Monday, July 15, 2024

ĐƯỜNG VỀ THỦY PHỦ: KHI MẶT TRỜI MỌC LÀ MÌNH ĐẾN NƠI

Nina Hòa Bình Lê
 
Tác phẩm của Trịnh Y Thư
 
Cuốn sách này, như chính tựa đề, Đường Về Thủy Phủ, đã báo hiệu điều gì đó huyễn hoặc. Vì vậy, bạn đọc nếu chờ đợi một câu chuyện tiểu thuyết thông thường có đầu đuôi, có lô-gích, có sự tình chặt chẽ hợp lý, xin gấp sách lại, hãy tìm đọc một cuốn khác.
 
Là một tác phẩm hư cấu không có chủ ý đáp ứng những quy củ tiểu thuyết thông thường, Đường về thủy phủ của Trịnh Y Thư là một tập hợp của ba câu chuyện, ba toa riêng lẻ của một chuyến tàu, vận hành trên cùng một đường rầy thiên lý, theo chiều dài của một giai đoạn lịch sử chiến tranh tanh nồng, nơi hành khách là những nhân vật bị ném lên tàu, vất vưởng chuyển động trên một trục cố định, dốc toàn bộ sức lực và trí tưởng tượng gắng tìm cho mình một lối thoát, hay theo tác giả, tìm một lối về.
Chuyến tàu thật ra không khởi hành từ những ngày binh đao khói lửa, mà xuất xứ từ một chốn thanh bình nơi “Ký ức của loài bò sát” hay Phần I, câu chuyện thứ nhất bắt đầu, với lời kể chuyện của một ông già chín mươi tư tuổi:
“Để tiếp chuyện ông bạn trẻ từ nước ngoài xa xôi vạn dặm lặn lội về đây thăm, tôi sẽ kể ông bạn nghe câu chuyện thời mới lớn của tôi sống trên mảnh đất rách rưới tang thương này. Bởi vì chỉ có mấy năm trời ấy là có đôi điều đáng nói, còn lại mấy chục năm sau, chỉ là đồ bỏ, chẳng đáng gì.”
Ngược dòng thời gian, ông già chín mươi tư tuổi bấy giờ là một cậu bé 13 tuổi lớn lên trong khung cảnh yên lành từ một gia đình người Hà Nội khá giả, học ở trường Bưởi, một ngôi trường nằm ven Hồ Tây cảnh trí thơ mộng nơi ông già hay thằng bé đã có được “những buổi chiều thật đẹp nhìn ngắm không biết chán mặt gương sáng bạc của cảnh quan đẹp nhất Hà Nội.”
 
Khởi truyện với bối cảnh tiền chiến, câu chuyện đưa độc giả cùng nhân vật sống lại ký ức tuổi thơ vô ưu của những cậu học trò tinh nghịch, từ những chiều giắt ná bắn chim đến rủ nhau leo cây bị kiến cắn bi vắt vẻo chờ xem trộm:
“…cô gái chắc chắn hơn tuổi chúng tôi nhưng có lẽ không quá mười tám mười chín. Cô đi về phía hai cái vại sành đựng nước mưa được quây xung quanh bằng một tấm nan sơ sài. Cô mở tấm nan, không buồn khép lại mà từ tốn cởi hết quần áo máng lên chậu cây thâm thấp bên cạnh rồi cầm gáo múc nước giội lên người. Da cô trắng muốt, mái tóc đen xõa tung trên hai bờ vai tròn lẳn…”
Những ngày thanh bình chỉ hiện diện vỏn vẹn trong trên dưới mười trang giấy. Quân Nhật tràn vào chiếm đóng Đông Dương, chiến tranh bao trùm, miền Bắc rơi vào nạn đói Ất Dậu lấy đi sinh mạng của trên 2 triệu dân đen.
“Quê tôi dưới Thái Bình, cậu ạ. Mấy tháng qua làng tôi đói đến độ chết gần hết cả làng. Thoạt tiên là bọn trẻ con. Chúng chết nhanh lắm. Chỉ ba hôm không có cái ăn là bụng chúng ỏng ra, hai mắt như chó dại, ngồi đâu ngồi một chỗ, ruồi nhặng bám đầy mặt đầy người cũng không buồn xua đi. Chỉ một đêm là chết.”
Đó là lời của ông làm giò ăn thịt con, chôn vợ, đốt nhà rồi gia nhập đoàn người bỏ làng bỏ xóm thất thểu đi kiếm cái ăn để rồi người ta thấy ông tách về phía bờ sông và mất hút như “một điểm nhỏ xíu, vô cùng bé nhỏ, nhỏ đến độ không một chút trọng lượng giữa vũ trụ bao la này.”
 
