xung đột, khoảng thập niên ’50-’60 của thế kỷ XX, trong hồi ký Angela’s Ashes của Frank McCourt. Tất cả những sự gần gũi, mang tính nhân loại này, cho thấy cái đồng dạng muôn thuở và muôn nơi của con người trên cõi thế.
Đường về thuỷ phủ, trong sự chia sẻ rất con người ấy, cho dù tất cả những cảnh, những chuyện vừa nói, trong tiểu thuyết của Trịnh Y Thư, đều mang đậm nét Việt, tâm tình Việt, cảnh thổ Việt, qua nét vẽ ấn tượng của tác giả, cho ta thấy cái khổ đau, cái rung động trong tình yêu, hay cái nghịch ngợm, tò mò của tuổi trẻ, là của con người nói chung. Của con người muôn thuở và muôn nơi. Tất cả đều phản ánh những nét nhân sinh. Từ sự đớn đau quằn quại, đến cái tế vi, những ngã quặt bất ngờ và mong manh trong những mối tơ của đời sống, của tình cảm con người, cho đến cái tự nhiên, phải khởi phát như những đọt non bùng thức trong nhịp sống của muôn loài. Của nhân loại giữa “cõi người ta”.
Toàn bộ câu truyện, kết hợp bởi ba hành âm của một tổ khúc như đã nói, được viết bằng một cái nhìn tỉnh táo của tác giả, với kỹ thuật pha trộn giữa metafiction—siêu hư cấu, cho thấy sự cố tình để lộ việc thâm nhập của tác giả vào câu truyện, sự đan xen tinh quái của chính tác giả trong đó, nhắc nhở người đọc về sự có mặt của người viết, với những chỗ tác giả xưng “tôi” chen ngang vào mạch kể, để nhấn mạnh đến tính hư cấu của truyện—và cách viết theo phong cách hiện thực huyền ảo. Ở những không gian khác, chẳng hạn như trong phần đầu truyện thứ ba của quyển sách, hình ảnh, ngôn ngữ ở đây lại rất hiện thực. Nhân vật nữ chính, ở thời điểm này, có chút gì “tâm thần”. Có chút gì của Haruki Murakami. Thế nhưng, nó lại phản ánh thật sát cái “gốc rễ” của hai nhân vật chính. Cái tâm lý. Cái bối cảnh xã hội, lịch sử mà, từ đó, họ được sinh ra và lớn lên.
Thế nhưng, dù ý thức, qua sự nhắc nhở của tác giả, rằng đây là một câu truyện hư cấu, người đọc vẫn rơi vào khung cảnh và sự cuốn hút của những câu chuyện, những tình tiết, vào cái toàn cảnh sinh động của cuộc chiến, mà tác giả khéo léo tạo nên. Pha trộn một vài nét triết lý và thơ mộng xuyên suốt cuốn truyện, nhà văn, trong khi lôi kéo người đọc vào những suy nghĩ sâu xa về cái bi khốc của chiến tranh, của những cuộc chém giết tàn bạo, của ý nghĩa về phận người, của các lý tưởng-ảo tưởng-huyễn tưởng-mộng tưởng chen kẽ lẫn lộn, xâm chiếm cái sống cái chết của con người, vẫn đẩy người đọc đối diện với cái kinh hoàng của cuộc chiến trước mắt, của một lịch sử sôi động. Và của những gì xảy ra sau đó. Cuốn sách vẽ ra được một toàn cảnh với các chi tiết, tạo được một ấn tượng về cuộc chiến, về không gian và cuộc sống xã hội, lịch sử của các giai đoạn gối tiếp nhau. Và về cuộc bể dâu mà con người phải đối mặt, với những quyết định sai lầm của chính nó. Hay với cái “quyết định”, cái hướng đi mù loà, xiên xẹo và xộc xệch của lịch sử.
Nhưng, ở phần cuối của cuốn sách, nơi truyện thứ ba của tổ khúc đớn đau này, nhân vật nữ chính, trở về ngồi dưới những gốc nho biển, nơi Bố và Mẹ của cô trước đây vẫn hay ngồi. Và cô đã nhìn thấy gì?
Trước mặt, hoàng hôn vàng đỏ vỗ về mặt biển nhấp nhô sóng. Những cánh hải âu chao liệng. Một đàn cốc biển bay thành hàng một về phía chân trời xa xa, nơi có những hòn đảo lờ mờ nổi trên mặt nước. Những hình ảnh này, có lẽ mẹ tôi đã trông thấy y như tôi thấy bây giờ. Ý nghĩ này làm tôi ấm lòng.
