Sunday, November 29, 2020

NHỮNG CƠN MƯA PHÙN

nguyễnxuânthiệp
 
Phố mùa đông. Sơn dầu trên giấy.
Tranh Đinh Cường
 
Chiều chủ nhật. Mưa phùn ở Dallas. Nhớ ngày nào mình có làm bài thơ
 
mưa phùn. ngày chủ nhật
buồn
không ai mang cho cành hoa
không ai gọi
chỉ nghe tiếng gió
không ra quán cà phê
ngồi nhà
như con chó ốm
đọc thơ
thấy trời màu xám. mây màu xám
nghĩ tới người thi sĩ
ngày nào
đi trên đường phố paris. new york
cũng dưới mưa phùn
ho khan
những chuyến xe buýt. chạy qua. chạy qua
bóng quạ. và người hành giả cô đơn
là bạn
với hàng cây trong khói…
 
Và sau đây là lời viết của Phạm Công Thiện chàng thi sĩ trong bài thơ trên:
    “Hắn thổi những cơn mưa phùn qua khung cửa kính hiệu buôn thuốc lá và cà phê. Chỉ có đất Pháp này mới có những quán thuốc lá chuyên bán đủ loại thuốc hút, đồng thời bán phụ thêm cà phê và rượu đỏ: cà phê đen, rượu đỏ và thuốc bao xanh là ba dấu hiệu của đất Pháp: không có ba thứ này, nhất định nước Pháp sẽ không còn những cơn mưa phùn tháng tư. Hắn ngồi bên cạnh khung cửa kính, quán thuốc lá chỉ mang tên vỏn vẹn là tabac café express; quán thuốc nằm đối diện nghĩa địa. Chung quanh đều im lặng, thỉnh thoảng vài tiếng ho, tiếng cửa đẩy vào, tiếng gió rít vào từ những ngày quá khứ. Bây giờ là tháng tư? Thời gian là những tháng tư còn lại. Không, tháng mười rồi. Mưa bụi và lạnh, những cơn mưa phùn tháng mười ở ngoại ô Paris.” (Bay Đi Những Cơn Mưa Phùn. PCT)
 