Cũng như thân phận của hàng trăm ngàn thanh niên lớn lên phụng sự và “tỉnh ngộ” ở Bắc Việt, nhân vật chính trong truyện từ một cậu bé sống trong một gia đình yên lành, no ấm, trở thành nạn nhân của chiến tranh loạn lạc, tan tác. Hơn ba thập niên lịch sử chiến tranh hằn khắc biến những giấc mơ bình dị của chàng trai Hà Nội thành một lão già “hiện thân hắn là cứt”. Lịch sử cuộc chiến qua cái nhìn của tác giả Trịnh Y Thư đầy dẫy những man rợ, xảo trá, ác độc của từng cá nhân và của cả một thể chế, nhưng cũng không thiếu mùi vị của lương tri con người nơi tình yêu và tình bạn, trong trí tưởng tượng của tác giả, là nguyên tố tranh đấu kháng cự giữ cho con người không gục ngã khi lý tưởng suy sụp. Tình yêu của chàng thanh niên dân quân và cô gái thiểu số, hay tình bạn của người phiên dịch hỏi cung và người tù nhân Pháp là thứ nhân tính mà chế độ cộng sản không thể “quản lý”.
 
Phần I kết thúc với cuộc hành trình về thủy phủ của mẹ con Xụ Phụn Phèn. Tác giả vẽ ra hình thể một xứ sở trong trí tưởng tượng của mình, nơi những đứa con lưu lạc có thể trở về. Trớ trêu thay, hình ảnh âm phủ, nơi tận cùng địa ngục, nơi cậu bé hỏi mẹ: “Con thấy những xác người trôi bên cạnh, nhiều lắm, họ cùng về thủy phủ với mình, hả mẹ” lại là một hứa hẹn tươi sáng hơn thế giới u tối của hai mẹ con: “Khi nào mặt trời mọc là mình đến nơi.” 
Chúng ta có thể hy vọng cùng với tác giả hay không? Liệu sự cạn kiệt, tận cùng có thể là nhân tố hồi sinh? Và con người có bao giờ gột rửa trút bỏ hết thống khổ trở thành vô tri vô giác như ký ức của loài bò sát?
 
Với Phần I đóng lại trong giới hạn địa lý và những hệ lụy tác động từ cuộc chiến đối với người dân Bắc Việt, Phần II mở ra câu chuyện của người con gái miền Trung lưu lạc vào một thành phố miền Nam sinh sống, rồi nổi trôi ra Bắc trầm mình tự sát. Câu chuyện mở đầu: “Hôm cô tự kết liễu đời mình, cô mặc chiếc áo lụa trắng ra chợ huyện như một thói quen. Ra chợ nhưng cô không mua thức ăn như mọi lần về nấu cho cô và gã bác sĩ bộ đội ăn tối. Đầu óc cô hoàn toàn trống rỗng như tờ giấy trắng tinh...”
 