Cuốn truyện khép lại như thế, với một nốt nhạc dịu, cho thấy nhân vật đã tìm lại được một chốn bình yên để trú ẩn, để quay về, như mục đích của truyện mà nhà văn đã mong ước và hướng tới: Tiểu thuyết, cái nẻo vào lạ lùng ấy, có thể “cung cấp một bối cảnh văn học phong phú và đa dạng. Nó giúp xóa nhòa đường biên của tranh chấp, hận thù. Nó vuốt ve những khổ ải, đớn đau.” Đúng như thế, cuốn tiểu thuyết này, với lịch sử được dùng làm một phông nền qua những gam mầu rất mờ nhạt, và ước muốn của nó, theo tôi thấy, là hướng về phía ánh sáng, về sự yên bình, về sự xoa dịu, qua lòng hiểu biết và niềm tin vào cái thiện, cái tốt.
Chia sẻ mong ước ấy của tác giả, nhà văn Trịnh Y Thư, tôi hy vọng người đọc tìm được cái ánh sáng và niềm tin ấy nơi tiểu thuyết nói chung. Và nơi quyển sách này, nói riêng. Nỗ lực của tác giả, tôi tin, người đọc có thể nhìn thấy, luôn ánh lên đâu đó, trong suốt hành trình đi vào và đi ra khỏi quyển sách của mình.
BÙI VĨNH PHÚC
Tustin Ranch, CA
Tháng Năm 2024, trong mưa Xuân.
Sách Đường Về Thủy Phủ
Tiểu thuyết Đường Về Thuỷ Phủ của Trịnh Y Thư là một bức vẽ, mang nhiều đường nét ấn tượng, về sự thất lạc của con người trong chiến tranh. Nói như thế người đọc vẫn có thể không rõ lắm, và hiểu rằng, dựa trên lịch sử, bám vào lịch sử, đây là một trình bày với những nét cọ, cho dù có những chỗ mạnh bạo, chỗ lơi tay, với những bôi xoá, những bệt màu đậm nhạt của người vẽ, nhưng về tổng thể vẫn là một sự trình bày ít nhiều mang tính “hiện thực”, về chiến tranh, về lịch sử. Về những khổ đau, oan khiên của con người. Về sự tan tác của những mảnh đời trong vòng lửa đỏ của cuộc chiến, trong cái mù loà của lịch sử vốn đưa dẫn bước chân của chính nó. Và tất cả được bao phủ bởi cái hơi thở đầy thán khí độc hại của lửa, khói, của máu và nước mắt.
Thật sự, ở một mức độ nào đó, người đi vào quyển sách đều có thể nhận ra ít nhiều, ở chỗ này hay chỗ khác, qua những góc quay khác nhau, với những mức độ đậm nhạt khác nhau, tất cả các dự cảm vừa được trình bày ở trên. Nhưng nếu nghĩ đây là một cuốn tiểu thuyết lịch sử, hay một tiểu thuyết chiến tranh, chúng ta sẽ ngộ nhận tác giả. Tiểu thuyết này, với tính chất và cái nhìn đặc thù của tác giả, không hề có mục đích ấy. Lịch sử có ở đó, cùng với khuôn mặt kinh hoàng, gian trá, điên đảo, và tàn bạo của chiến tranh. Nhưng đây là một cuốn tiểu thuyết chỉ lấy lịch sử làm một cái nền với những gam mầu rất mờ nhạt, và, dĩ nhiên, nổi bật lên vẫn là một màu đỏ nhờ nhờ, điên quái, bất tín và bất-khả-tín, khi thì chỉ ươn ướt, chỗ lại đặc quánh những vết thương làm mủ của lịch sử.
