Tố Nghi
Cuốn sách
François Hollande & Valérie Trierweiler
Lời ngỏ.
Chuyện bầu cử cờ huê
rối tinh beng như chưa từng thấy, cũng bởi truyền thông tin tức nhậm lẹ đọc hổng
kịp, rồi dùng internet tung chiêu, cả thực (ít) lẫn hư (nhiều) để câu phiếu và
sát phạt đối thủ. Trong đó, thinh không rầm rộ các cuốn sách tự truyện (autobiography)
kể tội cừu nhơn. Vĩ đại to đùng nhứt ở đây chính là ngài tổng thống đương nhiệm
hổng khác. Ông nọ làm mích lòng chòm xóm láng giềng quá xá, tới nỗi vào thẳng
Guiness Record : Trong nhiệm kỳ 4 năm, đã có hơn 4 trăm cộng sự viên rũ áo ra
đi (tự ý hay bị buộc phải từ nhiệm).
Tưởng vậy mà chưa chắc
đã vậy, vì đặc tánh sến vốn là của chung, chỉ cách thức phát huy mới sanh
khác. Huê kỳ là đại cường số 1 để thế giới
hướng mắt vào, và yên trí (sai) cái chi huê kỳ cũng số 1 tất, ngay cả trong
lãnh vực sến.
Sau đây là chuyện thực
trăm phần dầu, xảy ra tại xứ pháp, nơi công tư vốn đâu đó phân miêng, đứng đầu
là các yếu nhơn chánh khách. Riêng lãnh vực "giải trí giữa giờ" của
đám nghệ sĩ (tài tử, ca nhạc sĩ...) tuy cũng là public figures nhưng không được
xếp chung vào, bởi xưa rày sến không là hiện tượng nhưng là bản chất, thiết yếu
trong thăng tiến nghề nghiệp.
Phóng sự lá cải vốn
vòng vèo, thành xin được giới thiệu trước cho độc giả dễ theo dõi 3 nhơn vật
chánh : sến nhớt (SN) tổng thống đại pháp 2012-2017, đào thương Royal (ĐT) và
đào lẳng Valérie (ĐL)
*
September 2014, Valérie Trierweiler tung ra một quyển
sách, với mục đích bêu rếu François Hollande cho con dân nước đại pháp ngó chơi
ông kép sến tổng thống của họ, cốt để rửa mối hận tình.
So với mỹ, báo chí âu châu, nhứt là báo chí pháp, ngó bộ
ít lái xe tăng xồng xộc vào dinh tổng thống hay dinh các nhà chánh trị chuyên
nghiệp đặng lắng nghe động tĩnh. Truyền thống báo chí âu châu đó giờ là không
chúi mũi vào việc riêng tư cá nhơn, nhứt là chuyện tình cảm. "Đèn nhà ai nấy
rạng" xưa rày vốn vẫn là phương châm truyền thống hàng đầu.
Nhưng rồi... truyền thống trong sáng ấy, từ hai ba thập
niên nay đổ lợi, đã có thay đổi đáng kể. Lý do: báo lá cải chuyên nghiệp phải vất
vả cạnh tranh thương mại với báo chợ biếu không, và cả với các trang online
hoàn toàn mở rộng cho công chúng tò mò tha hồ vào đọc tin tức (...mình) nhằm mở
mang... dân trí.
Rồi cả châu âu và đặc biệt tại anh pháp, truyền thống
riêng tư thinh không bị giựt sập, các nhà chánh trị dân cử, các vị tai to mặt bự
quyền thế được theo sâu dõi sát và lôi lên phóng sự giựt gân cốt câu độc giả nhằm
thu hút quảng cáo thương mại. Thế là... âu châu nhắng lên. Và cú nhăng đương
khuấy động ồn ào bây giờ chính là quyển tự truyện auto-biography Valerie
Trierweiler viết tặng người tình cũ có đề tựa "Merci pour ce moment"
tạm dịch là "Tạ ơn khoảnh khắc này".
