Sunday, December 31, 2023

ÔI. NHỮNG TỜ THƠ

nguyễnxuânthiệp
 
Thơ Mùa Siêu Thực.
HÌnh chụp của Đinh Yên Thảo
trong buổi hội ngộ với Lữ Kiều Thân Trọng Minh
 
TỜ THƠ là tên gọi giản dị của một ấn phẩm nhỏ nhiều màu như tờ brochure, cũng in trên giấy láng, có thể xếp lại. THƠ MÙA SIÊU THƯC là một trong những Tờ Thơ đó, xin được giới thiệu sau đây. Nó thành hình qua bàn tay của anh chàng Designer dễ ghét Đỗ Thọ.
Khởi thủy, Nguyển nảy ra ý định làm Tờ Thơ là khi xem những tấm postcard in thơ của Maya Angelou và xem những tờ quảng cáo do Đỗ Thọ thực hiện cho các cửa hàng ở đây. Cho tới nay, Thọ làm cho mình cũng tới 15 Tờ Thơ, trong đó có Nhặt Trái Thông Khô, Trà Hoa Camellia, Khúc h… Số lượng in ra là 20 bản cho mỗi tờ. Riêng với Thơ Mùa Siêu Thực kỳ này thì số lượng tới 100.
Pourquoi Faire. In ra để làm gì thế nhỉ? Để được nổi tiếng ư? Không nhất thiết là thế. Làm thơ đã hơn nửa thế kỷ nếu có gây được chút tiếng tăm thì đã có. Vậy hà tất phải mệt trí, hao công, tốn bạc. Thưa chỉ là chơi thôi mà. Nguyễn thích nhất là cụm từ ‘Chỉ là đồ chơi’ của Võ Phiến, sau này được Trịnh Y Thư xiển dương. Võ  Phiến nói: “Tôi e những món thơ thẩn với tuỳ bút nọ kia đều phải xếp về phía đồ chơi. Những cái mình miệt mài mãi bấy lâu, khi đầu bạc nhìn lại là đồ chơi cả. Không riêng mình, bao nhiêu người miệt mài vẽ tranh, soạn nhạc, hát xướng, bao nhiêu hình vẽ ở các hang động tiền sử, các tranh dân gian (nào gà lợn, nào đô vật, nào đánh đu), các câu ca dao, hát ví, quan họ . . . một thời, các món nghệ thuật là cùng chơi thôi.” Ấy ấy. Vậy đó.
Những Tờ Thơ của Nguyễn tôi cũng là đồ chơi thôi. Riêng Thơ Mùa Siêu Thực đã gởi đến nhiều người. Xin được kể tên sau đây như một lời cám ơn. Nguyễn Thanh Châu, Tô Thẩm Huy, Lê Chiều Giang, Hoàng Thị Bích Ti, Nguyễn Thị Khánh Minh, Thanh Lương, Thu Vàng, Vũ Hoàng Thư, Trịnh Y Thư, Nina Hoà Bình, Nhã Ca & Trần Dạ Từ, Nguyễn Thị Thanh Dương, Trần Đại Bản, Chử Nhất Anh, Định Lê, Nguyễn Thị Huế Xưa, Ngọc Sương, Trần Hoài Thư, Nguyệt Mai, Hoàng Chu, Trần Mộng Tú, Hoàng Lan… Phần lớn đã nhận được và đã có báo cho biết. Một số thì im lặng, không hiểu tại sao. Cảm động và vô cùng biết ơn, khi Thanh Lương, Nguyễn Thị Thanh Dương đã có những nhận xét dễ thương về thơ và người. Riêng Vũ Hoàng Thư đã viết cả một bài đầy chân tình đưa lên các trang web chia sẻ với bạn bè. Vui nhất là hôm gặp lại Lữ Kiều Thân Trọng Minh ở nhà Trần Doãn Nho. Mình tặng thơ và được các bạn đàn hát cho nghe. Ô, lại còn được chủ nhà cho ăn rất ngon -toàn những món Huế mền. Hihi… Cám ơn. Cám ơn.  
Vậy ra thơ cũng có chỗ dùng được chứ không đến nỗi vô bổ để rồi bạn gặp nhau thì lại bảo ‘tặng gì thì tặng xin đừng tặng thơ’. Ô hô… Ôi thơ!
Sau đây xin giới thiệu đến các thánh (chữ của Chiêu Anh Nguyễn) tờ thơ của mình được Định Lê trình bày rất trang nhã. Các thánh bấm vào Link xem nha.
NXT
 
 
 

TIỆC ĐÃ TÀN. NHỮNG NGỌN NẾN ĐÃ TẮT

Châu Liêm
 
Happy New Year
 
Tiệc đã tàn
những ngọn nến đã tắt
giờ đây. chỉ còn anh với em
trên đường khuya
những bước chân lang thang
kìa. rạng đông màu xám
đang ở phía chân trời
   Những lời trên là thơ của tôi viết từ lời ca của ban Abba, với chút tưởng tượng riêng, theo bài Happy New Year. A, ban nhạc Abba! Giờ họ không còn chung đường chung mộng với nhau nữa, nhưng những hình ảnh và âm thanh họ cống hiến cho đời thì mãi còn trong trí nhớ mọi người. Mới đêm nào, 25 tháng 12, trong bữa tiệc họp mặt ở nhà Nhật Hoàng, CL lại được nghe ban Abba hát, trong một clip video, quay ở DC hay Boston gì đó (trí óc CL lúc ấy bềnh bồng hơi men, nên không nhớ rõ).
   Vâng, tiệc đã tàn. Bình minh màu xám đục bắt đầu. Cả anh và em đều cảm thấy chút gì hoang vắng. Nhưng không giống ngày hôm qua đâu -hiện tại lúc này chính là thời khắc để chúng ta cùng chúc nhau Happy New Year! Happy New Year! Và có lẽ chúng ta có trong trí tưởng một viễn ảnh nào đó về một thế giới mà mọi người đều là bạn của nhau. Và có lẽ chúng ta có cả những hy vọng, ước nguyền để thực hiện. Nếu không như thế, ta sẽ ngã xuống và chết thôi, cả anh và em!
   CL nhân dịp này cũng muốn mượn những lời trên của ban nhạc Abba để gởi đến bạn bè, bên này và bên kia biển rộng, lời cầu chúc Happy New Year -một năm mới thật tốt lành. Phải chăng, hỡi bạn hiền, chúng ta trong đời viết lách, đã có lúc mơ ước rằng mỗi ông hàng xóm đều là bạn của mình (every neighbor is our friend). Lúc bấy giờ sẽ không còn ngăn cách, hận thù, không còn chiến tranh và những trại tập trung. Vậy đó, nhưng một thế giới như thế bao giờ sẽ đến, và liệu nó có trên trái đất này không. Dẫu sao thì ta vẫn có quyền ước mơ, phải không các bạn?
CL
 

