Nguyên
Giác
Đó
là một tuyển tập nhiều người viết. Tên đầy đủ của tuyển tập này là “Những Bài
Viết Về Thơ Đỗ Hồng Ngọc (Đỗ Nghê): Như Không Thôi Đi Được…!” Sách phổ biến
trong dạng e-book, chủ yếu để tặng.
Các
tác giả trong tuyển tập – Ngô Nguyên Nghiễm, Đỗ Trung Quân, Trần Vấn Lệ, Ý Nhi,
Lam Điền, Huỳnh Như Phương, Thu Thủy (Võ Phiến), Lữ Kiều Thân Trọng Minh, Nguyễn
Thánh Ngã, Phat’s Blog, Đỗ Hồng Ngọc, Hồ Đình Nghiêm, Nguyễn Thị Khánh Minh, Nguyễn
Thị Tịnh Thy, Lương Thư Trung, Lê Uyển Văn, Thy Ngọc, Tô Thẩm Huy, Huỳnh Ngọc
Chiến, Phan Chính, Lê Ngọc Trác, Du Tử Lê, Elena Pucillo Truong, Phan Tấn Hải,
Luân Hoán – đưa ra những ghi nhận về thơ Đỗ Nghê, hay dịch một số bài thơ của họ
Đỗ…
Một
cách đa dạng, các nhận định nhiều tác giả đã cho thấy một chân dung đầy đủ hơn
về bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, cũng là nhà thơ Đỗ Nghê. Trong đó, các nhà phê bình
nhìn Đỗ Hồng Ngọc như một người làm thơ và viết văn để hiển lộ ra các tư tưởng
Thiền vốn đã ẩn kín trong dòng chảy vô thường của đời sống, nơi người sống phải
vật lộn với cái chết trong các bệnh viện, nơi đời sống hé lộ trên chiếc bàn sản
khoa, nơi đau khổ không ngưng tiếng khóc nơi các nhà quàn phía sau bệnh viện…
và nơi đó, thơ là chiếc thang tựa vào mây để bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc leo từng bước
lên trời…
Tuyển
tập này thực hiện với hỗ trợ của nhà nghiên cứu Nguyễn Hiền-Đức (thường được bạn
hữu thân mật gọi là anh 5 Hiền), và được Đỗ Hồng Ngọc ghi chú là: “’Như Không
Thôi Đi Được’ là những bài viết về Thơ Đỗ Hồng Ngọc (Đỗ Nghê) do tôi gom góp
như một “Tệp tuyển” (Bản thảo) đọc vui trong những ngày tháng “Về thu xếp lại”
này, một kỷ niệm rất riêng tư và chỉ mong được chia sẻ cùng những bạn bè thân
thiết…”
Nơi
đây, xin phép trích lời các nhà văn trong tuyển tập này.
— Ngô Nguyên Nghiễm: Như không thôi đi được…,
trích một vấn đáp phỏng vấn:
“Ngô
Nguyên Nghiễm: Hình như tản văn viết về y học dưới bút pháp Đỗ Hồng Ngọc lại là
những tác phẩm văn chương tuyệt diệu. Anh có xem cả hai như một khối duy nhất?
Vì sao?
Đỗ
Hồng Ngọc: Hình như trong tôi có sự lẫn lộn nào đó. Thân và tâm đâu có tách rời. Sắc thọ tưởng
hành thức vẫn là một. “Ngũ uẩn giai Không” mà! Tôi không biết cách nào phân biệt
rạch ròi hai lãnh vực này. Tại cái “tạng” nó vậy. Người đọc thơ tôi bảo “đời thường”
quá, không có gì bay bổng tuyệt vời cả, người đọc tạp văn tôi lại bảo cứ như
thơ…” (trang 9)
— Đỗ Trung Quân: Tựa Giữa Hoàng Hôn
Xưa…, nơi đây Đỗ Trung Quân nói tới thơ Đỗ Hồng Ngọc thâm cảm về một Khổ Đế bất
tận trong trần gian, trích:
“Cái
nỗi buồn rực rỡ, nỗi cô đơn tuyệt đẹp ấy của bất cứ ai như anh – Đỗ Hồng Ngọc.
Đời sống vốn nhiều bất trắc đã bớt bất trắc hơn. Khổ đau cũng có thể mọc lên những
bông hoa đẹp đẽ. Tuyệt vọng bỗng có vẻ đẹp riêng. Và đời sống vẫn vĩnh cửu ở một
chiều không gian khác. Như vậy, cuộc đời và nhà thơ – Ai sẽ phải cám ơn ai vậy?”