Tuy trong Lời Ngỏ tác giả đã báo động rằng đây hoàn toàn là một tác phẩm hư cấu, với tất cả các nhân vật và nơi chốn đều là sản phẩm của trí tưởng tượng do tác giả cảm nhận cuộc chiến qua tài liệu sách vở, nhưng độc giả đọc đến đây đã thấy mình gắn liền với các nhân vật và dễ dàng liên tưởng đến cái bối cảnh không gian lịch sử ấy. Khung cảnh miền Nam sau những ngày bị miền Bắc tiếp quản được tác giả dựng lên tài tình qua các nhân vật: gã bác sĩ bộ đội, vợ chồng người anh họ vượt biên, mụ tú bà vợ cán bộ, và cô gái ôm con đói rách bất lực có chồng học tập cải tạo chết mất xác trong rừng…
Sau 1975, Sài Gòn đổi đời, chính quyền cộng sản một mặt bắt hàng trăm ngàn người chồng, người cha đi học tập cải tạo, mặt khác tịch thu nhà, siết của, đẩy cả một thế hệ các bà vợ trẻ có con mọn ra đường lây lất, đói khổ. Nhân vật “Cô” trong câu chuyện thứ hai không gì khác hơn một phần tử sản sinh từ cái mà người cộng sản tự hào gọi là “chính sách khoan hồng” của Đảng và nhà nước.
Nhân vật Cô tuy được hư cấu dựng lên từ chất liệu lịch sử, nhưng mang số mệnh của cả một thế hệ phụ nữ miền Nam không đủ sức phản kháng; họ sống cũng như chết, nổi trôi mặc số phận đẩy đưa như thể định mệnh đã an bài sẵn cho một đám tàn dân. Họ bị những người cùng phe khinh khi, ruồng bỏ, bị xã hội chà đạp xô ngã vào lòng phe thắng cuộc. Họ sống vừa với mặc cảm tội lỗi vừa với những hành hạ thân tâm của kẻ đánh mất cả lương tri lẫn quá khứ, mà tương lai, là một canh bạc, trong đó bản thân họ chỉ là một quân tốt đen của ván cờ đời oan khiên.
Với tất cả chà đạp, nhơ nhớp, bỉ nhục người đời dán lên thân phận của những người đàn bà lạc loài này, thì trong trí tưởng tượng của tác giả, nhân vật Cô là một người phụ nữ trẻ, đẹp, thích mặc chiếc áo lụa trắng.
Lớn lên ở miền Trung, cuộc sống Cô yên lành không hề thấy cảnh súng đạn giết chóc cho đến một ngày Mùng Năm Tết:
“Nó ập đến ngưỡng cửa nhà cô như một cơn lốc. Nó là cơn ác mộng, kinh hoàng. Đêm mùng Năm Tết, cha cô bị một toán sáu bảy người lạ mặt súng ống đầy người phá cửa xông vào nhà bắt dẫn đi…”
Tuy những trang sách này không gọi rõ tên cuộc tấn công, nhưng hình ảnh cuộc thảm sát Mậu Thân tại Huế đã dần hiện rõ với cảnh người mẹ của Cô đi tìm xác chồng:
“Bà ngồi xổm, hai tay bưng cái sọ người, ngắm nghía thật kỹ hàm răng trắng nhởn… Hai hốc mắt sâu hoắm của cái sọ người chĩa thẳng… Cái miệng nhe ra… Xem đến cái đầu lâu thứ mười tám thì bà biết chắc đây là đầu chồng bà.”
 
Mất cha, mất mẹ, bị cuộc đời xô đẩy, người con gái trong cuộc hành trình vô Nam theo lời trăng trối của người mẹ đã tự cắm vào thân những vết sẹo không thể gột rửa. Nhưng có lẽ tác giả có trái tim nhân hậu, nên đã nhiều lần quẳng cho Cô những chiếc phao – ba nhân vật: người chồng, đứa con gái, và gã bác sĩ bộ đội – dù chỉ là những giai đoạn ngắn ngủi trong đời, dù thiếu vắng ngọn lửa tình yêu ấm áp, nhưng đủ giúp giữ Cô tạm thời ở lại, để rồi “Con người một khi bị kẹt cứng trong bi kịch đời sống, sớm muộn sẽ chọn cái chết cho chính mình?”
 
Một điểm khá thú vị xuất hiện nhiều lần trong Phần II là lối viết siêu hư cấu cho phép tác giả xâm nhập vào câu chuyện, xâm nhập vào các nhân vật, lồng ý niệm và suy tư của tác giả vào trang sách, như thể nhắc nhở người đọc sự có mặt của người viết. Nhân vật bác sĩ bộ đội của Trịnh Y Thư khiến người đọc phần nào liên tưởng đến nhân vật Tomas của Kundera trong tiểu thuyết Đời Nhẹ Khôn Kham, một nhân vật được sinh ra từ một tình huống, một bối cảnh mà ở đây là tình hình miền Nam những ngày Sài Gòn thất thủ, dù muốn dù không dân trong Nam phải sống chung với các “đồng chí” Bắc Việt tràn như kiến lửa vào thành phố.
 