*Nguồn: Phố Văn số 71

 

TRỜI ĐÃ CUỐI NĂM

nguyễnxuânthiệp
 
The nightingale
 
em yêu
trời đã cuối năm
sao không nghe
         tiếng chim họa mi
             từ thơ tomas transtromer
                 hót
bông tulip
         và daffodil. vàng
                 cũng chưa nở lại
buổi chiều. anh chờ nghe. tiếng hát. từ bóng cây bông sứ
                        chùa xưa
chỉ có tiếng gió. qua hàng ngói. xám
đâu bếp lửa đồng tâm. và lộc hưng. ngày nọ
anh kêu thầm. nỗi nhớ
                       đất ơi. thời gian ơi
NXT 

Saturday, December 30, 2023

CHIỀU CUỐI NĂM

Đinh Trường Chinh
 
Tranh Đinh Trường Chinh
 
cuối năm
 
lê qua góc phố xưa
ông già noël
không còn gói quà nào cả
thấy mình giàu có hơn bao giờ
trên vai thênh nhẹ
như có thể bay lên
sau lưng
chỉ có con đường dài
những mái phố rêu nâu
bầu trời mây xám.
 
cũng đến những ngày cuối năm thôi
nhân loại đang đuổi theo nhau
náo nức
thả trôi đi
giữa những bài hát giáng sinh
sót lại
have yourself a merry little christmas
dưới đèn phố giăng màu
tôi giàu có hơi thở trong lồng ngực
giàu có ngọn gió chiều
giàu có nỗi nhớ
tôi giàu có sự rỗng không.
 
thả mình ngày cuối năm
buổi chiều rồi qua
đêm sẽ đóng sập lại
và sớm mai đến nhanh thôi
khi chúng ta mở toang cánh cửa sổ
sau một giấc ngủ dài
thấy mình vẫn còn đây
trong một ngày mới
tháng mới năm mới
rồi nhìn theo
giấc mơ vỗ cánh bay đi.
 
ĐINH TRƯỜNG CHINH
 

Thursday, December 28, 2023

TRANH TRƯƠNG VŨ

 

O GIÁC 23. Sơn dầu trên bố. 48” x 36”, .
hoàn tất tháng 12/2023.



Monday, December 25, 2023

THÁNG CHẠP

Trịnh Y Thư
 
 Tranh Nguyên Khai
 
 
1.
Tháng Chạp
Ngày thoi thóp
Vòm phong rũ rượi bóng hương khê.
 
2.
Tháng Chạp
Đàn chim thiên di xuôi nam
Để lại đêm tối trăng cùng tiếng hát nỉ non.
 
3.
Tháng Chạp
Mưa ký ức
Vẫn dội về tầm tã những hoài vọng tang thương.
 
4. (Tặng Janine)
Tháng Chạp
Giọt lệ nóng lăn tròn những nhiễu nhương
Lời ai điếu không đủ tỏ khúc nôi ngày chia biệt.
 
5.
Tháng Chạp
Bóng tối chưa quen mặt trần gian
Đã biệt mù vội vã chìm sâu trong huyền tẫn.
 
6.
Tháng Chạp
Tiếng núi ngàn gió chướng
Gào rú trong đêm thâu. Vật vã.
 
7.
Tháng Chạp
Không hẹn cùng tan biến cả
Chỉ còn những đám mây trắng lững lờ trôi.
8.
Tháng Chạp
Ôi mưa mau
Chỉ đủ run bờ môi ướt.
 
9.
Tháng Chạp
Chỉ còn ta ở lại bên hiên vắng
Ngậm ngùi chợt nhớ lại thêm một lần tiễn biệt.
 
10.
Tháng Chạp
Bàn tay tê cóng
Lần mò tìm một lối về u cư.
 
TRỊNH Y THƯ

 

Sunday, December 24, 2023

ÔNG GIÀ NOEL KHÓC

Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
 
Ông già Noel
 
Không hiểu sao Ông Già Noel lại đọc được tất cả thư của trẻ em trên khắp thế giới! Vậy Ông là ai? Ông có thật hay không? Nhà của Ông ở đâu? Đó là những câu hỏi quá quen thuộc mà các bé vẫn đặt ra, làm cha mẹ của các bé khó trả lời, có chăng là những câu trả lời để tránh làm các bé thất vọng.
Ông Già Noel cũng không trả lời được luôn!
Bởi vì Ông biết có rất, rất nhiều Ông Già Noel ở khắp nơi. Cho nên Ông không muốn giành một vị trí đặc biệt. Ông có thể chỉ là do trí tưởng tượng mà có, mặc dù mọi người đều biết có một vị thánh được xem là Ông Già Noel nguyên thủy. Nhưng không hiểu tại sao Ông đây lại có thể đọc được thư của các bé, một khi bé đã viết thư cho Ông.
Vâng, một khi bé đã viết thư cho Ông, thì Ông sẽ đọc được. Có bé gửi thư qua đường bưu điện, có địa chỉ, tên người gửi và người nhận, có dán tem hẳn hoi. Đương nhiên tên người nhận là Santa Claus, và bé sẽ nhận được một món quà. Nhưng cũng có nhiều bé để thư ở đầu giường, chân giường, hoặc ở trước lò sưởi, đâu đó trong nhà của mình. Và Ông cũng đọc được. Thường thì các bé khoe với Ông là mình rất ngoan, chăm học, vâng lời cha mẹ thầy cô, kế đó là trình bày một điều ước rằng Ông sẽ cho bé quà. Có bé chỉ xin một món đồ chơi. Nhưng cũng có rất nhiều bé ghi rõ cho Ông Già Noel cả một “wish list” dài. Cũng không vì bé tham, mà vì mỗi năm Ông Già Noel chỉ đến với bé một lần.
 
