Ngô
Thế Vinh
Hình 1:Lê Ngộ Châu sống và làm
việc ngay tại toà soạn Bách Khoa,
160 Phan Đình Phùng Sài
Gòn. Trước và sau 1975, chưa ai được nghe
anh Lê Châu kể lể về những
tháng năm thăng trầm với tờ báo Bách Khoa.
Tranh luận về “công lao
Bách Khoa” nếu có, là từ bên ngoài, và không là mối bận tâm của
Lê Châu.[tư liệu Ngô Thế
Vinh, hình chụp 05/03/1984]
TIỂU
SỬ LÊ NGỘ CHÂU
Tuổi Quý Hợi, sinh ngày 30/12/1923 tại làng
Phú Tài, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam vùng đồng bằng sông Hồng. Có thời gian
theo kháng chiến chống Pháp. Tới năm 1951 Lê Ngộ Châu hồi cư về Hà Nội, dạy học,
làm hiệu trưởng một trường trung học tư thục ở tuổi 29. Di cư vào Nam 1954, gia
nhập Hội Văn hoá Bình dân với một hệ thống Trường Bách khoa Bình Dân ở các tỉnh
miền Nam và Hội VHBD có xuất bản một nội san với tên Bách Khoa Bình Dân.
LỊCH
SỬ BÁO BÁCH KHOA
-- 1957 một tạp chí có tên Bách Khoa do hai
ông Huỳnh Văn Lang, Hoàng Minh Tuynh sáng lập, xuất bản mỗi tháng hai kỳ, với
quan niệm là: “Diễn đàn chung của tất cả những người tha thiết đến các vấn đề
Chính trị, Kinh tế, Văn hoá, Xã hội.”
Nguồn tài chánh ban đầu của Bách Khoa là
do đóng góp của một nhóm 30 người, gồm những nhà giáo, nhà báo, chuyên viên hay
công tư chức cao cấp thời bấy giờ; mỗi người góp 1.000 đồng (lương tháng hàng
giám đốc lúc đó khoảng 5.000 đồng) , tổng cộng được 29.500 đồng, một số tiền phải
nói là khá lớn (theo TS Phạm Đỗ Chí, thì 1 US$ = 35 VN$ và số tiền ấy tương
đương với hơn 20 lạng vàng theo thời giá 1957 lúc bấy giờ). Tên của họ được in
nơi bìa sau của những số báo Bách Khoa giai đoạn đầu, có thể kể: Lê Đình Chân,
Tăng Văn Chỉ, Đỗ Trọng Chu, Lê Thành Cường, Trần Lưu Dy, Lê Phát Đạt, Nguyễn
Văn Đạt, Nguyễn Lê Giang, Phạm Ngọc Thuần Giao, Nguyễn Hữu Hạnh, Lê Văn Hoàng, Nguyễn
Văn Khải, Phạm Duy Lân, Nguyễn Quang Lệ, Trần Long, Bùi Bá Lư, Dương Chí Sanh,
Nguyễn Huy Thanh, Bùi Kiến Thành, Hoàng Khắc Thành, Phạm Ngọc Thảo, Bùi Văn Thịnh,
Nguyễn Tấn Thịnh,Vũ Ngọc Tiến, Võ Thu Tịnh, Nguyễn Tấn Trung, Phạm Kim Tương,
Hoàng Minh Tuynh, Bùi Công Văn. (Chỉ có 29 tên, một người đóng 500 đồng, không
được nêu tên trong danh sách này). [5]
Có tác giả cho rằng nhóm 30 người đó họ chỉ
góp tiền chứ “không tham gia viết lách gì cho Bách Khoa” điều này không hoàn
toàn đúng, vì chúng ta có thể thấy ngay từ mấy số đầu Bách Khoa đã có các bài
viết mà tác giả cũng có tên trong danh sách những người góp vốn cho Bách Khoa
như: Phạm Ngọc Thảo (Thế nào là Quân đội mạnh, BK số 1), Hoàng Minh Tuynh (Nên
để trẻ được tự do hay nên nghiêm khắc với trẻ), Bùi Văn Thịnh (Một giai đoạn mới
chính sách kinh tế, BK số 1 & 2], Đỗ Trọng Chu (Trung cộng tấn công Hoa kiều
ở Đông Nam Á, BK số 2), Phạm Duy Lân (Bao giờ trời lại sáng, BK số 3, Chiến
tranh tương lai, BK số 24), Nguyễn Huy Thanh (Vấn đề tài trợ những tiểu xí nghiệp,
BK số 3, Quỹ tiết kiệm, BK số 5), Tăng Văn Chỉ (Quân bình giá vật, một biện
pháp tạm thời và rất cần để chấn hưng kinh tế, BK số 6), Võ Thu Tịnh (Tìm hiểu
quốc cơ: Pantja Sila của cộng hoà Nam Dương, BK số 7)…
Chủ nhiệm ban đầu của Bách Khoa là Huỳnh
Văn Lang, sinh ngày 26/7/1922, hơn Lê Ngộ Châu một tuổi, gốc người Nam quê ở
Trà Vinh, vùng đất cực nam hạ lưu song Cửu Long, là con một đại điền chủ giàu
có, trong một gia đình Thiên Chúa giáo toàn tòng, từng được du học Pháp, Canada
và Mỹ rất sớm, HVL được ông Ngô Đình Diệm mời về và là nhân vật số 2 của đảng Cần
Lao với chức danh Tổng bí thư Liên Kỳ Bộ Nam Bắc Việt, là một đảng của chính
quyền thời bấy giờ. Do HVL lúc đó đang làm Giám đốc Viện Hối Đoái, nên tờ báo
Bách Khoa có những thuận lợi, dễ dàng lấy được nhiều trang quảng cáo đắt giá từ
các ngân hàng, và các công ty thương mại lớn như Shell, BGI, Air Vietnam, Air
France… nên trong mấy năm đầu, với sẵn một số vốn lớn và có tiền quảng cáo hàng
tháng, báo Bách Khoa có khả năng sống độc lập về tài chánh.
Hình 2: Bách Khoa số 1, mẫu
bìa trước rất đơn giản,
chỉ là Mục lục các bài
viết, bìa sau là danh sách tên 29 người đóng góp tiền
mỗi người 1.000 đồng, có
một người đóng 500 đồng,tổng cộng được 29.500 đồng,
là số vốn khá lớn khởi đầu
cho tạp chí Bách Khoa. Không chỉ góp tiền, một số còn
viết bài cho Bách Khoa.
[5]
Theo ông Huỳnh Văn Lang thì: “Người thư
ký toà soạn ban đầu của Bách Khoa là bà Phạm Ngọc Thảo hay Phạm Thị Nhiệm, là
em gái của GS trường Petrus Ký Phạm Thiều đã tập kết ra Bắc. Bà Phạm Ngọc Thảo
là người đã mời được một số cây bút cộng tác ban đầu cho Bách Khoa như học giả
Nguyễn Hiến Lê, BS Nguyễn Văn Ba, BS Dương Quỳnh Hoa và nhứt là nhà văn Nguiễn
Ngu Í, rồi chính anh Nguiễn Ngu Í, đã giới thiệu thêm Bùi Giáng, Nguyễn Thị
Hoàng và nhiều tác giả khác. Bà Thảo cũng có viết một ít bài trong các số báo đầu
với bút hiệu là Minh Phong.” [6]
Như vậy, trong khoảng năm đầu 1957-1958,
Lê Ngộ Châu chưa thực sự có vai trò quan trọng trong toà soạn báo Bách Khoa.
Nhưng rồi sau này, phải tới Số Kỷ niệm Mười năm, Bách Khoa 241-242 [15/1/1957-15/1/1967],
chúng ta mới biết đích thực được ngọn nguồn của tờ Bách Khoa. Ngay nơi trang mở
đầu, sau khi nhắc lại mấy câu thay lời phi lộ trên số Bách Khoa số ra mắt, có lẽ
không ai khác hơn là Lê Ngộ Châu trong vai chủ nhiệm thay thế ông Huỳnh Văn
Lang đã viết những dòng chữ như sau và ký tên Bách Khoa Thời Đại:
“Hồi ấy chiến tranh chấm dứt từ lâu, tiếng
súng bình định ở một vài địa phương không còn nữa, Quốc hội Lập hiến được bầu,
Hiến pháp đương soạn thảo, những người có nhiệt tâm thiện chí ai cũng náo nức
muốn đem trí óc, sức lực của mình cố gắng làm cho miền Nam tự do thực giàu mạnh,
phương sách hiệu quả nhất để ngăn ngừa cộng sản nảy nở và xâm nhập. Một nhóm anh
em gồm một số trí thức, nhà văn, nhà báo, nhà giáo, công tư chức, trong trào
lưu hăng say đó, cũng muốn có một diễn đàn độc lập để góp ý với chính quyền,
bày tỏ nhận xét, cảm nghĩ của mình trong công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh và phục hưng xứ sở.
Diễn đàn ấy, tạp chí với ý hướng ấy, xin xuất bản trong nửa năm trời mà vẫn
không được phép. Về sau đành phải mượn lại giấy phép một nội san của Hội Văn
Hoá Bình Dân – tờ Bách Khoa Bình Dân – nên vì vậy tờ báo của quý bạn mới mang
danh hiệu Bách Khoa và mãi tới ngày 15/1/1957 mới ra mắt bạn đọc được.”
Và như vậy đã rất rõ, đâu là cội nguồn của
tờ báo, Bách Khoa đã phải khởi đầu bằng giấy phép của một “nội san” thuộc Hội
Văn Hoá Bình Dân.
Sự kiện nhóm sáng lập Bách Khoa, trong suốt
nửa năm mà không xin được giấy phép ra báo – khi mới bước vào năm thứ hai của nền
đệ Nhất Cộng Hoà, đã hé lộ ra ý hướng của một
nền “dân chủ tập trung” của chính quyền thời bấy giờ và hầu như được mọi người chấp nhận – và cũng
còn quá sớm để nói tới manh nha một chế độ độc tài về sau này.
—
1957, địa chỉ ban đầu của toà soạn Bách Khoa là 55 Bà Huyện Thanh Quan, Phòng
42, Sài Gòn, địa chỉ thứ hai là nhà in Văn Hoá cũng là nơi in báo Bách Khoa,
412-414 Trần Hưng Đạo, Sài Gòn,và phải từ số báo 40 (1/9/1958), Bách Khoa mới
chính thức có một toà soạn:160 Phan Đình Phùng, Sài Gòn, được coi như một địa
chỉ dấu ấn / landmark lâu dài nhất của Bách Khoa trong lịch sử báo chí miền
Nam.
