Saturday, July 6, 2024

HOÀNG HẠC LÂU QUA ĐÔI MẮT THANH TÂM TUYỀN

Tô Thẩm Huy

Hoàng Hạc Lâu
 
Thủ bút  Vũ Hoàng Chương
 
Trong lời phát-biểu hôm tang-lễ thi-sĩ Tô Thùy Yên, tôi có kể câu chuyện là trong một lần ngồi uống trà tại hàng hiên nơi vườn sau nhà ông, nhân đang nói chuyện về Đường-thi, Tô tiên-sinh bảo là theo ông thì bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu là bài thơ hay nhất từ xưa đến giờ, và từ lâu ông vẫn có ý-định sẽ viết về bài thơ ấy, về cái sự tình u-uất của trời-đất, của dòng thời-gian dằng-dặc. Ông cũng đã kể với tôi là Thanh Tâm Tuyền có dịch Hoàng Hạc Lâu, ông có được Thanh Tâm Tuyền đọc cho nghe, rất hay, nhưng tiếc là ông không còn nhớ.
 
Một vài bạn văn sau đấy có viết thư hỏi tôi về mẩu đối-thoại này, và tỏ vẻ nghi-ngờ về mức xác-thực của câu chuyện. Có người nêu lý-luận rằng nhạc-sĩ Cung Tiến thân với Thanh Tâm Tuyền dường ấy, thì không lẽ nào khi Cung Tiến phổ nhạc Hoàng Hạc Lâu lại không dùng bản dịch của Thanh Tâm Tuyền, nếu bản dịch ấy là có thật, mà lại dùng bản dịch của Vũ Hoàng Chương. Thật ra giữa Vũ Quân và Cung nhạc-sĩ cũng có mối giao tình thầy trò từ những năm Cung Tiến theo học ở Chu Văn An, và trong lòng nhạc-sĩ Cung Tiến đã từ lâu vẫn muốn phổ nhạc một bài thơ của Vũ Hoàng Chương. Nhưng điều ấy vẫn không đủ để xóa đi mối nghi-ngờ về sự có mặt của bản dịch Hoàng Hạc Lâu của Thanh Tâm Tuyền. Tôi không tin là anh Tô Thùy Yên đã nhớ lầm khi kể tôi nghe chuyện ấy, và tôi cũng không tin là mình nhớ lầm chuyện anh kể.
 
Kịp may, một thời-gian ngắn sau khi anh Tô Thùy Yên mất thì thi-sĩ Nguyễn Thanh Châu từ Arizona ghé thăm chị Huỳnh Diệu Bích và các cháu. Được biết qua lời kể của chị Bích là anh Nguyễn Thanh Châu vốn trước là bạn tù cùng anh Tô Thùy Yên, và là người sau khi ra tù trước anh Yên, đã chép lại nhiều bài thơ Tô Thùy Yên làm trong tù mà anh thuộc lòng, nên tôi mang chuyện Hoàng Hạc Lâu ra hỏi anh Châu. Anh xác-nhận chuyện ấy đúng, chính anh cũng đã được nghe Thanh Tâm Tuyền đọc cho nghe, và cũng đã nhận được bản chép tay từ dịch-giả. Rồi anh mở điện-thoại, lục ngay ra bài thơ và đọc cho tôi nghe tại chỗ. Hóa ra anh Nguyễn Thanh Châu không những chỉ có bài Hoàng Hạc Lâu mà còn có nhiều bài khác mà Thanh Tâm Tuyền đã dịch từ thơ của Shakespeare, Dickinson, Prevert, v.v., trước cũng như sau 1975. Và hơn thế nữa, anh lại còn có một bộ sưu-tập đồ-sộ gồm thơ của nhiều người khác nữa như Tạ Tỵ, Nguyễn Quang Hiện, v.v. mà anh thu-góp từ các tờ tạp-chí như Sáng Tạo, Văn, Khởi Hành…
 
Bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu thật có sức thu-hút khác thường. Khó mà đếm cho hết các bản dịch sang các ngôn-ngữ khác nhau. Riêng cho giới độc-giả người Việt không thôi cũng đã có hàng trăm bản dịch. Những người say đắm bài thơ ấy mà dốc tâm dịch nó sang tiếng Việt thì thuộc đủ mọi thế-hệ, từ những lão trượng như Trần Trọng Kim, Tản Đà, đến các tầng lớp thuộc các thế-hệ sau như Vũ Hoàng Chương, Khương Hữu Dụng, từ những bậc túc-nho đến những vị tân-học. Trong bài viết trước tôi đã nói về mối giao tình giữa tôi với Hoàng Hạc Lâu, và với bản dịch của Vũ Hoàng Chương. Tôi đã cao hứng mà tuyên bố là bản dịch của Vũ Quân còn hay hơn cả nguyên tác, mà nguyên tác thì đã hay tót vời. Cái ý nghĩ có phần hăng say khí tiết bốn chục năm trước ấy nay đã bị lung lay sau khi tôi đọc bản dịch của Thanh Tâm Tuyền. Ông đã cho tôi thấy một khuôn mặt khác của Hoàng Hạc Lâu. Một khuôn mặt rất “Thôi Hiệu”, không giống như những khuôn mặt hiện ra ở những bản dịch khác, của những người khác. Thanh Tâm Tuyền đã nhắc lại cho tôi một khuôn mặt mình vốn từng thân thiết, nhưng đã để lui dần vào xao lãng vì bị một giai nhân khác hớp mất hồn. Cái khuôn mặt có lúc không được sủng-ái ấy lại vốn là một dung-nhan đầy cá tính, rất góc cạnh. Khuôn mặt ấy đẹp một cách riêng biệt, đẹp đến ngoài quy-luật của cái đẹp. Thôi Hiệu không những đã phá luật thất ngôn ở câu 3 với 7 thanh trắc liên tiếp, mà còn ở nhiều chỗ khác trong 4 câu đầu của bài thơ. Phá cả niêm, lẫn luật, lẫn đối. Phải đến 4 câu sau Thôi Hiệu mới dẫn dắt nó ngoan ngoãn trở về với luật thơ. Vì thế nên khi Vũ Hoàng Chương phóng ngòi bút tài hoa của ông mà đưa nó về cung bậc cổ-điển của luật-thi, ban cho nó cái dung nhan khuê-các, cái diện-mạo đến là lịch-sự, cái phong-vận đến là thanh-tân, quyến-rũ, thì ta đến là si-mê, để đôi con mắt của mình sa vào đấy mà quên mất cái nhan-sắc, cái kiểu-cách sắc-sảo, lạ-lẫm của người phụ-nữ mặc quần không cùng màu với áo, lại có cái mái tóc không bồng-bềnh lượn sóng, có vành môi, viền mắt không đậm màu son phấn. Tôi quả đã phạm vào cái tội bị mê-say, lôi cuốn vào cái vẻ kiêu-sa, lộng lẫy mà Vũ HoàngChương đã vẽ ra.
 
Mà không ít người đã “phạm” vào cái mê-say ấy. Nhà biên-khảo Nguyễn Quảng Tuân trong tập Thơ Đường Tản Đà, trang 44, cũng đã tỏ ý lên tiếng về cái “bất toàn” của Hoàng Hạc Lâu. Ông viết: “Bài thơ này Nghiêm Vũ trong sách Thương Lang Thi Thoại suy tôn là bài hay nhất đời Đường nhưng ta thấy về bằng trắc cũng như đối ngẫu đều không đúng sự quy định của thơ luật”. Nhà Hán-Nôm Nguyễn Quảng Tuân có lẽ vì yêu mến cái nhan-sắc ấy nên ông đã tìm cách nâng lên một vạt áo, cài lại một cái khuy, vén lại một vạt tóc, hòng cho nàng thật tề-chỉnh với luật-thi:
 
Người xưa cưỡi hạc đã xa bay
Hoàng Hạc lầu không vẫn chốn này
Mây trắng ngàn năm lơ lửng mãi
Hạc vàng một tếch khuất trùng ngay
Hán Dương sông tạnh cây phô sắc
Anh Vũ cồn xa cỏ mọc dày
Chiều muộn quê nhà đâu khuất bóng?
Trên s92ng khói sóng gợi buồn thay
 
Bản dịch của Nguyễn Quảng Tuân là một bản dịch hay, trọn vẹn với luật thi. Bản dịch ấy đẹp, nhưng nó không phải là cái nhan sắc làm người ta mê đắm.
 