Trong trí tưởng tượng (và hẳn cũng là trong nỗi đớn đau) của mình, tác giả Trịnh Y Thư đã nhìn lịch sử chiến tranh Việt Nam trong suốt ba mươi năm giữa thế kỷ XX, cùng với những hậu chấn buồn đau và xót xa của nó, với một cái nhìn của một kẻ sáng tạo. Với những “ấn tượng” riêng của mình. Tác giả nhìn vào cái bối cảnh của cuộc chiến ấy, và thấy ra bao điều đau xót. Tính chất hư cấu cho phép của thể loại, dù sao, không đẩy tác giả vào sự phá tác tuỳ tiện. Ông vẽ ra những chi tiết một phần từ ký ức riêng của tuổi thơ, một phần qua sự học hỏi, tìm hiểu, và một phần khác, qua ký ức tập thể. Và nhất là, trong cái nhìn của tôi, qua vô thức tập thể. Cái vô thức ấy, có thể được gọi như thế này chăng, là một “vô thức quỷ ám”. Có thể cái vô thức ấy đã được chủ thể hoá, được tạo nên, được phóng ra từ những ấn tượng riêng của người viết. Nó “đúng” ở mức độ nào, và nó có lý ở những khía cạnh nào, chúng ta không dám quyết đoán. Nhưng nó, cái “vô thức tập thể” ấy, có ở đấy. Trong dạng “nguyên sinh” của nó, cái vô thức ấy làm cho chúng ta quằn quại, không yên. Nó bám vào những hình ảnh, những giấc mơ người, và nó phóng chiếu, ánh xạ, nhẩy múa điên cuồng trong ý thức ta khi con người mở mắt. Ngoài những ám ảnh luôn nắm lấy hơi thở và mọi giác quan của sự sống ấy, làm nên cái chất, cái nền của bức vẽ, mọi sự còn lại tác giả dựa vào hư cấu, vào ấn tượng, và vào sự tưởng tượng riêng của minh.
Hư cấu của một nhà văn có thể giúp kẻ ấy sáng tạo nên những điều không hề có trong hiện thực. Nhưng những điều ấy sống trong trí óc hắn, trong các tế bào mang DNA của hắn, sống trong chữ viết, trong mắt nhìn hắn vào tấm sơ đồ của hiện thực. Và từ đó, nhà văn tạo xương thịt và thổi sức sống vào cái sáng tạo của mình. Trong tiểu thuyết này, Trịnh Y Thư vẽ nên một bức tranh khá rộng và tàn bạo, kinh khiếp về cuộc chiến ba mươi năm giữa thế kỷ XX trên đất Việt. Có máu, có lửa, có những cơn co giật, đau xé của lịch sử. Có điên đảo, gian trá, say cuồng, mê lầm, ảo tưởng, lý tưởng, thất vọng, vùi dập, oan khiên của những con người. Tuy nhiên, giữa những nét vẽ hung bạo, bóp thắt và chảy máu ấy, nhà văn lại đưa được vào đó những cảnh đẹp thiết tha, thơ mềm và say lòng của thiên nhiên, của những dáng nét quê hương:
Tôi bỏ Hà Nội lại sau lưng. Ôi, biết bao kỷ niệm. Tôi vừa đạp xe vừa cố nhìn lần chót những hình ảnh của Hà Nội mà chẳng biết bao giờ mới có dịp về nhìn lại. Hồ Hoàn Kiếm vẫn xanh biếc với tháp Rùa, cầu Thê Húc, đình Trấn Ba. Đường Hoàng Gai, nơi bán đèn Trung Thu mà hằng năm mẹ tôi dắt chị em tôi ra mua đèn về chơi. Trường nữ học Đồng Khánh với những tà áo bay. Rồi vườn trại Ngọc Hà với chợ hoa những ngày cận Tết. […] Tôi còn nhớ cả tiếng chày chí chát của đám thợ đập vàng trên phố Hàng Bông Đệm, hay tiếng chuông leng keng, tiếng bánh xe nghiến trên đường sắt của chiếc tàu điện chật cứng người mỗi ngày tôi lấy đi học hay đi chơi. Những bức tường rêu phong loang lổ, những vỉa hè, những con ngõ nhỏ như ngõ Phất Lộc với những căn nhà bé xíu thụt ra thụt vô, dây leo chằng chịt, trông rất ma quái. […] Và ngõ Cấm Chỉ phố Hàng Bông gần nhà, nơi tôi hay ngồi ăn quà buổi sáng. Cũng không thể phai mờ trong tâm trí tôi là rặng bàng khô lá, lối đi quen thuộc từ những ngày còn cắp sách đánh vần với những kỷ niệm tuổi học trò thơ dại. Rồi năm Cửa Ô, cửa nào cũng có vết chân tôi. Cửa Ô Quan Chưởng với gạch ngói cổ xưa, loang lổ dấu vết thời gian. Cửa Ô Cầu Giấy với hàng phượng vỹ mùa hè đỏ ối rợp bóng hai bên đường. Cửa Ô Cầu Dền nơi thuở nhỏ tôi hay theo mẹ đi chợ Tết. Với Cửa Ô Đống Mác, đường đi Bát Tràng, thì tôi không thể quên những quả ổi ương ương chấm muối ớt ăn ngon nhớ đời. Và Cửa Ô Chợ Dừa, muốn ra đó phải đi ngang phường Dạ Lạc, phố Khâm Thiên, có thằng con trai mới lớn đỏ mặt, trống ngực đánh thình thịch mỗi lần thấy các cô gái má đỏ môi son đứng trong nhà nhìn ra cửa. Tất cả quay về tuần tự như khúc phim dĩ vãng vàng ố chiếu giọi chờn vờn trước mắt tôi.