—
1958, khi Huỳnh Văn Lang đi tu nghiệp ở Mỹ, Lê Ngộ Châu được ông Hoàng Minh
Tuynh – lúc đó đang làm Phó Giám đốc Viện Hối Đoái, giới thiệu với chủ nhiệm Huỳnh
Văn Lang vào làm cho Bách Khoa như một thư ký toà soạn. Trên thực tế từ đây, Lê
Ngộ Châu là người trực tiếp điều hành tờ Bách Khoa, cho dù chủ nhiệm Huỳnh Văn
Lang vẫn đứng tên.
—
1963, sau cuộc đảo chánh 1/11/1963 của quân đội, hai anh em ông Ngô Đình Diệm /
Ngô Đình Nhu bị thảm sát, chấm dứt 9 năm nền Đệ Nhất Cộng Hoà, ông Huỳnh Văn
Lang bị bắt vì có liên hệ làm kinh tài cho Đảng Cần Lao; một thời gian sau cho
tới tháng 2 năm 1965, ông HVL mới không còn đứng tên chủ nhiệm trên manchette
Bách Khoa.
—
1965, trong số Kỷ niệm 8 năm, cũng là số Xuân Ất Tỵ, Bách Khoa 193-194 đã có
nhiều bước cải tiến: nội dung ngày càng đa dạng và cân bằng hơn, với quan niệm
của chủ nhiệm Lê Ngộ Châu là: “tờ báo trong năm ra nhiều số đặc biệt hướng về một
chủ điểm như số xuất bản trong dịp đản sinh đức Phật… Và thay vì ra một số về
tôn giáo thì Bách Khoa đăng một loạt bài trong nhiều kỳ lên tiếp về các tôn
giáo đã phát sinh hay bắt rễ trên đất nước chúng ta mà ít người biết rõ, từ đạo
Cao Đài, Phật giáo Hoà Hảo đến đạo Ba-Hai, Hồi Giáo… Thay vì ra một số về cuộc
đời sự nghiệp các nhà văn hiện tại, thì Bách Khoa giới thiệu cùng bạn đọc trên
mỗi số báo về “Sống và Viết Với” của một nhà văn, vấn đề góp lại sau này thành
được một tác phẩm mấy trăm trang chứ không phải chỉ thu gọn trong mấy chục
trang của một số đặc biệt.”
Về hình thức, Bách Khoa có một vóc dáng
mới mẻ, các trang báo trình bày sáng sủa, với những mẫu bìa nghệ thuật do các
hoạ sĩ danh tiếng thiết kế như Phạm Tăng, Tạ Tỵ, cùng với các hoạ sĩ trẻ tài
năng như Lâm Triết (huy chương vàng Triển lãm Hội Hoạ Mùa Xuân 1962), Nghiêu Đề
(huy chương bạc Triển lãm Hội Hoạ Mùa Xuân 1961), và hoạ sĩ Văn Thanh sau này.
*****
Hình 3a: từ trái, những mẫu bìa
đẹp của Bách Khoa
của các hoạ sĩ danh tiếng:
Tạ Tỵ. Phạm Tăng, Văn Thanh.
[5]
Hình 3b: mẫu bìa của hai hoạ sĩ
trẻ tài ba; từ trái Nghiêu Đề, huy chương bạc 1961,
và Lâm Triết huy chương
vàng 1962 trong các cuộc Triển lãm Hội Hoạ Mùa Xuân 1961-1962. [5]
BÁCH KHOA VỚI NHIỀU TÊN GỌI
Tuỳ vị trí mỗi người khi đến với Bách Khoa
mà đặt cho những tên gọi khác nhau, thông thường nhất là “nhóm” Bách Khoa, nhà
văn nhà báo Nguiễn Ngu Í thì dí dỏm gọi đó là “động” Bách Khoa, với số nhà văn
trẻ khởi nghiệp và thành danh từ Bách Khoa thì gọi đó là “lò” Bách Khoa – cũng
là nhóm chữ của nhà văn nữ Trùng Dương trong bài viết: Bách Khoa, nơi từ đó [2]
nhưng có lẽ tiếng gọi phổ quát và thân thương nhất vẫn là “gia đình” Bách Khoa,
do cái không khí thân ái ấm cúng mà anh chị Lê Ngộ Châu – Nghiêm Ngọc Huân đã tạo
được cho những ai đã từng đến và sinh hoạt với toà soạn Bách Khoa.
Lê Ngộ Châu đã mở ra một con đường thênh
thang cho Bách Khoa. Và kể từ số 195 Tân Niên 15/2/1965 tờ báo nay mang một tên
mới với thêm hai chữ thời đại: Bách Khoa Thời Đại và chính thức đứng tên chủ
nhiệm là Lê Ngộ Châu, vẫn là người tiếp tục điều hành và mở mang tờ Bách Khoa.
Những cuộc phỏng vấn như một kho dữ liệu quý giá không chỉ với các nhà văn, nhà
thơ mà còn mở rộng ra các lãnh vực văn hoá nghệ thuật khác như giới hoạ sĩ, nhạc
sĩ, nhà nghiên cứu… vẫn do Nguiễn Ngu Í với kiến thức và tài hoa thực hiện, là
một mặt mạnh khác của Bách Khoa.
Hình 4: Hình bìa Bách Khoa số
195 (15/2/1965), với một tên mới Bách Khoa Thời Đại.
Từ địa chỉ 160 Phan Đình Phùng Sài Gòn, với
thời gian, nhà báo Lê Ngộ Châu trong vai trò một chủ nhiệm kiêm chủ bút tài
năng của Bách Khoa, tên tuổi anh càng ngày càng toả sáng. Các cây bút cộng tác
lâu năm với Bách Khoa và cả những cây viết mới về sau này, đã có cùng một nhận
định: Lê Ngộ Châu là người có kiến thức rộng, khiêm tốn và trầm tĩnh trong cách
ứng xử, được xem như “linh hồn” của báo Bách Khoa cho tới năm 1975.
Tuy Bách Khoa từng được đánh giá là một
vùng xôi đậu: quốc cộng và cả thành phần thứ ba – theo ngôn từ của nhà thơ
Nguyên Sa. Ví von của Nguyên Sa đúng cho cả hai thời kỳ của Bách Khoa.
— Thời kỳ đầu, với chủ nhiệm Huỳnh Văn
Lang, đã có Phạm Ngọc Thảo sinh năm 1922 [cùng năm sinh với Huỳnh Văn Lang], một
cây viết chuyên về các vấn đề quân sự cho Bách Khoa, là một cán bộ CS cao cấp nằm
vùng, một chuyên viên khuynh đảo, có liên hệ tới 2 cuộc đảo chánh của cả 2 nền
Cộng Hoà [mất năm 1965]; BS Dương Quỳnh Hoa sinh năm 1930, tốt nghiệp ĐH Y khoa
Paris, gia nhập Đảng CS Pháp rồi Đảng CS Đông Dương, có viết bài về Y khoa cho
Bách Khoa trong mấy số đầu, sau này bà DQH đã tham gia sáng lập Mặt trận Dân tộc
Giải phóng miền Nam và giữ chức Bộ trưởng Y tế của Chính phủ Các mạng Lâm thời
Cộng hoà miền Nam, sau 1975 bà từ bỏ đảng CS [mất năm 2006], Phan Lạc Tuyên
sinh năm 1930 là nhân vật quân sự quan trọng số 3 tham gia cuộc đảo chánh thất
bại 11/11/1960 của nhóm Nguyễn Chánh Thi – Vương văn Đông, Phan Lạc Tuyên là
nhà thơ với bài Tình quê hương Anh về qua xóm nhỏ được Đan Thọ phổ nhạc
rất nổi tiếng khắp miền Nam lúc bấy giờ. Sau này Phan Lạc Tuyên theo CS ra Bắc,
được du học Ba Lan tốt nghiệp Tiến sĩ Dân tộc học, đi theo con đường học thuật,
nghiên cứu Phật học rồi xuất gia với pháp danh Nguyên Tuệ [mất năm 2011].
— Thời kỳ hai, với chủ nhiệm Lê Ngộ Châu,
cũng là lâu dài nhất, nhóm Bách Khoa đã có Người Tù Võ Phiến chống cộng, bên cạnh
Bút Máu Vũ Hạnh / Cô Phương Thảo cán bộ CS nằm vùng, cùng với các cây bút có
khuynh hướng trung dung hay còn được gọi là thành phần thứ ba như học giả Nguyễn
Hiến Lê, LM Nguyễn Ngọc Lan, nhà báo Nguiễn Ngu Í / Nguyễn Hữu Ngư… Lê Ngộ Châu
đi ra từ kháng chiến cũng được xem như thành phần thứ ba, nhưng LNC đã khéo léo
dung hoà được mọi khuynh hướng chính trị, tôn giáo khác biệt để Bách Khoa càng
ngày càng quy tụ được nhiều cây bút có uy tín thuộc cả ba miền Nam, Trung, Bắc,
thuộc các thế hệ già trẻ tiếp nối.
Về nội dung, với 3 tiết mục chính: Biên khảo,
Nghị luận, Văn nghệ có thể nói Bách Khoa đã
giới thiệu được khá đầy đủ các khía cạnh của xã hội miền Nam, cả tiếp cận
với các phong trào tư tưởng mới từ Tây phương, từ văn học, khoa học tới triết học
trong và ngoài nước qua ngót hai thập niên [từ 1957 tới 1975], xuyên suốt hai nền
Cộng Hoà miền Nam Việt Nam.
Đáng kể hơn nữa, Lê Ngộ Châu còn phát hiện
thêm những cây viết trẻ và đa số đều thành danh những năm về sau này. Với các
cây bút nam như Lê Tất Điều, Trần Hoài Thư, Hoàng Ngọc Tuấn, Thế Uyên, Nguyễn Mộng
Giác, và các cây bút nữ như Tuý Hồng, Nguyễn Thị Hoàng, Trùng Dương, Nguyễn Thị
Thuỵ Vũ…
Lê Ngộ Châu tuy không phải là văn gia – chữ
của Võ Phiến, nhưng anh là một chủ nhiệm quản trị giỏi, một chủ bút cũng rất
bén nhạy với thơ văn. Vào khoảng năm 1970 khi toà soạn Bách Khoa vừa nhận được
bài thơ Còn Chút Gì Để Nhớ của Vũ Hữu Định, một tên tuổi còn xa lạ với
Lê Ngộ Châu nhưng do thấy bài thơ quá hay với hình ảnh nhẹ nhàng về phố núi
Pleiku, Lê Châu đã nhờ Trí Đăng chở tới nhà nhạc sĩ Phạm Duy – cũng là bạn thân của Lê Châu từ hồi
Kháng Chiến trong Liên Khu Tư, lúc đó Phạm Duy đang ở cư xá Chu Mạnh Trinh ngã
tư Phú Nhuận gần hồ tắm Chi Lăng, nơi quy tụ nhiều gia đình nghệ sĩ tới ở như
Năm Châu, Nguyễn Mạnh Côn, Duyên Anh, Minh Trang, Kim Tước… và Lê Châu đề nghị
Phạm Duy phổ nhạc. Chỉ hai ngày sau Phạm Duy đã chắp cánh cho bài thơ Còn Chút
Gì Để Nhớ bằng một bản nhạc cùng tên và được phát ngay trên đài Phát thanh Sài
Gòn với giọng ca vượt thời gian của Thái Thanh. Phổ nhạc thơ là một khía cạnh
tài năng khác trong gia tài âm nhạc của Phạm Duy.