Cho đến khi Thanh Tâm Tuyền nhập cuộc. Ông nhập hồn vào nguyên-tác, âu-yếm cả những chỗ sai niêm thất luật. Phá luật thì rất dễ làm, và rất dễ dở. Nhiều người đã làm. Hay, dở đủ cả. Nhưng ông tiến sĩ Thôi Hạo khi ông ấy phá luật thì thần-diệu âm-điệu. Ngay câu đầu đã đảo bằng lạc trắc. Nó dọn đường cho các câu sau để đi theo nó mà bước vào một cung bậc khác lạ.
 
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu.
 
Xin đọc to lên. Xem nó khác ra sao với những câu thơ luật của Bà Huyện, của Nguyễn Khuyến? (Tạo hóa gây chi cuộc hý trường/ hay Ao thu lạnh lẽo nước trong veo). Đọc rồi lại nên đọc lại đôi ba lần, cho cái cung điệu của nó thấm vào đầu, rồi hãy đọc tiếp:
 
Tích nhân dĩ thừa Hoàng Hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du.
 
Ba câu đầu là 3 lần hoàng hạc. Thơ thất ngôn vỏn vẹn chỉ có 7 x 8 = 56 chỗ cho 56 chữ. Mỗi một chỗ quý như vàng, không nên phí phạm. Thường thì người ta tránh cả việc dùng một chữ 2 lần trong một bài thơ, cho như thế là vụng. Vì đất ấy quý lắm. Thế mà 6 của 56 chỗ ấy đã bị “hoàng hạc, hoàng hạc, lại hoàng hạc” chiếm lấy. Tạo nên cái khí-thế oai-nghi lẫm-liệt cho “hoàng hạc”. Và hai chữ láy “du du”, nhẽ ra phải là đối-ngẫu cho hai chữ “phục phản” ở trên, nhưng chúng lại không chịu làm điều ấy một cách nghiêm-chỉnh, mà cứ du du như một từ kép, cứ như thách-thức với phục phản, cứ nhẹ-nhàng, lờ-lững, dọn đường cho 4 câu cuối của bài thơ mà đưa chúng trở về nằm nhu thuận với luật thi, với niêm, đối, luật.
 
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu
 
Dưới đây là nguyên văn bản dịch Hoàng Hạc Lâu của Thanh Tâm Tuyền mà tôi nhận được từ thi sĩ Nguyễn Thanh Châu, kèm theo mấy lời cảm-khái của dịch-giả: Mỗi thế hệ cần có một bản dịch cho mình (Ý của E. Pound)
 
Người xưa rong chim hạc đi khuất
Đất cũ để trơ lầu vắng không
Hoàng hạc thuở biệt rõi tuyệt dạng
Mây nghìn kiếp trắng mãi bông lông
Tạnh quang cây bến lung linh nắng
Xanh ngát cỏ đồng thiêm thiếp hoang
Xế muộn làng quê nơi nào nhỉ?
Mặt sông khói quyện buồn lạ lùng.
 