Có một bức thư, không gửi bưu điện, mà để trên bàn học. Ông Già Noel đọc được.
“Santa Claus thân yêu,
“Cháu ở Newtown. Đã mười năm nay cháu không viết thư cho Ông. Không phải cháu ghét Ông, mà bởi vì cháu quá buồn. Ông có biết không, vào năm 2012, giữa tháng 12, khi cháu vừa mới gửi thư đi cho Ông thì một chuyện buồn xảy ra. Cháu không hiểu vì sao các bạn nhỏ ở tuổi lên sáu lại biến mất khỏi cõi đời này, chỉ vì một tay súng trẻ điên cuồng. Cháu không hiểu vì sao người ta coi súng đạn như trò chơi. Cha mẹ của cháu không giải thích rõ ràng cho cháu, vì thật ra họ cũng không hiểu vì sao. Noel năm đó cháu nhận được một món quà đúng như ý thích của cháu, nhưng cháu không thích nữa. Cháu nghĩ chắc Santa Claus quá bận rộn nên không chú ý đến những chuyện buồn như vậy. Ông quá bận rộn, cháu hiểu, bởi vì Ông phải lo vô số món quà cho vô số bé ở khắp mọi nơi. Và thế là cháu thu mình lại trong nỗi buồn cùng với sự ray rứt. Tại sao? Tại sao? Cháu hỏi rồi cháu tự trả lời. Vậy đó Ông, Santa Claus thân yêu!
“Nhưng năm nay cháu đã mười bảy tuổi. Cháu giật mình. Thế mà các bạn nhỏ ngày đó, ở Newtown, không được lớn lên. Cũng như những bạn nhỏ ở Uvalde, và ở nhiều nơi khác nữa, trên đất nước này. Nghĩ thế rồi cháu lại cảm thấy đau khổ. Rồi cháu nghĩ có thể cháu phải tâm sự với Ông Già Noel, Santa Claus. Lâu nay cháu chỉ xem Ông là một ông tiên nhân từ vui vẻ. Nhưng ngay lúc này, cháu mong muốn Ông trở thành một người bạn của cháu, Ông ơi!
“Cháu dừng đây! Cháu chỉ để thư trên bàn học, không hy vọng Ông đọc nó. Bởi vì cháu đã lớn, đã biết Ông Già Noel không có thật.”
Ông Già Noel nghe hai mắt mình cay xé. Đã bao nhiêu năm nay Ông đọc những bức thư, không biết bằng cách nào Ông có được, ghi những lời lẽ ngây thơ vụng về. Ông nào hay có những góc thật sâu trong lòng các bé chứa những nỗi đau không diễn tả được, những nỗi ám ảnh lớn lên cùng các bé. Ông từng biết đến là đại diện cho niềm vui, cho sự hân hoan sung sướng, và vô tư như tiếng nhạc rộn ràng “Jingle Bells” vang lên mỗi dịp Noel. Ông bay đi khắp nơi, miền nào Ông cũng ghé chân. Ông vào nhà qua ống khói của lò sưởi, như truyền thuyết, đặt những món quà cạnh lò sưởi. Mà đâu phải nhà nào cũng có lò sưởi! Không sao, Ông rón rén đến bên giường, bên bàn học, thậm chí trong một góc bếp, đặt những gói quà, dành sự ngạc nhiên cho các bé khi chạy đi tìm vào sáng hôm sau. Chỉ vậy thôi.
***
“Chào bé!”
“Ô! Ông là Ông Già Noel?”
“Phải rồi!”
“Ông là Ông Già Noel thật hở?”
“Có Ông Già Noel giả sao?”
“Ý cháu muốn nói là Ông đến với cháu thật ư?”
“Thật chứ!”
“Ông cười đi!”
“Hô! Hô! Hô!”
Em bé sung sướng ôm chặt lấy Ông. Em cũng đã từng ôm Ông Già Noel, chụp đủ kiểu hình với Ông, chính là những Ông Già Noel trong các khu thương xá. Họ cũng biết cười “hô hô hô” như Ông vây. Dù biết đó là người hóa trang, nhưng em cũng vui lắm, vì mỗi năm chỉ có một lần. Nhưng lần này, em tin rằng đây là Ông Già Noel thật, không phải hóa trang. Bởi vì Ông đã đến trong giấc mơ của em.
***
“Chào bé!”
“Sao Ông vào được đây?”
“Ông cũng không biết nữa! Cháu mệt lắm phải không?”
“Vâng cháu mệt lắm! Nhưng cháu cũng viết được lá thư gửi Ông rồi.”
“Ông đã đọc. Ông sẽ tặng cháu món quà cháu muốn.”
 
Ông lấy trong chiếc túi lớn ra món quà cho em. Một mái tóc! Em vui mừng đội ngay mái tóc lên đầu. Gương mặt em sáng trưng dưới mái tóc óng mượt. Em nói trong tiếng thở khó khăn:
“Cám ơn Ông, Ông Già Noel.”
“Cháu mau khỏe lại nhé!”
“Vâng. Cháu ao ước khi lớn lên cháu sẽ làm việc ở địa chỉ North Pole, để mỗi năm cháu giúp mọi người đọc thư, mua quà, gói ghém gửi qua bưu điện cho các bé như cháu.”
“Cháu sẽ làm được.”
“Vâng. Xin cám ơn Ông, vì Ông đã vào trong giấc mơ của cháu.”
 