*
Kép sến nhớt (SN) François Hollande tổng thống cộng hòa đại
pháp được đám thực dân bầu lên năm 2012 với nhiệm kỳ kéo dài 5 năm. SN còn trẻ
chưa già. Sự nghiệp chánh trị cũng chỉ vậy vậy chớ hổng sáng lung, gia nhập đảng
Xã hội rồi từ dưới bám thang leo lên. Cùng leo với SN là một bạn đồng hành
chung chí hướng, sau trở thành bạn đời, cô Ségolène Royal. SN và Royal sống
chung nhà trên dưới cả chục năm. Tuy có với nhau 4 mặt con, nhưng cả hai đồng
lòng hổng lý chi tới miếng hôn thú lận lưng đặng trình tòa khi hữu sự, bị chúng
hổng tin tưởng cho lắm vào cái giá trị tinh thần vật chất của miếng giấy nọ. Ở
cương vị lãnh đạo quốc gia, vụ này ngó chừng cũng khó giải thích cho xuôi tại
các xứ khác, nhưng tại pháp thì dân chúng ngó lơ thây kệ.
Cái gia đạo thượng lưu trí thức SN - ĐT lúc nớ đã lung
lay tận gốc rễ : cả hai đang đối đầu sanh tử ở vòng đua của đảng xã hội vào ghế
ứng viên đại diện đảng trong cuộc bấu tổng thống đại pháp 2006
Cuộc chung sống tưởng là hòa bình dài lâu giữa chúng đột
ngột rút ngắn, có thể do 3 lý do :
1. Vì Royal, người đờn bà đi bên SN, "chói
sáng" hơn kép. Ngó chừng hổng thể qua mặt nổi Royal, SN tự ý rút tên ra khỏi
danh sách lùi ra, và lùi luôn tới hiên nhà nữ ký giả Trierweiler mần màn lai
rai cà phê bí tất. Và ĐT Royal được chỉ
định vào ghế ứng cử viên tổng thống của đãng Xã hội
2. Vì làm "bóng mờ" dài lâu bên nàng, tạo vô
vàn tự ti mặc cảm, và mặ cảm này thôi thúc một cuộc vùng dậy giành tự chủ, SN
đâm lăng xăng lăng nhăng y chang thuyền không bánh lái, trôi dạt vô định, đậu
tùm lum đủ thứ bến bờ. Tới 2005, SN rơi vào đôi bàn tay dịu hiền của nàng phù
thủy xinh đẹp Valérie Trierweiler, bỉnh bút chánh trị của tuần báo lá cải Paris
Match
(chời hỡi chời... tui
nhớ thời nẳm, hay đi đọc Paris Match chùa trong nhà sách Xuân Thu ở đường Tự
Do. Hồi ấy, cầm trong tay cuốn Paris Match là biểu hiệu của thượng lưu trí thức,
savoir vivre thứ thiệt. Chừ có đọc Paris Match thì... mẹ cha tôi ơi, không thể
hiểu nổi vì sao Sài Gòn cũ lại hăm hở đọc nó. Mỗi chiều thứ tư nó đáp máy bay từ
bển sang, tới sáng thư năm, bò đứng chình ình trên quầy tạp chí của tiệm, để
bàn dân thiên hạ chi địa ôm về, đọc ba cái chuyện đẩu đâu kiểu "xe cán
chó, xe hư còn chó chạy mất" hổng nhằm nhò liên quan chi tới ta ráo nạo).
3. Cũng có thể nhớt
vốn là bản chất của sến, rồi gặp nhiệt độ thích hạp, nhớt rịn và chảy ra ngoài
!
