Thursday, June 17, 2021

THƠ PHẠM THIÊN THƯ “MƯỜI CON NHẠN TRẮNG VỀ THA”

Đỗ Hồng Ngọc
 
Thư gởi bạn xa xôi
11.6.2021
 
Đỗ Hồng Ngọc & Pham Thiên Thư

“Mười con nhạn trắng về tha”
(Động hoa vàng, Phạm Thiên Thư)
 
Câu hỏi của bạn hơi “ác” đó nha. Đây là 4 câu thơ mở đầu của bài thơ Động hoa vàng của Phạm Thiên Thư, bài thơ dài tới 100 khổ, mỗi khổ 4 câu lục bát đẹp như mơ mà ai cũng biết… Cho đến nay đã có hàng trăm bài viết về Phạm Thiên Thư với Động hoa vàng này đó. Mà hình như chưa có ai hỏi như bạn đã làm khó mình hôm nay. Bạn biết đó, mình chẳng phải nhà phê bình văn học, nhất là phê bình thơ… Bởi thơ là để cảm nhận, để rung động… chớ không phải để phân tích, để bình giảng… Nói thì nói vậy chớ người yêu thơ vẫn cứ vừa cảm nhận, vừa rung động vừa bình giảng… để thấy cho hết cái đẹp cái hay, để rồi được rung động 6 cách “nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý” cũng chẳng khoái ru?
 
Mười con nhạn trắng về tha
Như lai thường trụ trên tà áo xuân
Vai nghiêng nghiêng suối tơ huyền
Đôi gò đào nở trên miền tuyết thơm…
 
Bạn hỏi mình tại sao nhạn trắng, tại sao mười con mà không phải tám chín con hay trăm con? Tại sao “về tha”? Tha ai? Tha cái gì? Tại sao tha?
 
Rồi “Như lai thường trụ” là sao? Vô thường, vô ngã, “vô sở trụ” mà sao còn trụ?
 
Rồi bạn cho rằng “Vai nghiêng nghiêng suối tơ huyền/ Đôi gò đào nở trên miền tuyết thơm” thì ai cũng hiểu cả rồi. Mái tóc huyền óng ả chảy mượt như suối của nàng thiếu nữ xinh đẹp. Làm nhớ “vai gầy guộc nhỏ” của Trịnh Công Sơn! Còn “Đôi gò đào nở trên miền tuyết thơm” đâu cần phải giải thích thêm! À, nhưng mà “miền  tuyết thơm” ở đâu vậy? Có trời mới biết, ủa không, có nhà thơ mới biết. Làm nhớ Văn Cao: “Chúng em xin dâng hai chàng trái đào tiên…”.
 
Tóm lại là bạn chỉ “quay” mình vài chỗ “bí hiểm”: Mười con nhạn trắng về tha là sao?Tại sao mười, tại sao tha…? Và tại sao Như Lai thường trụ?
 
Ối trời. Mình bí quá. Bèn phải mượn “quyền trợ giúp”.
 
Phạm Thiên Thư (PTT) bây giờ không xài Điện thoại, chẳng có email, giữa mùa Cô-vi giãn cách này cũng không trực tiếp đến gặp được. Lại nghe nói ông bắt đầu quên nhiều sau mấy lần tai biến.
 
Mình liền hỏi nhà thơ Trụ Vũ, vốn chỗ thân thiết với PTT. Ông trả lời ngay:  “Tha” ở đây là “khác”, phương khác. Câu này có nghĩa là mười con nhạn trắng bay về phương khác…
 
Không yên tâm lắm, mình bèn hỏi Lam Điền, nhà báo, nhà thơ, ở báo Tuổi Trẻ. Lam Điền khuyên: “Tranh thủ lúc tác giả còn sống nên hỏi trực tiếp cho chắc đi bác ơi, mọi suy đoán về thơ thường do không còn tác giả để hỏi”. Chí lý. Nhưng có trường hợp như TTKH, không biết tác giả là ai thì biết đâu mà hỏi! Có khi tác giả Alzheimer quên hết rồi thì sao?
 