NHỮNG
CHẶNG ĐƯỜNG BÁCH KHOA:
—
Số 1 Bách Khoa: số ra mắt 15/1/1957, là một bán nguyệt san, ngay nơi trang nhất
có đăng, Thay Lời Phi Lộ:
“Xây dựng nước nhà về toàn diện là nhiệm
vụ chung của mọi người, trong đó việc góp phần sáng kiến cá nhân, dù đúng, dù
sai, đều có ích lợi, miễn là tư tưởng ấy xuất phát từ một ý muốn tốt và thành
thực. Một quốc gia nếu chỉ có một nền kinh tế vững chắc chưa đủ. Thêm một trình
độ chính trị cao cũng chưa hoàn toàn. Một quốc gia cần phải là một tổ hợp tất cả:
kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội… Xây dựng một nước Việt Nam hẳn là xây dựng
đủ các ngành, các khoa, các phương diện. Với quan niệm như thế, tạp chí Bách
Khoa ra đời.” [5]
Thay Lời Phi Lộ đó như là một tuyên ngôn
của tờ Bách Khoa, đồng thời cũng phản ánh đường lối của nhóm Bách Khoa lúc bấy
giờ.
Mấy số báo Bách Khoa đầu tiên chủ yếu là
đăng các bài của nhóm chuyên viên trong Hội Nghiên cứu Kinh tế Tài chánh của
ông Huỳnh Văn Lang.
Học giả Nguyễn Hiến Lê, trong cuốn hồi ký
Đời Viết văn của tôi – Chương 20, ông viết: “Trong lịch sử báo chí nước
nhà, tờ Bách Khoa có một địa vị đặc biệt. Không nhận trợ cấp của chính quyền,
không ủng hộ chính quyền mà sống được mười tám năm, từ 1957 đến 1975.” [hết
trích dẫn]
Nhận định của học giả Nguyễn Hiến Lê:
“Bách Khoa không ủng hộ chính quyền” là không hoàn toàn đúng ở giai đoạn một của
tờ báo Bách Khoa [ từ 1957 tới 1963 ] khi ông Huỳnh Văn Lang còn đứng tên trực
tiếp điều hành tờ báo.
Ở giai đoạn một, thái độ thân chính quyền
là phần rất đậm nét của tạp chí Bách Khoa, điều đó không có gì đáng ngạc nhiên
vì hai ông Huỳnh Văn Lang, Hoàng Minh Tuynh
và nhóm chủ chương đang là các công chức cao cấp của chính quyền thời bấy
giờ. Ngay từ Bách Khoa số 1, nơi cuối các trang báo trống thường là nơi trích dẫn
các danh ngôn cổ kim, thì đã có 5 trang (trang 8, 29, 39, 43, 62) là các câu
trích dẫn tư tưởng Ngô Đình Diệm từ những bài diễn văn đâu đó của vị Tổng thống
đương thời:
— BK1 trang 8, ngay phía dưới câu trích dẫn
của Đức Hồng Y Saliège, là tư tưởng của TT Ngô Đình Diệm : “Chúng ta quyết tâm
xây dựng Quốc gia Việt Nam trên những nền tảng mới. Lấy nhân dân là cương vị, lấy
tự do dân chủ là phương châm, lấy công lý xã hội làm tiêu chuẩn.”
— BK1, trang 29: “Những chủ nghĩa cá nhân
tư lợi không đếm xỉa gì tới công lý xã hội, cũng như chủ nghĩa độc tài chuyên
chế không đếm xỉa gì tới phẩm giá và tự do của con người , đều là những con đường
dẫn tới đoạ đày, nô lệ.” TT Ngô Đình Diệm
— BK1, trang 39: “Những cố gắng của chúng
ta phải nhằm mục phiêu cải thiện đời sống quốc dân, nâng đỡ các giới cần lao,
nhất là nông dân, san bằng những nỗi bất công, trừ diệt mọi mầm áp bức.” TT Ngô
Đình Diệm
— BK1, trang 43 cũng ngay phía dưới câu
trích dẫn của Đức Hồng Y Saliège, là tư tưởng của TT Ngô Đình Diệm:“Các anh em
phải tận tâm săn sóc tới cuộc sinh hoạt hàng ngày của đồng bào, luôn luôn tìm
hiểu nhu cầu và nguyện vọng của đồng bào, để ân cần giúp đỡ về mọi phương diện.”
— BK1 trang 62: “Dân muốn thì quân nghe,
quân làm thì dân giúp. Tình đồng bào và quân đội quả là tình cá nước. Quân dân
nhất trí là nền tảng của chính nghĩa.” TT Ngô Đình Diệm
Và
nhất là mấy bài Quan điểm trên báo Bách Khoa ký tên Chủ nhiệm Huỳnh Văn Lang phản
ảnh rất rõ quan điểm của chính quyền đệ Nhất Cộng Hoà mà ông HVL đang tham gia,
như:
Trên số Bách Khoa 43 (15/10/1958), chuẩn
bị chào mừng cái Tết thứ Ba của nền đệ Nhất
Cộng Hoà [26/10/1955 – 26/10/1958], ông Huỳnh Văn Lang có một bài viết với
tiêu đề “Những Kẻ Phá Hoại Chế Độ” , ông HVL đã bộc trực chấp bút viết: “Họ
không phải là những người của bên kia, mà là những người bên này của mặt trận.
Họ âm thầm sinh hoạt, gián tiếp tàn phá, ít người lưu ý. Họ càng nguy hại hơn nữa
không phải ở cái chỗ người xung quanh không quan tâm tới họ, mà họ lại còn lầm
lẫn cho mình vẫn là chiến sĩ của chính nghĩa, là rường cột của chế độ có khi là
ân nhân của đồng bào nữa.” Và ai cũng hiểu rằng lúc ấy ông Huỳnh Văn Lang
đang lên án gay gắt mấy đảng phái quốc
gia – những phe phái không cùng chính kiến với chính quyền TT Ngô Đình Diệm lúc
bấy giờ.
Cũng trong năm 1958 đó, độc giả Bách Khoa
đã không thể không chú ý tới mấy Thông báo của Nhóm Văn Hoá Ngày Nay do nhà văn
Nhất Linh Nguyễn Tường Tam chủ trương, và thông báo này đã đăng liên tiếp trên
các số Bách Khoa 31, 33, 34 với nội dung như sau:
Nhóm Văn Hoá Ngày Nay “Đã nộp đơn xin ra
dưới hình thức một tuần báo, nhưng sau mấy tháng chưa được phép, sợ các độc giả
mong chờ nên chúng tôi dự định cho ra thành từng tập, kiểu “Loại Giai Phẩm”
(trích Bách Khoa số 31, 15/4/1958). [5]
Một tên tuổi văn hoá và chính trị lớn như
Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, lúc ấy Nhất Linh cũng đang là hội viên danh dự và
cũng là cố vấn Hội Văn Bút Việt Nam, và ngay giữa năm thứ tư thịnh vượng của nền
đệ Nhất Cộng Hoà mà cũng không xin được giấy phép ra một tuần báo văn chương, sự
kiện ấy rất đáng được ghi nhận và quan tâm. Nhưng giữa bối cảnh “Sáng Dội Miền
Nam” (tên một tạp chí ảnh rất đẹp của ông Võ Đức Diên thời đệ Nhất Cộng Hoà)
lúc ấy, và với chính sách một nền dân chủ tập trung hầu như vẫn được dân chúng
miền Nam mặc nhiên chấp nhận.
Trên số Bách Khoa 97 (15/1/1961), cũng là
năm thứ Sáu của nền đệ Nhất Cộng Hoà, và là số Kỷ Niệm Đệ Tứ Chu Niên của tờ Bách Khoa, ông Huỳnh Văn Lang đã có một bài
viết với tiêu đề “Những Kẻ Phản Loạn” giọng điệu rất gay gắt lên án cuộc đảo
chánh 11/11/1960 của nhóm sĩ quan cấp tá: Nguyễn Chánh Thi / Đại tá – Vương Văn
Đông / Trung tá, có cả sĩ quan cấp uý Phan Lạc Tuyên, một cây bút của Bách Khoa
lúc bấy giờ, cùng với đám chính khách đối lập thuộc Mặt trận Quốc dân Đoàn kết
có tên Nhất Linh Nguyễn Tường Tam ủng hộ cuộc đảo chính. Do ông HVL lúc ấy đang
là một “công thần của chế độ” đã không ngần ngại gọi ngay họ là bọn “phản quốc”,
một tuyên án có trước cả Toà Án Quân Sự Đặc Biệt với Trung tá quân pháp Lê
Nguyên Phu Uỷ là viên Chính Phủ được thiết lập sau này. Bị kết tội danh “phản
quốc” cũng là một trong những nguyên nhân đưa tới tuẫn tiết của văn hào Nhất
Linh ba năm sau,1963]. [5]
Hình 5: (1) Từ Bách Khoa số
1(15/01/1957) tới số 5 (15/03/1957),
với địa chỉ toà soạn 55
Bà Huyện Thanh Quan, Phòng 42, Sài Gòn,in tại nhà in An Ninh,
\44 Nguyễn An Ninh, Sài
Gòn. (2) Từ Bách Khoa số 6 (1/4/1957) tới số 39, toà soạn dời về
địa chỉ nhà Văn Hoá in
412-414 Trần Hưng Đạo, Sài Gòn. (3) Bắt đầu từ BK số 40 (1/9/1958),
lần thứ ba toà soạn Bách
Khoa dọn về 160 Phan Đình Phùng, Sài Gòn, một địa chỉ in đậm
“dấu ấn” của Lê Ngộ Châu
xuyên suốt cho tới số 426 (19/4/1975), cũng là số báo cuối cùng,
chấm dứt cuộc hành trình
18 năm của Bách Khoa. [5]
Ba
năm sau cuộc đảo chánh lần thứ nhất thất bại (11/11/1960), do thấy rõ nguy cơ một
cuộc đảo chánh quân sự khác lật đổ chế độ Gia đình Họ Ngô sẽ xảy ra, không ai
khác hơn chính ông Huỳnh Văn Lang nhân vật số 2 của đảng Cần Lao, lại manh nha
“phản loạn” – chữ mà ông đã gán cho nhóm đảo chánh 11/11/1960 trước đó.