***
Và như thế, Ông đã đi vào giấc mơ của các bé. Ông cũng nhìn các bé trong thực tại, xem các bé học, xem các bé chơi, xem các bé sinh hoạt ra sao. Ông bàng hoàng khi đến những vùng đang xảy ra chiến tranh. Những em bé Ukraine co ro trong hầm trú giữa mùa đông lạnh giá. Những em bé ở Gaza lạc cha mẹ trên đường chạy loạn hay bơ vơ trong bệnh viện. Những em bé bám trên lưng cha mẹ rời bỏ mảnh đất nghèo khó bất ổn, vượt sông vượt rừng, không biết sẽ đến nơi đâu. Còn nữa, những em bé Phi châu quanh năm thiếu ăn thiếu mặc, gầy ốm trơ xương. Những em bé sau đại dịch trở thành trẻ mồ côi. Các em không có tuổi thơ, hoặc có, là một tuổi thơ bị cướp mất.
Ông đến xứ Việt, nơi mà tên của Ông được viết thành “Ông Già Nô-en” một cách gần gũi vì dễ đọc. Dù mùa đông không có tuyết, thậm chí nóng bức, người ta vẫn thích có Ông Già Nô-en mỗi mùa Giáng Sinh.
“Chào bé!”
“A! Ông Già Nô-en!”
“Bé biết Ông hở?”
“Dạ biết. Cháu thấy hình của Ông trong mấy tiệm đồ chơi. Nhưng cháu chưa hề viết thư cho Ông. Cháu không biết chữ.”
“Ô… Ông… hiểu rồi!”
“Nhưng cháu cũng muốn có quà. Ông có thể cho cháu không?”
“Có chứ! Bé muốn quà gì?”
“Cháu không xin quà cho cháu, mà xin Ông giúp ba má cháu có việc làm khá, không phải ở nhà lụp xụp, để cháu có thì giờ đi học. Bây giờ thì mỗi ngày cháu phải đi lượm đồ ve chai, sắt thép vụn, giúp ba má có thêm tiền. Ông Già Nô-en ơi! Ông có giúp được không? Một bạn nhỏ trong khu xóm của cháu, cuối năm rồi đi lượm sắt vụn, té xuống trụ bê-tông chôn sâu dưới đất, hai mươi ngày sau mới đem lên được. Bạn ấy chết rồi Ông ơi! Cháu cũng xin Ông giúp cho tất cả bạn nhỏ như giúp cho cháu. Ông ơi! Ông có giúp được không?”
Ông Già Noel bị hất ra khỏi giấc mơ của đứa trẻ. Ông chưa kịp hứa hẹn gì. Ông bàng hoàng, chợt nhận ra món quà mà cậu bé xin quá lớn. Ông đã thấy từng tốp người, đa số là phụ nữ và trẻ con, lang thang lượm từng cái lon, từng hộp giấy trên những bãi rác khổng lồ, hoặc tìm kim loại vụn trên đất công trường xây dựng. Các em chắc chẳng có thì giờ nghĩ về Ông Già Nô-en? Hay các em cũng có lúc dán mắt vào những tủ kính, thèm muốn những món đồ chơi, và ước ao được Ông Già Nô-en cho quà? Chiếc xe thần thoại của Ông Già Nô-en bay qua những vùng đen tối không ánh đèn, nơi có những người lớn và trẻ em kiếm sống bằng nghề lượm rác, rồi vọt ra những vùng rực rỡ, đèn sáng trưng như hội sao. Chỉ cách một cây cầu, hoặc một khúc đường, là hai cảnh đời trái ngược.
Ông đã phân phát hết túi quà, nhưng sao Ông không nghe vui? Lòng nặng trĩu, Ông ngồi xuống trong bóng tối. Ông ngồi trong sự im lặng đáng sợ, rồi chợt nghe nhịp tim mình vang to như tiếng vọng từ lòng giếng sâu. Ôi chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai đã giày xéo trái đất này. Chưa hết, còn sự bất an của xã hội nữa. Làm sao để trẻ thơ có thể hưởng cuộc sống ấm êm? Ông không phải là Thượng Đế để làm nên sự thay đổi hoàn toàn. Ông cảm thấy nước mắt mình rơi xuống.
Bỗng dưng Ông ao ước có một Ông Bụt, một Ông Bụt trong truyện cổ tích Việt, hiện ra và hỏi Ông: “Vì sao lại khóc?” Ồ! Ông đâu phải là trẻ nhỏ. Ông chưa từng nói lên niềm ao ước của mình. Cả đời ông chỉ biết đáp lại niềm ao ước của các trẻ nhỏ. Ông không có tuổi, hay đã có cả ngàn năm? Santa Claus đã chết, nhưng biểu tượng Ông Già Noel vẫn được nuôi sống mãi. Tuy hình ảnh đó được nhân lên, được thương mại hóa, các Ông Già Noel có mặt ở mọi nơi mỗi dịp Giáng Sinh về, nhưng đó phải chăng là do con người vẫn muốn tôn vinh một biểu tượng của lòng rộng lượng và nhân ái? Ông mong là như thế.
Ông cho tay vào chiếc túi lớn Ông thường vác trên lưng. Ông muốn tự tặng cho mình một món quà. Chỉ còn lại một viên kẹo, không biết từ gói quà nào rơi ra. Viên kẹo như con cá bống sót lại trong chiếc giỏ của cô Tấm, một cô Tấm ngoan hiền nhân hậu trong truyện cổ tích Việt, chỉ biết thương yêu, không biết trả thù. Như còn sót lại cho Ông một niềm hy vọng!
CAM LI NGUYỄN THỊ MỸ THANH
Noel 2023
 

Saturday, December 23, 2023

TÔI CÓ MỘT GIẤC MƠ

Đặng Tiến
 
Tranh Đinh Cường
 
Đêm trước Giáng Sinh Ngày Chúa chào đời trong máng cỏ
Lạnh!
Tê cóng!
Lửa hồng thơm mùi khói gỗ thông
Thơm mùi cỏ linh thảo
Thơm mùi hoa khô đồng nội
Đêm sáng bừng như có ánh rạng đông
Trước Lễ Giáng Sinh...
 
Tôi chưa từng chưa từng chịu phép Thánh
Chưa từng được làm người dân Chúa
Chưa đủ duyên lành như suy nghĩ của tôi
Không sao
Chẳng có gì ngăn cản được tôi
Đến với Người
Chúa hiển hiện nơi những Thánh đường nho nhỏ tháp chuông vươn cao
Trong thanh âm tiếng chuông chiều
Tiếng chuông mỏng như những đôi cánh thiên thần bay lên những khoảng trời biếc
Chúa có ở những xóm làng trầm mặc tôi vẫn đạp xe qua
Chúa hiển hiện nơi những người đồng bào tôi vẫn gặp vẻ nhẫn nhịn hiện ra ánh mắt thoáng buồn
 
Đêm trước Giáng Sinh
Một giấc mơ kì lạ
Một giấc mơ Vui
Như một tin mừng
Giấc mơ tôi...
 