Bèn hỏi Linh Thoại, nhà báo, phụ trách mảng văn học báo Tuổi Trẻ. “Dạ con cũng không rõ ý nhà thơ chú ơi, để con hỏi thầy Huỳnh Như Phương”.
Huỳnh Như Phương là nhà phê bình văn học nổi tiếng, đã nghiên cứu về PTT kỹ chắc chắn phải biết rồi. Hy vọng.
Thầy HNP trả lời Linh Thoại: “Thầy chịu thua. Thiền sư Đỗ Hồng Ngọc mà không giải thích được thì làm sao mình giải thích. Chờ qua dịch gặp ông PTT hỏi ông. Mà có khi ông cũng không giải thích được!”.
Mình đùa với Linh Thoại: Ông PTT chắc cũng sẽ biểu về hỏi “thiền sư” ĐHN đi! Bởi ông cũng quên hết rồi! Dĩ nhiên chú Ngọc giải được quá đi chớ! “Thiền sư” mà!
Linh Thoại cười: Vậy chú giải cho con nghe với. hihi.
 
Mình “cầu cứu” nhà thơ Đỗ Trung Quân. Quân ơi, cho anh hỏi chút nhe: PTT trong bài thơ Động hoa vàng có câu đầu tiên: “Mười con nhạn trắng về tha…” nghĩa là sao, nhất là chữ “tha” khó hiểu quá?
ĐTQ trả lời liền: Theo em cảm nhận thì mười con nhạn trắng PTT chỉ 10 ngón tay hoa vẽ trên luân chuyển tiết mùa, nhưng chỉ là cảm nhận vì em không nghiên cứu Phật học…
Mắt mình sáng ra: À há! Rất hay rồi đó!
ĐTQ thêm: Câu sau hình như là “vai nghiêng nghiêng suối tơ huyền/ Đôi gò đào nở trên miền tuyết thơm…” cái nhìn Phật học cũng lại là ẩn dụ của suối- mây- rừng… em nghĩ thế.
Mình mừng rỡ: Hay lắm ĐTQ! Anh nghĩ anh bắt đầu giải được rồi đó! Cảm ơn em.
 
Dù vậy, mình cũng thử hỏi nhà thơ Phật tử thuần thành Tôn Nữ Hỷ Khương xem sao, chị bảo “Bs Đỗ Hồng Ngọc mà không biết thì Hỷ Khương làm sao biết được!”.
 
Ối giời!
 
Thôi thì hỏi thêm nhà thơ Khánh Minh ở tận nửa vòng trái đất bên kia, người cũng rất thân quen PTT. Khánh Minh trả lời: “Anh Ngọc ơi, anh mà không biết thì em biết… chết liền! Xưa em rất thân với PTT, phải gọi bằng chú, nhưng em không đọc Động hoa vàng. Em chỉ thích tập thơ 4 chữ thôi. Tại sao là “mười”, tại sao “về tha” và Như-lai thì sao “thường trụ”?
Khánh Minh thắc mắc nữa!
 
Tóm lại, góc độ “thơ” thì không xong rồi. Còn góc độ “thiền” thì sao?
 
Mình hỏi chuyện tu hành của PTT cho rõ nguồn cơn, Google trả lời: 
Đi tu, thực ra với ông không hẳn là tìm một chốn nương náu, mà ông ngộ ra một điều, ông đã tự tìm cho mình một cõi riêng, một kiểu tu hành riêng…
 
Ông viết Động hoa vàng những ngày đầu ngấm giáo lý nhà Phật, như đánh dấu mình vào một cõi của chính mình trong thi đàn. Dĩ nhiên, Động hoa vàng chưa hẳn là tác phẩm xuất sắc nhất trong đời viết của Phạm Thiên Thư, nhưng nó đã làm nên một “thương hiệu” của Phạm Thiên Thư. Những câu thơ đẩy cái đạo đời bềnh bồng trên cõi Phật, làm hiện hữu cái cuộc đời đáng sống trên cái mênh mang bao la của phù vân hư ảo.
 
Nhiều người đã cho rằng Phạm Thiên Thư đi tu mà lòng vẫn hướng về cõi tục. Ông chỉ cười: “Tôi tu theo cách của mình, tu để sống cuộc đời của mình, nuôi dưỡng lối tư duy và trí tuệ của mình”. Quả thực là từ cõi Phật, ông đã làm được những điều đáng nể: thi hóa kinh Phật, sáng tác những thi phẩm hay và đẹp thuộc diện hiếm hoi trong văn học Việt Nam…Thơ của ông được nhiều người có tên tuổi trong giới và rất nhiều bạn đọc mến mộ… (//vi.wikipedia.org/wiki).
 
