Thursday, July 4, 2024

THU NĂM NÀO?

Trương Vũ
 
THU, sơn dầu trên bố, 40”x 32”,
phác hoạ 2023 (Virginia) hoàn tất 2024 (Sài Gòn)

Thu 2013: Skyline, Virginia.

Thu 2023: Vienna, Virginia, với 3 cháu ngoại.
 
Vùng đồi Skyline, thuộc Công Viên Quốc Gia Shenandoah, tiểu bang Virginia, là nơi nổi tiếng có lá vàng đẹp nhất vào mùa thu. Trước đây, cứ vào khoảng giữa tháng 10, vào những ngày đỉnh của lá vàng, vợ chồng tôi về nghỉ ở vùng này, hai ba ngày thôi. Để, mỗi buổi sáng, lái xe dọc ngọn đồi Skyline, và vùng phụ cận. Để ngắm lá vàng, ngắm cảnh, và thấy mình hòa nhập với thiên nhiên. Shenandoah có sông, có nhiều rừng cây, nhiều thác nươc, nhiều đỉnh đá. Nai, sóc, báo đen và nhiều giống chim lạ sống tự do ở đây. Appalachian Trail, con đường mòn của người Da Đỏ ngày xưa, dài hơn hai ngàn dậm Anh, đi suốt 14 tiểu bang, từ Georgia lên đến Maine, cũng đi xuyên qua Shenandoah. Đường mòn lịch sử này ngày nay vẫn được bảo tồn.
Shenandoah nguyên là tên gọi từ một thổ ngữ Da Đỏ, có nghĩa “con gái của các vì sao”. Có nhiều bài hát sáng tác về địa phương này. Nổi tiếng nhất là bài dân ca “Oh Shenandoah”. Oh, Shenandoah, I hear you calling. Hi-o you rolling river… (Ôi, Shenandoah, anh nghe em gọi. Em, con sông đang cuồn cuộn chảy..)
Những năm sau này, tôi không trở lại Skyline, hay Shenandoah. Nhưng, cứ đến mùa thu, thế nào cũng có những buổi tôi lái xe dọc theo những con đường trong thành phố hay ngoại ô, có nhiều cây đầy lá vàng rực. Mùa thu 2013 là mùa thu sau cùng tôi về Skyline. Mười năm sau, mùa thu 2023, tôi không còn thói quen phải lái xe dọc những con đường nhiều lá vàng để ngắm nữa.
Cuối thu 2023, nhìn cây cối trước nhà đã rụng hết lá, chuẩn bị đón đông, tôi nhớ đến Skyline và những rừng cây ở Shenandoah. Tôi mở lại những hình ảnh chụp ở đó mười năm trước rồi hổi tưởng lại cảnh thu năm nào. Tôi phác họa vài nét cho một bức tranh thu, cảm hứng từ cái hồi tưởng đó. Nhưng chỉ làm được có vậy.
Đầu xuân 2024, vợ chồng tôi về Sài Gòn, dự tính ở một thời gian, dài ngắn tùy nhiều yếu tố cá nhân. Sau vài tháng để điều chỉnh cuộc sống, tôi bắt đầu vẽ lại. Tôi nhớ Virginia với con, cháu đông đảo và bạn bè còn ở đó. Tôi nhớ mùa thu miền Đông Bắc. Nhớ cảnh thu ở Shenandoah và bức tranh chỉ mới phác họa vào 2023 rồi bỏ đi. Ở Sài Gòn, tôi làm lại phác họa cũ rồi vẽ tiếp. Vẽ từ trí nhớ, từ vài hình ảnh chụp vào mùa thu 2013 tại Skyline, bằng tưởng tượng và những cảm xúc từ một hoài niệm. Mọi thứ trong đời sống, nhìn lại từ 2013, đến 2023, rồi 2024, thay đổi nhiều lắm.
Tôi hoàn tất bức tranh ngày hôm qua. Tôi đặt tên bức tranh là “Thu”. Không phải “Thu 2013”, “Thu 2023” hay “Thu Virginia”. Bởi vì, trong trường hợp bức tranh này, dù dựa vào cảnh vật, cảm xúc, trí tưởng tượng ở năm nào, ở đâu, nó vẫn chỉ là sản phẩm riêng của người vẽ.
TRƯƠNG VŨ
Sài Gòn, ngày 4 tháng 7, 2024.

MÙA XUÂN 1979.

Vương Ngọc Minh
 
Tranh siêu thực
 
yah, 
vẫn còn nhớ như in cảnh cha nài nỉ mẹ
bỏ đồng tiền dùng cạo gió đi
và tôi cầm bài thơ cứng đờ
không cảm xúc, canh
hễ cha thức giấc
thì đẩy ông trở lại
giấc ngủ
 
sự yếu đuối vào sáng sớm, lạnh lắm
nên
tôi không muốn ông thức giấc
có mặt
tỏ thương cảm cuộc đời thêm một khắc
một giây nào
mỗi tôi nơi đời sống này đã đủ
 
bây giờ ông bao nhiêu tuổi
tôi chả biết
(không phải ai cũng biết!)
ban ngày ở việt nam
hiện thời, những khuôn mặt ấy họ đặt dùi đục lên
sát vùng kín
khoe khoang thứ ấn tượng khá tăm tối
 
củi ướt
lửa
đã tắt từ lâu..
 