Những góc quay rất đẹp về Hà Nội ngày nào làm bập bùng trong ta những ánh lửa ký ức. Ký ức thực của con người, hay ký ức về những trang văn đầy thiết tha, say đắm của những ngòi bút tài hoa từng viết về Hà Nội.
Hay của sự nhớ về một kỷ niệm đẹp, riêng tư, làm mê lòng, trên bước đường lưu lạc của nhân vật chính trong truyện đầu, giữa khung cảnh lửa khói phủ lấp cuộc toàn quốc kháng chiến đang bùng dậy:
Thân thể các cô thôn nữ này toát ra một mùi vị lạ lùng, khó diễn tả bằng lời. Nó ngai ngái như mùi hoa dại, mà nồng ấm ngọt ngào chứ không chua. Cái mùi ấy quyện lấy tôi trong lúc giã gạo và lưu lại mãi trong khứu giác tôi.
Đẹp. Như thấp thoáng cảnh và tình trong “The Dancing Girl of Izu” của Yasunari Kawabata.
Hay một cảnh đi thuyền trên sông:
Lần đầu tiên tôi được đi thuyền xuôi dòng sông mà lại đi vào ban đêm. Quả chẳng có cái thú nào bằng. Đêm trong vắt, bầu trời đầy sao lấp lánh, không một tiếng động nào ngoài tiếng sóng vỗ vào mạn thuyền oàm oạp nghe như một điệu hát ru em.
Cảnh này làm tôi nhớ đến bài thơ chứa chan cái đẹp của Cao Bá Quát, khi, từ Thanh Đàm (đầm Thanh Liệt, huyện Thanh Trì), ông buông thuyền xuôi Nam: mầu chiều đang vào tối, mây vàng bảng lảng, vòm trời thấp, mặt trời chìm xuống, chiều trên sông ngả bóng tối sầm, con thuyền lạnh lùng lướt đi trên mặt thuỷ, và lòng người như mở ra, hạnh ngộ với sóng nước, với hùng tráng ba đào. Mọi sự trong tối, như thế, bất chợt nở sáng bùng lên cái chí vạn dặm của con người:
Thanh Đàm thôi biệt duệ
Nhị thủy tiễn hành khâm
Sa khoát hoàng vân mộ
Thiên đê bạch nhật trầm
Khách châu hàn phiếm phiếm
Giang sắc vãn âm âm
Bất kiến ba đào tráng
An tri vạn lý tâm?
Những đoạn tả cảnh của Trịnh Y Thư, và bài thơ “Thanh Trì Phiếm Châu Nam Hạ” của Cao Bá Quát, trong trí nhớ còm cõi của tôi, làm cho bao cảnh ghê người, bạo liệt và “vô tâm” của cuộc chiến trước mắt tôi, khi đối diện với trang sách, được xoa dịu đi nhiều.
Tác phẩm của Trịnh Y Thư kết hợp ba truyện vừa, không phải là một tiểu thuyết theo đúng dạng “truyền thống” của nó. Nhưng ba truyện này được viết để diễn tả cùng một chủ đề. Đó là sự thất lạc của con người trong cuộc sống, trong chiến cuộc, và rồi tiếp tục trong cái sống thoi thóp sau đó. Nói như tác giả, đó là “sự thất lạc của con người trong cuộc sống hiện đại. Thất lạc trong chiến tranh, thất lạc trong đời sống, và thất lạc cả trong cõi chết.” Ba truyện, một cách nào đó, có sự gắn kết vào nhau, qua những ý tưởng hướng về chủ đề, qua cái ánh sáng nhờ nhờ mầu đỏ của cuộc chiến (trong cái nhìn của tôi), cho dù chúng cũng được đan xen đâu đó, thi thoảng, bằng những khoảng xanh trong, đẹp tươi, của lục diệp, của bầu trời, ánh nước, và của những tình cảm con người. Hơn nữa, chúng lại còn được nối kết vào nhau qua hành trạng của các nhân vật, nhất là trong hai truyện “Dưới những gốc nho biển” và “Đường về thuỷ phủ”.