Tìm hiểu sâu hơn về PTT không gì bằng tham khảo nhà văn Nguyễn Thu Trân, người đã có những buổi tiếp xúc , gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với nhà thơ nhiều năm qua (trích). Thu Trân viết:
“Từ Động hoa vàng, người yêu thơ Phạm Thiên Thư cũng mờ mờ ảo ảo với “tu sĩ lãng mạn” Thích Tuệ Không bởi những dòng tự bạch:
 
Hỏi con vạc đậu bờ kinh
Cớ sao lận đận cái hình không hư
Vạc rằng thưa bác Thiên Thư
Mặc chi cái áo thiền sư ỡm ờ…
 
Hỏi: Thưa, ở đây là nhà thơ hay nhà sư ỡm ờ?
Đáp: Cả hai, từ ỡm ờ ở đây có nghĩa tôi ra đi từ đời và trưởng thành từ đạo. Trong tôi, đạo và đời là một. Trong 9 năm ở chùa (1964-1973), tôi- tức nhà sư Thích Tuệ Không đã tiếp cận tư tưởng nhà Phật và triết lý Phật giáo là phần lớn tinh thần sáng tác của tôi. Triết lý Phật giáo cũng không ngoài những hạnh phúc, khổ đau của con người. Một đời sống hoà bình, thanh thản với cái thiện luôn đẩy lùi cái ác… cũng là mục đích thơ Phạm Thiên Thư hướng đến. Phật giáo khi hòa nhập vào cuộc sống thì đã trở thành một giá trị văn hóa chứ không đơn thuần là tôn giáo.
 
Hỏi: Vì sao cậu học trò Phạm Kim Long lại trở thành nhà sư Thích Tuệ Không?
Đáp: Tôi sinh năm 1940, quê Thái Bình nhưng đã là người Sài Gòn từ năm 1954. Thời sinh viên mê văn chương thơ phú, tôi sáng lập và tụ tập bạn bè vào Học hội Hồ Quý Ly. Việc lập hội đoàn này khiến tôi luôn bị cảnh sát chế độ Sài Gòn chú ý, thế là để được yên thân, tôi đã ẩn vào chùa để tu. “Tu bất đắc dĩ” mà ngộ ra kinh Phật, ngộ ra chuyện thiền rất nhanh nên tôi thấy mình là người may mắn, tôi sớm nhận ra điều, nhà chùa không phải là nơi tôi nương náu để qua cơn bỉ cực mà là một cõi riêng, rất riêng để tôi tha hồ bay bổng từ những điều ngộ ra chính mình và cuộc sống chung quanh.
 
Hỏi: Sau kinh kệ, thơ nhạc… rồi đến hớt tóc, bán tạp hóa, bán cà phê kiếm sống; thi sĩ Phạm Thiên Thư còn nổi tiếng nhờ tài chữa bệnh?
Đáp: Tôi nghiệm ra phương pháp chữa bệnh điện công Phathata từ những cách tham thiền, vận nội công và yoga. Những tiền đề này tôi tích lũy được từ những ngày học võ (bố tôi là thầy thuốc dạy võ) và thời gian tầm sư học đạo ở Thất Sơn (Bảy Núi-An Giang); cũng không thể không kể thêm ở đây sự kết hợp với võ Bình Định, gồng Châu Quý, thiền Mật Tông… Phathata là phương pháp tập luyện nhân điện; tự điều chỉnh bế tắc, rối loạn cơ thể và tâm lý thông qua khả năng siêu ý thức. Tôi cũng đã tự chữa bệnh cho mình bằng phương pháp Phathata (có kết hợp cùng các phương pháp khác). Hiện tôi vẫn tham gia câu lạc bộ chữa bệnh miễn phí cho mọi người bằng phương pháp Phathata…
 
Ngày của thi sĩ Phạm Thiên Thư bây giờ cũng nhẹ nhàng như gió như mây. Dưới bóng cây xanh đầy hoa nắng của quán cà phê gia đình với tên gọi Hoa Vàng trên đường Hồng Lĩnh (quận 10-TP.HCM), ông thường ngồi hàng giờ để hoài niệm về màu hoa vàng cùng bóng áo thoát tục năm xưa, để thấy mình đã sống bảy mươi năm không hoài không phí giữa nhịp đời sắc sắc không không:
 
Gối tay nệm cỏ nằm say
Gõ vào đá tụng một vài biến kinh
Mai sau trời đất thái bình
Về lưng núi phượng một mình cuồng ca…
(Nguồn: Đương Thời, http://cntyk2.free.fr/vannghe/tho/)
 
Bài phỏng vấn của nhà văn Nguyễn Thu Trân đã thực hiện hơn 10 năm trước, khi PTT mới 70 tuổi, ta được biết thêm ngoài tu Phật, làm thơ, ông còn là một thầy thuốc chữa bệnh với phương pháp Phathata.
 