Huỳnh Văn Lang đã cùng với Phạm Ngọc Thảo
(là một tay khuynh đảo “hai mang,” cấp bậc Đại tá của quân đội cả 2 bên). Hai
người bắt đầu đi liên lạc vận động với một số tướng lãnh thân tín thuộc đảng Cần
Lao như các tướng Trần Thiện Khiêm, Nguyễn Khánh, Đỗ Cao Trí… để lập một kế hoạch
đảo chính chế độ Ngô Đình Diệm, với mục đích loại trừ vợ chồng ông cố vấn Ngô
Đình Nhu, Đức Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục và ông Ngô Đình Cẩn ngoài miền Trung
nhưng giữ lại cụ Diệm – người mà ông HVL vẫn tôn vinh coi như là biểu tượng của
chính nghĩa. Huỳnh Văn Lang đã nói với tướng Nguyễn Khánh là: mình đảo chính
“ông cụ” để giữ “ông cụ”. [Huỳnh Văn Lang, Nhân chứng một chế độ, Một Chương Hồi
ký, Tập Ba (trang 208 – 219). Tác giả Xuất bản 2001] [7]
Với kế hoạch “đảo chánh nửa vời” ấy nhằm
phân hoá một gia đình Họ Ngô vốn có truyền thống đoàn kết sắt son từ bao nhiêu
thế hệ, phải nói là người chủ trương cuộc chính biến ấy đã quá “lãng mạn hoặc
ngây thơ” và cũng chứng tỏ ông Huỳnh Văn Lang đã chẳng hiểu gì TT Ngô Đình Diệm,
người mà ông được gần gũi và phục vụ trung thành trong suốt 9 năm và dĩ nhiên
mưu đồ “đảo chánh” ấy của nhóm Lang – Thảo đã bất thành ngay từ trong trứng nước.
[7]
Để rồi chỉ ít lâu sau, một vụ chính biến
quân sự khác nổ ra vào ngày 1/11/1963 của nhóm tướng lãnh Trần Văn Đôn, Lê Văn
Kim, Dương Văn Minh, Tôn Thất Đính, Đỗ Mậu do họ biết chớp lấy thời cơ của một
tình hình đã chín muồi, đưa tới cái chết bi thảm của cả hai anh em ông Diệm ông
Nhu, chấm dứt nền đệ Nhất Cộng Hoà.
Hai tuần lễ sau, trên tờ Bách Khoa số 165
[15/11/1963], là một bài viết dĩ nhiên không phải của Huỳnh Văn Lang mà của một
người ký tên Tiểu Dân –người dân bé nhỏ, với tiêu đề: “Cảm nghĩ về sự cáo chung
của một chế độ độc tài”– đó là một bài viết với văn phong trầm tĩnh, đã không
nêu đích danh lên án hoặc kết tội bất cứ ai. Mở đầu bài viết với mấy dòng chữ“Một
chế độ lỗi thời, phản tiến hoá, vừa bị đào thải. Một chế độ mới hướng về Tự Do
thực sự, Dân chủ chân chính đang được xây dựng.”
Bài viết dài 6 trang là một phân tích bài
học của 9 năm về nền đệ Nhất Cộng Hoà, với nhận định rằng:“Nếu không đớn hèn thụ
động thoả hiệp đầu hàng, thì không bao giờ có được chế độ độc tài. Nếu có chế độ
độc tài như đã xảy ra trong 9 năm đau buồn – thì chính chúng ta bất cứ ai cũng
đều có một phần trách nhiệm không nhỏ.” Và đây là câu kết luận của bài viết: “Một
dân tộc thế nào thì có một chính quyền thế ấy.” “Và ta nên nghiền ngẫm chân lý
này để đấu tranh xây dựng một chế độ
chân chính Dân Chủ và thực sự Tự Do.”[5]
NHỮNG KHÓ KHĂN VỀ TÀI CHÁNH CỦA BÁCH KHOA
Tạp chí Bách Khoa trước và sau đổi tên 5
lần, dù có những tên khác nhau nhưng cơ bản tờ báo luôn luôn có hai chữ Bách
Khoa xuyên suốt từ số 1 tới số 426. [6]
1/
Bách Khoa từ số 1 (15/1/1957) tới số 193-194 (15/1/1965];
3/
Bách Khoa Thời Đại từ số 195 (15/ 2/1965) đến số 312 (1/1/1970)
4/
Bách Khoa (trở lại tên BK), từ số 313-314 [15/1-1/2/1970) tới số 377
(15/9/1972]
5/
Bách Khoa Đặc San số 378 (1/10/1972) tới số 379 (15/10/1972)
6/
Bách Khoa Giai Phẩm số 380 (1/11/1972 tới số 426 (19/4/1975)
Sở dĩ có sự thay đổi tên gọi như trên nhiều
phần vì lý do chính trị: từ chế độ cũ / đệ Nhất Cộng Hoà sang chế độ mới / đệ
Nhị Cộng Hoà, và cả do những đường lối thay đổi rất bất thường của các Bộ Thông
tin và chính sách kiểm duyệt báo chí thời bấy giờ.
Viết về tờ báo Bách Khoa, ai cũng nghĩ
đó là tờ báo không nhận nguồn trợ cấp từ chính quyền điều đó đúng, nhưng nếu
nói Bách Khoa không có khó khăn về tài chánh thì sai – vì kể từ sau đảo chính
1963, khi ông Huỳnh Văn Lang vướng vào vòng lao lý, nguồn thu nhập về quảng cáo
không còn như trước, rồi thêm tình trạng lạm phát khiến mọi chi phí cho việc in
ấn mỗi số Bách Khoa ngày một gia tăng, số độc giả Bách Khoa cũng lên xuống bất
thường do thiên tai lũ lụt ngoài Trung, do biến động chính trị và tình hình chiến
sự lan rộng khiến đường bộ mất an ninh
và Bách Khoa không phát hành ra miền Trung được – mà ai cũng biết miền Trung
tuy nghèo nhưng lại là vùng có số độc giả tiêu thụ sách báo lớn nhất của cả nước.
Nhà thơ Thành Tôn bấy lâu vẫn tình nguyện giúp phát hành sách báo ở miền Trung
trong nhiều năm cũng đã cho biết như vậy.
Khi Bách Khoa thực sự bước vào những giai
đoạn khó khăn về tài chính. Lê Châu đã phải bươn chải, thay đổi nhà in, tìm nơi
in với giá rẻ, và giảm thiểu mọi chi tiêu ở toà soạn để Bách Khoa có thể sống
còn, đây là một khía cạnh “tài năng khác” của Lê Ngộ Châu ít được ai biết tới.
Một điểm son khác của Bách Khoa, dù trong tình trạng thiếu hụt nào, chưa bao giờ
Bách Khoa không chu toàn phần nhuận bút với các cây bút cộng tác trong nước.
Bách Khoa giai đoạn đầu, báo in ở (1) Nhà
in An Ninh, 44 Nguyễn An Ninh Sài Gòn, rồi một nhà in khác (2) Nhà in Văn Hoá
412-414 Trần Hưng Đạo Sài Gòn,
Bách Khoa giai đoạn hai, chuyển qua (3) Nhà
in Tương Lai, 133 đường Võ Tánh Sài Gòn, rồi cuối cùng là (4) Nhà in Trí Đăng,
21 Nguyễn Thiện Thuật Sài Gòn, từ số 332 tới 426 [1/11/1970 – 19/4/1975].
Trên số BK 221 (15/3/1966), giữa những tin
chiến sự nóng bỏng như: chiến tranh mở rộng ra miền Bắc, trận đánh lớn Đồng
Xoài; toà soạn Bách Khoa ra thông báo: “vì giao thông đường bộ gián đoạn, báo
chuyển ra miền Trung từ nay phải hoàn toàn gửi bằng đường hàng không, nên độc
giả báo dài hạn, báo biếu xin gửi thêm 20đ tiền tem.”
Nhà in Tương Lai trên đường Võ Tánh trước
kia do trúng thầu in vé Số Quốc gia có lợi nhuận lớn, nên trong nhiều năm nhận
in thêm Bách Khoa với giá rất phải chăng; nhưng khi mất nguồn thu nhập này,
Tương Lai không còn có thể in Bách Khoa với giá thấp như trước, Bách Khoa đứng
trước nguy cơ “xập tiệm”.
May lúc đó có nhà văn nhà báo Nguiễn Ngu Í
vốn là bạn thân lâu năm của anh Trí Đăng từ hồi còn ở Quảng Ngãi, giới thiệu Lê
Ngộ Châu với nhà xuất bản Trí Đăng. Anh Trí Đăng, tên thật là Nguyễn Liên tuy gốc
nhà giáo có bằng Cao học Triết Đại học Văn Khoa Sài Gòn nhưng lại thích hoạt động
trong ngành xuất bản. Anh có nhà in lớn, lại đang thành công trong công việc xuất
bản sách giáo khoa, nên Trí Đăng đã nhận in Bách Khoa với giá vốn nhưng anh LNC
vẫn chưa hết khó khăn cho dù đã giảm thiểu tối đa mọi chi phí ở toà soạn, với
nhân sự chỉ còn 3 người: vợ chồng Lê Châu – Nghiêm Ngọc Huân và một thư ký.
Bách Khoa đang phát hành mỗi kỳ hơn 4 ngàn
số báo, với 1000 độc giả dài hạn và khoảng 100 độc giả ở nước ngoài, nay số
phát hành có lúc xuống chỉ còn 1 ngàn, sau
có tăng dần nhưng cũng không thể nào trở lại con số ban đầu. Giá báo phải tăng
từ 8$ lên 12$ rồi 15$… Tới một lúc, để
có thể sống còn, Bách Khoa phải cùng với các tạp chí khác như Văn, Tân Văn, Phổ
Thông, Văn Học, đồng loạt tăng lên 20$ một số báo.
Rồi
từ số BK 378 [tháng 10 năm 1972], với Sắc
luật 007* nghiệt ngã và kỳ quái, nhiều tờ báo đã phải đóng cửa và Bách Khoa
đã phải ra với hình thức Giai Phẩm, giá
mỗi số Bách Khoa vẫn tăng liên tục từ 50$, 70$, 100$ rồi 120$, rồi 150$ từ số
Giai phẩm 405, rồi 200$ từ số 406.
* Sắc Luật 007/ 72 do TT Nguyễn Văn Thiệu
ký ngày 5/8/1972, bắt buộc mỗi nhật báo phải đóng ký quỹ 20 triệu đồng (80 VN$
tương đương với 1US$ lúc đó), còn báo định kỳ tuần san, bán nguyệt san phải
đóng ký quỹ 10 triệu đồng nếu tờ báo nào không nộp đủ số tiền đó, sẽ bị rút giấy
phép ra báo. Sắc luật 007 còn có thêm quy định tờ báo nào bị tịch thu lần 2 sẽ
bị đóng cửa vĩnh viễn. Chỉ riêng khoản
phải đóng ký quỹ 10 triệu đồng, Bách Khoa vĩnh viễn từ đây không thể nào
có giấy phép và chỉ có thể ra từng tập với số kiểm duyệt như một “giai phẩm”.