Là một bác sĩ phẫu thuật đã từng được gửi sang tu nghiệp bên Liên Xô, gã bác sĩ bộ đội đang say mê đời sống trong Nam bỗng dưng bị gọi về thủ đô làm việc với trưởng phòng Quân huấn, tên này là bạn học bên Liên Xô cùng thời với gã, hắn muốn đưa gã về thủ đô làm việc với điều kiện gã phải bỏ mối quan hệ với Cô gái. Gã từ chối. Không lâu sau đó gã bị cơ quan yêu cầu ký vào tờ công văn kỷ luật, gã bị tước danh hiệu sĩ quan, trở về đời sống dân sự mà không được hưởng một khoản phúc lợi quân nhân nào. Nhưng thay vì lo buồn, gã lại thấy “lòng thơ thới hân hoan, chưa bao giờ gã thấy nhẹ nhàng như vậy. Như bị táo bón lâu ngày, một hôm được tống ra sạch ruột non ruột già các thứ cặn bã dơ bẩn.”
Nhân vật bác sĩ bộ đội, như một tầng lớp trí thức miền Bắc trải qua cuộc khủng hoảng lý tưởng, đức tin sụp đổ, bám víu vào tình yêu thiêng liêng mà sống còn. Nghịch lý ở đây là Cô gái miền Trung-Nam bộ yếu ớt đáng thương nay không còn khả năng yêu thương, trong khi đó một gã bộ đội miền Bắc vốn bị người trong Nam cho là phường gian ác, thiếu nhân tính lại yêu Cô bằng cả trái tim và sinh mạng còn lại: “Gã yêu cô. Từ đó cho đến hết đời.”
 
Có lẽ Phần II là cốt lõi của cuốn tiểu thuyết, là phần kết nối quá khứ với hiện tại, tương lai, với sự hiện hữu của các nhân vật của cả ba thế hệ, những con người đánh mất bản thể và lưu lạc trên chuyến tàu lịch sử đăng đẳng, chờ đợi một lần “tìm lại”, dõi trông một “cõi về”. 
Trong những trang cuối Phần II, nhân vật Cô hay người đàn bà với chiếc áo lụa trắng biến mất, kết lại câu chuyện với hình ảnh một ông già hằng ngày vác chiếu đến ngôi đền trên Cống Liệp, “một ngôi đền nằm giữa một vườn cây xanh rợp bóng mát trông ra biển.”
 
Về cơ bản, Phần I và Phần II tuy được viết dưới thể dạng vừa siêu thực vừa hư cấu, Phần III mới là siêu điểm của mọi sự bất thường, nơi câu chuyện, nhân vật, bối cảnh, ngôn ngữ, tình cảm, tất cả đều ra đời như một cuộc hẹn siêu tưởng. Nhà văn nữ Virginia Woolf trong nhật ký của bà vào năm 1929 đã viết: “Tôi chán viết kể chuyện,” qua đó gợi ý rằng một cuốn tiểu thuyết được duy trì và tồn tại nhờ sự tấn công của các tiểu thuyết gia vào các quy củ truyền thống. Bằng cách phá vỡ bố cục, phát minh ra ngôn ngữ của riêng họ, tập hợp câu chuyện dài không bằng một cốt truyện, mà bằng nhiều tổ khúc nối kết nhau qua chủ đề hay phạm trù ý tưởng, lối viết tiểu thuyết này ra đời giữa thế kỷ 19. Trong khi John Simmons Barth, một nhà văn Hậu Hiện đại người Mỹ được cho là cha đẻ của thể loại này, thì tiểu thuyết gia tiêu biểu cho xu hướng siêu hư cấu – như tác giả Trịnh Y Thư đã nhắc tới trong phần Lời Ngỏ – là nhà văn người Tiệp Khắc Milan Kundera với tập sách Cái Cười Và Sự Lãng Quên. Người đọc thể loại này không để tâm đến sự liền lạc chặt chẽ của câu chuyện hoặc tin vào sự tồn tại có thật của các nhân vật, mà chú ý tập trung vào diễn tiến tư tưởng nhân vật, bối cảnh xã hội, lịch sử, những suy diễn thuận nghịch... Sự kết nối của bảy tổ khúc trong tác phẩm của Kundera chính là hai vế cái cười và sự lãng quên, trong khi đó Đường Về Thủy Phủ của Trịnh Y Thư nối kết ba câu chuyện bằng những hệ lụy và thân phận lạc loài của con người dọc theo thời gian cuộc chiến dài trên 30 năm, xuyên suốt quãng đường từ Bắc, Trung, Nam, qua tận Hoa Kỳ.
Phần III với câu chuyện mang tựa đề chính của cuốn tiểu thuyết, Đường Về Thủy Phủ, có lẽ là phần thi vị nhất, được dàn dựng vào những năm sau khi cuộc chiến Vietnam War đã chấm dứt, tại một đất nước xa xôi cách trở một đại dương.
 