Ruộng đồng rộng và dài
Xanh cỏ xanh cây
Hoa dại nở
Tiếng chim vui
Hồ nước mát trong veo
Nắng vàng tươi trong vắt
Chân trời xa mây hồng
Tôi trở thành người hát rong
Mắt sáng
Ngực nở
Môi hồng
Đầu trần những lọn tóc xoăn
Chân đất mịn màng mát rượi
Trong mơ tôi nghe rõ tiếng hát của tôi
Giọng hát đẹp như giọng tiên đồng
Giọng hát tràn từ lồng ngực
Từ trái tim nhịp mạnh
Giọng hát mênh mang giữa cánh đồng mênh mông hoa cỏ
Nước hồ dường như lặng im
Vạn vạn cánh hoa đồng nội bay lên ngàn màu lấp lánh
Vạn vạn cánh chim bay trong nắng
Mây hồng mây trắng bung biêng
 
Tôi hát về thủa thiếu thời và những giấc mơ tiên
Tôi hát về tình yêu ngọt ngào và cay đắng
Tôi hát về những tháng ngày khao khát
Những chuyến đi xa
Những miền đất mới
Những trang sách
Những bài thơ
Những bản trường ca
Kinh Cựu ước và Kinh Tân ước
Tôi hát những bài ca thủa nào miên viễn sắc màu cổ tích
Những nỗi khổ đau
Những con chim non mất mẹ mùa giông bão
Những trẻ thơ bị bỏ rơi bên hè phố hay trong thùng rác
Những thiếu nữ thơ ngây điên dại vì tình
Những chàng trai tuổi trẻ đầu xanh khổ lụy
Những đêm đông rét dài hang núi đá ám khói chiến tranh
Giấc mơ tôi không đầu không cuối
Tràn đầy thanh âm như suối trong khe đá như thác như sóng trào dâng trắng xóa
Giấc mơ lạ kì đêm trước Giáng sinh...
 
Tiếng hát làm tôi bừng tỉnh giấc
Mở cửa phòng giang tay tôi đón bình minh.
ĐẶNG TIẾN
(Thái Nguyên)
 
*Nguồn: Blog Phạm Cao Hoàng

RFA PHỎNG VẤN BS NGÔ THẾ VINH VỀ KÊNH FUNAN VÀ ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Mai Trần
 
 
Quatre Bras / Nơi hội tụ 4 nhánh sông: (1) Mekong Thượng, (2) Sông Tonle Sap, (3) Mekong Hạ / có tên Sông Tiền (4) Sông Bassac / có tên là Sông Hậu khi chảy vào Việt Nam. Đường chỉ đỏ nối sông Bassac và tình Kep là sơ đồ của con kênh Funan Techo của Cam Bốt sẽ khởi công vào năm 2024 và hoàn tất năm 2028. [Bản đồ với ghi chú của Ngô Thế Vinh]
 
Như bài viết gần đây của ông về kênh đào Phù Nam của Cam Bốt, và đặc biệt như một tuyên bố gần đây nhất của Thủ tướng Cam Bốt Hun Manet: “Kênh đào Phù Nam không lấy nước từ sông Mekong mà chỉ lấy từ sông Bassac và sẽ dùng cho tưới tiêu, nông nghiệp)”, xin ý kiến của ông về những vấn đề sau:
 
PV MAI TRẦN _ 1) Theo ông, lập luận cho rằng sông Bassac không thuộc hệ thống Mekong và kênh đào Funan không lấy nước từ Mekong có đúng với thực tế không?
 
NGÔ THẾ VINH _ 1) Tuyên bố gần đây nhất của Thủ tướng Cam Bốt Hun Manet cho rằng: “Kênh đào Phù Nam không lấy nước từ sông Mekong mà chỉ lấy từ sông Bassac và sẽ dùng cho tưới tiêu, nông nghiệp.” [sic]
- Phải nói ngay rằng đây là một câu nói thiếu thành thật, khinh thường trí tuệ của của giới lãnh đạo Hà Nội và người dân Việt Nam. Không ai có thể nghĩ rằng TT Hun Manet, người tốt nghiệp từ một học viện quân sự danh tiếng West Point của Mỹ, lại có thêm học vị Tiến sĩ Kinh tế từ Anh Quốc mà có thể thiếu kiến thức như thế.
- Thiếu kiến thức địa lý sơ đẳng mới có thể nói rằng sông Bassac – một trong hai phân lưu [distributary] lớn của sông Mekong mà  không thuộc hệ thống sông Mekong, để từ đó lý luận rằng kênh đào Funan Techo chỉ lấy nước từ sông Bassac mà không lấy nước từ hệ thống sông Mekong. 
- Nếu hiểu Quatre-Bras [tiếng Khmer là Chamean Mon hay Chaktomuk / tiếng Việt là nơi hội tụ của 4 nhánh sông] là gì, chúng ta có ngay câu trả lời phản bác lý luận nêu trên của TT Hun Manet. Quatre Bras tiếng Pháp là 4 cánh tay – là 4 nhánh của hệ thống sông Mekong:
 - Mekong Thượng [Upper Mekong] là dòng chính sông Mekong chảy từ bắc xuống nam tới Phnom Penh là nhánh thứ (1)
 - Con sông Tonle Sap là nhánh thứ (2) từ Biển Hồ chảy xuống kết nối với dòng chính Mekong Thượng; [sông Tonle Sap có đặc tính chảy 2 chiều theo: Mùa Mưa là dòng chảy ngược vào Biển Hồ và Mùa Khô nước từ Biển Hổ chảy xuôi dòng xuống ĐBSCL].
 - Tại Quatre Bras, nơi con sông Mekong Thượng chia làm hai phân lưu [distributaries]: Mekong Hạ [Lower Mekong] là nhánh thứ (3) và Sông Bassac là nhánh thứ (4); cả hai phân lưu lớn này khi  chảy vào Đồng Bằng Sông Cửu Long của Việt Nam, mang tên khác là Sông Tiền (3) và Sông Hậu (4).
 
Như vậy, khi Con Kênh Funan Techo lấy nước từ con sông Bassac tức là lấy nước từ đầu nguồn của con sông Hậu thì sao lại bảo nguồn nước đó không thuộc hệ thống sông Mekong?
 