Bây giờ ta thử nghe Võ Phiến nhận xét về thơ tình của PTT:
“Phạm Thiên Thư chỉ đóng trọn vai tuồng xuất sắc khi ông trở về với chính mình, tức một tu sĩ đa tình. Và trong vai tuồng ấy ông thật tuyệt vời, đáng yêu hết sức.
 
Thử tưởng tượng: Nếu Phạm Thiên Thư sớm tối miệt mài kinh kệ, một bước không ra khỏi cổng chùa, không biết tới chuyện hẹn hò, không hề lẽo đẽo đưa em này đi rước em nọ về v.v… thì nền thi ca của chúng ta thiệt thòi biết bao. Lại thử tưởng tượng Phạm Thiên Thư quanh năm suốt tháng chỉ những em này em nọ dập dìu, nhớ thương ra rít, mà không màng tới kinh Hiền kinh Ngọc, không biết chuông biết mõ gì ráo, thì trong kho thi ca tình ái của ta cũng mất hẳn đi một sắc thái đặc biệt chứ.
Cho nên ông cứ ỡm ờ thế lại hay. Có tu mà cũng có tình. Cái tình của một người tu nó khác cái tình của người không tu, nó có nét đẹp riêng”.
“Tình yêu của ông thật tội nghiệp. Không phải nó tội nghiệp nó đáng thương vì ông bị hất hủi, bị bạc tình, bội phản, vì ông gặp cảnh tuyệt vọng v.v… Không phải thế. Tội nghiệp là vì bên cạnh các mối tình vời vợi của ông lúc nào cũng thấp thoáng cái ám ảnh của kiếp sống mong manh, của cuộc thế vô thường, của cảnh đời hư ảo.
 
Vả lại không phải chờ đến một cái chết mới đối diện Hư Vô, ngay cả khi đôi trẻ hãy còn đủ trên đời ông vẫn ý thức rõ ràng cái nhỏ bé chơi vơi của tình yêu:
 
“Cõi người có bao nhiêu
Mà tình sầu vô lượng
Còn chi trong giả tướng
Hay một vết chim bay.”
 
Rồi Võ Phiến khẳng định, thơ tình của PTT là thứ thơ tình “Tuyệt nhiên không thịt da”:
“Thơ tình của chàng là thứ thơ tình không có nụ hôn. Người tình của chàng là thứ người tình không da thịt. Đố thiên hạ tìm ra trong thơ chàng một nụ hôn, tìm ra những cặp môi mọng như quả nho, gò má ửng hồng như trái đào, những sóng mắt đắm đuối, ngực tròn phập phồng v.v…, đố như thế là đố khó quá… Không mọng đỏ, không no tròn, không phập phồng, không đắm đuối, không long lanh v.v… Tuyệt nhiên không thịt da”.
Ông dẫn nào Xuân Diệu, nào Vũ Hoàng Chương, nào Bạch Cư Dị, ông nào ông nấy cũng “ca tụng thân xác” (chữ Nguyễn Văn Trung)… và chỉ riêng thơ tình PTT là “Tuyệt nhiên không thịt da”!
(chusalan.net: Võ Phiến  Từ Ngày xưa Hoàng Thị… tới… Đưa em tìm động hoa vàng…)
 
“Không phải đâu là không phải đâu”! Võ Phiến lầm chết! Tưởng tượng xem, một tu sĩ đa tình, 9 năm ngồi ngắm trăng suông bên bờ suối, nhìn vách đá ngẩn ngơ chẳng thua gì 9 năm diện bích của Bồ Đề Đạt Ma… một hôm sực nhớ đóa hoa vàng (khổ 99- Động hoa vàng)
 