     Sau đây xin trở lại với thành phố Dallas sáng nay: Sáng nay, lại mưa phùn. Cũng vẫn ở Dallas. Mưa thật nhẹ, dưới bầu trời mây thấp. Mưa phùn bay chứ không rơi. Bay qua những mái nhà, những hàng cây khô, bay qua những niềm vui nỗi buồn của đời người. Mình đã gặp mưa phùn ở đâu nhỉ? Trong thơ Đường hay trong những tạp văn của Lỗ Tấn? Hay trong các tiểu thuyết, truyện ngắn của Tự Lực Văn Đoàn. Đúng rồi. Nhưng mình còn gặp nó trong đời này nữa. Vậy xin ghi lại ở đây để gởi những ai là đồng cảm bên đời.
     Mưa phùn, tiếng Anh gọi là drizzle. Lần đầu tiên được nhìn thấy mưa phùn là ở Huế. Ôi làm sao quên được Huế của những ngày xưa ấy. Vào độ giêng, hai. Mưa phùn trên những mái tranh, những cây rơm, những ngọn sầu đông.  Trời rét căm căm. Trong nhà, bà cô và mẹ và bà, mỗi người có một cái “lồng ấp” đốt lên, ôm vào lòng sưởi ấm. Lồng ấp là chiếc lồng đan bằng tre, ở trong để một cái trách đất nhỏ đựng than, trời lạnh cho thêm vài cục than cháy đỏ thế là tha hồ ấm. Hồi ấy làm gì có lò sưởi, có hít (heat) như bên nay bây giờ. Điều khá lạ là ở Mỹ, ngay tại tiểu bang Florida, cũng có người dùng lồng ấp. Đó là họa sĩ / nhà văn Võ Đình hồi còn tại thế. Chị vợ anh Trần Long Hồ ở DC kể cho Nguyễn nghe câu chuyện sau đây: Hai vợ chồng tới thăm Võ Đình, gặp mùa đông mà trong nhà lại không mở “hít”, lạnh muốn chết nhưng thấy Võ Đình vẫn ung dung: thì ra họa sĩ đang ôm một cái lồng ấp cháy đỏ trong lòng.
     A, đi xa đề rồi. Vậy, xin trở lại. Từ giã mưa phùn Huế, Nguyễn vô Sài Gòn. Ở đây không có mưa phùn. Chỉ khi lên Đà Lạt, Nguyễn mới gặp lại những cơn mưa phùn. Những cơn mưa phùn Đà Lạt. Ôi, bao giờ quên được. Mà nhiều người, rất nhiều người cũng không quên. Có thể kể ra đây một vài tên tuổi: Phạm Cao Hoàng, Phạm Nhuận, Khánh Ly, Lê Uyên, Diễm Liên. Ngô Minh Thi… Còn Bích Hường, cô gái Sài Gòn, từng viết trong blog của mình: Em yêu Sài Gòn, yêu cả màu nắng và tiếng rao hàng trong đêm. Vậy mà khi lên Đà Lạt, gặp cơn mưa phùn ở đây, là em mê. Mưa phùn, hương cà phê và lửa ấm…
     Đúng như Bích Hường viết, những cơn mưa phùn ở Đà Lạt mang hơi ấm của những ngọn lửa cà phê. Khi đi tù ra miền Bắc, ở trại Cẩm Nhân, Nguyễn lại gặp những cơn mưa phùn. Mưa phùn ở đây chẳng có gì là thơ mộng hay gợi cảm. Nó là nỗi cơ cực thấm vào phận người. Các bạn của Nguyễn từng sống ở trại này hẳn không thể nào quên được. Nó còn bám trong tâm trí mỗi người. Nhớ không, trước mặt trại là ngọn núi cao ngất. Mùa đông các bạn và Nguyễn leo men theo những con đường mòn dốc đứng trơn trượt dưới mưa, vượt qua bên kia núi. Lên tới đỉnh, chúng tôi dừng lại dưới cây đồng thụ ít phút để nghỉ. Cây đồng thụ -đã có lần mình nói đến trong một bài viết- mùa hè và mùa thu, khi gió đến, nó reo lên bài ngợi ca thiên nhiên và quý tiết. Bây giờ, mùa đông, nó đứng im lặng trong mưa. Chẳng thể ngồi lâu, vì sau lưng là tiếng quát nạt của bảo vệ. Vậy là đứng lên, tiếp bước và trượt dài xuống chân núi bên kia. Rồi từ chỗ rẫy sắn, mọi người tay cầm dao quắm, vai vác cuốc, tỏa ra cùng mưa phùn. Buổi trưa, sau khi nuốt vào bụng chén cơm độn khoai hay mấy khúc sắn luộc, tu nước trong lon gô mang theo, tìm những mô đất, leo lên ngồi như những nấm mộ đá hay những gã chăn cừu thời cựu ước, dưới mưa. Mưa phùn miền Bắc rơi nhẹ như tơ. Thật nhẹ và thật êm. Trong đời, Nguyễn chưa thấy mưa nào như thế. Ở Huế hay Đà Lạt đều không có thứ mưa này. Không tiếng vang, cứ như mơ vậy, mà thấm lạnh tới tim gan. Nó nhẹ nhàng mà cực độc. Tưởng không phải là mưa nữa, chỉ là khói, mà phút chốc đã ướt tóc, ướt vai, hòa vào hơi thở.  Ôi những cơn mưa phùn ngày ấy, còn theo nhau cho hết kiếp.
 
Từ những cơn mưa phùn ấy, tôi đi. Để gặp lại mưa phùn ở đây… Washington DC, Dallas.
 
NXT
 
 

No comments:

Post a Comment