Những ngày cuối của mùa xuân ở Santa Maria vẫn còn hơi lạnh, khi nắng chưa lên nhiệt độ thường là 57 độ, mỗi sáng đi bộ quanh sân nhà tôi vẫn phải mặc áo khoác, có một sáng bỗng thấy một đốm vàng le lói ở cuối sân, lại, thì ra một đóa daffodil muộn, dư âm diễm ảo của ngày đầu mùa daffodil tháng 3, mà lạ thay phút hiện tiền hội ngộ ấy lại kéo tôi tuột về thời gian xa lắc xa lơ, thời của cơn gió thơ mộng tuổi trẻ thổi vào tuổi mười tám hai mươi tình yêu lạ kỳ lặng lẽ, mà quyến luyến biết mấy thời gian, hóa ra tôi chẳng phải đệ tử biết nghe lời Phật -Biết Sống Một Mình, vững chãi tự tại trong hiện tại- mà lại đang ngu ngơ trong cái “bây giờ và ở đây”… chỉ vì chút mầu vàng daffodil kia quyến dụ mầu áo lụa vàng hoàng hoa thuở nọ theo về khiến lòng người cứ dài ra theo thời gian huyễn mộng. Vâng, thời gian. Đấy đôi khi trong cõi phù du này, cái níu được ta chỉ là chút mầu vàng của một đóa daffodil nở muộn, cho ta cảm thấy sung sướng rằng, chập chùng nhạt phai mà nắng vẫn mang trong nó ánh lung linh từa tựa vĩnh cửu, gió vẫn thổi lao xao cái mầu vàng như thể là trăm năm… Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua, sân trước một nhành mai*…Vậy thì làm sao còn bị đánh động bởi lẽ đến đi còn mất trong vòng tròn của tự nhiên tuần hoàn thay đổi? Cái đi kia là khởi đầu, là chuyển hóa cái đến. Cánh hoa rụng tàn trên đất với nụ hoa vừa hé nở chỉ cách nhau một màn sương mỏng ban mai. Tôi cảm nhận thật sâu thật thấm cái mầu nhiệm ấy, khi ở vào thời điểm này, đón cháu bé Bennett vừa chào đời, tiếng khóc oa như khóa sol bắt đầu một bản nhạc diệu kỳ của khai mở, mỗi ngày kề cận Ben bé nhỏ như nụ hoa chớm nở trong bình minh tôi miên man cảm giác mới mẻ của sự khai sinh, và thấy thật là tuyệt đẹp cái điểm tinh sương của chu kỳ đến đi. Vâng, em bé sơ sinh là khải thị nhiệm mầu của đến.
Và rồi, một ngày, từ phương xa kia, nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc báo tin về sự đi. Nhà giáo, nhà văn nhà thơ nhà biên khảo dịch thuật -chưa kể đàn hát- Huỳnh Ngọc Chiến đã ra đi. (Cũng từ anh Ngọc mà tôi quen được anh Chiến qua email, và chỉ một thời gian ngắn ngủi). Anh đã tiên liệu và sửa soạn ngày chia tay, tôi không muốn dùng chữ dũng cảm, mà là an nhiên, đón nhận cái phù du đang từng phút giây cợt đùa tấm thân tứ đại. Nhưng thân hữu đón nhận vô thường ấy với bao buồn thương tiếc nhớ, không sao được, với một tài hoa như thế! Cũng nói, hôm rời Santa Ana để đi đến đây, tôi đem theo hai cuốn sách, một của Nguyên Giác, Từ Huyền Thoại Tới Tâm Kinh. Một của Huỳnh Ngọc Chiến, Rong Chơi Cùng U Mộng Ảnh, với tập này, đang đọc đến câu 5 của Trương Trào: Vì trăng mà lo mây, vì sách mà lo mối mọt, vì hoa mà lo gió mưa, vì tài tử giai nhân mà lo mệnh bạc, đó thực là tấm lòng Bồ Tát vậy” ** thì tin buồn đến. Hỏi ai ưu tư đến cái đẹp và tài hoa mà không khỏi ngẩn ngơ ngậm ngùi khi những vưu vật ấy bất hứa nhân gian kiến bạch đầu? ***.