Ngày Ký Giả đi ăn mày cuối năm Dần
[8/9/1974], với hình ảnh một học giả Hồ Hữu Tường nón lá và bị gậy đi giữa đông
đảo đoàn ký giả thuộc thế hệ trẻ hơn ông là một bi hài kịch cuối cùng của tự do
báo chí miền Nam, mấy tháng trước ngày mất nước 30/4/1975.
Hình 6: trái, hình bìa số Giai
phẩm Xuân Ất Mão 1974 của hoạ sĩ Văn
Thanh;
phải, trang sinh hoạt
Bách Khoa với hình ảnh một học giả Hồ Hữu Tường đội nón lá
và bị gậy đi giữa đông đảo
đoàn ký giả thuộc thế hệ trẻ hơn ông là một bi hài kịch cuối cùng
của tự do báo chí miền
Nam, mấy tháng trước ngày mất nước 30/4/1975. [5]
Trong số giai phẩm Xuân Ất Mão – cũng là
số kỷ niệm 18 năm, Nhóm Chủ trương Bách Khoa viết: “Với số này, Bách Khoa đã bước
sang năm 19 bằng những bước thực là chật vật và cực nhọc. Nói về giá giấy và
chi phí ấn loát đã leo thang nhiều bậc thật dài, nói về mãi lực bạn đọc giảm
sút đều đều, tháng này qua tháng khác… Cảm tình của bạn đọc có sức mạnh gây được
niềm tin tưởng cho những anh em đã cộng tác và làm nên tờ Bách Khoa ngày nay, để
hy vọng Bách Khoa còn đứng vững được trong những tháng sắp tới của năm mới, mặc
dầu tình hình chiến sự đương khẩn trương hơn lúc nào hết, tình trạng kinh tế mỗi
ngày một khó khăn và tương lai của ngành xuất bản và báo chí thì tối tăm như
đêm ba mươi Tết…” Đó là trang mở đầu ảm đạm của số giai phẩm Xuân Ất Mão – thay
vì là một thiệp chúc Tết vui tươi.
Thêm một may mắn nữa, Lê Ngộ Châu gặp được
một quý nhân hỗ trợ: đó là nhà giáo Phạm Tấn Kiệt, bút hiệu Long Điền hay Phạm
Long Điền, (do quê anh ở quận Long Điền,
Bà Rịa Vũng Tàu), Long Điền cũng từng viết một số bài cho Bách Khoa [từ 1974] với
các đề tài như: Cụ Phan Văn Trường với tập Hồi Ký “Một chuyện âm mưu của người
An-nam tại Paris [BK 405], Nhân Kỷ niệm Phan Chu Trinh, nhắc lại Vụ án Nguyễn
An Ninh 48 năm về trước (1926) [BK 408-409], Thuyết Pháp Việt Đề Huề và nhóm La
Cloche fêlée [BK 410]… Viết về nghiên cứu văn hoá, nhưng anh Long Điền Phạm Tấn
Kiệt lại có bằng cử nhân Vật lý Đại học Khoa học Sài Gòn, tốt nghiệp Đại học Sư
phạm, là Giám đốc Nha Nghiên Cứu và Kế hoạch Bộ Giáo dục, và ở cương vị ấy Phạm
Long Điền đã có một “hành động rất nghĩa hiệp” vượt qua nguyên tắc, linh hoạt
giúp Bách Khoa có được “bông giấy” từ Bộ Kinh Tế, với quy chế Bách Khoa được
“in như một tài liệu sách giáo khoa”.
Lê Ngộ Châu duy trì được tờ Bách Khoa sống
còn là nhờ phần giúp đỡ “vô vị lợi” của nhà giáo Phạm Long Điền. Và chính nhà
in Trí Đăng đã sử dụng nguồn giấy “bonus” này để in báo Bách Khoa. Tình hình
tài chính Bách Khoa phần nào tạm ổn định từ đây, và Giai phẩm Bách Khoa đã sống
cho tới Tháng 4/1975.
*Anh Long Điền Phạm Tấn Kiệt bị kẹt ở lại
ở Việt Nam sau 1975, do anh là một công chức cao cấp bộ Giáo Dục VNCH, cả hai vợ
chồng là nhà giáo nhưng không được đi dạy học trở lại, sống rất khổ cực cho tới
khi được con gái – là thuyền nhân, bảo lãnh sang định cư bên Canada và anh Long
Điền đã mất sớm sau đó.
Hình 7: Toà soạn Bách Khoa 160
Phan Đình Phùng Sài Gòn, những năm đầu tiên,
từ phải: với chủ nhiệm
Lê Ngộ Châu (2006), Vũ Hạnh “Bút Máu”cán bộ cộng sản nằm vùng,
học giả Nguyễn Hiến Lê
(1984), kịch tác gia Vi Huyền Đắc “Kim Tiền” (1976), nhà báo Lê Phương Chi
(2012),
Võ Phiến “Người Tù” chống
cộng (2015). Bách Khoa từng được nhà thơ Nguyên Sa
Trần Bích Lan (1998) ví
như một vùng xôi đậu. (nguồn: Chân Dung VHNT & VH 2017) [1]
Hình 8: trái và giữa, bìa 2 số
Bách Khoa Tết Mậu Thân 265 & 266
và Tân Niên 267 &
268 năm 1968 với chủ đề “Những người cầm bút viết trong khói lửa đầu năm”;
Bách Khoa 426 ra ngày
19/04/1975, với hình bìa là một không ảnh chụp đoàn xe trên đường di tản
hỗn loạn từ Cao nguyên về
Nha Trang và đây cũng là số báo Bách Khoa cuối cùng. Bách Khoa có tuổi thọ
18 năm – bằng tuổi thọ
báo Nam Phong của Phạm Quỳnh, trải qua 2 nền Cộng Hoà đầy
biến động của miền Nam
Việt Nam. [5]
Từ nhà in Trí Đăng, anh Nguyễn Liên có
nhận xét về anh Lê Ngộ Châu như sau: “Điều hành tờ Bách Khoa trong bấy nhiêu
năm, tuy anh Châu không có bài viết nào ký tên mình ngoài một bút danh chung
“Bách Khoa”, nhưng tất cả các bài vở gửi đến đều được anh Châu trân trọng đọc.
Khi tiếp nhận các bài vở đưa đến nhà in chúng tôi, nhìn bản thảo, tôi biết như
thế. Bài nào được chọn đăng, đều có bút tích của anh Lê Châu sửa lại cho hoàn
chỉnh, anh không bao giờ nói ra điều đó với ai.
Với những tác giả mới, anh Lê Ngộ Châu có
sự nhạy bén phát hiện tài năng và rồi cả gợi ý đề tài cho người viết. Anh Châu ẩn
nhẫn làm công việc toà soạn bằng cái lòng chân thật yêu chữ nghĩa. Kể cả các bài của những cây bút đã nổi danh vẫn
được anh Châu chỉnh sửa, ngay với tác giả
khó tính như Bình Nguyên Lộc, vẫn được anh Châu edit lại, và anh BNL đã
không có một lời than phiền. Ngoài ra, trong giao tế anh Châu rất ân cần với từng
người. Với các người viết trẻ; anh vẫn thân ái “anh tôi” rồi, anh Châu nhớ cả
ngày sinh, ngày giỗ của từng gia đình anh em, anh viết thơ tay thăm hỏi tới những
người lính cầm bút nơi tiền đồn phương xa và trước sau anh được mọi người
thương mến là như vậy.
Hình 9: Hình chụp tháng 7/1994
tại Universal Studio Hollywood, Universal City, California:
từ phải, anh chị Nguyễn
Liên / Trí Đăng, anh Lê Ngộ Châu, anh chị Võ Phiến. Nhà in Nhà Xuất bản
Trí Đăng đã in báo Bách
Khoa trong nhiều năm cho tới số báo cuốicùng, số 426 ngày 19/4/1975.
[tư liệu Viễn Phố]
Nhà báo Nguiễn Ngu Í trong một chuyến đi
xông đất “Tìm hiểu Nỗi lòng của Ban Biên Tập Bách Khoa”, khi tới thăm anh Lê
Châu, phụ trách toà soạn báo… Trăm Khoa nhân dịp kỷ niệm 5 năm báo Bách Khoa,
anh Nguiễn Ngu Í đã rất duyên dáng ghi lại cuộc nói chuyện với Lê Ngộ Châu:
“Tân niên ! Quấy rầy anh [Lê Ngộ Châu]
lúc này, không để anh thoát khỏi – dù chỉ trong giây lát – cái bề bộn, cái bận
rộn, cái cứ như thế mãi cũng là một điều nên làm.
– Này anh, người ta đồn “động Bách Khoa”
là một động của ông già bà cả trên dưới 40, một nhóm người cửa đóng then gài…
kín mít, chỉ chơi riêng với nhau.
Mặt lúc nào cũng tươi của anh lại càng
tươi, vì thấy câu hỏi sao mà dễ trả lời thế. Anh lấy một số Báck Khoa kỉ niệm
có sẵn trước mặt đưa cho tôi và nói:
– Đây, anh xem lại, tác giả số bài đăng
trên số Bách Khoa có những người trên bốn mươi mà cũng có rất nhiều người dưới
ba mươi, hai mươi…
Ngừng một chút anh lại tiếp:
– Tuy nhiên trẻ già, mới cũ, đâu có phải chỉ
tuỳ thuộc ở số tuổi. Chính anh đã từng dự trại Hè Sinh viên mà trẻ trung hơn cả
nhiều anh chị em sinh viên đấy! Chỉ cần xem lại những số Bách Khoa kỉ niệm
trong 5 năm qua cũng đủ thấy một số lớn cây bút lúc đầu đã lần lần nhường chỗ
cho mấy cây bút tới sau và mỗi năm Bách Khoa lại được thêm một số cây bút cộng
tác khác với năm trước.
Thêm nữa anh còn lạ gì, để tránh thành kiến
chủ quan, Bách Khoa không có một chủ bút, mà có cả một “tập đoàn chủ bút”. Anh
em trong toà soạn và những bạn bè cộng tác thường xuyên chia nhau đọc bài hợp với
sở trường hoặc ngành chuyên môn của mình, rồi sau đó tập thể quyết định đăng
hay không. Như vậy tinh thần bè phái trong Bách Khoa không thể có, mà thực tế
Bách Khoa lúc nào cũng mở rất rộng cửa để mời đón các bạn cộng tác mới, nhất là
các bạn văn nghệ, vì chúng ta vẫn mong muốn tờ báo “phản ánh được mọi xu hướng
nghệ thuật dị biệt ngày nay.”