(trang 13)
— Trần Vấn Lệ: Cảm Nhận Về Thơ Đỗ Hồng
Ngọc… nhà thơ họ Trần đọc thơ họ Đỗ và cảm nhận thấy những trận gió Bấc quê nhà
thổi trên các trang giấy, trích:
“Thơ
Đỗ Hồng Ngọc / Đỗ Nghê không rườm rà, không làm duyên làm dáng, không lập dị.
Thơ ông là Thơ Hồn Nhiên, Thơ Nhã Nhặn, Thơ Ngọt Ngào. Tôi đọc thơ ông rồi úp cuốn sách lên ngực
nghe ấm… Gió Bấc đang thổi ở quê nhà, ngày Xuân đang đến không riêng ai…”
(trang 14)
— Ý Nhi: Đọc Anh, Tôi Chưa
Khi Nào Có Cảm Giác Ngờ Vực… Nhà thơ Ý Nhi nói rằng đọc thơ Đỗ Hồng Ngọc là cảm
nhận các tình cảm rất mực tin cậy. Trích:
“Thơ
Đỗ Hồng Ngọc là thơ của sự chân thành. Từ những bài thơ tình cảm viết cho cha mẹ,
vợ con, bạn bè đến những bài thơ thế sự viết về đất nước, quê hương, từ những
chuyện đời thường đến những chuyện cao siêu, những câu hỏi không lời đáp… Đọc
anh, tôi chưa khi nào có cảm giác ngờ vực. Sau căn bệnh ngặt nghèo, Đỗ Hồng Ngọc
đã viết bài thơ rất hay Xin cảm ơn. Tôi nghĩ, những độc giả của anh cũng cần
nói lời cảm ơn anh, bởi chắc chắn, anh đã góp phần giúp chúng ta thanh lọc tâm
hồn mình, giữa đời sống nhiều bụi bặm này.” (trang 15)
— Lam Điền: Chu Hy Xưa Kia Từng
Gọi Rằng “Như Không Thôi Đi Được”… Nhà phê bình Lam Điền nhìn ngược về chiều
dài hơn nửa thế kỷ làm thơ của Đỗ Hồng Ngọc. Trích:
“…
từ những tác phẩm đầu tiên trình làng hồi thập niên 1960-1970, Đỗ Nghê đã có một
kiểu duyên ngầm trong những bài thơ tượng thành từ sự bùng phát của cảm xúc hay
ông tự chưng cất những suy tư đến cái độ mà Chu Hy xưa kia từng gọi rằng: như
không thôi đi được.” (trang 16)
— Huỳnh Như Phương: Đỗ Hồng Ngọc: Thơ Ẩn
Hiện Giữa Đời… Nhà nghiên cứu văn học họ Huỳnh nhìn thấy tư tưởng Thiền đã nằm
sâu trong thơ họ Đỗ, và dẫn ra 4 dòng thơ rất Thiền. Trích:
“…
ý hướng thiền học và cảm xúc tâm linh đã ươm mầm trong thơ Đỗ Hồng Ngọc từ rất
sớm. Nhưng phải qua những trải nghiệm nào đó về cuộc đời, người ta mới có thể nghĩ
sâu về Tâm kinh như tác giả Nghĩ từ trái tim. Cũng như phải đạt đến một sự hòa
hợp nào đó giữa “ngã” và “tha”, người ta mới viết được những câu thơ như Đỗ Hồng
Ngọc:
Hội An còn ngái ngủ
Mái chùa ôm vầng
trăng
Giật mình nghe tiếng
chổi
Gà gáy vàng trong
sương.”
(trang 24)
— Thu Thủy (Võ Phiến): Thơ Đỗ Nghê… Võ Phiến là một Thái Sơn Bắc Đẩu của văn học,
Nơi đây, Võ Phiến nhìn về các trang thơ họ Đỗ, nơi có nhiều hình ảnh bom đạn,
chết chóc, nhưng nhà thơ lại có văn phong rất mực từ bi ân cần với cuộc đời.