Khí xáp lá cà (2005), ĐL vẫn chánh thức có chồng - chồng
thứ hai Trierweiler và 3 mặt con - SN và Royal, kiêm đào thương (ĐT) kiêm người
tình không bao giờ cưới, vẫn ra vào chung… hộ khẩu,
ĐT Royal đeo găng thượng đài với kép sến Nicholas Sarkozy
2006, và lãnh cú knock-out. Nàng ôm đầu máu về nhà kêu SN ra mếu máo. Dĩ nhiên
là có vụ chùi thuốc đỏ và băng bó máu me vết thương đầu. Trong khi chùi băng vậy,
hổng rõ đã xảy ra chuyện chi, ĐT đổi buồn thành vui, ra trước báo chí loan tin
"áo cưới rất có thể sẽ ra trước cổng chùa". Rồi cũng hổng hiểu đã xảy
ra chuyện chi sau đó, áo cưới bỗng lùi dzìa nhà, dọn hoa ly tống cổ thằng sến
ra luôn đường cho gọn việc sổ sách. SN xách hoa ly sang ở đậu ĐL một chập, và
"đâng ký hộ khẩu" bên bển luôn đậng giấy tớ thư tín đừng thất lạc...
nữa.
ĐL chánh thức li dị chồng, 2010, với tràn trề hy vọng SN
sẽ quỳ xuống xin bàn tay. Nhưng cổ tích thần thoại không xảy ra trong đời thật,
nên dzồi SN cứ vẫn là "giai tân chưa hề lấy vợ một lần".
Với nỗ lực hết mình yểm trợ của ĐL và đồng đảng Olivier
Falorni, 2012 SN đeo găng thượng đài cùng Sarkozy, mần màn trước trả dùm thù
nhà (cho Royal), sau trả dùm thù đảng (Xã hội) - Kép sến Sarkozy lúc này còn bận
rộn với vợ mới cưới (ca sĩ chơn dài giọng ngắn Carla) và con sơ sanh đỏ hỏn,
nên chểnh mảng training. Sarkozy bị SN quất sụm, ôm đôi tai trầy
sước về nhà, nghe Carla cất giọng (run rẩy yếu xìu) ca hát giúp dzui -
*
Bắt đầu từ đây, lá cải ủ trong hũ một hồi bỗng lên men
chua biến thành dưa muối. Mùi chua nồng
nặc bay ra... Buổi sáng sau ngày bầu cử, đảng Xã hội và đám cảm tình dziêng tụ
lợi hát khải hoàn ca. Sến Nhớt được thần dân đồng đảng ôm hôn chúc mừng chiến
thắng. Đào Lẳng mần màn thị uy, chánh thức đòi "chủ quyền lãnh thổ" bằng
cái hôn môi trước công chúng - un baiser
sur la bouche - hôn má suông thôi thì chú quyền vẫn chưa có. Vụ này cũng tỉ
như màn ký tên đóng dấu bằng nước tiểu của gia tộc cẩu trệ - tui có nuôi chó
đâu mà biết, nghe nói đám này thường mang hương riêng của chúng ra "xí chỗ"-
Nhưng đây mới chỉ là hiệp một của vở cải lương dài nhiều tập. Bọn báo chỉ phóng
viên cà chua thinh không có chủ đề giựt gân tha hồ dài lâu khai thác.
Hồi đại pháp tổ chức bầu vào quốc hội thêm một dân biểu đại
diện pháp kiều hải ngoại thì "chánh biến" xảy ra ngay trong lòng đảng
: Đào Royal và kép Olivier Falorni cùng dơ tay xung phong một lượt. SN, ở cương
vị tổng thống tương lai sắp nhậm chức, chánh thức ủng hộ người xưa - đã vậy
thiên hạ còn xầm xì việc "cố nhơn" rất có thể sẽ giữ một ghế bộ trưởng
trong tân nội các - Thế là dưa chua sặc mùi. Trong chiều hướng "kẻ thù của
kẻ thù ta là bạn ta", đào lẳng lớn tiếng ủng hộ Falorni, đối thủ của đào thương.