– Anh được đọc tất cả các bài gửi về, anh
có gặp những vui buồn gì ? Và anh đọc nhiều bài thế có thấy mệt không ?
– Cái mệt phải đành thôi, tôi xin miễn
nói. Nghề nào cũng có cái mệt của nghề ấy. Thấy bài đến nhiều là mình đã vui rồi,
vui vì được nhiều người tìm đến,và khi mở bao mở bì ra đọc là lòng hồi hộp, chỉ
mong gặp được bài hay để đăng mà thôi. Và tự nhiên nếu không được cái may mắn ấy,
thì sao khỏi buồn đôi chút. Ân hận nhất là vì số trang có hạn và báo nửa tháng
mới có một kỳ, nên nhiều bài thực giá trị mà vẫn phải để lần lữa mãi không sao
đăng được ngay vì kẹt nhiều bài, mà cũng vì chủ trương của Bách Khoa vốn vẫn
dành ưu tiên cho các bài có tính thời sự.
– Sao rồi chẳng ai được đọc bài nào kí
tên anh cả ?
– Tôi có nhiệm vụ làm cho tờ báo thành
hình, và đăng được đa số bài các anh em cùng các bạn xa gần gửi đến. Tất nhiên
khi nào phải có thừa chỗ mới đến lượt tôi được.
(hết
trích, BK 123, 15/2/1962, trang 106-109) [5]
“Tập đoàn chủ bút”: đó chỉ là cách nói
khiêm cung của Lê Châu, anh muốn nói tới tinh thần làm việc hài hoà của các
thành viên trong toà soạn Bách Khoa. Thực ra, anh Châu rất nhậy bén khi đọc tất
cả các bài viết và tìm ra các bài hay để
chọn đăng, chỉ trừ một vài bài có nội dung chuyên môn cao thì anh mới tham khảo
một chuyên gia khác có thẩm quyền để có được một “ý kiến thứ hai” nhưng chọn
đăng hay không quyết định cuối cùng vẫn là chủ nhiệm Lê Châu.
Kinh nghiệm của người viết [Ngô Thế
Vinh], trong bài “Đàm Thoại với Ngô Thế Vinh từ Vòng Đai Xanh tới Mặt Trận ở
Sài Gòn”, đăng trong số Bách Khoa 370, ngày 1/6/1972 là do anh chính chủ nhiệm
Lê Ngộ Châu thực hiện tại toà soạn nhưng khi báo ra chỉ ghi là Bách Khoa (khiến
sau này, có nhà nghiên cứu văn học cũng tưởng rằng đó là bài PV của nhà báo
Nguiễn Ngu Í, vì anh Nguiễn Ngu Í là người thường xuyên thực hiện các cuộc phỏng
vấn cho báo Bách Khoa trong nhiều năm).
Ai cũng thấy rằng nếu không có cái “nhẫn”
và tài điều hành khéo léo của anh Lê Ngộ Châu thì tờ Bách Khoa đã không thể tồn
tại lâu đến như vậy. Bộ báo đồ sộ 426 số Bách Khoa sẽ là nguồn tư liệu quý giá
để tham khảo về văn hoá, xã hội, rất có giá trị cho các thế hệ sau về một giai
đoạn lịch sử đầy biến động của Miền Nam.
MỘT BÁCK KHOA TAN TÁC SAU 1975
Trước ngày mất Sài Gòn, Võ Phiến và Lê Tất
Điều do có làm việc cho Đài Mẹ Việt Nam nên được kể trong số nhân viên của Đài
được Mỹ lo cho di tản trước. Chứng kiến một Võ Phiến hai lần khóc khi phải ra
đi vì biết không có ngày trở về, lần thứ nhất với Lê Ngộ Châu nơi toà soạn Bách
Khoa ngày 23/4/1975, rồi lần thứ hai với Lê Tất Điều trên con tàu Challenger
ngày 29/4/1975 khi rời đảo Phú Quốc. Một số những văn nghệ sĩ khác cũng may mắn
thoát đi được, có thể kể thêm như Viên Linh Hóa Thân, Túy Hồng Tôi Nhìn Tôi
Trên Vách, Thanh Nam Bóng Nhỏ Đường Dài, Vũ Khắc Khoan Thần Tháp Rùa, Nghiêm
Xuân Hồng Người Viễn Khách Thứ 10, Mặc Đỗ Siu Cô Nương nhóm Quan Điểm, rồi cả
Phạm Duy Con Đường Cái Quan…
Thế
còn những người ở lại thì sao?
Ngày 5 tháng 5, 1975, Lê Ngộ Châu đã
kinh hoàng khi nghe tin một trong những cây viết lâu năm của Bách Khoa, Phạm Việt
Châu tác giả loạt bàiTrăm Việt Trên Vùng Định Mệnh đã tuẫn tiết ngay tại tư gia
khi cộng sản tiến chiếm Sài Gòn. Cái chết rất sớm và tức tưởi của một học giả
có viễn kiến về lịch sử dân tộc, với sức sáng tạo đang sung mãn mới bước vào tuổi
43, đã như một hồi chuông báo tử cho rất nhiều tang thương diễn ra sau đó.
Rồi cũng vào một ngày đầu tháng 5, 1975,
khi chưa đi trình diện cải tạo, người viết tới thăm anh Lê Ngộ Châu, và đã gặp
hai đứa con Vũ Hạnh trong bộ bà ba đen, tay cuốn băng đỏ, tới tòa báo Bách
Khoa. Trước khách lạ, đứa con gái bằng một giọng hãnh tiến, nói với anh chị Lê
Ngộ Châu: “Tụi con mới từ Hóc Môn về, cả đêm qua đi kích tới sáng.” Hình ảnh của
đám nằm vùng cùng với đám “cách mạng 30” không khác một “phó bản” của một đám Vệ
binh Đỏ của Mao trong cuộc cách mạng văn hoá, chúng đi reo rắc kinh hoàng giữa
một Sài Gòn đang hoảng loạn lúc bấy giờ. Cũng chính những đám này là thành phần
kích động chủ lực trong chiến dịch “lùng và diệt tàn dư văn hóa Mỹ Nguỵ”, chúng
dẫm đạp những cuốn sách, nổi lửa đốt từng chồng sách rồi tới cả tới những kho
sách. Những cuốn sách mà đa phần chúng chưa hề đọc, trong đó có cả một tủ sách
“Học Làm Người” của học giả Nguyễn Hiến Lê.
— Hoạ sĩ lập thể Tạ Tỵ, BS Trần Văn Tích
hai người có bài viết trên số báo Bách Khoa 426 cuối cùng không thoát đi được,
đã cùng với hầu như toàn thể các văn nghệ sĩ miền Nam, lần lượt trước sau bị bắt
đưa vào các trại tù cải tạo của CS.
— Nhà thơ nhà giáo Vũ Hoàng Chương, cùng
thời với thi sĩ Hoàng Cầm, Hữu Loan ngoài miền Bắc, có nhiều bài thơ đặc sắc
đăng trên Bách Khoa cho tới 1975, cũng bị CS bắt giam tù trong khám Chí Hoà, và
chỉ được thả ra khi sắp chết, và ông đã chết tại nhà 5 ngày sau.
— Học giả Nguyễn Hiến Lê, người viết nhiều
nhất trên Bách Khoa, tới 1975 đã xuất bản tác phẩm thứ 100, bắt đầu phải sống
qua những trải nghiệm đắng cay và vỡ mộng với những người cộng sản và mặt trận
giải phóng mà bao năm trước đó ông đã không dấu mối thiện cảm và cả sự ngưỡng mộ.
— Lê Ngộ Châu, tuy không bị bắt đi tù cải tạo
nhưng bị vô hiệu hoá, thư viện phong phú của Bách Khoa một đời ông dày công sưu
tập cũng không giữ được và cuối cùng cũng phải nộp cho Hai Khuynh tức Nguyễn
Huy Khánh, là một trong “ngũ hổ tướng” của Thành uỷ Sài Gòn lúc bấy giờ. Sau
này, cũng những cuốn sách ấy với cả thủ bút các tác giả ký tặng anh, đã được thấy
bày bán nơi mấy tiệm sách cũ, mà các khách tìm mua có cả những học giả từ miền Bắc vào. Nhà văn Thế Phong,
trước 1975 nổi tiếng với Đại Nam Văn Hiến Xuất Bản Cục, in ronéo, đã kể lại
cũng chính Thế Phong tìm mua lại được hầu như toàn bộ tác phẩm của mình xuất bản
trước 1975 với thủ bút đề tặng Lê Ngộ Châu. Ai cũng hiểu rằng đó là niềm đau
sót sâu thẳm của Lê Ngộ Châu mà anh không bao giờ anh nói ra.
Hình 10: Sau 1975 nhiều khách từ Hà Nội vào Nam đều muốn tới thăm
toà soạn Bách Khoa 160 Phan Đình Phùng, Sài Gòn; hình trái, chủ nhiệm Bách Khoa Lê Ngộ Châu (2006), học giả Đào Duy Anh (1988), ông Nguyễn Hùng Trương (2005), giám đốc nhà sách Khai Trí, 62 đường Lê Lợi Sài Gòn; hình phải, Lê Ngộ Châu, nhà thơ Cù Huy Cận (2005), tác giả Lửa Thiêng, đảng viên cộng sản kỳ cựu và là Bộ trưởng Văn hoá Giáo dục chính phủ CHXHCN Việt Nam.
[tư liệu của Viễn Phố]
—
Vũ Hạnh, tên thật Nguyễn Đức Dũng còn có thêm bút hiệu cô Phương Thảo, tuy được
biết từ lâu là một cán bộ CS nằm vùng trong Bách Khoa, từng bị bắt vào tù nhiều
lần, nhưng đều được các văn hữu “với tấm lòng” cứu ra, trong số đó phải kể tới
Linh mục Thanh Lãng chủ tịch Văn bút, chủ nhiệm Lê Ngộ Châu đã vận động để Vũ Hạnh
được thả ra để rồi sau đó Vũ Hạnh lại công khai hoạt động. Sau 30/04/1975 Vũ Hạnh
chính thức lộ diện là một cán bộ cộng sản và như một hung thần, Vũ Hạnh lập
thêm công trạng bằng cả một danh sách chỉ điểm cho “cách mạng” truy lùng bỏ tù
hầu hết các văn nghệ sĩ miền Nam còn kẹt ở lại, trong đó có cả những người đã từng
ký tên đòi trả tự do cho Vũ Hạnh khi đang trong vòng lao lý.