Trích:
“Lời
thơ không chút gì cầu kỳ, đọc lên lại nghe có vẻ quen quen như từng gặp ở đâu
đó. Thế mà những lời giản dị quen thuộc đó lại làm ta xúc cảm, bâng khuâng. Ấy
chính bởi cái vẻ chân thành, cái đôn hậu tỏ từ tấm lòng người thơ. Họ Đỗ nói đến
chiến tranh, nói đến bom đạn, đến chết chóc, đủ mọi thứ đáng khiếp đáng hãi;
nhưng không một lần nào lời thơ có vẻ ác liệt bạo tàn. Không thể tìm ở đâu ra
trên đời này một con người hiền lành hơn.” (trang 29)
— Lữ Kiều Thân Trọng
Minh: Vài
Dòng Sau Một Tập Thơ… Nhà thơ Lữ Kiều cũng là một bác sĩ, bạn học của nhà thơ Đỗ
Hồng Ngọc. Họ quen từ trường Đại học Y Khoa, cùng viết cho báo trường, cùng
chia sẻ các cảm xúc thời quê nhà rất mực sóng gió. Lữ Kiều nói rằng các số báo
trong sân đại học khi thiếu thơ họ Đỗ là một trống vắng lạ lùng. Trích:
“Và
điều quan trọng là anh làm thơ. Thơ anh cũng giống người anh vậy. Hình như
chúng ta chỉ bắt đầu thân nhau, khi cùng làm báo Tình Thương; những bài thơ anh
ký Đỗ Nghê xuất hiện trên tờ báo của trường, những bài thơ, thoạt đầu không gây
một chú ý nào quan trọng. Nhưng về sau, những số báo thiếu thơ anh, cho tôi cái
cảm tưởng trống vắng điều gì đó. Điều gì? Phải chăng là nét đặc thù của thơ
anh. Tôi phải diễn đạt thế nào cho đúng?” (trang 31)
— Nguyễn Thánh Ngã: Viết Gửi Những Cụ
Già Ở Montreal… Họ Nguyễn viết rằng có những bài thơ của họ Đỗ nghe y hệt kinh,
và đặc biệt là bài thơ Đỗ Nghê tặng một em bé sơ sinh nghe tuyệt hảo như một
kinh thơ để thai giáo. Trích như sau:
“Đỗ
Nghê thi sĩ tên thật là Người Cầm Ống Tiêm. Đối tượng Trẻ Sơ Sinh. Trong cái
sát-na rung cảm chàng dám đại diện cho Đời giới thiệu cho “tính bổn thiện” số
phận Con người thông qua ngũ uẩn. Bé Sơ Sinh ơi, Ngươi là đứa bé nào ở không-
thời- gian Từ Dũ-1965 mà diễm phúc vậy. Mới sinh ra liền được nghe Kinh Bát
Nhã? Tôi lăn lộn ba đường sáu nẻo giờ mới được nghe lẫn lộn giữa ngộ -mê dày cộp.
Sao có thể hiểu được điều gì. Ngươi mới là được nghe cái nghe tuyệt hảo, cái
nghe nguyên vẹn gần như là thai giáo- một thứ kinh thơ bất tuyệt giữa chào đời…
Trân trọng chào em
mời em nhập cuộc
chúng mình cùng chung
số phận
con người…” (trang 50)
— Nguyễn Thị Khánh
Minh:
Đỗ Hồng Ngọc, Lang Thang Nghìn Dặm Trái Tim… Nhà thơ nữ họ Nguyễn nói rằng các
trang sách của họ Đỗ không để đọc một lần, vì trong thơ họ Đỗ là Kinh Phật, là
Thiền… Trích:
“Và
ngay lúc này, khi tuổi đang vào lúc đi xuống đồi ngắm mặt trời hoàng hôn, qua
những đớn đau bệnh tật, tôi tập tành tu dưỡng, đến với Thiền Và Sức Khỏe, để học
biết được Thiền định qua cách thở. Đến với Nghĩ Từ Trái Tim, xem thiền giả kia
lắng nghe mình ra sao sau khi qua đường ranh sống chết, và trái tim đã mở con
đường dẫn người đến Tâm Kinh Bát Nhã.
“Ngẫm nghĩ rồi nghe ngóng. Nghiền ngẫm rồi ngập ngừng…”. Tôi hình dung
được nỗi miệt mài tìm hiểu nghiêm túc này. Và đó là điều cần để đi vào hành
trình gian nan ấy. Cái gian nan tủm tỉm một mình… thiền hành mỗi phút mỗi giây.
Cũng như những lúc say đọc Gươm Báu Trao Tay. Viết, luận về kinh với một văn
phong như thế thật đã kéo được người đọc ngồi lại với mình để nghe như to nhỏ
chuyện trò. Ông dùng hình ảnh trong Chinh Phụ Ngâm, Chín tầng gươm báu trao tay
/ Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh… ví von thanh gươm báu Kim Cang trao
cho người thiện tâm để truyền bá đạo giải thoát chặt đứt mọi khổ nạn kiếp người.