Mở ra bằng những lời tự sự của một nhân vật siêu hư cấu, một nhân vật ảo, Đường Về Thủy Phủ dẹp bỏ mọi quy tắc cấu trúc trật tự, mà hỗn loạn và xung đột từ chính sự ra đời và ý nghĩa tồn tại của nhân vật chính.
“Tôi thù gã nhà văn khôn tả. Tôi thù gã đến độ tôi muốn giết chết gã. Tôi ao ước có một mũi dao nhọn sắc lẻm cho tôi ấn sâu vào ngực gã với động tác êm nhẹ, từ tốn để trái tim gã khi bị mũi dao đâm thủng vẫn không hay biết mình đang bị đâm mà tiếp tục hân hoan…”
Trái ngược với nhân vật chính của Phần II là một nhân vật vô tri vô giác không còn khả năng làm chủ tình cảm của mình được tác giả gọi bằng “Cô”, nhân vật chính của Phần III xưng “tôi”. Tuy ra đời là một nhân vật ảo, nhưng cô gái có bản tính nổi loạn với đầy đủ si mê sân hận. Cũng như tất cả các nhân vật khác trong cuốn tiểu thuyết, cô gái ra đời từ một bối cảnh của trên một triệu người Việt lưu vong đến sinh sống trên mảnh đất có nhiều ân oán nợ nần với quê hương họ.
 
Là một nhân vật ảo được tạo dựng để đáp ứng một nhu cầu, cô gái mơ hồ không hiểu vì sao mình hiện hữu:
“… tôi tự hỏi tôi muốn gì nơi cuộc sống này, những khao khát của người đàn bà trong tôi là gì, rồi ngay cả những ước mơ, những đòi hỏi thầm kín, tôi cũng hoàn toàn mù mờ, tất cả như đám mây chiều hư ảo hỗn độn ngoài kia. Tôi vẫn ngủ với gã nhà văn hằng đêm. Gã vẫn làm tình với tôi mặc dù tôi biết gã có những người đàn bà khác. Nhưng điều ấy có gì là hệ trọng lắm đâu khi tôi chỉ là hình bóng ảo của gã…”
Mối liên hệ giữa gã nhà văn và cô gái là một chuyện tình tiêu biểu của thời hiện đại, nơi hai người ở bên nhau ôm nhau ăn ngủ làm tình hằng đêm nhưng lòng vẫn cảm giác “hoang lạnh như khu nghĩa trang với những nấm mồ quanh năm không người thăm viếng.”
 
Nhân vật gã nhà văn ở đất nước xa xôi này là điểm nối dài những hệ lụy của cuộc chiến lấy đi sinh mạng của trên 60,000 lính Mỹ và để lại cả một thế hệ người Mỹ lạc lõng, vô hướng ngay trên chính quê hương của họ.
“Tôi cũng có cảm tưởng Thượng Đế bỏ quên tôi. Tôi tuột dần vào một tâm trạng khủng hoảng vô bờ, chẳng biết làm gì hôm nay, ngày mai đi đâu cũng chẳng có dự tính nào… Tôi đã ném tất cả mọi lý tưởng và hoài bão, cùng các thứ rác rến khác của tuổi trẻ, qua cửa sổ rồi. Tôi viết chỉ vì nếu không, tôi chẳng biết làm gì khác. Và kiếm tiền sống.”
Câu chuyện của gã nhà văn được tác giả trình bày trên một bề mặt giống như một tấm gương nứt, trong đó phản chiếu những mảnh ráp nối của đổ vỡ, mảnh lớn nhất là sự rạn nứt giữa tình cảm cha con:
“Hai chữ Việt Nam từ lâu đã là nỗi ám ảnh đen tối lớn cho cuộc đời tôi từ lúc trưởng thành. Vì nó, tôi và cha tôi không nhìn mặt nhau hơn hai mươi năm, từ thời tôi học năm thứ hai đại học cho đến khi ông gần lìa cõi đời. Năm 1965 trong lúc ông lái chiếc máy bay phản lực F-4 cùng các đồng đội của ông gầm rú đánh phá cầu Hàm Rồng hay một nơi nào đó trên cái mảnh đất xa xôi mù mịt bên kia bờ đại dương thì tôi và các bạn sinh viên trong trường đại học Yale đứng trước mặt hàng trăm Vệ binh Quốc gia đốt thẻ trưng binh.”
 