Mới hồi tháng 2 đây thôi, khóc một bạn hiền, nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ, tôi đã viết: Điểm lung linh mà có thể trong một sát na tương cảm là ta có thể nghe, có thể thấy, là không sinh không tử. Điểm hạnh ngộ của chấm ngàn thu và nốt rạng rỡ trùng sinh. Chỉ một màn sương mỏng thôi… (2.2021)
Vâng. sương khói, mỏng tang mà nghìn trùng…
Hôm nay, chỉ vừa mới qua tuần thứ nhất kể từ khi Huỳnh Ngọc Chiến mất (ngày 1.6.2021), nhân anh Năm Nguyễn Hiền Đức báo tin đang soạn tập tưởng niệm Huỳnh Ngọc Chiến và gửi cho tài liệu thơ văn của Huỳnh Ngọc Chiến, thôi thì xem như tôi đang rong chơi vào cõi thơ văn trong giờ phút đối mặt với sinh tử của anh, mà anh đặt tên là Ngọa Bệnh Cảm Tác, anh khởi viết từ năm 1996, mở đầu là bài thơ lục bát được viết ngay trong bệnh viện, trước khi mổ:
Bệnh rồi ta mới thấy ra
Sinh là thế ấy, Tử là thế thôi
Đã qua ba cửa quan rồi
Vẫn chưa hết được cuộc chơi Ta Bà
Cửa thứ tư chắc không xa
Bước vào sẽ thấy đâu là Quê Hương.
Giờ này nơi cửa thứ tư ấy hẳn anh đang mỉm cười nhìn mờ xa cõi vừa mới đây thôi anh gọi là cuộc chơi ta bà, và tôi có cảm tưởng như nhắm mắt lại tập trung hẳn sẽ được thấy, để mà nhắn gửi anh những lời này và hỏi anh về mây trắng miền cố lý, có phải mối tương tư bao năm nơi cõi trần ai nay đã được mở gút rồi không. Mừng thay cho kẻ, bước vào sẽ thấy đâu là Quê Hương.
Đến tháng 8 năm 2020, Huỳnh Ngọc Chiến bị ung thư thực quản. Sau những lần hóa trị mà anh gọi là “một trải nghiệm kinh khủng”, mà sau đó vẫn nói: “Chỉ buồn chút là thanh quản bị ảnh hưởng nên hiện vẫn chưa nói còn rất yếu, và vĩnh viễn không thể hát hò như cũ!!! Cũng không sao, vì vẫn còn cây đàn làm bạn!” hầu như suốt thời gian anh sống cùng con bịnh anh đều mang tâm thái như thế, biết vui với những gì mình đang có ở hiện tại, cho dù biết rõ rằng mỗi ngày mình mỗi mất nhiều hơn sức lực. Vì đâu mà anh có một nội lực an nhiên mạnh mẽ như thế?
… Mọi chuyện trong đời xem như đã tạm tròn bổn phận nên tôi giờ rất xem nhẹ lẽ tử sinh. Chỉ mong sao sinh thuận tử an. Để tiếp tục chu kỳ sinh hóa khác trong vũ trụ…
… Trong những cơn đau quặn thắt vị hóa trị, tôi vẫn hoàn tất được bộ kinh Lăng Già đối chiếu. Và thấy lòng thanh thản vô cùng. Tôi mang ơn kinh Phật đã đem lại cho tôi những huyền lực để giúp tôi tìm được thanh thản giữa những cơn đau khủng khiếp đến kiệt sức…
… Khi dịch xong cuốn kinh Lăng Già, và được một nhà xuất bản nhận in, thì tác phẩm L’Enseignement de Vimalakīrti – bản dịch cuốn kinh Duy Ma sang Pháp ngữ từ Tạng ngữ – của Étienne Lamotte lại cuốn hút tôi. Và tôi lại bắt tay vào dịch bộ kinh phương đẳng kỳ diệu này. Tôi xem đây như là một Cuộc Chơi Chuyển Nghiệp khi tiếp cận bến bờ sinh tử… (Trích từ Ngọa Bệnh Cảm Tác)
Sức mạnh cho anh nương tựa là đấy, huyền lực của kinh Phật! Trong cơn đau khổ hoạn nạn nếu có ánh sáng của niềm tin này thì như chiếc đũa mầu nhiệm đã gõ vào ta giúp ta nghị lực để sống với, hay có thể là vượt qua, tôi tin như vậy vì cũng có đôi chút kinh nghiệm khi lâm vào một lúc trầm cảm. Và điều này đối với Huỳnh Ngọc Chiến là một xác quyết, lúc đang đau đớn thể xác như thế, tinh thần ấy vẫn là chất nuôi dưỡng anh sức sống làm việc, sáng tác, mà anh gọi một cách thống khoái là Cuộc Chơi Chuyển Nghiệp… Ôi là tài tử tài hoa Huỳnh Ngọc Chiến! Tài hoa mà uyên bác nữa thì hẳn người đó đã Phước Huệ song tu****.