Quatre Bras / Nơi hội tụ 4 nhánh sông: (1) Mekong Thượng, (2) Sông Tonle Sap, (3) Mekong Hạ / có tên Sông Tiền (4) Sông Bassac / có tên là Sông Hậu khi chảy vào Việt Nam. Đường chỉ đỏ nối sông Bassac và tình Kep là sơ đồ của con kênh Funan Techo của Cam Bốt sẽ khởi công vào năm 2024 và hoàn tất năm 2028. [Bản đồ với ghi chú của Ngô Thế Vinh]
 
 
PV MAI TRẦN _ 2) Nếu kênh đào Funan không chỉ phục vụ giao thông thuỷ mà còn phục vụ tưới tiêu, nông nghiệp, nó có thể ảnh hưởng tới sông Mekong và ĐBSCL ra sao?
 
NGÔ THẾ VINH _ 2) Một câu hỏi rất hay, cùng một lúc Anh Mai Trần nêu ra được 2 vấn đề của con kênh đào Funan Techo.
(a) Vấn đề thứ nhất, điều mà chính phủ Phnom Penh nói ra trong Thông báo gửi MRC 4 nước Mekong; khi nói về mục đích của Dự án Funan Techo chỉ vỏn vẹn có một câu: “Con kênh nội địa có mục đích vận tải và giao thông đường thủy”, với lợi ích rất rõ ràng: chặng đường sông nếu không phải qua ngả Việt Nam mà nay với con kênh Phù Nam Techo khoảng cách được rút ngắn, như vậy sẽ giảm thiểu thời gian di chuyển và bớt nhiên liệu tiêu thụ, – cũng có nghĩa là giảm đáng kể chi phí vận chuyển và quan trọng hơn nữa là tạo được một trục / hub giao thương mới mà không cần phải đi qua khúc sông Mekong của Việt Nam. Tất cả nhằm tăng tính cạnh tranh, thu hút thêm đầu tư, giảm thiểu chậm trễ và giảm chi phí về tiếp vận.
(b) Vấn đề thứ hai, điều mà chính phủ Phnom Penh ban đầu không nói ra, muốn dấu nhẹm trong Thông báo gửi MRC 4 nước Mekong, đó là tính đa năng [multipurpose] của con kênh Funan Techo – ngoài mục đích giao thông đường thuỷ, con kênh Funan còn tiềm ẩn nhiều mục đích khác bao gồm: thuỷ lợi [irrigation] chuyển dòng lấy nước [water diversion] từ con kênh Funan giúp cho việc tiêu tưới mở rộng diện tích canh tác [agriculture], tạo những hồ nước nuôi trồng thủy sản [aquaculture], bảo đảm lương thực và cải thiện đời sống các cộng đồng cư dân trong vùng.
(c) Nhìn xa hơn nữa qua các cuộc hội thảo của  Diễn đàn Vận Tải và Hậu Cần 2023 [Transport and  Logistics Forum 2023], người ta còn bàn tới sự gia tăng giá trị đất đai và bất động sản ven con kênh Funan, khi xây thêm được những giang cảng phụ [subordinate ports], tạo thêm công ăn việc làm, đồng thời với phát triển các khu gia cư, đô thị hoá cùng với nhu cầu cung cấp nguồn nước ngọt cho sinh hoạt.
Như vậy, với con kênh đào 180 km chiều dài ấy đâu có phải chỉ cho mục đích thuỷ vận, mà còn có những mục đích phát triển cả một vùng châu thổ 4 tỉnh từ Kandal, Takeo, Kampot, và  Kep trước khi đổ ra Vịnh Thái Lan, và như vậy thì lưu lượng nước lấy từ hệ thống sông Mekong, nhất là từ con sông Bassac  -- khúc đầu nguồn của con sông Hậu, thì chắc chắn  không phải chỉ 113 triệu mét khối mỗi năm mà sẽ nhiều lần lớn hơn và hậu quả thiếu nước nơi ĐBSCL phía dưới nguồn -- nhất là vào mùa khô không thể nào lường trước được. 
 
PV MAI TRẦN - 3) ĐBSCL đứng trước thực trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng (năm ngoái, nước mặn vào tới khu vực thị xã Bến Tre), và dòng sông Cửu Long nghẽn mạch. Việc sông Mekong nghẽn mạch rõ ràng càng lúc càng khó giải quyết. Một mặt, Việt Nam cần thực thi những chiến lược ngắn hạn để điều hướng các bước đi của Trung Quốc và Cam Bốt sao cho nó công bằng hơn với ĐBSCL, nhưng mặt khác, VN cần chuyển hướng chiến lược phát triển cho ĐBSCL.
 
NGÔ THẾ VINH - 3) Hâm nóng toàn cầu và biến đổi khí hậu là một thực trạng đã và đang ảnh hưởng trên toàn hệ sinh thái của khắp hành tinh này, riêng các vùng châu thổ Deltas / trong đó có ĐBSCL là đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất:
- nước biển dâng khiến nạn ngập mặn càng ngày càng lấn sâu vào vùng châu thổ -- không phải chỉ có ở các tỉnh ven duyên hải, mà là các tỉnh trong đất liền rất xa biển, do lượng mưa thấp ở thượng nguồn và ngay cả nơi ĐBSCL. 
 - nạn đất lún do khai thác quá mức các tầng nước ngầm [aquifers] đến  mức cạn kiệt, với hơn một triệu giếng bơm hoạt động ngày đêm, lấy nước ngọt, không chỉ phục vụ tiện dụng gia cư mà cả cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp và kỹ nghệ, khiến vận tốc đất lún có nơi còn nhanh hơn mực nước biển dâng.
 - với những con đập thuỷ điện khổng lồ bậc thềm [Mekong cascades] Vân Nam, và với chuỗi những con đập dòng chính ở Lào, do nguồn phù sa bị giữ lại trong các hồ chứa, nguồn nước ngọt đổ về ĐBSCL là nguồn nước đói [hungry water], thay vì ĐBSCL được bồi đắp như trước kia, thì nay bị sói mòn [erosion], tạo nên một tiến trình đảo ngược khiến cả một vùng châu thổ, về lâu về dài đang trên một tiến trình tan rã.
 - do vận hành giữ nước của chuỗi đập thuỷ điện thượng nguồn, không có lực đẩy của nguồn nước ngọt đổ về, nạn ngập mặn có thể vào sâu tới 60km với nồng độ mặn cao tới 40/00 [bốn phần ngàn], có nơi còn cao hơn. Cùng một lúc phải ứng phó với thiếu nước ngọt, và canh tác trong tình trạng “chạy mặn”, khả năng thích nghi của người nông dân nơi ĐBSCL phải nói là rất cao, đây chính là yếu tố tích cực cho sự chuyển hướng phát triển của ĐBSCL.
Trước tình trạng Cửu Long ngày thêm Cạn Dòng, thiếu “nước ngọt”, thừa “nước mặn” – một vùng châu thổ bấy lâu được thiên nhiên ưu đãi đã không còn nữa. Việc  chuyển hướng phát triển nơi ĐBSCL – không phải chỉ có thuần nông nghiệp, mà còn nhiều lãnh vực khác như nuôi trồng thuỷ sản, cả trên nhưng vùng nước lợ với hỗ trợ của công nghệ cao.
 