Tác giả mô tả sự xuống dốc, tan nát của cả một gia đình người cựu chiến binh Mỹ sau khi ông sống sót trở về, và sự hối hận dằn vặt của chàng thanh niên trên giường bệnh của người cha, sau tất cả những phản kháng, chống đối, để cuối cùng:
“Tôi ngồi cạnh ông, tay tôi nắm tay ông, nước mắt giàn giụa, cha con không nói với nhau lời nào, nhưng tôi nghĩ ông hiểu tất cả và tôi cũng hiểu tất cả. Cái cuộc chiến phi lý và khốn nạn ấy đã cướp mất của cha con chúng tôi hơn hai mươi năm. Suốt cuộc đời sau đó của tôi, tôi sống trong ân hận và cố tìm kiếm một cái gì khả dĩ giúp tôi vơi bớt nỗi buồn khổ dằn vặt khôn nguôi.”
 
Trong khúc quanh của câu chuyện, người đọc cảm nhận được bàn tay vô hình của tác giả thò vào tấm gương bẻ cô gái từ nhân vật chính thành biến thể trong mảnh gương vỡ của gã nhà văn, cho cô ra đời như một sứ mệnh cứu chuộc lỗi lầm của gã. Cứ như thế, suốt câu chuyện, hai nhân vật, hai thực thể xung đột trong chiếc kính vạn hoa không ngừng phóng lên những tấm ảnh vạn hình thể của hai tâm hồn ở tận đáy sâu bản ngã, cô đơn, trống trải, xa vắng, bên nhau mà vẫn luôn thất lạc nhau…
Những tấm ảnh tiếp tục lóe lên như những thước phim đậm lạt sáng tối phác họa nhiều thể dạng của sự xấu, cái đẹp… và cuối cùng dừng lại. Tại một mảnh đất xa xôi nơi mà quá khứ cha ông đã ném hai thân phận sinh ra ở hai bờ đại dương vào cùng chuyến tàu lịch sử, họ tìm ra nhau. Trái tim được bồi dưỡng chữa lành bằng tất cả tình yêu thương, sự hiểu biết còn nguyên vẹn truyền từ bao thế hệ.
 
Đường Về Thủy Phủ kết lại với cảnh cô gái và ông già (gã bác sĩ bộ đội thời trước) “níu nhau hướng về ngôi đền le lói ánh đèn trên mỏm đất cao.” Có lẽ đây cũng là ước mong thầm kín của tác giả, bằng một phép mầu nào đó, một ngày nào đó, triệu người Việt lưu lạc trên thế giới này sẽ có ngày tìm thấy đường về, dù “thủy phủ” chỉ hiện hữu đâu đó trong ước mơ, hay trong niềm tin.
 
NINA HÒA BÌNH LÊ
Irvine, 5 Tháng Bảy, 2024
 
Sách có bán trên BARNES & NOBLE
326 trang, bìa cứng, 6” x  9”, giá bán: US$25.00
Xin bấm vào đường dẫn sau:
Duong ve thuy phu by Trinh Y. Thu, Hardcover | Barnes & Noble® (barnesandnoble.com)
Từ tìm kiếm: duong ve thuy phu, trinh y thu
Hoặc liên lạc với tác giả / NXB qua hai địa chỉ email sau để mua sách có chữ ký của tác giả:
trinhythu@gmail.com
 

No comments:

Post a Comment