Gượng đau ngồi dịch Lăng Già
Xong, lại mơ cõi Duy Ma phiêu bồng
Để mai về bến sương hồng
Trong tâm còn lại đôi dòng chân kinh
Bước chân qua cõi tử sinh
Bước chân qua cõi tử sinh, thì ô kìa, điểm hạnh ngộ của chấm ngàn thu và nốt rạng rỡ trùng sinh. Vâng, đây là mặc khải huyền vi của Đi. Cuộc đi đẹp quá với mang mang lồng lộng chân kinh mà phiêu hốt sương hồng, anh Huỳnh Ngọc Chiến ơi, hãy nói thế nào là sương hồng?
Sáng ni lên chín tầng trời
Ngồi nghe thiên cổ kể lời biển dâu
Muốn cho cuộc sống nhiệm mầu
Mỗi giây phút phải xanh màu thiên thu
Để khi vào cõi sa mù
Sẽ bay như hạt mưa thu nhẹ nhàng
(HNC, Hóa Trị Lần 1, Ngày 9/9 lên lầu tầng 9, ngồi ghế số 63, hoá trị cả ngày, ngẫu hứng làm thơ)
Tôi nhớ lời Phật Thích Ca dạy trong kinh Người Biết Sống Một Mình. Hiện pháp lạc trú, Muốn cho cuộc sống nhiệm mầu/ Mỗi giây phút phải xanh màu thiên thu… Không ưu tư mình sẽ ra đi mà tận hưởng cái xanh hạnh phúc đang là, ngay ở phút giây hóa trị…
Hôm nay tóc rụng hết rồi
Lần hai hóa trị, lại ngồi thi gan
Vội ghi đây một vài hàng
Xem như gởi lại trần gian đôi lời
Mai đây khởi sự xa đời
Cơn Mơ nào sẽ đưa người ngàn thu?
Xin khi vào cõi Không Hư
Hóa thân thành một lời ru dịu dàng
Bao nhiêu mộng ước dở dang
Sẽ thành tựu với Cung Đàn Trùng Sinh.
Người tuyệt mơ mộng… Mơ cơn mơ đưa mình về ngàn thu, một ra đi nhẹ nhàng để rồi chuyển hóa thành lời ru dịu dàng. Và nhân gian ai có nghe? Lời ru bất tuyệt lãng mạn của ánh trăng với tiếng dương cầm lung linh Beethoven? Lời ru buồn sâu đêm của mưa thưa trên tàu lá chuối cạnh thư phòng xưa chàng ngồi dịch kinh? Ôi, những lời ru dịu dàng hóa thân của người, một mất mà hóa hiện trùng trùng… Sinh tử kia, điểm hạnh ngộ của chấm ngàn thu và nốt rạng rỡ trùng sinh, thì tâm ước Bao nhiêu mộng ước dở dang/ Sẽ thành tựu với Cung Đàn Trùng Sinh, sẽ viên thành, sẽ từ tinh anh ấy mà họp lại nên tài hoa… Nói tới đây tôi cảm động muốn khóc.