Như Anh Mai Trần đã thấy, Đồng Bằng Sông Cửu Long  đang trở thành một địa bàn đầy thách đố, lối làm ăn cũ manh mún chỉ có tập trung vào cây lúa [nông dân lam lũ này đêm mà vẫn không đủ ăn] không còn hợp thời nữa và nhu cầu một chuyển hướng phát triển phải là một mệnh lệnh của thời đại. Và để trả lời “câu hỏi lớn” như vậy, đề nghị RFA lập ra một Diễn đàn Mở [Open Forum] quy tụ nhiều tiếng nói của nhiều nguồn chất xám từ trong nước ra tới hải ngoại, và ban điều hợp Diễn Đàn ấy sẽ là nhóm Ký giả Môi Sinh của Đài RFA. 
MAI TRẦN                               
RFA Broadcaster/ Webcaster
Washington, 20.12.2023
Radio Free Asia


BS Ngô Thế Vinh, tác giả 2 cuốn sách: Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng [2000], và ký sự Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch [2007], liên quan tới vấn đề môi sinh và phát triển Lưu vực sông Mekong và Đồng Bằng Sông Cửu Long. Hình tác giả đang băng qua Biển Hồ, tới khu Bảo Tồn Sinh Thái Tonlé Sap. [12.2001]
 
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/expert-cambodia-funan-canal-takes-water-from-the-mekong-vietnam-needs-a-new-strategy-for-the-mekong-delta-12202023123419.html
 
 

Wednesday, December 20, 2023

BỒ CÔNG ANH

Kc Nguyễn
 
Bồ công anh vàng

1.
buông tay nhau mười năm ngơ ngác
bồ công anh vàng, rực rỡ vàng
theo gió những chùm tơ trắng nuột
tình dỗ dành hoài vẫn không tan
 
2.
ngắt từng đoá một, hoa trổ muộn
phơi mười con nắng đợi trăng rằm
đọc câu thần chú và đổ rượu
đốt từng chút một của mười năm
 
3.
cầm tay nhau vẫn còn ngơ ngác
điểm về quen thuộc, con đường vòng
những chiếc rễ mù hình như đã
chờ nghe bọt nước vỡ trên sông
 
kc Nguyễn
 

Monday, December 18, 2023

CƯỜI VỚI NẮNG MỘT NGÀY SAO CHÓNG THẾ *

Nguyễn Thị Khánh Minh
 
Thầy Tuệ Sỹ, nơi bàn làm việc tại chùa Già Lam
Nt khánh minh chụp năm 2009

NT Khánh Minh & Thầy Tuệ Sỹ
 
Vâng, chóng đến nỗi tôi nghĩ đó là giấc mộng, giấc mộng thiện hảo quý báu quá khiến tôi tiếc ngẩn ngơ sao chóng đến vậy.
Đó là buổi ra mắt tập thơ của tôi tại quán cà phê Du Miên. - Chỉ với 50 ấn bản Bùa Hương do Ý Thức Bản Thảo ấn hành 2009- với sự có mặt của các anh chị Đỗ Hồng Ngọc-Ngọc Bích, Lê Ký Thương-Kim Quy, anh Nguyên Minh và anh Lữ Kiều, và tôi. Bảy người, đối với riêng tôi, số 7 khiến tôi liên tưởng đến bảy sắc cầu vồng, bảy nốt trong âm nhạc, thất bảo, của một buổi sáng tuyệt vời.
Và bản quý duy nhất, Bùa Hương, được ấn chứng bằng những chữ ký thân tình. Buổi sáng đẫm hương bằng hữu. Nó không chỉ chấm dứt vào buổi trưa khi chia tay. Nó kéo dài cho tới bất cứ lúc nào hồi ức tôi lay động. 
Sau buổi sáng, anh Lữ Kiều bảo, giờ anh sẽ đưa em đến chùa Già Lam, - Thầy Tuệ Sỹ ạ? - Ừ, mình cùng đi với Giai Hoa.
Lòng tôi vừa bồi hồi vừa lâng lâng khó tả. Run run. Vì sắp được gặp một người mà mình nghĩ rằng khó có cơ hội được diện kiến. Chùa Già Lam. Có đóa sala rụng ở sân chùa, cầm trong tay thơm ngát. Ép vào sách, đến giờ giở ra còn nghe thơm. Thơm phút giây nhặt nó ở sân chùa, thơm vì nó cùng tham dự với tôi buổi trưa độc nhất ấy, nơi có vị sư của những lời thơ Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ/ Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn... (Tuệ Sỹ, Không Đề) Đã bao trăng tàn bên chiếc lan can này nghe Sư nói chuyện một mình? Hai bóng sáng hòa âm trong đêm, để lại cho đời những lời thơ bất hủ, theo mãi trong lòng người hình bóng một vị chân tu.
Chúng tôi ngồi ở đó, ban công trước phòng Sư, trông xuống một vườn cảnh nhỏ, gió buổi trưa hiu mát, trái tim tôi như chiếc lá bay. Sư và anh Lữ Kiều, Giai Hoa đang bàn về chương trình buổi ra mắt tập thơ Những Điệp Khúc Cho Dương Cầm, tập thơ tôi được Sư tặng sau đó.
Tôi tặng Sư tập thơ Bùa Hương, và tôi có được chữ của Sư trong bản duy nhất kia. Chữ của Sư, chữ Hán lẫn Việt, lấp lánh dưới nắng trưa: Ngược xuôi nhớ nửa cung đàn/ Ai đem quán trọ mà ngăn nẻo về. Nét chữ có linh hồn của sự cương nghị bất khuất và u ẩn một điều cưu mang…
Mỗi khi giở xem lại nét chữ ấy lòng run run như đang mở xem điều gì đó vô cùng quý báu.
 