Vào hang núi nhập Niết bàn
Tinh anh nở đoá hoa vàng cửa khe
 
“Thiền sư” hiểu rõ lẽ vô thường, rõ cái chơi vơi của “cõi người có bao nhiêu/ mà tình sầu vô lượng” nên một khi đã phập phồng, đã đắm đuối, đã long lanh thì hết phương … cứu chữa!
Anan là đệ tử đẹp trai nhất của Phật, một hôm đi khất thực, gặp người đẹp Ma-đăng-già quyến rũ sắp…, Phật vội vàng kêu đại đệ tử Xá-lợi-phất mang lá bùa đến cứu. Lá bùa đó là Chú Lăng Nghiêm. Bây giờ các tu sĩ sáng nào cũng phải tụng!
Cho nên 9 năm ngồi nhìn vách đá, ngắm trăng suông, miệt mài kinh kệ,  một hôm biệt thầy giã bạn xuống núi, thõng tay vào chợ thì choáng váng, háo hức, hừng hực…không lạ!
 
Nhưng để hiểu cho rốt ráo “mười con nhạn trắng về tha” này, ngày 9.6.2021, mình viết thư hỏi nhà văn Nguyễn Thu Trân. Cô liền gọi phone ngay cho nhà thơ và trả lời mình:
 
Gửi anh Đỗ Hồng Ngọc,
Em đã gặp nhà thơ Phạm Thiên Thư nhiều lần, nhưng thật ra chưa thắc mắc về từ “tha” trong câu đầu của thiền ca Động hoa vàng. Chú cháu ngồi với nhau chỉ nói về cõi thiền vô ưu dữ dội của Động hoa vàng thôi. Thắc mắc của anh quá hay, khiến em phải thắc mắc rằng, tại sao mình không thắc mắc điều này với nhà thơ. Em có gọi chú PTT bằng số điện thoại từ lâu rồi nhưng tổng đài bảo số này không có thật (chắc chú đã đổi số). Không chắc bây giờ ông già còn khoẻ và minh mẫn. Thuở em gặp, ông già cũng đã mơ màng với cái điện công Phathata lắm rồi. Thôi thì, em cũng liều mình suy diễn trên tinh thần đã trao đổi về Động hoa vàng với nhà thơ PTT, anh xem thử coi có hợp lý không nhé- nếu không hợp lý thì anh cho em ý kiến khác vậy.
 
Chúc bác sĩ luôn vui khoẻ trong mùa dịch covid.
Thu Trân
9.6.2021
 
Mười con nhạn trắng về tha
Như Lai thường trụ trên tà áo xuân
Vai nghiêng nghiêng suối tơ huyền
Đôi gò đào nở trên miền tuyết thơm
 
“Tha” có lẽ phải hiểu ở đây theo nghĩa Hán- Việt, chứ không thể là “tha thứ” hoặc “tha đi, mang đi”- suy diễn hơn một chút, càng không phải là “bê tha”.
 
Trong tiếng Hán, “tha” có 3 nghĩa:
– “Tha” đại từ chỉ ngôi thứ ba số ít: anh ấy, chị ấy, ông ấy, bà ấy (nam nữ cách viết khác nhau nhưng phát âm giống nhau).
– “Tha” tính từ có nghĩa thư thả, ung dung tự tại.
– “Tha” động từ có nghĩa gánh vác, chở che.
 
Trong bối cảnh “Mười con nhạn trắng về tha” là câu đầu của “thiền ca” Động hoa vàng 100 khổ thơ lục bát của Phạm Thiên Thư, có lẽ “tha” trong trường hợp này là tính từ (thư thả, ung dung tự tại) là phù hợp nhất. Động hoa vàng đẹp như mơ, hư hư thật thật với đàn chim nhạn “mở màn” thì thái độ ung dung tự tại (vô ưu) rất phù hợp cho 3 câu sau đó:
 
Như Lai thường trụ trên tà áo xuân
Vai nghiêng nghiêng suối tơ huyền
Đôi gò đào nở trên miền tuyết thơm
 
Và kết nối khổ thơ đầu với khổ thơ cuối, ta sẽ thấy “sự suy diễn” này phù hợp: 
Hoa vàng ta để chờ anh
Hiện thân ta hát trên cành tâm mai
Trần gian chào cõi mộng này
Sông Ngân tìm một bến ngoài hoá duyên
 
Chỉ có sự vô ưu của một loài chim sang trọng, đẹp đẽ như chim nhạn mới có thể “gánh” hết những gì huyền ảo trong cõi thiền mà rất đời, mà rất sex của tu sĩ Phạm Thiên Thư thôi.
(Thu Trân, 9.6.2021). 
………………………………………………………………………………………….
 