Với những sách như thế đâu chỉ đọc một lần.” (trang 75)
— Nguyễn Thị Tịnh
Thy:
Yếu Tố Bất Ngờ Trong Bài Thơ Bông Hồng Cho Mẹ…. Về một bài thơ hay dị thường,
và rất ngắn, chỉ 4 dòng, của họ Đỗ. Trích:
“Bông
hồng cho Mẹ của bác sĩ – thi sĩ Đỗ Hồng Ngọc là một bài thơ hay về mẹ. Hay đến
mức nào? Hay đến mức lặng người, lạnh người. Hay đến mức phải gọi đó là tuyệt
tác. Và tuyệt tác này xứng đáng được hiện diện trong tang lễ của những bà mẹ. Bởi
vì Bông hồng cho Mẹ là một cách viếng mẹ, khóc mẹ vô cùng đặc biệt – đầy uyên áo
nhưng rất đỗi giản đơn. Bài thơ được viết theo thể tứ tuyệt ngũ ngôn, chỉ vẻn vẹn
bốn câu, hai mươi chữ nhưng đủ để khiến người đọc có nhiều phức cảm buồn vui,
thấu đạt lẽ sinh tử, cảm ngộ điều được mất… để có thể tỉnh thức, an nhiên trước
sự nghiệt ngã của quy luật sinh ly tử biệt.
“Con cài bông hoa trắng
Dành cho mẹ đóa hồng
Mẹ nhớ gài lên ngực
Ngoại chờ bên kia
sông…” (trang
85)
— Lê Uyển Văn: Đôi Dòng… nơi đây,
nhìn thấy trong thơ họ Đỗ như hoa nở muộn bên trời hanh nắng. Trích:
“Thật
sự, không có gì thâm sâu, bí hiểm cả, chỉ là niềm cô đơn thầm kín, nỗi buồn rực
rỡ của xưa xa nhưng làm cho đời sống “bớt bất trắc hơn”, “tuyệt vọng bỗng có vẻ
đẹp riêng” như bông hoa nở muộn mằn bên trời hanh nắng.” (trang 95)
— Thy Ngọc: Bác Sĩ Nhà Thơ… gọi
thơ họ Đỗ là một hồn thơ đích thực. Trích:
“…
tôi hiểu sau Giữa hoàng hôn xưa của 1994 này, sau bài Đâu có phải tự nhiên ghi
năm 1983 ở cuối tập, sẽ còn những tập thơ tiếp theo, dù chuyên môn của anh đã
choán hết ngày, giờ, chỉ mới đọc một tập thơ này đã gặp một tâm hồn thơ đích thực.”
(trang 102)
— Hồ Đình Nghiêm: Ngọc Hồng… Nhà văn họ
Hồ từ Canada gửi lời ca ngợi thơ họ Đỗ. Trích:
“Và
hôm nay, tôi cảm ơn anh Đỗ Hồng Ngọc, ngoài việc “cứu nhân độ thế” với vai trò
một y sĩ, thì tay trái của anh (tạm gọi vậy) đã không mỏi mòn viết nên những
dòng chữ đẹp.” (trang 104)
— Hai Trầu Lương Thư
Trung:
Tuổi Già Thử Đọc “Thơ Ngắn Đỗ Nghê”…
nhìn thấy đọc thơ họ Đỗ y hệt được thi sĩ nắm tay đi qua một dòng sông đời.
Trích:
“Đọc
bài thơ “Mới hôm qua thôi”, tác giả dưới con mắt của một vị thầy thuốc và dưới
con mắt của một nhà nghiên cứu về đạo Phật, và dưới con mắt của một người
thương người cùng chất lãng mạn của một nghệ sĩ, thi sĩ Đỗ Nghê nắm tay chúng
ta và anh đã dắt chúng ta đi qua một dòng sông đời trôi qua mấy mươi năm rồi với
biết bao gian truân, vinh nhục, được và mất rồi ra chỉ còn là “mênh mông” với
“mênh mông…” thôi!!!. Chẳng còn lại gì! Chẳng còn lại chút gì!” (trang 141)
— Tô Thẩm Huy: Thơ Ngắn Đỗ Nghê…
Thơ 5 chữ của ho Đỗ nghe như Kinh Kim Cang… Trích:
“Chỉ
năm chữ, mà gói cả tư tưởng của Kim Cang Bát Nhã kinh. Năm chữ hiền lành. An
nhiên, tự tại. Năm chữ đã biến cái phù du ngắn ngủi của thân phận con người
thành vĩnh cửu. Đã biến Thơ Ngắn Đỗ Nghê thành tiếng thơ dằng dặc đến vô cùng.”