Sau 1975, nhiều nhà văn nhà báo miền Nam ấy
đã chết rũ trong tù như Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, Hoàng Vĩnh Lộc, Nguyễn Mạnh Côn,
Phạm Văn Sơn, Trần Văn Tuyên, Trần Việt Sơn, Vũ Ngọc Các, Anh Tuấn Nguyễn Tuấn
Phát, Dương Hùng Cường… hay vừa ra khỏi nhà tù thì chết như Hồ Hữu Tường, Vũ
Hoàng Chương. Nếu còn sống sót, đều nhất loạt phải gác bút: Dương Nghiễm Mậu
Nhan Sắc sống bằng nghề sơn mài, Lê Xuyên Chú Tư Cầu ngồi bán thuốc lá lẻ ở đầu
đường, Trần Lê Nguyễn tác giả kịch Bão Thời Đại thì đứng sạp bán báo để độ nhật,
Nguyễn Mộng Giác Đường Một Chiều làm công nhân sản xuất mì sợi, Trần Hoài Thư
Ngọn Cỏ Ngậm Ngùi ba năm ở tù ra trở thành Người Bán Cà Rem Dạo.
Vũ Hạnh, tuổi đã ngoài 80 rồi 90, như một
đao phủ bao nhiêu năm sau vẫn không nương tay tiếp tục viết các bài đấu tố những
người cầm bút còn ở lại. Dương Nghiễm Mậu, Lê Xuyên, là những nạn nhân điển
hình khi Công ty Phương Nam cho in lại mấy
cuốn sách chỉ có tính cách văn học của Dương Nghiễm Mậu.
Vũ Hạnh của Bút Máu viết: “Sách của Dương
Nghiễm Mậu thì nổi bật tính phản động tha hóa lớp trẻ hầu đưa đẩy họ vào sự chống
phá cách mạng, chống lại sự nghiệp giải phóng đất nước khỏi sự thống trị của bọn
đế quốc xâm lược, còn sách của Lê Xuyên là tính đồi trụy.” Vũ Hạnh viết tiếp:
“Vì những lẽ đó, rất nhiều bức xúc, phẫn nộ của các bạn đọc khi thấy Công ty
Phương Nam ấn hành sách của ông Dương Nghiễm Mậu… Đem những vũ khí độc hại ra
sơn phết lại, rêu rao bày bán là một xúc phạm nặng nề đối với danh dự đất nước.”
Và rồi cũng Vũ Hạnh kể lể: “các tác giả Dương Nghiễm Mậu, Lê Xuyên sống lại ở
thành phố này vẫn được đối xử bình đẳng, không hề gặp bất cứ sự quấy phiền
nào.” (Sài Gòn Giải Phóng, 22/4/2007).
“Ngày Xưa Vũ Hạnh” cộng sản nằm vùng vẫn
được sống thênh thang, vẫn được đối xử như một nhà văn, được quyền tự do phát
biểu (Lý Đợi, talawas 10.5.2007) “Ngày Nay Vũ Hạnh” bên thắng cuộc – tên bộ
sách của Huy Đức, thì vô cảm vênh váo, là tiếng nói hung hãn nhất trong Hội đồng
đánh giá Văn Học Miền Nam tại Thư Viện Quốc Gia. Vẫn một cliché, vẫn một khẩu
hiệu tung hô không suy suyển: “tác giả là gốc ngụy, nội dung tác phẩm là nô dịch
phản động đồi trụy”. Vũ Hạnh xấp xỉ tuổi Võ Phiến, nay sắp bước vào cái tuổi 90
vẫn cứ nhân danh “đảng ta, chèo lái con thuyền chở đạo” vẫn không ngừng truy đuổi
cả những thế hệ nhà văn trẻ nối tiếp có khuynh hướng tự do, điển hình qua bài
viết phê phán Nhã Thuyên và Nhóm Mở Miệng với hai cây bút nổi trội là Lý Đợi và
Bùi Chát (Thấy gì từ một luận văn sai lạc, Văn Nghệ 29/2013).
Có lẽ tấn thảm kịch của Vũ Hạnh cũng như những
người cộng sản tha hóa bước vào Thế Kỷ 21 là sự “ngụy tín / mauvaise foi” họ sống
với hai bộ mặt, vẫn không ngừng hô hào cổ võ cho điều mà họ không còn chút tin
tưởng. Vũ Hạnh vẫn không ngưng nặng lời
chửi rủa Mỹ, nhưng rồi vẫn gửi con cái trưởng thành sang sống ở Mỹ; Vũ Hạnh vẫn
được ra vào nước Mỹ như một con người tự do.Vũ Hạnh, trong một lần qua Mỹ thăm
con ở Nam California, đã viết thơ cho anh Trí Đăng tha thiết ngỏ ý muốn được gặp
Võ Phiến, nhưng lời yêu cầu ấy đã bị Võ Phiến và gia đình dứt khoát từ chối.
NHỮNG
ĐỨC TÍNH CỦA LÊ NGỘ CHÂU
Tên tuổi Lê Ngộ Châu, nơi địa chỉ 160 Phan
Đình Phùng đối với nhiều người là một điểm
hẹn đáng tin cậy. “Từ Calfornia, khi cần tìm lại một số bài viết từ trước 1975,
tôi – người viết nghĩ ngay tới Lê Ngộ Châu và được anh cho biết sau 1975, tủ
sách đầy đủ của toà soạn Bách Khoa anh đã không còn giữ lại được nhưng anh vẫn
hứa sẽ cố giúp. Anh hỏi nhiều người, cuối cùng anh nhờ được LM Nguyễn Ngọc Lan,
Dòng Chúa Cứu Thế và sau đó tôi đã có được đầy đủ các bài viết trên bộ báo
Trình Bày; và rồi tuyển tập truyện ngắn Mặt Trận ở Sài Gòn do Văn Nghệ của
anh Từ Mẫn Võ Thắng Tiết xuất bản lần đầu tiên ở hải ngoại 1996 do có sự nhiệt
tình giúp đỡ của anh Lê Châu.”
Đỗ Nghê / Đỗ Hồng Ngọc là cháu của nhà văn
Nguyễn Ngu Í, vẫn còn nhớ tới lời khuyên của anh Lê Châu: “Anh Ngọc viết được
gì thì viết ngay bây giờ đi (lúc đó Đỗ Nghê 60 tuổi, anh Lê Ngộ Châu đã 80), đừng
để như tôi, biết bao nhiêu chuyện hay thú vị ở toà soạn Bách Khoa, định viết mà
rồi không còn viết được nữa.”
Tuy nói vậy, nhưng từ nhiều năm trước, mỗi
lần có dịp gặp anh Lê Châu tôi đều có nhắc như một gợi ý là anh nên viết một hồi
ký hành trình 18 năm với Bách Khoa, thì anh Châu chỉ dí dỏm trả lời bằng một
câu hỏi khác: “Anh Vinh khi về bên đó hỏi Võ Phiến có cho tôi viết hay
không?” Ý tại ngôn ngoại, ai cũng hiểu rằng
anh Châu muốn nói tới những quan hệ linh tinh giữa các nhà văn nam nữ và Bách
Khoa thì như một trạm giao liên và Lê Châu thì rất kín đáo, không bao giờ nói
ra.
Chuyện dật sự bây giờ mới kể, là sau khi
đã phải “hiến” thư viện Bách Khoa cho Hai Khuynh, Lê Châu nghĩ tới tình huống
căn nhà 160 Phan Đình Phùng nơi anh cư ngụ bất cứ lúc nào có thể bị công an tới
khám xét. Chuyện sau 1975 mà ai cũng biết, ngay như với Giáo sư Y khoa Phạm Biểu
Tâm, một tên tuổi lớn của trí thức miền Nam mà chế độ mới đang rất cần ông
trong những năm đầu nhưng họ vẫn không bao giờ tin ông. Bằng cớ là căn nhà của
GS Tâm trên đường Ngô Thời Nhiệm, giữa thanh thiên bạch nhật, ít nhất đã hai lần
bị công an thành phố xông vào lục xét. Và cứ sau một lần như vậy, không phát hiện
được gì thì Thành Ủy đã lại đứng ra xin lỗi coi đó chỉ là hành động sai trái của
thuộc cấp. Sự giải thích ấy thật ra chỉ là hai bản mặt của chế độ.
Không thể nói anh Lê Ngộ Châu không hiểu
cộng sản, nên còn bao nhiêu thư từ chung và riêng của Bách Khoa đã giữ gìn bấy
lâu, anh cẩn thận xếp để vào trong hai hộp giấy, đem tới gửi nơi nhà chị Nguyễn
Khoa Diệu Chi, vợ nhà văn Nguyễn Mộng Giác bên Thị Nghè. Năm 1990, khi chị Diệu
Chi và con gái sắp đi đoàn tụ với chồng bên Mỹ, hàng trăm bức thư cả chung và
riêng ấy – như một phần lịch sử của Bách Khoa, có tính văn học hay không, thì tất
cả cũng đã trở thành tro than, thả về cho người trăm năm cũ.
Trần Hoài Thư viết về chủ nhiệm Bách Khoa:
“Lê Ngộ Châu mà tôi được biết trong vài lần ghé thăm tòa soạn Bách Khoa: (1) Mỗi
tác giả đều có một hồ sơ riêng (folder), bài không đăng, có thể lấy lại từ tòa
sọan. (2) Ông không ngại đọc bản thảo viết tay quá xấu, như trường hợp cá nhân
tôi, vì ngón tay cầm viết bị miểng lựu đạn cắt nên chữ viết rất khó đọc, vậy mà
ông không nề hà. Ông cầm cái kính lúp soi từng hàng chữ, rồi sửa lại chi chít,
trước khi đưa chị Châu đánh máy, anh không hề than một tiếng… Điều đó chứng tỏ
ông rất trân trọng sự đóng góp của người viết. Tôi nghĩ nếu Bách Khoa không có
ông Lê Ngộ Châu thì không biết có Hoàng Ngọc Tuấn, Thế Uyên, Lê Tất Điều, Trùng
Dương, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ? Riêng bản thân tôi, tôi sẽ nói nếu
không có Bách Khoa, không có ông Lê Ngộ Châu thì chắc chắn tôi sẽ không có dịp
đi vào con đường chữ nghĩa như ngày hôm nay.” [2]
VẪN
MỘT LÊ NGỘ CHÂU CỦA HÒA GIẢI
Năm 1994, Lê Ngộ Châu đưa người con gái thứ
hai sang Mỹ định cư. Với 18 năm điều hành tờ Bách Khoa, anh Châu có rất nhiều bạn
và Võ Phiến có lẽ là người anh thân thiết nhất. Trong chỗ rất riêng tư, khi biết
giữa Võ Phiến và Nguyễn Mộng Giác, “có vấn đề” trong sự chuyển tiếp tờ Văn Học
Nghệ Thuật sang tờ Văn Học. Cả hai cùng là người Bình Định,nhưng với cái tình đồng
hương ấy cũng không sao tránh được trục trặc trong điều hành tờ Văn Học, khi mà
Võ Phiến còn đứng tên chủ nhiệm và Nguyễn Mộng Giác là chủ bút. Rất bén nhạy,
Lê Ngộ Châu cảm thấy ngay được sự “nghẽn mạch” giữa hai anh em. Anh sốt sắng
đóng vai “hòa giải” – vẫn chữ của Lê Ngộ Châu.