trong lòng mọi người, với tôi
khi đã trấn tỉnh lại
mỗi cuộc trò chuyện đều lấy mũi giày đá vô đất
còn nói cùng cha, giờ
chỉ còn tuyền lời thầm thì..
hễ tôi đáp “vâng! thưa cha..”
lập tức ông xoay mặt vào bóng tối
khóc rưng rức..
kiểu cực sầu khổ, chốc chốc ông ngửa mặt
ngó bốn cây xà nhà
 
hãy nhìn, kia
cơn thịnh nộ từ cha giống như giọt sắt nung đỏ
chảy từ não
chỉ chực làm bỏng khắp thân thể tôi
khi ấy, nhiều ngôi sao nhỏ tắt thừa lúc hắt tàn tro
phủ mặt
cha rên mỗi bận mỗi
lâu hơn..
 
liên tưởng, đêm
ngày-tôi vẫn còn ngồi chồm hỗm giữa ngôi nhà xiêu vẹo
cuối con hẽm đường nguyễn khoái
số 12/ 25
trống hoác trống huơ
và nom cha cựa mình
liên tục trên ngọn đèn dầu
thắp
đầu mùa xuân 1917 bấc vẫn chưa lụn
 
bao phen tôi dợm thổi nghe cha ú ớ
ngoái nhìn, thì thấy ông che kín hai hốc mắt tiếng "loảng xoảng"
nhắc ông chừa vừa đủ lỗ nhỏ
cỡ đầu đốt nhang
ông hỏi "tại sao!"
tôi thưa "cốt chỉ
để
nhìn dòng lịch sử bị khoét
từng lỗ thủng lớn
 
mỗi khắc
mỗi sâu hun hút!"
..
VNM
 
 

Wednesday, July 3, 2024

SÁCH MỚI


 Văn Học Press

 22 Agostino, Irvine, CA 92614 USA • vmail: +1-949-981-3978
email: vanhocpress@gmail.com • Facebook: Van Hoc Press

Trân trng gii thiu:

 
NGƯỜI ĐÀN BÀ KHÁC
 
Tập truyện
TRỊNH • Y • THƯ
VĂN HỌC PRESS tái bản, 2024
 
Tựa: PHẠM XUÂN NGUYÊN
Tranh bìa: ĐINH CƯỜNG
Thiết kế bìa: ĐINH TRƯỜNG CHINH
 
Các nhân vật trong tập truyện bị mắc vào tam giác: Cô độc – Khép kín – Định mệnh. Tác giả không ngại nói ra những từ này đối với nhân vật. Họ sống một nửa cho người, một nửa cho mình. Họ bất lực trước những tình huống xảy ra trong đời, trước những ngã rẽ tâm tư, tâm trạng. Như người đứng trước ngôi nhà của mình bị cháy mà không cách gì cứu chữa được – một hình ảnh, một câu văn, một ẩn dụ được lặp lại nhiều trong các truyện. Họ vật vã, đau đớn. Họ hoài nghi. Quá khứ đối với họ khủng khiếp, ghê rợn, muốn quên mà không thể quên, muốn chôn vùi nhưng cứ hiện về. Hiện tại đối với họ là mong manh, quên lãng. Hai cơ thể gần nhau. Hai xác thịt trộn vào nhau. Nhưng hai thế giới con người vẫn là tách biệt, song hành. Họ níu kéo nhau nhưng biết là không níu kéo được. Và như vậy, truyện của Trịnh Y Thư không chỉ là ám ảnh và hậu quả cuộc chiến. Hình như nó còn chạm đến “condition humain” của nhân loại thời nay. Buồn bã, day dứt, bế tắc.
– Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên.
 
Chọn ngôi thứ nhất cho chủ thể sáng tác của mình, Trịnh Y Thư đã dẫn dắt người đọc đi tìm lại thời gian đã mất. Tìm lại, nhưng không phải để chìm đắm trong nó mà chính là để “phủ nhận” nó. Trong Tự truyện của kẻ đi tìm quá khứ, Trịnh Y Thư viết: “Tôi là kẻ không sở hữu quá khứ nên khao khát đi tìm kiếm quá khứ. Nhưng quá khứ vây khổn tôi vào giữa. Nó làm tôi nghẹt thở. Nó trói tôi bằng sợi dây chão vô hình nhưng vô cùng chắc chắn, và tôi vô phương cục cựa. Tôi biết tôi sẽ chẳng bao giờ thoát khỏi vòng vây đó.” Quá khứ trong các truyện của Trịnh Y Thư bao vây tác giả, không phải chỉ ở Tự truyện, mà nó còn có mặt ở Cuộc chiến của anh tôi, Ngôi nhà thờ trắng, Người đàn bà khác, Rừng đen, Đồi Hồng… Trịnh Y Thư dẫn dắt người đọc vào một thế giới chứa đựng cái quá khứ cay nghiệt của ngôi thứ ba và cả cái hiện tại vừa lạnh lẽo vừa cháy bỏng của chủ thể ngôi thứ nhất. Sự lôi cuốn của truyện ngắn Trịnh Y Thư không chỉ ở bút pháp mà còn mang hơi thở và da thịt của đời sống. Nó chính là hợp âm của hai dòng chảy đầy cuồng nộ đó.
– Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng [1940-2014].
 
@@@
 
Sách có bán trên BARNES & NOBLE
332 trang, bìa cứng, 5.5” x 8.5”, giá bán: US$25.00
 
Xin bấm vào đường dẫn sau:
Nguoi dan ba khac by Trinh Y. Thu, Hardcover | Barnes & Noble® (barnesandnoble.com)
Từ tìm kiếm: nguoi dan ba khac, trinh y thu
 
Hoặc liên lạc với tác giả / NXB qua hai địa chỉ email sau để mua sách có chữ ký
của tác giả:
trinhythu@gmail.com

Monday, July 1, 2024

THÁNG BẢY

nguyễnxuânthiệp

Hoa lavender
 
Tháng bảy. mãi mãi. ở trong tôi
cùng với nắng trên cây
và con chim màu đỏ
khi em chợt đến
mang cho tôi. cành hoa lavender
rực tím
 
NXT