SN đang oang oang, thinh không tịt ngòi, ngậm miệng mở miệng chi cũng khó ăn
khó nói. Uất ức vì bị đảng xử ép (không chọn), lại được dưa chua tiếp tế xăng dầu
hộp quẹt, Falorni tuyên bố bỏ đảng, ra tranh cử với tư cách ứng viên tự do. Kết
quả : Vì bị chia phiếu, cái ghế trôi tuột vào tay đảng khác. Đám Xã hội bẽ bàng
việc rạn nứt nội bộ ngay từ khi đảng chưa kịp điều hành đất nước.
Trong lễ nhậm chức, đám Xã hội nhận thiệp mời, tới tham dự
đông đủ, nhưng thiếu bóng Royal. Ba thằng con của SN tuy có vé mời nhưng vì má
chúng hổng có, nên đồng lòng không tham dự ! Thần dân đất nước sững sờ, chời ơi
chời, tu thân tề gia lạng quạng rứa thì trị quốc sao bình thiên hạ cho đặng !
SN chưa kịp làm tổng thống ngày nào đã xuống điểm ào ào trong bảng thăm dò ý kiến
quần chúng.
*
Đại khái... chuyện cẩu trệ "xí chỗ" cứ thế thậm
thà thậm thượt suốt từ ngày đại pháp thay đổi đảng cầm quyền, mở ra một tình huống
lạ lẫm trước nay chưa hề thấy trong lịch sử chánh trường xã hội : Tình huống
First Girlfriend, hổng nạc hổng mỡ ! Sau hai năm cầm quyền, cùng với SN, đảng
Xã hội tuột đốc thảm hại. Chánh sách đối nội lẫn đối ngoại đều thất bại nặng nề.
Đất nước đại pháp trở thành tâm điểm khai thác của báo lá cải âu châu, trong lẫn
ngoài nước. Cứ hễ tên đại pháp được nhắc tới, y phép là vì chuyện "xe cán
chó, xe hư chó chạy mất" của vị đệ nhứt dân cử quốc gia, tổng thống Sến Nhớt
Hollande. Khổ tâm biết nhiêu nói !
Tổng thống SN, tại bàn giấy phải hành xử các vấn đề hệ trọng
quốc gia, bước ra ngoài bị báo chí bao vây nghiêm ngặt, về cung cấm được đào lẳng dí đãi
dưa cải muối chua, lu bù bể sở tới tối tăm mặt mày. Nghe vậy cứ nghĩ SN bận bịu
tới hổng còn thời giờ riêng tư cho mình nữa ! Nhưng... tưởng vậy mà hổng có vậy,
cách nào đó SN vẫn thần kỳ xoay sở ra những phút giải lao giữa giờ. Một tờ lá cải
thinh không cho đi tấm hình SN dấu mặt trong casque, ngồi yên sau mô-tô của đàn
em, lỉnh ra ngoài. Rồi sẵn đà, tờ báo còn tiết lộ luôn mối ẩn tình (nghĩa là
tình còn ẩn) trước toàn thế giới, rằng người mới nớ kể ra cũng không còn trẻ nữa
: đào hát Gayet, nay đã 41 xuân xanh. Còn đội nón đó là có sứ mạng đàng hoàng :
mang bánh sừng trâu tới pha cà phê nhâm nhi đối ẩm cùng tân tri kỷ.
Kết quả : Dưa chua hóa khú ! Đào lẳng nhảy nhỏm lăn đùng
ra đất dãy chơn tay tỉ tê ăn vạ, rồi tì tì nốc thuốc thị uy, và được đưa vào bịnh
viện rửa ruột. SN sợ lãnh gọn hủ dưa vào đầu, hổng dám đích thân đi thăm, gởi sứ
giả trung gian tới thế mạng, và... teng teng teng tèng... vị sứ giả nọ không ai
khác hơn là đào thương Royal - đã nếm mùi "đi" và..."đi trước"
tới dạn dày kinh nghiệm - Cuộc thăm viếng nọ dài bao lâu, "đi trước"
đã khuyên nhủ "đi sau" thế nào về đứa đang "đi cuối" nớ thì
hổng ai hay ai biết, chỉ thấy đào lẳng từ nhà thương dzìa, gọn lẹ dọn va-li ngoắc
taxi đi luôn. Rồi SN ra trước báo chí tuyên bố "dưa đã đi rồi", phi vụ
đớp dưa chua hoàn toàn kết thúc !