- Giai Hoa là người phụ đạo piano cho thầy-. Anh Lữ Kiều nói. Rồi, chúng tôi được nghe và thấy Sư ngồi đàn, một Nhà Thơ gõ trên phím những nốt nhạc của tâm hồn, Sư ngồi đó, Sư đang ở đó, như vừa mới đến, như vừa ra đi trong âm ba tiếng nhạc. Không gian thời gian như nhập lại một dòng trôi vi diệu vô thường…
Năm tháng vẫn như nụ cười trong mộng… ôi, Như Lai đâu có đi có đến…
 
Thời gian tiếng dương cầm, giờ như đang đọng từng hạt vàng trong nắng Già Lam. Đó Ngày Mộng của tôi. Ngày mộng khởi duyên cho bao thiện lành trong từng bước tu hướng về Người...
 
ĐỈNH ĐÁ NÀY VÀ HẠT MUỐI ĐÓ CHƯA TAN
(Tuệ Sỹ, Khung Trời Cũ)
 
Tôi kính ngưỡng nỗi u ẩn trong tình tự hạt muối chưa tan. Ôi biển đời kia xô động...
Cũng vì vậy, đọc thơ Tuệ Sỹ, tôi cứ thấy hình ảnh con đường dài, và muôn dặm bóng cô lữ một khung trời viễn mộng dằng dặc nỗi ưu tư,
 
Trời viễn mộng đọa đày đi mấy thuở
Mộng kiêu hùng hay muối mặn giữa trùng khơi
(Những Điệp Khúc Cho Dương Cầm)
 
Bước độc hành như sương hạt rơi khuya, như tiếng mõ trầm trầm hun hút ở rừng thẳm, ở núi cao... nhưng khó làm sao để tường tận cái chấp chới của vạt áo tỳ khưu đẫm ánh trăng đêm, của một vì sao bên khoé miệng rưng rưng, thấp thoáng ẩn hiện. Hiện lên Người và ẩn một cõi thơ tịnh tĩnh. Khó làm sao lọt được vào cõi im lặng tủy đá ấy...
Có chăng, tôi lần theo bằng nhịp đập của trái tim thơ khởi đi từ hạt lệ mở đường,
 
 Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn...
 
Cô quạnh và tự tại của hạt lệ đèn hòa thanh ánh trăng, và câu chuyện gì khiến thế gian nhỏ lệ? Đọc thơ Người thấy mình nhỏ bé quá dưới cái huyễn lộng, hay chỗ nào, vì sao hay, hỏi như hỏi mây xanh bay, theo như đuối dòng nước trôi hoài kia. Chuyện trăng tàn là chuyện gì, chưa nghe thấu nỗi đã rúng động. Trăng tàn giật mình sững sờ cái núi lạnh biển im, tấm lòng băng khiết?
 
Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở
Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan...
 
Hỏi, tại sao, vì đâu lòng muối kiên định... để bất khuất chưa tan?
 
Tưởng chỉ là Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ, bỗng vầng trăng vụt sáng mới hay Lãng du ai ngỡ cô liêu bạc đầu! (Tóc huyền) Cô liêu tóc trắng ấy cũng ngang ngửa với cái cô quạnh nghìn năm viên đá cuội. Nghe quá cảm khái trong câu hỏi hồn tôi đâu...
 
Viên đá cuội mấy nghìn năm cô quạnh
Hồn tôi đâu trong dấu tích hoang đường?
(Dạ Khúc)
 
Hay đó là mênh mang sầu của cánh mỏng về đâu, là chiếc lá xa mùa đau lòng phận nước?
 
Con bướm nhỏ đi về trong cánh mỏng
Nhưng về đâu một chiếc lá xa mùa...
(Mưa cao nguyên)
 
Tôi sứ giả hư vô
Xin gởi trong đôi mắt bà
Một hạt cát
(Hạt cát)
 
Sứ giả của hư vô, gửi vào đôi mắt một hạt cát, để khơi lệ huyễn mộng rực rỡ không dấu chấm hết? Một hạt cát chứa vô biên không gian thời gian.
 
Tất cả câu hỏi về thơ Người, chỉ có thể tìm được câu trả lời qua những bước chân cô độc kiên trì trên con đường dài Người đã đi, qua tấm lòng băng khiết Người đã sống với Đạo với Đời, qua nếp sống giản dị thanh bạch của hạt cát tinh tuyền, giờ hạt cát ấy đã lồng lộng hư vô, nhưng âm thanh của cát vẫn vang động. Nếu chúng ta cùng nghe được âm vang của một hạt cát thì sứ giả hư vô ấy là trái tim son sắt của Người.
 
NHỚ BUỔI NGHE SƯ ĐÀN
 
Cùng nhà thơ Lữ Kiều và Giai Hoa, 20.9.2009, tại cốc của sư trong vườn chùa Già Lam
 
Buổi trưa ngồi nghe sư đàn
Trăm con lá rớt. Tình tang cõi ngoài
Mùa đâu hốt đã thu phai
Một phương viễn mộng. Đọa đày*. Bao thu
 
Viên đá cuội nghìn năm*. Ru
Niềm cô quạnh. Dấu biệt mù. Âm xưa
Trăng tàn nhỏ lệ đèn khuya
Hắt con bóng dựng đá chờ nước non
 
Áo tỳ khưu. Dặm mỏi mòn
Trùng khơi. Hạt muối đó còn chưa tan…
9.2020
NTKM
 
*Thơ Tuệ Sỹ
* Thơ Tuệ Sỹ: Trời viễn mộng đọa đày đi mấy thuở/… Viên đá cuội mấy nghìn năm cô quạnh/ Hồn tôi đâu trong dấu tích hoang