Hành trạng của các nhân vật đan cài vào nhau, nối tiếp nhau, xoắn xuýt vào nhau. Có khi, sự đan cài xoắn xuýt đó chỉ được tác giả cất giấu trong một dòng chữ. Nhưng cũng có khi, đó là sự xuất hiện trở lại một cách rõ rệt của các nhân vật. Họ xa cách nhau trong thời gian, và rồi tìm lại được nhau trên dòng chảy phù du của cuộc đời. Một thứ “le temps retrouvé”, của Proust. Một thứ “thời gian tìm lại được”. Cho dù sự “tìm lại được” này thấm đẫm cái thời tính của phôi pha, thấm đẫm cái chất và cái mầu thời gian xanh lục của rêu rong đắp tụ, cũng như thấm đẫm, đong đầy chất và lượng khổ đau trong nó. Ba câu truyện là ba hành âm của một tổ khúc. Một tổ khúc đớn đau và tan nát. Nhưng vẫn có những ánh sáng lấp loé đâu đó.
Những đoạn tả cảnh chết đói hết sức đau xót của người dân năm Ất Dậu, cảnh tình yêu giữa hai nhân vật ở hai phía trong cuộc chiến, và, thậm chí, cảnh những chàng trai trẻ, mới lớn, tò mò khám phá cái ham muốn trong con người mình qua việc đi xem trộm một người con gái tắm, có thể gợi cho người đọc nhớ đến những câu truyện, hay những phân cảnh, trong những tác phẩm khác của văn chươg thế giới. Như cảnh cùng khốn, đau thương của những cái khổ, cái nhục, cái chết vì đói trong những tiểu thuyết của Dư Hoa, đặt trong bối cảnh đặc thù của Trung Quốc thế kỷ XX, khoảng thập niên ’50-’60. Như cuộc tình giữa cô gái Pháp, Lucille—trong thời thế chiến, thập niên ’40, khi lính Đức tràn về một thị trấn nhỏ ở Bussy (Pháp)—với viên sĩ quan người Đức, Bruno, trong Suite Française của Irène Némirovsky. Hay như cảnh tác giả cùng mấy người bạn nghịch ngợm, đang hồi tuổi lớn của mình, khám phá dục tình bằng cách rủ nhau đi xem trộm con gái tắm, trong khung cảnh xóm đêm nghèo khổ của Limerick, Ireland, qua bức tranh toàn cảnh của một đất nước Ireland còn nhiều xung đột, khoảng thập niên ’50-’60 của thế kỷ XX, trong hồi ký Angela’s Ashes của Frank McCourt. Tất cả những sự gần gũi, mang tính nhân loại này, cho thấy cái đồng dạng muôn thuở và muôn nơi của con người trên cõi thế.
Đường về thuỷ phủ, trong sự chia sẻ rất con người ấy, cho dù tất cả những cảnh, những chuyện vừa nói, trong tiểu thuyết của Trịnh Y Thư, đều mang đậm nét Việt, tâm tình Việt, cảnh thổ Việt, qua nét vẽ ấn tượng của tác giả, cho ta thấy cái khổ đau, cái rung động trong tình yêu, hay cái nghịch ngợm, tò mò của tuổi trẻ, là của con người nói chung. Của con người muôn thuở và muôn nơi. Tất cả đều phản ánh những nét nhân sinh. Từ sự đớn đau quằn quại, đến cái tế vi, những ngã quặt bất ngờ và mong manh trong những mối tơ của đời sống, của tình cảm con người, cho đến cái tự nhiên, phải khởi phát như những đọt non bùng thức trong nhịp sống của muôn loài. Của nhân loại giữa “cõi người ta”.