Bản dịch này có nhiều chỗ thú-vị. Câu đầu cũng phá luật bằng trắc. Hai chữ thứ hai và thứ tư đều là thanh bằng, mà luật vốn không cho phép, để mở đường cho thanh trắc ở cuối câu. Người xưa rong chim hạc đi khuất. Giống hệt âm điệu của Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ trong nguyên tác. Câu 3 cũng thế, cũng theo sát âm điệu nguyên tác, cũng dùng bảy thanh trắc liên tiếp, Hoàng hạc thuở biệt rõi tuyệt dạng. Tuyệt dạng so với phục phản thì thật tài tình về mọi mặt. Câu 4: Mây nghìn kiếp trắng mãi bông lông, hai chữ bông lông ở cuối câu cũng tài tình không kém. Nó cũng du du như đang lông bông trên cõi trời nghìn đời mây trắng, nó thản-nhiên trước cái sự tình u-uất của thân-phận con người đã mất cánh hạc từ thuở một đi là tuyệt dạng, là bất phục phản, đang bơ vơ tìm cách trở về thiên đường đã mù mịt. Các chữ tạnh-quang và lung-linh ở câu Tạnh-quang cây bến lung-linh nắng để dịch các chữ tình xuyên và lịch lịch thật hay. Tạnh và quang như hai chữ tách biệt thì trong các bản dịch khác đã thấy dùng. Nhưng tạnh–quang như một tĩnh từ kép thì là một sáng tạo mới của Thanh Tâm Tuyền. Nó vừa gợi lên được cái không khí trong sáng sau cơn mưa, vừa làm hình ảnh các cây xa xa trên bến sông hiện lên càng rõ ràng, càng lịch lịch, lung linh trong nắng. Các chữ thê thê trong nguyên tác có nghĩa là um tùm, là rậm rạp, nhưng ở hai chữ ấy, nếu thay bộ thảo ở trên đầu bằng bộ thủy hay bộ tâm ở bên hông thì lại có nghĩa là thê lương, rét mướt. Đa số bản dịch đều hiểu theo nghĩa với bộ thảo là tươi tốt, um tùm. Nhưng GS Nguyễn Đức Hiển và tôi cùng nghe thấy trong phương thảo thê thê cái chất buồn hiu, quạnh quẽ của cái đám cỏ đang nằm im, lặng ngắt, như tôi đã viết trong bản dịch của tôi, hay lê thê ngậm ngùi như trong bản dịch của GS Hiển. Thế nhưng hai chữ thiêm thiếp của Thanh Tâm Tuyền trong Xanh ngát cỏ đồng thiêm-thiếp hoang thì theo tôi vừa nói lên được cái sự tình lặng lẽ xanh um mà lại giữ được cái âm thê thê của Thôi Hiệu. Đến là giàu tứ-liệu. Trong hai câu cuối của bản dịch Xế muộn làng quê nơi nào nhỉ? Mặt sông khói quyện buồn lạ lùng, tôi đặc biệt thích hai chữ mặt sông hơn ở các bản dịch khác. Mặt sông là một cụm từ hình tượng, là bức tranh nổi, làm người đọc nhìn thấy cảnh khói sóng quyện bay trước mắt. Nhiều bản dịch đã theo hai chữ giang thượng của nguyên tác mà dịch là trên sông, như trong câu Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai (Tản Đà), hay Trên sông khói sóng gợi buồn thay (Nguyễn Quảng Tuân). Trên sông là cụm từ chỉ sự việc, để kể chuyện, khác với mặt sông là gợi hình, là tả cảnh. Việc dùng hai chữ ấy cho thấy Thanh Tâm Tuyền đã nhập vào toàn cảnh bài thơ, mà không dựa theo câu chữ.
 
Những lời phân tích trên đây chẳng đặng đừng mà phải nói ra. Cứ như là chẻ sợi tóc ra làm hai làm bốn. Thật chỉ phí giấy, phí mực. Nếu có điều gì tôi mong ước để lại với quý vị qua bài viết này thì đó là xin quên hết những lời ấy, mà tốt hơn hết, thú vị hơn hết là đọc lại nguyên tác, rồi đọc lại bản dịch của Thanh Tâm Tuyền, của Vũ Hoàng Chương. Trước hết nên thuộc lòng nguyên tác. Không dễ lắm đâu, vì âm điệu của nó không quen thuộc như ta vốn từng thuộc thơ Bà Huyện, thơ Xuân Hương. Nhưng thuộc nó rồi, như tôi tin là Thanh Tâm Tuyền đã thuộc, thì sẽ thấy được bản dịch của Thanh Tâm Tuyền hay đến chừng nào. Ông đã không chỉ cảm nhận từng mỗi con chữ qua nghĩa của nó, mà sờ nắn chúng từng con chữ một. Con mắt của ông đã soi thấu mặt thủy hường của chúng ở đằng sau.
 