Rồi như một cái cớ, tôi tổ chức buổi họp mặt
tiếp đón anh Lê Ngộ Châu tại một clubhouse, nơi tôi cư ngụ trên đường
Bellflower, Long Beach. Dĩ nhiên có anh Võ Phiến và Nguyễn Mộng Giác và có khoảng
hai chục thân hữu quen biết anh Lê Ngộ Châu và tạp chí Văn Học có mặt hôm đó:
các anh Từ Mẫn Võ Thắng Tiết, Từ Mai Trần Huy Bích, Trúc Chi, Thạch Hãn Lê Thọ
Giáo, Khánh Trường, Hoàng Khởi Phong, Cao Xuân Huy… Chỉ riêng cái tình “tha
hương ngộ cố tri” ấy, qua những trao đổi, như từ bao giờ anh Lê Ngộ Châu vẫn lối
nói chuyện vui dí dỏm và duyên dáng, anh đã như một chất xi-măng nối kết mọi
người. Và cũng để hiểu tại sao, trong suốt 18 năm, anh Lê Ngộ Châu đã điều hợp
được tờ Bách Khoa, vốn là một vùng xôi đậu phức tạp như vậy.
Đó là lần thăm Mỹ duy nhất 1994 của anh Lê
Ngộ Châu, cũng như giám đốc Nhà sách Khai Trí, nhưng rồi cả hai đều chọn trở về
sống ở Sài Gòn. Năm 2001, trong dịp trở lại thăm Đồng Bằng Sông Cửu Long, tôi gặp
lại anh Lê Ngộ Châu nơi tòa soạn Bách Khoa ngày nào, anh vẫn nhớ và nhắc tới buổi
gặp gỡ “hoà giải” hôm đó.
Hình 11: Ngô Thế Vinh tổ chức
buổi họp mặt tiếp đón tiếp anh Lê Ngộ Châu 30/10/1994
tại một clubhouse trên
đường Bellflower Long Beach, từ trái: Nghiêu Đề (1999), Võ Phiến (2015),
Bùi Vĩnh Phúc, Hoàng Khởi
Phong, Hà Thúc Sinh, Nguyễn Mộng Giác (2012), Trúc Chi Tôn Thất Kỳ,
Như Phong Lê Văn Tiến
(2001), Lê Ngộ Châu (2006), Lưu Trung Khảo (2015), Trần Huy Bích.
[photo by Ngô Thế Vinh]
Hình 12: Hình chụp tháng 7/1994
tại nhà anh chị Võ Phiến, từ trái, Ngô Thế Vinh,
Lê Tất Điều, anh chị Võ
Phiến, anh Lê Ngộ Châu, Gs Trần Ngọc Ninh, Nguyễn Mạnh.
[tư liệu Ngô Thế Vinh]
Hình 13: Chủ nhiệm Bách Khoa Lê
Ngộ Châu tới thăm nhà văn Linh Bảo
tại Thành phố Giữa Đường
/ Midway City (1995); từ phải, Ngô Thế
Vinh, Linh Bảo,
Lê Ngộ Châu, Võ Phiến.
[tư liệu Ngô Thế Vinh]
Hình 14: Anh Lê Ngộ Châu
trong chuyến thăm bạn hữu ở California (1994),
từ trái, Dohamide / Đỗ Hải
Minh (cây bút chuyên khảo về văn minh Champa trên Bách Khoa ngày nào),
Lê Ngộ Châu, Ngô Thế
Vinh, Võ Phiến. [tư liệu Ngô Thế Vinh]
Hình 15: Sau lần gặp anh
Lê Ngộ Châu ở Mỹ (1994), 5 năm sau
gặp lại anh tại toà soạn
Bách Khoa 160 Phan Đình Phùng, Sài Gòn,
anh Lê Châu còn rất
tráng kiện và minh mẫn ở tuổi 76; từ phải: Lê Ngộ Châu và Ngô Thế Vinh.
[photo by Nghiêm Ngọc
Huân 11/1999]
HÀNH
TRÌNH ĐI TÌM BÁCH KHOA [6]
Hình 16a: Khi toàn bộ báo 426 số
báo Bách Khoa được sưu tập và số hoá (2017)
thì Lê Ngộ Châu đã mất
trước đó 11 năm, thọ 84 tuổi (1923-2006), với thời gian, tên tuổi
Lê Ngộ Châu vẫn toả
sáng, được các cây bút cộng tác xem Lê Ngộ Châu như “linh hồn”
của báo Bách Khoa cho tới
năm 1975. [5]
hoàn tất ngày 15/10/2017
do công trình sưu tập của chị Phạm Lệ Hương [6], là một thủ thư
lâu năm và anh Phạm Phú
Minh chủ bút Diễn đàn Thế Kỷ. [5] phải, Phạm Lệ Hương và Phạm Phú Minh đang cắt
bánh mừng bộ đĩa Bách Khoa đã thành tựu. Sau đó bộ báo Bách Khoa được lưu trữ /
phổ biến miễn phí trên Thư viện Người Việt Online với link
https://www.nguoi-viet.com/ThuVienNguoiViet/BachKhoa.php [tư liệu Ngô Thế Vinh]
Phục hồi Di sản Văn học Miền Nam là mối
ưu tư của nhiều người, trong đó có phần tìm lại toàn bộ báo Bách Khoa và đó là
công lao của hai khuôn mặt rất quen thuộc trong sinh hoạt văn học ở hải ngoại:
chị Phạm Lệ-Hương và anh Phạm Phú Minh. Cả hai đã rất thành công trong việc tổ
chức cuộc Hội Thảo về Tự Lực Văn Đoàn, Hội Thảo Trương Vĩnh Ký với việc xuất bản
cuốn Kỷ yếu TLVĐ, Kỷ yếu Triển Lãm và Hội Thào Trương Vĩnh Ký là những tài liệu
được đánh giá rất cao cả ở bên trong và ngoài nước. Cuộc hành trình đi tìm Bách
Khoa không đơn giản, với công sức đóng góp của nhiều người khác nữa nhưng kết
quả cuối cùng là toàn bộ 426 số báo Bách Khoa được sưu tập trọn vẹn, được số
hoá và upload lên internet. Kể từ đây, Bách Khoa đã phục sinh, để cùng sống với
những thế hệ mai sau xa hơn cả “tam bách dư niên hậu”. [6]
******
Lê Ngộ Châu mất ngày 24/9/2006 năm Bính
Tuất tại Sài Gòn, thọ 84 tuổi. Linh cữu được quàn tại Nhà tang lễ Thành phố
trên đường Lê Quý Đôn Quận 3 Sài Gòn. Ông được an táng trong khu đất riêng của
chùa Phổ Chiếu, Gò Vấp. [Hình 17b] Lê Ngộ Châu đã để lại rất nhiều tiếc thương
cho những người từng được quen biết và làm việc với ông. Nguyễn Minh Hoàng, một
dịch giả cộng tác viên lâu năm của Bách Khoa ngày nào, đã viết hai câu thơ viếng
cảm động trong sổ tang của gia đình Lê Ngộ Châu:
Duyên nợ Bách Khoa, anh vội ra đi, mây
chiều gió sớm,
Cuộc đời dâu biển, tôi còn ở lại, ra ngẩn
vào ngơ…
Hình 17a: Bà Nghiêm Ngọc Huân Lê
Ngộ Châu, và các ông Lê Phương Chi,
Trần Văn Chánh, Dũ Lan
Lê Anh Dũng tại nhà tang lễ Thành phố Chủ Nhật 24/09/2006. [4]
Mang
Viên Long, một nhà thơ trẻ miền Trung từng viết cho Bách Khoa, nay vẫn còn nhớ ngày anh Lê Ngộ Châu mất: “Hôm
nay – gần đến ngày giỗ thứ 5 của Anh, nơi chốn quê nhà quạnh hiu này – tôi lại
nhớ anh: “Một nhà báo chân chính, tài năng , và vô cùng độ lượng đã suốt đời hy
sinh cho sự nghiệp văn học! Xin được thắp cho anh một nén hương muộn nhưng rất
chí tình.”
Hình 17b: mộ bia Lê Ngộ
Châu, anh được chôn cất trong nghĩa trang gia đình
nơi sân sau ngôi chùa Phổ
Chiếu, địa chỉ : 93/1023 Nguyễn Văn Lượng, P.6, Quận Gò Vấp, Sài Gòn.
[photo by L.A. 05/2021]
Bài viết này như một tưởng niệm 98 năm
sinh của anh Lê Ngộ Châu. Để kết luận, có thể nói rằng: nếu không có chủ nhiệm
sáng lập Huỳnh Văn Lang, sẽ không có một tờ báo mang tên Bách Khoa từ 1957.
Nhưng nếu không có được cái “nhẫn” và tài năng điều hành toà soạn 160 Phan Đình
Phùng của Lê Ngộ Châu, sẽ không có một tạp chí Bách Khoa khởi sắc với 426 số
báo với tuổi thọ 18 năm cho tới 1975 và cũng sẽ
không có một bộ báo Bách Khoa như một công trình văn hoá đồ sộ của miền
Nam để lưu lại cho các thế hệ mai sau và chúng tôi vẫn mãi biết ơn Anh.
NGÔ
THẾ VINH
California
26/06/2021
[Tưởng
niệm 98 năm sinh Lê Ngộ Châu]
THAM
KHẢO:
1/Ngô
Thế Vinh. Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật & Văn Hoá.
Việt
Ecology Press 2017
2/Trần
Hoài Thư. Thư Quán Bản Thảo số 48, chủ đề viết về tạp chí Bách Khoa
https://tranhoaithu42.com/tqbt-so-48-tap-chi-bach-khoa/
3/Đặng
Tiến. Ông Lê Ngộ Châu, 160 Phan Đình Phùng.
https://damau.org/9238/le-ngo-chau-160-phan-dinh-phung
4/Dũ
Lan Lê Anh Dũng. Vĩnh biệt ông Bách Khoa Lê Ngộ Châu.
http://vietsciences.free.fr
5/
Phạm Phú Minh. Bách Khoa điện tử Toàn tập [từ số 1 tới 426], Thư Viện Người Việt
Online. https://www.nguoi-viet.com/ThuVienNguoiViet/BachKhoa.php
6/
Phạm, Lệ-Hương. Hành trình đi tìm Bách Khoa. Phỏng vấn cá nhân.
Huntington
Beach 21/6/2021. – p.16
7/
Huỳnh Văn Lang, Nhân chứng một chế độ, Một Chương Hồi ký, Tập Ba ([trang 208 –
219). Tác giả Xuất bản 2001
No comments:
Post a Comment