Toàn bộ câu truyện, kết hợp bởi ba hành âm của một tổ khúc như đã nói, được viết bằng một cái nhìn tỉnh táo của tác giả, với kỹ thuật pha trộn giữa metafiction—siêu hư cấu, cho thấy sự cố tình để lộ việc thâm nhập của tác giả vào câu truyện, sự đan xen tinh quái của chính tác giả trong đó, nhắc nhở người đọc về sự có mặt của người viết, với những chỗ tác giả xưng “tôi” chen ngang vào mạch kể, để nhấn mạnh đến tính hư cấu của truyện—và cách viết theo phong cách hiện thực huyền ảo. Ở những không gian khác, chẳng hạn như trong phần đầu truyện thứ ba của quyển sách, hình ảnh, ngôn ngữ ở đây lại rất hiện thực. Nhân vật nữ chính, ở thời điểm này, có chút gì “tâm thần”. Có chút gì của Haruki Murakami. Thế nhưng, nó lại phản ánh thật sát cái “gốc rễ” của hai nhân vật chính. Cái tâm lý. Cái bối cảnh xã hội, lịch sử mà, từ đó, họ được sinh ra và lớn lên.
Thế nhưng, dù ý thức, qua sự nhắc nhở của tác giả, rằng đây là một câu truyện hư cấu, người đọc vẫn rơi vào khung cảnh và sự cuốn hút của những câu chuyện, những tình tiết, vào cái toàn cảnh sinh động của cuộc chiến, mà tác giả khéo léo tạo nên. Pha trộn một vài nét triết lý và thơ mộng xuyên suốt cuốn truyện, nhà văn, trong khi lôi kéo người đọc vào những suy nghĩ sâu xa về cái bi khốc của chiến tranh, của những cuộc chém giết tàn bạo, của ý nghĩa về phận người, của các lý tưởng-ảo tưởng-huyễn tưởng-mộng tưởng chen kẽ lẫn lộn, xâm chiếm cái sống cái chết của con người, vẫn đẩy người đọc đối diện với cái kinh hoàng của cuộc chiến trước mắt, của một lịch sử sôi động. Và của những gì xảy ra sau đó. Cuốn sách vẽ ra được một toàn cảnh với các chi tiết, tạo được một ấn tượng về cuộc chiến, về không gian và cuộc sống xã hội, lịch sử của các giai đoạn gối tiếp nhau. Và về cuộc bể dâu mà con người phải đối mặt, với những quyết định sai lầm của chính nó. Hay với cái “quyết định”, cái hướng đi mù loà, xiên xẹo và xộc xệch của lịch sử.
Nhưng, ở phần cuối của cuốn sách, nơi truyện thứ ba của tổ khúc đớn đau này, nhân vật nữ chính, trở về ngồi dưới những gốc nho biển, nơi Bố và Mẹ của cô trước đây vẫn hay ngồi. Và cô đã nhìn thấy gì?
Trước mặt, hoàng hôn vàng đỏ vỗ về mặt biển nhấp nhô sóng. Những cánh hải âu chao liệng. Một đàn cốc biển bay thành hàng một về phía chân trời xa xa, nơi có những hòn đảo lờ mờ nổi trên mặt nước. Những hình ảnh này, có lẽ mẹ tôi đã trông thấy y như tôi thấy bây giờ. Ý nghĩ này làm tôi ấm lòng.
Cuốn truyện khép lại như thế, với một nốt nhạc dịu, cho thấy nhân vật đã tìm lại được một chốn bình yên để trú ẩn, để quay về, như mục đích của truyện mà nhà văn đã mong ước và hướng tới: Tiểu thuyết, cái nẻo vào lạ lùng ấy, có thể “cung cấp một bối cảnh văn học phong phú và đa dạng. Nó giúp xóa nhòa đường biên của tranh chấp, hận thù. Nó vuốt ve những khổ ải, đớn đau.” Đúng như thế, cuốn tiểu thuyết này, với lịch sử được dùng làm một phông nền qua những gam mầu rất mờ nhạt, và ước muốn của nó, theo tôi thấy, là hướng về phía ánh sáng, về sự yên bình, về sự xoa dịu, qua lòng hiểu biết và niềm tin vào cái thiện, cái tốt.
Chia sẻ mong ước ấy của tác giả, nhà văn Trịnh Y Thư, tôi hy vọng người đọc tìm được cái ánh sáng và niềm tin ấy nơi tiểu thuyết nói chung. Và nơi quyển sách này, nói riêng. Nỗ lực của tác giả, tôi tin, người đọc có thể nhìn thấy, luôn ánh lên đâu đó, trong suốt hành trình đi vào và đi ra khỏi quyển sách của mình.
BÙI VĨNH PHÚC
Tustin Ranch, CA
Tháng Năm 2024, trong mưa Xuân.
No comments:
Post a Comment