Nói về con mắt thì nhân đây, và cũng nhân ngày giỗ ông, tôi xin kể hầu quý vị một câu chuyện nhỏ: Ít lâu sau khi vượt thoát đến đất Mỹ cách nay 45 năm, nhà văn Mai Thảo từ quận Cam có ghé Houston theo lời mời của thi-sĩ Hoàng Ngọc Ẩn. Dịp ấy tôi có hỏi thăm ông về Thanh Tâm Tuyền, hỏi ông có được tin tức gì không. Ông trầm ngâm một lúc, lặng yên như đang nhìn vào điều gì đằng trước, và thay vì trả lời câu hỏi của tôi, Mai Thảo nói: “Thanh Tâm Tuyền có đôi mắt rất sáng”. Rồi thôi, không nói gì thêm. Nhưng càng sau này tôi càng cảm thấy điều ấy, càng thấy rõ hơn đôi mắt sáng của Thanh Tâm Tuyền, dù là tôi chưa một lần gặp mặt. Đôi mắt mà tôi tin là Mai Thảo đã trầm-ngâm hồi-tưởng lúc ấy.
 
Bài dịch Hoàng Hạc Lâu của Thanh Tâm Tuyền đặt cạnh bản dịch của Vũ Hoàng Chương lại càng làm chúng ta yêu mến cả hai bản dịch ấy thêm. Đúng như Vũ Hoàng Chương đã thường nói, ông không dịch thơ, ông chuyển ngữ. Bài dịch Hoàng Hạc Lâu của Vũ Hoàng Chương là thơ của Vũ Hoàng Chương. Nó tuy rất sát với bóng dáng của nguyên tác nhưng nó mang cái thần khác. Nó đẹp một cách trang trọng, quý phái. Bản Thanh Tâm Tuyền dịch thì khác. Nó rất trung thực với cái thần của Thôi Hiệu. Nó đẹp một cách đã trút bỏ xiêm-áo. Nói theo kiểu Bùi Giáng nó cho ta thấy mình mẩy người con gái ấy buồn vui ra sao. Nó giúp ta thấy rõ và yêu mến nguyên-tác hơn. Tôi xin rút lại lời nói mấy chục năm trước là bản của Vũ Quân hay hơn nguyên tác. Cả hai đều hay tót vời. Mỗi hay mỗi cách, mỗi đẹp mỗi kiểu. Cả bản dịch của Tản Đà nữa. Tôi đã nhìn bản dịch của Tản Đà một cách không thiện-cảm vì cái phong-cách mềm mại của nó khác nhiều với nguyên-tác. Thanh Tâm Tuyền đã giúp tôi dễ dàng nhận lấy bàn dịch của Tản Đà. Nếu ta tạm quên đi nguyên-tác, nếu ta không nhìn bài thơ của Tản Đà như một bài thơ dịch mà như một bài thơ sáng-tác. Nếu ta đừng bắt nó phải trung-thực, phải phản-ánh thật đúng diện-mạo của nguyên-tác, thì bài thơ ấy tự nó thật hay lắm, hay như những bài ca-dao hay nhất của chúng ta. Mà cái biên-giới giữa thơ dịch và sáng tác, cái biên-giới ấy vốn mông lung như yên ba giang thượng. Tản Đà tuy đã diễn lại cái ý có sẵn trong thơ Thôi Hiệu, nhưng “ý” vốn đóng một vai trò rất thứ yếu trong thơ. Bùi Giáng chẳng từng nói là tất cả những bài thơ ông làm đều là dịch thơ của Nguyễn Du, Hồ Dzếnh, của Lửa Thiêng Huy Cận đấy sao?
 
Và như thế, như nhiều quý vị, tôi ngày càng yêu mến, gần gũi với Thanh Tâm Tuyền hơn.
TÔ THẨM HUY 

No comments:

Post a Comment