Tưởng vậy là êm, dè đâu hũ dưa cứ nhứt định khú tiếp. Thế
là chào đời quyển sách "cám ơn khoảnh khắc này" với mục đích rửa hận.
Sách rửa hận thì ta thấy hà rằm, nhưng rửa hận tình với tổng thống đương nhiệm
thì đây là lần thứ nhứt. Sách được in âm thầm tại đức rồi bất ngờ được tung ra.
SN đỡ hổng kịp những hình ảnh chi tiết cáo buộc, sự nghiệp chánh trị đang thoi
thóp hấp hối nay coi như gọn lẹ trút hơi, tà tà ra an nghỉ ngàn thu ngoài nghĩa
địa. Nội dung cuốn sách nớ thế nào ra sao hở ? Có đâu mà đọc, nhưng phóng diêng
lá cải chuyên nghiệp (ai nữa, còn hỏi) hổng cần cũng đoán ra nội dung :
- 1. Lôi những chuyện trà dư tửu hậu thì thầm bên gối ra
đặng rộng đường dư luận, cho người thấy chút cái bộ mặt vừa sến vừa nhớt của đứa
bạc tình
- 2. Kể tá lả những bằng chứng nó vẫn còn thiết tha gắn
bó với mình. Bình cà phê của nó dối trá, chớ con tim nó vẫn nhiệt liệt thủy
chung - nó nói vậy rồi đòi xin bàn tay của mình nữa đó. Cũng bởi mình đã chán
ngán nó quá rồi nên cứ một lòng dứt áo đi ra trừng phạt cho nó biết thân -
- 3. Khẳng định vị trí của mình trong vựa rau dưa không
thay đổi, đúng ra còn cao hơn trước. Nay mình ra đường cứ được níu áo cám ơn
hoài hà, vì đã can đảm viết sách nói dùm cho cánh phụ nữ bị phụ tình. Gì thì
gì... với đại pháp mình vẫn là đệ nhứt lá cải, the very 1st green mustard...
bla...bla...bla...
Giá trị cuốn sách chúng ta hổng mất công bàn cãi. Ngộ cái
nó bán chạy như tôm tươi, không chỉ ở pháp mà còn cả sang láng giềng lân bang.
Ngoài số lượng phát hành khổng lồ, sách còn được dịch ra 7 thứ tiếng. Tác giả của
nó đi lòng vòng ký sách mỏi tay luôn, và được đám truyền thanh truyền hình bu lợi
xin phỏng vấn, không chỉ trong phạm vi rau cải với nhau, nhưng còn lan ra cả
trong đám truyền thông xưa rày vẫn được coi là nghiêm chỉnh, má ơi !
Kết quả sự việc làm dội ngược báo chí truyền thông trong
nước. Và rồi rải rác xuất hiện trên nhựt trình, trong talk show vẫn được coi là
đứng đắn, các ý kiến phẩm bình kịch liệt : Đệ nhứt lá cải được gọi bằng đủ thứ
tên : Mụ điên, đứa hèn hạ, thiếu tự trọng, đứa mất dạy, mất tư cách.v.v. Mất với
thiếu nhiêu đó ngó chừng chưa đủ, the 1st green mustard còn được dán nhãn
"gái giang hồ" - tội nghiệp đám giang hồ, thinh không phải lãnh nàng
vào trong hàng ngũ -
*
Cuộc chiến nay đã tàn. Thắng thua đã rõ nét.