Hôm nay hóa trị đợt ba
Bước xuống ghế bệnh mắt hoa, quay cuồng
Cười ta quen thói phiêu bồng
Bây giờ dừng vó ngựa hồng nơi đây
Giang hồ bao cuộc tỉnh say
Mây đưa tiếng hát, khói bay cung đàn
Cuối đời phiêu bạt phương nam
Cần Thơ sông nước ngọt trầm cải lương
Bến Tre nhớ bóng tà buông
Sài Gòn hòa tiếng hát buồn Bạc Liêu
Tam Kỳ phố cũ thương yêu,
Vui trưa Đà Nẵng, say chiều Hà Lam
Ta nhàn du cõi trần gian
Rong chơi cùng với cây đàn guitar
Dịch kinh, viết sách gọi là
Lưu chút tặng vật làm quà thế gian
Bận tâm chi chuyện hợp tan
Sinh là nắng gió, tử ngàn hoa bay
Đến như hoa thắm bên này
Đi thành hương ngát tháng ngày bên kia
Một làn sương mỏng cách chia
(HNC, Hóa Trị Lần 3, Sáng 23/10 hóa trị đợt 3, từ 7h đến 13h, làm thơ... chữa bệnh)
Hài hước là cách hay nhất để hóa giải và cho ta chịu đựng một cách nhẹ nhàng những cảnh ngộ khó khăn, những tình huống tréo ngoe, như lúc này đây: Cười ta quen thói phiêu bồng/ Bây giờ dừng vó ngựa hồng nơi đây… Hẳn vó ngựa hồng một thời đang mỉm cười với chân ghế xạ trị hôm nay. Luôn luôn trong phút đối mặt với tử sinh, Huỳnh Ngọc Chiến hầu như không nghĩ đến cái mất đi, nỗi chia xa, Bận tâm chi chuyện hợp tan/ Sinh là nắng gió, tử ngàn hoa bay… Tôi nghe nắng gió hoa bay xao xuyến đất trời… Trong một bài giảng của sư ông Nhất Hạnh nói, tất cả các pháp luân phiên chuyển hóa, chẳng có gì gọi là còn là mất, hạt nước bốc hơi thành mây, mây tan thành mưa… Và người tài hoa kia thì Đến như hoa thắm bên này/ Đi thành hương ngát tháng ngày bên kia… Cõi nào người cũng Có Mặt, Thực Sống. Diệu nghĩa thay đi đến ấy! Cũng vậy, trong bài thơ In Flanders Fields, bác sĩ quân y John McCrae, chứng kiến bao cái chết của những người lính, giữa hàng bia mộ, ông cũng thấy được phục sinh huyền ảo ấy:
Trên cánh đồng Flanders
Giữa những hàng hàng bia mộ
Hoa poppies. nở
Dập dờn
Đánh dấu nơi chúng tôi yên nghỉ
Trên trời
Những con sơn ca vẫn can đảm hót
Tiếng hót chợt vang lên đôi lúc
Giữa tiếng đại pháo rền dưới kia
Chúng tôi là những người vừa mới chết
Chỉ mấy ngày trước đây
Nhưng chúng tôi vẫn sống
Để cảm nhận bình minh
Thấy được ánh hoàng hôn
Yêu và được thương yêu
…
(John McCrae, In Flanders Fields, Nguyễn Xuân Thiệp dịch)
Có được tuệ giác của vô thường, John McCrae mới nhìn ra sống chết chan chứa xúc cảm như thế, để gặp gỡ với Huỳnh Ngọc Chiến, cõi đây anh là hoa thắm, cõi kia anh là hương ngát… và trên cánh đồng hoa poppy vàng ngát bia mộ Jon McCrae vẫn nghe trong gió: chúng tôi vẫn sống để cảm nhận ban mai, chiều tà… Thật mang mang huyễn lộng tử sinh trong mấu chốt ngọt bùi miên viễn yêu và được thương yêu. Nó là gì nếu không là sức mạnh cho ta lúc sống được nương tựa bình an, là sợi tơ kết gắn người đi xa và kẻ ở lại, là hạt mầm nuôi nấng bao lời hẹn cõi mai. Trong bài Lời Cuối của Huỳnh Ngọc Chiến, anh cũng đã nói về hạnh phúc yêu và được thương yêu này.