(trang 152)
— Huỳnh Ngọc Chiến: Một Chút Lá Rơi…
Nhà phê bình họ Huỳnh nói rằng thơ họ Đỗ đầy tâm sự. Trích:
“Anh
có làm thơ đâu! Anh đang ngồi tâm sự. Với chính mình, với đứa con gái yêu muôn
đời vẫn “mãi mãi tuổi đôi mươi”! Những vần thơ bình dị, quá đỗi bình dị kia
nghe mênh mang một nỗi đau rưng rức. Dường như chính những điều bình dị nhất của
thơ lại dẫn con người đi vào những cảm xúc mênh mông nhất. Nhưng những nỗi đau,
những sự mất mát trong đời có khi là cơ duyên để ta hiểu cuộc đời hơn.” (trang
156)
— Phan Chính: Bên Bờ Mây Lãng
Đãng… Thơ Đỗ Hồng Ngọc còn mang theo ánh sáng nhà Phật, trích:
“Anh
viết “Nhẹ như không có/ Có mà như không…”, hay là “Thực chẳng dễ dàng/ Sống
trong cái chết/ Và chết trong cái sống…”. Chỉ có ở người ngộ được cái giá trị
cuộc sống nhân sinh theo triết lý Phật giáo trong cõi vô vi tự tại. Những tập
sách Nghĩ từ trái tim, Như thị, Cành mai sân trước, Gió heo may đã về… lại liên
tiếp tái bản nhiều lần mà vẫn được đón nhận, là sao? Bởi trong đó không những
mang cái tư tưởng Phật học, Thiền học mà sự biểu cảm chân thực của một tâm hồn
thơ nên đã dễ dàng chạm đến trái tim của con người. Cũng không thể thoát ly khỏi
phiền não trong cuộc sống rộn ràng, Đỗ Nghê bất chợt nhận ra mình “Lá chín
vàng/ lá rụng/ về cội/ Em chín vàng/ chắc rụng về anh”. Và cũng không khỏi những
vướng bận theo vòng hệ lụy: “Hoa vàng đã rụng đầy sân vắng/ Tình cũng ngùi phai
theo tháng năm…” (trang 160)
— Lê Ngọc Trác: Nắng Vàng Thơm Quê
Nhà… Nhà phê bình họ Lê nhìn thấy nắng vàng trên trang giấy họ Đỗ. Trích:
“Chúng
tôi nghe “nắng vàng thơm quê nhà” trong thơ Đỗ Hồng Ngọc. Nắng. Gió. Thấm đẫm
yêu thương trong cuộc đời này khi mùa xuân đang đến gần với con người và đất trời…”
(trang 167)
— Du Tử Lê: Đỗ Hồng Ngọc, Thơ Và
Thiền Song Sinh? Có phải thơ họ Đỗ cũng là Thiền:
“Tôi
thấy trong Đỗ Nghê không chỉ có một thi sĩ mà, thi sĩ ấy, còn song sinh với một
thiền gia nữa. Như thiên/địa, nhật/nguyệt, tuy hai mà, thực ra cũng chỉ là một
thôi.” (trang 179)
— Luân Hoán: Đỗ Nghê… Nhà thơ Luân Hoán từ Canada gửi thơ về tặng
nhà thơ Đỗ Nghê, trích 2 đoạn trong bài như sau:
“ông anh mang tên thật
lấp lánh ngọc màu hồng
hẳn ông muốn sống mãi
bên cạnh những mỹ
nhân
về ý nghĩa bút hiệu
tôi nghĩ hoài không
ra
Nghê là một linh vật
trên đỉnh thờ trong
nhà?”
(trang 199)
— Phan Tấn Hải: Dịch thơ “Bông Hồng
Cho Mẹ”… Bài thơ của Đỗ Hồng Ngọc chỉ có
4 dòng, ghi hình ảnh ngày Lễ Vu Lan, và nhà báo họ Phan đã dịch sang tiếng Anh.
Bản gốc và bản dịch như sau.
Bông
hồng cho Mẹ
Con cài bông hoa trắng
Dành cho mẹ đóa hồng
Mẹ nhớ gài lên ngực
Ngoại chờ bên kia
sông…
English
translation:
A
rose for Mom
I
put on myself a white rose
and
give Mom a red one
Mom,
be sure to put it on a lapel
Grandma
is waiting at the other shore of the river…” (trang 191)
Tất
cả các bài trong tuyển tập E-book này đã đăng rải rác trên trang nhà:
https://www.dohongngoc.com/
Nơi
đây độc giả có thể đọc nhiều hơn, kể cả nhiều bài trong nhiều thể loại.
NG
PTH
No comments:
Post a Comment