Thiền sư thi sĩ đa tình “huyền ảo trong cõi thiền mà rất đời, mà rất sex ”, Thu Trân nói về PTT rất đúng đó vậy. Nhưng tại sao “về tha”? Thu Trân viết có lẽ “tha” trong trường hợp này là tính từ (thư thả, ung dung tự tại) là phù hợp nhất. Mình không nghĩ vậy. Phải tìm trong hướng khác: Y học chẳng hạn. Đừng quên, PTT không chỉ thiền sư thi sĩ mà còn là một thầy thuốc.
 
PTT xuất thân trong một gia đình làm nghề đông y, từ nhỏ ông đã nghe quen mùi thuốc, ba chén sắc còn 6 phân, dao cầu, thuyền tán các thứ… để chữa thân bệnh. Lớn lên đi tu… lại học được Phật pháp, chữa cả tâm bệnh, vì thế vào đời, ngoài chuyện làm thơ, ông sáng tạo một phương pháp dùng nhân điện chữa bệnh như phim kiếm hiệp Kim Dung, đưa hơi xuống huyệt đan điền, truyền công lực qua các huyệt đạo trên thân thể, PTT đặt tên phương pháp mình là Phathata (viết tắt của Pháp-Thân- Tâm). Ta thấy “Pha” là PHÁP, “Tha” là THÂN và “Ta” là TÂM. Phải đặt tên bí hiểm một chút thì pháp mới linh nghiệm chớ!  Có lúc ông còn quả quyết Phathata của ông chữa trị được cả bệnh HIV-AIDS, Ung Thư các thứ…!
 
Về Phathata, ông bảo rằng ông “nghiệm ra phương pháp chữa bệnh điện công Phathata từ những cách tham thiền, vận nội công và yoga. Những tiền đề này ông đã tích lũy được từ những ngày còn trẻ (cha là thầy thuốc kiêm thầy võ) và thời gian tầm sư học đạo ở Thất Sơn (An Giang) khoảng 1964-1973 đã hình thành nên phương pháp ông đặt tên là Phathata này.
 
Như vậy, phải chăng “về tha” ở đây là “trở về với cái Thân xác”, về với cái Sắc trong ngũ uẩn: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Hành giả khi “hành thâm Bát Nhã, chiếu kiến ngũ uẩn giai Không” thì vượt hết mọi khổ đau ách nạn. (PTT vốn là Thích Tuệ Không!).  “Thân tâm nhất như” là nguyên tắc của Phật học và của Y học ngày nay (holistic medicine), nên ông muốn đem Phathata chữa bệnh giúp đời nhưng hiệu quả ra sao lại là vấn đề khác!
 
Tóm lại, “về tha” có thể là về với cái Thân xác, về với con người trần tục; và “mười con nhạn trắng” là mười ngón tay hoa miệt mài…
 
Phật giáo khuyên ly dục, ly tướng. “Ly nhất thiết tướng tức kiến Như Lai”. Nhưng tu sĩ thì hiểu bản thể Như-lai là vô tướng, thường trụ, bất nhị. “Chư pháp tùng bổn lai/ thường tự tịch diệt tướng”. Thị chư pháp không tướng: Bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm (Tâm Kinh). Cho nên “Như Lai thường trụ” là đúng. Cái hay ở đây là “Như lai thường trụ… trên tà áo xuân” nhé.
 
Thi sĩ Quách Thoai, một hôm thấy-biết Như Lai ở những bông bụp ngoài hàng giậu và giật mình sụp lạy, cúi đầu:
 
Đứng im ngoài hàng giậu
Em mỉm nụ nhiệm mầu
Lặng nhìn em kinh ngạc
Vừa thoáng nghe em hát
Lời ca em thiên thâu
 
Ta sụp lạy cúi đầu.
(QT)
 
Ở phần kết Động hoa vàng, PTT viết:
 
Vào hang núi nhập niết bàn
Tinh anh nở đoá hoa vàng cửa khe
Mai sau thí chủ nào nghe
Tìm lên xin hỏi một bè mây xanh
Hoa vàng ta để chờ anh
Hiện thân ta hát trên cành tâm mai
Trần gian chào cõi mộng này
Sông Ngân tìm một bến ngoài hoá duyên
 
Hy vọng bạn đã… hài lòng phần nào.
Thân mến,
 
ĐỖ HỒNG NGỌC
(11.6.2021)


 

  

No comments:

Post a Comment