… Tôi cũng sắp từ giã mọi người để xuống một bến ga. Trên chuyến xe đời ở kiếp này, giữa bao trầm luân trôi nổi, tôi thấy mình là lữ khách hạnh phúc. Tôi đã vào đời bằng tiếng khóc giữa tiếng cười của cha mẹ, người thân, bây giờ sẽ ra đi bằng nụ cười giữa sự thương yêu của người thân, bè bạn, v.v… Hạnh phúc đó đâu phải ai cũng có thể có được đâu?
… Mọi người rồi sẽ trải nghiệm được rằng chết là bước chuyển để nối tiếp cuộc sống theo một thể điệu khác, trong chu kỳ sinh hóa vô cùng.
Tôi xin cảm ơn tất cả những người, trong gia đình lẫn ngoài đời, từ những bậc đàn anh đến thân hữu, học trò, đồng nghiệp, v.v… đã gặp gỡ và thương yêu, quý mến tôi trong chuyến rong chơi giữa cõi Ta Bà này. Trong kiếp sau, hay nhiều kiếp sau nữa, nếu có duyên chúng ta vẫn có thể gặp lại nhau.
Đến lúc này, tôi thấy cái Chết cũng chỉ là cái sân khấu ở nơi khác để tôi bước lên chơi đàn như trong đêm nhạc Cung Trầm, mà nhóm bạn thân tổ chức cho tôi vào đêm 28/12/2019 tại Tam Kỳ. Chỉ hơi hồi hộp chút xíu vì có thể tôi sẽ gặp những người khách lạ! (Lời Cuối, HNC viết ở Tam Kỳ 5/5/2021)
Đón nhận sự ra đi như thế, thì quả thật là tử an, thưa anh. Và khi anh đã nói chết là bước chuyển để nối tiếp cuộc sống theo một thể điệu khác, trong chu kỳ sinh hóa vô cùng, đó phải chăng là bất sinh bất diệt, thường trụ, chân không diệu hữu? Với tâm thái niết bàn ấy thì sự ra đi kia nhẹ nhàng như chiếc lá rơi trong tiếng gió, tiếng chuông, tiếng nhạc cổ điển (mà anh hằng ưa thích). Và hẳn là màu tím của buổi nắng chiều cũng hòa theo, tiếp tục lao xao trong cõi mộng dài khác, để lại sinh ra một tài hoa?
-o-o-o-
Trong email ngày 29 tháng 5 -ba ngày trước khi qua đời-, anh HNC đã viết cho tôi:
“Tôi thích nhất hai câu: Mầu hoa tím ở trên đồi/Thường về lao xao trong giấc ngủ (NTKM). Tôi cũng mơ màu hoa tím và tiếng nhạc cổ điển lao xao trong Giấc Mộng Dài của đời mình.” Mầu hoa tím và Giấc Mộng Dài tôi dùng làm tiêu đề cho bài viết tưởng niệm Huỳnh Ngọc Chiến không có nghĩa gì đặc biệt ngoài chất thơ mộng của hình ảnh, biết đâu nhờ chiếc cầu thơ mộng này tạo nên một túc duyên mà anh nói trong một email: “Mong kiếp sau chúng ta được là bạn” và tôi sẽ được hưởng một cái thú sống đẹp theo Trương Trào “nguyệt hạ thính guitar thanh” ** của một người bạn tài hoa. Thưa anh Huỳnh Ngọc Chiến, tôi viết bài này trong nỗi niềm chia sẻ, nếu không muốn nói là tri âm, của một người bạn.
Santa Maria, June 12, 2021
ntkm
*Câu thi kệ của Thiền sư Mãn Giác, Ngô Tất Tố dịch
**Huỳnh Ngọc Chiến, Rong Chơi Cùng U Mộng Ảnh, tr.88. tr.94 (Nguyệt hạ thính tiêu thanh, dưới trăng nghe tiếng tiêu)
*** Nguyễn Công Trứ: Giai nhân tự cổ như danh tướng/ Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu (Tự ngàn xưa, giai nhân cũng như danh tướng, không để nhân gian thấy sống đến bạc đầu -Huỳnh Ngọc Chiến dịch-)
****Huỳnh Ngọc Chiến, Ngọa Bệnh Nhàn Đàm, câu 32
No comments:
Post a Comment