- Lời nhứt là đám truyền thông lá cải chuyên nghiệp,
trong đó nhà xuất bản đứng đầu.
- Lời nhì là khán thính giả mê soap opera, được coi show
miễn phí mỗi bữa.
- Lời ba là đệ nhứt lá cải, vừa được trả thù lại vừa rủnh
rỉnh đếm bạc bỏ túi.
Có người lời thì phải có người lỗ.
- Lỗ nhứt là đảng Xã hội. Chuyện tái thắng trong lần bầu
bán tới coi như tiêu - trừ phi từ trong lòng đảng, nứt ra một vị anh hùng tả xung
hữu đột gầy dựng lợi thanh thế đã mất.
- Lỗ nhì là con đân đất đại pháp, đi tới đâu cũng bị bọn
xỏ lá đật những câu hỏi nặng tánh tò mò, thị phi, diễu cợt.
- Lỗ ba là SN, tương lai trong hàng ngũ đảng tối thùi, sự
nghiệp chánh trị đứt chến. Thần dân khi dể đã đành, 3 thằng con cũng hổng thèm
dòm bản mặt.
Kết luận.
Trong vở cải lương dưa cải muối chua này, ai đáng thương
nhứt ? Thì Sến nhớt chớ ai trồng khoai đất này nữa. Đường nào sáng rỡ hổng biết
chớ đường tình duyên gia đạo của Sến tối hù, đụng đâu cúp điện cháy bóng đó.
Cái danh tổng thống còn thì em Gayet còn, hết danh bảo đảm tình em cũng giã biệt.
Tương lai trước mặt hẳn là bóng tối minh mông. Đáng thương quá xá !
(Rồi the 1st green
mustard thắng to hở ? Nói vậy là hổng dòm kỹ dòm xa. Nay em chỉ là xác chết biết
thở, bởi danh dự xác hồn đã cháy rụi ngay từ cái hôn môi. Em như đứng trong đầm
lầy, càng vùng vẫy càng lún bạo. Đây dzồi mơi kia mốt nọ chưa chắc có đứa nào
dám thí mạng cùi liều mình đưa người cho em tựa đầu áp ngực cầm hơi)
Đứa thắng to nhứt, theo tui, cũng lại là SN không khác :
Tài cán hổng bao lăm nên sự nghiệp sụp đổ, nay có cuốn sách như có cái nạng để
bám vào, SN tha hồ "tại bị thì mà là" cù cưa cùng lối xóm. Vậy hổng tốt
sao ?
Ai chê SN chớ tui thấy nó thông minh hết mình và thành công
vượt bực : Với bất cứ ai cùng chung lối mộng share phòng ngủ phòng tắm đều được
nó xin bàn tay ráo nạo. Nhưng xin rồi để đó, còn nó cứ phây phây thong dong. Ai
có thể nhốt được gió trời, và ai có thể tỉnh bơ pha cà phê đãi cùng khắp thiên
hạ xung quanh trong vòng kiềm tỏa dưa chua và vòng vây trùng điệp truyền thông
báo chí ? Hổng hay hổng giỏi làm sao đăng !
Chuyện lá cải tuy hạ màn, nhưng dư âm ngó chừng âm ỉ chưa
hết. Khổ cái... lòng hăng hái coi cải
lương của tui thinh không tịt ngòi, the sequel không có vì ngang xương cụt hứng.
Chừ thì tui bị ép uổng mỗi bữa mỗi phải coi soap-opera ruồi bu đất mỹ. Ớn quá
xá ớn !
Đọc bài này xong xin độc giả giúp ý kiến : Tui có nên đổi
nghề, bước hẳn vào vựa rau dưa mần phóng sự lên men chuyên nghiệp chăng ? Thú
thiệt cùng bà con lối xóm, vụ này dễ ăn dễ nói hơn tôn giáo
khoa học y tế văn chương gấp bội !
TỐ NGHI
No comments:
Post a Comment